Liên Âu và Châu Mỹ Latinh họp thượng đỉnh lần đầu tiên từ 2015
Liên Âu 27 thành viên và Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và vùng Vịnh Caribe (khối CELAC) bao gồm 33 nước, họp hai ngày, hôm qua 17/07 và hôm nay 18/07/2023 tại Bruxelles. Châu Âu tăng cường đầu tư vào khu vực châu Mỹ Latinh, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ của khối 33 nước trong việc lên án Nga xâm lược Ukraina. Các nhà lãnh đạo của Liên Âu và Châu Mỹ Latin tại hội nghị thượng đỉnh EU-CELAC ở Bruxelles, Bỉ, ngày 17/07/2023. AP - Geert Vanden Wijngaert Trọng Thành
Theo chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Layen, khoảng 45 tỉ euro sẽ được đầu tư từ nay đến năm 2027, theo chương trình ‘‘Global Gateway’’, một kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng để đối trọng với ‘‘Các Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc’’. Khoảng 130 dự án được thông báo, bao gồm nhiều lĩnh vực như chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, chuyển đổi kỹ thuật số, đào tạo nghề, y tế, bao gồm sản xuất vac-xin.
Khai thác kim loại hiếm phục vụ cho cuộc chuyển đổi sang kinh tế xanh là một lĩnh vực hợp tác chủ chốt. Theo AFP, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu cho biết Liên Âu và Achentina đã ký một thỏa thuận khai thác kim loại hiếm, đặc biệt là lithium, cần cho sản xuất xe chạy điện. Liên Âu có kế hoạch ký với Chilê hôm nay một thỏa thuận tương tự. Ba quốc gia Nam Mỹ, Achentina, Chilê và Bolivia được mệnh danh là ‘‘tam giác lithium’’, chiếm gần 56% trữ lượng toàn cầu.
Ủng hộ Ukraina: Thượng đỉnh khó đạt đồng thuận do một hai quốc gia chống đối
Thượng đỉnh Liên Âu – và khối CELAC dự kiến thông qua một tuyên bố chung. Thượng đỉnh gần như chắc chắn không đạt thỏa thuận về việc ủng hộ Ukraina chống xâm lược. Theo một số nguồn tin ngoại giao châu Âu, quốc gia phản đối mạnh nhất là Nicaragua.
Thủ tướng Ireland, Leo Varadkar, trong cuộc thảo luận tối thứ Hai 17/07, gần như tất cả các nước châu Âu và khối CELAC đã sẵn sàng ký vào một văn bản ủng hộ rõ ràng Ukraina ‘‘trong cuộc chiến vì nền độc lập và tự do’’, ngoài một, hai nước phản đối dữ dội. Ngoại trưởng Chilê Alberto van Klaveren đã ‘‘rất bất ngờ khi một số thành viên CELAC phản đối việc ra nghị quyết về chiến tranh tại Ukraina, rõ ràng là một cuộc chiến xâm lăng’’.
Pháp giúp Ukraina tăng cường khả năng tấn công sâu bên trong phòng tuyến Nga
Ngay ngày đầu tiên của thượng đỉnh NATO tại Vilnius, thủ đô Litva, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 11/07/2023 đã chính thức thông báo quyết định cung cấp cho Kiev loại tên lửa hành trình tầm xa Scalp do MBDA, một tập đoàn Anh-Pháp-Ý, chế tạo. Loại vũ khí hiên đại này cho phép lực lượng Ukraina tấn công vào các vị trí nằm sâu phía sau tuyến phòng thủ kiên cố của quân đội Nga trên lãnh thổ Ukraina.
Ảnh minh họa: Tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow/Scalp do tập đoàn châu Âu MBDA sản xuất, được trưng bày tại Triển Lãm Hàng Không Quốc Tế Paris lần thứ 54 tại sân bay Le Bourget gần Paris (Pháp), ngày 20/06/2023. REUTERS - BENOIT TESSIER
Trọng Nghĩa
Trong phát biểu của mình, tổng thống Pháp nói rõ: “Chúng tôi đã quyết định cung cấp (cho Ukraina) các tên lửa mới cho phép tấn công sâu hơn… Theo tôi, điều quan trọng hiện nay đối với chúng tôi là gửi đi thông điệp ủng hộ Ukraina, về sự đoàn kết của NATO và quyết tâm để Nga không thể, không được phép chiến thắng trong cuộc chiến này”.
Theo một nguồn tin quân sự của Pháp bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO, những tên lửa Scalp đầu tiên đã thực sự được chuyển đến Ukraina “cùng lúc với thông báo của tổng thống Macron”. Tổng thống Pháp không tiết lộ cụ thể số lượng tên lửa sẽ chuyển giao, nhưng giới chuyên gia quân sự cho rằng Paris có thể cung cấp cho Kiev khoảng 50 chiếc.
Tầm bắn hơn 250 km
Scalp là loại tên lửa hiện đang được quân đội Pháp sử dụng, trị giá khoảng 3 triệu đô la mỗi chiếc. Dài 5m và nặng hơn 1 tấn, đây là loại tên lửa được phóng đi từ phi cơ, bay rất nhanh và rất thấp nên khó bị radar phát hiện. Scalp lại có khả năng đánh trúng mục tiệu một cách cực kỳ chính xác đáng nhờ được trang bị hệ thống dẫn đường tiên tiến bằng định vị vệ tinh GPS, hệ thống dẫn đường quán tính INS và hệ thống dẫn đường hồng ngoại IIR.
Điểm quan trọng là Scalp có tầm hoạt động hơn 250 km, cho phép Ukraina mở rộng các cuộc tấn công đánh vào vùng hậu cứ của lực lượng Nga nằm cách xa đường chiến tuyến, đặc biệt là vào các kho đạn, trung tâm hậu cần và nhất là các trung tâm chỉ huy của đối phương.
Đây là một lợi thế rất lớn trong bối cảnh pháo binh Ukraina hiện nay không thể bắn xa hơn 80 km, tức là tầm bắn của loại pháo phản lực Himars mà Hoa Kỳ đã viện trợ cho Ukraina.
Ngay từ khi lực lượng Ukraina được trang bị hệ thống Himars của Mỹ, ban tham mưu quân đội Nga đã cho lùi các cơ sở trọng yếu của họ ra xa phía sau đường chiến tuyến, ngoài tầm bắn của pháo binh Ukraina. Giờ đây, với việc Kiev được trang bị loại tên lửa hành trình tầm xa hơn 250 km, các cơ sở của Nga lại bị đe dọa. Nếu bị buộc phải lùi xa hơn nữa, về bên kia biên giới, khả năng tiếp ứng cho tuyến đầu bên Ukraina của Nga tất yếu sẽ bị suy giảm.
Scalp và Storm Shadow là một
Phải nói là tên lửa Scalp của Pháp không phải là loại vũ khí mới lạ đối với quân đội Ukraina. Ngay từ tháng 5, Anh Quốc đã loan báo việc viện trợ cho Ukraina loại tên lửa tầm xa Storm Shadow, phiên bản Anh của Scalp. Ngay từ lúc đó, Ukraina đã thành công trong việc điều chỉnh loại tên lửa này để có thể được phóng đi từ các chiến đấu cơ thời Liên Xô mà họ có trong tay, cụ thể là loại Su-24.
Những vũ khí này đã chứng tỏ hiệu quả trên chiến trường trong việc xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Nga và đặc biệt là các hệ thống gây nhiễu.
Trước khi cung cấp những vũ khí này cho Kiev, cả Luân Đôn lẫn Paris đều yêu cầu Ukraina "đảm bảo" rằng chúng "sẽ chỉ được sử dụng bên trong đường biên giới được quốc tế công nhận của Ukraina". Do đó, Ukraina có thể dùng Scalp trong các cuộc tấn công ở các vùng như Donbass hay Kherson, thâm chí ở Crimée mà việc sáp nhập vào Nga không được quốc tế công nhận.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Yohann Michel tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS, về mặt luật pháp quốc tế, không có gì ngăn cản Kiev đánh vào lãnh thổ Nga, và "việc tấn công đặc biệt vào các cơ sở hạ tầng góp phần vào nỗ lực chiến tranh là điều hoàn toàn hợp pháp".
Pháp cải tổ nội các nhưng không thay thủ tướng
Hôm qua, 17/07/2023, điện Elysée thông báo giữ nguyên vị trí thủ tướng của bà Elisabeth Borne và tiến hành cải tổ nội các, với khoảng một chục bộ trưởng sẽ ra đi.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne (T) và tổng thống Emmanuel Macron tại Paris, Pháp, ngày 14/07/2023. © AFP / LUDOVIC MARIN
Chi Phương
Tối hôm qua, phủ tổng thống Pháp xác nhận sẽ không thay đổi chức thủ tướng của bà Elisabeth Borne là để « duy trì sự ổn định ». Ngay sau thông báo này, bà Borne cho biết mong muốn thay đổi nội các chính phủ, thay thế một số bộ trưởng và sẽ gửi danh sách này lên tổng thống Emmanuel Macron trong tuần này.
Theo bình luận của hãng tin AFP, tổng thống Pháp quyết định giữ bà Borne tiếp tục làm thủ tướng vì « không có lựa chọn nào khác ». Ngoài ra, nếu thay thủ tướng vào lúc này, thì chẳng khác nào muốn nói rằng thủ tướng Borne phải chịu trách nhiệm một phần nào đó về các vụ bạo động cuối tháng Sáu vừa qua.
Vào ngày 22/03, trên kênh truyền hình TF1 và France 2, tổng thống Macron đã ám chỉ đến tương lai của vị trí thủ tướng của bà Elisabeth Borne. Theo Le Monde, bà Borne bị cho là người phải chịu trách nhiệm về thất bại trong các cuộc đối thoại với giới công đoàn liên quan đến luật cải cách hưu trí, nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi.
Hồi tháng Tư, tổng thống thống Emmanuel Macron đã thông báo kế hoạch 100 ngày để « hòa giải », đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, bạo động và biểu tình phản đối luật cải cách hưu trí. 100 ngày đã kết thúc, báo chí Pháp nói về kết quả mơ hồ của kế hoạch (bao gồm ba nội dung chính : việc làm, công lý và trật tự của nền cộng hòa và những tiến bộ để có cuộc sống tốt đẹp hơn).
AFP trích dẫn nhận định của tổng biên tập tạp chí Chính Trị và Quốc Hội, Arnaud Benedetti, cho rằng việc bà Elisabeth Borne tiếp tục giữ vị trí thủ tướng là một cách « để kéo dài kế hoạch 100 ngày của Macron », để có thêm thời gian. Ông Macron dự trù sẽ có bài phát biểu trước người dân Pháp vào ngày 23/07, trước khi công du châu Đại Dương.
Nhậm chức vào tháng 05/2022, vị trí thủ tướng của bà Borne đã nhiều lần bị lung lay ; đầu tiên là trong cuộc bầu cử lập pháp cách nay hơn một năm, sau đó là vì các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của phe đối lập ở Quốc Hội vì bà sử dụng điều 49.3 của Hiến Pháp để thông qua luật cải tổ hưu trí.
TT Ukraina kêu gọi LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc
Trong lúc Nga từ chối triển hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, hết hiệu lực vào lúc 21 giờ, giờ quốc tế, ngày 17/07/2023, tổng thống Ukraina khẳng định cần bảo vệ thỏa thuận này vì lợi ích ‘‘của toàn thế giới’’, bất kể Nga tham gia hay không.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (T) và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 08/07/2023. AP - Francisco Seco
Trọng Thành
Phát ngôn viên của phủ tổng thống Ukraina, ông Serhi Nykyforov, cho biết nhiều doanh nghiệp, công ty vận tải biển đã khẳng định, ‘‘nếu chính quyền cho phép, và nếu Thổ Nhĩ Kỳ để họ ra khơi, tất cả sẵn sàng tiếp tục tham gia xuất khẩu ngũ cốc’’. Từ Kiev thông tín viên Emmanuelle Chaze từ Kiev cho biết thêm:
‘‘Phản ứng từ phía tổng thống Ukraina Zelensky, muốn triển hạn thỏa thuận này, là điều đáng chú ý. Tổng thống Ukraina nhắc đến quyền của các châu lục liên quan đến xuất khẩu ngũ cốc Ukraina, và vấn đề an ninh lương thực. Ông Zelensky nhắc lại rằng việc không triển hạn thỏa thuận này sẽ gây tác động rất tiêu cực đến cân bằng trên quy mô toàn cầu. Đối với Kiev, châu Phi, châu Á, châu Âu có quyền được hưởng sự ổn định về nguồn cung thực phẩm.
Tổng thống Zelensky nhắc lại rằng tổng cộng đã có 33 triệu tấn lương thực Ukraina được xuất khẩu, nhờ thỏa thuận có hiệu lực từ tháng 7 năm ngoái. Lãnh đạo Ukraina cho biết đã tiếp xúc với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep TayipErdogan, để đề xuất một giải pháp ba bên, tức là tiếp tục thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, cùng với các nội dung như trước, nhưng không có sự tham gia của Nga. Tổng thống Ukraina khẳng định: ‘‘Chúng tôi không sợ hãi’’. Kiev sẵn sàng để tàu thuyền tiếp tục xuất khẩu, và cùng lúc đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ làm tương tự’’.
Về phía Nga, phát ngôn viên điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, khẳng định việc thỏa thuận nói trên bị đình chỉ hoàn toàn không liên quan đến vụ cầu Kerch bị tấn công hôm qua. Lý do chính chỉ là xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga, được quy định trong thỏa thuận, bị cản trở. Ông Dmitry Peskov cho biết thêm, Nga sẽ trở lại với thỏa thuận này ‘‘ngay lập tức’’, nếu cản trở được dỡ bỏ.
Cộng đồng quốc tế lên án Nga đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc Ukraina
Việc Matxcơva từ chối gia hạn thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc Ukraina ngay lập tức đã gây ra những phản ứng lo ngại và phẫn nộ ở khắp nơi. Đại diện ngoại giao của nhiều nước lên án hành động của Nga là « bắt chẹt », « tàn ác » và « không thể chấp nhận được ». Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, người đã nỗ lực dàn xếp để cứu thỏa thuận ngũ cốc đã phản ứng gay gắt trước quyết định của Kremlin.
Ngũ cốc sau thu hoạch ở vùng Odessa, Ukraina, ngày 23/06/2022. © Igor Tkachenko/REUTERS
Anh Vũ
Thông tín viên Carine Nooten tại New York tóm lược :
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna lên án Nga « bắt chẹt ». Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Linda Thomas-Greenfield thì đánh giá đây là « một hành động tàn ác mới » của Matxcơva. Với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thì đây là sự lăng nhục. Ông đã đấu tranh để tránh cho Nga khỏi các trừng phạt của phương Tây và cũng hiểu rằng việc ngừng thỏa thuận ngũ cốc sẽ làm cho việc phân phối viện trợ nhân đạo trở nên phức tạp.
Ông nói : « Những người đang khó khăn ở khắp nơi và các nước đang phát triển không có sự lựa chọn. Hàng trăm triệu người đang phải đối mặt với nạn đói và người tiêu dùng trên toàn thế giới đang lo đối phó với khủng hoảng giá cả sinh hoạt. Họ sẽ phải trả giá đắt. Quyết định của Nga hôm nay là đòn đánh vào nhu cầu của mọi người trên khắp thế giới ».
Thị trường đã có phản ứng, giá lương thực thực phẩm, hôm qua ngay lập tức đã tăng, trong khi nhờ có thỏa thuận ngũ cốc, từ tháng 03/2022, giá các mặt hàng này đã giảm 23%.
Tuần trước, ông Antonio Guterres đã viết thư cho tổng thống Vladimir Putin và đề nghị một chi nhánh chính của Ngân hàng Nông nghiệp Nga, đang bị trừng phạt, được kết nối lại với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Liên Hiệp Châu Âu cũng đã đồng ý. Nhưng thổng thống Nga thậm chí đã không trả lời.
Mỹ điều máy bay và tàu chiến đến vùng Vịnh để răn đe Iran và bảo vệ tàu hàng
Hôm qua, 17/07/2023, Hoa Kỳ thông báo triển khai một khu trục hạm và nhiều chiến đấu cơ F-35 và F-16 trong các vùng biển khu vực Trung Đông để răn đe và đề phòng Iran bắt giữ các tàu chở hàng nước ngoài qua vịnh Oman và eo biển Ormuz.
Chiến đấu cơ F-35 của Không quân Hoa Kỳ tại căn cứ không quân Yelahanka ở Bengaluru, Ấn Độ, ngày 16/02/2023. © AP - Aijaz Rahi
Anh Vũ
AFP dẫn lời phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ, Sabrina Singh hôm qua cho biết, « ngày 05/07, một tàu chiến Iran đã định giữ trái phép hai tàu chở hàng trong eo biển Ormuz và vịnh Oman » và quân đội Iran đã bắn vào một trong nhiều tàu chở dầu.
Bà Sabrina Singh thông báo, « trước mối đe dọa liên tiếp như vậy, phối hợp với các đối tác và và đồng minh của chúng ta, bộ (Quốc Phòng) quyết định tăng cường sự hiện diện và khả năng giám sát trong vùng eo biển và vùng biển lân cận ».
Quan chức Quốc Phòng Mỹ kêu gọi Teheran « chấm dứt ngay lập tức các hành động làm mất ổn định, đe dọa tự do thông thương qua con đường hàng hải chiến lược này ».
Thứ Sáu tuần trước, một quan chức cao cấp của bộ Quốc Phòng Mỹ cũng đề cập đến việc Hoa Kỳ đã điều đến vùng Vịnh một máy bay được trang bị những khí tài có khả năng ứng phó nhanh với các vụ tấn công, bắt giữ tàu hàng.
Hồi đầu tháng 7, hải quân Mỹ cho biết đã đối mặt với vụ Iran bắt giữ hai tàu chở dầu trong hải phận quốc tế của vịnh Oman.
Cuối tháng Tư năm nay, quân đội Iran đã bắt giữ trong vịnh Oman một tàu chở dầu mang cờ hiệu quần đảo Marshall đang trên đường tới Mỹ. Một tuần sau đó, một tàu hàng mang cờ hiệu Panama khi đi qua eo biển Ormuz cũng đã bị phía Iran bắt giữ.
Từ khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận quốc tế về hạt nhân Iran năm 2018, trở lại trừng phạt Teheran, những sự cố như vậy liên tục xảy ra trong vùng Vịnh, một tuyến đường hàng hải quan trọng cho chuyên chở dầu của thế giới.
Nga tấn công hàng loạt các thành phố miền nam Ukraina
Vài giờ sau khi thỏa thuận ngũ cốc Ukraina hết hạn, nhiều thành phố phía nam Ukraina, đã bị tấn công trong đêm 17-18/07/2023. Chính quyền Kiev cho biết, tổng cộng 36 drone Shahed và 6 tên lửa Kalibr đã tấn công miền nam Ukraina, đa số đã bị bắn hạ. Tại Odessa, nhiều cơ sở hạ tầng ở cảng Biển Đen đã bị hư hại bởi tên lửa Nga.
Mảnh vỡ của tên lửa hành trình Kalibr bên trong một tòa nhà bị tấn công ở Odessa, Ukraina, ngày 18/07/2023. © Сергій Братчук/Телеграм
Chi Phương
Trong đêm thứ Hai, rạng sáng thứ Ba, theo AFP, còi báo động phòng không vang lên khắp các thành phố phía nam Ukraina, từ Odessa, Kharkiv, Kherson hay Zaporijjia. Riêng tại Odessa, thành phố có 3 cảng biển nằm trong danh sách các cảng được xuất khẩu ngũ cốc Ukraina theo thỏa thuận vừa hết hạn ngày hôm qua. Theo thông cáo từ Bộ chỉ huy tác chiến miền nam Ukraina, « 6 tên lửa bắn từ Biển Đen nhắm vào Odessa », đã bị lực lượng phòng không tiêu diệt, nhưng mảnh vỡ và sóng xung kích đã làm hư hại hạ tầng cảng và một số tòa nhà ở thành phố cảng. 21 drone Shaheh-136 có gắn chất nổ cũng đã bị phá hủy trong vùng Odessa.
Trên Telegram, chánh văn phòng tổng thống Ukraina Andrii Iermak cho rằng các cuộc tấn công này là một bằng chứng khác cho thấy Nga muốn đe dọa « cuộc sống của 400 triệu người ở những quốc gia phụ thuộc vào nguồn lương thực mà Ukraina xuất khẩu ».
Cũng trong đêm thứ Hai, sáng thứ Ba, bộ Quốc Phòng Nga cho biết lực lượng phòng không đã bắn hạ 28 drone Ukraina tại bán đảo Crimée mà Nga sáp nhập vào năm 2014.
Vụ việc xảy ra sau khi Ukraina tấn công cầu Kerch, nối bán đảo Crimée với đất liền Nga. Ngay sau đó, tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu tăng cường biện pháp bảo đảm an ninh đối với cây cầu chiến lược này. Nguyên thủ Nga cho biết 2 người đã thiệt mạng và một người bị thương trong vụ tấn công « khủng bố » vào cầu Crimée mà Ukraina chỉ đạo, và đe dọa đáp trả.
Kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược vào Ukraina, bán đảo Crimée thường xuyên bị tấn công bằng drone không quân và hải quân. Nơi đây là căn cứ hậu phương tiếp viện cho lực lượng Nga để tiến hành « chiến dịch đặc biệt » ở Ukraina.
Phó tổng thống Đài Loan quá cảnh tại Hoa Kỳ khi đi thăm Paraguay
Đài Loan thông báo hôm qua, 17/07/2023, phó tổng thống Lại Thanh Đức (William Lai) sẽ đến dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Paraguay, và sẽ quá cảnh tại Hoa Kỳ. Ngay lập tức, Trung Quốc phản đối chuyến quá cảnh, trong khi đó, Washington cho rằng Bắc Kinh không nên lấy cớ này để tiếp tục gây hấn với Đài Loan.
Phó tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức phát biểu trong cuộc họp báo ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 12/04/2023. AP - ChiangYing-ying
Chi Phương
Paraguay là một trong những nước hiếm hoi tại châu Mỹ La Tinh công nhận Đài Loan là một nước độc lập. Thông tin về chuyến thăm của phó tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức đến quốc gia Nam Mỹ này được đưa ra 1 tuần sau khi tổng thống đắc cử Antiago Pena đến Đài Bắc và khẳng định sẽ sát cánh cùng Đài Loan trong nhiệm kỳ 5 năm của ông.
AFP trích dẫn nhận định của thứ trưởng bộ Ngoại Giao Đài Loan Du Đại Lôi (Alexander Yui), cho biết chuyến thăm của ông Lại Thanh Đức vào ngày 15/08, là để cho thấy Đài Loan « coi trọng mối quan hệ ngoại giao với Paraguay ».
Không chỉ với tư cách là phó tổng thống, ông Lại Thanh Đức cũng là ứng viên tổng thống « sáng giá », thay thế vị trí của bà Thái Anh Văn trong lần bầu cử vào năm 2024. Khi quá cảnh tại Hoa Kỳ, AFP cho rằng ông Lại Thanh Đức nhân dịp này, có khả năng sẽ thảo luận về chương trình tranh cử của mình với các đại diện Hoa Kỳ.
Chính phủ Trung Quốc, ngay trong ngày, đã lên tiếng phản đối chuyến quá cảnh này. Phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định Trung Quốc phản đối « những chuyến thăm lén lút của những kẻ ly khai Đài Loan vì bất cứ lý do gì, phản đối tất cả các hình thức thông đồng của Hoa Kỳ để hỗ trợ những kẻ ly khai Đài Loan ».
Đây cũng không phải là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao của Đài Loan quá cảnh tại Hoa Kỳ khi đến thăm một số ít các nước còn có quan hệ ngoại giao với hòn đảo.
Vào đầu năm nay, chuyến quá cảnh của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại Hoa Kỳ khi đến Guatemela và Belize đã khiến Trung Quốc phẫn nộ. Trung Quốc đã ngay lập tức đáp trả bằng các cuộc tậntrận quân sự trong nhiều ngày xung quanh Đài Loan, mà Bắc Kinh vẫn luôn coi là một phần lãnh thổ của mình.
Về phía Hoa Kỳ, ngoại trưởng Antony Blinken thì cho rằng các chuyến quá cảnh này là chuyện rất bình thường và Trung Quốc không có lý do nào để « sử dụng chuyến quá cảnh này làm cái cớ để thực hiện các hành động gây hấn với Đài Loan »
Đặc sứ John Kerry: Hợp tác về khí hậu có thể giúp Mỹ - Trung thúc đẩy quan hệ song phương
Lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tiếp đặc sứ khí hậu Hoa Kỳ John Kerry hôm nay, 18/07/2023. Đặc sứ Mỹ bày tỏ hy vọng hợp tác về khí hậu ‘‘có thể là khởi đầu cho việc định nghĩa lại về quan hệ hợp tác song phương, về khả năng giải quyết các bất đồng’’.
Đặc sư khí hậu Hoa Kỳ John Kerry (T) và lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/07/2023. AP - Florence Lo
Trọng Thành
Theo AFP, trong cuộc gặp ông Vương Nghị, chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc sứ Mỹ hối thúc Trung Quốc hành động nhanh chóng hơn trong lĩnh vực khí hậu, bởi ‘‘khí hậu là một vấn đề toàn cầu, chứ không phải là một vấn đề song phương. Đây là một đe dọa đối với toàn nhân loại’’. Về phần mình, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng khẳng định ‘‘hợp tác về khí hậu Trung – Mỹ đang tiến triển’’, tuy nhiên, để hợp tác được siết chặt, ‘‘cần phải có một quan hệ lành mạnh, ổn định và bền vững Trung – Mỹ’’.
Sau cuộc gặp với ông Vương Nghị, đặc sứ Mỹ John Kerry đã được thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) tiếp. Nhân dịp này, đặc sứ khí hậu Mỹ một lần nữa nhấn mạnh đến tính cấp thiết của việc tăng cường hợp tác giữa hai nước để có thể ‘‘đạt được những tiến bộ ngay trước hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP28, tháng 12 tới, tổ chức tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất’’.
Chuyến công du của đặc sứ khí hậu Mỹ diễn ra đúng vào lúc nhiệt độ tăng vọt tại nhiều nơi ở Bắc bán cầu, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Tại thung lũng tử thần ở California, hôm Chủ nhật 16/07, nhiệt độ lên đến 53°C. Cùng ngày, nhiệt độ tại Tân Cương, Trung Quốc, có nơi lên đến 52,2°C.
Nhật Bản – Trung Quốc nối lại chương trình trao đổi giữa sĩ quan trung cấp
Sau 4 năm gián đoạn, Tokyo và Bắc Kinh quyết định tiếp tục cử đoàn sĩ quan trung cấp thăm viếng quốc gia láng giềng theo một chương trình trao đổi có từ 20 năm nay. Theo đài Nhật NHK hôm nay, 18/07/2023, đoàn 13 sĩ quan của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bắt đầu chuyến công tác 9 ngày tại Trung Quốc kể từ Chủ nhật, 16/07.
Ảnh minh họa : Quốc kỳ Trung Quốc (phía trên) và lá cờ Nhật Bản. REUTERS - DADO RUVIC
Trọng Thành
Đoàn sĩ quan Nhật Bản đã thăm một trung tâm tư vấn của Quân đội Trung Quốc, có trụ sở tại Bắc Kinh. Đoàn Nhật đã có các trao đổi với các đồng nhiệm Trung Quốc. Một trung tướng, phó chỉ huy của Bộ Tham mưu liên hợp thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã tiếp đoàn. Đoàn sĩ quan Nhật có kế hoạch thăm một số cơ sở quân sự Trung Quốc tại Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông) và Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang).
Các trao đổi nói trên diễn ra theo chương trình do Quỹ Sasakawa vì Hòa bình tổ chức từ 20 năm nay, bị đình chỉ kể từ cuộc khủng hoảng 2019. Các giới chức Nhật cho biết, các chuẩn bị đang được tiến hành để đón đoàn Trung Quốc vào tháng 9 tới.
Giám đốc Quỹ Sasakawa vì Hòa bình, Adachi Itsu, khẳng định điều quan trọng là tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho đối thoại mỗi khi có vấn đề nảy sinh trong quan hệ song phương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét