Giải Túc Cầu Nữ Thế Giới 2023 khai mạc tại New Zealand
– Giải Túc Cầu Nữ Thế Giới khai mạc vào hôm Thứ Năm, 20 Tháng Bảy, với lời chào mừng nồng nhiệt từ người dân Maori của New Zealand và người thổ dân đầu tiên sinh sống trên đất nước Úc. Trong những phút được FIFA dàn xếp để nhấn mạnh đến cội nguồn văn hóa của hai quốc gia đồng tổ chức cuộc tranh tài, là New Zealand và Úc, cùng với tinh thần hòa hợp quốc tế, nghi thức kéo dài 10 phút này là để cung hiến cho các nhóm người đang tụ hội an bình giữa Công Viên Eden Park.
<!>
Về phần New Zealand, những người thiện nguyện nâng cao biểu tượng nghệ thuật của một con cá đuối khổng lồ mà theo niềm tin truyền thống thì đã được vị á thần Maui đánh bắt và biến thành đảo North Island trên đất nước New Zealand ngày nay. Một con rắn khổng lồ hình cầu vồng, tượng trưng cho nước Úc, cũng được nâng cao lên bên cạnh con cá đuối.
Monique Maihi-Pihema, thuộc dòng dõi bộ tộc Ngati Whatua Orakei, kẻ thừa hưởng chủ quyền lịch sử của Eden Park, nơi trận cầu khai mạc giữa New Zealand và Na Uy diễn ra, cất tiếng hát lên bài ca truyền thống hoan nghênh dân tộc Úc.
Buổi lễ khai mạc kết thúc với trái bóng tròn chính thức được trao cho Hoa Kỳ, nhà vô địch Giải Bóng Tròn Nữ Thế Giới trong các năm 2019 và 2015, và vô địch thế giới bóng tròn nữ Nhật Bản năm 2011, ở ngay chính giữa sân cỏ để tượng trưng cho quà tặng của người Maori gởi trao về cho 30 đội bóng tròn nữ khác trong giải thế giới năm nay.
Rồi hình ảnh của 32 quốc gia được giới thiêu trên màn ảnh lớn tại vận động trường trong khi các vũ công trình diễn một vũ điệu đoàn kết trong những bộ trang phục lấy cảm hứng từ 32 bộ trang phục thi đấu mà đội bóng của từng nước sẽ mặc vào. Ca sĩ New Zealand Benee hát bài ca chính thức “Do It Again” của giải thi đấu vào lúc kết thúc buổi lễ.
Hai nước chủ nhà New Zealand và Úc cũng đã ghi bàn trong hai trận đấu khai mạc. New Zealand thắng Na Uy 1-0 và Úc thắng Ái Nhĩ Lan 1-0
Ukraina khai hỏa đạn chùm tấn công lực lượng Nga
Một quan chức Ukraina cho biết, lực lượng của nước này đã bắn đạn chùm do Mỹ cung cấp vào các chiến hào dọc phòng tuyến của Nga khi chính quyền Kyiv đang thực hiện chiến dịch phản công ở mặt trận đông nam, theo Hãng tin Washington Post ngày 20/7 đưa tin.
Ngoài các vị trí tiền tuyến ở đông nam, Ukraina dự kiến cũng sử dụng đạn chùm ở mặt trận gần thành phố Bakhmut mà Nga đang kiểm soát.
Đầu tuần này, Đại tá Oleksandr Bakulin, chỉ huy Lữ đoàn 57 của Ukraina, nói rằng đạn chùm do Mỹ cung cấp là cần thiết để gây thiệt hại tối đa cho bộ binh Nga, dù chúng không giải quyết được mọi vấn đề của Ukraina trên chiến trường.
Quân đội Ukraina hôm 13/7 nói rằng đã nhận được đạn chùm do Mỹ viện trợ. Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi đây là quyết định “rất khó khăn”, song nhấn mạnh Ukraina cần thêm đạn để bổ sung vào kho dự trữ đã cạn kiệt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16/7 tuyên bố nước này có đủ các loại đạn chùm trong kho dự trữ, và nếu Ukraina dùng loại vũ khí này thì Nga bảo lưu quyền đáp trả tương ứng.
Tên lửa Nga phá hỏng tòa nhà của lãnh sự quán Trung Quốc
Vào ngày 20/7 theo giờ địa phương, một tên lửa của Nga đã làm hư hại tòa nhà của Lãnh sự quán Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Odessa. Theo người đứng đầu Cơ quan quản lý quân sự khu vực Odessa của Ukraina, tên lửa đã phá hủy một tòa nhà hành chính ở trung tâm thành phố và chạm vào tòa nhà của các nhà ngoại giao Trung Quốc.
Tòa nhà của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tọa lạc tại số 2 đường Nakhimov ở Odessa và đã bị hư hại do một cuộc tấn công ban đêm của Nga bằng tên lửa và máy bay không người lái vào thành phố. Điều này đã được công bố bởi Oleg Kieper, người đứng đầu Cục quản lý quân sự khu vực Odessa.
Ông Kieper nhấn mạnh: “Kẻ xâm lược cố tình tấn công cơ sở hạ tầng cảng – các tòa nhà hành chính và dân cư xung quanh, và Lãnh sự quán Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã bị hư hại. Điều này chỉ ra rằng kẻ thù không chú ý đến bất cứ điều gì”.
Theo phía Ukraina, hậu quả của cuộc tấn công vào Odessa vào ngày 20 tháng 7 là một tòa nhà hành chính ở trung tâm thành phố đã bị phá hủy, một nhân viên bảo vệ 21 tuổi thiệt mạng; tám người, trong đó có ba nhân viên cứu hộ, bị thương.
Vào đêm 20 tháng 7, quân Nga đã bắn 19 tên lửa hành trình và cho 19 máy bay không người lái tấn công vào các thành phố của Ukraina. Lực lượng phòng không Ukraina được báo cáo là có thể đã bắn hạ 18 mục tiêu của quân Nga, bao gồm 2 tên lửa Kalibr, 3 tên lửa Iskander-K và 13 UAV Shahed.
Nga – Trung Quốc bắt đầu tập trận chung trên biển
Bộ Quốc phòng Nga ngày 20/7 thông báo, cuộc tập trận chung mang tên “Phương Bắc/Tương tác-2023” với quân đội Trung Quốc đã chính thức khởi động tại vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, theo TASS.
Cuộc tập trận kéo dài từ ngày 20-23/7, trong đó hải quân hai nước sẽ thực hiện hoạt động tác chiến chống ngầm, di chuyển chiến đấu trên biển, hộ tống tàu thuyền, tổ chức nhóm bảo vệ và phòng thủ tàu khi neo đậu gần cửa sông, đảm bảo an ninh liên lạc trên biển và trên không. Cuộc tập trận còn bao gồm nội dung bắn đạn thật.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, mục đích chính của cuộc tập trận là nhằm tăng cường hợp tác trên biển giữa Nga và Trung Quốc, với mục tiêu tổng thể là duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chỉ huy Wagner tiết lộ số lượng lính đánh thuê bị giết ở Ukraina
Tổng cộng có 22.000 lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner đã thiệt mạng ở Ukraina, với hơn 40.000 người khác bị thương, một kênh Telegram trực thuộc Wagner cho biết, theo Newsweek.
Tài khoản này cũng cho biết, tính đến ngày 20 tháng 5, 25.000 tân binh làm việc cho lực lượng bán quân sự “còn sống và khỏe mạnh”. Tài khoản này gán các trích dẫn cho một chỉ huy có biệt danh là “Marx”. Newsweek đã không thể xác minh độc lập danh tính của người này.
Vị chỉ huy này cho biết, trong số những tân binh, 15.000 người đang nghỉ phép và 10.000 người hiện đang ở Belarus. Theo thông tin được đăng bởi “Marx” hôm thứ Tư và được đăng lại bởi một kênh báo chí khác của Wagner, tổng cộng 78.000 lính đánh thuê Wagner đã tham gia vào các hoạt động ở Ukraina.
Newsweek không thể xác minh độc lập những con số này. Tổn thất trên chiến trường của cả hai bên trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraina rất khó tính toán và cả Matxcova và Kyiv đều không công bố thông tin cập nhật thường xuyên về số lượng thương vong của chính họ.
Các chiến binh Wagner, phần lớn gồm các tù nhân người Nga được đưa ra khỏi các nhà tù của đất nước, đã được đào tạo rất ít trước khi đến Ukraina. Nhưng họ đã dẫn đầu nỗ lực của Nga tại thành phố Bakhmut phía đông Ukraina đang tranh chấp trước khi rút lui vào cuối tháng Năm. Là một khu định cư ít có ý nghĩa chiến lược, thành phố bị phá hủy đã trở thành tâm điểm giao tranh ác liệt kể từ cuối mùa hè năm 2022.
Giám đốc Tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin cho biết ông đã mất 20.000 chiến binh Wagner trong trận chiến kéo dài nhiều tháng ở Bakhmut.
Ông Prigozhin cho biết khoảng một nửa số người bị giết ở Bakhmut là tù nhân từ các nhà tù của Nga.
Tổng thống Hàn Quốc thăm tàu ngầm hạt nhân Mỹ, gửi cảnh báo tới Triều Tiên
Trong chuyến thăm tàu ngầm hạt nhân Mỹ, Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố Hàn Quốc sẽ phản ứng mạnh mẽ trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Theo Yonhap, trong ngày 19/7, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tới thăm tàu ngầm hạt nhân USS Kentucky của Mỹ ở căn cứ hải quân Busan. Tại đây, ông Yoon đã đưa ra những cảnh báo cứng rắn với Triều Tiên.
"Việc triển khai tàu ngầm USS Kentucky thể hiện rõ cam kết của Seoul và Washington trong việc điều động thường xuyên các khí tài chiến lược của Mỹ, đồng thời củng cố độ tin cậy của khả năng răn đe mở rộng", ông Yoon nói.
Ông Yoon tuyên bố, Mỹ và Hàn Quốc sẽ phản ứng mạnh mẽ và kiên quyết trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên thông qua Nhóm Tham vấn hạt nhân (NCG) và việc triển khai định kỳ các khí tài chiến lược.
"Chúng tôi sẽ đảm bảo Bình Nhưỡng không nghĩ tới việc tiến hành một hành động khiêu khích hạt nhân. Chúng tôi cũng cảnh báo rõ rằng, động thái khiêu khích của Triều Tiên sẽ dẫn tới sự sụp đổ chế độ", ông Yoon nói thêm.
NCG là cơ quan được thành lập trong năm nay, nhằm thảo luận kế hoạch hạt nhân và chiến lược giữa Mỹ và Hàn Quốc, tăng cường cam kết của Washington trong việc bảo vệ đồng minh bằng tất cả năng lực quân sự.
Phiên họp đầu tiên của NCG diễn ra vào ngày 18/7, trùng với thời điểm tàu ngầm hạt nhân của Mỹ cập cảng Busan. Trong cuộc họp này, quan chức hai nước đã thảo luận về việc tiến hành các hoạt động chung giữa khí tài hạt nhân của Mỹ và khí tài phi hạt nhân của Hàn Quốc, đồng thời nhất trí tăng cường hiện diện các khí tài chiến lược của Washington quanh bán đảo Triều Tiên.
Giá lúa mì tăng đến 8% sau cuộc tấn công cảng Odessa, Ngoại trưởng Đức chỉ trích tổng thống Nga
Giá lúa mì tăng hơn 2,5% vào hôm 18/7 và lên đến gần 8% vào hôm 19/7, trong bối cảnh các cuộc tấn công của Nga vào Odesa, một trung tâm xuất khẩu ngũ cốc quan trọng, cho thấy sự hốt hoảng xuất hiện trên thị trường toàn cầu.
Giá giao dịch hôm 19/7 là 7,23 đô la Mỹ một giạ, vẫn thấp hơn gần 80% so với mức đỉnh của năm ngoái.
“Ông Putin không chỉ cho nổ tung Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen; bây giờ ông ấy đã bao phủ thành phố cảng Odesa bằng một trận mưa bom trong đêm thứ hai liên tiếp”, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock vào ngày 19/7 trên Twitter cho biết.
“Khi làm như vậy, ông ấy đã cướp đi mọi hy vọng về ngũ cốc của Ukraina trên thế giới. Mỗi quả bom của ông ấy cũng đánh trúng những người nghèo nhất thế giới”, Ngoại trưởng Đức chỉ trích tổng thống Nga.
Thống đốc vùng Odessa, ông Oleh Kiper cho biết tên lửa Oniks và Kh-22 đã được sử dụng để tấn công các kho ngũ cốc và dầu mỏ. Mảnh vỡ từ những chiếc bị bắn rơi đã trúng các tòa nhà chung cư, khu nghỉ dưỡng bên bờ biển và nhà kho, gây ra hỏa hoạn và làm bị thương một số người.
Video từ các nhà kho ở những nơi khác ở Odesa cho thấy lính cứu hỏa đang dập lửa trong khi khói đen dày đặc bốc lên từ vụ nổ.
Cuộc tấn công kể trên là một phần của những gì Bộ Quốc phòng Nga mô tả là “cuộc tấn công trả thù” sau vụ tấn công cầu Kerch trong hôm 17/7.
Cơ quan an ninh hàng đầu của Ukraina dường như ngầm thừa nhận vai trò trong vụ tấn công nhưng không trực tiếp nhận trách nhiệm, tương tự phản ứng sau một cuộc tấn công vào cây cầu vào tháng 10 năm 2022 và phải mất nhiều tháng để sửa chữa.
Trong khi đó, các quan chức khẩn cấp của Nga tại Crimea cho biết hơn 2.200 người đã được sơ tán khỏi 4 ngôi làng vì hỏa hoạn tại một cơ sở quân sự.
Theo ông Sergey Aksyonov, quan chức đứng đầu bán đảo Crimea, hỏa hoạn đã khiến một tuyến đường cao tốc quan trọng phải đóng cửa. Ông không nêu rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn tại cơ sở ở quận Kirovsky. Ở những nơi khác trên khắp Ukraina, giới chức nước này báo cáo máy bay không người lái và tên lửa đã được phóng tới nhiều khu vực hơn so với những ngày gần đây.
Ukraina đào 40km hào chống tăng, gài 30.000 bẫy mìn biên giới Belarus ngăn Wagner
Trung tướng Serhii Naiev, tư lệnh Lực lượng liên quân Ukraina.
Ukraina đã gia cố biên giới với Belarus trước thông tin nhóm lính đánh thuê Wagner đã sang Belarus đóng quân.
“Chúng tôi biết được nhóm lính đánh thuê Wagner gần đây đã đến Belarus. Chúng tôi đang phản ứng và khiến cho quân địch hoàn toàn không thể vượt qua biên giới quốc gia Ukraina”, hãng thông tấn Ukrinform của Ukraina dẫn lời Trung tướng Serhii Naiev, tư lệnh Lực lượng liên quân Ukraina, cho biết trên Telegram hôm 19/7.
Theo ông Serhii Naiev, riêng tại khu vực Chernihiv ở phía bắc Ukraina, các lực lượng nước này đã đào hơn 40km hào chống tăng và gài hơn 30.000 bẫy mìn để chống lại nguy cơ Ukraina bị tấn công.
“Nếu họ đặt chân lên lãnh thổ Ukraina, họ sẽ phải đối mặt với cái chết. Chúng tôi sẽ củng cố thêm biên giới quốc gia bằng cả các chướng ngại vật nổ và không nổ để gây bất ngờ cho kẻ thù”, ông Naiev nói.
Đồng thời, người phát ngôn Lực lượng Biên phòng Ukraina, ông Andriy Demchenko cho biết, các đơn vị tình báo của Ukraina đang theo dõi chặt chẽ các nhóm người đang di chuyển từ Nga sang Belarus.
Trước đó, báo New York Times đưa tin một đoàn xe lớn chở lính đánh thuê Wagner đã đến trại tại Tsel – căn cứ quân sự bỏ hoang ở miền nam Belarus, cách thủ đô Minsk của Belarus khoảng 103km, vào đầu tuần này.
Các video được chia sẻ trên mạng xã hội và được báo New York Times phân tích cho thấy, một hàng dài xe buýt, xe tải chở hàng và ô tô treo cờ Nga và cờ Wagner khi đoàn xe này đi từ Nga dọc theo đường cao tốc về phía khu vực Asipovichy, nơi có căn cứ quân sự Tsel. Hình ảnh vệ tinh cho thấy đoàn xe này đã đến trại vào trưa 17/7.
Hàng Trăm Ngàn Người Ukraine Sẽ Được Canada Thâu Nhận Là Thường Trú Nhân.
Ottawa: Trong một bản tin phổ biến hôm thứ sáu ngày 14 tháng 7, bộ di dân, tỵ nạn và quốc tịch Canada loan báo một chương trình mới thâu nhận những người tỵ nạn Ukraine.
Theo chương trình này, những người Ukraine được đưa tới Canada trong những tháng qua, khi có cuộc chiến tranh với Nga, và hiện ở trong tình trạng chưa có là thường trú nhân, chỉ là thường trú nhân tạm thời, sẽ có quyền xin và trở thành thường trú nhân thực thụ.
Chương trình thu nhận này sẽ hoàn toàn miễn phí và bắt đầu từ ngày 23 tháng 10 năm nay 2023.
Muốn được nhận vào là thường trú nhân Canada, một người Ukraine hiện đang ở trong tình trạng thường trú nhân tạm thời, phải có ít nhất 1 thân nhân là thường trú nhân hay là người có quốc tịch Canada.
Trong tháng 3 năm ngoái 2022, chính quyền liên bang đã cho khẩn cấp thu nhận một số những người tỵ nạn Ukraine, được đưa đến Canada tạm thời, và số người này lên đến trên 166 ngàn người.
Theo các ước tính của các chuyên gia di trú thì con số những người Ukraine được nhận vào Canada qua chương trình thu nhận mới này, có thể lên đến 200 ngàn người.
Trong năm 2022, Canada đã thu nhận trên 1 triệu người bao gồm cả những người tỵ nạn và những di dân đến Canada lập nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét