Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2024

GIỜI ĐÀY! - Nguyễn Thơ


Cái tin anh Hoàng có bồ đòi ly dị vợ làm xôn xao cả làng bấy lâu nay. Ai nấy đều bất ngờ và khó tin đó là sự thật, chỉ có chị Liên vợ anh là lặng lẽ như không có chuyện gì. Đến khi anh chị ra tòa chia tài sản xong xuôi thì tất cả từ họ hàng, người thân cho đến người ngoài mới vỡ lẽ. Con người ta đúng là chả biết đâu mà lần! Anh chị cưới nhau từ năm bắt đầu chia ruộng đất khoán sản. Khi ấy anh đang là Bí thư Chi Bộ của xã, làm kế toán hợp tác xã nông nghiệp, kiêm Phụ trách bên Xã Đoàn. Anh có dáng người hơi đậm trắng trẻo, nhanh nhẹn, ít nói nhưng đã nói thì rất cuốn hút người nghe. Trong mỗi cuộc họp, cứ đến lượt anh phát biểu là cả hội trường im phăng phắc.
<!>
Anh không hút thuốc, không bao giờ quán xá và chỉ khi nào có cỗ hoặc liên hoan tập thể thì mới uống vui vài chén rượu.
Chị Liên vợ anh là một người phụ nữ xinh xắn sắc sảo, nhưng rất biết cách cư xử. Ngoài phụ giúp bố mẹ chồng mấy sào ruộng, chị có quầy nhỏ bán hàng tạp hóa ở chợ.
Ngày ấy tất cả còn rất khó khăn. Gặt lúa về nhà phơi khô rồi mang ra kho nộp thuế cho nhà nước. Còn lại số thóc ít ỏi không thể đủ sống trong một năm nên hầu như bữa ăn của mỗi gia đình đều độn khoai, ngô hoặc sắn. Thức ăn thì toàn rau tự trồng và cua ốc bắt dưới bãi ven làng. Quanh năm chỉ ngày giỗ ngày Tết mới được ăn miếng thịt ngon. Nhà ai có người đi bộ đội hoặc công nhân thỉnh thoảng được ít tem phiếu mua mét vải cân đường là hơn người lắm rồi.

Trẻ con đi học không phải đóng nhiều tiền như bây giờ, thế nhưng cũng không có tiền để mà đóng. Nhà nào nuôi được gà vịt thì mang bán, không thì bưng thúng thóc đi chợ lấy tiền mua bộ quần áo cho con đến trường.
Vất vã khó khăn là vậy, nhưng không biết tại sao mà nhà anh Hoàng lại nhiều tiền thế! Anh chị thuộc hộ giàu có nhất làng. Nhà 2 tầng, xe cúp, 2 đứa con đều có xe đạp đi học. Ít lâu sau anh còn mua được miếng đất ở mặt đường, chị Liên bán hàng tại nhà không phải đến chợ nữa. Chị bán nhiều mặt hàng, toàn những thứ không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình, gồm xà phòng, mắm muối, mì chính... thứ gì cũng có. Những lúc bí tiền dân làng hay đến mua chịu hàng của chị. Nhiều khi có người đột xuất cần tiền đến mượn tạm ít nhiều chị đều sẵn lòng giúp đỡ.
Nhưng anh Hoàng lại là người chặt chẽ khác hẳn với chị. Tiền vào túi anh rất khó lòng bỏ ra được. Anh luôn cằn nhằn với chị về cái tội hay cho mọi người mượn tiền.
- Cô tốt bụng vừa phải thôi! Chưa có đứa nào nó ăn quỵt chắc chưa kinh!
Chẳng biết có phải không, nghe mọi người nói là hôm em trai anh bị cấp cứu mổ ruột thừa, anh cho mượn tiền hẹn 10 ngày sau phải trả. Đúng hẹn em dâu anh phải mang bán chỉ vàng mà bố mẹ cho cô ngày cưới để trả cho anh.

Đến năm nhà nước miễn thuế nông nghiệp cho toàn dân thì cuộc sống của người nông dân có phần khá hơn. Toàn bộ ruộng khoán cấy trồng được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, mỗi hộ dân chỉ phải đóng góp một khoản nhỏ tiền thủy lợi phí và đất ở.
Anh Hoàng không hiểu sao lại xin nghỉ không làm việc trên xã nữa mà về nuôi lợn và phụ giúp chị Liên bán hàng.
Xóm nghèo ngày nào giờ đây dần dần đổi khác, đã có nhiều ngôi nhà ngói mới mọc lên và người dân bớt làm lũ hơn nhiều. Chị Liên cũng đỡ bán hàng chịu và không còn ai đến nói khó xin vay tiền. Trẻ con đến trường không mặc quần áo vá và dép đứt quai như trước nữa.
Mặc dù vậy, dân trong làng vẫn nể và biết ơn chị Liên vì những ngày khó khăn chị luôn giúp đỡ mọi người.
Nửa năm trở lại đây anh Hoàng vắng nhà liên tục, đàn lợn bỏ dài bệnh chết gần hết. Chị hỏi lúc thì anh bảo đi khám bệnh, lúc bảo lên chỗ con trai trên Hà nội. Rồi đùng một cái anh đề nghị vợ ký vào đơn ly hôn mà không nói lý do.
Bởi hơn 20 năm chung sống, anh chị không hề xảy ra cãi vã hay có bất cứ lý do gì để dẫn tới chia tay. Chị choáng váng không tin vào tai mắt của mình! Anh để đơn ở nhà cho chị suy nghĩ sau đó bỏ đi luôn.
Tối hôm ấy người ta nghe tiếng búa đập gạch bôm bốp, rồi cái Hà con gái anh chị chạy sang gọi ông bà nội:
- Bà ơi! Bố mẹ cháu chôn vàng ở bậc tam cấp, chỗ lối dắt xe lên nhà! Nhưng mà mất hết rồi!
Bà hốt hoảng hỏi dồn dập:
- Kể đầu đuôi bà nghe xem nào!
- Cháu nghe mẹ gọi điện hỏi bố cháu, là vàng ở bậc cửa anh lấy hết từ bao giờ, 10 cây mà anh cuỗm tất cả 10 à? Trong két sắt cũng không còn 1 xu! Sổ tiết kiệm và 2 quyển sổ bìa đỏ đâu rồi? Anh về ngay không tôi chết cho mà xem! Rồi mẹ cháu khóc ầm lên bà ạ.
- Thế bố cháu nói gì không?
- Cháu không nghe được gì!
Con ơi bình tĩnh đừng nghĩ quẩn nhá! Bà vừa nghĩ vừa đi nhanh sang nhà con dâu. Chẳng hiểu thằng này nó mang tiền của đi đâu, trước giờ chúng nó làm cách nào mà lắm tiền vàng thế không biết!
Chị Liên ngồi bất động trên ghế, thấy mẹ chồng vào cũng không thể cất lời chào. Chị cảm thấy như có ai bóp nghẹn lấy ngực mình mà không thở được.
- Chuyện thế nào hử con, thế thằng Hoàng đâu rồi? Có đúng như cái cháu Hà nói không?
Chị không nói được, chỉ gật đầu.
- Tiên sư nhà nó chứ, đi đâu giờ này không về. Mà nó mang tiền lắm thế đi đâu mới được? Này con ơi, hay là nó có vụ làm ăn gì! Chứ thằng này mẹ biết, tiền của nó đố ai moi được một đồng.
Lúc này chị Liên bật khóc hu hu như một đứa trẻ:
- Tiền là một nhẽ, còn tờ giấy ly hôn đây mẹ này.
Bà quát ầm lên:

- Ly hôn? Nó đòi ly hôn với con! Thằng này nó điên à?
Bà lấy máy ra gọi con trai, 76 tuổi giọng vẫn còn sang sảng:
- Về ngay tao hỏi đây, mày muốn bỏ vợ thế mày đã hỏi tao với bố mày chưa?
Đầu bên kia có tiếng đáp:
- Mai con về mẹ ạ!
Rồi tắt máy luôn. Bà bấm gọi tiếp thì thuê bao. Bà giận lắm! Nó bảo mai nó về! Ừ đợi đến mai!
Rồi bà về nhà nói chuyện với ông.
Đêm ấy cả nhà chị không ngủ. Sáng hôm sau cả làng biết chuyện anh đòi chị ký giấy ly hôn.
Ngày hôm ấy cả làng biết chuyện anh Hoàng đòi chị Liên ký vào đơn ly hôn.
Người ta không thấy chị Liên mở cửa bán hàng, sáng nay không thấy ông bà Kính đi tập dưỡng sinh. Có người tò mò vào ngõ nhìn thấy bậc tam cấp nhà chị bị phá vỡ một đám, gạch đá vẫn còn vương vãi đầy xung quanh. Rồi chỗ nào cũng bàn tán xôn xao. Vợ chồng nhà này ở đâu ra mà lắm tiền thế? Buôn bán hàng khô cũng không thể dễ dàng có nhà, đất, xe, hàng quán, nuôi con ăn học... lại còn vàng, tiền tỉ nữa!
Mà lạ thật, vàng để đâu không để lại giấu ngay bên ngoài cửa. Bị moi mất khi nào cũng không biết, thế không có vết xi măng mới xây lại à?
Có trời mới biết được!
Ông bà Kính sang nhà con dâu từ sớm. Bà đứng ngồi không yên, nét mặt bực bội mệt mỏi chốc lại ngó ra cửa. Thằng con trai giời đánh mà bà vẫn tự hào về nó, bây giờ chưa thèm vác mặt về!
Chị Liên ngồi trong phòng không ăn uống, không nói năng, mới một đêm thức trắng mà mặt chị hốc hác tiều tụy hẳn đi. Chị không thể lý giải nổi nhà mình đang xảy ra chuyện gì!
Gần trưa bà Kính không chịu được nữa vào phòng con dâu gọi:
- Con gọi cho nó xem nào, nó mà về bây giờ tao sẽ băm đôi nó ra!
- Mẹ gọi thuê bao thì con gọi làm sao được!
Chị cảm giác như đầu mình sắp vỡ tung,
- Bố mẹ về nghỉ đi, khi nào nhà con về thì con bảo sang nhà gặp mẹ.
Không còn cách nào, hai ông bà đành đi về.
Sang chiều anh Hoàng vẫn bặt tăm hơi, vẫn không liên lạc được. Lúc này chị Liên như người bốc hỏa, chị muốn gào to lên, muốn đập phá một cái gì đấy cho hả dạ!Chị ngó ra cửa rồi lại đi vào, cuối cùng lặng lẽ vơ vét hết gạch đá mà chị đập vỡ ở bậc cửa đổ ra góc vườn.
Phải đến 9 giờ tối thì anh mới về. Vừa vào nhà thấy chị anh hỏi luôn:
- Cô đã ký vào đơn chưa?
- Anh nói lý do đi, vì sao tự dưng ly hôn, rồi tiền anh mang đi đâu hết rồi?
Chị cố ghìm cho giọng mình bé lại.
- Cô không đọc à? Giờ đọc cho kỹ rồi ký vào, nhanh tôi còn đi việc tôi!
Chị hét lên:
- Ký cái gì? Hả?Tiền vàng sổ sách anh mang đi đâu hết mà bây giờ bắt tôi phải ký đơn? Anh bỏ tôi vì cái gì hử? Tôi có tội gì. Còn hai đứa con thì sao? Tôi không ký!
Vừa nãy còn như người không sức lực, mà giờ chị nổi đóa lên! Mặt nóng phừng phừng. Chị định nói tiếp thì anh xua bàn tay ra hiệu chị im lặng.
- Chúng ta chỉ được đến đây thôi, duyên nợ đã hết. Tất cả tôi đã viết trong đơn cô đọc kỹ đi rồi ký vào!
- Anh nói đi, tiền và vàng đâu?
- Thế này nhé, sau khi ra tòa tôi sẽ cho cô mảnh đất ngoài mặt đường, quán bán hàng và toàn bộ vốn trong đó. Còn cái nhà này nằm trên đất của ông bà tôi để lại, sẽ là của tôi. Thằng Việt đã có công việc ổn định trên Hà Nội, con Hà thì hai bên cùng trách nhiệm chung nuôi nó ăn học. Còn tiền và vàng là bao năm tôi làm Hợp Tác Xã mới có, thử hỏi cô bán hàng lời lãi được bao nhiêu?Nếu cô không ký tôi vẫn ra tòa đơn phương. Lúc ấy cô sẽ không có gì cả! Vì đám đất ngoài kia là tôi đang đứng tên, cô không nhớ à?
Trời! Chuyện gì đang xảy ra thế này? Đối với gia đình thì công lao của chị cũng không hề nhỏ, nhưng ngay lúc này chị không thể cãi lý kịp với anh. Chị biết rằng những gì anh đã nói ra là sẽ không bao giờ thay đổi! Trước mặt chị có phải là anh không? Thì ra có một lần anh bảo đập cái vệt dắt xe vào nhà ra xây lại, là anh đã lấy hết số vàng từ ngày ấy ư? Anh đã không có chị từ lâu mà chị không hề hay biết.
Chị Liên không khóc được nữa. Đời chị coi như xong, nhưng còn hai anh em thằng Việt và cái Hà.
- Anh có thể cho tôi xin một việc. Chúng ta hãy vì con mà không ly dị có được không? Tôi sẽ không đòi hỏi gì, kể cả anh có người khác. Nhưng các con cần một gia đình đầy đủ cả bố mẹ. Cu Việt cũng đã đưa người yêu về rồi, nay mai nó cưới thì sẽ sao đây? Còn cái Hà nữa, nó còn nhỏ mà!
- Không thay đổi gì cả, tôi bận lắm cô ký hay không tôi còn đi?
Tội nghiệp chị Liên quá! Như người bị ép đến đường cùng, chị cúi mặt tay run run đón cây bút bi từ tay chồng, và chị đã ký.
Những ngày chờ tòa gọi chị vẫn hy vọng anh đổi ý, mặc dù chị biết điều đó là không thể. Chị dọn đồ hai mẹ con ra ở hẳn ngoài cửa hàng. Có ai hỏi chị chỉ ậm ừ cho qua chuyện.
Ông bà Kính giận lắm, khuyên bảo không được thì nói là từ mặt con trai. Nhưng chả có bố mẹ nào lại không thương con đẻ của mình cả. Bà lặng lẽ cất cái giấy chứng nhận GIA ĐÌNH VĂN HÓA vẫn treo ở phòng khách vào trong tủ rồi thở dài.
3 tháng sau tòa gọi và xử rất nhanh. Hai đứa con đều có nguyện vọng theo mẹ. Vậy là xong!
Chị Liên về với gian hàng quen thuộc của mình. Công việc bận rộn giúp chị vơi đi phần nào hụt hẫng mất mát mà chị vừa trải qua.
Ngay hôm sau,anh Hoàng đưa 1 cô gái kém anh chừng 20 tuổi vác bụng bầu to đùng về giới thiệu với bố mẹ. Nói là làm mấy mâm cơm mời họ hàng và sáng mai ra Ủy Ban xã đăng ký kết hôn. Ông bà Kính chưa biết nói gì cũng không biết làm thế nào! Đành mặc kệ ngồi yên.
- Con mua đám đất trên thị trấn xây nhà xong rồi! Tới đây con mở phòng châm cứu mát xa bấm huyệt, con sẽ đưa bố mẹ lên để điều trị thời gian cho đỡ đau thần kinh xương khớp.

- Thôi tôi cám ơn, trước đây ai bằng vợ con anh, giờ anh còn bỏ được chẳng chúng tôi già dở tính.
- Ví thế sao mà được, giờ mẹ ít nghĩ đi.
Bà Kính chợt đổi giọng:
- Bao năm bàn tay mày chỉ cầm mỏ cân treo để cân thóc thuế, sau đó bóp cám lợn thôi, chứ mày học đấm bóp châm cứu bao giờ mà đòi mở phòng?
Anh gắt lên:
- Bà buồn cười thật đấy! Những việc con làm con phải báo cáo bà chắc? Bà chỉ ở nhà với quanh cái làng này thì bà biết sao được!
Bà Kính lớn giọng:
- Ờ! Tôi không biết tôi cũng đẻ ra các người!
Cô gái trẻ liến thoắng:
- Là con đã được học và làm chục năm nay rồi mẹ ạ, sau này con sẽ hướng dẫn nhà con làm cùng, khi mà quen, có khách đông rồi con thuê thêm người.
Úi giời! Nghe mà ngọt như mía lùi! Cái ngữ kia sao mà tợn nói thế.Về nhà gặp lần đầu đã gọi mẹ như đúng rồi!
- Thì ra là vậy! Năm ngoái mày kêu đau lưng, rồi lên Hà nội chụp chiếu.Kết quả bị thoái hóa và thoát vị đĩa đệm. không biết nghe ai mách mà mày đi châm cứu mát xa ở mãi đâu, nay khỏi bệnh lại cưới được cô “lang y” nữa! Tậu cả trâu liền nghé luôn à! Tóc bạc già nửa đời rồi con ạ, sắp con dâu cháu nội đến nơi rồi. Giờ mày lại đi nuôi con đỏ hử Hoàng? Tiền mày mua đất cho mày hay là mua kính biếu người ta? Trước giờ mày có cho không ai đồng nào đâu, sao bây giờ tự dưng đổi tính đổi nết thế! Rồi cái đĩa đệm của mày có ngày nó lòi hẳn ra ngoài, lúc ấy có châm với bóp đằng giời cũng không vào chỗ cũ được đâu. Hôm qua thằng Việt nó nói với tôi, là nó chuẩn bị lấy vợ đấy! Anh đã biết chuyện này chưa? Giờ anh chị thích thì tự đi mà lo cho nhau, chúng tôi già rồi, giờ chúng tôi đi nghỉ!
Nói rồi bà đi vào phòng đóng cửa lại.
AnhHoàng đưa cô vợ trẻ về nhà cũ trước đây của mình nghỉ.Định tối nay đi mời mấy anh em ruột thịt thân thiết. Mai ra xã đăng ký kết hôn rồi về làm mấy mâm luôn. Sau đó lên thị trấn chuẩn bị khai trương phòng đấm bóp mát xa châm cứu.
Sáng nay anh Hoàng dậy thật sớm đi chợ. Anh mua vừa đồ tươi sống vừa thức ăn chín, lựa đủ 5 mâm cơm để trưa nay mời người nhà và mấy ông bạn thân. Gọi là chứng nhận cô vợ mới của mình. Mang về đến nhà, anh hì hục làm sạch, đem luộc gà quay thịt. Đồ ăn sẵn thì cất vào tủ lạnh. Lát nữa lên xã về chỉ việc bày mâm là xong. Lúc này anh mới vào phòng gọi vợ trẻ:
- Em dậy đánh răng rửa mặt, anh nấu ăn sáng rồi chúng ta đi ký hợp đồng!
Hai tô phở thơm phức được anh đặt ở bàn ăn, cô vợ vừa ăn vừa bấm điện thoại. Anh lại giục nhanh lên và cuối cùng hai cái tô được thả vào bồn rửa bát.
Anh dắt xe, cô vợ đứng trước gương một hồi rồi đủng đỉnh đi theo. Đúng là ngày hạnh phúc của đôi vợ chồng son. Bút sa gà chết, trâu bò hết chạy lung tung! Hai người trở về nhà trong niềm vui hạnh phúc ngập tràn.
Anh đang hì hụi bày mâm thì vợ chồng em trai sang (hai vợ chồng chú ở cùng ông bà):
- Mình anh làm thôi à? Chỉ có hai đứa em sang thôi, các cháu đi học còn ông bà bảo đừng có gọi tao. Vậy anh đừng tìm chẳng bà lại tế cho đấy!
Lát sau cô em gái đi vào, báo cáo là nhà em với các cháu bận. Đến trưa thêm được hai ông bạn từ thời còn làm công làm việc. Anh lấy máy gọi từng người nhưng ai cũng đều cáo bận.
Tất cả ngồi vào một mâm, vì ít người nên anh Hoàng không báo cáo giới thiệu gì hết. Cô vợ ngồi chấm mút rồi bỏ vào phòng kêu em mệt.
Ăn xong hai chị em xuống dọn dẹp. Anh Hoàng bảo thím với cô mang thức ăn về, chứ anh lên thị trấn luôn không ở lại đây đâu.
Em gái anh nói nhát gừng:
- Em không lấy đâu, dọn xong anh em mình nói chuyện lúc, rồi em về.
- Em cũng không lấy, mang về em sợ bà quát cho thì chết.
Hai chị em gói ghém thành mấy túi nhỏ, bảo nhau tý nữa mang cho mấy nhà gần đây.
Hai ông bạn ra về, còn 4 anh em ngồi nói chuyện:
- Sáng em về nhà rồi mới sang đây, bố mẹ không đồng ý với việc làm của anh! Mà cả em cũng không đồng ý! Nhưng anh em mỗi người một phận, em chỉ mong anh tỉnh táo với những việc mình làm. Gương đời đầy ra đấy anh không thấy à? Hôm nay em định không về đâu, nhưng em muốn biết cuộc sống sau khi anh bỏ chị Liên nó như thế nào?
Em dâu ra hiệu là có chị trẻ đang trong phòng, cô em gái vẫn nói to:
- Kệ, em chỉ nói sự thật thôi! Em cũng mong là cuối đời anh được hạnh phúc, nhưng khó đấy anh ạ! Tuổi của anh bây giờ phải là chỗ dựa tinh thần cho con cái, là cái gương để chúng nó nhìn vào. Chứ không phải bạc hết đầu rồi còn đi chăm vợ trẻ ở cữ! Thôi em về, nhà em còn nhiều việc lắm!
Anh đỏ bừng mặt lên, tức lắm:
- Nếu không có vợ chồng chú ở đây chắc anh cho nó mấy cái tát rồi!
Em trai anh hiền quá, biết chuyện gì đang xảy ra nhưng không bao giờ nói được. Bởi vì từ trước tới giờ mọi công việc toàn anh Hoàng quyết định, không ai được tham gia câu nào.
Cô em gái chưa về mà đi thẳng ra cửa hàng của chị Liên. Nhìn thấy hai mẹ con chị đang ăn cơm, cô bỗng như thắt ruột lại! Ngày cô mới lấy chồng kinh tế còn khó khăn, chị đùm dúm cho cô rất nhiều thứ. Chị thương cô chả khác nào ruột thịt. Nhiều khi cô mượn vài chục một trăm chị đều cho không lấy lại!
Cả hai đều hiểu tâm trạng của nhau nhưng không ai nhắc đến việc hôm nay. Ngồi một lúc, cô xin phép về. Chị Liên nhanh tay nhặt mấy gói bánh kẹo và vỉ sữa chua gửi cho cháu, nhưng cô nhất định không cầm. Chị mang treo vào xe của cô và nói:
- Đây là của bác cho cháu chứ cho mẹ nó đâu hử!
Chị vẫn vậy với cô, nên cô càng thấy thất vọng về ông anh của mình. Cô khóc rồi vội vàng nổ máy đi về mất.

Chiều hôm ấy anh Hoàng thuê xe chở đồ đạc cùng vợ trẻ dọn lên nhà mới ở thị trấn. Chẳng biết vì sợ bị chửi hay thế nào mà anh không đưa vợ sang chào bố mẹ nữa. Mấy hôm sau cửa hàng khai trương tưng bừng! Biển quảng cáo HOÀNG NHUNG MÁT XA BẤM HUYỆT CHÂM CỨU lung linh nhấp nháy phía trên cửa kính. Lẵng hoa rực rỡ đặt hai bên. Trong nhà ánh điện sáng trưng, trên tường treo đầy ảnh mẫu quảng cáo. Giường đệm mút, ghế xoay, gương... tất cả đều sang trọng đẹp mắt.
Nhung gọi mấy người bạn đồng nghiệp cũ về giúp, vì khai trương miễn phí sẽ nhiều khách.
Chả biết khách ở đâu đến cũng đông, toàn là thanh niên đầu xanh đầu đỏ. Chứ người chững chạc thì chả có ai. Nửa buổi có một xe hơn 20 người đến. Người mang hoa, người dúi cho Nhung cái phong bì. Cô vào gọi anh Hoàng đang nấu nướng trong nhà bếp:
- Anh ra đây một lúc đã, bố mẹ với người nhà em đến rồi!
Bên ngoài nhạc đập ầm ĩ lẫn tiếng cười nói chúc mừng ran rỉ lên! Trong bếp một mình anh Hoàng nhanh thoăn thoắt bày mấy mâm cơm mừng khai trương phòng đấm bóp. Đến trưa khi vãn khách là lúc cỗ được bày ra. Người làm và người nhà ngồi 4 mâm chật ních. Nhung bảo bây giờ ăn nhanh và uống ít thôi, vì nếu khách vào còn phải phục vụ. Ăn xong người nhà Nhung lên gác nghỉ. Nhung cùng bạn cô ra phòng đón khách. Mình anh Hoàng với đống bát đĩa vỏ lon và thức ăn thừa ngập ngụa trong bếp!

Sau hôm tưng bừng ấy, khách đến thưa dần rồi chả mấy ai đến phòng mát xa nữa. Vì dân ở khu này chỉ có người già và trẻ em ở nhà. Còn thanh niên đứa đi học đứa đi làm. Trung tuổi vẫn đi làm công ty tối ngày lấy đâu ra thời gian mà đi đấm bóp! Một số người làm kinh doanh buôn bán có điều kiện, họ đến chỗ có uy tín chứ chả đến phòng của Nhung.
Hàng ngày anh đi chợ, nấu cơm rồi gọi vợ dậy ăn. Thỉnh thoảng chiều mát ra hàng cây bên kia đường ngồi chơi hóng gió. Rồi đi ra sân vận động mini gần đó xem bọn trẻ đá bóng. Chợt anh thấy nể bản thân mình, may mà lên thị trấn được mở mang tầm nhìn, chứ cứ ở cái nơi xó lỗ kia thì còn lâu mới khôn ra được.
Vắng khách quá cũng chán. Nhung bảo với anh là đẻ xong em sẽ đi học làm tóc, xăm môi lông mày, nhấn mí. Bây giờ xu hướng làm đẹp đang được nhiều người tìm đến. Làm một đôi lông mày với cái môi là mấy triệu đấy! Anh đầu tư em đi học nhá!
- Thì đến lúc ấy hẵng hay! Phải chờ con lớn đã chứ.
- Em tính rồi, mình sẽ thuê người giúp việc trông trẻ. Em đi học càng sớm càng tốt về còn có việc làm. Anh lo gì, mình còn cái nhà với vườn cây mênh mông dưới quê anh đấy thôi.
Nhung đang vẽ tương lai một cách say sưa thì cô trở dạ. Anh Hoàng gọi taxi đến, chuẩn bị hai cái làn đựng đồ cho bà đẻ, mở tủ lấy ví tiền và đỡ vợ trẻ ra xe tới bệnh viện.
Ngoài hành lang bệnh viện khu vực khoa sản, người ta thấy một người đàn ông tóc đã hoa râm cứ đi đi lại lại vẻ sốt ruột. Một nữ hộ sinh mở cửa phòng ra ngoài hỏi:
- Ai là người nhà sản phụ Lã Thị Nhung 32 tuổi ạ?

Anh Hoàng vội đáp:
- Có tôi đây!
- Mời bác theo cháu vào làm thủ tục cho chị Nhung mổ đẻ! Chúng cháu cần chữ ký của chồng sản phụ nữa ạ.
Bực cả mình. Đang sốt hết cả ruột mà còn nói dài dòng! Anh đi theo cô vào trong phòng, bác sĩ nói thai nhỏ nhưng nó nằm ngang nên bắt buộc phải mổ.
Anh lại lễ mễ đưa vợ trẻ lên phòng mổ ở tầng 3 và chờ đợi. Bà ngoại trạc tuổi anh cũng vừa tìm đến nơi, kêu say xe ngồi vạ luôn trên ghế. Anh khẽ chào mẹ vợ rồi chốc chốc lại thở dài lo lắng. Nét mặt căng thẳng làm anh như càng già thêm.
Có tiếng trẻ the thé cất lên, anh vội bước tới cửa phòng mổ. Cô nữ hộ sinh đi ra và nói:
- Người nhà chị Nhung đâu vào đón em bé về phòng nhé! Thế ông hay là bà đón tay cháu nào? Ông bà nội hay ngoại đây? Chúc mừng gia đình, bé gái tròn 3 lô ạ!
Đúng là dở người, đỡ đẻ thì biết đỡ đẻ thôi. Còn điều tra lý lịch nhà người ta làm gì! Đã thế còn nói to nữa.
Rồi anh thở phào, cô chủ cửa hàng xoa bóp tương lai đã chào đời.
Bà ngoại đứng lên vào phòng đón cháu. Ra đến ngoài vừa đi vừa nói:
- Cha tiên nhân nó, cái mặt giống bố Hoàng như đúc thế này!
Anh cười nhìn cái mặt bé tí đỏ hỏn, mắt nhắm tít lại. Người thì bé mà miệng ngoạc ra khóc re ré! Chưa nhìn ra là giống ai.
Ở bệnh viện huyện thì cứ mẹ tròn con vuông là người nhà đón em bé về phòng trước, mẹ bé sẽ được các bác sĩ làm một số thủ tục nữa rồi đưa về sau. Hàng ngày các cô đến tiêm, phát thuốc và hướng dẫn người nhà chăm mẹ và bé.
Bà ngoại ở một đêm rồi về, bảo ở bệnh viện không quen nên khó ngủ đau đầu lắm. Mình anh chạy đi chạy lại mệt phờ phạc. Đúng là giai nuôi vợ đẻ gầy mòn!
Một tuần sau Nhung được ra viện. Vết mổ còn đau nên mọi sinh hoạt anh Hoàng đều phải nhúng tay vào. Ban ngày nấu ăn, giặt giũ, pha sữa cho con. Ban đêm ngồi bế nó cho vợ ngủ. Thôi cũng là niềm vui của hạnh phúc! Chứ nhàn rỗi mãi như những ngày không có khách cũng chán.
Nhung chỉ ăn với nằm bấm điện thoại nên béo trắng ra, con bé con thì như cái giẻ vắt vai, ăn bao nhiêu chỉ để lấy sức khóc ra rả suốt ngày.
Anh Hoàng đầu xù như quạ đánh, tóc bạc gần hết. Mấy tháng trời số tiền tiết kiệm của anh cũng bị vơi nhiều đi.
Anh ngồi nghĩ, sao lại hao tiền thế nhỉ! Hàng ngày tay anh đi chợ mua sắm chứ có đưa tiền cho ai đâu! Từ thức ăn, sữa mẹ sữa con, bỉm, thuốc bổ thượng bổ hạ, yến chưng cho vợ, vân vân và vân vân...Nhiều thứ lắm! Tự dưng anh nhớ lại, ngày xưa chị Liên nuôi 2 đứa đâu có tốn như bây giờ? Mà hình như anh chưa bao giờ phải thức đêm bế con... Nay gần 6 tháng rồi vợ trẻ của anh vẫn đang trong cữ.
Anh đề nghị với Nhung, là con cứng cáp rồi em ở nhà tự nấu ăn và nuôi con, anh sẽ về quê nuôi lợn. Trước đây anh nuôi hàng chục con, tiền lãi không phải là ít. Bây giờ chuồng trại vẫn chắc chắn lắm bỏ cũng tiếc.
Nhung gắt lên:
- Anh bị điên à? Tự dưng bảo về quê nuôi lợn! Thế anh để mặc mẹ con em một mình, đêm hôm biết làm thế nào? Con thì quấy bỏ xừ. Không được!
- Nói là về nhưng không hẳn là thế đâu. Nuôi lợn bây giờ không phải nấu cám như ngày xưa, mà cho ăn cám cò trực tiếp cùng thuốc tăng trọng. Ban ngày anh về dọn chuồng cho lợn ăn uống, tối lại lên đây. Coi như anh đi làm công ty. Chứ không làm gì ra mà cứ tiêu mãi thì tiền núi cũng chả còn.

- Anh quên là em sẽ đi học nghề à? Có việc làm rồi một ngày em sẽ kiếm bằng mấy con lợn của anh. Lúc ấy anh chỉ có nấu cơm rồi chơi với con thôi.
Rồi cô nói tháng sau cô sẽ đi học.
- Anh liệu mà lo tiền mua sữa và trả lương cho người trông con đấy.
Từ thị trấn về nhà cũ của anh mất chục cây số. Anh mở cổng đi vào, lá rụng dày cộm khắp sân. Mới gần một năm không có người ở thôi mà nó lạnh lẽo như nhà hoang. Cỏ vườn mọc kín tốt um tùm, cây ăn quả không có người chăm sóc tỉa cành nhìn xơ xác hẳn đi.
Đây rồi, hai dãy chuồng lợn vẫn chắc chắn, chỉ phải thay mấy viên ngói vỡ, dọn sạch sẽ bên trong là lại nuôi lợn được.
Anh sang nhà bố mẹ, bà Kính nhìn con trai rồi hỏi:
- Con bé nó có ngoan không? Sao mẹ nhìn anh như người ốm thế? Chắc cháu quấy mất ngủ hử!
Giận đấy, nhưng anh là con trai bà. Nhìn anh gầy hốc hác bà thấy xót:
- Mày tự chui đầu vào rọ, già rồi còn đi nuôi con đỏ! Mai kia anh có bằng tuổi tôi thì anh vẫn còn phải nuôi nó ăn học nhá!
- Con định sửa lại chuồng nuôi lợn mẹ ạ.
Trước đây anh làm cái gì không bao giờ nói chuyện với bà. Nên bây giờ anh nói gì bà cũng kệ. Tao già rồi!
- Cu Việt tháng sau lấy vợ, nó gọi cho anh chưa? Làm gì thì làm, anh vẫn là bố của nó đấy!

- Thế à? Con chưa thấy nói gì.
Lên tới thị trấn anh kể chuyện cu Việt cho vợ nghe. Nhung sáng mắt lên:
- Đúng rồi đấy, lần này là cơ hội để em về ra mắt với họ hàng nhà anh.
- Cu Việt còn chưa nói gì với anh. Em mà về đấy nhỡ các cô các bác không để ý đến thì chả chơi với ai được đâu!
Cô bảo anh già rồi nên chậm tiêu, không hiểu gì cả.
- Cần gì chơi với ai! Này nhé khách bên nào người ấy mời, cỗ bên nào người ấy lo và tiền mừng của ai người ấy cầm! Chúng mình sẽ mời hết dãy dân cư trên này, em mời họ hàng nhà em nữa.
- Dở à, tổ chức ở nhà mình đâu mà mời lắm thế, ai làm cỗ cho?
- Chán anh thật đấy, cỗ đặt chứ sao phải làm! Không tổ chức ở nhà mình nhưng anh là bố nó, anh về lo đám cưới cho con trai cơ mà. Hôm ấy anh mời bao nhiêu khách thì đặt bấy nhiêu cỗ, chả liên quan gì đến bà kia!
Cũng có lý! Tất cả họ hàng dưới nhà là chị Liên sẽ mời hết rồi, tuy đã ly hôn nhưng mọi người vẫn coi chị như người nhà. Còn anh chỉ có mấy ông bạn cũ thời Hợp Tác Xã.
- Tiện hôm ấy có đông đủ mọi người, anh nói chuyện xem có ai mua vườn dưới đấy thì bán đi. Mình đầu tư vào một chỗ thôi. Sau này đỡ phải đi đi về về. Anh thích nuôi lợn, chị họ em có khu bãi ngoài kia, em hỏi cho anh ra đấy tha hồ mà chăn nuôi. Hơi đâu đi về xa chục cây số nuôi mấy con lợn!
- Nhà đất chứ có phải con gà con vịt đâu mà nói bán là bán được. Em thôi nhắc đến chuyện đó được không!

Nghe tiếng bố mẹ nói to, con bé thức dậy khóc loa lên. Anh Hoàng mê mẩn chạy vào bế con:
- Ngoan nào, ít ngày nữa bố cho con gái về quê nội ăn cỗ anh Việt nhá!
Nhung cười tít mắt lại! Bao nhiêu dự định mới được vẽ ra trong đầu cô. Lập gia đình muộn một tý, chồng hơi già một tý nhưng đã ai sướng bằng mình! Tình yêu là có tiền để tiêu và được chiều như công chúa! Vậy đấy!
Tiếng con bé vẫn choe choé trong nhà, anh Hoàng đang lụi cụi pha sữa. Ngoài ghế Nhung vẫn cười tủm một mình và chìm đắm trong giấc mơ giữa ban ngày...
Thường thì sáng ra là khoảng thời gian chị Liên bận bịu nhất, vì lúc này người dân hay tranh thủ đi mua đồ.
Đang túi bụi nhặt hàng và tính tiền cho khách thì chị nghe bên ngoài có tiếng nhiều người vồn vã:
- Ô! Anh Hoàng về thăm chị Liên đấy à! Có mua ủng hộ chị chủ gì không đấy?

- Từ ngày lên thị trấn nom anh dạn dày hơn nhỉ, chứ không còn non nớt như ngày xưa.

- Anh thấy chị Liên chưa? càng ngày càng mặn mà có duyên, khối anh xin chết mà chị không thèm nhá!

- Thế thằng Việt đã mời đám cưới chưa?
Có người nói mỉa:
- Đầu năm cưới bố, cuối năm cưới con. Sang năm cô cháu nó dắt nhau đi nhà trẻ tốt nhỉ.
Người ở quê sống đoàn kết thương nhau là thế. Nhưng mà đã ghét thì đào đất đổ đi, cho dù có những việc không liên quan gì đến họ.
Vãn khách anh Hoàng tự kéo ghế ngồi, nhìn quanh một lúc rồi nói:
- Tôi về đây bàn với cô về việc cu Việt lấy vợ.
Chị thản nhiên, vẫn cắm cúi xếp lại ít hàng bề bộn. Không nhìn anh, chị nói:
- Tôi lo xong hết rồi!
Anh hơi cau mày lại, lát sau như không kìm được nữa liền nói một hồi:
- Cô đã nói gì với nó? Nên nhớ tôi là bố nó nhá! Nó gọi điện mời tôi về dự đám cưới của nó như mời người ngoài, không có hỏi ý kiến gì cả. Lẽ ra nó phải dẫn con bé kia đến chỗ tôi, báo cáo xin phép hẳn hoi. Đằng này nó lại bảo bố về nhà ông nội bàn việc của con. Hay là cô đầu độc gì nên nó thái độ?
Chị ngồi xuống ghế rất bình tĩnh. Lúc này chị mới nhìn kỹ anh. Khuôn mặt trắng trẻo ngày xưa giờ gầy hốc hác râu ria mọc xồm xoàm. Tóc tai bù xù không chải chuốt bóng lộn như ngày nào...
- Khi anh bắt ép tôi ký đơn ly hôn để đi cưới vợ mới, anh có báo cáo xin phép bố mẹ anh không?
Anh chợt quát lên:
- Cô không được nối giáo cho giặc, như thế là làm hư cho con cái biết chưa?
Chị im lặng! Chị không muốn đối lời với người gia trưởng bảo thủ không đạo đức. Chị đã vượt qua cú sốc lớn trong đời, người phụ nữ ấy bây giờ trở nên rắn rỏi mạnh mẽ đến lạ! Đâu phải có chồng bên cạnh mới là hạnh phúc? Chị thương bản thân mình hơn, gắng sống tốt để không hổ thẹn với cuộc đời. Hạnh phúc là vui vẻ mạnh khỏe và nhìn thấy các con trưởng thành từng ngày một.
Gần một năm qua anh mải vui tình mới, không hề để ý tới con cái. Thỏa thuận khi ra tòa là cùng nuôi con Hà ăn học anh cũng không thực hiện được, chị không hề nhắc tới. Vậy nên chị càng thấy cuộc sống hiện tại của mình thật giá trị.
Còn anh, giọng nói không cuốn hút người nghe như trước, mà vô cùng cục cằn nóng nảy. Anh yêu cầu tổ chức ở nhà hàng, hai người sẽ tự lo cỗ bàn và tiếp đón khách của mình. Chị Liên nói nhỏ nhẹ dứt khoát:
- Tôi đã bàn với gia đình rồi, sẽ tổ chức tại nhà ông bà nội. Trong đó sân vườn rộng rãi, cỗ bàn do cụm dân cư tới giúp. Không thay đổi được!
Anh bực lắm, hằm hằm đứng lên ra về.
Đám cưới vẫn được tổ chức tại nhà ông bà Kính. Sân rộng kê được 4 dãy bàn, bên phải là khách của chị Liên, bên trái là khách của anh Hoàng và Nhung. Họ hàng cùng cụm dân cư tới giúp mẹ con chị làm cỗ, còn anh Hoàng đặt nhà hàng mang tới.
Chị Liên trang điểm nhẹ, tóc búi cao có cài trâm óng ánh. Chiếc áo dài xanh rêu ôm sát người, nhìn chị đẹp quí phái khác hẳn những ngày bận rộn bán hàng. Anh Hoàng diện com lê đứng bên này đón khách.
Nhung mượn người trông con, chờ họ hàng nhà mình đến rồi đi cùng dãy dân cư của cô về đám cưới. Tất cả là hai xe to chật. Cô đã đích thân đi mời từng nhà một, nói là em về quê lo đám cưới cho con chồng, cháu nó lên tận đây nhờ dì và bố! Nên mong các bác tới dự cho cháu đỡ tủi thân!
Bùi tai quá, nể tình cảm của bà mẹ kế này thật nên mọi người đã bảo nhau về đông đủ. Và Nhung không quên nhắc mọi người chú ý cái hòm bỏ phong bì bên trái, không được bỏ nhầm sang bên phải đâu đấy.
Khách của Nhung về, anh Hoàng bắt tay túi bụi. Chị Liên lịch sự gật đầu chào và mời họ vào trong rạp.
Nhung diện chiếc đầm đỏ cổ rộng đi chúc rượu từng bàn một. Hết dãy bên trái sang bên phải. Cô đến bên mấy mâm cánh đàn ông rượu đã ngà ngà làm quen xin số điện thoại, kết bạn phây búc, cười tươi roi rói nổi bật nhất trong đám cưới. Anh Hoàng có vẻ khó chịu nhưng cố tỏ ra không để ý. Tan tiệc Nhung mở hòm lấy hết phong bì nhét vào túi đeo trên người rồi báo cáo con phải về trước, lý do là cháu nhỏ gửi ở nhà. Trước khi về cô dẫn phái đoàn sang nhà cũ của anh Hoàng chụp ảnh, bảo để làm kỷ niệm. Sau đó cùng đoàn về luôn.
Anh Hoàng về đến nhà bực mình lắm:
- Em không nên như thế giữa đám đông, họ hàng ở quê khác trên này. Rồi lại mệt với hai ông bà thôi!
- Anh ngây thơ lắm, em sẽ quảng cáo bán nhà cho anh, rất nhanh chóng.

- Đã bảo chưa bán!

- Anh giữ làm gì nhỉ? Đằng nào mình cũng có nhà ở đây rồi. Trông như cái vườn hoang cho rắn rết nó làm tổ à. Để đất nằm đấy có đẻ ra tiền không? Bán đi em chỉ xin một ít tiền học nghề, còn anh đem mà gửi lấy lãi.
- Để anh về nuôi lợn đấy.
Anh vẫn quả quyết nhưng cô chả để ý. Một khi anh đã bỏ tiền tỷ ra mua đất ở thị trấn này xây nhà cho cô thì cái vườn ở xó quê ấy sao cô không đòi bán được.
Rồi cô đăng phây búc quảng cáo bán nhà cùng 2 sào vườn kèm ảnh chụp hẳn hoi. Cô không quên gắn thẻ những người bạn mới quen trong đám cưới vào.
Cả làng lại được trận xôn xao về chuyện anh Hoàng bán vườn. Người thì bảo có nhà thị trấn rồi nên bán đi để làm gì. Người thì nói cẩn thận không lúc hết sạch lại như khối ông đấy, thập thò cửa lỗ rồi mà chưa biết mình dại.
Tối hôm ấy Nhung khoe với anh là đã có mấy người vào bình luận hỏi giá đất rồi. Chờ anh chốt thôi là xong.
Anh Hoàng không nói gì, Nhung tiếp tục tấn công:
- Nếu anh vẫn muốn nuôi lợn thì em hỏi chị họ cho mượn khu bãi ngoài kia, mấy sào vườn cây gần bờ sông đang bỏ cỏ. Anh đầu tư xây chuồng mà nuôi lợn ở đấy nó gần. Cách nhà mình hơn cây thôi.
Nhung hẹn người trả giá cao nhất, thu xếp thời gian gặp để thỏa thuận giá cuối cùng chốt mua và bán.
Không hiểu ở Nhung có cái gì mà làm cho anh như người lú. Đã kiên quyết thế rồi mà cuối cùng anh vẫn cùng cô về gặp người mua nhà. Và thế là chốt!
Nửa tháng sau mọi thủ tục giấy tờ xong xuôi, mảnh đất bố mẹ cho từ ngày anh lấy chị Liên, ngôi nhà 2 tầng cũ kỹ nhưng biết bao gắn bó nay thuộc về người khác. Anh cũng thấy tiếc cứ tần ngần nhìn ngắm mãi. Chỗ giấu 10 cây vàng bị đập nham nhở giờ đây lá mục phủ kín. Dãy chuồng lợn ngoài vườn cỏ mọc bò tận vào giữa nền.
Thế là hết, chẳng còn gì vương vấn ở cái làng này nữa. Anh xách túi tiền lên xe chở Nhung về thị trấn.
Cả đêm hôm ấy anh Hoàng không ngủ. Ngôi nhà ở quê cứ chập chờn ẩn hiện trong đầu anh. Bỗng dưng anh cảm thấy tiếc nuối như vừa đánh mất một thứ gì rất quan trọng trong cuộc đời.
Anh nhớ lại hôm đám cưới cu Việt, tất cả họ hàng làng xóm nhìn anh như nhìn vật thể lạ. Họ chào anh cho qua chuyện rồi lạnh nhạt lảng ra chỗ khác. Thôi! Vậy thì chả tiếc! Đằng nào mình cũng chẳng còn lý do để về!
Nhung lên mạng đã tìm được người trông con tại nhà. Cô nói với anh là bà ngoại sẽ đến đây ở cho tới khi cô học xong.
- Sao em không nhờ mẹ trông con giúp luôn đi, còn thuê người cho tốn kém?

- Mẹ có bệnh đau đầu không chăm trẻ con được.Nhưng cũng không thể để con cho 1 mình người giúp việc! Bà ngoại đến đây sẽ hỗ trợ chăm cháu những lúc bận rộn.
Mỗi tháng tiền bỉm sữa thuốc men cho con là 5 triệu, trả công trông trẻ 5 triệu. Chưa tính tiền ăn hàng ngày.
Em đi học 3 tháng; gồm tiền ăn ở, sắm đồ đạc máy phun xăm và tiền học phí, anh ra ngoài kia nạp trước vào thẻ cho em 300. Anh tính để lại chi tiêu còn bao nhiêu đem mà gửi.
- Em học gì mà mất nhiều tiền thế?

- Sau này còn phải mua sắm thêm thiết bị, thay biển ngoài cửa nữa. Anh cứ chuyển đi, chứ nhỡ anh mang gửi cả khi cần mà rút trước hạn thì mất hết lãi à?
Anh Hoàng không nói gì. Trước đây anh mang số tiền lớn đưa cho Nhung mua đất làm nhà, rất thoải mái mà không một chút đắn đo. Sao lúc này nghe cô nhắc đến tiền anh cảm thấy nó mệt, nó khó chịu đến thế! Nhưng mà không còn cách nào khác, anh không thể trái ý cô.
Thu xếp ổn thỏa, Nhung lên đường thực hiện tiếp ước mơ của mình. Cô kéo chiếc va li nhỏ ra cửa, gọi taxi lên Hà Nội, dặn anh ở nhà nhớ lời em dặn!
Giờ đây mọi việc nhà và chăm con bé đã có mẹ vợ và chị giúp việc lo. Chỉ khi nào cần thứ gì, thiếu thứ gì thì anh chạy mua.
Nhàn rỗi cộng thêm Nhung đi vắng nên anh buồn. Ở nhà không biết nói gì, ra ngoài không biết tâm sự và chơi cùng với ai, về quê thì không nơi nào chào đón anh! Chợt nhớ có lần Nhung nói là chị họ cô có khu bãi bây giờ bỏ không, anh có thể mượn chỗ để nuôi lợn nuôi gà cho đỡ buồn.
Anh gọi cho vợ trẻ, hỏi số điện thoại của chị họ. Chị bắt máy, hẹn đưa anh xuống khu bãi rộng. Chị nói:
- Trước đây mình đã mua theo diện chuyển đổi cây trồng. Nay anh chị mở cửa hàng ăn nên bỏ không chăm sóc được. Chú xem có sử dụng chăn nuôi trồng trọt thì chị cho mượn, cứ miễn sao trông nom giúp anh chị là được, không phải lo thuế má gì cả. Cây cối chú chăm vào mà thu hoạch.
Mấy mẫu đất bãi rộng mênh mông, cách một con lạch là tới chân đê. Ở giữa là 2 cái ao to, xung quanh là vồng đất trồng nào chuối, bưởi, vải, chanh và quất... nhiều lắm nhưng cằn cỗi và cỏ mọc tốt ngang người! Nhiều cây nhỏ đã bị dây leo kín mít.
Anh bắt đầu lên kế hoạch mua gạch và thuê thợ xây chuồng lợn. Dự tính 2 cái ao sẽ tuồn phân lợn xuống thả cá. Gà thì khó nuôi nhưng đất rộng sông dài thế này anh sẽ nuôi vịt, mỗi góc vườn để một cái cũi chó...
Hàng ngày anh chúi mặt dưới bãi, nhà và con để mặc cho bà ngoại và người trông trẻ. Anh dựng lều mang chăn chiếu ngủ luôn tại đó để trông nguyên vật liệu. Thỉnh thoảng đảo về nhà hỏi thiếu cái gì thì đi mua rồi lại vội vàng xuống bãi.
Chuồng trại cũng đã xong. Anh mua ống tuýp sắt làm cột kéo dây điện, lắp máy bơm nước rửa chuồng và sắm sửa máng chậu cho lợn. Bên cạnh đó anh làm gian nhà nhỏ lợp tôn, đủ kê chiếc giường một và để cám chăn nuôi. Chỗ trái nhà lợp bán mái ra ngoài dùng để nấu ăn và chứa đồ lặt vặt. Anh đứng ngắm công trình vườn ao chuồng của mình một cách mãn nguyện.
Xe chở lợn và vịt giống ì ạch mãi mới vào được phía trong vườn vì đường khó đi. Khu bãi bao năm yên tĩnh thanh bình nay sáng trưng ánh điện, ầm ĩ tiếng lợn con rít, tiếng vịt kêu và tiếng chó ăng ẳng liên tục.
Ngoài giờ chăm lợn anh đi phun thuốc trừ cỏ,phát cành cây, lộn đất trồng lại chuối. Chỗ nào trống thì nhét xả giềng vào... Ngày làm mệt đêm ngủ say như chết. Đày mưa đày nắng, ăn xó mó niêu, tối ngày làm bạn với lợn với vịt mà anh cảm thấy thoải mái hơn những ngày nuôi vợ đẻ. Vì anh được tự do làm điều mình thích, không có ai sai vặt, không ai hờn dỗi mắng mỏ mình.
Anh chúi mũi dùi dưới bãi quên cả về nhà. Nhung gọi quát anh ầm ầm:
- Anh làm gì mà nhà hết thức ăn, hết cả sữa bỉm của con anh không biết? Nếu bận thì đưa tiền cho bà ngoại đi mua chứ?
- Anh mới đưa cho bà 5 triệu, dặn là thiếu gì bà mua cho rồi. Anh đang bận ở trang trại nhé.

- Đưa bao giờ? Sáng nay bà mới gọi em, bảo là hết sạch rồi. Anh liệu mà về đi.
Thế này thì chết! Mới được hơn chục ngày mà tiêu hết 5 triệu! Phá sản à? Anh kệ, hết rồi thì nhịn. Nhưng anh vẫn về ngay chiều hôm ấy vì Nhung ngọt nhạt năn nỉ:
- Anh về đi,không đưa tiền cho bà thì thôi,mua đồ ăn để tủ cơ. Xem con bé hết cái gì thì mua luôn cho nó nữa!
Anh lặng lẽ đi mua bột ăn dặm, sữa, bỉm cho con. Mua đồ ăn nhét đầy tủ lạnh, dặn 2 bà bảo mẫu cẩn thận rồi đi về với đàn lợn.
Đúng hẹn Nhung trở về nhà với nghề mới trong tay. Cô gọi điện cho anh báo trước, anh nói không đi đón được vì rất bận. Cô vui vẻ nói rằng, anh cứ làm việc của anh đi, chuyện khai trương lần này tự em lo được. Mình sẽ không tổ chức ăn uống mời khách như lần trước.
Đổ cám cho lợn và vịt ăn xong anh vội về nhà. Đã 3 tháng nay xa cô vợ trẻ yêu quý rồi. Lòng khấp khởi vui anh chạy xe thật nhanh trên con đường bãi sóc như sóc ốc. Tới cửa anh thấy tấm biển cũ tên HOÀNG NHUNG bị gỡ xuống, thay vào đó là tấm biển mới có chữ HỒNG NHUNG đỏ chót, đằng sau là dòng chữ “Phun xăm nghệ thuật, tạo hình mái tóc, chăm sóc làn da”. Và loằng ngoằng một lũ tiếng Liên Xô Trung Quốc gì đấy mà anh không hiểu!
Anh bước vào nhà, một người đàn ông trẻ hơn Nhung khoảng 2 hoặc 3 tuổi đang lúi húi lắp vòi nước ngay gian ngoài. Thấy anh về Nhung chạy ra nói:
- Anh về đấy à, đây là đồng nghiệp của em ở bên kia thị trấn, em nhờ bạn ấy đến giúp mấy việc và hướng dẫn cách làm trong thời gian đầu. Đây là máy sấy tóc, máy phun xăm em mới mua. Chỗ này là bàn nằm gội đầu, bạn ấy đang lắp đặt vòi nước nóng lạnh cho đấy.
Thanh niên khẽ chào anh rồi cắm cúi làm tiếp. Nhung vào trong, anh Hoàng vội bước theo vợ. Cô nhăn mặt đẩy anh ra và nói:
- Khiếp quá, hôi toàn mùi cám cò với với mùi gà vịt. Anh làm gì mà trông người như dưới lỗ móc lên thế? Ra soi gương xem, tóc tai không khác lão ăn mày. Gặp người trong thị trấn anh không xấu hổ à?
Chợt như thấy mình hơi quá lời, cô hạ giọng:
- Em tính rồi, mẹ sẽ ở đây trông con hộ đến khi nó được 1 tuổi thì cho đi nhà trẻ. Bây giờ em về rồi anh không phải lo gì việc ở nhà nữa! Cứ yên tâm với đàn lợn của anh thôi. Hàng tháng thêm tiền mua sữa cho con là được!
Anh hơi bực nhưng cố nhịn. Quanh ra quẩn vào chơi với con một lúc chẳng biết nói gì. Nhung cùng bạn cô vẫn bận rộn cùng nhau trang trí phòng chuẩn bị khai trương tiệm tóc với da của mình mà chả để ý gì đến anh. Thấy muộn anh giật mình nhớ đến đàn lợn! Tới giờ này chắc chúng nó đói rồi, đang rít ầm ầm phá chuồng cũng nên! Anh ra ngoài cửa, lên xe nổ máy và phóng thật nhanh xuống bãi. Vừa xuống xe anh Hoàng nghe tiếng đàn lợn rít oang oác kinһ kһủng!Lũ vịt ào lên bờ quàng quạc đòi ăn như đòi nợ. Anh túi bụi đổ cám, chúng nó tranh nhau xô cả vào người anh ngã dúi dụi!
Khổ lắm! Bà chủ chúng mày về, tao xin phép đi một lát thôi! Mà nào xơ múi gì đâu! Tao đang buồn hết cả người đây!
Xong xuôi anh lặng lẽ vào nhà ngồi một mình. Sương đêm xuống cộng với tiếng gió ngoài bãi mênh mông thổi vào làm anh lạnh hết cả sống lưng. Không ăn uống gì, anh nằm xuống chiếc giường sặc mùi cám cò, mắt mở chong chong nhìn lên mái tôn. Hình ảnh anh bạn của Nhung cứ lởn vởn trước mắt anh. Bỗng dưng anh cảm thấy trong lòng bất an bồn chồn. Anh dậy ngó ra ngoài cửa, trời tối đen như mực, tiếng côn trùng kêu ran rỉ, tiếng lá chuối khô xào xạc. Thỉnh thoảng có con vịt lại quác lên một tiếng rõ to.
Tất cả vốn liếng anh đã đổ vào đây. Đàn lợn béo vai vuông vưng vức ăn no đang lăn ra ngủ, gần ngàn con vịt thay lông trắng xóa nằm la liệt ở bờ ao. Bây giờ anh về với vợ, trộm nó mà vơ cho thì hết vốn!
Anh quay vào nằm lên giường, mãi vẫn không ngủ được! Anh thức đấy, nhưng hình như không hề tỉnh táo! Anh không uống rượu, không hút thuốc nhưng sao người như ngà ngà say. Chả hiểu thế nào nữa!
Chợt điện thoại anh có tin nhắn, anh vội vàng mở ra xem “Anh ngủ chưa? Em bận quá nên hóa vô tâm rồi! Thôi anh cứ chịu khó đợi, ổn thỏa mọi việc chúng mình sẽ lại bên nhau!” Thì ra là tin nhắn của cô vợ trẻ!
Có thế chứ! Anh vùng dậy mò mẫm lấy gói mì đổ nước nóng vào ăn xì xụp. Rồi vui vẻ vơ một đống vỏ bao kê cái gối thật cao lên để ngủ.
Nhung không mướn người giúp việc nữa mà chỉ nhờ mẹ ở lại trông con hộ mình vài ba tháng. Cô lo sắm sửa đã xong và chuẩn bị đến ngày khai trương.
Lần này chỉ có cô và anh bạn đứng ra làm việc, không tổ chức linh đình như lần trước. Ngày đầu nghe chừng cũng suôn sẻ, khách tới ít thôi nhưng cũng kiếm được vài triệu. Mấy hôm sau cũng vậy, vẫn lác đác có người tới đều đều. Vậy là ổn!
Anh Hoàng bận túi bụi vì lợn sắp đến ngày xuất chuồng. Càng lớn chúng ăn nhiều nên anh càng vất vả! Ban ngày anh tranh thủ về nhà chốc lát, thấy Nhung vẫn có khách đều đặn nên rất mừng. Thời kỳ khó khăn đã qua, giờ đây cả hai cùng kiếm ra tiền! Tương lai phơi phới đang hiện dần ra trước mắt anh.
Mỗi tối khuya Nhung vẫn nhắn tin cho anh đều đặn. Cô động viên chồng yên tâm về mọi mặt, hôm nào xuất lợn em sẽ đóng cửa quán để xuống bãi phụ giúp anh. Và anh nói là em không xuống đây được, hôi hám bẩn thỉu em sẽ không chịu được đâu!
Ngày vui nhất trong sự nghiệp vườn ao chuồng của anh đã đến. Mấy tấn lợn thịt được chuyển lên ô tô, thương lái đến mua luôn cả đàn vịt một lúc. Công anh lăn lộn đổ mồ hôi sôi nước mắt, chân tay mặt mũi ngấm toàn mùi lợn với vịt, nay kết quả thu được một khoản tiền lớn đây rồi! Khách mua lợn đi hết, anh mang tiền vào trong nhà, bỏ ra đếm. Số tiền đã mua giống để riêng, tiền để trả đại lý cám cò để riêng, còn lại hơn 2 chục triệu tiền lãi! Anh thần người ra như bị mất trộm! Thu được nhiều như thế này, ai ngờ toàn tiền cám đã chiếm gần hết! Ngày trước anh nuôi lợn ở quê hoàn toàn lấy thóc gạo trong nhà nấu cho chúng ăn. Khi xuất chuồng được bao nhiêu là thu cả chứ không phải trả ai đồng nào. Có người đã thắc mắc, dân ngày ấy nghèo cơm không đủ no, mà anh có gạo để nuôi lợn hàng đàn! Mỗi năm 2 lứa lợn được bán anh lại đi mua vàng! Thật đúng là mình không được ăn sướng bằng lợn nhà anh ấy! Người ta nói rằng bao năm anh Hoàng đứng cân thóc thuế cho Hợp Tác Xã kiêm sổ sách chắc được trả lương cao nên mới có nhiều thóc như thế. Nhà nào cũng vậy, cứ mỗi mùa lúa gặt về phơi khô mang nộp thuế xong là buồn như người mất cắp. Dân làng gánh lúa kĩu kịt ra hội trường xếp hàng chờ đến lượt được cân. Anh Hoàng trực tiếp kiểm tra và đứng cân.Nhà nào mà chưa được là phải gánh về phơi lại. Một gánh thóc nặng ước chừng 40 cân, nhưng khi mắc lên cân chỉ có thiếu, đổ thêm mấy lần vẫn cứ chưa đủ! Dân làng thắc mắc xì xèo nhưng chỉ dám nói vụng với nhau rồi ngậm ngùi về gánh tiếp ra cân cho đủ! Vì nghèo nên cả làng không có nổi 1 chiếc cân. Và cứ như vậy hết năm này qua năm khác, người dân nghèo còng lưng đội mưa đội nắng đi cày cuối cùng bữa cơm vẫn phải độn khoai với sắn. Có một ngày mấy nhà rủ nhau chung tiền, cử người đi chợ xa mới mua được chiếc cân treo 50. Tất cả thóc được cân thử trước khi mang ra kho nộp thuế.
Và chuyện lớn đã xảy ra, mỗi mã cân vẫn thiếu từ 5 đến 7 cân thóc! Các bà không chịu, nói là chúng tôi cân ở nhà rồi, không thể thiếu được! Nếu vậy thì cân của Hợp Tác là cân điêu! Kết quả là những người này bị bỏ xuống mang về phơi lại, thóc vẫn còn non! Đã thế lúc cho lên cân rồi hạ xuống lại bị đổ vãi ra kho mất toi cái ngọn thúng! Ngậm bồ hòn làm ngọt, gánh thóc bị đổ vãi bớt mà sao trên đường về nó nặng trĩu vai những người nông dân nghèo. Chuyện bao năm rồi, giờ mải làm thế kia chắc anh chẳng còn nhớ gì đâu. Chuyện qua lâu lắm rồi!
Anh Hoàng cho túi tiền vào cốp xe, thu dọn ít đồ cho vào trong gian nhà khóa lại. Anh nổ máy đi trả tiền cám! Hôm nay anh sẽ về ăn cơm cùng Nhung và con gái! Bàn tay búp măng khéo léo ấy sẽ cắt tóc mát xa và gội đầu cho anh! Nghĩ đến đây bất giác anh mỉm cười một mình!
Đang đếm tiền trả chị chủ đại lý cám cò, anh nghe tiếng mấy bà cũng đến mua hàng nói với nhau:
- Con cắt tóc gội đầu trong thị trấn thế mà gớm, cặp bồ bị vợ thằng kia nó đến tận nhà đánh ghen.
Anh chú ý nghe, tự dưng hơi chột dạ. Một bà nói:
- Nghe đâu thằng kia nghiện, con này cuỗm của lão chồng cho nó bao nhiêu tiền rồi!

- Có thế nó mới để yên, nếu không nó đập cho nát tiệm ra rồi!
Lúc này anh không thể lặng yên được nữa quay sang hỏi:
- Ở quán cắt tóc nào đấy các chị?

- Quán Hồng Nhung chứ còn quán nào! Chẳng biết thằng chồng già đâu mà để con vợ nó lộng hành đưa bồ về ở mà không biết. Vợ thằng bồ đến đánh nhau ầm lên xong nó tóm cổ về rồi!

- Hình như lão chồng già đi nuôi lợn ở dưới bãi. Khổ thân vớ phải con vợ lăng nhăng không ra gì!
Nhung ơi, em tự chuốc khổ rồi! Bây giờ lão sẽ về cho mày ra khỏi cửa! Anh nghiến răng kèn kẹt cố không phun ra những câu chửi bậy!
Anh Hoàng nghẹn thở, lảo đảo quay xe. Nhung ơi hãy đợi đấy! Anh Hoàng phóng xe như điên trên đường. Vừa đi vừa rít lên “Cô được lắm! Cô dám phản bội tôi còn lừa tiền đem cho trai à?”
Về đến nhà anh đẩy cửa lao thẳng vào trong, thấy mẹ vợ đang ngồi cùng con bé trên ghế. Đồ đạc trong nhà xiêu vẹo lệch lạc. Anh hỏi:
- Bà! Nhung đâu rồi?
- Nó đang trong phòng.
Anh Hoàng bước xồng xộc vào trong. Nhung đang nằm giật mình quay ra, anh nhìn thấy trên mặt cô có mấy vết tím bầm, hai môi sưng vếu lên. Anh hỏi sẵng giọng:
- Mặt mũi cô sao thế kia?

Nhung trả lời gọn lỏn:

- Đánh nhau!
- Vậy là tôi nghe không nhầm? Đúng không? Thằng bồ của cô đâu?

Nhung quát lên:

- Bồ nào?
Anh nhìn quanh phòng, thấy có bộ quần áo đàn ông lạ treo trên mắc. Anh hùng hổ giật xuống ném vào chỗ Nhung đang nằm:
- Của thằng nào đây?
Máu sôi lên sùng sục tưởng đứt mạch đến nơi, anh xô cửa toa lét, ngó xuống bếp rồi quay lại chạy nhanh lên gác. Sau đó vừa lao xuống vừa xổ ra một tràng:
- Tiền của tôi đâu? 300 triệu, cô học làm tóc mà hết à? Cô dám lừa tôi đem tiền cho thằng phi công trẻ à? Rồi tiền tôi nuôi cô từ ngày mới gặp đến giờ, trả hết lại cho tôi ngay!
Nhung gào lên:
- Nói ít thôi! Tôi đang điên đây! Thích tiền hả? Ngoài đường đầy kia kìa, ra mà hốt!
Đến lúc này như không chịu nổi nữa, anh sấn sổ giơ tay lên. Từ trước tới giờ anh chưa từng đánh ai, nhất là phụ nữ! Anh quay sang vớ được cái máy sấy tóc quăng một phát vỡ tan cái gương to trên tường. Con bé sợ dúm người lại khóc thét lên. Bà ngoại ngồi im re không nhúc nhích!
- Cô cút khỏi nhà tôi!

Nhung cười nhạt:

- Nhà nào của anh? Anh đi đi, nếu không tôi gọi công an bắt anh vì tội phá hoại.
- Tiền mua đất, tiền làm nhà. Tất cả bạc tỷ là của tôi! Hỏi rằng cô có xu nào không?

Nhung vênh mặt lên:
- Nhớ cho kỹ vào, đất này là của ai? Còn nhà hử, đấy dỡ ra mà mang đi!
Anh há hốc mồm ngồi xuống! Người mà anh yêu say đắm đến bỏ cả gia đình vợ con, dốc hết hầu bao để phục vụ. Giờ cô lại dám trở mặt hăm dọa anh.
Khi gặp nhau, Nhung nói với anh sẽ mua lại đám đất trong thị trấn của chị gái để làm nhà. Nhưng 2 vợ chồng chị đang ở nước ngoài, nên khi nào họ về mới sang tên sổ đỏ được. Lúc ấy em để anh đứng tên, vì anh là chủ hộ mà. Chìm đắm trong hạnh phúc bên cô gái trẻ xinh đẹp, sức xuân phơi phới nồng nàn đến mê hoặc làm anh như ngây dại giữa biển tình.
Ở bên cô anh như tìm lại tuổi thanh xuân của mình. Khác hẳn với chị Liên, chỉ được cái tốt tính với bà con chòm xóm, đảm đang việc nhà và dịu dàng yêu thương con cái. Chị không nũng nịu ngọt ngào với anh, không bao giờ có những lời nói đưa anh lên tận 9 tầng mây! Tóm lại là chị đã không còn hấp dẫn đối với anh!
Nhung luôn tạo cho anh cảm giác mới lạ, lúc nào cũng ngọt ngào yêu thương vỗ về. Thế nên từ một người rất chắc chắn, dân làng đặt cho anh biệt danh là đút vào cân sắt sẽ tòi ra cân mốt đinh! Vậy mà anh đã bỏ cả gan ruột của mình ra cho cô!
Khi Nhung đặt vấn đề mua đất, anh hoàn toàn tin tưởng nơi tình trẻ. Đợi ngày anh chị của cô về sẽ sang tên giấy tờ đất là xong!
- Cô nên nhớ là tôi với cô đã đăng ký kết hôn, còn con bé nữa! Nếu cần tôi sẽ ra pháp luật!

- Anh đi mời pháp luật đi! Xem người ra khỏi nhà là tôi hay là anh?Còn con bé, anh thích nuôi tôi cho luôn đấy!
Đồ cáo già! Đồ lăng loàn! Anh nghĩ nếu còn ở đây thêm phút nào nữa thì chắc chắn anh không kìm chế được! Rồi không biết chuyện gì sẽ xảy ra! Cố lui đi để tìm cách giải quyết lấy lại tiền nhanh nhất!
Anh lên xe mà không biết đi đâu ngoài gian nhà nhỏ lợp tôn dưới bãi. Anh lầm lũi như người thất trận! “Tiền hết tình tan đời tơi tả!” Giống lắm!
Về đến nơi anh vứt xe ngồi bệt xuống gốc cây vải, tháo mũ quăng cái bộp ra bên cạnh. Mấy con chó nghe tiếng động sủa ầm cả lên! Kệ xác chúng mày, cho nhịn đói! Tao đang không có tâm trạng nhá! Đấy cứ như chúng mày lại tốt, đói thì được ăn chẳng suy nghĩ thù hận ai. Thích lên lại sủa cho sướng mồm rồi lăn ra ngủ!
Anh ngồi im ngắm mặt ao lăn tăn tăm cá, gió mơn man thổi mát rười rượi mà lòng anh chả khác nào nồi nước sôi! Lúc này anh không nghĩ được gì ngoài sự căm phẫn chất núi trong lòng.
Anh Hoàng vò đầu, nhưng bằng cách nào đòi lại tiền khi mà miếng đất không phải tên anh?
Không có ai để tâm sự, không có người nào để hỏi han xin ý kiến. Anh rút điện thoại gọi em trai, người em mà từ trước tới giờ anh luôn coi là thằng không biết gì. Mọi việc trong nhà anh đều tự quyết định mà không bao giờ bàn bạc với em! Anh hẹn gặp em trai một chỗ nào đấy chứ không dám về nhà.
Nghe đầu đuôi câu chuyện, em trai nói rằng đất anh không thể đòi, nhưng khi ra tòa tài sản chung sẽ được chia theo thỏa thuận. Cháu bé chắc chắn mẹ nó được quyền nuôi rồi.
- Giờ thân anh chả xong con cái gì?

- Em hỏi thật, nó phải con anh không? Bà Nhung như thế chả biết đâu được!

- Con ai kệ cha nó! Anh không để ý! Làm sao đòi được tiền kia kìa!

- Nếu không phải con anh thì anh không phải chu cấp nuôi sau ly hôn!
Anh chợt nghĩ, cái Hà kia, anh là bố đẻ nó mà đã chu cấp được đồng nào? Nên nghe em trai nói vậy anh không nói năng gì.
- Thế bây giờ anh đang ở đâu? Hay anh về nhà đi!

- Anh xây khu chăn nuôi ở dưới bãi gần đấy, có chỗ ở hẳn hoi.

- Đất bãi anh mua à?

- Không, anh mượn. Vừa rồi đầu tư gần 200 triệu cải tạo xây dựng chuồng trại chỗ ở. Anh nuôi bán được một lứa rồi.
Em trai thốt lên:
- Anh đầu tư vào nhiều thế, đùng một cái người ta đòi đất lại thì sao?
- Ờ... Người này là chị họ của Nhung!
Anh Hoàng ngồi mặt đờ đẫn như kẻ mất hồn. Cảm giác bị phản bội đang len lỏi sâu vào từng gốc rễ tế bào trong con người anh! Đau thật! Chỉ một thời gian ngắn thôi mà anh đã không còn gì cả! Không thể để yên cho con quỷ cái muốn làm gì thì làm, cái gì của mình thì mình phải đòi lại cho bằng được!
Anh lại ngược lên thị trấn, dự tính xuống bãi bán nốt đàn chó đã, sau đó anh sẽ về gặp Nhung. Được! Đất của cô nhưng nhà là của tôi! Cô ở cái nhà này thì phải hoàn trả số tiền tôi đã bỏ ra xây nó! Đời thằng này từ trước tới nay chưa lỗ với ai cái gì bao giờ! Định giỡn mặt với tôi à? Không có đâu!
Tiếng xe máy lao nhanh trên con đường đất gồ ghề xuống bãi. Người anh nảy chồm lên hạ xuống liên tục. Không dễ dàng chút nào, đường đất sẽ không bao giờ bằng phẳng như đường nhựa! Và anh nghĩ mình sẽ không bao giờ chịu thua Nhung!
Anh Hoàng đã về đến nơi, lặng lẽ đứng ngắm dãy chuồng lợn nằm cạnh bờ ao, ngắm từng đàn cá nổi lên mặt nước đớp mồi. Rồi vườn cây cằn cỗi ngày nào, giờ được anh chăm bón đang đâm chồi nảy lộc...Và đây hệ thống điện, máy bơm, đồ dùng... Bao nhiêu công sức tiền của đổ vào, lẽ nào trắng tay?
Anh thở dài quay vào trong nhà, lòng dạ như ôm một mớ hỗn độn không đầu đuôi. Bỗng anh nhớ lại thời vàng son của mình. Bất cứ ai nhìn thấy anh cũng phải nể. Nhưng anh không thích quan hệ rộng rãi, tránh bị hỏi nhờ vả mượn tiền. Kết quả là giờ đây khi xảy ra chuyện, anh cô đơn đến nỗi không một lời động viên, không một cú điện thoại gọi đến!
Đã mấy ngày chạy đi chạy lại ăn uống không ra gì, và mấy đêm anh thức trắng vì suy nghĩ quá nhiều.Nay anh ngấm mệt, nằm thiếp đi trên chiếc giường bề bộn như ổ lợn. Ngoài kia gió thổi ào ào đưa những đám mây đen sì bay mỗi lúc một nhanh. Chắc là sắp mưa to rồi!
Đang ngủ say, anh Hoàng nằm mơ thấy ai dội nước khắp người mình ướt sũng. Anh vùng bật dậy, trời mưa to quá hắt vào tận nơi anh nằm. Anh vội vàng đóng cửa, một mình ngồi trong gian nhà nhỏ kín mít. Tiếng mưa dội xuống mái tôn xối xả nghe nhức tận óc! Anh cảm giác như mình đang bị giam lỏng, bị đày giữa một nơi không có bóng người.
Rồi trời cũng đã tạnh. Anh Hoàng lóp ngóp chui ra khỏi gian nhà, anh dắt xe và định sẽ về nhà để gặp Nhung.
Mấy hôm nay khách đến cắt tóc gội đầu cũng đông nhưng cô chủ lại đóng cửa. Nhung không thể đeo hai con mắt gấu trúc với đôi môi sưng như quả chuối hột ra cho các thượng đế nhìn thấy được!
Nhung cay cú lắm! Trước giờ đã có ai dám đánh ghen với cô? Vợ lão Hoàng kia, mất bạc tỷ mà mụ có dám hó hé gì đâu? Bà phải moi tiền của lão để nuôi chồng mày đấy! Thế mà còn đến đây gây sự với bà!
Khi lên Hà Nội để học nghề, cô đã ở cùng 1 thanh niên trẻ hơn mình, ngọt ngào lãng mạn, chuẩn men chứ không như lão Hoàng già chỉ biết dùng tiền để làm cô vui. Và bây giờ lão cũng chả còn giá trị lợi dụng đối với cô. Nhung say sưa giữa biển trời hạnh phúc. Vừa học nghề vừa ăn chơi gần hết số tiền mang theo, cô đưa phi công trẻ về nhà nói là đồng nghiệp! Biết anh Hoàng tối ngày bận bịu với đàn lợn, cô để tình nhân ở luôn nhà mình và cùng làm nghề suốt thời gian qua.
Hôm nay anh Hoàng về nhà, định rằng sẽ giải quyết dứt điểm với cô vợ trẻ mất nết.
Thấy hai chiếc xe ở cửa quán, anh nghĩ rằng đó là của khách tới cắt tóc làm đẹp. Vừa bước vào nhà, anh thấy một người phụ nữ trạc tuổi anh cùng với một cô gái trẻ đang ngồi. Nhung bịt khẩu trang kín mít xoã tóc che gần hết mặt. Chắc họ nghĩ anh là khách nên vẫn tiếp tục nói:
- Tôi hạn cho cô 3 ngày! Phải rời khỏi chỗ này ngay! Những gì của cô yêu cầu không để lại!

- Tôi hỏi chị gái tôi rồi, khi nào anh chị ấy về tôi sẽ trả! Nhung nói giọng không còn đanh thép như mọi ngày nữa.

- Chị gái cô, nhưng nó là con dâu tôi! Con trai và con dâu tôi đã quyết, nếu cô trái lời tôi sẽ có biện pháp.
Cô đã làm khổ bao người như gia đình tôi? Cô có biết sau khi ở nhà cô về, hai đứa con tôi nó đã nộp đơn ly dị không? Còn con cái chúng nó sẽ ra sao khi một đứa mới đi học, một đứa còn đang ẵm ngửa? Loại đàn bà như cô không ai thương được!
Anh Hoàng thấy chối cái tai quá đành hỏi:
- Tôi là chủ nhà này, hai người có chuyện gì nói tôi chưa hiểu?
- À ra thế!Anh nghe cho thủng đây!Phi công trẻ chính là con trai út của bà. Chị gái Nhung là con dâu lớn của bà.
Trước khi gặp anh Hoàng, Nhung là nhân viên trong một quán mát xa. Phi công trẻ thường lui tới và 2 người đã cặp kè với nhau. Khi bị gia đình phát hiện và đe dọa, cô bỏ đi làm lang thang và bất ngờ gặp anh. Lúc anh đang say cô đến ngu muội, Nhung nảy ra ý định mượn đám đất của anh chị, bảo để dựng gian quán bán hàng. Và cô đã lừa mất bạc tỷ của anh.
Anh hét to lạc cả giọng:

- Cô nói mua đám đất của chị gái cô kia mà? Còn bảo với tôi xây nhà lên để ở? Bây giờ lại nói mượn đất thôi là sao? Thế số tiền tôi đưa cô để trả mua đất đâu? Cô nói đã chuyển khoản cho chị gái cô cơ mà? Đúng không?
Nhung ngồi im, anh nhào tới giật khẩu trang trên mặt cô ném xuống đất:
- Nói!
Chỉ là đất mượn, chứ giả sử có mua rồi thật thì anh cũng có tên tuổi gì! Trời ơi còn tiền làm cái nhà to chềnh ềnh đây nữa chứ!
- Đất không phải của tao, cũng không phải của mày, thế tiền mày đã mang đi đâu?
Người phụ nữ vẫn rất bình tĩnh:
- Không có ai mua bán ở đây cả! Mà chỉ là cho mượn thôi! Con tôi nó gọi về nói rõ ràng rồi. 3 ngày nữa chúng tôi quay lại, cô phải chuyển hết khỏi đây! Trả lại đất cho con trai và con dâu tôi.
Anh Hoàng như người bị điên loạn. Vớ được cái gì đập phá cái ấy. Hai mẹ con bà kia thấy thế vội vàng ra ngoài. Nhung sợ xanh mặt hét lên:
- Ai cứu với!
Anh dừng lại, đôi mắt long sòng sọc trợn lên hết cỡ:
- Ai cứu được mày đây? Con quỷ cái kia?
Rồi anh quay ngoắt bước nhanh ra ngoài! Nhung luống cuống vào trong vơ mấy bộ quần áo. Tay run rẩy lấy điện thoại gọi taxi.
Cũng là phụ nữ đấy, nhưng mà nó lạ lắm! Người thì ăn đói nhịn khát vì chồng vì con. Cả cuộc đời hy sinh vun vén cho gia đình! Thậm chí có người còn xa bố mẹ bao năm không về được cũng chỉ vì mải lo cho chồng và con! Nhưng tại sao cũng là phụ nữ, Nhung chỉ nhăm nhe phá hạnh phúc của người khác? Không chịu đổ mồ hôi công sức mà cứ thích đi lọc lừa lấy tiền! Lúc thỏa mãn tiền rồi lại tìm cách đi lừa tình là sao?
Gọi xe đấy nhưng mà cô chưa biết đi đâu. Hình ảnh cô bị đánh ghen đã có mặt ở khắp nơi. Tin cô cặp bồ với em chồng của chị gái đã lan truyền đến tận tổ chấy rồi!
Về quê ư? Làm gì ra mà sống đây? Thói ăn sẵn lười lao động, chuyên dụ dỗ đàn ông quen rồi. Bây giờ cho cô vào công ty bỏ sức ra nhặt từng đồng chắc chết!
Nhẵn mặt rồi! Giờ muốn cũng không thể lừa ai được nữa! Cô lên gác kéo hai bà cháu xuống và lủi nhanh ra xe để về quê. Bỏ lại tất cả những gì hào hoa bóng nhoáng mà cô đã một thời gian vùng vẫy lặn ngụp.
Chưa biết là sống hay chết, cứ về quê cái đã!
Anh Hoàng lao xe đi như vô thức trên đường. Trong khi đầu óc đang hỗn loạn anh không biết mình sẽ đến đâu. Và cuối cùng xe đã dừng trước cửa nhà của bố mẹ anh. Nếu đã đánh mất tất cả, cuộc đời anh còn một nơi duy nhất để về, đó là bố mẹ, người sinh ra và thương yêu anh vô điều kiện. Có lẽ vì thế mà trái tim đã dẫn lối anh về.
Chuyện đổ vỡ của anh đã loan đến cái làng bé nhỏ này, và ông bà Kính là người đau lòng nhất!
Thấy con trai về, bà Kính đi vội ra cửa:
- Anh đã sáng con mắt ra chưa? Giờ mới đem cái thân tàn về báo hiếu với bố mẹ anh à? Giời ơi là giời!
Bà vừa khóc nhìn mặt anh cúi gằm lầm lũi bước vào trong nhà.
- Ngày anh đòi bỏ mẹ con cái Liên, tôi đã nói rồi cơ mà! Ngữ đàn bà lẳng lơ mất nết, biết thừa người ta có vợ có con mà còn đâm đầu vào! Loại ấy sớm muộn gì nó cũng cho anh tay trắng thôi! Nhưng anh không chịu nghe! Vườn đất bố mẹ cho cũng bán nốt, giờ hết sạch với nó chửa?
Ông Kính lên cơn ho rũ rượi. Từ ngày nhà xảy ra hết chuyện này đến chuyện khác, ông đau ốm liên tục. Mới đây ông đi khám bác sỹ nói ông bị tắc nghẽn phổi và co thắt mạch vành.
Thấy ông ho nhiều quá bà chợt im lặng. Anh Hoàng vội đỡ bố vào giường nằm. Ông ra hiệu để mình ngồi yên.
Ông nói giọng yếu ớt:
- Làm gì thì làm, dù nghèo hay giàu sống sao giữ cái đạo đức!
Anh ngồi không nói được gì! Mà cũng chẳng biết nói gì trong lúc này cả!
Giận con trai nhưng lại thương đến quặn lòng. Bà bảo anh ở lại ăn cơm, đợi vợ chồng em nó về rồi tính. Chứ bây giờ anh định thế nào?
Anh đang ngập ngừng thì có điện thoại của chị họ Nhung:
- Chú ở dưới bãi không? Có việc này chị xuống gặp nhé!
Lại việc gì nữa đây?
Anh chào bố mẹ rồi nổ máy phóng vụt đi!
Về đến nơi anh thấy một chiếc xe máy dựng canh gian nhà. Hai vợ chồng anh chị họ của Nhung đang đi thăm quanh vườn cây:
- Chú về rồi à? Lâu anh chị không xuống, cây cối chú chăm lên đẹp quá! Chuyện là thế này. Nhà máy gạch họ hỏi mua nguyên khu đất bãi ở đây, trong đó có vườn của anh chị. Họ đã xem và cọc tiền rồi. Khi nào xong thủ tục giấy tờ sẽ hoàn nốt tiền. Anh chị có nói về công trình mà em đã xây dựng, họ nói chỉ đền bù phần trăm nào đó thôi. Nhưng trong thời gian này chú cứ sử dụng chăn nuôi, họ sẽ báo trước cho mình 1 tháng trước khi thu hồi. Mà chú với cô Nhung sao rồi? Cô ấy thuộc hệ không vừa đâu nhá! Nhưng được cái rất sòng phẳng với chị. Ăn mấy chục bát phở mới trả tiền, nhưng chưa quỵt bát nào! Thế thôi chị em quen nhau ấy mà, chị cũng chả biết quê cô ở đâu!
Vậy mà Nhung nói là chị họ? Tai anh ù đi không muốn nghe tiếp. Mấy chục bát phở chứ mấy trăm kệ xác nhà các bà! Nuôi với nấng cái gì, còn tâm trạng đâu mà chăn nuôi? Giờ nuôi cái miệng già chả xong đây!
Đêm im phăng phắc! Trăng sáng vằng vặc vỡ vụn dưới mặt ao. Anh ngồi như đụn rạ suốt từ tối đến nửa đêm. Giờ mới thấy bụng réo ào ào! Anh chợt thèm mùi cơm chín tới với bát canh cà, thèm miếng cá vàng ươm kho nỏ nồi mà trước đây chị Liên vẫn làm cho anh ăn. Nhưng muộn quá rồi! Anh đã đi quá xa mà không thể trở lại!
Anh giật mình vì có điện thoại, em trai anh báo tin ông Kính vừa mất! Anh đem cái xác không hồn về chịu tang bố. Hai chân như không bước nổi, anh khuỵu xuống trước cửa nhà.
Nghe các em báo tin, chị Liên vội đóng của hàng chạy ngay vào. Tuy anh chị đã ly hôn nhưng gia đình vẫn coi chị như người nhà. Những lần ông Kính bị ốm chị luôn tranh thủ vào thăm nom. Bữa nào có món ngon chị lại sai cái Hà mang vào biếu ông bà nội.
Chị cùng các em lo hậu sự cho bố chồng cũ như con cái trong nhà. Anh Hoàng không dám nhìn mặt chị. Lặng lẽ ngồi như một cái bóng.
Công việc xong xuôi, cu Việt nói chuyện với bố:
- Bây giờ bố sẽ ở đâu?
Anh im lặng.
- Bố thu xếp đi, con đưa bố lên Hà Nội ở cùng vợ chồng con.

- Bố không đi đâu.
Rồi ai về nhà nấy, cu Việt cũng lên Hà nội và mọi người trở lại với cuộc sống hàng ngày của mình. 2 vợ chồng em trai nói anh nên dọn về nhà, đến nước này rồi anh em có gì ăn nấy.
- Anh phải đi đây!
Nói rồi anh chào mẹ, lại quay xe đi mà không biết sẽ đi đâu!


******
Thời gian vẫn trôi nhanh, ai cũng bộn bề bận rộn nên chẳng mấy người nhắc tới chuyện anh Hoàng nữa.
Cái Hà đỗ đại học, Việt muốn mẹ cùng em gái lên Hà Nội ở nhà mình.Vừa có mẹ có con vừa tiện chăm cháu.
Chị Liên nói với Việt, là mẹ sẽ ở lại quê để bán hàng. Có rất nhiều người đang muốn có việc làm. Con xem xét và tìm người đến giúp. Hàng tháng mẹ lên thăm con cháu rồi mang tiền ăn học cho cái Hà, thêm với con tiền trông trẻ nữa.
- Mẹ lo tiền học cho em thôi, còn tất cả con sẽ nuôi!
Chị Liên sống vui vẻ bên cạnh hàng xóm láng giềng. Ngoài giờ bán hàng, chị tham gia câu lạc bộ dân vũ rèn luyện sức khỏe. Có người nửa đùa nửa thật:
- Chị kiếm anh nào hợp cảnh tới ở chung cho vui cửa vui nhà!
Chị cười nói:
- Thôi! Em biết mình là ai rồi! Cứ sống khỏe mạnh thế này, sau già không tính tiền hàng được nữa chúng nó cho lên thủ đô ngắm ô tô chạy!
Còn Nhung sau khi bỏ về quê được ít ngày, cô để con cho bà ngoại nuôi rồi đi tìm việc làm. Chưa đầy một tháng cô quay về nói là cãi nhau với chủ tiệm.
Cái nết dày ăn mỏng làm thì chỉ thế thôi! Không đâu tồn tại được. Về nhà ôm điện thoại tới bữa thì ăn nên hai mẹ con cắn quẩn nhau:
- Tao nghe thấy mày cầm tiền của thằng Hoàng để mua đất, thế đất không mua thì tiền đâu? Giờ bỏ ra mà ăn chứ! Thân tao già nuôi mày mãi được à?
- Ở đâu mà có? Làm gì còn xu nào?

- Mày làm gì mà hết từng đấy tiền?

- Trả nợ chứ còn làm gì!
Chả biết hồi ấy cô làm ăn buôn bán gì trên mạng, nợ bao nhiêu tiền. Lừa của anh Hoàng được một khoản đem đập vào đấy chứ không chúng nó giết rồi!
- Giời ơi! Hai đứa con gái cùng như mày chắc tao chết sớm!

- Thì ngày ở với con trên thị trấn, bà tiêu gì của tay Hoàng hơn chục ngày hết 5 triệu?

- Cút đi! Ôm con cuốn xéo khỏi nhà tao!
- Đi đâu được? Con bà mà bà còn muốn đuổi thì ai chứa đây?
Một buổi chiều người ta thấy có chàng thanh niên ăn mặc lịch sự đi xuống bờ sông khu vực bến đò.
Cậu đến gần cái lều nho nhỏ lợp bằng mấy viên ngói xi măng, xung quanh được ghép bằng những tấm bạt đã bạc màu. Một đàn vịt khoảng chừng 50 con được quây lưới rộng từ túp lều vòng xuống mép nước.
Anh Hoàng ngẩng lên chào:
- Cháu mua trứng vịt à? Nhiều không?
- Bố!
Anh giật mình đứng thẳng người lên. Biết đâu được nó lại mò xuống tận đây cơ chứ! Đó là Việt!
Mấy lần về nhà có giỗ ông nội, Việt về đều có ý định đón bố lên Hà Nội nhưng anh Hoàng không chịu đi. Cậu lại cho bố ít tiền và dặn bố giữ gìn sức khỏe!
Cậu nhìn tấm lưng bố ngày một còng xuống, mắt nhìn đã kém đi mà cứ lặn lội ở bờ sông mấy năm nay. Lúc nắng thì ở tại lều, lúc mưa lại chạy lên cái điếm canh đê bỏ không gần đấy để nằm.
- Bố về với con đi!
- Bố ở đây còn trông vịt chứ! Ngày nào cũng có người đến lấy trứng. Bố bắt ốc cho nó ăn nên trứng nhiều lòng đỏ lắm. Tý nữa bố cho cháu chục quả.
Mắt Việt nhòa đi. Cậu dúi cho bố ít tiền rồi chào về, con lên Hà Nội luôn mai còn kịp đi làm.
Cái Hà đứng trên đê dõi theo anh và bố! Bao nhiêu năm bố không biết nó sống chết thế nào, nhưng giờ nó nhìn thấy dáng người gầy gò lom khom dưới bờ sông thì ruột gan như thắt lại!
- Bố có về không hả anh?

- Không!

- Hay để em xuống...
- Tính bố anh biết rồi, phải khi nào không lội sông được nữa thì mới về. Em xuống gặp bây giờ sẽ làm bố ngại.
Trời nắng chang chang, gió ngoài sông thổi ào ào. Sóng nước vỗ vào bờ oàm oạp. Anh Hoàng vẫn phơi lưng giữa đàn vịt trắng xóa bên bờ sông. Anh bảo, đất ở bờ sông là của công. Sẽ không có ai dám bán mà cũng chẳng có người hỏi mua! Anh cứ ở tự do không bao giờ sợ ai cướp mất. Cứ như vậy anh tự đày đọa bản thân mình.
Con người ta khi tuổi còn trẻ thì lăn lộn xông pha. Đến tầm tuổi như anh bây giờ lẽ ra lao động giảm dần và bắt đầu được hưởng thụ. Sáng dậy thể dục hít khí trời, chiều hóng mát cùng mấy ông bạn già chuyện vui bên ấm trà bốc khói.
Trẻ tình yêu già tình thương! Sớm tối có người bầu bạn tâm sự. Cuộc sống yên bình thanh thản biết bao nhiêu!
Nhưng anh đã tự đánh mất đi tất cả, và giờ đây tự mang thân mình ra phơi giữa đất trời nắng gió!
Người ta bảo là anh bị GIỜI ĐÀY!

Nguyễn Thơ

Không có nhận xét nào: