Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2024

Hết Nghệ Sĩ Giờ Đến Phong Trào Đấu Tố…Học Sinh! Không Khí Độc Tài CS, Càng Ngày Càng Ngột Ngạt! và Kính Chuyển Tin Thế Giới Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Dưới bàn tay cai trị của Công An, kinh hoàng gây phong trào đấu tố! Nam học sinh "không thích Đảng" - Xã hội ngột ngạt bởi “nhà nước” mở làn sóng đấu tố online!(Trường đại học Fulbright và nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh bị dư luận viên tấn công dữ dội) -Vụ nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh, cựu thí sinh của chương trình Đường lên đỉnh Olympia, bị tấn công dữ dội trên mạng xã hội, được những người quan sát tình hình cho rằng, là một trong hàng chuỗi các vụ tấn công, đấu tố trên mạng thời gian gần đây, nhằm triệt tiêu bất cứ tư tưởng, hình ảnh, biểu tượng nào đi ngược lại với lợi ích của chính thể CS Việt Nam hiện tại.
<!>

Cựu thí sinh Olympia chia sẻ sự đồng cảm
Ông Võ Ngọc Ánh, một người từng làm báo ở Việt Nam, bình luận với RFA từ nước Mỹ rằng, đối với một học sinh đặc biệt như Quang Vinh, khi em này dám nói ra suy nghĩ độc lập của mình, đáng ra nên được khích lệ. Cho dù quan điểm em có thể chưa đúng, chưa chuẩn mực thì các nhà chức trách, cũng nên khuyên giải một cách nhẹ nhàng hơn, là bị cả chính quyền và công an vào cuộc điều tra; cộng đồng mạng dồn dập tấn công, đấu tố…

Một sinh viên hiện đang ở TPHCM, yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn, bình luận với RFA rằng nhóm người chỉ trích Quang Vinh vô ơn, thật ra họ đã cố tình đánh tráo khái niệm giữa Đất nước, dân tộc và Đảng. Họ đang đồng nhất cả ba khái niệm thành một, ngoài ra:
“Thứ hai, quyền tự do ý kiến và bày tỏ quan điểm không phân biệt đối tượng, bất kỳ ai không phân biệt đều có quyền này, vậy tại sao muốn nói về lịch sử lại phải cần tiêu chuẩn của “cộng đồng mạng”? Một “tiến sĩ luật” giảng bậy có đáng tin hơn một đứa trẻ nói thật?
Thứ ba, trong lịch sử dân tộc không thiếu những con người có lòng với đất nước và dân tộc, dù bất kể tuổi tác, quan trọng là bạn trẻ nhận thức được vấn đề và lên tiếng cho những điều đó, đấy là điều đáng quý.”

Nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng, cũng từng tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia khoảng 20 năm trước, thể hiện sự đồng cảm với sức ép hiện nay mà Quang Vinh đang phải chịu. Với kinh nghiệm của một người từng có hoàn cảnh tương tự như Quang Vinh, ông Dũng nhận định:
“Cái tư tưởng thì mình cứ giữ, không phải là mình không thể hiện quan điểm nhưng mà mình có thể thể hiện quan điểm trong các mảng khác mà cũng đang nhức nhối trong xã hội như là giáo dục, y tế, hay cả về vấn đề của chủ quyền đất nước… Có nhiều điều để thể hiện quan điểm mà tránh gặp sự đàn áp tức thời từ nhà cầm quyền.”
Dù đã viết lại dòng trạng thái bày tỏ xin lỗi với phát ngôn của mình nhưng truyền thông Nhà nước trong ngày 4/9 vẫn tiếp tục đăng những bài viết dẫn chứng sự phẫn nộ của cư dân mạng đối với Quang Vinh. Tờ VTCNews trích lời một số tài khoản bày tỏ sự bức xúc như: "Lời xin lỗi ấy liệu có đến từ tâm, hay do áp lực từ cộng đồng mạng ép buộc phải nói ra?";

"Không phải ai học hành tử tế cũng ''thành người'', không phải cứ xin lỗi là đổi thành "không có gì".
Dưới thời công an, đấu tố trên mạng ngày càng tăng!
Bất kỳ ai, dù vô tính hay cố ý, thể hiện quan điểm hay xuất hiện cùng các dòng trạng thái đi ngược lại với lợi ích của Đảng Cộng sản Việt Nam, đều có thể trở thành mục tiêu bị đấu tố, công kích trên không gian mạng.
Điển hình như vụ vợ chồng ca sỹ Ngọc Mai - Quốc Nghiệp để lọt hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ trong một video clip sinh hoạt gia đình, hay loạt các văn nghệ sỹ từng biểu diễn ở hải ngoại dưới lá cờ vàng phải lên tiếng xin lỗi hay vụ trường đại học Fulbright bị đấu tố là “ổ làm cánh mạng màu”...

Ông Nguyễn Viết Dũng cho rằng, không khí xã hội Việt Nam trở nên ngột ngạt và bị đẩy đến mức cực đoan vì một loạt các vụ đấu tố mạng ồ ạt trong thời gian qua.
Theo quan sát của một sinh viên giấu tên, trong ba tháng gần đây, có hàng loạt vụ tấn công mạng nhằm vào các mục tiêu như đại học Fulbright, các nghệ sĩ Việt Nam có hình ảnh liên quan đến lá cờ của Việt Nam Cộng Hoà, hay gần nhất xu hướng vẽ cờ đỏ sao vàng trên mái nhà, và bôi nhọ công khai, xúc phạm bất kỳ ai có liên quan đến lá cờ vàng ba sọc đỏ, những hành động này diễn ra trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội, đặc biệt là trên TikTok:
“Thực chất những hành động này được tiến hành nhằm mục đích chia rẽ hòa hợp dân tộc, khơi gợi hận thù dân tộc, và gây mâu thuẫn ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Đài Loan. Đằng sau những lực lượng thực hiện hoạt động này là những nhóm lợi ích gắn chặt quyền lợi với việc chia rẽ dân tộc và khơi gợi hận thù Việt Nam và Hoa Kỳ, hưởng lợi từ những việc này.”

Lực lượng đấu tố tích cực nhất là các nhóm dư luận viên thân đảng. Theo ông Võ Ngọc Ánh, đội ngũ dư luận viên làm việc tích cực để duy trì cái định hướng của cái xã hội hiện nay. Họ có kế hoạch tấn công rất là bài bản và những điều họ nói rất là cũ nhưng vẫn được chia sẻ rộng rãi bởi mạng lưới của mình. Người nào có đủ nhận thức nghe thì người ta cảm thấy buồn cười và khinh bỉ cho những chuyện đó. Tuy nhiên, với phần đông người dân hiện nay, theo ông Ánh, họ rất sợ hãi trước những đợt tấn công mạng từ lực lượng dư luận viên:
“Người ta dùng cái nỗi sợ để củng cố cái xã hội này, chứ không phải khích lệ những sự khác biệt để tìm ra con đường phát triển đúng hơn, phong phú hơn. Người ta chỉ muốn áp đặt thôi. Không chỉ Việt Nam mà tất cả những xã hội Cộng sản, những cái xã hội độc tài đều như vậy hết trơn.”


Gây phong trào đấu tố…học sinh! Tin thêm về Nhà bất đồng: Nam sinh lên án Đảng ‘trưởng thành về nhận thức’


(Chu Ngọc Quang Vinh đã chiến thắng trong cuộc thi tháng chương trình 'Đường lên đỉnh Olympia')
-Nam sinh đang hứng chịu búa rìu dư luận ở Việt Nam vì lên án sự ‘dối trá’ của chính quyền ‘đã có sự trưởng thành về nhận thức’, một nhà bất đồng chính kiến lưu vong nói với VOA và bày tỏ lo ngại cho tương lai của nam sinh này ở trong nước.
Chu Ngọc Quang Vinh, học sinh lớp 12 ở một trường chuyên của tỉnh Yên Bái, đã làm dậy sóng dư luận trên truyền thông và mạng xã hội mấy ngày qua khi em có bài viết thể hiện quan điểm trên Facebook trong đó mô tả Đảng Cộng sản cầm quyền là ‘thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân’.

Nhà chức trách vào cuộc
Trong bài đăng vào ngày 1/9 tức là ngay trước thềm lễ Quốc khánh Việt Nam, nam sinh Vinh bày tỏ rằng sau khi được tiếp cận văn hóa phương Tây ‘cao trào nhất’, dần dần em nhận ra rằng ‘những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật, chỉ biết lừa gạt dân’ và rằng em học lịch sử ‘không phải theo ý muốn của bản thân’.
Do đó, mục tiêu của em là ‘tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài’. Chu Ngọc Quang Vinh đang tham gia chương trình ‘Đường lên đỉnh Olympia’, cuộc thi kiến thức danh giá trên sóng truyền hình dành cho học sinh trung học cả nước với phần thưởng chung cuộc là học bổng đại học ở nước ngoài.
Vinh đã thắng trong các cuộc thi tuần và thi tháng ở vòng loại nhưng để giành được học bổng em sẽ phải thắng trong các cuộc thi quý và chung kết năm trước các đối thủ sừng sỏ khác. Trong 23 mùa giải của chương trình, đại đa số các quán quân đều đã đi du học và chọn ở lại nước ngoài sau khi học xong.

Bài viết của Vinh đã bị cộng đồng mạng trong nước phản ứng dữ dội, từ những lời chỉ trích nhẹ nhàng như ‘nông nổi’, bồng bột tuổi trẻ’, ‘thiếu chín chắn’ cho tới những lời lẽ mạt sát, chửi bới nặng nề khi như ‘vô ơn’, phản bội đất nước’, ‘vọng ngoại’…
Trước phản ứng của dư luận, Vinh đã gỡ bài khỏi trang cá nhân và viết bài xin lỗi. Em nói rằng mình ‘đã sai’, ‘hối hận’ và ‘mong nhận được sự tha thứ’. Em cho rằng bản thân ‘không bao giờ có ý định cực đoan trong việc liên hệ với các tổ chức nước ngoài để làm hại lợi ích của dân tộc’ và sở dĩ em có nhận định như vậy là vì ‘đã bị ảnh hưởng bởi những tư liệu không đúng sự thật và mang tính ác ý với Tổ Quốc’.
Trước đó, em Vinh và gia đình đã bị nhà chức trách mời lên ‘làm việc’, truyền thông trong nước cho biết. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, Sở Công an, Sở Giáo dục tỉnh cùng nhà trường nơi em học cũng đã vào cuộc để chấn chỉnh và gửi cán bộ đến gia đình để ‘nắm tình hình và diễn biến tư tưởng của học sinh Vinh’, tờ Công thương cho hay.
Một trong những biện pháp trước mắt mà chính quyền đưa ra là tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cách mạng cho học sinh, sinh viên, đẩy mạnh chia sẻ các thông tin tích cực về Đảng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh…, cũng theo báo Công thương.

‘Phản tỉnh’
Chu Ngọc Quang Vinh ‘không hề bồng bột, nông nổi’ như những lời chỉ trích mà trái lại em ‘đã có sự trưởng thành về nhận thức’, ông Nguyễn Tiến Trung, nhà bất đồng chính kiến hiện đang sống ở Cologne, Đức, nói với VOA.
Bản thân ông Trung cũng lớn lên trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa nặng tính tuyên truyền ở Việt Nam trước khi đi du học ở Pháp. Sau khi về nước, ông gia nhập quân ngũ. Thời gian này ông thể hiện sự chuyển biến về nhận thức, nhất quyết không chịu đọc ‘Mười lời tuyên thệ của quân nhân’. Ông bị loại khỏi quân ngũ và sau đó bị khởi tố, bị bắt và bị Tòa kết án 7 năm tù cộng với 3 năm quản chế về tội ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.
“Bạn ấy được dạy khác, nhưng khi bạn ấy tiếp nhận thông tin bạn ấy đã có sự phản tỉnh, lật ngược lại vấn đề,” ông Trung giải thích về nhận định của mình.

Liên hệ với kinh nghiệm bản thân, ông Trung cho rằng nam sinh Vinh, vốn cách ông một thế hệ, đã có sự chuyển biến sớm hơn ông nhờ vào sự phổ biến của Internet, mạng xã hội so với thế hệ của ông.
“Thật sự tôi cũng bị nhồi sọ và cũng tin theo những gì họ tuyên truyền. Tôi dở hơn bạn ấy ở chỗ phải đến khi tôi ra nước ngoài, khi tôi qua Pháp du học thì mới thấy những gì Đảng cộng sản họ dạy tôi trong trường học là sai trái, là lường gạt,” ông nói.
Theo quan sát của nhà bất đồng này thì nhiều thanh niên, sinh viên ở trong nước ‘cũng nhận thức được như em Vinh’ nhưng ‘không ai dám nói ra vì ai cũng sợ hết, cha mẹ họ cũng sợ’.
Về ý kiến nói rằng nam sinh Vinh ‘phản bội đất nước’, ông Trung lập luận: “Bạn ấy chỉ lên án Đảng Cộng sản lừa dối dân và tuyên truyền sai sự thật, nhồi nhét vào đầu sinh viên, học sinh Việt Nam những điều không đúng sự thật thì bạn ấy đang lên án đảng cầm quyền chứ không hề đụng chạm gì đến đất nước.”
Ông cũng bày tỏ cảm thông cho nguyện vọng của em Vinh được sống và làm việc ở nước ngoài và cho rằng ‘đó là điều rất bình thường’ đối với giới trẻ Việt Nam.
“Bạn bè của tôi, trước em Vinh một thế hệ, rất nhiều người mong muốn đi du học và ở lại cống hiến,” ông nói và chỉ ra trường hợp Giáo sư Ngô Bảo Châu đi du học ở Pháp, đoạt giải Fields danh giá và hiện đang giảng dạy Toán học ở Mỹ.
Lý do ông chỉ ra là hệ thống giáo dục trong nước ‘không có tự do học thuật, chịu sự kiểm duyệt của Đảng’ và ‘chế độ không trọng dụng nhân tài mà sử dụng người theo nguyên tắc hậu duệ, quan hệ và tiền tệ’.
“Những người có trí tuệ đương nhiên phải tìm đến nơi nào đó trọng dụng họ, nơi họ phát huy được tài năng nhất và đóng góp được cho nhân loại,” ông cho biết.

Trước những lời lên án em Vinh ‘vọng ngoại’, ‘mơ mộng viễn vông về phương Tây’, ông Trung cho rằng ‘những cái gì tốt đẹp của phương Tây chúng ta đều cần phải học hỏi’ và dẫn ra trường hợp của ông Hồ Chí Minh cũng trích dẫn những giá trị tư tưởng của phương Tây trong bản Tuyên ngôn độc lập mà ông đọc vào ngày 2/9 năm 1945.
Tương lai bất định?
Nhà bất đồng chính kiến này cho rằng những biện pháp tăng cường tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng của chính quyền sẽ ‘không có tác dụng’ trước tình trạng giới trẻ không còn mặn mà gì với Đảng, Đoàn thanh niên hay tư tưởng Mác-Lênin.
“Chủ nghĩa Mác-Lê xa rời thực tế, còn nếu nói đạo đức cách mạng thì nhìn đâu cũng thấy tham nhũng, làm gì cũng thấy tồi tệ. Đảng nói gì cũng tốt nhưng thực tế toàn là tham nhũng và tệ hại,” ông trình bày. “Điều này càng làm cho người dân chán ngán chế độ và không tin vào những lời tuyên truyền.”

Ông chỉ ra việc chính quyền phải dùng đến cách tăng cường đàn áp để cho rằng biện pháp tuyên truyền ‘đã thất bại’ nên chính phải ‘khiến người dân khiếp sợ không dám phản đối’.
Khi được hỏi về sức ép tâm lý mà Chu Ngọc Quang Vinh phải đối mặt từ phía chính quyền, công an, nhà trường và xã hội, ông Trung cho là ‘khủng khiếp’ đối với một nam sinh mới 18 tuổi.
“Có lẽ cậu bé rất sốc và lo sợ,” ông nhận định. “Không biết sau này cậu ấy có đủ sức để học hay thi tiếp lên đại học hay không.”
Các làm của chính quyền, theo lời ông, là ‘dùng số đông để đàn áp’ theo kiểu ‘cả vú lấp miệng em’. Ông Trung kể lại việc ông đã từng bị mời lên công an phường làm việc trong thời gian quản chế và một mình ông phải đối mặt với ‘mười mấy người từ công an, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh’.

Về tương lai của em Vinh ở Việt Nam sau sự cố này, ông Trung nói: “Cậu bé khó lòng học tiếp ở Việt Nam vì đi đâu cũng sẽ bị mọi người dòm ngó, chỉ trích và gièm pha.”
Tuy nhiên, ông bày tỏ hy vọng Vinh đủ bản lĩnh để vượt qua sức ép và dẫn ra trường hợp Nguyễn Viết Dũng, tức Dũng Phi Hổ, một cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia khác vốn cũng bị chính quyền bỏ tù vì lên án Đảng, để làm ‘tấm gương cho em Vinh’.
“Dũng rất can trường, mạnh mẽ và đã vượt qua được. Hy vọng Vinh cũng làm được như Dũng.”


Ký Ức Mùa Nhập Học, Đọc Lại Truyện Ngắn: “Tôi Đi Học”
(Thanh Tịnh)

-Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.

Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa.
Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn.
Dọc đường tôi thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tôi, áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau hay trao sách vở cho nhau xem mà tôi thèm. Hai quyển vở mới đang ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng. Tôi bặm tay ghì thật chặt, nhưng một quyển vở cũng chì ra và chênh đầu chúi xuống đất. Tôi xóc lên và nắm lại cẩn thận. Mấy cậu đi trước o sách vở thiệt nhiều lại kèm cả bút thước nữa. Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hết.

Tôi muốn thử sức mình nên nhìn mẹ tôi:
– Mẹ đưa bút thước cho con cầm.
Mẹ tôi cúi đầu nhìn tôi với cặp mắt thật âu yếm:
– Thôi để mẹ nắm cũng được.
Tôi có ngay cái ý kiến vừa non nớt vừa ngây thơ này: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước.
Ý nghĩ thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi.
Trước sân trường làng Mỹ Lý đầy đặc cả người. Người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa.
Trước đó mấy hôm, lúc đi ngang làng Hòa An bẫy chim quyên với thằng Minh, tôi có ghé trường một lần.

Lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ. Tôi đi chung quanh các lớp để nhìn qua cửa kính mấy bản đồ treo trên tường. Tôi không có cảm tưởng gì khác là nhà trường cao ráo sạch sẽ hơn các nhà trong làng.
Nhưng lần này lại khác. Trước mặt tôi, trường Mỹ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ.
Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bở ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nữa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.
Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào lớp. Chung quanh những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả banh tưởng tượng. Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp.


Ông đốc trường Mỹ Lý cho gọi mấy cậu học trò mới đứng lên trước lớp ba. Trường làng nhỏ nên không có phòng riêng của ông đốc. Trong lúc ông đọc tên từng người, tôi cảm thấy như quả tim tôi ngừng đập. Tôi quên cả mẹ tôi đang đứng sau tôi. Nghe gọi đến tên, tôi tự nhiên giật mình và lúng túng. Sau khi đọc xong mấy mươi tên đã viết sẵn trên mảnh giấy lớn, ông đốc nhìn chúng tôi nói sẽ:
– Thế là các em đã vào lớp năm. Các em phải cố gắng học để thầy mẹ được vui lòng, và để thầy dạy chúng em được sung sướng. Các em đã nghe chưa? (Các em đều nghe nhưng không em nào dám trả lời. Cũng may đã có tiếng dạ rang của phụ huynh đáp lại).

Ông đốc nhìn chúng tôi với cặp mắt hiền từ và cảm động. Mấy cậu học trò lớp ba cũng đua nhau quay đầu nhìn ra. Và ngoài đường cũng có mấy người đứng dừng lại để nhìn vào. Trong những phút giây này chúng tôi được người ta ngắm nhìn nhiều hơn hết. Vì vậy đã lúng túng chúng tôi càng lúng túng hơn.
Ông đốc lấy cặp kính trắng xuống rồi nói:
– Thôi, các em đứng đây sắp hàng để vào lớp học.
Tôi cảm thấy sau lưng tôi có một bàn tay dịu dàng đẩy tôi tới trước. Nhưng người tôi lúc ấy tự nhiên thấy nặng nề một cách lạ. Không giữ được chéo áo hay cáng tay của người thân, vài ba cậu đã từ từ bước lên đứng dưới hiên lớp. Các cậu lủng lẻo nhìn ra sân, nơi mà những người thân đang nhìn các cậu với cặp mắt lưu luyến. Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc. Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ. Một bàn tay quen nhẹ vuốt mái tóc tôi.

Ông đốc nhẫn nại chờ chúng tôi.
– Các em đừng khóc. Trưa này các em được về nhà cơ mà. Và ngày mai các em lại được nghỉ cả ngày nữa.
Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều đặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi vào lớp năm. Một thầy trẻ tuổi, gương mặt hiền từ, đang đón chúng tôi vào cửa lớp. Trong thời thơ ấu tôi chưa bao giờ xa mẹ tôi như lần này. Tôi cũng lấy làm lạ vì có nhũng hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng Lệ Xá, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết.
Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến ấy tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin là có thật. Một con chim con liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao.

Tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỷ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa bay trên bờ sông Viêm sống lại đầy dẫy trong trí tôi.
Nhưng những tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật. Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm bẩm đọc:
Bài tập viết: Tôi đi học!


Thế giới hôm nay
(Đỗ Đặng Nhật Huy)


•Giá cổ phiếu của US Steel đã giảm hơn 17% sau khi có thông tin tổng thống Joe Biden sẽ chặn nỗ lực mua lại của Nippon Steel, một công ty Nhật Bản, đối với nhà sản xuất thép này. Nhà Trắng cho biết họ vẫn chưa nhận được khuyến nghị từ cơ quan giám sát đầu tư nước ngoài của Mỹ, cơ quan đã xem xét thỏa thuận trị giá 15 tỷ đô la trong nhiều tháng qua. Cả ông Biden và phó tổng thống Kamala Harris đều cho biết công ty nên vẫn do người Mỹ sở hữu. US Steel cảnh báo rằng sự sụp đổ của thỏa thuận sẽ dẫn đến mất việc làm và đặt ra “những câu hỏi nghiêm trọng” về việc liệu công ty có nên tiếp tục đặt trụ sở chính ở Pittsburgh, Pennsylvania, hay không.
•Số việc làm cần tuyển người tại Mỹ bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm 2021. Có 7,7 triệu vị trí cần tuyển người vào tháng 7, giảm từ 7,9 triệu của tháng 6; trong khi tình trạng sa thải cũng tăng nhẹ. Số liệu mới của bộ lao động làm tăng áp lực kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất trong tháng 9, sau khi dữ liệu bảng lương thấp hơn dự kiến của tháng 7 cho thấy nền kinh tế đang chậm lại.

•Một báo cáo được mong đợi từ lâu cho biết vụ hỏa hoạn Grenfell Tower ở London khiến 72 người thiệt mạng vào năm 2017 là kết quả của “nhiều thập niên thất bại”. Martin Moore-Bick, người chủ trì cuộc điều tra kéo dài sáu năm, nói vụ tai nạn xuất phát từ “sự gian dối có hệ thống” giữa các công ty sản xuất vật liệu ốp tường. Ông cho biết chính phủ liên minh dưới thời David Cameron đã “bỏ qua, trì hoãn hoặc coi thường” các quy định “ảnh hưởng đến an toàn tính mạng” trong nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính.

•Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã từ chức trong bối cảnh một cuộc cải tổ chính phủ sâu rộng. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết những thay đổi này là cần thiết để “củng cố một số lĩnh vực trong chính phủ.” Cuộc cải tổ này nhằm thúc đẩy triển vọng của Ukraine trong cuộc chiến. Trong khi đó, tên lửa Nga đã giết chết ít nhất bảy người ở Lviv, một thành phố gần biên giới với Ba Lan, vào đêm qua.

•Hạ viện Mexico thông qua dự luật cải cách hệ thống tư pháp, theo đó sa thải tất cả các thẩm phán liên bang và thay thế họ bằng bỏ phiếu phổ thông. Morena, đảng chính trị thúc đẩy cải cách, hiện kiểm soát hai phần ba hạ viện, nơi dự luật dễ dàng được thông qua. Dự luật dự kiến cũng sẽ được thông qua tại thượng viện. Các nhân viên tư pháp, bao gồm cả các thẩm phán Tòa Tối cao, đã đình công để phản đối cải cách.

•Chính phủ Mỹ cáo buộc Nga điều hành các chiến dịch thông tin sai lệch nhắm vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Hai nhân viên tại RT, đài truyền hình nhà nước Nga, đã bị truy tố; trong khi tổng biên tập báo này và chín người khác bị bộ tài chính Mỹ áp trừng phạt. Bộ tư pháp cũng cho biết họ đã tìm thấy bằng chứng về việc Nga dùng AI và những tài khoản giả mạo có ảnh hưởng trên mạng xã hội để truyền bá những câu chuyện sai sự thật và tịch thu 32 tên miền internet dường như đang được Nga sử dụng.

•Số sinh viên người Mỹ gốc Á được Đại học Yale tuyển đã giảm 6% trong năm học đầu tiên kể từ khi Tòa Tối cao Mỹ chấm dứt chính sách tuyển sinh có xét đến yếu tố chủng tộc. Tỷ lệ sinh viên da đen vẫn không thay đổi so với năm ngoái, ở mức 14%. Trong khi đó, số liệu của MIT lại cho thấy điều ngược lại: tỷ lệ tuyển sinh tăng đột biến đối với người Mỹ gốc Á, những người trước đây được coi là “đại diện quá mức,” và giảm đối với sinh viên da đen.
•Con số trong ngày: 8.700 đô la, là mức phạt tối đa hàng ngày đối với người dân Brazil bị phát hiện sử dụng VPN để lách lệnh cấm mới đối với mạng xã hội X.

TIÊU ĐIỂM

Haiti: cơn đau đầu của Mỹ
Antony Blinken đã dành phần lớn thời gian trên cương vị ngoại trưởng Mỹ cho chiến tranh ở Ukraine và Gaza. Nhưng vào thứ năm, ông sẽ đến Haiti để giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh ngay bên cạnh đất Mỹ. Nước này từ lâu đã bị kiểm soát bởi các băng đảng tội phạm có vũ trang; và vị thủ tướng không được lòng dân Ariel Henry đã từ chức vào tháng 3 trong bối cảnh bất ổn dữ dội. Nhưng sự xuất hiện của khoảng 400 cảnh sát Kenya được trang bị vũ khí Mỹ kể từ tháng 6 đã giúp lực lượng an ninh Haiti tái lập quyền kiểm soát ở một số khu vực của thủ đô Port-au-Prince.
Ông Blinken sẽ thúc đẩy hội đồng tổng thống chuyển tiếp của Haiti theo đuổi các cáo buộc tham nhũng và chuẩn bị cho các cuộc bầu cử. Nhưng liệu bầu cử có thể được tổ chức trong bối cảnh bất ổn dai dẳng hay không vẫn còn là điều chưa chắc chắn. Mỹ đã gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nhân lực và kinh phí cho phái đoàn Kenya, nhất là khi nhiệm kỳ của họ sẽ phải được gia hạn trước cuối tháng. Một ý tưởng là biến nó thành một hoạt động gìn giữ hòa bình thuộc Liên Hợp Quốc. Nhưng Nga và Trung Quốc có lẽ sẽ không ủng hộ, chỉ vì đối địch với Mỹ ở những nơi khác.

Một phiên toà xét xử Trump được tiếp tục
Trong gần chín tháng qua, một trong hai vụ án hình sự của công tố viên liên bang đối với Donald Trump — vì can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 — đã bị đình trệ. Nhưng vào thứ Năm, tiến độ sẽ được nối lại tại phòng xử án của thẩm phán Tanya Chutkan ở Washington, DC. Các thủ tục đã bị tạm dừng trong khi Tòa Tối cao xem xét liệu ông Trump có nên bị truy tố hay không. Và hồi tháng 7, Toà đã đưa ra câu trả lời hợp lý nhất có thể: tuỳ vào vụ việc. Cụ thể, quyền miễn tố phụ thuộc vào việc hành vi của ông Trump có nằm trong phạm vi “công vụ” của quyền lực tổng thống (được áp dụng miễn trừ truy tố), ở rìa của định nghĩa công vụ (có thể được miễn trừ), hay nằm ngoài phạm vi “công vụ” (có thể bị truy tố) hay không.
Thẩm phán Chutkan sẽ phải quyết định liệu hành động của ông Trump thuộc loại nào trong ba hình thái này, và cáo buộc nào của công tố viên cũng như bằng chứng nào có thể được xem xét. Dự kiến quá trình này sẽ mất nhiều tháng và sẽ có kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn. Nếu ông Trump thắng cử tổng thống vào tháng 11, ông có thể sẽ hoàn toàn đóng lại vụ án.

Liệu Broadcom có thể khiến thị trường thay đổi cái nhìn về AI?
Các công ty công nghệ đang đứng dưới áp lực: cổ phiếu của Nvidia, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã giảm gần 10% vào thứ Ba. Thị trường lo ngại rằng trí tuệ nhân tạo sẽ không mang lại lợi nhuận khổng lồ như họ mong muốn. Song Broadcom, một nhà sản xuất chip và phần mềm sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 3 vào thứ Năm, muốn thách thức những người hoài nghi.
Broadcom có kết quả tốt trong cơn sốt AI. Năm qua, giá trị thị trường của công ty đã tăng gần gấp đôi lên 711 tỷ đô la, trở thành công ty công nghệ lớn thứ tám thế giới. Hãng này chuyên thiết kế chip AI chuyên dụng cho các gã khổng lồ công nghệ như Google, Meta và ByteDance.
Broadcom cũng bán các phần mềm giúp doanh nghiệp quản lý trung tâm dữ liệu nội bộ. Các công ty đang ngày càng cảnh giác với việc lưu trữ dữ liệu nhạy cảm trên “đám mây công cộng,” nơi bất kỳ ai cũng có thể mua dung lượng. VMware, một công ty phần mềm đám mây, được Broadcom mua vào năm 2023 với giá 69 tỷ đô la, có thể sẽ được hưởng lợi khi các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng CNTT. Hock Tan, ông chủ lâu năm của Broadcom, hy vọng xu hướng này sẽ thuyết phục được thị trường rằng triển vọng tăng trưởng của công ty vẫn rất mạnh.

Cuộc đua với đậu mùa khỉ ở Congo
Cộng hòa Dân chủ Congo đang là tâm điểm của dịch đậu mùa khỉ hiện tại. Congo và các nước láng giềng đang phải chiến đấu với một chủng mới, có vẻ nguy hiểm hơn chủng đã gây ra đợt dịch năm 2022. Những loại vắc-xin đầu tiên chống lại căn bệnh này, vốn đã có ở các nước giàu trong nhiều năm, dự kiến sẽ đến quốc gia Trung Phi này vào thứ năm.

Khoảng 20.000 người đã bị nhiễm đậu mùa khỉ ở châu Phi trong năm nay, với hơn 500 ca tử vong. WHO bị chỉ trích vì chậm phê duyệt các loại thuốc chống đậu mùa khỉ; và tổ chức này giờ đây đã phải bỏ qua quy trình thông thường để đảm bảo tiếp cận khẩn cấp. Congo phụ thuộc vào các cơ quan quốc tế để mua và phân phối vắc-xin, cũng như tài trợ từ các nước giàu. Ngay cả khi lô hàng được giao đúng hạn, thì việc tiêm chủng vẫn sẽ không bắt đầu cho đến tháng 10, để đảm bảo có đủ thời gian giúp người dân địa phương hưởng lợi từ vắc xin.


Tin Quốc Tế Đó Đây
***
Nghiên Cứu: Không Có Mối Liên Hệ Giữa Điện Thoại Di Động Với Ung Thư Não


(Một phụ nữ dùng diện thoại di động trong khi cầm biểu ngữ có dòng chữ "ngưng 5G" trong một cuộc biểu tình chống kỹ thuật 5G tại Bucharest, Lỗ Ma Ni, ngày 25/1/2020.)
-Không có mối liên hệ nào giữa việc sử dụng điện thoại di động với việc bị tăng nguy cơ về ung thư não, theo đánh giá mới mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ủy nhiệm thực hiện về các bằng chứng được công bố trên toàn thế giới.
Đánh giá được công bố hôm 3/9/2024 cho thấy mặc dù việc sử dụng kỹ thuật không dây tăng mạnh, nhưng tỷ lệ mắc ung thư não không tăng tương ứng. Điều đó áp dụng ngay cả với những người gọi điện thoại lâu hoặc những người đã sử dụng điện thoại di động trong hơn một thập niên.
Phân tích cuối cùng bao gồm 63 nghiên cứu từ năm 1994-2022, được đánh giá bởi 11 nhà điều tra từ 10 quốc gia, bao gồm cả cơ quan bảo vệ bức xạ của chính phủ Úc Ðại Lợi.

Đồng tác giả Mark Elwood, giáo sư dịch tễ học ung thư tại Đại học Auckland, Tân Tây Lan, cho biết nghiên cứu này đánh giá tác động của tần số vô tuyến, được sử dụng trong điện thoại di động cũng như TV, màn hình theo dõi trẻ em, và radar.
"Trong số các vấn đề chủ chốt được nghiên cứu, không có vấn đề nào cho thấy làm tăng rủi ro", ông cho biết. Đánh giá này xem xét các bệnh ung thư não ở người lớn và trẻ em, cũng như ung thư tuyến yên, tuyến nước bọt và bệnh bạch cầu, và các rủi ro liên quan đến việc sử dụng điện thoại di động, trạm gốc hoặc máy phát, cũng như phơi nhiễm nghề nghiệp. Các loại ung thư khác sẽ được báo cáo riêng.
Đánh giá này theo sau các nghiên cứu tương tự. WHO và các tổ chức y tế quốc tế khác đã tuyên bố trước đây rằng không có bằng chứng chắc chắn nào về tác động xấu đến sức khỏe từ bức xạ do điện thoại di động, nhưng kêu gọi nghiên cứu thêm. Hiện tại, bức xạ do điện thoại di động được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) phân loại là "có khả năng gây ung thư" hoặc loại 2B, một loại được sử dụng khi cơ quan này không thể loại trừ mối liên hệ tiềm ẩn.
Nhóm cố vấn của cơ quan này đã kêu gọi đánh giá lại phân loại vừa kể càng sớm càng tốt dựa trên dữ liệu mới kể từ lần đánh giá cuối cùng vào năm 2011.
Đánh giá của WHO sẽ được công bố vào quý 1 năm sau.


Mỹ Khởi Tố Giới Lãnh Đạo Hamas Về Vụ Tấn Công Do Thái Ngày 7/10/2023


(Thủ lĩnh Hamas, Yahya Sinwar.)
-Hôm 3/9/2024, Hoa Kỳ công bố họ khởi tố hình sự các nhà lãnh đạo cấp cao của Hamas về vai trò của những người này trong việc lập kế hoạch, hỗ trợ và thực hiện vụ tấn công chết người ngày 7/10/2023 ở miền Nam Do Thái.
Lệnh khởi tố ông Yahya Sinwar, thủ lĩnh của nhóm chiến binh này, và ít nhất 5 người khác có nội dung cáo buộc họ đã phối hợp chỉ đạo vụ tấn công ngày 7/10/2023, khiến 1.200 người thiệt mạng, trong đó có hơn 40 người Mỹ.
Vụ tấn công đó đã kích hoạt một cuộc tấn công của Do Thái vào Gaza khiến hơn 40.800 người Palestine chết và tàn phá phần lớn lãnh thổ này.
"Như đã nêu trong đơn kiện của chúng tôi, những can phạm đó - được trang bị vũ khí, hỗ trợ chính trị và tài trợ từ Chính phủ Iran, và sự hỗ trợ từ (Hezbollah) - đã lãnh đạo các nỗ lực của Hamas nhằm phá hủy Nhà nước Do Thái và giết hại thường dân để ủng hộ mục tiêu đó", Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland nói trong một tuyên bố.

Đơn kiện nêu tên 6 can phạm, trong đó có 3 người đã chết. Các can phạm còn sống là Sinwar, người được cho là đang ẩn náu ở Gaza; Khaled Meshaal, có trụ sở tại Doha và là người đứng đầu văn phòng của nhóm ở ngoại quốc; và Ali Baraka, một viên chức cấp cao của Hamas có trụ sở tại Lebanon.
Các can phạm đã chết là cựu lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh, người mà nhóm này nói là đã bị ám sát vào tháng 7 tại Tehran; chỉ huy cánh quân sự Mohammed Deif, người mà Do Thái nó rằng họ đã tiêu diệt trong một cuộc không kích vào tháng 7; và Marwan Issa, một phó chỉ huy quân sự mà Do Thái nói là họ đã giết trong một cuộc không kích vào tháng 3.
Iran đổ lỗi cho Do Thái về cái chết của Haniyeh. Các viên chức Do Thái chưa nhận trách nhiệm.
Các Công tố viên Hoa Kỳ khởi tố 6 người đàn ông này hồi tháng 2, nhưng vẫn giữ kín đơn kiện với hy vọng bắt được Haniyeh, theo một viên chức Bộ Tư pháp.
Bộ Tư pháp quyết định công khai các cáo buộc sau cái chết của Haniyeh.


Do Thái Phẫn Nộ Trước Quyết Định Ngưng Viện Trợ Vũ Khí của Anh Quốc

-Nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết quan tâm đến tình hình ở Trung Đông. Sau khi Anh Quốc tuyên bố đình chỉ 30 giấy phép xuất cảng vũ khí sang Do Thái, Nhà nước Do Thái, hôm qua 3/9, đã chỉ trích gay gắt quyết định này của Luân Đôn và lo ngại các quốc gia khác sẽ nối gót xứ sở sương mù.

Ngoại trưởng Do Thái, Israël Katz, lấy làm tiếc rằng "Anh Quốc đã gửi một thông điệp có lợi tới tổ chức khủng bố Hamas và các nhà tài trợ của chúng ở Iran". Về phần mình, Bộ trưởng Năng Lượng Do Thái, Eli Cohen, tỏ ra phẫn nộ rõ rệt và cho rằng "lệnh trừng phạt này khuyến khích những kẻ giết trẻ sơ sinh, bắt cóc người già và hãm hiếp phụ nữ. Những người làm điều này không nên ngạc nhiên khi những kẻ khủng bố gõ cửa chính nhà họ".
Để làm xoa dịu nỗi tức giận của Do Thái, các viên chức Anh Quốc đã giảm thiểu tác động của các trừng phạt nói trên. Bộ trưởng Quốc Phòng John Healey khẳng định những biện pháp trừng phạt của Luân Đôn sẽ không gây nguy hiểm cho an ninh của Do Thái.

Vẫn tại Trung Đông, trang nhất của nhật báo Le Monde nói về việc Thủ tướng Do Thái từ chối mọi nhượng bộ và tấn công trực diện lập trường của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Trong vòng chưa đầy một giờ, trong cuộc họp báo được tổ chức ngày 2/9 tại Jerusalem, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã dập tắt những hy vọng cuối cùng còn sót lại với gia đình các con tin bị cầm giữ ở Gaza. Kể từ khi có thông báo về cái chết của sáu con tin bị Hamas giam cầm, một cuộc vận động lớn đã bùng lên ở Do Thái, được thúc đẩy bởi nỗi đau khổ của gia đình các con tin, phản đối sự cứng nhắc của chính quyền, đang trì hoãn các cuộc đàm phán về một "thỏa thuận" nhằm trao đổi 101 con tin còn sống hoặc đã chết ở Gaza và phóng thích một số tù nhân Palestine bị Do Thái giam giữ. Đối mặt với áp lực từ đường phố Do Thái, từ các đồng minh phương Tây, nhất là Hoa Kỳ, Benjamin Netanyahu dường như vẫn không chịu nhượng bộ.


Chuyên gia Liên Hiệp Quốc: Iran hành quyết hơn 400 người trong năm 2024


(Ảnh AP - Ebrahim Noroozi, minh họa: Một cuộc biểu tình phản đối bản án tử hình đối với một ca sĩ nhạc rap và ủng hộ phụ nữ Iran, tại Bá Linh, Đức, ngày 28/4/2024.)
-Trong năm 2024, Iran hành quyết hơn 400 người trong đó có 15 phụ nữ. Các chuyên gia tại Liên Hiệp Quốc đặc biệt bày tỏ lo lắng trước hiện tượng gia tăng số vụ tử hình trong tháng Tám vừa qua.
Theo AFP, trong thông cáo ngày 2/9/2024, nhóm chuyên gia độc lập bao gồm sáu báo cáo viên đặc biệt và năm thành viên Nhóm công tác của Liên Hiệp Quốc về phân biệt đối xử đối với phụ nữ và các em gái, còn nói thêm rằng chỉ riêng trong tháng 8/2024, ít nhất có đến 81 người đã bị tử hình, tức tăng gần gấp hai lần so với tháng Bảy (khoảng 45 vụ).
Các chuyên gia này, được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm, bày tỏ lo lắng nhưng không mang danh nghĩa tổ chức, trước hiện tượng tăng mạnh số vụ hành quyết. Thông cáo nhìn nhận khoảng một nửa số vụ tử hình (41) là những tội phạm có liên quan đến ma túy.

Nhưng Iran là quốc gia có tham gia Hiệp ước Quốc tế về Quyền công dân và chính trị, và Teheran có trách nhiệm "hạn chế áp dụng án tử hình đối với "các tội danh nghiêm trọng", tức các tội cố sát". Vì vậy, theo các chuyên gia, những vụ hành quyết đối với các vi phạm pháp luật có liên đến chất ma túy là "vi phạm các quy định quốc tế".
Tuy nhiên, theo AFP, nhiều nhà đấu tranh nhân quyền cáo buộc chính quyền Iran sử dụng án tử hình như một công cụ đe dọa để đối phó với phong trào phản đối bùng phát hồi tháng 9/2022 sau vụ cô Mahsa Amini, 22 tuổi chết trong lúc bị giam giữ vì tội vi phạm quy định nghiêm ngặt về trang phục.
Về điểm này, thông cáo của các chuyên gia khẳng định trường hợp của Reza Rasaei, một người biểu tình người Kurdistan, bị kêu án tử hình và bị hành quyết hôm 06/8 trong nhà tù Dizel Abad sau khi đã thú nhận "dưới đòn tra tấn" là đã ám sát một thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng, bất chấp nhiều lời chứng và ý kiến bác sĩ pháp y.


Chiến Tranh Ukraine: Nga Oanh Kích Poltava Khiến Hơn 50 Người Chết


(AFP - Patryk Jaraccz: Quân nhân Ukraine trước trung tâm huấn luyện quân sự sau khi cơ sở này bị trúng phi đạn của Nga tại Poltava, miền Đông Ukraine, ngày 3/9/2024.)
-Ngày 3/9/2024, Nga oanh kích thành phố Poltava, miền Trung Ukraine, cách xa tiền tuyến, khiến hơn 50 người chết và khoảng 200 người bị thương. Đây là một trong các cuộc tấn công gây tổn thất nặng nề nhất cho Ukraine kể từ đầu chiến tranh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án vụ tấn công "với những lời lẽ nghiêm khắc nhất", lên án "các nỗ lực của Putin nhằm bẻ gẫy ý chí của của một dân tộc tự do", và tái khẳng định Hoa Thịnh Ðốn sẽ tiếp tục hậu thuẫn Ukraine, đặc biệt về "các hệ thống phòng không".
Thông tín viên Emmanuelle Chaze từ Kyiv cho biết về vụ oanh kích này:
Nga tiến hành thêm các cuộc oanh kích gây nhiều thiệt hại. Lần này là tại thành phố Poltava, cách Kyiv khoảng 340 cây số về phía đông. Poltava không ở khu vực tiền tuyến nhưng nằm trong tầm bắn của phi đạn tầm xa Nga. Tại thành phố khoảng 300 ngàn dân này, có rất nhiều người dân di tản khỏi các vùng miền Đông.

Một trung tâm đào tạo và một bệnh viện đã bị oanh kích, theo Tổng thống Zelensky. Bộ trưởng Nội Vụ Ihor Klymenko thông báo các vụ oanh kích diễn ra ngay sau khi báo động phòng không tại khu vực. Điều có nghĩa là người dân đã không kịp chạy đến nơi trú ẩn trong trường hợp có mối đe dọa từ trên không.
Theo Bộ trưởng Nội Vụ, hỏa hoạn đã được khống chế, nhưng thiệt hại về vật chất và nhân mạng là rất lớn. Thống đốc vùng đã tuyên bố ba ngày để tang ở Poltava, bắt đầu từ ngày mai. Đây là một dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc oanh kích. Chính quyền địa phương cũng kêu gọi hiến máu cho những người bị thương.
Tiếp theo vụ tấn công Poltava, trong đêm hôm qua rạng sáng nay, quân Nga oanh kích thành phố Lviv, cách biên giới Ba Lan khoảng 70 cây số, và cách mặt trận khoảng 1.000 cây số. Loạt oanh kích khiến ít nhất 7 người chết, trong đó có ba trẻ nhỏ, và 40 người bị thương.
Theo cơ quan Công tố Lviv, nhiều tòa nhà dân ở trung tâm lịch sử của thành phố bị oanh kích, trong đó có nhiều cơ sở giáo dục và y tế. Trung tâm lịch sử của Lviv là khu vực được UNESCO xếp hạng "di sản thế giới".


Thổ Nhĩ Kỳ Chính Thức Xin Gia Nhập Nhóm BRICS


(REUTERS - Umit Bektas: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tham gia một cuộc họp ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 14/8/2024.)
-Ngày 3/9/2024, phát ngôn viên đảng cầm quyền Ömer Çelik thông báo, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức xin gia nhập nhóm BRICS, quy tụ năm nước: Ba Tây, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Nếu được chấp nhận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành quốc gia thành viên Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) đầu tiên gia nhập câu lạc bộ các nước đang trỗi dậy. Theo giải thích của Anne Andlauer, thông tín viên tại Ankara, động cơ chính của yêu cầu này là cảm giác hụt hẫng ngày càng lớn của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các đối tác phương Tây truyền thống.
"Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định: Ankara không xem BRICS như một giải pháp thay thế cho NATO hay Liên Hiệp Âu Châu. Nhưng họ cũng không che giấu những căng thẳng tái diễn với các đồng minh của NATO và hơn thế nữa, những cản trở tiến trình gia nhập Liên Hiệp Âu Châu khuyến khích Ankara tìm kiếm những diễn đàn hợp tác khác. Nhất là trong bối cảnh kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn từ nhiều năm qua.

Ankara cũng hiểu rằng Liên Hiệp Âu Châu vẫn là đối tác hàng đầu, chiếm đến hơn 40% kim ngạch xuất cảng của nước này trong năm 2023. Nhưng việc Âu Châu từ chối hiện đại hóa liên minh thuế quan kết nối Thổ Nhĩ Kỳ với khối từ năm 1996, trong khi tiến trình này hoàn toàn độc lập với các cuộc đàm phán gia nhập EU, khiến Ankara cảm thấy hụt hẫng. Đây là một trong số những nguyên nhân chính cho nỗ lực xin gia nhập nhóm BRICS.
Cách tiếp cận này của Tổng thống Erdogan thực sự không vấp phải phản đối trong nước. Các đảng đối lập chính, mặc dù vẫn muốn Thổ Nhĩ Kỳ bám chặt phương Tây, không bác bỏ ý tưởng thắt chặt quan hệ với nhiều diễn đàn khác hay các nước lớn khác, kể cả nước Nga".


Pháp Phải Ngưng Cung Cấp Vũ Khí Cho Do Thái

-Tờ La Croix có bài viết cho rằng chính phủ Pháp phải tôn trọng các cam kết quốc tế và áp dụng Hiệp ước buôn bán vũ khí (ký năm 2013 và phê chuẩn năm 2014), đặc biệt là Điều 6, quy định Paris phải từ chối bất kỳ hoạt động xuất cảng nào có thể được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động liên quan đến tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng. Trong trường hợp ở dải Gaza, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, Francesca Albanese, cho biết đã có cơ sở đầy đủ để nhận định rằng các hành động diệt chủng do Do Thái thực hiện không thế tiếp diễn. Về phần mình, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã nhấn mạnh có nguy cơ xảy ra nạn diệt chủng ở Gaza.
Vì vậy, nhật báo Công Giáo khẳng định chính phủ Pháp có nghĩa vụ chấm dứt mọi hoạt động chuyển giao vũ khí cho chính phủ Do Thái. Pháp đã phê chuẩn hiến chương Liên Hiệp Quốc và các công ước nhân quyền, trong đó quy định các quốc gia không chỉ phải tôn trọng mà còn phải thực thi chúng.

Về mặt tài chánh, chính phủ Pháp không bán nhiều vũ khí cho Do Thái, khi Paris chỉ nhận từ khoảng 15 đến 20 triệu Euro mỗi năm từ Nhà nước Do Thái. Nhưng vấn đề không nằm ở giá cả, mà là cách những vũ khí này được sử dụng. Điển hình là vụ thảm sát ở Gaza vào đêm 29/02 trong quá trình phân phát bột mì đã khiến 118 người Palestine thiệt mạng, bởi loại đạn dược có giá không đắt.
Có giá trị không lớn về mặt tài chánh, nhưng hậu quả vô cùng to lớn về mặt nhân đạo. La Croix khẳng định mọi loại vũ khí mà quân đội Do Thái nhận được thêm sẽ làm gia tăng bạo lực trong khu vực, khiến dân thường như trẻ em hay phụ nữ mang thai bị ảnh hưởng trực tiếp. Tính đến thời điểm hiện tại, số người Palestine thiệt mạng đã lên tới hơn 40.000 người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, cùng với đó là gần 100.000 người bị thương và 10.000 người mất tích.


Pháp: Chính Trường Vẫn Tê Liệt Do Không Có Thủ Tướng

-Trang nhất và bài xã luận của tờ Le Figaro chạy tựa "Lãnh đạo tức là trì hoãn" tiếp tục đề cập đến việc chính trường Pháp vẫn trong tình trạng bị tê liệt. Sau 50 ngày tham vấn, trì hoãn, đề cập đến những cái tên như Cazeneuve, Bertrand, Migaud, Larcher cùng với một nhân vật hoàn toàn xa lạ như Thierry Beaudet, xứ lục lăng vẫn chưa tìm ra được Thủ tướng mới.
Nhật báo thiên hữu nhận định đất nước đang đối mặt với hai vấn đề. Đầu tiên là Tổng thống Macron có chấp nhận thực tế rằng phe của ông đã thất bại trong cuộc bầu cử Lập pháp vừa qua hay không? Tiếp theo là chủ nhân điện Elysée có sẵn sàng giao lại chính phủ, vấn đề ngân sách hay chính trị cho những người không thuộc phe của mình giải quyết hay không? Trong bối cảnh Tổng thống Macron dường như không muốn có một chút nhượng bộ nào, ông nghĩ đến giải pháp mang tính "kỹ thuật", tức là một viên chức cấp cao "minh bạch và dễ bảo", giống như một Jean Castex, bởi lãnh đạo song hành với trì hoãn.
Theo ý nguyện của Tổng thống Macron, người dân Pháp đã bỏ phiếu ba lần trong vòng một tháng, đang chứng kiến khoảng thời gian lãng phí này với một cảm giác vừa ngạc nhiên vừa khó chịu. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu rằng cần tìm ra một giải pháp tối ưu, nhưng đó là hệ quả của việc giải tán Quốc Hội, vốn không phải là điều mà Tổng thống buộc phải làm. Tờ báo kết luận rằng một quyết định bất ngờ và vô lý không thể đì kèm với sự thiếu quyết đoán sau đó.


Pháp: 50 Ngày Vẫn Chưa Có Thủ Tướng Mới


(AFP - Teresa Suarez: Tổng thống Pháp Emmnauel Macron (thứ 2 từ trái sang) và Thủ tướng từ nhiệm Gabriel Attal, Chủ tịch Hạ viện Yaël Braun-Pivet tham dự lễ kỉ niệm 80 năm Giải phóng Paris, ngày 25/8/2024.)
-Cho đến hôm 4/9/2024, tức là 50 ngày kể từ khi Thủ tướng Gabriel Attal và toàn bộ nội các của ông từ chức sau cuộc bầu cử Quốc Hội trước thời hạn, nước Pháp vẫn chưa có Thủ tướng mới. Hai chính khách dày dặn kinh nghiệm có thể được Tổng thống Emmanuel Macron chọn để lãnh đạo chính phủ mới đều có nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Hiện giờ, Tổng thống Macron vẫn do dự giữa hai nhân vật: Thứ nhất là ông Xavier Bertrand, Chủ tịch vùng Haut-de-France, thuộc đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa và ông Bernard Cazeneuve, cựu Thủ tướng trước đây thuộc đảng Xã Hội cánh tả. Thế nhưng, trong cuộc điện đàm tối qua với Tổng thống Macron, lãnh đạo đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc Marine Le Pen đã báo trước là đảng này sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ mà đứng đầu là ông Xavier Bertrand hay ông Bernard Cazeneuve.

Bên phía cánh tả, lãnh đạo đảng Xã Hội Olivier Faure cũng đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm nội các của ông Bertrand. Hiện chưa biết là đảng Xã Hội có sẽ làm như vậy đối với chính phủ do ông Cazeneuve lãnh đạo hay không. Tối qua, đảng này đã quyết định sẽ không ủng hộ vô điều kiện ông Cazeneuve.
Áp lực ngày tăng đối với Tổng thống Macron, buộc ông phải nhanh chóng bổ nhiệm một tân Thủ tướng, bởi vì chính phủ sẽ phải trình Quốc Hội ngân sách 2025 vào ngày 01/10 tới.

Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị tiếp diễn, hôm qua, cựu Thủ tướng Edouard Philippe chính thức thông báo sẽ ra tranh cử Tổng thống Pháp vào năm 2027 và tuyên bố "sẵn sàng" cho một cuộc bầu cử Tổng thống trước thời hạn.


Paralympic Paris: Markus Rehm Với Kỳ Vọng 9 Mét, Phá Kỷ Lục Môn Nhảy Xa Thế Giới


(AFP / Thibault Camus: Vận động viên Đức Markus Rehm rước đuốc trong lễ khai mạc Paralympic 2024, Paris, Pháp, ngày 28/8/2024.)
-Trong ngày thứ bảy của kỳ Thế Vận hội cho người khuyết tật tại Paris, một sự kiện được đông đảo giới quan sát chú ý: cuộc thi nhảy xa với sự hiện diện của người ba lần vô địch Paralympic, vận động viên người Đức Markus Rehm.
Vận động viên, sinh năm 1988, một chân lành một chân giả này được kỳ vọng nhảy xa hơn 9 mét, phá kỷ lục của chính anh, và của cả kỷ lục thế giới môn nhảy xa của người không khuyết tật. Cuộc thi diễn ra vào lúc hơn 8 giờ tối hôm 4/9/2024, tại sân vận động Stade de France.
Trong các môn thể thao, nhảy xa có một vị trí đặc biệt. Các kỷ lục thế giới không có nhiều. Kể từ năm 1924 đến nay, chỉ có 11 kỷ lục bị phá. Kỷ lục gần đây nhất là từ năm 1991, của Mike Powell, với độ dài 8,95 mét. Mỗi vận động viên phá kỷ lục thế giới đều đi vào huyền thoại thể thao. Kỷ lục của Bob Beamon 8,9 mét lập tại Mễ Tây Cơ năm 1968, phải đợi đến hơn 20 năm sau mới bị vượt qua.

Theo giới quan sát, người có khả năng phá kỷ lục thế giới môn nhảy xa không phải một vận động viên lành lặn mà là một người bị mất một cẳng chân, Markus Rehm, người bốn lần tham dự Paralympic. Hiện anh đang giữ kỷ lục thế giới trong môn nhảy xa với người khuyết tật thuộc nhóm T67, tức môn thi với một chân giả. Kỷ lục 8,72 mét được lập tại Đức vào tháng 6/2023.

Khả năng nhảy xa vượt trội của Markus Rehm so với nhiều vận động viên lành lặn đỉnh cao, bên cạnh tố chất của bản thân vận động viên này, có một phần đáng kể là nhờ chiếc chân giả, hình chữ L với chất liệu đặc biệt. Loại chân giả dành cho vận động viên khuyết tật có triển vọng cải thiện đáng kể đời sống của đông đảo người khuyết tật, bởi tính tiện lợi của chân giả, với "hiệu quả sử dụng năng lượng" cao hơn so với chân người bình thường, theo chuyên gia Thierry Weissland, trung tâm nghiên cứu về các bộ phận cơ thể cho người khuyết tật.
Tham gia vào cuộc thi nhảy xa hôm nay với Markus Rehm, có vận động viên Pháp Dimitri Pavadé, được coi là một trong những ngôi sao của đoàn Pháp. Vận động viên 35 tuổi này, với thành tích trước đó 7,39 mét, được hy vọng giành huy chương bạc. Trả lời báo giới trước thềm cuộc thi, Markus Rehm tâm sự anh "rất hạnh phúc" khi được thi đấu với Dimitri Pavadé, đã "trở lại thành công" sau lần bị chấn thương nặng ở đầu gối.
Tính về thành tích toàn đoàn hôm nay, đoàn Pháp đã phá kỷ lục về số huy chương của Paralympic Tokyo, với huy chương vàng trong môn đua xe đạp của Alexandre Léauté.
Nước Pháp hiện vẫn duy trì vị trí thứ 5 toàn đoàn, với 12 huy chương vàng, 13 bạc, 16 đồng. Đứng đầu là Trung Quốc với 55 huy chương vàng, Anh huy chương 31, Mỹ, 24 huy chương vàng. Ba Tây đứng trên Pháp với 14 huy chương vàng.


Paralympic Paris 2024 Thành Công Ngoài Sức Mong Đợi


(Pool via REUTERS - Julien De Rosa: Hai vận động viên cầm cờ của Pháp, Nantenin Keïta và Alexis Hanquinquant, dẫn đầu đoàn thể thao Pháp tại lễ khai mạc Paralympic Paris 2024 ở quảng trường Concorde, Paris, Pháp, ngày 28/8/2024.)
-Thế Vận hội Paralympic Paris 2024, tình hình ở Trung Đông là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất hôm 4/9/2024.
Mục xã luận của tờ Libération chú ý đến sự thành công ngoài sức mong đợi của Paralympic Paris 2024. Một cảm giác tuyệt vời khi mọi người đã ngóng chờ các vận động viên với sự nồng nhiệt, dành cho họ những tình cảm tốt đẹp, nhưng phần lớn không ai hiểu biết tường tận về những vận động viên này. Khán giả quan sát họ ngày này qua ngày khác với sự ngưỡng mộ tột cùng, kinh ngạc trước những cuộc tranh tài đi kèm với cảm xúc từ màn trình diễn của những nhà vô địch này mang lại. Năm huy chương vàng mà Pháp giành được hôm 2/9, với Alexis Hanquinquant bảo vệ thành công chức vô địch ở ba môn phối hợp, hay với chiến thắng bất ngờ của Charles Noakes ở môn para cầu lông, cùng với màn đăng quang ấn tượng của Aurélie Aubert ở môn para bi sắt, đã tạo nên rất nhiều kỳ tích thể thao đáng chú ý và những khoảnh khắc hân hoan cho những khán giả may mắn có được vé xem thi đấu.

Nhật báo thiên tả nhận định Thế Vận hội Paralympic Paris tính đến giờ đã thành công. Mặc dù Paralympic còn bốn ngày nữa mới bế mạc, nhưng đoàn thể thao Pháp đã có được thành tích tương tự so với thành tích giành được ở Tokyo cách đây 3 năm. Ngoài ra, hiện tượng khán đài của các sân vận động hay nhà thi đấu thường chật kín đã tạo nên luồng gió chưa từng có của một kỳ Thế Vận hội Dành cho Người Khuyết tật. Libération nhấn mạnh đây không đơn giản chỉ là thành quả của những nỗ lực của ban tổ chức, mà còn là một điểm tựa vững chắc cho phép khoảng 12 triệu công dân Pháp bị khuyết tật ở nhiều mức độ khác nhau nhận thấy rằng xã hội cuối cùng không còn phân biệt đối xử với họ.

Vài ngày trước khi Thế Vận hội khai mạc, trong khuôn khổ sự kiện do Libération và báo l'Equipe tổ chức, các nhà báo đã có cơ hội gặp gỡ hai nhân vật có tầm ảnh hưởng của phong trào Paralympic: nhà vô địch môn tennis xe lăn Michaël Jeremiasz (huy chương vàng nội dung đánh đôi tại Paralympic Bắc Kinh) và là vận động viên cầm cờ ở Rio de Janeiro năm 2016, và người từng vô địch môn điền kinh, Marie-Amélie Le Fur, Chủ tịch Ủy Ban Paralympic Pháp, từng giành nhiều huy chương trong sự nghiệp. Cả hai vận động viên đều tự tin rằng công chúng Pháp sẽ hưởng ứng nhiệt liệt kỳ Paralympic này, nhưng không ngờ sự kiện lại thành công vang dội đến vậy.
Tờ báo thiên tả khẳng định giờ đây mỗi người đều phải có trách nhiệm thay đổi quan điểm về người khuyết tật, đồng thời duy trì lòng nhân từ trong mối quan hệ giữa con người với nhau và dành sự ngưỡng mộ cho một vận động viên bị khuyết tật không khác một vận động viên khỏe mạnh.
Libération kết luận rằng vẫn còn nhiều việc cần được cải thiện, chẳng hạn như cần bảo đảm rằng những người khỏe mạnh đều biết lo lắng cho số phận của người khuyết tật, bởi theo Jeremiasz và Le Fur, sự suy giảm hay thậm chí việc mất đi khả năng di chuyển là tình trạng mà tất cả mọi người đều có khả năng gặp phải, đặc biệt trong một xã hội đang già đi. Vì vậy, cần phải noi gương Nhật Bản, là ví dụ điển hình về một quốc gia đã, đang và sẽ không ngừng nỗ lực cải thiện khả năng di chuyển cho tất cả mọi người.


Tại Nam Dương, Giáo Hoàng Kêu Gọi Chống "Chủ Nghĩa Cực Đoan và Thái Độ Thiếu Khoan Dung"


(AP - Willy Kurniawan: Giáo hoàng Francis (T) và Tổng thống Nam Dương Joko Widodo trong buổi gặp với các nhà lãnh đạo Nam Dương, xã hội dân sự và các cơ quan ngoại giao, tại phủ Tổng thống ở Jakarta, Nam Dương, ngày 4/9/2024.)
-Nam Dương là chặng đầu tiên trong chuyến tông du Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Giáo hoàng Francis. Hôm 4/9/2024, tại thủ đô Jakarta, ngài đã kêu gọi "tăng cường đối thoại liên tôn giáo" để chống "chủ nghĩa cực đoan và thái độ thiếu khoan dung".
Giáo hoàng Francis đã đưa ra lời kêu gọi trong bài phát biểu trước các đại diện chính quyền Jakarta và ngoại giao đoàn. Đối thoại liên tôn giáo là một trong những chủ đề chính của chuyến thăm Nam Dương kéo dài 3 ngày. Ngày mai, ngài dự kiến gặp đại diện của 6 tôn giáo chính thức được công nhận tại nước này.

Trước đó, vào đầu buổi sáng hôm 4/9, Giáo hoàng Francis, với vẻ khỏe mạnh và tươi cười, đã được Tổng thống mãn nhiệm Joko Widodo đón tiếp trọng thể tại điện Merdeka (phủ Tổng thống). Ngài đã có cuộc hội đàm riêng với nguyên thủ quốc gia Nam Dương. Giáo hoàng cũng đã đến chào xã giao Bộ trưởng Quốc Phòng Prabowo Subianto, người sẽ kế nhiệm ông Widodo vào tháng 10 tới sau khi đắc cử Tổng thống vào tháng 2 năm nay.
Theo hãng tin AFP, khi tiếp Giáo hoàng, Tổng thống Widodo đã tuyên bố: " Tinh thần tự do và khoan dung là điều mà Nam Dương và Vatican muốn loan truyền, nhất là trong một thế giới ngày càng bị xáo trộn".
An ninh đã được tăng cường cho chuyến thăm Jakarta của Giáo hoàng. Chính quyền đã huy động khoảng 4.000 binh lính và cảnh sát cùng với các tay súng thiện xạ, đồng thời phong tỏa một số trục lộ.

Trong những thập niên gần đây, Nam Dương đã phải đối phó với Hồi giáo cực đoan, mà cao điểm là các vụ khủng bố bằng bom trên đảo Bali năm 2002, khiến 202 người thiệt mạng. Sau các vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử Nam Dương này, chính quyền Jakarta đã trấn áp mạnh mẽ các phong trào Hồi giáo cực đoan.
Nam Dương, quốc gia có đến 17.500 đảo, là nước có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất thế giới, 242 triệu tín đồ, tức 87% dân số, trong khi cộng đồng Công Giáo chiếm chưa tới 3% dân số, chỉ khoảng 8 triệu giáo dân.


Mỹ Cử Viên Chức Quân Sự Cấp Cao Hơn Tham Dự Diễn Đàn An Ninh Hương Sơn của Trung Quốc


(Ảnh AP - Ng Han Guan, minh họa: Áp-phích về Diễn đàn Hương Sơn (Xiangshan Forum) về an ninh, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 29/10/2023.)
-Phó Phụ tá Bộ trưởng Quốc Phòng phụ trách Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ, Michael Chase, sẽ tham dự Diễn đàn Hương Sơn (Xiangshan Forum) vào giữa tháng 9/2024. Hãng tin Reuters hôm 4/9 cho rằng việc Mỹ cử viên chức cấp cao hơn hồi năm 2023 tham gia đối thoại an ninh thường niên hàng đầu của Trung Quốc, có thể là một dấu hiệu cho thấy Mỹ, Trung Quốc đang tăng cường "đối thoại quân sự".
Theo thông báo của một viên chức Hoa Kỳ xin ẩn danh với Reuters, việc Mỹ cử một viên chức cấp cao như ông Michael Chase "không phải là điều chưa từng có", nhưng quyết định này rõ ràng cho thấy chính sách của Hoa Kỳ ưu tiên gia tăng đối thoại với Trung Quốc ngay cả trong thời điểm căng thẳng gia tăng.

Năm 2023, khi diễn đàn Hương Sơn được nối lại sau 3 năm gián đoạn do đại dịch Covid, Hoa Thịnh Ðốn đã cử một viên chức cấp thấp hơn, bà Xanthi Carras, phụ trách quan hệ với Trung Quốc, thuộc văn phòng Thứ trưởng Quốc Phòng. Năm 2019, trước đại dịch, Mỹ từng cử một phó Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng.
Phó Phụ tá Bộ trưởng Quốc Phòng Michael Chase, sẽ tới Diễn đàn Hương Sơn lần này cũng chính là người đồng chủ trì các đàm phán quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Hoa Thịnh Ðốn vào tháng 1/2024. Đây là "đàm phán cấp độ nhóm công tác" (working-level talks) đầu tiên kể từ năm 2022, sau khi hầu hết các hoạt động quân sự song phương bị đình chỉ do chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ lúc đó.
Căng thẳng tại khu vực Đài Loan và Biển Đông vẫn là những điểm nóng hàng đầu trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, khi cả hai bên đều không muốn thỏa hiệp về "các vấn đề cốt lõi". Theo Reuters, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết đã không có thỏa hiệp mới nào đạt được về Biển Đông trong chuyến đi Trung Quốc của ông hồi tuần trước, với trọng tâm là an ninh, quốc phòng. Nhưng theo thỏa thuận giữa hai bên, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ sẽ sớm có cuộc điện đàm với chỉ huy Bộ Tư lệnh chiến khu Nam Bộ của Trung Quốc, phụ trách các vùng biển phía Nam nước này.
Theo truyền thông Nhà nước Trung Quốc hôm nay, hơn 90 quốc gia và tổ chức quốc tế cử các phái đoàn đến tham dự Diễn đàn Hương Sơn, dự kiến diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14/9 tại Bắc Kinh.


Mỹ Bắt Giữ Cựu Phụ Tá Thống Đốc Bang New York


(AP - Corey Sipkin: Bà Linda Sun, cựu Phụ tá Thống đốc tiểu bang New York Kathy Hochul, rời tòa án Brooklyn, New York, Mỹ, ngày 3/9/2024.)
-Tư pháp Mỹ ngày 3/9/2024 loan báo bắt giữ một cựu Phụ tá Thống đốc tiểu bang New York. Người này bị cáo buộc làm điệp viên cho Trung Quốc để đổi lấy hàng triệu Mỹ kim và cuộc sống xa hoa.
Từ Hoa Thịnh Ðốn, thông tín viên Guillaume Naudin cho biết cụ thể:
"Trong vòng 15 năm, Linda Sun, người Trung Quốc được nhập tịch Mỹ, từng làm việc trong nhóm thân cận của Thống đốc tiểu bang New York. Đầu tiên là với Andrew Cuomo, với tư cách là người phụ trách vấn đề đa dạng, sau đó khi ông Cuomo hết nhiệm kỳ là với Thống đốc hiện nay, bà Kathy Hochul, thuộc đảng Dân Chủ cho đến khi trở thành phó chánh văn phòng của bà.

Nhưng Linda Sun đã lợi dụng địa vị và tầm ảnh hưởng của mình để thúc đẩy lợi ích của đất nước nơi bà sinh ra. Chẳng hạn, cản trở giới chức Đài Loan tiếp cận viên chức New York, hay ngược lại, tạo thuận lợi cho viên chức Trung Quốc di chuyển dễ dàng hơn trên lãnh thổ Mỹ hoặc được tiếp đón hoặc cung cấp tài liệu có đóng dấu tiểu bang New York mà không được phép.
Các nhà điều tra còn phát giác ra rằng Linda Sun hành động không chỉ vì lòng trung thành với nguyên quán. Christian Hu, chồng của bà, cũng được hưởng từ nhiều nguồn tài trợ, rõ ràng đã giúp ích cho sự nghiệp kinh doanh của người này.
Kết quả là, họ có một căn nhà trị giá gần 2 triệu Mỹ kim ở Hawai, một căn nhà trị giá hơn 4 triệu Mỹ kim ở Long Island gần New York hay thậm chí là một chiếc Ferrari đời 2024. Bà Thống đốc tiểu bang New York cho biết rằng Linda Sun không còn làm việc cho bà từ cuối năm 2023, khi những biểu hiện này được phát giác trước khi được trình báo với Tư pháp".

Không có nhận xét nào: