Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2023

Dương Như Nguyện nữ thẩm phán đoạt giải văn chương Mỹ

Chào đời tại Hội An, Quảng Nam và đến Hoa Kỳ năm 1975, Dương Như Nguyện (Wendy Nicole Dương) tốt nghiệp Cử nhân báo chí tại ĐH Southern Illinois, sau đó là Tiến sĩ Luật của ĐH Houston và LLM của Harvard. Tuổi 24, cô đã làm tổng giám đốc Vụ Bồi thường rủi ro cho Quận Học chánh Houston, rồi tốt nghiệp luật sư năm 1984. Hành nghề luật được 18 năm thì cô trở thành giáo sư luật thực thụ ở Đại học Denver, là nữ thẩm phán Hoa Kỳ đầu tiên người gốc Việt. Cô viết văn từ khi còn ở Việt Nam và là người cuối cùng đoạt giải danh dự Cuộc thi Văn chương Phụ nữ toàn quốc Lễ Hai Bà Trưng của VNCH năm 1975, khi ấy cô là nữ sinh 12C Trường Trưng Vương, Sài Gòn.
<!>
Hai cuốn sách của cô - “Mimi and Her Miror” (Mimi và tấm gương soi) và “Postcards From Nam” (Bưu thiếp của Nam), đoạt luôn giải nhất và giải nhì của Giải thưởng Sách quốc tế, dạng tiểu thuyết đa văn hóa (multicultural fiction), được tổ chức bởi JPX Media Group của Los Angeles, tiểu bang California, Hoa Kỳ, năm 2012. Hai tác phẩm được chọn cho giải thưởng này nằm trong bộ ba tiểu thuyết (trilogy) của Dương Như Nguyện (bút hiệu Uyen Nicole Duong cho các tác phẩm tiếng Anh) do AmazonEncore xuất bản. Bộ ba tiểu thuyết này mô tả thảm cảnh cũng như đời sống của người di dân gốc Việt sau năm 1975, trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam chấm dứt với sự sụp đổ của Sài Gòn.


Amazon Corporation đã quyết định đem 2 cuốn sách của Dương Như Nguyện vào dự thi giải thưởng này. Việc AmazonEncore tham dự thi xảy ra trong thời gian tác giả đang phục vụ chương trình Fulbright ở nước ngoài qua sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, vì thế chính tác giả cũng không biết là tác phẩm của mình đã đoạt giải, cho đến nhiều tháng sau, khi bà đã kết thúc chương trình Fulbright và quay trở lại Mỹ.

Trước đó, cuốn “Con gái của sông Hương” xuất bản năm 2005 đã gây nhiều tiếng vang, là truyện đời của một cung phi, và tiếp nối cuộc đời của bốn thế hệ hậu duệ. Tác giả đã chân chính dùng tên tự “River Hương” cho dòng sông, thay vì ghi thành tên dịch ra tiếng Anh là “Perfume River”. Như vậy Sông Hương đã hiện diện đúng cung cách, tên tuổi, đầy đủ nhiệm mầu để chuyên chở qua thời gian và không gian thân phận, định mệnh và truyền thống của những con người được chọn lựa đảm nhận cuộc sống trên mảnh đất lân cận, từ những cội nguồn xa xăm. Thân phận người ở đây được trao cho thân nữ làm đại diện nhân cách, vừa nhẹ nhàng thâm sâu, vừa quyết liệt khi phải đương đầu với sinh tử. Có lẽ người đàn bà gần gũi nhất với cái sống và cái chết, khi sinh đẻ, nuôi dưỡng đàn con, nên bẩm sinh quyết liệt với sinh tồn, với lẽ sống. Hơn một lần trong truyện, người đàn bà đã đảm nhận hiện tượng sinh và tử như một đặc quyền bất khả xâm phạm, bất khả tước đoạt. Tác phẩm này đã được dựng thành phim ảnh

(st)

Xin giới thiệu một bài văn của Dương Như Nguyện:

EM CHỈ MUỐN YÊU ANH

Em tỉnh giấc sáng nay để thấy tâm hồn mình tràn đầy cái tươi thắm của mùa xuân, cái mát lạnh của đầu thu... Em biết anh đang ở ngoài xa, có lẽ đang đợi chờ em băng lục địa để đến với anh... Nắng buổi sáng ôm lấy căn phòng em bằng tất cả sự rực rỡ và ấm áp và trái tim em gần vỡ tung vì em đang khám phá... Anh đã rót vào đời em tia hạnh phúc này, quá tuyệt diệu, quá bất ngờ như thể sự sống đã sinh nguồn trở lại, biến tất cả trong em thành một thực thể mới.

Nếu ngay giây phút này, em có thể mượn cánh thiên thần, em sẽ bay ngược thời gian, tung cánh vào không gian, để đến thăm anh không hẹn định. Em sẽ rón rén đặt môi dịu dàng trên đôi mắt say ngủ của anh và em sẽ đánh thức để mang anh ra khỏi mộng mơ nào đẹp nhất. Ðể đền bù, em sẽ mang với em mật nào ngọt nhất, trái dâu nào mật nhất, muỗng kekem nào bùi nhất, và những nụ hồng nào đẹp nhất, để bắt đầu một ngày của anh bằng những gì dịu dàng thân ái nhất. Em sẽ mở tung cửa sổ để căn phòng anh tràn ngập những tia nắng sớm nhất đầu ngày, đem đến cho anh an bình và hy vọng. Như một nữ thần Hy Lạp xưa, em sẽ hát bài hát nào hay nhất, múa những điệu vũ nào đẹp nhất, và tưới vào hồn anh khúc nhạc nào thần tiên nhất bằng phím tơ đàn của thời trung cổ. Và rất nhẹ nhàng, em sẽ nép đầu vào ngực anh để lắng nghe buồng tim anh hòa nhịp với em.

Nhưng em không thể mượn cánh thiên thần, nên giờ này em chỉ biết đứng đây lắng nghe tiếng chim buổi sáng, chiêm ngưỡng mặt trời buổi sáng... Và như trong giấc mộng dữ, em nhặt khẽ một sợi tóc vướng cô đơn trên gối. Em đặt sợi tóc của chính mình trong lòng tay, khẽ nhướng chân với ra bên cửa sổ, thở một hơi thật dài để thu lại cái yên tĩnh của một ngày mới. Rồi em thổi bay sợi tóc theo ánh mặt trời, hy vọng sợi tóc con sẽ vượt vạn lý để đến với anh ở một góc đặc biệt của địa cầu - nơi mà chúng ta đã gặp nhau. Rồi khép mi cầu nguyện sợi tóc của em sẽ nối liền trái tim của chúng ta, sẽ thành lưới kéo hồn anh vào hồn em, sẽ buông trói chân anh và chân em để tự nhiên chúng ta ngừng bước viễn du. Phải chi sợi tóc ấy sẽ biến thành anh của riêng em, trong vòng tay của riêng em, trong vòng tay em hôm nay và ngày mai...

Phải chi sợi tóc ấy sẽ thay cánh thiên thần mang em đến với anh... Phải chi sợi tóc ấy sẽ rót lời em thầm thì vào tai anh... Ðể em nói cho anh biết rằng... em chỉ muốn yêu anh.

D.N.N.
(1998)

Không có nhận xét nào: