Giới Thiệu Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh Người Thương Phế Binh VNCH kỳ 16, Chủ Nhật Tuần Này! *Kính mời quý vị tham dự "Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh Người Thương Phế Binh VNCH kỳ 16" Sẽ được tổ chức tại: QD Venue, 7722 Garden Grove Blvd, Westminster, CA 92683 Vào Tuần Này! Ngày Chủ Nhật 9 tháng 7 năm 2023 (từ 10 giờ sáng đến 7 giờ chiều) Giá vé vào cửa đồng hạng $20, có bán tại ABC Copy, Thanh Sơn Tofu, Bích Thu Vân Music. Với sự góp mặt của ban Tù Ca Xuân Điềm, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, Trung Tâm Tây Nam, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ, Lực Lượng Đặc Biệt- và trên 20 ca nhạc sĩ!
TỪ BẮC CALI: THƯ CÁM ƠN, V/v ĐÓNG GÓP HỖ TRỢ ĐẠI NHẠC HỘI CÁM ƠN ANH KỲ 16, CON SỐ CUỐI CÙNG LÀ $13,350.00!
Thưa Quý Niên Trưởng, Quý Chiến Hữu và Quý Thân Hữu,
Tổng Hội CSQG xin chân thành cám ơn Quý Niên Trưởng, Quý Chiến Hữu và Quý Thân Hữu đã đáp ứng lời kêu gọi của Tổng Hội trong việc giúp đỡ Thương Phế Binh và Quả Phụ Quân Lực VNCH nhân Đại Hội Cám Ơn Anh Kỳ 16 do Hội H.O. Cứu Trợ Thương Binh và Quả Phụ VNCH tổ chức ngày 9 tháng 7 năm 2023 tại Nam California.
Nhờ lòng hảo tâm của Quý Vị, Tổng Hội CSQG đã thu nhận được $13,350.00 từ ngày 2 tháng 6 năm 2023 đến ngày 4 tháng 7 năm 2023 và đã thông báo xin chấm dứt việc thu góp.
Hôm nay, chúng tôi đã gởi Priority Mail về NT Trần Quan An, Chủ Tịch HĐQT tổng số tiền trên gồm 3 chi phiếu sau đây kèm theo danh sách đóng góp:
- Check $5,000.00 của GĐ Niên Trưởng Hồ Anh Triết (attachment 1)
- Check $1,000.00 của K6 Nguyễn Hải Sơn (attachment 2)
- Check $7,350.00 của Tổng Hội CSQG (attachment 3)
NT Trần Quan An sẽ trực tiếp giao cho Bà Nguyễn Thanh Thủy. Hội Trưởng Hội H.O. Cứu Trợ Thương Binh và Quả Phụ VNCH, ký nhận số tiền trên trong Ngày Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh Kỳ 16 (ngày 9 tháng 7 năm 2023).
Để tỏ lòng tri ân những ân nhân đã thể hiện tình thương đối với Thương Binh và Quả Phụ VNCH, Tổng Hội CSQG, một lần nữa xin được loan báo con số cuối cùng đóng góp:
Tổng Cộng: $13,350.00
Trân trọng,
TM Tổng Hội CSQG VNCH
Trần Quan An- Thái Văn Hòa
Ước vọng cuối đời của các Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa và con cái của họ!
(bài cũ của RFA năm 2019)
(Ảnh: Một TPB VNCH đến tham dự chương trình Tri ân TPB-VNCH năm 2019, do Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức tại Sài Gòn.)
*Những nạn nhân của cuộc chiến
Cũng là những thanh niên cầm súng với lý tưởng cho quê hương Việt Nam thanh bình, độc lập và cũng để lại một phần thân thể nơi chiến trường đẫm máu như Khe Sanh, Đồi Charlie…nhưng rất nhiều thanh niên ở miền Nam Việt Nam không được Nhà cầm quyền Hà Nội, sau ngày 30/4/1975 ghi nhận, bởi vì họ là các Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (TPB VNCH) phe thua cuộc chiến!
Không những vậy, các TPB VNCH còn bị phân biệt đối xử, ngược đãi vì họ bị chính quyền mới xếp vào thành phần “ngụy quân, ngụy quyền” và “có nợ máu với nhân dân!”
Ông Quang, một cựu quân nhân TPB VNCH, vào tối ngày 21/4 chia sẻ với RFA rằng thoắt đó mà đã 45 năm ông rời bỏ quê nhà ở Tây Ninh, lê la khắp đất Sài Gòn với thân hình không lành lặn bị cụt hai chân, bán vé số sinh sống qua ngày và còn chắt mót từng đồng bạc lẻ gửi về quê nuôi 4 đứa con thơ dại.
Ông Quang tâm tình số phận thế nào thì cũng đành chịu vậy. Tuy nhiên, ông luôn cảm thấy xót xa cho cuộc đời 4 đứa con mình không được may mắn. Vợ của ông Quang bỏ đi từ rất lâu vì không chịu nỗi cảnh gia đình khổ cực. Bản thân ông lại lây lất bữa đói bữa no nơi chốn thị thành, trong khi 4 người con của ông lớn lên như những cây cỏ dạị, làm thuê làm mướn qua ngày ở thôn quê.
Sau 45 năm đất nước không còn chiến tranh, ông Quang, 75 tuổi đời, sức đã mòn, đầu đã bạc trắng phau nhưng vẫn bươn chải bán vé số để còn phụ giúp cho thế hệ cháu của mình.
“Con của thằng thứ ba bị tai nạn và bị liệt hai cái chân. Vợ nó cũng bỏ nó rồi nên tôi bán vé số để giúp cho thằng đó.”
Có lẽ phần nào đó được an ủi hơn hoàn cảnh của ông Quang, ông Đoàn Đình Hồng, cựu quân nhân TPB VNCH ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk ngậm ngùi nhớ lại ông cưới vợ trong thời gian gia đình ông từ Huế dời vào vùng kinh tế mới hồi đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Vợ của ông là một phụ nữ tảo tần, chịu thương chịu khó gánh vác công việc kiếm tiền thay chồng, vì ông bị cụt hai chân nên chỉ có thể quanh quẩn ở nhà lo cơm nước và chăm sóc hai đứa con nhỏ. Mỗi ngày vợ ông Hồng nhận tiền công là 2kg gạo và cả nhà quây quần bên nồi cơm trắng nhiều nhất được nấu từ 1,5 lon gạo. Mặc dù thế, gia cảnh của TPB VNCH Đoàn Đình Hồng cũng không được đầm ấm trọn vẹn. Ông Hồng kể về biến cố của gia đình:
Con của thằng thứ ba bị tai nạn và bị liệt hai cái chân. Vợ nó cũng bỏ nó rồi nên tôi bán vé số để giúp cho thằng đó.
-Ông Quang, TPB VNCH
“Ngày xưa là khu kinh tế mới chỉ có rừng núi hoang vu thôi. Hồi đó, vợ tôi bị sốt rét rừng ác tính. Mình thì ở xa thành phố, không có phương tiện xe đi. Hồi đó đi bệnh viện thì phải hai người khiêng trên một cái võng và đi bộ. Từ chỗ này ra đến bệnh viện khoảng 15 cây số. Khi đưa ra bệnh viện thì bà xã không qua được và đã mất. Khi bà xã mất rồi thì tôi ở vậy với hai đứa con và cũng nhờ vào gia đình, bà con chòm xóm giúp đỡ. Cuộc sống khó khăn lắm, tôi không có điều kiện cho con cái đi học. Hai đứa nó chỉ học hết cấp một thôi.”
*Thế hệ tiếp nối, hoàn toàn không tương lai!
Cô Hồng Gấm, con gái của cựu quân nhân TPB VNCH, ông Đoàn Đình Hồng, cho biết cô cũng cố gắng thu vén cho cuộc sống hiện tại của gia đình:
‘Hiện tại anh trai đi làm tóc thuê cho người ta, còn em ở nhà cũng may vá lặt vặt. Một tháng cũng được 4-5 triệu đồng. Trong gia đình có 5,6 người thì nói chung đủ hay thiếu cũng do mình thôi.”
Cô Hồng Gấm, 34 tuổi, đã lập gia đình và có hai cháu trai song sinh đang học lớp 9. Cô bộc bạch rằng mình không được học hành nhiều nên cố gắng lo cho con với mong muốn tương lai các cháu được tốt hơn. Thế nhưng, cô Hồng Gấm lo lắng rằng gia đình sẽ rất chật vật khi hai cháu bắt đầu lên học cấp 3 trong niên học tới.
Cách đây gần 5 năm, hồi trung tuần tháng 12/2015, năm vị Dân Biểu Hoa Kỳ gửi thư kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ xem xét để tái định cư cho các cựu sĩ quan TPB VNCH còn sót lại ở Việt Nam. Vào dịp này, Đài RFA đã liên lạc với gia đình của cựu Chuẩn úy Nguyễn Văn Đức, một TPB VNCH ở Tiền Giang và được nghe em Nguyễn Thị Trúc An, con gái út của ông Đức, khi đó học lớp 11, chia sẻ rằng nếu như ba của em qua Mỹ thì em mong được đi theo vì “sợ ba ở một mình, không ai lo”.
(Hình: Cựu quân nhân TPB VNCH, ông Đoàn Đình Hồng).
Chúng tôi liên lạc lại với em Trúc An vào tối ngày 21/4/2020 và em chia sẻ ước mơ học bác sĩ hay y tá để chăm sóc sức khỏe cho ba của em đã không thực hiện được.
“Tại vì em thấy cha không có tiền rồi càng lên cao thì tiền đóng càng nhiều nên em nghỉ học. Em xin làm việc ở công ty và làm luôn tới bây giờ.”
Trúc An vào làm việc trong một nhà máy gia công giày ở tỉnh Vĩnh Long. Em nói với RFA rằng em chưa bao giờ dám than phiền một tiếng về đời sống công nhân cực khổ với ba mẹ vì sợ họ buồn.
“Dạ cực lắm! Ngồi may suốt. Nhiều khi muốn đi vệ sinh cũng đi không được vì hàng gấp. Muốn đi vệ sinh thì phải gọi cán bộ vào thay cho mình, phải đi thiệt nhanh vì chỉ có 5 phút. Có lúc may mà bị ứ hàng quá thì phải tranh thủ giờ nghỉ trưa để ngồi may. Được lãnh lương cố định nhưng người ta quy định bao nhiêu người trong một tiếng đồng hồ phải may được mấy trăm đôi. Nếu mình không may được mức quy định đó thì cuối tháng bị chấm điểm ‘C’ và bị trừ lương mấy trăm ngàn. Quy định bây giờ lại càng nhiều hơn lúc trước. Lúc trước một tiếng quy định may 200 đôi, còn bây giờ quy định may 250 đôi.”
*Mong muốn sau cùng
Nguyễn Thị Trúc An, 23 tuổi, lập gia đình được 1 năm và có một cháu nhỏ. Em chia sẻ rằng cuộc sống cực mấy em cũng cố gắng để thực hiện điều mà em hằng ấp ủ.
“Cha lúc này yếu lắm. Cái chân còn nguyên của cha vẫn còn một miếng miểng trong đầu gối. Bây giờ càng ngày nó càng lộ ra. Trời lạnh thì bị nhức. Với lại ngay phần đầu cái chân cụt của cha bị nhức lắm. Em nói với cha là tiền bảo hiểm xã hội của em, sau này em nghỉ làm, em lấy số tiền đó để đi trị vết thương của cha.”
-Nguyễn Thị Trúc An
Trong khi đó, ba của Trúc An, ông Nguyễn Văn Đức nói với RFA rằng vợ chồng ông đã làm tròn trách nhiệm với 3 đứa con gái. Giờ đây con cháu đề huề, và mỗi đứa con còn báo hiếu cho ba mẹ già vài trăm ngàn mỗi tháng tiền thuốc men nên ông không trông mong gì hơn nữa.
Ông Quang, người TPB VNCH bán vé số ở Sài Gòn cũng đồng chia sẻ rằng không mong muốn gì cho bản thân, nhưng ông vẫn canh cánh cầu cho dịch bệnh qua mau, để ông có thể nhanh chóng đi bán vé số trở lại cho cuộc sống sinh nhai và phụ giúp chút ít cho con cháu.
“Bán đã từ lâu mấy chục năm nay rồi. Cuộc sống có dư thì cũng cho con cháu. Nói chung vì là con của mình mà nó khổ sở thì mình cũng phải giúp. Ngày nào cũng bán thì có bao nhiêu xài bấy nhiêu, vậy thôi. Rồi đùng một cái bùng phát bệnh dịch cả tháng nay chúng tôi không bán buôn gì được!”
Những cựu quân nhân TPB VNCH Đài RFA tiếp xúc được, đều tâm tình rằng họ đã đến tuổi gần đất xa trời và mong ước cuối đời là được trút hơi thở sau cùng trong giấc ngủ, để được thanh thản về với đất mẹ và họ cũng mong mỏi thế hệ con cháu của họ sẽ được hòa nhập với cộng đồng, được có cuộc sống trong tương lai sáng sủa hơn và không còn bị mang danh là con, cháu của những người “lính ngụy!” có nợ máu với nhân dân!
Khốn nạn! CSVN vẫn còn trả thù sau 45 năm! Thương cho thân phận thương phế binh VNCH
(Theo Paulus Lê Sơn May 31, 2019)
-Cuộc xua đuổi, trả thù dã man từ sau kết thúc cuộc chiến năm 1975 cho đến ngày hôm nay, hầu như vẫn không hề dừng lại, đối với những con người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa.
Họ là những con người có phẩm giá và nhân vị, thiệt thòi hơn, họ còn bị thương tích, khuyết thiếu một phần thân thể do chiến tranh để lại. Họ thực là những con người yếu thế nhất trong xã hội. Đáng ra họ phải được tôn trọng, bảo vệ, nâng đỡ. Cớ sao nhà cầm quyền CS, lại vẫn còn ra tay truy cùng diệt tận họ?
Đầu năm 2019, khi nhà cầm quyền tấn công, đập phá, xóa bỏ vườn rau Lộc Hưng, quận Tân Bình, Sài Gòn, hàng vài chục thương phế binh đã bị ném bỏ đồ đạc chăn mùng ra khỏi phòng trọ. Các thương phế binh này được sự nâng đỡ, người dân vườn rau Lộc Hưng, cho thuê trọ vài căn nhà. Các ông ban ngày lê lết đi bán vé số, ban đêm về có chỗ ngả lưng qua đêm, mà vẫn không được yên!
Nhả cầm quyền, nhằm mục đích quy hoạch chiếm đất, mới hôm 28 Tháng Tư, 2019, công an tiếp tục đe dọa trấn áp những con người tàn phế này. Đồng thời gây áp lực với chủ nhà trọ, ép chủ nhà phải đuổi các thương phế binh ra khỏi nhà. Đoàn người tàn phế, họ chả biết phải đi đâu, trú ngụ ở đâu, cuộc sống trước mắt như thế nào đây? Lương tâm các người cầm quyền để đâu?
Tôi có may mắn được dự phần vào những công việc trợ giúp thương phế binh trong các chương trình tri ân tại Dòng Chúa Cứu Thế ở 38 Kỳ Đồng, quận 3, và đã đi đến thăm nhiều gia đình của họ. Qua đó, tôi thấu hiểu, cảm nhận hết sức rõ ràng tâm hồn, tình cảm và sự mẫn cảm của họ đối với con người, thời cuộc và từng cá nhân cụ thể, đến với họ bằng tình thương, lòng nhân ái của con người.
Tôi thấy từng giọt lệ rỉ ra trên những khóe mắt nhăn nhúm già nua của họ, khi họ nhận được chút quà, gặp lại chiến hữu từng vào sinh ra tử, khi họ lắng nghe những bài hát đầy trữ tình mang âm hưởng của người lính VNCH bảo vệ tự do.
Một thương phế binh nghẹn lời trong sự biết ơn: “Chúng tôi đã và đang sống trong những sự ruồng bỏ và kềm kẹp từ xã hội này (chính quyền Cộng Sản). Những tổ chức cho chúng tôi ít quà, đem đến cho chúng tôi sự an ủi trợ lực rất lớn, chúng tôi chân thành cám ơn những tấm lòng hảo tâm đã còn nhớ đến chúng tôi!”
Cũng có những ông cảm động nói rằng: “Tâm hồn chúng tôi có lẽ sẽ héo úa buồn bã vì cái cuộc sống này đã, đang bạc bẽo, kỳ thị chúng tôi.” Tình thương TPB VNCH của quý vị, đã sưởi ấm được hàng ngàn trái tim, đang bị cái xã hội, cái chế độ Cộng Sản vây ráp, trong sự ghẻ lạnh, ruồng bỏ, truy diệt.
CSVN kệ họ! Tình đồng bào “một miếng khi đói!” nhưng chúng ta sẽ cùng tiếp tục đốt lửa và thêm vào nhiều năng lượng hơn để sưởi ấm cuộc đời, thân phận thương phế binh khốn khổ, bị đày dọa, bị gạt ra khỏi xã hội này.
Thượng đế không loại trừ bất cứ một ai, chỉ có con người loại trừ, đày dọa nhau mà thôi! Lương tâm con người không có quyền bỏ rơi, không giúp đỡ một ai, nhất là những con người yếu thế, khổ đau. Thân phận của người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa trong xã hội này, là thân phận của người yếu thế, đau khổ. Họ đáng được chúng ta tôn trọng, giúp đỡ, bảo vệ và yêu thương!
Tin Quốc Tế Đó Đây
Văn Phòng Điều Tra Quốc Tế Về Tội Ác Xâm Lược Ukraine Mở Cửa Tại The Hague, Hòa Lan
-Hôm 3/7/2023, một văn phòng quốc tế chuyên trách điều tra về cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã chính thức mở cửa tại The Hague (Hòa Lan). Động thái này được coi như là giai đoạn đầu tiên hướng tới khả năng thành lập một tòa án đặc biệt xét xử trách nhiệm các lãnh đạo Nga trong cuộc chiến tranh tại Ukraine.
Văn phòng mới thành lập có tên gọi Trung tâm Quốc tế để Khởi tố Tội ác Xâm lược Ukraine (ICPA), tập hợp các Công tố viên của Kyiv, Liên Hiệp Âu Châu (EU), Hoa Kỳ và của Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI).
Nhiệm vụ của văn phòng Công tố quốc tế này là điều tra, thu thập bằng chứng. Đây được coi như là bước chuẩn bị đầu tiên để thành lập một toàn án đặc biệt xét xử những viên chức cao cấp Nga vì đã phát động cuộc chiến tranh tại Ukraine. Đây là tòa án mà Kyiv đã yêu cầu thành lập.
Đã có nhiều lời kêu gọi thành lập một tòa án đặc biệt về chiến tranh Ukraine. Tòa án Hình sự Quốc tế chỉ có thẩm quyền xét xử các tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại xảy ra ở Ukraine. Định chế Tư pháp đóng trụ sở tại The Hague này hồi tháng 3 năm nay đã phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin vì phải chịu trách nhiệm trong việc di dời trẻ em Ukraine.
Ủy Ban Âu Châu đã thông báo thành lập trung tâm ICPA nói trên từ hồi tháng Hai, đồng thời xác định mục tiêu của cơ quan này là nhằm “truy tố những người chịu trách nhiệm trong cuộc xâm lược” vào Ukraine.
Hoa Kỳ không phải là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế, nhưng lại tham gia vào ICPA với đại diện là bà Jessica Kim, một Công tố viên chuyên về tội ác xâm lược.
Việc thành lập một tòa án đặc biệt về chiến tranh tại Ukraine không đơn giản cả về cách thức cũng như vận hành. Ukraine muốn Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ra Nghị quyết về vấn đề này. Tuy nhiên một số đồng minh phương Tây của Kyiv lo ngại không có đủ sự ủng hộ của quốc tế. Các nước này thiên về hướng lập một tòa án hỗn hợp có thành phần là những Thẩm phán Ukraine và các nước khác.
Mạc Tư Khoa Cho Biết 700.000 Trẻ Em Từ Các Vùng Xung Đột Ukraine Hiện Đang ở Nga
(Hình: Trẻ em Ukraine được đưa sang Nga.)
-Theo tin của thông tấn xã Reuters, người đứng đầu ủy ban quốc tế tại Hội đồng Liên bang, Thượng viện Nga, ông Grigory Karasin cho biết Nga đã đưa khoảng 700.000 trẻ em từ các vùng xung đột ở Ukraine vào lãnh thổ Nga.
“Trong những năm gần đây, 700.000 trẻ em được di tản khỏi các các khu vực xung đột, bom đạn và pháo kích ở Ukraine đã được tị nạn với chúng tôi” ông Karasin viết trên kênh nhắn tin Telegram.
Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào nước láng giềng Ukraine vào tháng 2/2022. Mạc Tư Khoa cho biết chương trình đưa trẻ em từ Ukraine vào lãnh thổ Nga là để bảo vệ các trẻ mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi trong khu vực xung đột.
Tuy nhiên, Ukraine cho biết nhiều trẻ em đã bị trục xuất bất hợp pháp và Hoa Kỳ cho biết hàng ngàn trẻ em đã bị buộc rời khỏi nhà của chúng.
Hầu hết việc di chuyển người dân và trẻ em xảy ra trong vài tháng đầu tiên của cuộc chiến và trước khi Ukraine bắt đầu cuộc phản công lớn để giành lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở phía Đông và phía Nam vào cuối tháng 8.
Vào tháng 7/2022, Hoa Kỳ ước tính rằng Nga đã “trục xuất cưỡng bức” 260.000 trẻ em, trong khi Bộ Hội nhập các Lãnh thổ bị Chiếm đóng của Ukraine cho biết 19.492 trẻ em Ukraine được xem đã bị trục xuất bất hợp pháp.
Chiến Tranh Ukraine: Kyiv Thừa Nhận Nga Tiến Quân ở Phía Đông Trong Giao Tranh Ác Liệt
-Hôm 2/7/2023, Bộ Quốc phòng Ukraine thừa nhận các trận chiến đang diễn ra ác liệt tại mặt trận miền Đông, nơi những ngày qua, quân Nga đã tiến được ở bốn khu vực. Trong một tuần phản công, quân đôi Ukraine cho biết đã giành lại được hơn 37 cây số vuông, chủ yếu ở phía Nam.
Theo thông tấn xã AFP, hôm 2/7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, bà Ganna Maliar thừa nhận quân Nga đã tiến được trong bốn vùng của chiến tuyến phía Đông Ukraine, tại đó đang diễn ra các “trận chiến ác liệt”. Trên Telegram, bà Ganna Maliar thông báo: “Quân địch đang tiến lên trong các khu vực Avdiivka, Mariinka, Lyman và Svatovoe”. Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết thêm “tình hình khá khó khăn. Các trận giao tranh dữ dội diễn ra ở khắp nơi”.
Vẫn theo viên chức Quốc phòng Ukraine, quân đội của nước này có tiến được chút ít tại sườn đông của thành phố Bakhmut, trong vùng miền Đông. Còn tại mặt trận phía Nam, bà Maliar cho hay quân đội Ukraine tiến chậm vì vấp phải “sự kháng cự quyết liệt của kẻ thù” và nhiều bãi mìn.
Hãng thông tấn Nga TASS đưa tin phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cùng ngày cho biết quân đội nước này đã đẩy lùi 11 cuộc tấn công của Ukraine ở hướng Donetsk. Cũng theo ông Konashenkov, Ukraine đã mất 360 binh sĩ ở hướng Donetsk và 95 binh sĩ ở hướng Luhansk trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Sáng ngày hôm 3/7, vẫn bà Thứ trưởng Quốc phòng Ganna Maliar xác nhận Kyiv đã giành lại từ quân Nga 37 cây số vuông lãnh thổ ở phía Đông và phía Nam trong vòng một tuần qua. Theo bà Maliar, từ đầu tháng 6 khi bắt đầu cuộc phản công, Kyiv đã lấy lại được 158 cây số vuông ở miền Nam, trong khi ở phía Đông họ chỉ giành lại được 9 cây số vuông.
Cùng lúc với những diễn biến ở mặt trận nói trên, Kyiv tiếp tục bị không kích bằng drone và phi đạn liên lục địa. Trong một thông cáo riêng hôm 3/7, Không quân Ukraine cho biết đã bắn hạ 8 drone tấn công loại Shahed, 3 phi đạn liên lục địa của Nga.
Nga Bắn Hạ 5 Drone Gần Mạc Tư Khoa, Tố Cáo “Hành Động Khủng Bố của Ukraine”
(Ảnh: Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (thứ 2 từ trái sang) và Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Thương mại và Công Nghiệp Denis Manturov, (trái) trong một cuộc họp tại Trung tâm kiểm soát Quốc phòng, Mạc Tư Khoa, Nga.)
-Sau 495 ngày kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra, hôm 4/7/2023, Bộ Quốc phòng Nga tố cáo Ukraine có hành động khủng bố, tấn công thủ đô Mạc Tư Khoa bằng drone và làm rối loạn hoạt động của phi trường quốc tế Vnoukovo.
Theo thông cáo của bộ Quốc Pphòng Nga, được thông tấn xã AFP trích dẫn, hệ thống phòng không gần thủ đô Mạc Tư Khoa đã bắn hạ 4 drone. Một drone khác đã bị phá hủy ở gần Koubinka, cách phi trường quốc tế Vnokovo của thủ đô Nga khoảng 40 cây số. Sự việc đã khiến nhiều chuyến bay đã phải chuyển hướng, nhưng phi trường trở lại hoạt động bình thường vào lúc 5 giờ, giờ quốc tế.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, vụ tấn công không gây thiệt hại về người và của. Trên kênh Telegram, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, khẳng định đây là “hành động khủng bố của chế độ Kyiv, tấn công vào khu vực có nhiều cơ sở hạ tầng dân sự”. Bà Maria cũng tố cáo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể thực hiện cuộc tấn công như vậy là “nhờ vào vũ khí cũng như nguồn lực tài chánh mà phương Tây viện trợ”, và coi đây là hành động “khủng bố mang tính quốc tế”.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, đây không phải là lần đầu tiên khu vực Mạc Tư Khoa, cách biên giới Ukraine 500 cây số, bị drone tấn công. Gần đây nhất, hôm 21/06, Nga cũng đã thông báo bắn hạ 3 drone tại khu vực gần thủ đô và cáo buộc Kyiv đứng sau vụ tấn công. Đầu tháng Năm, chính quyền của Tổng thống Putin cho biết 2 drone đã bị bắn hạ gần Ðiện Cẩm Linh, Mạc Tư Khoa, thủ đô Nga.
Nga: Chủ Nhân Wagner Bị Tố Cáo Đi Chệch Hướng Vì Tiền
-Hôm 2/7/2023, Truyền hình Nhà nước Nga tố cáo Yevgueni Prigozhin, chủ nhân công ty lính đánh thuê Wagner đi chệch hướng sau khi đã nhận nhiều tỉ Mỹ kim tiền công quỹ.
Theo thông tấn xã AFP, Dmitri Kissiliov, một trong những tiếng nói chính của bộ máy truyền thông của Ðiện Cẩm Linh, trong chương trình hàng tuần, khẳng định: “Prigozhin đã mất trí vì những khoản tiền lớn”, mà theo ông là 858 tỉ rup (8,8 tỉ Euro) và rằng chủ nhân công ty Wagner từ lâu nay có cảm tưởng rằng ông ta được phép làm mọi chuyện, nhất là từ sau các chiến dịch của Wagner ở Syria và Phi Châu và suy nghĩ này của Prigozhin càng được “củng cố” sau khi đội quân đánh thuê của ông ta chiếm được các thành phố Soledar và Bakhmut ở Ukraine trong năm nay.
Ông Dmitri Kissiliov nói tiếp: “Ông ấy nghĩ rằng tự mình có thể chống lại cả Bộ Quốc phòng, Nhà nước và Tổng thống” Nga. Theo nhân vật này, một trong những yếu tố chính thúc đẩy công ty Wagner nổi dậy là việc Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã từ chối gia hạn hợp đồng ký với công ty cung cấp thực phẩm Concord của Yevgueni Prigozhin.
Hôm 1/7, tập đoàn Wagner Center, trụ sở chính của tại Saint-Petebourg, ra thông báo trên Telegram rằng họ sẽ di dời đi nơi khác nhưng khẳng định sẽ tiếp tục hoạt động theo “dạng thức mới”. Hiện vẫn chưa rõ tương lai các công ty khác của Yevgueni Prigozhin sẽ ra sao, nhưng trong những ngày gần đây, một số trang tin thân chủ nhân công ty lính đánh thuê Wagner bị chặn.
Từ thủ đô của Mạc Tư Khoa của Nga, thông tín viên Jean-Didier Revoin của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:
“Một số cổng thông tin kinh tế và chính trị thuộc tổ hợp truyền thông Patriot, có liên hệ với Yevgueni Prigozhin, không còn có thể truy cập được từ Nga. Roskomnadzor, Cơ quan Viễn thông Nga, chuyên trách giám sát các nội dung phát trên mạng, đã đưa trang web của RIA Fan vào danh sách các nội dung bị hạn chế truy cập, trong khi nhiều kênh truyền thông khác có liên hệ với tổ hợp Patriot, chẳng hạn như Nevskie Novosti hay Ekonomika Segodnia, đã thông báo trên Telegram rằng họ ngừng hoạt động.
Trên mạng Telegram, một số kênh có liên hệ với đội quân của Yevgueni Prigozhin không còn được cập nhật kể từ tuần trước, thời điểm các kênh này không còn có thể truy cập được nữa. Đây là một chính sách minh họa cho việc tái tổ chức theo cách chính quyền Nga muốn, ít nhất là đối với các hoạt động truyền thông của Yevgueny Prigozhin.
Về các hoạt động khác liên quan đến ngành kinh doanh nhà hàng của Prigozhin, hiện giờ vẫn chưa có thông tin gì. Nhưng hồi đầu tuần trước, một số Nghị sĩ đã thảo luận về việc liệu người đồng sáng lập ra công ty Wagner có nên giữ chúng hay sẽ cần phải chuyển toàn bộ tài sản của ông ta cho một ai đó mà họ xem là “trung thành hơn”.
Ả Rập Saudi và Nga Tiếp Tục Hạn Chế Xuất Cảng Dầu Lửa
(Hình: Các bồn chứa dầu tại cơ sở North Jiddah, nhà máy Aramco, ở Jiddah, Ả Rập Saudi. Ảnh chụp ngày 21/03/2021.)
-Hôm 3/7/2023, Ả Rập Saudi thông báo nước này tiếp tục duy trì mức giảm sản lượng dầu hỏa một triệu thùng mỗi ngày nhằm đẩy giá lên. Trong cùng ngày, Nga cũng có loan báo tương tự giảm xuất cảng 500 ngàn thùng mỗi ngày trong tháng Tám.
Ả Rập Saudi, quốc gia có sản lượng dầu lớn nhất trong Tổ chức Các nước Xuất cảng Dầu lửa (OPEC), hồi đầu tháng 6/2023 đã thông báo kể từ ngày 1/7 giảm mức khai thác từ 10 triệu xuống còn 9 triệu thùng dầu, mỗi ngày. Mục đích là nâng giá bán trên thị trường.
Hãng thông tấn Ả Rập Saudi dẫn một nguồn tin từ bộ Năng Lượng cho rằng việc tiếp tục duy trì mức giảm này trong tháng Tám tới sẽ giúp “bình ổn và cân bằng thị trường dầu lửa”. Biện pháp này có thể được kéo dài sau thời hạn được nêu.
Theo giới phân tích, Ả Rập Saudi cần một mức giá bán ra là 80 Mỹ kim/thùng để cân đối ngân sách và tài trợ cho chương trình cải cách đầy tham vọng của hoàng thái tử Mohammed Ben Salman.
Thông tấn xã AFP cho biết, không lâu sau thông báo của Ả Rập Saudi, hôm 3/7, Nga cũng tuyên bố giảm xuất cảng 500 ngàn thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng Tám. Hồi tháng 2/2023, Mạc Tư Khoa cũng đã thông báo giảm mức khai thác dầu thô 500 ngàn thùng/ngày và cho biết muốn duy trì biện pháp này đến cuối năm.
Vụ Đốt Kinh Coran Tại Thụy Điển: Stockholm Tìm Cách Xoa Dịu Phản ứng của Các Nước Hồi giáo
-Vài ngày sau vụ một người đốt kinh Coran ngay trước một đền thờ Hồi giáo ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OCI), có trụ sở tại Ả Rập Saudi, tập hợp 57 quốc gia Hồi giáo và đa tôn giáo, hôm 2/7/2023 kêu gọi các thành viên đoàn kết và có hành động tập thể để tránh tái diễn “hành vi báng bổ” này.
Theo thông tấn xã AFP, cũng trong ngày 2/7, Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi, nơi có các địa điểm linh thiêng nhất của Hồi giáo, ở thánh địa Mecca và Medina, đã triệu Ðại sứ Thụy Điển lên để yêu cầu Stockholm “chấm dứt mọi hành động trực tiếp chống lại các nỗ lực quốc tế về truyền bá các giá trị về lòng khoan dung, ôn hòa và bài trừ tư tưởng cực đoan”.
Iraq, Koweït và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cũng triệu mời Ðại sứ Thụy Điển để bày tỏ thái độ về vụ đốt kinh Coran xảy ra ở Stockholm.
Về phía Thụy Điển, trước nguy cơ xảy ra các đòn trả đũa ngoại giao mới, và cũng để xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ, tránh để Ankara có thêm lý do bác đơn xin gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO), chính phủ đã ngay lập tức có phản ứng. Từ Stockholm, thông tin viên Carlotta Morteo của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
“Lần đầu tiên, Bộ Ngoại giao Thụy Điển đánh giá hành động này là bài Hồi giáo. Cũng theo Bộ Ngoại giao, ở Thụy Điển không có chỗ cho tư tưởng phân biệt sắc tộc, bài ngoại và thiếu khoan dung, cho dù Hiến pháp Thụy Điển bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Nỗi lo ngại này sâu sắc nhưng đây là bài toán khó chưa có lời giải, bởi vì vài ngày trước khi xảy ra vụ đốt kinh Coran ở Stockholm, Tòa án Tối cao Thụy Điển đã ra phán quyết bác bỏ quyết định của cảnh sát trong những tháng gần đây nhiều lần cấm kiểu biểu tình như vậy, bởi theo cảnh sát, việc này làm tăng nguy cơ khủng bố.
Buộc phải chấp nhận kiểu hành động đó của một người tị nạn Iraq, nhưng cảnh sát cũng đã ngay lập tức mở một cuộc điều tra về tội kích động hận thù sắc tộc, bởi vì lần này vụ đốt kinh Coran xảy ra trước một đền thờ Hồi giáo, vào giờ cầu nguyện, ngày lễ Aid.
Việc xét xử sẽ kéo dài nhiều tháng, nhưng từ nay cho đến lúc đó, chính phủ Thụy Điển, vốn xem cuộc chiến chống nhập cư là một trong những ưu tiên, đã không bỏ lỡ dịp nhắc lại rằng cá nhân đó không phải là công dân Thụy Điển, rằng người này mới chỉ có giấy phép cư trú tạm thời và nhà chức trách sẽ “gia tăng nỗ lực để ngăn ngừa và chống lại bất kỳ mối đe dọa mới nào”.
Bạo Động Tại Pháp: Tổng Thống Macron Tiếp Chủ Tịch Lưỡng Viện, Tìm Cách Giải Quyết Khủng Hoảng
-Trong đêm 2 rạng sáng 3/7/2023, tình hình bạo động tại Pháp đã có dấu hiệu tạm lắng, dù vẫn xảy ra một số vụ xô sát, phóng hỏa và 157 vụ câu lưu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 3/7 tiếp Chủ tịch Hạ viện Yaël Braun-Pivet và Thượng viện Gérard Larcher để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng.
Tối 2/7, Tổng thống Macron đã có cuộc họp tại điện Elysée với Thủ tướng Elisabeth Borne và 7 Bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Tư pháp để tổng kết tình hình bạo động trong những ngày qua, sau vụ thanh niên 17 tuổi Nahel bị bắn chết vì không tuân lệnh cảnh sát tại Nanterre, ngoại ô Paris. Tổng thống Macron muốn hiểu rõ các lý do dẫn đến các vụ bạo động.
Ông Macron cũng đã yêu cầu các Bộ trưởng tiếp tục làm mọi chuyện, để tái lập trật tự, và chính phủ phải đồng hành với các lực lượng cảnh sát, hiến binh, quan tòa, Thị trưởng, lính cứu hỏa… để giải quyết tình hình. Theo điện Elysée, Tổng thống Macron cũng đã đề nghị Thủ tướng Elisabeth Borne tiếp lãnh đạo các đảng phái chính trị có đại diện tại hai viện vào hôm 3/7. Đích thân Tổng thống Macron ngày mai sẽ tiếp Thị trưởng của hơn 220 xã, thành phố xảy ra bạo động.
Về phía các Thị trưởng, sau vụ các trường học, thư viện, phòng tập thể thao, Tòa Thị chánh bị đập phá, và nhất là sau vụ nhà riêng của Thị trưởng thành phố L’Hay les Roses, ngoại ô Paris bị những kẻ bạo động tấn công, khiến vợ và 1 trong 3 người con ông bị thương, hôm 2/7, Hiệp hội các Thị trưởng tại Pháp đã kêu gọi các Dân biểu và người dân vào trưa nay tập trung trước các Tòa Thị chánh trong cả nước để bày tỏ thái độ đoàn kết, ủng hộ các Thị trưởng chống bạo động.
Bạo Động Tại Pháp: Căng Thẳng Dịu Xuống, Chính Phủ Cam Kết Giúp Các Doanh Nghiệp Bị Thiệt Hại
(Hình: Một cửa hàng của Mauboussin tại phố Rivoli, Paris, Pháp, bị đập phá trong đêm xảy ra xô xát giữa người biểu tình và cảnh sát. Ảnh chụp ngày 30/6/2023.)
-Sau 5 đêm bạo động liên tiếp nổ ra ở nhiều nơi trên lãnh thổ Pháp, hôm 4/7/2023, Tổng thống Emmanuel Macron tiếp các Thị trưởng của 220 thành phố, thị trấn bị thiệt hại vật chất nặng nề và bày tỏ sự ủng hộ đối với các Dân biểu này. Chính phủ cũng thông báo các trợ giúp tài chánh đối với các cơ sở kinh doanh bị thiệt hại.
Căng thẳng đã dịu xuống từ cuối tuần qua, nhưng tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn kể từ sau vụ một thiếu niên 17 tuổi bị cảnh sát bắn chết ngày 27/6, ở Nanterre, ngoại ô Paris.
Bộ Nội vụ Pháp cho biết, trong đêm qua, 24 tòa nhà đã bị phóng hỏa hoặc phá hoại, 72 người đã bị câu lưu, trên khắp nước Pháp, hơn 150 xe cộ bị đốt cháy. Theo thông tấn xã AFP, trong cuộc gặp với hơn 200 Thị trưởng ở điện Elysée, Paris, Tổng thống Macron muốn trao đổi với các Dân biểu “để hiểu sâu về những lý do xảy ra bạo động”. Ông Macron đã nêu ra câu hỏi: “Liệu tình hình căng thẳng lắng xuống có được duy trì lâu dài?”. Tổng thống Pháp khẳng định “vẫn phải cẩn trọng trong những ngày tới, tuần tới”.
Tại nhiều thành phố, thị trấn ở Pháp, thiệt hại vật chất do các cuộc bạo động, đập phá, hôi của… nhắm vào các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, ước tính lên đến hàng tỉ Euro. Hôm 4/7, Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire đã thông báo các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại, như hủy bỏ một phần đóng góp xã hội và thuế. Các hãng bảo hiểm đã chấp thuận yêu cầu của chính phủ, xem xét hỗ trợ các bên bị thiệt hại, giúp họ được bồi thường nhanh chóng.
Theo France Info, tại khu vực Ile de France, một số người tham gia bạo động chỉ khoảng 13 tuổi, và phần lớn đều là những người trẻ tuổi, hoặc trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi). Trong cuộc gặp với lực lượng an ninh tại một doanh trại quân đội ở thủ đô Paris, tối 3/7, Tổng thống Pháp Macron cho biết sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với các gia đình có con cái tham gia bạo động, giải quyết từng trường hợp riêng biệt, và không nhất thiết phải ngừng hỗ trợ tài chánh cho các gia đình thuộc diện khó khăn.
Thông tấn xã AFP nhắc lại vào cuối tuần trước, hôm 30/6, Bộ trưởng Tư pháp Éric Dupond-Moretti đã đề cập đến vai trò của các bậc phụ huynh trong việc quản lý con cái, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, tức là có thể phải chịu 2 năm tù giam và nộp 30.000 Euro tiền phạt.
Liên quan đến viên cảnh sát đã nổ súng bắn chết thiếu niên gốc Bắc Phi, Nahel, ở Nanterre, hiện vẫn bị tạm giam và bị khởi tố vì tội cố ý giết người, có một điều gây xôn xao công luận gần đây, đó là một quỹ được lập ra trên một trang mạng “gọi vốn cộng đồng” Go fund me, nhằm hỗ trợ viên cảnh sát và gia đình người nàyông. Quỹ này do một người thân cận với chính khách cực hữu Marine Le Pen lập ra. Tính đến hôm 3/7, số tiền đóng góp đã lên đến hơn 1 triệu Euro. Điều này khiến nhiều người thuộc cánh tả của Pháp phẫn nộ, vì lập ra một quỹ hỗ trợ viên cảnh sát đã “sát nhân”, kêu gọi hủy bỏ quỹ này.
Fukushima: AIEA Chấp Thuận Kế Hoạch Thải Nước Nhiễm Xạ Ra Biển của Nhật Bản
(Ảnh: Nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi ở thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima, phía Bắc Tokyo, nhìn từ trên cao ngày 17/3/2022.)
-Đến Nhật Bản hôm 4/7/2023, lãnh đạo Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế (IAEA), ông Rafael Grossi, trong cuộc gặp với Thủ tướng Fumio Kishida và Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi, tuyên bố kế hoạch thải nước nhiễm xạ Fukushima của chính phủ Nhật Bản đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và “sẽ có một tác động không đáng kể”.
Nhận định này được đưa ra trong khuôn khổ khâu kiểm tra sau cùng của AIEA về kế hoạch thải nước được lưu giữ tại nhà máy nguyên tử Fukushima của chính phủ Nhật Bản. Ngày 5/7, lãnh đạo AIEA đến thăm nhà máy nguyên tử Fukushima, nơi hứng chịu ba thảm họa, động đất-sóng thần-tai nạn nguyên tử.
Thông tấn xã AFP nhắc lại, trận sóng thần ngày 11/3/2011 đã làm hư hỏng hoàn toàn ba lò phản ứng. Đây là một tai họa tệ hại nhất thời hậu chiến ở Nhật Bản và là tai nạn nguyên tử nghiêm trọng nhất từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine. Tai nạn đã dẫn đến việc rò rỉ các chất phóng xạ buộc hàng chục ngàn cư dân những vùng lân cận phải khẩn cấp di tản.
Công tác tẩy nhiễm và dỡ bỏ nhà máy nguyên tử đòi hỏi nhiều thập niên, nhưng Nhật Bản đang phải đối mặt với vấn đề cấp bách là khoảng 1,3 triệu tấn nước trữ từ mưa, nước ngầm hay nước bơm để làm nguội các lò phản ứng tại nhà máy bắt đầu bị quá tải.
Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch thải bớt nguồn nước này ra biển sau khi đã cho khử lọc, phân hủy bằng hệ thống tẩy nhiễm, loại trừ các thành tố phóng xạ, ngoại trừ chất tritium đã bị hòa tan.
Dự án này đã được AIEA thông qua, nhưng chính quyền Tokyo tuyên bố việc xả thải chỉ sẽ được bắt đầu sau một cuộc “kiểm tra đầy đủ” mà ông Grossi sẽ phải công bố kết quả hôm 4/7. Tokyo cho biết, kế hoạch thải nước sẽ được bắt đầu vào mùa Hè này mà không cho biết thêm chi tiết.
Tuy nhiên, kế hoạch của Nhật Bản đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ Trung Quốc, trong khi ở Nam Hàn giá muối đã tăng vọt do sợ bị nhiễm phóng xạ một khi nguồn nước này thải ra biển.
Hãng tin Yonhap của Nam Hàn hôm 4/7 cho biết, sau Nhật Bản, lãnh đạo AIEA sẽ đến Hán Thành Nam Hàn vào ngày 7/7.
Ấn Độ: Thượng Đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải Khai Mạc
(Hình: Lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (OCS) tham gia cuộc họp thượng đỉnh qua vidéo hội nghị. Ảnh chụp từ Ðiện Cẩm Linh, Mạc Tư Khoa, thủ đô của Nga, ngày 4/7/2023.)
-Hôm 4/7/2023, tại Tân Ðề Ly, Ấn Độ chủ trì thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (OCS), một định chế tập hợp 9 quốc gia khu vực Trung Á đặc biệt hai nước lớn Trung Quốc và Nga. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Sự tham gia tích cực của Ấn Độ vào OCS gây không ít ngạc nhiên trong lúc Tân Ðề Ly thúc đẩy các quan hệ gần gũi với phương Tây.
Thông tín viên Sébastien Farcis của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại thủ đô Tân Ðề Ly của Ấn Độ cho biết thêm thông tin:
Cách nay hai tuần, Thủ tướng Ấn Độ công du Hoa Kỳ rầm rộ đúc kết thỏa thuận chuyển giao kỹ thuật quân sự giữa hai nước. Chục ngày nữa, ông sẽ tới Paris dự lễ kỷ niệm quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-Pháp. Giữa khoảng thời gian này, Thủ tướng Narendra Modi chủ trì thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, tập trung theo hướng hợp tác với Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa. Sự cách biệt lớn này được Rajesh Rajagopalan, giáo sự chính trị quốc tế thuộc Đại học Jawarhalal Nehru tại Tân Ðề Ly giải thích:
“Ấn Độ không muốn là đồng minh chính thức của bất kỳ nước nào nhưng muốn có quan hệ đối tác với tất cả các nước dù đó là phương Tây, Nga, các nước nam bán cầu và Ấn Độ cũng mong muốn quan hệ đối tác với cả Trung Quốc, nếu như không có vấn đề về biên giới”.
Bởi vậy Ấn Độ tiếp tục chính sách không liên kết đã theo đuổi trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, giờ đây được Tân Ðề Ly gọi là chính sách ngoại giao đa cực. Nhưng trò chơi thăng bằng này có thể nguy hiểm.
Vấn đề là Ấn Độ ngần ngại không muốn là một đối tác về an ninh, để tránh mọi sự công kích nhắm vào Trung Quốc. Vậy nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, có khả năng Ấn Độ sẽ không sẵn sàng hỗ trợ các đồng minh phương Tây. Đây là điều có thể khiến phương Tây thất vọng.
Năm nay, Iran, một đối thủ khác của phương Tây sẽ chính thức gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị hôm 4/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi “bảo vệ hòa bình trong vùng và bảo đảm an ninh chung”.
Chủ yếu tập trung vào các vấn đề an ninh và thương mại trong khu vực Trung Á, hội nghị thượng đỉnh lần này đặt mục tiêu mở rộng ảnh hưởng của OCS với việc kết nạp Iran làm thành viên đầy đủ, chuẩn bị mở cửa đón Belarus gia nhập, hai quốc gia đồng minh thân cận với Nga hiện nay.
Tàu Bệnh Viện Trung Quốc Thăm Thái Bình Dương, Đánh Bóng Hình Ảnh ‘Có Trách Nhiệm’
(Hình: Tàu bệnh viện Trung Quốc “Ark of Peace”.)
-Thông tấn xã Reuters cho hay Trung Quốc đang cử một tàu bệnh viện do quân đội điều hành đến Thái Bình Dương, nơi tàu sẽ ghé thăm Kiribati, Tonga, Vanuatu, Quần đảo Solomon và Đông Timor vào thời điểm cạnh tranh ngày càng tăng với Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Thịnh Ðốn để giành ảnh hưởng trong khu vực.
Tàu “Peace Ark” nặng 14.300 tấn, lớn hơn một khu trục hạm thông thường của Trung Quốc, sẽ cung cấp các dịch vụ y tế cho công dân Trung Quốc và cư dân của các quốc gia mà nó đến thăm trong “Sứ mệnh Hòa hợp” nhân đạo thứ chín, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố vào tối Chủ Nhật (2/7/2023).
“Đó là để thể hiện hình ảnh của chúng tôi như một nước lớn có trách nhiệm”, phát ngôn viên Hải quân Liu Wensheng nói trong một tuyên bố.
Chiếc tàu được sơn màu trắng với các chữ thập đỏ ở hai bên, được đưa vào hoạt động năm 2008 và đã đi qua hơn 40 quốc gia.
Trung Quốc đã và đang xây dựng quan hệ ở Thái Bình Dương trong những năm gần đây trước sự kinh ngạc của Hoa Kỳ và các đồng minh Úc Ðại Lợi và Tân Tây Lan, những nước từ lâu đã coi khu vực này là phạm vi ảnh hưởng của họ.
Trung Quốc ký một Hiệp ước An ninh với Quần đảo Solomon vào năm 2022 và hy vọng sẽ xây dựng mối quan hệ tương tự với các đảo quốc Thái Bình Dương lân cận. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói rằng mối quan hệ với Quần đảo Solomon có thể đóng vai trò như một hình mẫu.
Hoa Kỳ cam kết tăng gấp 3 lần tài trợ cho khu vực và đã mở một Tòa Ðại sứ tại Quần đảo Solomon vào tháng 2/2023 sau 30 năm vắng bóng. Hoa Kỳ cũng đang lên kế hoạch mở một Tòa Ðại sứ ở Vanuatu.
Vào tháng 5, Hoa Kỳ mở một Tòa Ðại sứ ở Tonga và ký một Hiệp ước quốc phòng với Papua New Guinea.
Trung Quốc Phát Lệnh Truy Nã Các Nhà Dân Chủ Hồng Kông Lưu Vong
(Hình: Hình ảnh 8 nhà hoạt động bị phát lệnh bắt giữ vì an ninh quốc gia được công bố trong một cuộc họp báo ở Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 3/7/2023.)
-Cuộc truy đuổi các nhà hoạt động dân chủ ở Hồng Kông không giới hạn trong biên giới của Trung Quốc. Ngày 3/7/2023, cảnh sát đặc khu hành chính đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với 8 nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông đang sống lưu vong tại một số nước.
Cơ quan An ninh Quốc gia của đặc khu hành chính đã phát lệnh truy nã 8 nhà hoạt động đối lập đang tị nạn tại Vương Quốc Anh, Hoa Kỳ và Úc Ðại Lợi. Đó là các cựu Dân biểu của Nghị viện và lãnh đạo của tổ chức phi chính phủ tại Hồng Kông.
Những người này bị cáo buộc vi phạm nghiêm trọng Luật An ninh Quốc gia, do Bắc Kinh áp đặt từ ngày 30/6/2020, một năm sau khi xảy ra các cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông hồi 2019. Các đối tượng bị truy nã sẽ phải đối mặt với những bản án rất nặng.
Mỗi lệnh truy nã, cảnh sát treo thưởng một triệu đồng Hồng Kông (khoảng 120 ngàn Mỹ kim) cho những ai cung cấp thông tin để bắt được đối tượng.
Hôm 4/7, Lãnh đạo Hồng Kông, Lý Gia Siêu kêu gọi 8 nhà hoạt động dân chủ bị truy nã về đầu thú chính quyền nếu không muốn “sống trong sợ hãi”. Cùng ngày, Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Luân Đôn ra thông cáo chỉ trích Anh Quốc đã “bảo vệ” các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông mà Bắc Kinh gọi là những kẻ “trốn chạy”, đồng thời coi đó là hành động “can thiệp nội bộ” Trung Quốc.
Cũng trong ngày 4/7, Bộ Ngoại giao Úc Ðại Lợi tỏ “quan ngại sâu sắc” về lệnh truy bắt nói trên của chính quyền Hồng Kông. Hiện có 2 trong số 8 người bị truy nã đang tị nạn tại Úc Ðại Lợi.
Về phần Hoa Thịnh Ðốn, trong một thông cáo ra hôm 3/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Matthew Miller tuyên bố “việc áp dụng ngoài lãnh thổ bộ Luật An ninh Quốc gia do Bắc Kinh áp đặt tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, đe dọa nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của người dân trên thế giới”.
Quân Đội Đài Loan Tập Trận Bắn Đạn Thật ở Bờ Biển Chiến Lược Phía Nam
(Hình: Một buổi diễn tập của quân đội Đài Loan.)
-Thông tấn xã Reuters cho hay hôm 3/7/2023, quân đội Đài Loan tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật trên bờ biển phía Nam có vị trí chiến lược, bắn phi đạn từ những chiếc xe bọc thép có tính cơ động cao để tiêu diệt các mục tiêu gần bờ trong mô phỏng đẩy lùi các lực lượng xâm lược.
Trung Quốc, nước coi Đài Loan là lãnh thổ của mình, đã tăng cường áp lực quân sự trong ba năm qua để cố gắng khẳng định yêu sách chủ quyền của mình, và các lực lượng vũ trang của hòn đảo này thường xuyên thực hành đánh chặn các cuộc tấn công của Trung Quốc.
Những chiếc xe đa dụng Humvees ngụy trang của quân đội Đài Loan gầm rú xung quanh khu vực diễn tập ven biển ở Fangshan của quận Pingtung gần cực nam của hòn đảo, trước khi bắn phi đạn chống tăng TOW do Mỹ sản xuất để tiêu diệt các mục tiêu cố định gần bờ biển.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan Sun Li-fang nói với các phóng viên: “Hầu hết các cuộc tập trận mà chúng tôi thực hiện hôm nay đều có bắn đạn thật vì cuộc tập trận phòng thủ cần giống với chiến đấu thực tế, cho phép quân đội của chúng tôi tự tin và có khả năng bảo vệ đất nước của chúng tôi”.
Bình Đông, nhìn ra Eo biển Đài Loan, Biển Đông, Thái Bình Dương và Kênh Bashi ngăn cách Đài Loan với Phi Luật Tân, là một địa điểm chiến lược cao để theo dõi hoạt động quân sự của Trung Quốc và là địa điểm đổ bộ tiềm năng trong một cuộc xâm lược.
Đài Loan tổ chức cuộc tập trận quan trọng nhất, cuộc tập trận Han Kuang hàng năm, vào cuối tháng này, với trọng tâm là chống lại sự phong tỏa và duy trì khả năng chiến đấu của lực lượng.
Các cuộc tập trận dự kiến sẽ chứng kiến các máy bay phản lực của Không quân hoạt động tại các phi trường dân sự, bao gồm cả phi trường quốc tế chính của hòn đảo tại Đào Viên, để thực hành sử dụng các cơ sở của họ trong trường hợp các căn cứ Không quân không thể sử dụng được trong chiến tranh.
Trung Quốc diễn tập các cuộc tấn công chính xác và phong tỏa hòn đảo trong các cuộc tập trận xung quanh đó vào tháng 4 sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy ở Los Angeles.
Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để kiểm soát hòn đảo này. Đài Loan bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh và quyết sẽ bảo vệ nền tự do và dân chủ của mình.
Tòa Án Tối Cao Miến Ðiện Sắp Xử Phúc thẩm Bà Suu Kyi Trong Tuần Này
(Hình: Chân dung bà Suu Kyi.)
-Hôm thứ Hai (3/7/2023), một nguồn thạo tin cho thông tấn xã Reuters biết Tòa án Tối cao ở Miến Ðiện do quân đội cai trị sẽ xét xử Phúc thẩm trong tuần này đối với hai kháng cáo của cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi.
Người phụ nữ 78 tuổi này đã bị kết án với nhiều tội danh từ kích động và gian lận bầu cử đến nhiều tội danh tham nhũng, kể từ khi quân đội bắt giữ bà trong cuộc đảo chính vào tháng 2/2021 chống lại chính phủ dân cử của bà.
Các đồng minh của bà Suu Kyi và các chính phủ phương Tây đã lên án việc giam giữ bà như một âm mưu của chế độ quân phiệt nhằm ngăn chặn bất kỳ sự trở lại nào của nhân vật nổi tiếng của cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập kỷ cho nền Dân chủ của Miến Ðiện.
Tòa án Tối cao tuyên bố sẽ xét xử các kháng cáo vào thứ Tư (5/7) đối với bản án của bà Suu Kyi về tội vi phạm đạo luật bí mật nhà nước và gian lận bầu cử. Nguồn tin giấu tên vì sự nhạy cảm đối với các trường hợp của bà, cho biết có thể mất hai tháng tòa mới ra phán quyết.
Không thể liên lạc ngay với phát ngôn viên của chính quyền để xác nhận thông tin này.
Quân đội khẳng định các bị cáo được xét xử theo đúng thủ tục bởi một cơ quan Tư pháp độc lập, chống lại những lời chỉ trích từ các nhóm nhân quyền về việc bỏ tù nhiều thành viên của phong trào dân chủ trong các phiên tòa bí mật và nối lại các vụ hành quyết sau một thời gian dài gián đoạn.
Miến Ðiện chìm trong xung đột kể từ khi quân đội lên nắm quyền với lý do có những bất thường chưa được giải quyết trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2020 mà đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi đã giành được thắng lợi áp đảo.
NLD phủ nhận gian lận và kể từ đó đã bị giải tán cùng với 39 đảng khác vì không đăng ký tham gia cuộc bầu cử mà các tướng lĩnh vẫn chưa ấn định ngày.
Các nhà hoạt động kêu gọi chính quyền quân sự Miến Ðiện không tổ chức bầu cử, cảnh báo họ có thể chứng kiến bạo lực đẫm máu gia tăng giữa quân đội và phong trào phản kháng ủng hộ dân chủ.
Thái Lan: Tân Hạ viện Khai Mạc Chuẩn Bị Cho Bầu Thủ Tướng
-Hôm 3/7/2023, Hạ viện mới của Thái Lan họp phiên đầu tiên kể từ sau cuộc tổng tuyển cử tháng 5, bắt đầu quá trình thành lập chính phủ mới, bầu ra Thủ tướng cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Theo báo Nikkei Asia, tại Vọng Các, Hạ viện Thái Lan họp phiên toàn thể đầu tiên với sự tham dự của 500 Nghị sĩ mới được bầu. Theo nghi lễ truyền thống, vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn đọc diễn văn khai mạc Hạ viện khóa mới. Ngày 4/7 Hạ viện sẽ bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch.
Tâm điểm chú ý hôm 3/7 tại Nghị viện Thái Lan là các Nghị sĩ của Move Forward, đảng đã bất ngờ giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử cách nay 6 tuần.
Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Move Forward hiện chiếm đa số ghế tại Hạ viện, cho biết đảng của ông sẽ đạt được thỏa thuận với đảng Pheu Thai trong việc bầu lãnh đạo Hạ viện trước khi cuộc bỏ phiếu này diễn ra. Nhưng mối quan tâm lớn nhất của đảng này là cuộc bỏ phiếu bầu tân Thủ tướng, dự kiến diễn ra vào ngày 13/7 tới đây.
Trong cuộc bầu cử ngày 14/5, đảng ủng hộ dân chủ của ông Pita Limjaroenrat giành tổng cộng 151 ghế, đảng Pheu Thai được 141 ghế. Hai đảng này đã cùng 6 đảng khác đã thỏa thuận lập liên minh và có được 312 ghế. Như vậy, để ông Pita Limjaroenrat trở thành Thủ tướng và đứng ra thành lập chính phủ mới tại Thái Lan, liên minh trên cần thêm 64 phiếu ủng hộ của Thượng Nghị sĩ hoặc hạ Nghị sĩ từ các đảng khác
Theo Hiến pháp Thái Lan năm 2017, một ứng viên muốn trở thành Thủ tướng nước này cần giành được hơn 50% phiếu bầu từ hai viện Quốc hội, gồm 500 thành viên Hạ viện, 250 thành viên Thượng viện. Nghĩa là, ông Pita cần giành ít nhất 376 phiếu bầu để đắc cử Thủ tướng. Trong khi đó hầu hết các Thượng Nghị sĩ đều thuộc phe ủng hộ quân đội, tức đảng vừa thất bại trong cuộc bầu cử Hạ viện
Tuần trước, ông Pita tuyên bố tự tin giành được sự ủng hộ cần thiết để trở thành lãnh đạo của đất nước. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra hoài nghi về triển vọng này bởi một số Thượng Nghị sĩ đã tuyên bố không ủng hộ vì lý do lập trường của ông liên quan đến tội khi quân.
Thái Lan: Lãnh Đạo Đảng Tiến Bước Buộc Thỏa Hiệp, Khó Trở Thành Thủ Tướng
(Hình: Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Move Forward (Tiến Bước), tại một cuộc họp báo ở thủ đô Vọng Các của Thái Lan, ngày 22/5/2023.)
-Hôm 4/7/2023, các nhà Lập pháp Thái Lan đã nhất trí bầu một chính trị gia kỳ cựu và là lãnh đạo một đảng nhỏ làm Chủ tịch Hạ viện. Kết quả này báo hiệu một sự hòa hoãn giữa hai đảng đối lập lớn nhất trong việc thương lượng thành lập một chính phủ liên minh mới.
Thông tấn xã Reuters nhận định, việc đề cử ông Wan Muhamad Noor Matha, 79 tuổi, được nhiều người xem như là một sự thỏa hiệp giữa các đối tác liên minh, đảng Move Forward - MFP (Tiến Bước) về đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 14/5/2023 và đảng Pheu Thai. Hai vị trí Phó Chủ tịch thuộc về đảng Move Forward và đảng Pheu Thai.
Vài tiếng đồng hồ trước cuộc bỏ phiếu, ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo MFP, đã chấp nhận rút ứng cử vị trí Chủ tịch Hạ viện, do cho đến phút chót, đảng Pheu Thai vẫn từ chối ủng hộ ông Pita vào vị trí quan trọng, liên quan đến việc thông qua các Dự luật, theo như tường thuật từ thông tấn xã AFP.
Ông Wan Muhamad Noor Matha, lãnh đạo đảng Prachachart, một thành viên trong liên minh tám đảng do Move Forward và Pheu Thai thống lĩnh, gốc người miền Nam, thuộc sắc tộc Mã Lai Hồi giáo, từng nắm giữ vị trí Chủ tịch Hạ viện.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ông là ấn định ngày cho cuộc bỏ phiếu chung của Quốc hội lưỡng viện gồm 750 thành viên để bầu chọn Thủ tướng cho phép thành lập một chính phủ mới, dự trù diễn ra vào cuối tuần tới. Liên minh 8 đảng tập hợp được 312 ghế đang ủng hộ ông Pita Limjaroenrat.
Tuy nhiên, để trở thành lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo đảng Move Forward phải hội đủ 376 lá phiếu, tức quá bán của lưỡng viện. Như vậy, trong trường hợp này, ông Pita còn phải cần đến 64 lá phiếu từ các đảng đối thủ hoặc từ 250 thành viên Thượng viện do quân đội bổ nhiệm, vốn dĩ có xu hướng bảo thủ phản đối đường lối tự do của đảng MFP.
Điều này làm dấy lên lo ngại, không rõ động thái tiếp theo của liên minh tám đảng sẽ là gì nếu ông Pita thất bại. Một chuyên gia trường Đại học Ubon Ratchathani được thông tấn xã Reuters dẫn lại, đặt câu hỏi “liệu Pheu Thai có đổi phe nếu cuộc bỏ phiếu ban đầu cho Pita thất bại hay không?”
Còn theo phân tích của nhà chính trị học Punchada Sirivunnabood, trường Đại học Mahidol, được thông tấn xã AFP trích dẫn, việc ông Pita không có được sự hậu thuẫn của liên minh cho chức Chủ tịch Hạ viện cho thấy cơ may hạn hẹp để ông Pita lên nắm quyền lãnh đạo cao nhất trong chính phủ, nhưng điều đó cho phép “tạm thời chấm dứt xung khắc” trong nội bộ liên minh cầm quyền.
Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, MFP đã thu hút sự quan tâm của giới trẻ với một loạt các cam kết trong đó có việc chấm dứt gọi tòng quân, chấp nhận hôn nhân đồng tính và đề nghị cải cách gây tranh cãi về luật khi quân hà khắc.
Cam Bốt Cấm Hội Đồng Giám Sát Meta, Vì Đã Đình Chỉ Facebook của Thủ Tướng Hun Sen
(Hình: Ảnh minh họa này cho thấy một bài đăng trên Facebook của viên chức chính phủ Cam Bốt Duong Dara, trong đó có hình ảnh trang Facebook chính thức của Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen trước khi ông Hun Sen xóa tài khoản Facebook của ông tại Nam Vang vào ngày 30/6/2023.)
-Hôm thứ Ba (4/7/2023), Cam Bốt cho biết Hội đồng Giám sát gồm 22 thành viên của Meta Platforms Inc không được chào đón ở nước này, vài ngày sau khi hội đồng này đề nghị đình chỉ tài khoản Facebook của Thủ tướng Hun Sen vì vi phạm nội dung.
Bộ Ngoại giao Cam Bốt nói khuyến nghị của hội đồng Meta mang “bản chất chính trị”.
Tài khoản Facebook của ông Hun Sen ngừng hoạt động vào tuần trước sau khi Hội đồng Giám sát, được tài trợ bởi Meta nhưng hoạt động độc lập, cho biết Facebook đã sai khi không xóa một video mà Thủ tướng Hun Sen đăng hồi tháng 1 vi phạm các quy tắc chống đe dọa bạo lực.
Meta đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của thông tấn xã Reuters.
“Hành động này có ý định cản trở quyền tự do báo chí của công dân Cam Bốt”, Bộ Ngoại giao Cam Bốt nói về khuyến nghị của Hội đồng Meta trong một tuyên bố gởi cho giới truyền thông.
Ông Hun Sen, một trong những nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất thế giới với gần bốn thập kỷ nắm quyền, tuần trước đã tuyên bố trước khi bị đình chỉ tài khoản Facebook rằng ông sẽ chuyển sang giao tiếp với người dân của mình qua Telegram.
Việc đình chỉ diễn ra trước cuộc tổng tuyển cử vào ngày 23 tháng 7 mà những người chỉ trích cho rằng sẽ là một sự giả tạo vì chính phủ đã dập tắt mọi phe đối lập.
Đoạn video xúc phạm là đoạn mà ông Hun Sen nói những người cáo buộc Đảng Nhân dân Cam Bốt (CPP) của ông mua phiếu bầu trong cuộc bầu cử địa phương năm 2022 nên đệ đơn lên tòa án, nếu không sẽ bị những người ủng hộ CPP đánh.
Một thành viên của Hội đồng Giám sát, nhà báo kỳ cựu người Nam Dương Endy Bayuni, cho biết ông không biết liệu có đồng nghiệp nào đang ở Cam Bốt hay phải rời đi hay không.
Lần Đầu Tiên Trong Lịch Sử! Bột Trắng Khiến Tòa Bạch Ốc Đóng Cửa Hôm Chủ Nhật Là Cocaine
(Hình: Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Ðốn, Hoa Kỳ. Ảnh tư liệu 22/1/ 2021.)
-Báo Washington Post đưa tin rằng một loại bột màu trắng được phát giác bên trong Tòa Bạch Ốc vào cuối ngày Chủ Nhật (2/7/2023), dẫn đến việc đóng cửa tạm thời một phần của khu Tòa Bạch Ốc, được Sở Cứu hỏa Hoa Thịnh Ðốn xác định là cocaine.
Sở Mật vụ xác nhận với thông tấn xã Reuters rằng một “món đồ không xác định” được phát giác dẫn đến việc đóng cửa một phần Tòa Bạch Ốc, nhưng chuyển các câu hỏi khác cho sở cứu hỏa và cơ quan này từ chối bình luận.
Phát ngôn viên của Sở Mật vụ cho biết trong một tuyên bố gửi qua email: “Vào chiều tối Chủ Nhật, khu phức hợp Tòa Bạch Ốc đã đóng cửa để đề phòng khi các nhân viên của Cơ quan Mật vụ điều tra một vật lạ được tìm thấy bên trong khu vực làm việc”.
Phát ngôn viên cho biết món đồ này được phát giác ở Cánh Tây. Cánh phía Tây là khu vực gắn liền với dinh thự là nơi ở của Tổng thống và bao gồm Phòng Bầu dục, phòng Nội các và khu vực báo chí, cùng với các văn phòng và không gian làm việc cho các Cố vấn và nhân viên của Tổng thống.
Tổng thống Joe Biden không có mặt ở Tòa Bạch Ốc vào thời điểm đó. Hàng trăm người làm việc hoặc đi qua Cánh Tây của Tòa Bạch Ốc thường xuyên.
“Sở cứu hỏa DC đã được gọi đến để đánh giá tình hình và nhanh chóng xác định vật phẩm này không nguy hiểm”, Sở Mật vụ cho biết thêm. Phát ngôn viên cho biết đã có “một cuộc điều tra về nguyên nhân và cách thức” làm thế nào mà chất này xâm nhập vào Tòa Bạch Ốc.
Hai “viên chức quen thuộc với vấn đề” đã xác nhận với Washington Post rằng chất được tìm thấy tại Tòa Bạch Ốc là cocaine.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét