Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2024

CON ĐƯỜNG XƯA CỦA MỘT HO KHI MỚI ĐẾN MỸ - ANH PHƯƠNG Trần Văn Ngà


Hôm qua, Chúa nhựt (26.8.2024), cháu tôi đưa ông nội đi lại những "Con Đường Xưa Em (tôi) Đi" (một tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Châu Kỳ & Hồ Đình Phương mà tôi rất mê thích và tôi cố tập hát karaoke). Cháu nội cho tôi có cơ may trở lại con đường xưa mà cách đây gần đúng 30 năm tôi lái van, xe truck lên xuống San Jose, mất 4 tiếng lái xe đi và về. Mỗi tuần từ một đến hai ba lần, bận về có chở báo, tôi đi vòng qua thành phố Oakland và Stockton để giao báo mất thêm hơn một giờ. Gần cả chục năm, tôi đưa bản thảo báo đã layout (art works Tiếng Vang - làm báo năm xưa theo cách cắt dán... layout xong, đưa cho nhà in làm bản kẻm, mới in được. Bây giờ báo layout xong gởi qua computer, nhà in lấy ra in liền). 
<!>
Và lấy báo từ nhà in ở San Jose đưa về ba toà soạn ở Sacramento. Có lúc chở một tờ báo Tiếng Vang do tôi chủ trương và cứ mỗi sáng sớm lúc 3 giờ ngày thứ sáu, tôi lái xe đi San Jose chở cả ba tờ tuần báo Sài Gòn Nhỏ, Thằng Mõ, Làng trên dưới 10 ngàn tập báo. Mọi việc xong trước 10 giờ sáng.

Nay với tuổi đời cao chỉ còn bốn tháng nữa, tôi sẽ vào làng U100, bây giờ không được lái xe cũng quá buồn. Nên nhờ cháu đưa tôi đi lại con đường xưa cũng là con đường sống của tôi, nuôi tôi trên 10 năm khi tôi chân ướt cháo ráo mới nhập cư xứ Hoa Kỳ vài năm.

Nay, kỷ niệm xưa gợi lại cho tôi một thời quá khứ ở Mỹ được trợ cấp ban đầu 8 tháng. Sau tự lực cánh sinh hay đi học ESL cũng xin được tiền trợ cấp học. Dù cực khi mới đến Mỹ mà vui lại làm ra tiền hay có tiền trợ cấp, sống trên một đất nước văn minh, tự do, hào phóng tiếp nhận di dân tỵ nạn cộng sản. Thật may, chúng tôi không còn ở trong nước dưới chế độ chủ nghĩa cộng sản độc tôn toàn trị, xem những người thua cuộc của chế độ Việt Nam Cộng Hoà như các cựu tù chúng tôi vẫn luôn là kẻ thù. Chúng tôi được xếp vào loại công dân hạng bét, bị "đì", trù dập, kềm kẹp đủ mọi thứ...con cái bị rào cản thi vào đại học... Tôi đang nghĩ lan man về những ngày mới đến Mỹ và sau đó tiến vào con đường xưa trong binh nghiệp và ngoài đời có nghề phát thanh, viết báo, làm báo cũng như những công việc đều có liên quan đến báo chí để mưu sinh tại đất nước tự do Mỹ.

Gia đình tôi gồm vợ chồng và hai con gái nhỏ dưới 21 tuổi, còn hai con lớn trên 21 không được theo diện HO, thời điểm 1993 (HO 16).

Chuyến bay ngày 7.4.1993 có gia đình tôi là chuyến bay của Air Vietnam từ Sài Gòn đến Thủ đô Nhựt Tokyo (Đông Kinh). Chờ đợi trong vòng hai tiếng, chuyển sang một chuyến bay khác bay đến phi trường San Francisco của miền Bắc California. Từ đây, gia đình tôi lại được chuyển sang một một chuyến bay với phi cơ nhỏ chở trên 30 người về phi trường Sacramento, chuyến bay thứ ba này cũng là chuyến bay gần và ngắn nhứt chỉ mất một tiếng đồng hồ. Cùng trên chuyến bay với gia đình chúng tôi đến Đông Kinh có gia đình nghệ sĩ Phượng Liên (chồng là Đại Tá Nguyễn Đình Vinh, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn IV & Quân Khu IV?, sang Mỹ cũng diện HO). Từ Nhựt, gia đình đại tá Vinh đi chuyến bay về Los Angeles, gia đình tôi về San Francisco.

Chú em cột chèo cùng đứa con gái út đón gia đình chúng tôi tại sân bay Sacramento đưa về nhà của gia đình, cô em vợ, đang là dược sĩ bận đi làm việc. Chiều về, cô em và gia đình mới chào đón chúng tôi bằng một bữa ăn lạ miệng đầu tiên, thức ăn mua ở tiệm chẳng phải vào bếp nấu nướng gì hết, hoàn toàn khác với cung cách ẩm thực ở Việt Nam. Khi có khách đến nhà, không gà thì vịt, cả gia đình túi bụi lo cho bữa ăn đãi khách đầu tiên (nay Việt Nam khi có khách đến nhà cũng thường mua thức ăn ở tiệm, không tự nấu nướng cực nhọc, cũng là một nét văn hoá ẩm thực mới du nhập).

Những ngày đầu mới đến một nước văn minh tiên tiến nhứt thế giới, cái gì cũng mới mẻ, khác lạ với cảnh sống nghèo khổ của chúng tôi ở quê nhà. Dù tôi chưa đi ra nước ngoài lần nào mà là sĩ quan thông tin báo chí cũng có dịp đi khắp bốn Vùng Chiến Thuật, chỉ có tỉnh đầu giới tuyến Quảng Trị, tôi chưa đến trong thời chiến. Như vậy, tôi cũng có ít nhiều kinh nghiệm đi đây đó. Hơn nữa, tôi cũng có dịp làm chung văn phòng với sĩ quan cố vấn Mỹ, ăn thức ăn Mỹ, cũng hiểu chút ít về văn hoá lịch sử nước Mỹ...Thế mà, sau gần mười năm bị tẩy não và nhiều năm quản chế, không chết không bại não tại các trại tù cộng sản ở miền Bắc là ân sủng Trời đất, phước đức của tổ tiên, cha mẹ tôi. Nay tôi phải học lại từ cách sống, giao tế... của một nước văn minh mặc dù tôi đã qua tuổi 58, gần tuổi gọi là 60 năm cuộc đời.

Nhớ lại sự quê mùa một cục khi mới Mỹ. Từ nhà của cô em đi bộ đến siêu thị gần nhứt cũng trên dưới ba cây số, tôi muốn mua một tờ nhựt báo (Sacramento Bee hay một tờ nhựt báo khác). Lúc bấy giờ, Thủ Phủ Sacramento có hai tờ nhựt báo, sau "ngũm" một tờ, Sacramento Bee còn sống dù èo uột cho đến bây giờ. Cái thùng bán báo chình ình trước mặt tại cửa siêu thị, chỉ bỏ một quarter hay hai, tôi quên, mình mua được một tờ. Bỏ tiền vào, đợi mãi thấy không có báo, tôi thấy người ra vào vắng, kéo, vỗ thùng báo cũng thấy êm re. Vì lâu quá, tiền mua báo rơi xuống học tủ nghe leng keng. Có người ra vào siêu thị, tôi bẻn lẻn, quê xệ "chuồn" êm.

Mãi đến ngày chủ nhựt, cả hai vợ chồng cô em nghỉ, dẫn gia đình tôi đi siêu thị. Tôi mới nhờ chú em mua một tờ báo Bee, tôi quan sát kỹ, cũng có động tác bỏ tiền vào máy và kéo liền cái cửa, có một tờ nhựt báo rớt ra. Tôi thiếu động tác thứ hai, bỏ tiền vào xong phải phải kéo cửa liền báo mới rớt ra. Tôi đợi cả gia đình đi vào siêu thị, tôi giả bộ đi chậm, lại thùng báo thứ hai "trả bài" liền, mua thêm một tờ nhựt báo khác. Thế mới biết cái gì ở trên đời dù dễ với người này lại khó với người khác vì chưa biết sử dụng đúng cách.

Sự ngờ nghệt của di dân mới đến nước Mỹ, cái gì cũng lạ như trên xa lộ từ phi trường lái xe về nhà, tôi thấy xe trên hai chiều, giờ cao điểm, xe nhiều quá hàng hàng lớp lớp mà lại chạy quá nhanh, tôi nhìn một lúc chóng mặt phải nhắm mắt lại và nghĩ chắc không bao giờ mình dám lái xe ở Mỹ. Chuyện lái xe ô tô ở Việt Nam, tôi rành sáu câu từ trước khi vào Quân Đội. Tại đơn vị, dù cấp Chuẩn uý mới ra trường có chức vụ được cấp xe Jeep, nhiều lúc không cần tài xế tôi cũng tự lái một tay, còn một tay nắm tay bạn và nói cười tía lia. Nay gặp thiên hạ ở Mỹ sao lái xe tài quá nhanh, bái phục, chào thua... Đã biết lái xe có bằng lái xe do Quân Đội cấp, bằng lái dân sự có đến 6 con dấu, xe hai bánh, xe ba bánh, xe nhỏ, xe tải nhỏ và lớn, xe chở hành khách. Sở dĩ, tôi có bằng lái xe với đủ mọi loại xe chạy trên đường ở Việt Nam vì tôi chuẩn bị thời hậu chiến, giải ngũ, có bằng lái đủ các loại xe sẽ xin mở "trường" dạy lái xe, một nghề kinh doanh dễ thành công mà không cần có nhiều vốn. Có bằng lái xe như thế, lái xe jeep, xe nhà và xe Vespa trên hai chục năm. Tôi quá tự tin, thi lấy bằng lái xe ở Mỹ sẽ đậu dễ dàng, đậu lý thuyết cũng khá dễ dàng. Nhưng, thi thực hành, hai lần đầu trợt vỏ chuối. Tuần sau, tôi xin thi ở một trung tâm khác, may gặp một giám khảo người gốc Phi Châu, tươi cừoi chào hỏi vui vẻ, cũng theo dõi tôi cách nố máy, lái xe rất tốt. Nhưng, tới một ngã tư có bảng Stop, xe tôi vẫn đạp thắng dừng lại, thấy không có xe cả ba hướng khác, tôi không ngừng đủ thời gian, đạp ga chạy tới luôn. Ông giám khảo bảo tôi lái vòng lại trở về trung tâm, tôi qua cua rất ngọt, đậu xe cũng ngon lành. Bước ra khỏi xe, ông giám khảo, bắt tay tôi và nói:

- Theo lẽ, ông rớt vì không ngừng tại bảng Stop đủ thời gian mới được phép tiếp tục chạy. Nhưng, ông thi lần này lần thứ ba, nếu thi lại phải đóng tiền, tôi thông cảm, ông lớn tuổi cần bằng lái để đi làm, tôi cho ông đậu... Trường hợp tôi đậu bằng lái xe ở Mỹ là gặp giám khảo người Mỹ gốc Phi Châu, nếu gặp ông bà da trắng hay mít thì tôi phải đóng tiền thi lại. Có bằng lái xe gần 30 năm chưa một lần bị tíc kết đụng xe khác, ba bốn lần bị phạt vì có bảng Stop cũng có ngừng, đạp thắng đàng hoàng, thấy trái phải vắng xe, đạp ga chạy tới, bị cảnh sát giao thông phát hiện rượt theo ghi giấy phạt. Đó là một thói quen "lái ẩu" khi tôi lái xe ở Việt Nam. Đúng với câu nói của người xưa: "Giang san dễ đổi, bản tánh (thói quen) khó dời". Tôi lại nghĩ sang trường hợp cựu Tổng Thống Donald Trump, nay là ứng cử viên TT tranh cử với Phó TT Kamala Harris. Cách đối đáp của ứng cử viên Trump với đối tác tranh cử luôn giống hệt nhau từ năm 2016 - 2020 - 2024, không có gì thay đổi gì hết, luôn sử dụng dao to búa lớn mạt sát đối tác, kỳ thị màu da, giới tính hay dùng những từ thiếu văn hoá làm vũ khí tấn công đối phương lại càng đúng với câu nói dân gian của người Việt: giang san dễ đổi, bản tánh khó dời.

Tôi đã có bằng lái xe chỉ dẫn lại bà xã và hai con. Cả ba không biết lái ô tô ở Việt Nam lại thi chỉ một lần là đậu, còn thi lý thuyết, đậu 100%, 98% và 95%. Cũng là một chuyện vui của người biết lái xe ở Việt Nam sang Mỹ phải ba lần mới đậu mà là đậu "vớt". Đừng tưởng bở, ở Việt Nam mình ngon sang sống cảnh mới môi trường mới cũng gặp khó khăn lúc ban đầu gần nhau giống nhau.

Sau khi hết trợ cấp xã hội, chúng ta phải đi làm tự nuôi sống mình. Vợ chồng tôi chọn nghề đi bỏ báo từ 3 giờ sáng đến 7 giờ cũng thừa tiền chi tiêu. Hai cô con gái tiếp tục học đại học. Ban ngày còn nhiều thì giờ tôi ghi danh học chính quy chăm sóc cây, ươm trồng, tỉa cây cùng cách đặt hệ thống tưới nước (ngành Horculture & Landscaping). Nói chung là "nghề cắt cỏ", học thì nhiều mà chỉ có cắt cỏ không thôi. Vừa học cắt cỏ, trường có dạy thêm ESL, tôi cũng học lại có thêm tiền trợ cấp đi học. Thế mới là sướng, cũng có thêm một thiên đường nho nhỏ của nước Mỹ vậy. Đi học nghề không tốn tiền mà còn lãnh tiền trợ cấp mới ngon.

Tôi mua xe truck nhỏ, máy móc các cái cho nghề cắt cỏ cũng là lúc qua tuổi 60 rồi. Ban ngày cắt cỏ, mới ra nghề, không có nhiều "thân chủ", từ một hai đến ba bốn nhà trong ngày là quá nhiều, và khuya phụ tiếp bà xã đi bỏ báo. Phải mất thêm nhiều năm, cuộc sống mới thật vững.

Khi tôi có nghề mới, đúng với ám số chuyên nghiệp báo chí trong Quân Đội (470.0). Đại diện tờ tuần báo Sài Gòn Nhỏ phát hành ở Nam Cali và San Jose, tôi phụ trách vùng Sacramento, Stockton...viết tin tức, phóng sự và lấy quảng cáo cũng như lấy báo từ nhà in ở San Jose về giao báo cho những nơi có quảng cáo. Thế là nghề làm báo, viết báo năm xưa trong Quân Đội và ngoài đời lại đến với tôi một cách ngẫu nhiên mà tôi vô cùng thích thú và trân quý.

Hệ thống Phở Bắc Hoa Việt, biết tôi có nghề điều hành phát thanh nhờ tôi và anh Lê Vĩnh Xuân tổ chức đài phát thanh tiếng Việt đầu tiên tại Sacramento (đặt trên gác của nhà hàng Hoa Việt, gần chợ AA) khoảng đầu thế kỷ 21 (năm 2000 hay 2 ngàn lẻ mấy). Đài sống trên một năm vì có nhiều giám đốc mà không có người đi xin quảng cáo nên đài tắt thở. Sau này mới có Đài phát thanh Tiếng Nước Tôi của đảng Việt Tân, còn sống cho đến tận bây giờ tại Sacramento.

Con đường xưa tôi đã đi qua thường xuyên từ Sacramento đi sáng sớm hai ba giờ sáng dù là mùa đông hay mùa hè cũng vậy, thời gian ít xe dễ chạy nhanh mà cảnh sát giao thông không "hưởn" thức khuya canh me bắt lái xe quá tốc độ. Lúc gặp có nhiều sương mù dày đặc, bắt buộc phải chạy chậm và mờ đèn pha, nhiều khi không thấy đường, phải tắp xe vào lề đường, chờ sương mù tan bớt mới dám lái cho thêm an toàn. Lúc ấy tính "anh hùng xa lộ" trong tôi phải hạ xuống để tránh tai nạn thảm khốc có thể xảy ra trong tíc tắc mà tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu tai nạn trên các xa lộ liên bang và tiểu bang. Con đường tôi đi lấy báo ở San Jose, đi xa lộ 99 chuyển qua xa lộ 5, rẽ sang 205 đến 680 và 101... đến nhà in thường trước 5 giờ sáng. Lấy báo chất lên xe có thứ lớp, mất khoảng một tiếng.

Rời San Jose, tôi lái xe sang 880 (?, lâu quá đường đi tôi nhớ mà tên xa lộ 880, không biết có đúng không) đi về Oakland giao báo xong, thường trước 8 giờ. Tôi lái về hướng thành phố Stockton cũng giao báo. Trên freeway 680 hay Freeway 5 tôi tìm tiệm ăn nhanh như Mac Donald, đi vệ sinh xong và ăn một big Mac khá to, uống thêm một ly cà phê sữa. Thế là ấm lòng chiến sĩ lái xe khuya khá vất vả và buồn ngủ. Nhiều khi lái ngủ gật, tôi phải tắp vô một tiệm bán thức ăn, xuống xe, vào tiệm phải rửa mặt nước thật lạnh cho tĩnh ngủ và mua một ly cà phê đen không đường uống chống ngủ gật. Ăn xong, tôi ra sân cũng múa tay chân ưỡn ẹo làm dáng như các cô tiêu thư vậy. Chừng mười phút, rửa mặt lần thứ hai hết buồn ngủ lên xe lái tiếp. Giao báo xong ở Stockton, chạy về Sacramento chừng 50 phút, giao báo tại các toà soạn xong thường trước 10 giờ sáng thứ sáu hàng tuần. Về nhà tắm rửa xong, ngủ một giấc tới 12 giờ thức dậy ăn cơm với gia đình. Nghỉ chùng một tiếng, tôi đi giao báo Sài Gòn Nhỏ vài chục cửa hàng, văn phòng luật sư, bác sĩ... mất vài tiếng là hoàn thành công tác. Một tuần chỉ chịu cực mỗi ngày thứ sáu có đủ tiền tiêu xài cả tháng.

Có nhiều thì giờ ngơi nghỉ, tôi tham gia vào Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Sacramento (Hội HO) vừa mới thành lập 30.4.1993 và hai năm sau, 1995, tôi được bầu vào chức Hội Trưởng (gọi là Chủ Tịch nghe nổ quá). Đến nay, ban bệ của Hội HO Sacramento năm 1995 có 5 người: Hội trưởng, hai Phó Hội Trưởng, Tổng thư ký và Thủ quỷ, chỉ còn hai người, tôi, cựu Hội trưởng và cựu Thủ quỹ (cựu Đốc Sự Hành Chánh Nguyễn Thái Hùng) chưa về với cát bụi. Còn hai Phó Hội trưởng và Tổng thư ký có Sự Vụ Lệnh thuyên chuyển về Vùng V Chiến Thuật cũng khá lâu rồi.

Sau một năm đến Mỹ, tôi lại gia nhập vào Hội Cao Niên, một hội kỳ cựu nhứt của Sacramento. Có tên là Hội Cao Niên nên Hội Trưởng thường về thế giới khác trước Hội viên. Từ năm 1994 đến nay, những vị Hội Trưởng hay cựu Hội Trưởng đều quy tiên chỉ trừ bà Hội Trưởng đương nhiệm còn trẻ trên dưới 70.

Sáng thứ bảy 24.8.2024, vợ chồng chúng tôi đưa tiễn vị cựu Hội Trưởng, cựu Cố Vấn Hội Cao Niên ông Phê Rô Huỳnh Hoá 88 tuổi về Nước Thiên Đàng. Tham dự lễ tang của ông Huỳnh Hoá, Hội Cao Niên chỉ có bốn người tham dự, bà Hội Trưởng còn trẻ, hai bà 88 tuổi và tôi 89 tuổi. Thật may cho tôi chỉ có quyền Hội Trưởng hơn một năm, Hội muốn tôi giữ luôn thêm một nhiệm kỳ, tôi từ chối, bầu vị cao niên khác và cũng quy tiên cách đây vài năm. Còn tôi chưa được đủ nhiệm kỳ Hội Trưởng nên chưa tới "số" về cõi trên. Nay hết gân mà vẫn giải trí bằng cách viết bài đăng bào hay viết sách chuyện tình ướt át. Và còn ngắm hoa nín thinh hàng ngày cho thêm vui trước "Khi ta lìa xa nhân thế, không lo lắng u buồn - Chẳng nuối tiếc muộn phiền - chuyện thế sự nơi trần ai" (lời cuối bài hát Cát Bụi Cuộc Đời của nhạc sĩ trẻ Hà Sơn).

Ngẫm nghĩ lại, nếu tôi giữ chức vụ Hội Trưởng Cao Niên trọn một nhiệm kỳ hay hơn, chắc tôi cũng có thể làm gương cho hội viên vui vẻ xung phong "đi trước" tìm chỗ tốt cho các hội viên đi theo sau.

Hiện nay, tôi kiểm điểm ban bệ "chức sắc" của Hội Cao Niên Sacramento từ năm 1994 - 95 trở về sau này, còn giáo sư tiến sĩ Lê Thành Việt (giữ Phó Hội Trưởng nhiều nhiệm kỳ, nay đau yếu phải dùng xe lăn...) và tôi cũng từng làm Phó Hội Trưởng, Cố Vấn, Trưởng Ban Nghi Lễ của Hội Cao Niên Sacramento nhiều nhiệm kỳ và có hơn một năm làm Hội trưởng. Vì chưa đủ thời gian làm Hội Trưởng nên tôi chưa chịu về Thiên Đàng và nay rất thích bài hát Cát Bụi Cuộc Đời của một nhạc sĩ trẻ Hà Sơn- gốc người Trà Vinh - Miền Tây, hơn 30 tuổi, sáng tác. Chuyển tải qua giọng hát truyền cảm của Đại Đức Thích Nhuận Thanh và hàng chục các ca sĩ xinh đẹp và cũng có nhiều hoa hậu ca sĩ lại hát quá hay quá tuyệt vời nói về cuộc đời của con người là vô thường, từ cát bụi rồi cũng sẽ về cát bụi mà thôi.

Xin mời quý độc giả thưởng thức nhạc phẩm bất hủ tuyệt vời Cát Bụi Cuộc Đời của Hà Sơn, nói về cuộc sống thế nhân quá ngắn ngủi trên thế gian tạm bợ này (trước năm 1975 có bản nhạc Trở về Cát Bụi của nhạc sĩ Minh Kỳ. Nội dung hai bản nhạc gần giống nhau. Nhưng, Hà Sơn sáng tác đúng thời điểm, đa số người Việt chú trọng về tâm linh và lại có các sĩ thượng thặng hát nên Cát Bụi Cuộc Đời có thể nói là "hót" nhứt nhiều năm nay).

Cát Bụi Cuộc Đời
TÁC GIẢ: HÀ SƠN

Này bạn thân ơi số kiếp nhân sinh
chỉ là cõi tạm trần gian
Dù anh và tôi ai sang giàu ai gian khó
mai xa kiếp con người về với cát bụi mờ
thì cũng đều đôi tay trắng...

Đời là phù du ta sống hôm nay
đâu biết về ngày mai sau
Hãy dành cho nhau bao nhiêu niềm vui đang có
không ganh ghét hận thù chẳng gian dối lọc lừa
vì kiếp người sẽ vội qua

Người ơi! hãy nhớ ta là cát bụi
sẽ về cát bụi thì đâu còn toan tính thiệt hơn
đời như thoáng mơ được mất ta đâu ngờ
hỏi ai, có bao giờ không trở về cát bụi đâu

Cuộc đời là bao hãy mến thương nhau
với bằng tất cả con tim
Để rồi một mai khi ta lìa xa nhân thế
không lo lắng u buồn
chẳng nuối tiếc muộn phiền chuyện thế sự nơi trần ai

ĐK:

Đời là phù du ta sống hôm nay đâu biết về ngày mai sau
Hãy dành cho nhau bao nhiêu niềm vui đang có
không ganh ghét hận thù
chẳng gian dối lọc lừa vì kiếp người sẽ vội qua

Người ơi! hãy nhớ ta là cát bụi sẽ về cát bụi
thì đâu còn toan tính thiệt hơn
Đời như thoáng mơ được mất ta đâu ngờ
hỏi ai, có bao giờ không trở về cát bụi đâu!

Cuộc đời là bao hãy mến thương nhau
với bằng tất cả con tim
Để rồi một mai khi ta lìa xa nhân thế
không lo lắng u buồn chẳng nuối tiếc muộn phiền
chuyện thế sự nơi trần ai.

Để rồi một mai khi ta lìa xa nhân thế
không lo lắng u buồn chẳng nuối tiếc muộn phiền
chuyện thế sự...nơi trần ai..../.

Anh Phương Trần Văn Ngà 
(Sacrmento 7.9.2024)

Không có nhận xét nào: