Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2024

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI:23/9/2024 - Long Đỗ


Kim Jong-un lại gọi Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp
Hôm 21 tháng 9, tờ Joongang Ilbo của Hàn Quốc đưa tin rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gần đây lại gọi Trung Quốc là “kẻ thù truyền kiếp” và đã chỉ đạo các nhà ngoại giao của Bình Nhưỡng tại Bắc Kinh “không cần nhìn sắc mặt Trung Quốc”.Các nhà phân tích của báo này cho rằng, điều này có thể liên quan đến việc gần đây Bắc Kinh tăng cường đàn áp nạn buôn lậu từ Triều Tiên, và thậm chí cả những vật phẩm mà ông Kim Jong-un sử dụng cũng đã bị tịch thu.
<!>
Một số nguồn tin từ Triều Tiên cho biết, có vẻ như đã xuất hiện hiện tượng bất thường giữa chính phủ Trung Quốc và Triều Tiên, khi ông Kim Jong-un gần đây đã gọi Trung Quốc, quốc gia đang gia tăng áp lực lên Triều Tiên, là “kẻ thù truyền kiếp”, và không hề che giấu sự bất mãn đối với Bắc Kinh, theo Thông tấn xã trung ương (CNA) của Đài Loan.

Vào tháng 7 năm nay, ông Kim Jong-un cũng ra lệnh cho các nhà ngoại giao Triều Tiên thường trú tại Trung Quốc “không cần nhìn sắc mặt Trung Quốc”.

Một trong những nguồn tin cho biết: “Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tổ chức tiệc chiêu đãi kỷ niệm 97 năm ngày thành lập Quân đội Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 31/7 năm nay, nhưng tùy viên quân sự Triều Tiên ở Trung Quốc đã không tham dự”

Có thông tin cho rằng chính quyền Trung Quốc đã gửi thư mời tới các tùy viên quân sự từ nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm cả Triều Tiên và Hàn Quốc cũng được mời.

Nhiều quốc gia lớn, bao gồm cả Hàn Quốc, đều cử quân nhân tham dự, nhưng Triều Tiên, là đồng minh của Trung Quốc, lại không cử người tham gia.

Không chỉ ở Trung Quốc, Triều Tiên cũng không cho phép các nhân viên ngoại giao của mình tham gia các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập quân đội Trung Quốc được tổ chức tại nhiều đại sứ quán Trung Quốc ở nước ngoài.

Tờ Joongang Ilbo không đề cập đến vấn đề cụ thể mà ông Kim Jong-un đã gọi Trung Quốc là “kẻ thù” trong hoàn cảnh nào, nhưng có thể điều này liên quan đến việc gần đây Bắc Kinh đã tăng cường kiểm tra nạn buôn lậu từ Triều Tiên, thậm chí cả những vật phẩm mà ông Kim Jong-un sử dụng cũng bị tịch thu.

Han Gi-beom (韩基范), thành viên ủy ban nghiên cứu khách mời thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Asan của Hàn Quốc và là cựu phó giám đốc cơ quan tình báo nước này, cho biết vào tháng 3 năm nay rằng, đầu năm 2015, ông Kim Jong-un nói rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản là kẻ thù trăm năm, nhưng “Trung Quốc là kẻ thù 5.000 năm”.

Ông Han cũng cho biết, ông Kim từng chỉ thị: “Chúng ta có thể tồn tại mà không cần Trung Quốc, vì vậy đừng nhượng bộ dù là việc nhỏ”.

Ông Han nói rằng vào tháng 7 năm 2014, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người lên nắm quyền vào năm 2012, đã dẫn đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Hàn Quốc trước khi đến thăm Triều Tiên. Điều này bị nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un coi là một “hành động phản bội”.

LHQ kêu gọi thông qua “Hiệp ước tương lai”, cơ hội duy nhất để “thay đổi tiến trình nhân loại”


Hôm nay, 22/09/2024, lãnh đạo của 193 quốc gia thành viên sẽ bỏ phiếu thông qua “Hiệp ước tương lai” để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, trong bối cảnh nhân loại đang bị thử thách bởi chiến tranh, nghèo đói và tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên Hiệp ước này vẫn đứng trước nguy cơ bị Nga phủ quyết.

Từ New York, thông tín viên RFI Carrie Nooten cho biết cụ thể :

“Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres muốn biến hiệp ước này thành di sản trong nhiệm kỳ của mình. Đối với ông, Hiệp ước Tương lai là cơ hội duy nhất để “thay đổi tiến trình của nhân loại”. Nhưng do phải đàm phán nhiều lần để đạt được sự đồng thuận, 193 quốc gia với tầm nhìn khá phân cực, đã làm suy yếu nội dung của văn bản. Ban đầu, văn bản đã đề ra nhiều cam kết đối với việc cải cách Hội đồng Bảo an, hoặc cải cách các tổ chức tài chính toàn cầu, vốn là hai điều mà các quốc gia ở phía Nam bán cầu yêu cầu mạnh mẽ. Nhưng cuối cùng, văn bản đạt được rất ít tiến bộ cụ thể trong nhiều lĩnh vực, như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bảo vệ dân thường ở vùng chiến sự hoặc giải trừ vũ khí hạt nhân.

Do đó, không có cuộc cách mạng nào về chủ nghĩa đa phương. Tuy vậy, các nhà ngoại giao nói rằng họ cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy rằng, bất chấp tình hình hiện tại, các nước thành viên đã đạt được sự đồng thuận. Và ngay cả khi Hiệp ước này không mang tính “ràng buộc”, tức là không có gì bắt buộc các nước phải tuân theo, tất cả đều đồng ý rằng nó bao hàm một “cam kết đạo đức” từ phía các quốc gia. Đến sáng nay vẫn còn một chút hồi hộp khi Matxcơva tỏ ra không hài lòng với văn bản này và muốn thấy “nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ” được đưa vào văn bản. Có thể Nga sẽ ngăn cản việc thông qua Hiệp ước ... dù ít có khả năng Nga muốn bắt đầu tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ với việc 190 quốc gia phản đối mình.”

Israel và Hezbollah đánh trả dữ dội, Liên Hiệp Quốc cảnh báo sắp xảy ra thảm họa »

 
Quân đội Israel và lực lượng Hezbollah Liban hôm nay, 22/09/2024, đã đọ súng dữ dội. Phong trào Hồi Giáo hệ phái Shia ở Liban đã dội mưa tên lửa xuống phía bắc Israel, trong khi không quân Nhà nước Do Thái oanh tạc miền nam Liban. Liên Hiệp Quốc cảnh báo những đòn trả đũa qua lại giữa hai phía đang đẩy Trung Đông đến bờ « thảm họa ».

Theo AFP, sáng sớm hôm nay, quân đội Israel cho biết đã cho dội bom các mục tiêu của Hezbollah ở Liban sau khi phong trào Hồi giáo này đã nã hơn 100 tên lửa nhằm vào các khu dân cư ở phía bắc Israel gây ra nhiều đám cháy lớn. Lực lượng Hezbollah khẳng định đã bắn phá các cơ sở sản xuất quân sự của Israel « trong đợt trả đũa đầu tiên » sau vụ nổ hàng loạt các thiết bị nhắn tin và bộ đàm trong hai ngày thứ Ba 17/09 và thứ Tư 18/09.

Trên mạng Telegram, lực lượng Hồi giáo cực đoan được Iran hậu thuẫn này tuyên bố đã phóng hàng chục tên lửa nhằm vào căn cứ không quân Ramat David, để trả đũa « các cuộc tấn công liên tục của Israel nhắm vào Liban ». Theo Reuters, căn cứ không quân này là mục tiêu cách xa biên giới Liban nhất với Israel của phe Hezbollah tính từ đầu cuộc xung đột.

Giao tranh dữ dội buộc chính quyền Israel phải ra lệnh đóng cửa trường học cho đến 18 giờ ngày thứ Hai 23/09, hạn chế các cuộc tụ tập tại nhiều vùng phía bắc, trong khi hàng trăm người dân Israel phải tị nạn tại nhiều điểm trú ẩn.

Căng thẳng leo thang khi nhiều nhóm vũ trang thân Iran tại Irak cho phóng drone tấn công Israel. Điều phối viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc phụ trách Liban, bà Jeanine Hennis-Plasschaert hôm nay đưa ra báo động, cho biết khu vực đang « bên bờ xảy ra thảm họa » và « không có một giải pháp quân sự nào có thể làm cho bên này hay bên kia được an toàn hơn ».

Xung đột gia tăng ở biên giới Israel và Liban buộc thủ tướng Liban Najib Mikati phải hủy chuyến đi New York, dự phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Đối diện với « tính chất khó dự đoán của xung đột đang diễn ra », Washington hôm qua thúc giục các công dân Mỹ tại Liban rời khỏi nước này.

Những đòn trả đũa qua lại này diễn ra gay gắt sau loạt vụ nổ các thiết bị nhắn tin của Hezbollah mà Israel bị quy là thủ phạm, làm thiệt mạng 39 người và gần 3.000 người khác bị thương. Israel còn giángtiếp một đòn đau cho Hezbollah, khi oanh kích một tòa nhà ở phía nam Beyruth, tiêu diệt bộ tư lệnh lực lượng tinh nhuệ của Hezbollah. Tổng cộng có 45 người chết trong vụ oanh kích này, trong đó có 16 thành viên đơn vị Radwan.

Nga tuyên bố không tham gia hội nghị thứ hai về hòa bình cho Ukraina


Hôm qua, 21/09/2024, Nga chính thức tuyên bố không tham dự Hội nghị thứ hai về hòa bình cho Ukraina, dự kiến diễn ra vào tháng 11/2024. Ý tưởng mời Matxcơva tham gia Hội nghị này được tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky, đưa ra sau Hội nghị hòa bình đầu tiên được tổ chức tại Thụy Sĩ, với sự tham gia của 92 nước.

Thông cáo của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova, được AFP dẫn lại, giải thích lý do chối từ : ‘‘Thượng đỉnh này có cùng các mục tiêu, đó là cổ vũ cho kế hoạch đầy ảo tưởng của (tổng thống Ukraina) Zelensky như cơ sở để giải quyết xung đột, đạt được sự ủng hộ của đa số các nước trên thế giới và sử dụng điều này để gửi đến Nga tối hậu thư buộc phải đầu hàng’’.

Theo báo chí Ukraina, hồi cuối tháng 08/2024, tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết đàm phán đang diễn ra với một số nước như Ả Rập Xê Út, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sĩ về việc tổ chức hội nghị hòa bình lần thứ hai. Báo chí Ấn Độ cho hay, trong chuyến công du đầu tiên của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Kiev cuối tháng này, lãnh đạo Ukraina đã đề nghị Ấn Độ đăng cai tổ chức hội nghị thứ hai.

Tuyên bố từ chối được phía Nga đưa ra trước chuyến đi của tổng thống Zelensky với Washington vào tuần tới. Nhân dịp này, lãnh đạo Ukraina sẽ giới thiệu kế hoạch hòa bình với tổng thống Joe Biden và phó tổng thống, ứng viên tổng thống đảng Dân Chủ Kamala Harris, và cựu tổng thống Donald Trump, ứng viên đảng Cộng Hòa.

Hội nghị quốc tế đầu tiên về hòa bình cho Ukraina được tổ chức tại Burgenstock, Thụy Sĩ, giữa tháng 6/2024. 84 nước đã ký kết vào bản tuyên bố chung khẳng định ‘‘nguyên tắc chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, trong đó có Ukraina’’, lên án việc ‘‘quân sự hóa an ninh lương thực’’, đồng thời kêu gọi ‘‘trao trả trẻ em bị trục xuất sang Nga và trả tự do cho tù binh’’.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, cơ hội thúc đẩy hòa bình cho Ukraina sau hội nghị lần thứ nhất không nhiều. Ngoài Nga không được mời, Trung Quốc không tham gia, nhiều cường quốc phương Nam, như Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Mêhicô, Ả Rập Xê Út và Nam Phi, tuy tham dự hội nghị nhưng không ký thông cáo chung. Cho đến nay lập trường của Matxcơva vẫn không thay đổi. Trong lúc, Ukraina đòi hỏi nền hòa bình ‘‘công bằng’’, với việc các lực lượng Nga rút khỏi lãnh thổ nước này, điện Kremlin khẳng định sẽ chỉ chấp nhận đàm phán chừng nào mà Ukraina từ bỏ chủ quyền đối với 5 vùng miền đông và đông nam mà Nga đã chiếm toàn bộ hay một phần.

Ukraina nói oanh kích một trong ba kho đạn lớn nhất của Nga


Chính quyền Matxcơva ngày 21/09/2024 ban hành « tình trạng khẩn cấp » tại thành phố Tikhoretsk, tây nam nước Nga và cho sơ tán người dân sau khi Ukraina khẳng định đã dùng drone phá hủy một kho đạn dược.

Từ Kiev, thông tín viên đài RFI, Cerise Sudry Le-Du, tường thuật :

"Một vụ nổ lớn kéo dài nhiều phút và sau đó nhiều tiếng nổ vang lên. Trên mạng xã hội, nhiều đoạn video cho thấy một đám cháy khổng lồ ở Tikhoretsk, tây nam nước Nga. Theo quân đội Ukraina, nhiều drone có lẽ đã oanh kích một kho đạn, « một trong ba căn cứ cất trữ lớn nhất » tại Nga và là một « địa điểm chủ chốt » cho hoạt động hậu cần của quân đội Nga.

Chính quyền Nga chưa xác nhân mục tiêu, nhưng dù vụ nổ không gây ra nạn nhân nào, thống đốc vùng đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại địa phương để tổ chức hỗ trợ người dân.

Cuộc tấn công bằng drone nhằm vào các kho quân sự Nga dường như là một chiến lược mới của quân đội Ukraina. Trong cùng một đêm, thành phố Tver, phía tây nước Nga cũng cho biết là đã bị tấn công nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Bộ Quốc Phòng Nga khẳng định đã bắn hạ 101 drone của Ukraina trong đêm. Hôm thứ Tư, 18/09, tại thành phố Toropets, một bộ phận người dân của thành phố đã được sơ tán sau một đám cháy lớn."

Hãng tin AFP dẫn thông báo của chính quyền vùng Kharkiv đăng trên mạng Telegram, cho biết trong đêm qua, Nga đã oanh kích nhiều khu dân cư khiến 21 người bị thương, trong đó có ba trẻ em tuổi từ 8-17.

Quân đội Nga trước đó đã bắn phá nhiều cơ sở năng lượng, « hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp trong khu tổ hợp công nghiệp – quốc phòng » tại Ukraina. Bộ Quốc Phòng Nga còn cho biết thêm là phá hủy nhiều kho vũ khí và một tàu vận chuyển vũ khí cho Ukraina.

Bộ Tứ - QUAD bày tỏ quan ngại về Biển Đông, lên án chương trình tên lửa Bắc Triều Tiên


Kết thúc cuộc họp thượng đỉnh Đối thoại An ninh Bốn bên – QUAD, lãnh đạo bốn nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ trong thông cáo chung ngày 21/09/2024, bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông, lên án Bắc Triều Tiên thử tên lửa, đồng thời cam kết mở rộng đối tác an ninh hàng hải.

Đúng như những gì giới truyền thông đã đưa từ hôm qua, tại cuộc họp thượng đỉnh, lãnh đạo bốn nước đã nhất trí tăng cường quan hệ đối tác giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển, hợp tác các hoạt động hậu cần quân sự. Điểm mới trong thượng đỉnh lần này là bốn bên cam kết mở rộng hợp tác y tế, chi 150 triệu đô la cho chương trình tiêm ngừa HPV, sàng lọc và điều trị chứng bệnh ung thư tử cung cho vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Trong thông báo chung sau cuộc họp thượng đỉnh được tổ chức tại tư dinh của tổng thống Joe Biden, ở Wilmington, bang Delaware, các nhà lãnh đạo Úc, Mỹ, Nhật và Ấn Độ bày tỏ « quan ngại về tình hình tại các vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông ».

Tránh nêu đích danh Trung Quốc, bốn lãnh đạo này lên án « những hành động cưỡng bức và hăm dọa » ở Biển Đông. Bằng những lời lẽ chung chung giống như bao dịp khác, một lần nữa, họ khẳng định khu vực này vẫn phải « tự do và mở rộng », khi viện dẫn đến những « thách thức » địa chính trị.

Tuy nhiên, theo AFP, trong cuộc họp lẽ ra là kín và giới báo chí không được tiếp cận, nhưng do micro vẫn được mở trong một thời gian ngắn, tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định với thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, thủ tướng Úc Anthony Albanese và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rằng, « Trung Quốc tiếp tục hành xử hung hăng, thử thách chúng ta trên toàn khu vực, và điều này thấy rõ ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Biển Nhật Bản, Nam Á và eo biển Đài Loan ».

Ông Biden nói thêm là tin rằng chủ tịch Trung Quốc « Tập Cận Bình đang tìm cách tập trung vào các thách thức kinh tế trong nước và giảm thiểu sự hỗn loạn trong các mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc », và theo quan điểm của ông, lãnh đạo Trung Quốc « đang tìm cách mua cho mình một số không gian ngoại giao để theo đuổi một cách hung hăng các lợi ích của Trung Quốc ».

Ngoài ra, thông cáo chung của Bộ Tứ còn lên án các cuộc thử nghiệm tên lửa của Bắc Triều Tiên, và thể hiện mối « quan ngại sâu sắc về việc nhiều quốc gia tăng cường hợp tác quân sự » với Bình Nhưỡng. AP nhắc lại, Hoa Kỳ đã cho công bố các phát hiện tình báo cho thấy Bắc Triều Tiên và Iran đã cung cấp tên lửa đạn đạo cùng nhiều loại vũ khí khác để Nga sử dụng trên chiến trường Ukraina. Điều này càng khẳng định xu hướng Matxcơva thắt chặt quan hệ quân sự với Bình Nhưỡng và Teheran.

Nhập cư : Đức và Pháp hối thúc Liên Âu đàm phán với Anh Quốc

Ngày 20/09/2024, trong một thư ngỏ chung gửi đến Ủy Ban Châu Âu, bộ trưởng Nội Vụ Pháp vừa mãn nhiệm, Gérald Darmanin cùng với đồng nhiệm Đức, Nancy Faeser, đã đề nghị Liên Âu đàm phán một thỏa thuận mới về di dân với Anh Quốc. Cả Paris và Berlin đều mong muốn đẩy mạnh cuộc chiến chống nhập cư bất hợp pháp.

Thông tín viên đài RFI tại Bruxelles, Laxmi Lota cho biết thêm :

« Brexit đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự liên kết các chính sách di dân trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu », hai bộ trưởng Nội Vụ Đức và Pháp viết. Họ yêu cầu Ủy Ban Châu Âu nhanh chóng đàm phán một thỏa thuận với Luân Đôn.

Tân thủ tướng Anh Quốc cho biết ông sẵn sàng đẩy nhanh quá trình xử lý các hồ sơ xin tị nạn và tăng cường cuộc chiến chống những kẻ đưa đường. Hồi đầu tháng Chín này, ít nhất có 12 di dân đã bị thiệt mạng ngoài khơi nước Pháp khi cố gắng đến bờ biển nước Anh.

Trong giai đoạn tháng Giêng và tháng Sáu, hơn 12 ngàn người đã vượt biển Manche từ nước Pháp. Con số này tăng thêm 17% so với cùng kỳ năm 2023. Chính phủ Anh tiền nhiệm đã từng đúc kết một thỏa thuận với Rwanda để trục xuất những người xin tị nạn về đó. Nhưng chính sách này đã bị bỏ rơi khi Công Đảng lên cầm quyền vào tháng 07/2024.»

Không có nhận xét nào: