Đi. Như một tiếng gọi bí mật thôi thúc trong lòng những kẻ có chút tâm hồn lãng mạn. Vã lại, nếu không đi khi còn khỏe mạnh, mai mốt già yếu, chống gậy thở phì phò, thì có đi cũng hoa mắt chẳng thấy gì. Những năm trước, chúng tôi nhịn đi nghỉ hè để tiền giúp đỡ những bà con bạn bè nghèo khó, khốn khổ nơi quê nhà. Cứ nghĩ một lần đi chơi của mình có thể giúp đỡ nhiều gia đình bên nhà sống trong một năm. Thế rồi chùn chân, và như kẻ hà tiện, không đi đâu cả. Nhưng năm ngoái, bà xã tôi gởi cho một người bà con hai trăm đô-la, thì nghe họ nhắn: “Ngày trước mới quý, chứ bây giờ thì có đáng gì”.
<!>
Chúng tôi cảm thấy mình “quê một cục”, và nghĩ giá như có ai đó nổi hứng lên, cho mình chừng vài chục đô la thì cũng mừng hết lớn. Nhân một anh bạn bị tai nạn tật nguyền khuyến khích rằng, nếu có dịp thì nên đi ngay, đừng chần chờ, vì biết đâu một ngày kia không còn đi được nữa thì tiếc mãi, như trường hợp của anh. Bây giờ là công dân Mỹ, có tự do, muốn đi đâu cũng được, không hành xử cái quyền lợi đó, thì uổng lắm. Làm dân các xứ khác, có tiền muốn đi, nhà nước cũng không cho đi.
Đi du lịch, thì bà xã tôi vì chiều chồng mà cắn răng theo, chứ chẳng hứng thú gì. Vì theo bà, nước Mỹ là nơi có đủ phong cảnh đẹp, có đủ tiện nghi, giá cả lại rẻ, mà chưa đi hết, còn đòi đi xa làm chi, cho tốn tiền, mệt nhọc, lo lắng và đủ thứ bất tiện.
Vả lại, thiên hạ đồn rằng, Âu châu là một nơi đắt đỏ khủng khiếp, ăn một miếng bánh mì kẹp nhỏ bằng lòng bàn tay cũng sáu hay bảy đô, ăn một bữa cơm tiệm cho đàng hoàng thì cũng mất từ năm mươi đến tám mươi đô (lời một chị dạy Gia Long cũ), tô phở bé tí teo chưa thấm miệng mà cũng bảy đô. Uống một ly nước lạnh thì cũng chém năm đô.
Thức ăn bên đó quý lắm, bà con có đãi ăn, thì cũng là một hy sinh lớn lao đối với họ. Cả áo quần, dịch vụ, cái gì cũng rất đắt, đụng đến là phỏng tay. Thêm vào đó, thì tiện nghi rất thiếu thốn, khách sạn có thể phải dùng phòng tắm chung, nhà tiêu tập thể, và nhà tiêu thì không có giấy lót bàn cầu, không có giấy lau khi vệ sinh xong. Nơi công cộng không có nhà vệ sinh, có bà đã cuống cuồng ôm bụng chạy quanh, không biết xả vào đâu. Tiệm ăn thì đóng cửa buổi trưa cho đến năm hay sáu giờ chiều mới mở .
Lại nữa, trộm cắp cướp giật như rươi, hở một chút là bị móc túi, bị giật xách tay, bị rạch áo quần. Có kẻ gian ăn mặc sang trọng giả vờ ngã vào bộ hành, tưởng người ta mắc bệnh bất thần, vội đưa tay ra đỡ, sau đó, thì cái túi xách không cánh mà bay, cái ví cũng không còn, mất luôn tiền bạc lẫn thẻ chiếu khán thông hành. Có người đã giấu kín tiền vào bên trong áo, mà mất khi nào không biết. Người ta đồn rằng, có những cô gái rất xinh đẹp, ngực nở, hở hang, đến hỏi han cọ quẹt làm tâm thần nạn nhân mê man, rồi đồng bọn nhẹ nhàng móc hết ví tiền khi nào không hay, khi tỉnh giấc dê thì than trời không thấu. Có người còn bảo là con nít được tổ chức hàng hai trăm em, ào ra vây kín du khách và giật ví tiền chuyền cho nhau, cảnh sát cũng đành chịu thua. Vợ tôi than, không biết vui chi mà đến những nơi ghê gớm như vậy?
Biết người biết ta thì đâu có ngán chi ai. Nhóm chúng tôi ba gia đình, gồm tám người, cùng mua chuyến đi của hãng du lịch Trafalgar. Ông anh bà con chuẩn bị kỹ nhất. Mang theo đủ thứ thức ăn như mì gói, cháo khô, cơm sấy, thịt chà bông, cá hộp, patê hộp, xúc xích, giò chả, bánh khô, thức uống khô đóng gói, ớt, tiêu, muối, xì dầu, chén bát nhựa, dao, thớt, máy đổi điện thế, lò nấu bằng điện, lò nấu bằng đèn. Anh bảo rằng có thể sống sót trong vòng một tháng mà không cần nguồn tiếp tế nào. Anh lại mang thêm cả chục cuộn giấy đi cầu, giấy lót bàn cầu, khăn khô, khăn hộp ướt, dầu nóng, thuốc đau đầu, thuốc đau bụng, thuốc nhỏ mắt, xà phòng, bàn ủi điện, đèn bấm, áo quần đủ các loại, khi cần có thể giặt ngay. Lại may thêm đủ thứ, túi ngoài, túi trong, máy báo động khi bị móc túi, dây nhợ, máy thu hình video, máy chụp hình, gối đỡ đầu khi ngồi ngủ trên máy bay, chất đầy trong vali và túi riêng.
Phần vợ chồng tôi, thì cũng lo lắm, bà xã tôi mua hai cân thịt chà bông, mấy hộp cá, mấy hộp patê gan, bánh mì khô, bơ mặn Pháp, bánh bích quy mặn, cháo khô, mì gói và vài thức ăn khác. Thấy vậy, có người hỏi đùa là sao không may ruột tượng đựng gạo , mang chéo qua vai như cán binh Cọng Sản sinh bắc tử nam xâm nhập Trường Sơn? Tôi còn tập ăn bánh mì với patê gan và bơ mặn Pháp, để làm quen cho khỏi bỡ ngỡ vì mười mấy năm nay tuy gần bơ sữa, nhưng cứ đều đều ngày hai bữa cơm của vợ, không biết đến bơ sữa là gì.
Để chống trộm cắp, tôi mua áo khoác gió, có túi trong, túi ngoài, túi bí mật. Vợ tôi còn may thêm mấy cái túi có dây khóa bên trong áo. Mua thêm túi đeo ngang qua nách như FBI mang súng, mua thêm túi mang vào bắp chân, để dấu tiền, dấu giấy tờ quan trọng. Cái túi đeo vào bắp chân thì phải thực tập, mang cho quen. Nhưng khi tập mang, cảm thấy vừa nóng, vừa ngứa ngáy, không chịu nổi, đành phải bỏ đi. Bạn tôi mua thêm cái nịt hai lớp để dấu tiền vào đó, dấu thêm tiền vào đế giày, chẳng khác nào thời cũ đi vượt biên. Trong va-li, tôi nhét thêm ít tiền, đề phòng khi bất trắc. Sao chụp các thứ thẻ như thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng, bằng lái xe, ra làm nhiều bản, nhờ bạn bè giữ để phòng khi cần mà biết số, biết nơi, mà kêu điện thoại.
Sai lầm đầu tiên là chúng tôi không chọn phi trường lớn để bay thẳng qua London cho đỡ mệt. Chúng tôi tưởng phi trường nhỏ ít xe cộ, khỏe hơn. Nhưng lại phải bay vòng xuống Dallas, Texas, chuyển máy bay lên New York, rồi chuyển một lần nữa đi London. Vì chuyển máy bay nên vất vả, vì nếu chậm chân thì trễ chuyến bay, đôi lúc phải chờ chuyến bay dài cổ ra. Chỉ mới đến thấu New York thôi, đã mệt phờ, tôi nghĩ nếu thêm vài ba tuổi già nữa, thì e không đi nổi. May mà đi lần này. Nhưng khi ngồi trên máy bay lớn băng Đại Tây Dương, thì tôi thấy khỏe lại, máy bay êm như ngồi trong phòng tại sở. Tạm thời, tôi ngủ lơ mơ dưỡng sức theo lời khuyên của bà bán vé tại công ty du lịch.
Đến phi trường quốc tế London, hành khách ngạc nhiên khi phải xuống máy bay, đi xe bus vào cửa quan thuế, không phải chui vào ống hành lang trực tiếp từ máy bay ra trạm kiểm soát. Luýnh quýnh xếp hàng, đuôi dài như trò chơi rồng rồng rắn rắn, cái đuôi gấp khúc năm sáu quãng. Chờ mãi cũng tới phiên trình thẻ thông hành, rồi đi tìm hành lý. Tìm mãi không có, chạy quanh hết quầy này qua quầy khác, bốn người chia nhau đi tìm. Thì ra hãng hàng không đã đem hành lý về quầy, vì không chờ được những người khách qua ngõ thuế quan chậm chạp .
Theo cẩm nang chỉ dẫn của hãng du lịch, chúng tôi đi dần ra chờ đại diện hãng đón, ngóng hoài mà chẳng thấy ai, trong lúc đó, thiên hạ đi đón người quen dong bảng tên cả trăm cái. Chờ mãi không được, tôi dong cái bảng có tên hãng du lịch vẫy trên không, một lúc sau, có người chỉ cho tôi cái quầy của hãng du lịch. Tôi đưa giấy tờ ra, họ chỉ cho tôi cách đi xe về khách sạn.
Cái cảm tưởng đầu tiên của tôi với London và với nước Anh là sự cổ kính, xưa. Mấy ông cảnh sát vẫn đội nón như mũ đồng, sùm sụp, giống như hình vẽ trong sách Anh văn mà tôi thấy thời trung học bốn năm chục năm trước . Xe taxi với hình dáng cổ lỗ từ thời xe mới ra lò, tôi chợt nhớ đến các chiếc xe “lô” chạy đường Sài Gòn Đà Lạt thời tôi còn mũi nước lòng thòng. Nhà cửa, kiến trúc cũng cũ kỹ, màu gạch xám rêu phong, mái lợp đá chẻ màu xám. Phi trường xe cộ kẹt cứng, xe chạy bên trái, tài xế ủi đại xe tới, nhiều lúc tưởng tài xế đang say rượu. Hành khách thót lên nhiều lần vì tưởng tai nạn sắp xảy ra. Chiếc xe như một con ngựa đứt cương, chạy một cách hoang dại trên đường phố đông đảo, nhiều lúc qua khúc quành, cán luôn lên lề đường của bộ hành. Không trách chi anh bạn tôi ở London đã sáu năm, vẫn chưa có bằng lái xe. Anh nói rằng, lấy cái bằng lái xe còn khó hơn lấy bằng tiến sĩ.
Vào khách sạn, chúng tôi kiểm soát ngay và ngạc nhiên thấy có phòng tắm riêng, phòng tiêu tiểu riêng, trắng tinh, sạch sẽ, và đủ giấy vệ sinh, đủ khăn lau, không thua gì một khách sạn hạng khá tại Mỹ. Mền chiếu cũng trắng sáng, đàng hoàng, không như lời đồn đãi của những người đi trước. Tắm rửa xong, thì chuông điện thoại reo, một người bạn tôi đang ở London đến đón chúng tôi đi xem phong cảnh.
Vợ chồng anh bạn dẫn chúng tôi xuống xe điện ngầm, đi về phố chính. Đi thăm phố dành cho du khách . Ở đây, có nhiều ban nhạc tấu kèn, đánh nhạc, du khách tấp nập đứng lại nghe, ném tiền vào nón. Tôi thấy tiệm Tàu, giá thức ăn cũng không lấy gì làm đắt như thiên hạ đồn, trung bình một món ăn cũng khoảng mười đồng Mỹ kim. Một con gà xì dầu khoảng hai mươi đồng. Giá cả gần gấp đôi giá món ăn tại Mỹ. Nhưng không biết khối lượng nhiều hay ít. Chúng tôi bảo nhau rằng với giá đó, thì cần chi mang theo các thứ thức ăn lỉnh kỉnh cho mệt?
Rồi chúng tôi đi thăm các công viên nổi tiếng mà chim bồ câu bay rợp, đậu lên tay du khách đòi ăn. Đi thăm các dinh thự hoàng gia Anh quốc, thấy mấy ông lính gác nghiêm nghị trong lễ phục xanh đỏ như các anh hề. Hai anh lính cưỡi ngựa trong thế nghiêm không nhúc nhích, mùi phân và nước tiểu ngựa xông lên khai nồng nặc, dưới chân hai con ngựa là bết bát bầy nhầy phân trộn nước tiểu. Tội nghiệp cho hai chàng lính trẻ mặt mày sáng sủa, đẹp như tài tử chiếu bóng.
Du khách muốn chụp hình với kỵ sĩ cứ la toáng lên, hối người chụp bấm mau vì không chịu nổi mùi khai nồng. Điện Buckingham, Đồng hồ Big Bell, Cầu Tháp , sông Thame, những danh từ riêng thường nghe từ thuở mới bập bẹ học Anh văn, nay lại thấy tận mắt. Khi vào công viên, anh bạn khát nước mua một cây kem, cùng cỡ với cây kem nhỏ ở Mỹ, bị chém mất khoảng năm đô, nếu tính theo tiền Mỹ. Bây giờ tôi mới thấy cái đắt đỏ, nhưng chỉ một lần đó thôi. Ngoài ra, giá cả thức ăn trong tiệm thì cũng không đến nỗi nào.
Chúng tôi đi chơi, ban đầu ôm khư khư lấy ví tiền và thẻ thông hành, nhìn ai cũng thấy họ có vẻ gian xảo, như sắp cướp giật đến nơi, đi một hồi, không thấy cướp bóc, móc túi gì cả, mới thôi kè kè ôm túi áo, thấy mình thong thả hơn, nhưng cũng không quên đề phòng tối đa. Trên đường phố, nhìn qua thì đoán được ai là du khách, ai là dân địa phương. Dân địa phương thì ăn mặc lịch sự đúng phép, áo vét, giày da, thắt cà vạt, còn du khách thì ăn mặc lè phè, đi giày vải. Nhà cửa thì hình như đa số dân chúng ở chung cư, những căn nhà năm bảy từng có nhiều ô cửa sổ và trên nóc lố nhố nhiều ống khói.
Tất cả ba mươi hai du khách đến từ Mỹ, Canada, Nam Phi, Ấn Độ, New Zealand, Úc châu, Mã Lai, Puerto Rico , được lên một xe buýt dài, cao, ghế ngồi thoải mái, có máy lạnh, chạy thẳng từ London đến eo biển Manche, để đi qua Pháp bằng phà.
Tàu phà rộng rãi, sạch sẽ, tiện nghi, có cả chợ tạp hóa lớn, nhiều quán ăn, uống. Khách qua phà được phát một cái phiếu để mua hàng hóa miễn thuế quan với số lượng giới hạn, như bia, rượu, thuốc lá, áo quần, thức uống, vật dụng. Bởi vậy nên thấy nhiều người lè kè ôm cả két bia tổ bố trên tàu phà. Hành khách qua phà đông đảo, rộn rịp. Phà đi qua biển Manche mất hơn một giờ, trời nắng, gió mát lồng lộng. Bên bờ phía nước Anh, nhiều núi đá sát bờ bị cắt thẳng đứng. Có lẽ kỹ nghệ khai thác đá cắt dần, không biết thời thế chiến thứ hai, những bờ nầy có giúp ích chi cho Anh quốc chặn đứng hải quân Đức xâm nhập không. Không biết trận hỏa công mà quân Anh đổ dầu xuống biển, đốt cháy ngăn chặn địch có phải ở vùng nầy không.
Qua địa phận Pháp thì đổi xe và đổi tài xế, vì cách lái bên trái, bên mặt khác nhau. Xe băng qua Pháp để vào đất Bỉ ( Belgium), đến ngay thủ đô Brussels. Xe qua một phố hẹp, bỗng du khách trong xe nhốn nháo vì thấy trong các nhà bên đường, các cô gái ăn mặc hở hang, rất ít vải che thân theo lối nhà nghèo, có cô chỉ mang sợi dây vòng qua khe mông mà thôi, ngực để thỗn thện, mặt mày son phấn bê bết. Suốt một con đường dài, nhà nào cũng có vài ba cô đứng ngồi ra vẻ nhàn cư lắm. Có cô, tuổi tác cũng trên năm mươi, đáng tuổi bà ngoại bà nội, mà vẫn ưa trưng bày cái thân thể đã nhão nhẹt, nhăn nheo.
Chắc có lẽ để phục vụ các cụ cố thích đồ cổ. Nhiều tiếng đùa: “Lái xe chậm lại bác tài ơi”, “Đi lại một vòng nữa đi”. Các bà trên xe, thấy vui cũng cười dễ dãi khi thấy mấy ông chồng cười đùa huyên náo.
Thành phố cổ Brussels có nhiều đền đài kiến trúc vô cùng mỹ thuật được xây từ nhiều thế kỷ trước, đường lát đá , nhà cửa xây cất hoa văn tỉ mỉ. Có quãng trường Grand Palace, xây dựng từ thế kỹ thứ 12 và 17, được vây quanh bốn bề bằng những kiến trúc đẹp mắt, mà văn hào Victor Hugo đã gọi là công trường đẹp nhất thế giới.
Có lẽ thời nay không ai xây cất được như vậy nữa. Ban đêm, nơi nầy được chiếu sáng bằng những đèn màu từ tầng trệt lên đến chóp đỉnh, đèn chớp tắt từng vùng theo điệu nhạc vang động cả công trường. Hàng ngàn người đi chơi thưởng ngoạn nhạc và đèn màu. Chung quanh công trường, bàn ghế của các quán ăn bày la liệt mà thực khách ngồi chen chúc, họ ăn, uống, nô đùa, chuyện trò trong ánh đèn đêm.
Cả một vùng rộng lớn, các con đường lát đá dẫn đến quanh công trường, là quán ăn mà bàn ghế bày chật lối đi của bộ hành, nhiều đường cấm xe đi, vì khách ăn uống ngồi lan ra đường đông đảo. Nếu đem tất cả quán ăn vỉa hè của Sài Gòn cũ gom lại thì e cũng chỉ gần bằng một phần tư của các quán trong khu nầy.
Có người hỏi, ngày thường mà ăn nhậu, chơi khuya đông đảo như thế nầy, thì sức đâu mà ngày hôm sau vào sở? Đó là câu hỏi của những người du khách Mỹ. Chắc dân địa phương thì chẳng có thắc mắc gì. Anh bạn tôi kết luận, ham chơi thế nầy thì làm sao mà giàu được, ở Mỹ thì lo làm giờ phụ trội (OT) bở hơi tai, dân bên nầy chắc chẳng có cái màn làm một ngày mười giờ, mười hai giờ. Bây giờ thì tôi không còn thắc mắc tại sao một anh bạn Việt Nam du học tại Bỉ quốc, qua Mỹ ở vài năm, thấy đời sống buồn tẻ, vô vị quá, quay lại Bỉ, dù không có công ăn việc làm tốt.
Đời sống vui như thế nầy, trách chi khi vua Bỉ già chết, nhường ngôi cho con, ông con nhất định không nhận, tội chi làm vua để bị lễ nghi bó buộc, không la cà uống rượu, ăn hàng ngoài đường, và đi chơi đêm mà chẳng ai dèm pha phê bình. Hoàng gia phải đi tìm người em gái của vua đem lên thay thế. Không biết có phải vì bà ham quyền lực, hay là bà không thiết đến cái phóng túng của bậc dân giả mà chịu nhận nối nghiệp vua anh. Bây giờ bà hoàng cũng già sắp chết, mà người được chỉ định để nối ngôi cũng lắc đầu “em chả”.
Lạ quá, làm vua mà không ai ham. Cái ngai vàng nầy mà chuyển qua cho dân Á Châu, thì có khối máu chảy vì tranh dành. Tôi bảo với anh bạn, nếu không ai nhận , thì tôi sẽ hy sinh nhận làm vua cho, tôi sẽ phong cho anh bạn làm thừa tướng, và phong cho tất cả dân Việt Nam tị nạn tại Bỉ chức quận công, bá tước , tha hồ mà nở mày nở mặt với thiên hạ.
Tại Brussels, khi đứng trên lầu khách sạn, tôi thấy có hai tiệm ăn Việt Nam bên kia đường , mừng quá, tôi định buổi tối xuống ăn cơm Việt tại Bỉ quốc, xem có khác gì không. Khi đến tiệm, thì thấy cả hai đều sạt nghiệp, đóng cửa, có bảng ghi bán tiệm. Tôi chuồi vào cửa mấy tờ tuần báo biếu bằng chữ Việt tại vùng Vịnh San Francisco, mà chị bạn tôi vô tình mang theo trong cái xách tay khi ngồi tại phi trường. Tôi ghi lên bìa: “Đồng hương đi qua đây, biếu chủ quán đọc chơi“. Chắc mấy người nầy thích thú lắm. Ở cái xứ vắng vẻ nầy, mà có tờ báo chữ Việt, thì không có gì vui hơn.
Ngủ một đêm tại Brussels, hôm sau chúng tôi lên đường sớm đi Luxembourg. Trên đường đi, tôi thấy nhiều đồng ruộng, trang trại chăn nuôi và rừng phong ở chân trời. Hình như dân chúng sống nhờ nông nghiệp nhiều hơn kỹ nghệ. Khi đi ngang qua Waterloo, tôi tưởng như còn nghe tiếng quân reo, ngựa hí, tiếng gươm đao san sát, và đại quân của Anh Quốc tử chiến với đoàn quân của Napoleon. Hai bên đang chiến đấu nghiêng ngửa, long trời lở đất , thì liên quân Phổ phục kích trong rừng phong tràn ra, làm thế trận xoay chiều, quân Pháp co cụm lại, xác chết ngổn ngang. Hoàng đế Napoleon thất thế, đứng bơ vơ giữa đám tàm quân, thây người chất chồng như cỏ dại, mặt mày ông phờ phạc. Tan tành tham vọng, và chịu bị bắt đi đày cho đến chết. Tôi ít có cảm tình với những thứ anh hùng, đại đế với tham vọng điên cuồng, họ sung sướng trên nỗi đau thương khổ cực của dân bại trận và lạnh lùng trước xương máu của chiến sĩ thuộc quyền.
Đến Luxembourg vào buổi sáng, xe đổ chúng tôi bên công viên Luxembourg, vườn cây xanh ngắt nằm dưới thung lũng sâu, có hoa cỏ muôn màu, như vườn thượng uyển. Có cầu móng vòm cao ngút. Băng qua bên kia đường là phố, có rất nhiều quán xá ngoài trời, khách đông đúc tấp nập. Tôi lần theo tiếng nhạc đi đến một sân rộng, trên sân có khoảng hai chục cặp nam nữ ăn mặc theo lối xưa, đang nắm tay, sắp hàng nhảy múa theo nhịp điệu của một ban nhạc sống. Đàn ông, đàn bà, ăn mặc rất đẹp, sặc sỡ, áo trắng tay phùng, áo chẽn xanh, lưng thắt bản rộng màu đỏ, chân bó ghệt xanh, nhảy múa nhanh nhẹn, tuổi tác của họ từ mười tám đến trên sáu mươi. Những nhịp chân yêu đời, vui sướng trong một xứ thanh bình, thịnh vượng. Hạnh phúc sáng ngời tỏa trên từng khuôn mặt họ.
Hôm nay là thứ ba trong tuần, tôi thắc mắc, sao họ có thể rảnh rỗi trong giờ nầy mà đàn ca múa hát tập thể ? Hay những người nầy làm việc ca đêm chăng? Tôi cảm thấy như mình sống trong phim ảnh, một ngày vui, lạc chân vào chốn thần tiên. Các cửa hàng đông đảo khách ngồi ăn uống. Tại sao họ ăn uống vào giờ nầy nhỉ ? Ăn sáng thì quá trễ, ăn trưa thì quá sớm. Tôi mua được một ổ bánh mì giòn dài, dồn thịt nguội, để dành ăn trưa cho bốn người. Kể cũng lạ, một xứ bé tí xíu, mà thanh bình, sung sướng, đẹp đẽ, dân chúng vui tươi hạnh phúc.
Buổi chiều, xe băng về Thụy sĩ, xa xa bóng núi Alps chập chùng, xe đến thành phố Lucerne vào khi nắng xiên khoang chiếu trên hồ xanh ngắt. Thụy sĩ là xứ nổi tiếng kỹ nghệ đồng hồ, và là xứ được thực sự hưởng trung lập qua bao cuộc chiến tranh nóng, lạnh giữa đông và tây.
Chiều tà, bóng nắng, bóng núi , bóng hồ lồng vào nhau trong hương hè ấm áp. Hồ rộng, sạch sẽ, để tiết ra cái văn minh giàu có của một xã hội mà lực lượng trí thức đông đảo, không xứ nào có tỷ lệ cao bằng, và nơi mà các tỷ phú trên thế giới đến mua nhà cư ngụ tìm an lành tự do, và họ đổi lại bằng cách trả giá cao cho sinh hoạt xã hội. Hồ xanh ngắt, nước trong sạch sẽ, chúng tôi tìm được một hình ảnh quê hương, có cây cầu dài lợp ngói, như “Cầu Ngói Thanh Toàn”. Cây cầu nầy rộng rãi, dành cho khách bộ hành, giữa cầu phình ra, có nhà hàng buôn bán, ăn uống. Khách du đi lại trên cầu, dừng lại ngồi uống ly cà phê, thưởng thức gió mát mơn man trên da thịt.
Khách sạn chúng tôi ở nằm bên hồ, phong ngủ, phòng tắm, sáng sủa, sạch sẽ, sang trọng hơn khách sạn bên Anh và Bỉ nhiều phần. Phòng có ban công ngồi nhìn ra hồ, bên dưới là quán ăn, đặt bàn và dù che trên sân rộng. Ban đêm, chúng tôi ra ban công ngồi thưởng trăng sáng vằng vặc chiếu trên hồ, và bóng núi bên kia có ánh đèn nhấp nháy. Trăng sáng, khí trời mát dịu, lòng người sảng khoái lâng lâng.
Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm đi dạo bờ hồ, con đường ven hồ lát đá sạch và mát. Chúng tôi bắt xe buýt đi, dù không biết tiếng Thụy sĩ, anh bạn tôi cũng đọc và hiểu được chỉ dẫn trên vé xe: “Vé có giá trị trong hai giờ, không có giá trị để đi qua vùng khác”. Anh dịch thêm một tờ quảng cáo khác, và kết luận: “Tiếng Thụy sĩ dễ ợt, cứ viết tiếng Pháp pha tiếng Anh, viết sai bét sai be, thành ra tiếng Thụy sĩ”. Tôi giật tờ quảng cáo trên tay bạn mà đọc, thì thấy nhận xét của anh bạn không sai chút nào. Con đường từ Thụy sĩ qua Ý là vùng núi non, dân cư sống thưa thớt trong các thung lũng, sườn núi. Đúng như câu thơ của người xưa: “Bồng bế nhau lên chúng ở non”. Nhiều nơi không thấy có đường từ nhà dẫn ra lộ chính. Đi tị nạn mà được đến những vùng nầy thì có buồn mà thối ruột. Nhất là những ngày đông giá, tuyết chất chồng cao ngất.
Qua hơn tám mươi cái hầm xuyên núi thì đến thành phố Venice của Ý quốc (Italy) vào buổi chiều, sau khi nghỉ ngơi vài mươi phút, hướng dẫn viên du lịch đem chúng tôi đi chơi kinh “Tàu Hủ”. Những con kinh hẹp, nhỏ chằng chịt, mà hai bên là nhà lầu gạch cao nhiều từng, để lòi móng rêu phong tiếp xúc với nước đục xanh lờ nhờ. Mỗi thuyền chở năm sáu du khách, có người chèo, đi thành đoàn. Chiếc thuyền trung ương chở thêm hai nhạc sĩ kéo phong cầm và một nam ca sĩ mà giọng hát trầm âm vang, vọng lớn giữa hai bức tường cao dọc theo kinh làm tiếng ca thêm khuếch đại . Họ ca hững bài quen thuộc của Âu châu mà dường như ai cũng biết, như “Trở về mái nhà xưa, Hãy hôn tôi thật nhiều, Orpheu Negro…”
Khách du trên thuyền ca theo và vỗ tay làm nhịp. Nhiều người trên bờ kinh dừng lại vẫy tay chào. Khung cảnh thơ mộng, hữu tình, vợ tôi nói rằng mới đi thuyền lần đầu mà có cảm giác quen thuộc, như đã đi qua đây nhiều lần. Tôi cũng có cái cảm giác đó. Có lẽ qua phim James Bond, qua hình ảnh trong sách, trên truyền hình mà chúng tôi có cái cảm giác đó. Hướng dẫn viên cho biết thành phố nầy cất trên biển, vùng đất lầy, móng nhà được đóng cây lèn đất cho chặt như bên Việt Nam mình đóng cừ tràm, cừ gốc tre. Mỗi năm nhà lún xuống sáu li. Nghĩa là mấy trăm năm qua, đã lún xuống vài thước.
Tiền nhân của dân vùng nầy, vì không sống chung nổi với bọn Rợ xâm chiếm, cho nên kéo nhau qua đây lập cư. Tiếng Rợ ở đây là dịch theo chữ “Barbare” của hướng dẫn viên. Không biết để ám chỉ đế quốc Thổ nhĩ Kỳ, hay đế quốc Mông Cổ. Có lẽ sau nầy, trong gia phả của nhiều gia đình Việt Nam tị nạn, cũng ghi tương tự rằng, tổ tiên không sống chung nỗi với Rợ Cọng Sản, nên vượt biển ra đi.
Thấy một du khách Đại Hàn, tôi hỏi ông phải trả bao nhiêu để đi thuyền trên kênh nầy, ông nói là năm mươi lăm đồng Mỹ kim. Tôi cho ông biết, tôi chỉ trả có ba mươi mốt đồng mà thôi, hướng dẫn viên du lịch của nhóm ông chạy đến nói rằng: “Giá vé mỗi xứ mỗi khác nhau, không thể so sánh được”. Tôi cười vui vẻ đáp: “Đúng, chúng tôi người Mỹ nghèo, nên chỉ trả ba mươi mốt đô, còn người Đại Hàn giàu hơn, thì phải trả năm lăm đô, không có chi ngạc nhiên cả”. Mấy ông du khách Đại Hàn cười hăng hắc.
Ngày hôm sau, chúng tôi được đi chơi trong thành phố Venice nguyên một ngày, đi dạo trong các khu chật hẹp như khu bàn cờ ở Sài Gòn, có quán xá san sát, đường lát đá tảng nhỏ, sông rạch chằng chịt, du khách tấp nập, thuyền bè rộn ràng. Khách năm châu tấp nập đổ về. Tại Venice, nhà thờ xây cất khắp nơi, nhà thờ nào cũng lớn, vĩ đại, kiến trúc cầu kỳ, điêu khắc tỉ mỉ rất công phu.
Ngày hôm sau chúng tôi đến La Mã, xe chở chúng tôi chạy quanh thành phố, hướng dẫn viên chỉ cho chúng tôi những di tích danh tiếng. Hôm nay, chúng tôi được đi ăn tối do cơ quan du lịch đãi. Quán ăn lớn, chúng tôi được dọn riêng một góc vườn, hai nhóm du lịch ăn chung, có nhạc sĩ đàn dương cầm và hát. Người nhạc sĩ chừng trên dưới năm mươi tuổi, chăm chú đàn hát, trên bàn có cái lọ thủy tinh đựng tiền thưởng. Bạn tôi nhét một ngàn đồng Ý vào lọ và nói với tôi: “Mình chơi sang, cho nhạc sĩ một ngàn đồng, nói ra không ai tin đâu”.
Nghe thì khiếp, nhưng thực ra không phải vậy, vì khi tôi đi vào cầu tiểu, thì thấy bạc nghìn chồng chất trong cái rổ trước cửa nhà cầu. Tôi cũng vội vã móc túi, bỏ ra một ngàn đồng. Nghĩ cũng hơi tục, mình vào nhà hàng ăn phải trả tiền, mà còn phải trả thêm tiền đi tiểu. Bà xã tôi nói đùa, lương mỗi tháng chúng mình e chưa đủ để trả tiền đi tiểu, đi tiêu trong một ngày.
Tôi thì cảm thấy buồn khi thấy số tiền trong cái rổ trước cầu tiêu nhiều hơn vài chục lần số tiền trong cái bình thủy tinh của nhạc sĩ. Công khó biết bao nhiêu để luyện nên tiếng dương cầm du dương đó, và phải là thiên phú mới có được lời ca trầm ấm kia. Thực khách có thể quên tiền thưởng cho nhạc sĩ, nhưng không dám không trả tiền nhà vệ sinh. Một bên là nhu cầu tối cần, một bên là nghệ thuật. Ở Ý, khi dùng nhà vệ sinh, phải trả tiền từ năm trăm đến một ngàn đồng (Khoảng 35 xu đến 70 xu Mỹ). Ban đầu thì tôi thấy hơi kỳ, nhưng khi nghĩ kỹ lại, thì thấy công bằng, có thế nhà vệ sinh mới được chăm sóc và tiện nghi hơn. Thà mất tiền, nhưng có nơi để tiêu tiểu, còn hơn là phải ôm bụng hốt hoảng chạy quanh.
Bữa ăn chiều dọn ra, đầu tiên là một đĩa chiên, có cà tím, ớt bị, dưa leo, và các thứ quả khác, chiên dầu, có nhiều gia vị, ăn rất ngon miệng. Tôi tưởng chỉ có thế thôi, ráng ăn cho sạch đĩa. Món thứ hai lại được bưng ra, đĩa mì Ý nấu chay, không có bóng dáng thịt thà chi cả, chúng tôi cũng ráng nuốt hết, cũng ngon chứ không đến nỗi nào. Cũng tưởng thế là hết, nhưng một đĩa nữa bưng ra, cũng mì sợi, nhưng loại dẹp và màu xanh lá chuối, cũng chẳng nấu với thịt thà chi cả. Nhưng cũng ngon, và chúng tôi quất sạch. Anh bạn tôi bảo rằng, không ngờ ở đây, La mã, đất Thánh mà lại còn ăn chay kỹ hơn cả mấy vùng đất Phật.
Rượu nho được rót hết bình nầy qua bình khác, thiên hạ uống ào ào còn hơn uống nước lã. Ông bạn bên cạnh bảo tôi là rượu nho nơi đây ngon đặc biệt, mùi vị đặc biệt, thấm vào cổ họng, thấm vào từng thần kinh khẩu vị, chỉ có nước Ý mới có thứ rượu nầy. Tôi trả lời rằng, tôi thì thấy rượu nho nào cũng chua chua như nước đái quỷ, không thể biết được thế nào là ngon dở. Người ta nói, rượu nho ở Ý còn rẻ hơn nước lã, tôi thì không có ý kiến. Sau vài chầu rượu, thì thêm một đĩa nữa dọn ra, lần nầy thì là thịt, không biết thịt gì, hình như thịt cắt mỏng và quấn lại thành một cục, ăn dai dai, vị đậm đà. Ngon, món nầy cũng rất ngon.
Ăn xong, từng cặp ra sàn nhảy theo tiếng nhạc du dương. Đàn ông thì nhoi và lắc cái mông teo rí, trong lúc bụng trước thì ỏng xề mà cái nịt lưng chảy xệ vòng xuống gần háng. Đàn bà thì tuổi tác làm xề ra, tay chân múa vụng về , chân loạng choạng đỡ cái thân nặng. Một cụ già lụ khụ đi xe lăn, cũng được người con gái dẫn ra sàn , cụ chập choạng, đầu gối co lại như xuống tấn, cho khỏi té, hai tay cong cong đưa ra, y hệt như trẻ con mới tập đi. Rối đến lúc nhạc trổi lên náo nhiệt, những người đang nhảy lôi tất cả thực khách dậy, người sau vịn vai người trước, sáu bảy chục người nối đuôi nhau lắc lư bước theo tiếng nhạc, làm thành cái đuôi dài như thời nhỏ chơi trò “rồng rồng rắn rắn”. Anh bạn tôi vui quá, dậm mạnh chân mà thét lớn: “Cho xin khúc đầu – Cả xương cả xóc. Cho xin khúc giữa – Cả máu cả me. Cho xin khúc đuôi – Cả xuôi cả ngược”. Đám Việt Nam chúng tôi cười ầm lên, trong lúc những người khác không hiểu chuyện gì.
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm vào thăm Vatican, chỉ cần đến chậm vài mươi phút là cái đuôi dài cả nửa cây số. Trong tòa thánh, có lính gác và viên chức ăn mặc áo vét, cà vạt, để giữ gìn trật tự và hướng dẫn du khách. Các viên chức hình như quá chán ngấy với đám du khách hành hương hỗn tạp từ năm châu, mà hàng ngày họ phải chịu đựng, nên có vẻ lạnh lùng, mệt nhọc, không thiện cảm .
Trong các phòng kín nhỏ, các linh mục đang nhận lời xưng tội của các con chiên sau bức màn. Một linh mục chưa có người xưng tội, đang rảnh rang, đem tiền ra đếm, những đồng tiền Ý màu sắc đẹp đẽ. Xa xa trong phòng riêng, một số Hồng Y già cỗi, nhăn nheo, chậm chạp, hình như họ đang nguyện cầu cho một hồng y khác vừa tạ thế. Tôi thầm thán phục họ, hiến dâng trọn đời cho Chúa, để mưu cầu sau khi rời thế gian, thì được mãi mãi về nước Chúa. Còn tôi thì kiếp nầy đây, vất vả lo còn chưa xong, đâu có dư thì giờ lo cho kiếp tới.
Trong Tòa Thánh có rất nhiều tượng và tranh vẽ nghệ thuật mà không nơi nào khác có. Tranh của Michael Angelo là những tác phẩm quý báu nghệ thuật. Gồm những bức tranh cổ xưa, thu thập từ trước thời Chúa Giê Su trong đó ghi lại sinh hoạt, phong tục của tiền nhân. Xin đừng ai xấu hổ vì dân Á Đông ăn thịt chó. Có bức tranh xưa to lớn, vẽ đám đông ăn mặc như các ông thánh đang xúm xít quanh một con cầy thui. Bà hướng dẫn xác nhận đúng là ” Cây còn”.
Thêm cái phong tục bỏ tiền vào miệng người chết để hối lộ cho ma vương quỷ sứ trên đường đi đầu thai, không phải là Việt Nam học lỏm của mấy ông Tàu. Vào thời trước tây lịch, dân La mã đã có rồi. Những đồng tiền trưng bày trong thư viện Vatican nhặt được từ trong miệng các xác chết của các tín đồ Thiên Chúa chôn trong huyệt mộ bí mật từ khoảng ba trăm năm sau tây lịch. Theo bà hướng dẫn, thì dù đạo Chúa không tin chuyện hối lộ khi về bên kia thế giới, vì tin có ngày phán xét cuối cùng và phục sinh, nhưng cứ bỏ tiền vào miệng người chết, lỡ ra cần thật. (just in case).
Nhiều bức tượng khỏa thân, để phơi mông phơi nguyên “bộ” ra ở chốn trang nghiêm, mà mặt mày tượng như cứ nhơn nhơn không nể nang ai cả. Một số tượng khác, thì trần truồng, nhưng chỗ kín thì được che bằng cái lá nho, trông đỡ sỗ sàng hơn.
Theo bà hướng dẫn thì tượng nguyên thủy không mang lá lay gì cả, nhưng đến một thời nào đó, người ta thấy không đẹp mắt lắm, nên làm lá nho trùm lên. Sau đó, có kẻ cho rằng lá nho làm mất vẻ tự nhiên, bèn gỡ lá nho ra, nhưng khi gỡ lá, thì nó sứt luôn cái “mầm quý báu nhất thế gian” (dịch nguyên văn lời nói). Cho nên có một số tượng háng bể nham nhở. Không hiểu sao, óc thẩm mỹ của dân Ý chuộng trần truồng, cho nên nhiều bức tượng to lớn đứng giữa công viên, trên đài cao, mà khơi khơi để phơi của quý ra, trong lúc mang một tấm vải to lớn lòng thòng sau lưng.
Đâu phải là thứ “của” có tầm vóc và hình dung đặc biệt mà đem ra khoe cho cam, cũng chỉ là thứ thường thường bậc trung, nếu không nói là dưới trung bình một chút . Không trách chi dân Ý ngày trước thường đông con. Một số ít tượng ở các xứ Âu Châu cũng ưa trình bày theo lối trần truồng. Tại Paris, quanh hàng rào thư viện quốc gia là đoàn tượng trinh nữ lõa lồ đội đèn, nhưng có chút vải bay che lấp một chút nơi kín đáo, trông nghệ thuật hơn. Duy chỉ có bức tượng tại công viên Bastille, đã trần truồng đứng trên đài cao, còn dạng cái chân đưa ra phía sau, đứng cái tư thế nầy, mà đức Khổng Tử thấy được, thì ngài xỉ vả cho ba đời cất đầu lên không nổi. Tượng “khoe của”, thì chỉ có một pho tại Genève , Thụy sĩ, là đáng tuyên dương nhất. Pho tượng đồng là một người ốm o gầy còm dắt con ngựa, người và ngựa đều trần truồng, mà thấy cái của người gồ ghề lòng thòng, ăn đứt cái của ngựa.
Đi thăm viếng quanh La mã, thăm hồ phun nước để ném đồng xu nguyện cầu, cả ngàn người chen chúc. Phải ném đồng xu cho đúng cách, và nguyện ba điều. Cầm đồng xu tay phải, quay lưng lại ném qua vai trái, điều thứ nhất nguyện cho bản thân mính, điều thứ hai cho người khác, điều thứ ba nguyện được trở lại nơi nầy.
Nhóm Việt Nam chúng tôi ném xu và nguyện. Điều thứ nhất mỗi người nguyện riêng, điều thứ hai thì nguyện cho đảng Cọng sản Việt Nam, mong cho các đồng chí sớm tiêu tùng để khỏi làm hại đất nước thêm nữa, điều thứ ba mong trở lại đây. Bà hướng dẫn hỏi tôi là Nhật Bản hay Đại hàn, tôi trả lời là Việt Nam, làm bà ngạc nhiên. Bà nói rằng, bà đã du lịch Việt Nam hai lần trong vòng mười lăm năm, và Việt Nam là một trong các xứ nghèo đói, tồi tệ nhất thế giới, vì đảng Cọng Sản độc trị. Tôi nói, xứ bà cũng có đảng Cọng sản vậy. Bà cười ha hả cho biết rằng cái đảng trưởng Cọng Sản Ý là một tên tư bản giàu có hạng.
Buổi sáng chúng tôi bộ dạo quanh thành phố La-Mã, mọi người đề phòng móc túi cướp giật tối đa . Khi tôi và anh du khách người Ấn Độ dừng chân trước cửa hàng đổi tiền để chờ bà xã tôi mua hàng, tôi hơi ngạc nhiên thấy du khách đổi tiền nhìn chúng tôi e-dè lấm lét, có vẻ sợ hãi, có lẽ họ sợ chúng tôi cướp bóc chăng. Nhưng khi tôi nhìn lại anh Ấn Độ, thấy tướng dáng anh đen điu, to cao, tay chân lông lá, quần ngắn, áo không tay, giày da cổ cao. Thì thiên hạ nghi ngờ là phải, tôi kéo anh bạn dang xa tiệm đổi tiền cho du khách đỡ sợ.
Rồi chúng tôi đi viếng địa đạo của thành phố La Mã, gọi là Catacomb, xây dựng khoảng 300 năm sau dương lịch. Các vua chúa La Mã thời đó bách hại giáo đồ Thiên Chúa, họ phải đào hầm kín để hành lễ, và chôn xác chết theo nghi thức tôn giáo. Địa đạo Củ Chi của Việt Cọng thường khoe ầm lên, thì chẳng nhằm nhò gì với hệ thống địa đạo nơi đây. Có nhiều từng, nhiều ngõ ngách, hàng trăm cây số, mà hai bên thành hầm là huyệt mộ của tín hữu. Địa đạo nầy mới khám phá ra sau nầy nhân súc vật bị sút chân sa vào một cửa địa đạo. Nhờ những kẻ hay viết bậy, vẽ bậy lên tường còn lưu lại trong địa đạo, mà người ta biết được một phần sinh hoạt và sự thật thời xa xưa đó. Muốn đi hết La mã, thì cũng phải ít nhất một tuần lễ.
Chúng tôi đổ về Naple, miền nam nước Ý. đi thăm hải đảo Capri tài xế lái xe buýt loại trung bình chạy ào ào đưa chúng tôi lên đỉnh núi, con đường hẹp, ngoằn ngoèo mà một bên là vực sâu dựng đứng cao hàng trăm thước, tầm nhìn trên đường rất ngắn, xe chạy ngược chiều như đâm sầm vào nhau, xe nào cũng chạy với tốc lực cao. Xe quạch qua phải, quạch qua trái, lên dốc, xuống dốc, chẳng khác nào đi chơi hội chợ ngồi trên các xe có đường rầy quanh co tạo cảm giác. Hành khách ôm ngực đau tim thon thót, và cứ chốc chốc nhổm đít lên vì sợ. Người hướng dẫn du lịch trấn an: “Xin các bạn đừng lo. Tài xế nầy ngày trước lái máy bay cảm tử kamikazé. Ở Ý không ai có bằng lái xe cả. Bằng lái xe mua ngoài chợ trời, không cần thi”. Nói xong, anh ta làm dấu thánh giá, và vẫy tay ban phép lành cho hành khách như các linh mục làm lễ trong nhà thờ. Khoảng mười lăm phút xe lên đến khu phố thị lưng chừng núi. Một người nói: “Chắc chúng ta, mỗi người cũng sút được vài ký. May không có ai yếu tim, nếu không thì chúng ta cũng có dịp đóng tiền phúng điếu”.
Hải đảo thật thơ mộng, thần tiên, cây cối xanh rờn, nhà cửa chênh vênh san sát và khang trang, sang trọng. Có lẽ chỉ những người giàu có mới mua nhà vùng nầy.
Naple là một hải cảng quan trọng của Ý. Tàu bè thập phương tấp nập tới lui, ban đêm du khách không dám đi ra phố vì nguy hiểm. Khuya đó nằm trong khách sạn, chúng tôi nghe tiếng kêu gào rất lớn và rất lâu từ dưới phố vọng lên, tiếng của một người đàn bà nào đó, có lẽ là du khách người Nhật, thiếu thận trọng đi về giữa đêm khuya bị tấn công.
Hôm sau chúng tôi ngược về Florence, thành phố có công viên Michael Angelo nhìn xuống phố và nhấp nhô những tháp nhà thờ xa xa. Ghé lại thăm thành phố Pompeii, một thành phố bị chôn vùi dưới lớp tro tàn núi lửa từ mấy trăm năm trước Tây lịch, và được khai quật sau nầy. Nhìn mới biết con người từ thời đó đã văn minh, đã xây dựng được những công trình mà ngày nay cũng khó mà làm được. Thành phố nầy, vào thời đó, đã thu hút thương nhân các quốc gia lân cận đổ về như từ Phi Châu, Hy Lạp, Thổ nhĩ Kỳ, Spain, và các xứ Âu châu khác. Thành phố được xây bằng gạch, đá cùng vôi hồ, mà tất cả các bức tường đều dát đá cẩm thạch trắng. Có đủ hội trường, khách điếm, quán ăn, nhà vệ sinh công cộng, chợ búa, vận động trường, rạp hát lộ thiên có thể chứa cả chục ngàn người, tất cả đường xá đều lát đá cho xe đi và có hệ thống thoát nước. Trên mặt đường đá, có rải rác loại đá phản chiếu, để dẫn đường cho xe đi đêm trong các ngõ.
Khách thương hồ xa nhà đến buôn bán, có khi cả năm, chưa lần gặp lại vợ con. Cho nên thành phố có rất nhiều lầu xanh, nhiều gái buôn hương bán phấn. Trước cửa mỗi lầu xanh, có một hình tượng, mà khách thương đến bất cứ xứ nào, nói tiếng nào cũng có thể hiểu được. Đó là một bộ phận sinh dục đàn ông bằng đá, chỉa thẳng ra đường, đặt trên cửa chính. Ban đêm, thì các kỹ nữ chốc chốc hú lên như tiếng sói gào đực. Dù không đèn đóm, khách làng chơi cũng biết nơi mà mò đến. Trong lầu xanh, có nhiều bức tranh gợi dục lớn cỡ nửa bức tường, vẽ cảnh ái ân. Cảnh đàn bà trần truồng cưỡi lên bụng đàn ông, cảnh giao hoan theo những thế lạ. Không biết có phải vì đọa lạc như vậy nên trời phạt, cho núi lửa chôn vùi xóa bỏ. Một số xác chết trong tro vãn thạch hóa đá, được bơm thạch cao đúc khuôn lại, trưng bày trong lồng kiếng, nhiều khuôn mặt còn biểu lộ đau đớn. Không biết có kẻ nào đang hành lạc bị chôn vùi lúc đó không. Thì ra chuyện buôn hương bán phấn đã có từ thời ông bành tổ, chứ không phải nhân loại văn minh mới bày ra.
Hôm sau, chúng tôi hướng về Genova, (không phải Genève của Thụy Sĩ) thành phố quê hương của ông Kha Luân Bố (Christophe Colomb), Thành phố trên triền núi sát biển, có tượng ông Kha cao lớn, tay cầm cái mỏ neo, bốn góc có bốn người đàn bà quỳ gối phủ phục. Ông nầy đã “khám phá ” ra châu Mỹ, mà ngày nay tôi được đến ở nhờ. Tôi vẫy tay chào và tỏ ý cám ơn ông. Tôi lại sực nhớ cái bia đá lớn của một ông thuyền trưởng, từ nhiều thế kỹ trước, lần đầu tiên ghé lại vùng San Francisco ngày nay, đã dựng lên tấm bia khắc chữ lớn để xí phần cho nữ hoàng của ông: “Đây là đất của Nữ Hoàng…”. Ông không thèm biết đến những cư dân da đỏ đang sinh sống nơi nầy cả ngàn năm, cứ cắm bảng xí phần cái đã.
Đến Ý, mà không thử pizza nguyên gốc thì e khi về ân hận không kịp. Chắc chắn phải ngon hơn cái pizza lai căng nấu theo hương vị Mỹ. Đất Mỹ, món ăn xứ nào cũng có bán, nhưng đã pha chế theo sở thích Mỹ. Cá thịt thì nấu nhàn nhạt, không có gia vị, ăn như nhai giấy bồi. Tôi và anh bạn đòi ăn cho được pizza, trong lúc hai bà xã thì nằng nặc không chịu. Các bà nói rằng, pizza thì Mỹ thiếu gì, cả nước, muốn ăn khi nào không được. Cuối cùng, chúng tôi ăn Pizza, thất vọng lớn. Pizza mềm xèo, nhão nhẹt, mùi vị không ra gì, thua thứ pizza hạng bét tại Mỹ. Chúng tôi cho là ăn không đúng tiệm, như phở ở Việt Nam mà ăn tại quân trường Quang Trung, thì không thể gọi là phở được. Anh bạn và tôi, mấy ngày sau, lén bà xã đi ăn thêm Pizza tại hai nơi khác nữa, cũng thất vọng não nề. May mà các bà không biết, chứ có mà căng tai ra nghe cằn nhằn.
Con đường vào nước Ý, núi non trùng điệp, đường quanh co khuất khúc. Tôi không hiểu sao ngày xưa, các quốc gia khác có thể xâm chiếm được nước Ý. Với hình thế hiểm trở nầy, cứ phục binh hai bên sườn núi, đánh chặn đầu chặn đuôi, rồi dùng hỏa công mà đốt, thì mười người không sống sót được một vài ngoe. Hay là nước Ý bị xâm lăng qua đường biển?
Khi đến thăm tháp nghiêng Pisa, nền lún không đều, làm xiên bệ cái tháp như sắp đổ xuống. Vì tháp nghiêng nên thiên hạ khắp thế giới tò mò đến xem. Chúng tôi chụp hình đứng bên cạnh tháp như tất cả du khách khác. Tôi hỏi vợ rằng, em làm nghề công chánh, em có biết cách nào để dựng thẳng cái tháp được không?. Vợ tôi cười đáp: “Dựng nó dậy làm chi?. Phải để nghiêng như thế mới thu hút du khách đến chơi mà hốt tiền. Dựng dây thì nó cũng tầm thường như trăm ngàn nơi khác, ai mà hoài công đến xem.” Quả như vậy thật, lâu nay tôi vẫn nghĩ tại sao người ta không dựng thẳng tháp, thì nay mới nghĩ ra.
Trên đường từ Genova về Pháp, chúng tôi qua các vùng nghe quen tên như núi Mont Blanc, có thành phố nghỉ mát, cây cối xanh tươi, không khí dìu dịu, khách du tấp nập và nhiều lều trại trong rừng thông. Không trách chi các văn sĩ Pháp như Alphonse Daudet, Anatole France đã viết những câu chuyện liên quan đến vùng nầy, làm độc giả hâm mộ, ước mơ một lần ghé lại.
Xe vào Genève, Thụy sĩ, nơi mà hiệp định Geneve ký kết phân đôi hai Việt Nam, cho chúng tôi cơ hội sống thêm hai mươi năm khỏi bị ách đô hộ cực kỳ khắt khe tàn bạo của cọng sản. Tôi không biết xưa kia ông Võ Thành Minh ngồi đâu trên hồ Leman mà thổi sáo phản đối thực dân lẫn Cọng Sản? Tại đây, tượng Jean Jacque Rousseau mà (người Tàu dịch là Lư Thoa, chẳng dính dáng chi với cái âm ngữ đó cả.) Tượng cao nghều nghệu, trên đài cao nhìn xuống. Ông nầy đã đưa tư tưởng tự do dân chủ vào chính trị. Trong công viên Genève, có nhiều tượng của các ông sáng lập đạo Tin lành, mà người Việt Thiên Chúa dịch ra là “bọn Phản Thệ” . Mấy ông Phản Thệ nầy có tượng hình chiếm nguyên một bức tường dài.
Trong công viên nầy, tôi thấy có mấy người rất giống Việt Nam đang chơi cờ tướng Âu Châu, mỗi con cờ cao gần cả thước. Nhiều bàn cờ dọc ngang trên sân rộng. Tôi tưởng mình đến Genève thì lòng xúc động vô cùng, vì nơi đó dính liền với lịch sử Việt Nam qua hiệp định chia đôi đất nước kéo theo cuộc chiến tương tàn hai mươi năm do mấy ông cọng sản gây nên. Nhưng không, lòng tôi vẫn bình thường, không xúc động nào cả.
Cũng như khi đi ngang qua Fontainebleau tôi cũng chỉ thầm nghĩ, nơi đây, ông Hồ Chí Minh đã ký hiệp ước đồng ý cho Pháp trở lại Đông Dương, mà nhiều người gọi là hiệp ước bán nước. Ông Hồ lấy cớ là đuổi kẻ thù gần là Tàu ra, kẻ thù xa là Pháp thì không ngại, nhưng nhiều năm sau, chính ông lại đón thứ “kẻ thù gần” đó vào nước, lãnh đạo các cuộc cải cách ruộng đất, và tôn vinh làm đại ca. Khi đến Paris, trong lòng tôi cảm thấy buồn thật sự, vì nơi đây, bản văn khai tử miền Nam Việt Nam ra đời, để cọng sản có cơ hội phá tan tành miền Nam, đày đọa dân chúng, đưa đất nước vào lầm than thoái hậu, và tôi phải liều mình ra biển, bỏ lại quê hương.
Khi vào biên giới Pháp, thông hành bị soát kỹ, có lẽ Pháp khó khăn hơn các xứ khác. Bởi vậy nên cách đây mười mấy năm, một anh bạn nhận việc của Liên Hiệp Quốc đi làm cố vấn kỹ thuật bên Phi Châu. Khi máy bay ghé Pháp, anh muốn lưu lại vài hôm thăm viếng phong cảnh, nhưng quan thuế không cho, buộc anh ngồi lại phi trường và sẽ tống đi Phi Châu vào chuyến bay sớm nhất. Anh đòi gặp cho được sĩ quan sở di trú. Anh nói với ông rằng: “Tôi học tiếng Pháp từ vỡ lòng cho đến tú tài một, tú tài hai, đại học, tôi thuộc lòng lịch sử Pháp, văn chương Pháp, trong đầu đầy ắp hình ảnh nước Pháp, tôi còn được dạy rằng tổ tiên tôi là giống Gaulois. Thế mà không cho ghé thăm đất của tổ tiên tôi thì thậm vô lý.” Nghe cảm động quá, vị sĩ quan di trú cho anh qua cổng phi trường ra phố.
Tôi định thưởng thức món ăn Pháp nấu tại Paris cho biết, những người bà con của bạn tôi đến đón về nhà ăn phở. Giữa Paris mà phở ngon không thua chi ngày xưa ngồi bên hè ăn phở Pasteur khi đêm về. Ông nầy cư ngụ tại Pháp trên năm mươi năm, đã hành nghề dạy học, rồi sau ra mở khách sạn, giàu có vào bậc triệu phú, nay về hưu. Ông lái xe đưa chúng tôi đi thăm những thắng cảnh có tên quen thuộc như Đài Chiến Thắng, Thư viện Quốc Gia, Thư viện Nghệ Thuật, Nhà Hát Opera, Grand Palais, Petit Palais, Công Trường Concorde, Điện Louvre, Mộ Napoleon, Viện Đại Học, Vườn Luxembourg, Đại học Sorbonne, Khu Latin, Tuileries, Nhà thờ Đức Bà, Tháp Eiffel. Những nơi nầy, tôi đọc nhiều trong văn chương, thơ phú, mà nay mới thấy và bước chân đến.
Xe qua vài phố, có những tấm bích chương quảng cáo lớn cỡ 3×6 thước tây, vẽ những hình tục tĩu đáng ra không nên phô trương ra nơi công cộng. Không nên để trẻ con thấy, kích thích tính tò mò, làm mất cả cái thơ ngây của chúng. Điển hình nhất là bức tranh dâm ô trong nhà thổ tại Pompeii vẽ người đàn bà trần truồng cưỡi lên bụng đàn ông. Thứ nầy không phải là tranh nghệ thuật, mà là tranh kích dục của người xưa tại thành phố bị núi lửa vùi lấp. Một tấm bích chương lớn khác, vẽ người đàn ông trần truồng quay lưng lại, sau lưng là đôi chân của đàn bà ngoéo chặt, có tiêu đề nhỏ là “Kama Sutra”. Bức quảng cáo nầy, làm cho một cô giáo già chưa chồng người Canada nhìn sửng sốt, khi xe chạy qua rồi, cô còn ngoảnh đầu lại, có lẽ cô chưa có kinh nghiệm đó, nên không biết “chúng nó làm cái trò gì mà lạ vậy”. Khi đó tôi không dám hỏi có phải vùng phố nầy là khu ăn chơi, nơi cư ngụ của gái lầu xanh không? Sợ các bà hiểu lầm.
Anh bạn chỉ cho chúng tôi một viện bảo tàng, gồm những đồ cổ sưu tập các di tích quý báu khắp Đông Dương, do mấy ông Tây thuộc địa đem về. Mới nghe thì buồn và giận, nhưng nghĩ lại, cũng may mà bị Tây nó cướp mang về cất , nên còn đó. Chứ lọt vào tay mấy ông Cọng Sản, thì cũng đã tiêu tan, thất tán và hủy hoại cả. Đồ đồng thì nấu chảy lấy đồng, vàng bạc thì đem bán, đồ sành thì đập vỡ nát. Cả Việt Nam, Lào, Miên, những thứ lãnh đạo gốc tam đời bần cố, thì làm sao thấy được chuyện bảo tồn văn hóa, di tích lịch sử.
Chúng tôi chỉ ghé chụp hình, nhìn sơ qua phố xá. Tối đó , ông đưa chúng tôi đi khu Montmartre, chạy xe quanh quanh tìm không ra chỗ đậu. Ở đây, chạy xe cũng loạn xà ngầu, bất kể luật lệ, còn tệ hơn tình trạng lưu thông tại Phố Tàu San Francisco, ai muốn chạy ra sao thì chạy. Chúng tôi chạy quanh mấy vòng mà vẫn không tìm ra chỗ đậu xe. Có khi tôi hỏi nhỏ : “Hình như anh chạy ngược chiều ?” Anh cười đáp : “Thì cứ giả như mình không biết, rồi cũng xong”. Có lúc anh đậu lại, tôi nói : “Hình như có bảng cấm đậu”. Anh thản nhiên rằng : “Biết chứ, nhưng lờ đi cho xong chuyện”. Rồi anh kết luận: “Tây nó có câu, nếu không dám làm những điều cấm đoán, thì chẳng làm được việc chi cả”. Nhờ vậy mà chúng tôi đậu được xe, và theo xe dây, kéo lên khu Montmartre. Người đi lại tấp nập, phải chăng đây là nơi đào tạo được rất nhiều nghệ sĩ chết trong nghèo đói lạnh lẽo? Nhiều người ôm mãi mộng ảo nổi danh mà suốt đời bán chưa được một bức tranh. Tôi chợt mừng cho mình, ngày xưa khi mới xong trung học, tôi ôm mộng thành họa sĩ, anh tôi khuyên rằng nên học cho có cái nghề nuôi miệng trước đã, rồi sau đó muốn vẽ vời chi cũng không muộn. Từ ngày có nghề nghiệp đến nay, tôi không hề cầm cọ vẽ được một bức tranh nào. Thật là may. Khu Montmartre cũng có rất nhiều họa sĩ gốc Việt Nam hành nghề vẽ truyền thần. Không biết họ có chịu những hệ lụy của áo cơm không? Đi đến khuya mới ra về.
Tôi hỏi ông bạn sao dân Âu Châu thích ăn chơi, thích hưởng thụ nhiều thế?. Anh nói rằng: “Chúng tôi nghèo, nhưng chúng tôi sống đời đáng sống hơn, vui hơn, hạnh phúc hơn. Các anh ở Mỹ, chỉ có đi làm việc, rồi về nhà ngủ, đời sống phí đi uổng lắm”.
Khách sạn tôi ngụ nằm bên bờ sông Seine. Bờ sông cũng khá sạch sẽ, không phải toàn đầy phân chó như bạn bè cho biết. Sông Seine cũng cỡ kinh đào Đông Ba Huế, hoặc kinh băng qua cầu Công Lý cũ. Cũng không có gì gọi là thơ mộng như trong trí tưởng tượng. Có lẽ nếu trẻ lại thời hai mươi lăm tuổi, rồi buổi chiều vàng nào đó, nắm tay một em gái “tóc vàng sợi nhỏ” dung dăng dung dẻ dạo bên bờ sông mới thấy lại được cái thơ mộng chăng?
Chúng tôi viếng nhà thờ Đức Bà, cũng không có gì đặc biệt, có lẽ vì đã thấy quá nhiều nhà thờ to lớn, huy hoàng bên Ý, La Mã, nên không còn hứng khởi nữa.
Điều tôi nhớ nhất ở Pháp là chầu phở rất ngon, nấu tại nhà một người đã cư ngụ tại Pháp trên năm mươi năm, và một con gà quay độn thịt rất đậm đà, không có một chút mỡ nào, vị ngon rất lạ. Ỏ Pháp, chúng tôi cũng ấm ớ, nói năng chữ được chữ mất, vì sau hơn ba mươi năm không dùng lại, nói tiếng Pháp mà cứ chen tiếng Anh vào ngang xương, giống như hồi mới qua Mỹ, nói tiếng Anh mà khi bí thì tiếng Pháp tự nhiên thay vào rất gọn.
Tôi nhớ buổi trưa kia, tại một siêu thị ở Ý, bạn tôi thấy cà tím nướng ướp gia vị. Bạn tôi hỏi cô bán hàng có biết tiếng Anh không, cô không nói. Bạn tôi hỏi có biết tiếng Pháp không? Cô trả lời là biết chút chút. Anh bạn liền nói: “Trois cent grammes de cazaillet, s'il vous plait”. và nhìn vào chạn kiếng thức ăn. Bà bán hàng cân ba trăm gram cà tím. Tôi phục bạn quá, bỏ lâu ngày mà còn nhớ tên cái thứ khó khăn và ít khi dùng đến như là cà tím. Tôi thắc mắc, không biết chữ “cazailler” ở đâu ra, đem hỏi, thì bạn tôi cười bảo là “Cà dái dê ” ấy mà, đọc ra tiếng Pháp là cailler. “Phải dạy cho dân Ý học đôi tiếng VN chứ”. May mà bà bán hàng người Ý không rành tiếng Pháp nên mới hiểu được bạn tôi muốn gì. Tôi sực nhớ một anh bạn kể chuyện tại Pháp, khi một phái đoàn Việt Cọng qua Pháp công tác, đến ở khách sạn. Người thông dịch kiêm hướng dẫn có việc cần, khi ra đi hẹn sẽ trở lại dẫn đi ăn. Nhưng quá giờ cơm rồi mà chờ mãi không được. Đói meo, mấy anh trong phái đoàn định liều xuống quán kiếm gì ăn tạm. Một anh cán ngố nói rằng “Ngày xưa tôi đi giữ trâu, nghe con địa chủ học tiếng Tây, bây giờ còn nhớ chút chút, cứ thêm chữ la, chữ lơ vào tưới lượi thì ra tiếng Tây chứ gì khó. Chúng ta vượt Trường Sơn còn được, thì nói tiếng Pháp không được sao? Thôi thì xuống phòng ăn, tôi kêu thức ăn , chứ đói quá rồi, chiu chi thấu”. Sáu anh cán ngố dắt nhau xuống phòng ăn. Bồi bàn là một ông Tây già mũi lõ đưa tấm thực đơn đến, anh cán ngố dõng dạc hô: “La thịt gà, lơ heo xào, lơ bánh mì, la trà tàu”. Anh bồi bàn ghi chép, rồi bỏ đi. Một chốc sau dọn lên đúng thịt gà, heo xào, bánh mì, trà tàu. Anh cán ngố rung đùi sung sướng thấy mình thông minh quá, và hãnh diện với bạn bè. Khi ăn xong trả tiền, mấy ông cán ngố cố tình quên tiền “boa”, “boa” theo tiếng Việt Cọng , (pour boire theo tiếng Pháp, tiền “tip” theo tiếng Anh). Ông bồi bàn lẩm bẩm bằng tiếng Pháp “Tiên sư mấy thằng Việt cọng , tao mà không đi lính lê dương, và không lấy vợ Việt Nam thì tụi bây đói chẩu mỏ”.
Cuộc Âu du của chúng tôi, xem như thành công. Hãng du lịch lo hết về di chuyển, khách sạn và một phần các bữa ăn. Được đi xem nhiều nơi đáng đến, đáng xem, đỡ mất thì giờ tìm kiếm thắng cảnh, khách sạn, tìm kiếm phương tiện lưu thông, nếu đi tự túc thì không chừng phải tiêu tốn nhiều hơn. Có người tự đi lấy, đêm ngủ trên tàu, sáng dậy đi chơi, cũng khổ nhọc như thời hành quân trong rừng già. Mệt lắm, tuổi không còn trẻ nữa để chịu ngủ ngồi gà gật, đau xương sống, mất sức. Vả lại, ngủ nhưng phải tỉnh táo mà canh chừng hành lý, không thì ” bừng con mắt dậy, thấy mình tay không”. Đi chơi thì phải thoải mái, thong dong.
Nói về đắt đỏ, thì Âu Châu đắt đỏ hơn Mỹ nhiều, nhưng nếu chỉ ăn uống những thứ bình thường như bánh mì thịt, mì xào, cây trái, và các thứ bình dân khác thì cũng chẳng có gì là đắt. Nếu không thì giới bình dân làm sao mà sống, sinh viên làm sao mà có ăn?. Bởi vậy, nên thức ăn chúng tôi mang theo đều đổ hết, không có dịp dùng đến . Khi đi được nửa đường thì phải tống khứ đi hết các thứ như giấy đi cầu, giấy lót bàn cầu, thức ăn, đồ uống, cho khỏi nặng hành lý.
Còn trộm cắp và cướp bóc, thì có lẽ chúng tôi may mắn, chưa ai bị gì. Có lẽ nhờ đề phòng kỹ, nên không bị mất mát. Nhưng tình trạng trộm cắp cũng không đến nỗi ghê rợn hãi hùng như đã nghe trước khi đi. Một ông bảo rằng, cứ chờ các cô ngực nở nang đến cọ quẹt (để móc túi) mà chờ mãi chẳng có ai cả. Đi hoài mà cũng chẳng ai thèm cọ quẹt mình. Phần tiện nghi, thì có lẽ nhờ được ở các khách sạn bốn, năm sao, nên tiện nghi không thua chi tại Mỹ. Không hề có cảnh phải tắm chung, đi cầu chung. Nói chung, các thành phố Âu Châu đã thành lập từ ngàn năm trước, đường xá nhỏ hẹp dành cho xe ngựa , nay xe hơi dùng thì phải chịu đông đúc chật chội, không có chỗ đậu.
Nhìn những cung điện lâu đài nguy nga, kiến trúc đồ sộ công phu, những nhà thờ vĩ đại, những pháo đài kiên cố của các lãnh chúa, nhan nhản khắp Âu Châu, tôi bỗng cảm phục lòng nhân từ của các vị vua Việt Nam xưa, thương dân, không nỡ nhìn dân khổ để xây dựng những lâu đài huy hoàng tráng lệ, với mồ hôi, máu và nước mắt của dân. Những công trình vĩ đại đó, chỉ cấu tạo bằng đá, gạch, hồ, gỗ, và sức người. Đá thì sẵn trên núi, gỗ thì sẵn trên rừng , chỉ còn đủ cái tàn nhẫn bắt dân đóng mồ hôi và máu nữa mà thôi. Chỉ cần thêm lòng tàn bạo là xây dựng được những thứ vĩ đại. Nhiều người chê Việt Nam không có những kiến trúc vĩ đại, không có những công trình của tiền nhân để lại như Đế thiên Đế Thích, như Vạn Lý Trường Thành, như cung điện nhà Minh bên Tàu… Không có là nhờ lòng nhân từ của các bậc vua chúa, thương dân như thương con, có những vua như Lý thánh Tông, Lê thánh Tông… Không như vua Lê Tương Dực, bạo chúa, bắt dân xây lầu trăm nóc, để sau khi bị giết, lầu bị đốt cháy, để làm gương cho các vua đời sau.
Dân Âu châu có hình dáng thon thả gọn gàng hơn dân Mỹ, ít thấy những tấm thân bồ tượng như các bà tại Mỹ. Đàn bà con gái, thân thể thanh tao, mặt mũi có đường nét mỹ miều đẹp, dễ nhìn. Đàn ông thân thể đa số cũng rắn rỏi, chắc chắn, ít có bụng nước lèo . Có lẽ họ ít ăn thịt hơn dân Mỹ. Cách ăn mặc cũng lịch sự, nghi lễ hơn. Cứ nhìn ông tài xế lái xe cho chúng tôi thì biết . Ăn mặc áo quần lịch sự như đi dự hội nghị quốc tế, với khuôn mặt sáng sủa, có râu quai nón vàng chải chuốt, mang kiếng trắng, cử chỉ khoan thai, đứng đắn, trông có dáng dấp của một nhà bác học, không có dáng tài xế xe buýt. Nhưng lái xe thì khiếp, không thua ai. Tôi nghĩ, nếu phải lái xe nầy tại Âu Châu, thì trong vòng chưa đầy nửa giờ, là bị còng tay đem vào tù.
Đi về, có người hỏi, vợ tôi đáp rằng, đi thì vui, xứng đáng đồng tiền, nhưng không nơi nào đẹp bằng quê hương (Mỹ) cả. Để kết luận cho bài nầy, tôi xin kể câu chuyện của một bà từ Úc qua California thăm con. Được đón từ phi trường Nam Cali khi gần sáng, để về Bắc Cali. Suốt ngày xe chạy trên đường liên bang số 5. Khi đến nơi bà nói: “Tưởng California nông nghiệp kỹ nghệ giàu có lắm, thì ra chỉ có đồi khô cỏ cháy, và chăn nuôi thì lèo tèo. Thôi con dọn qua Úc ở với mẹ”. Có lẽ tôi cũng chỉ là một kẻ mù sờ voi như bà khách Úc Châu nầy thôi ./.
Tràm Cà Mau
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét