Sau những lần ốm đau bịnh hoạn rề rề mà không rõ lý do vào những tháng cuối hồi năm ngoái, Trang bỗng dưng trở nên chậm chạp và nhút nhát hẳn đi. Đầu óc cũng ù lì kém tinh nhanh, làm trước quên sau. Ai dặn cái gì cũng chẳng nhớ. Phải chăng đó là triệu chứng của bịnh... “đã toan về già”? Cách chữa đúng nhất là phải có một người bạn đời để nâng đỡ và chăm sóc nhau trong những lúc trái gió trở trời như thế. Nhưng nếu rủi người bạn đời của mình sức khoẻ không thành vấn đề mà lại bị bịnh (nói theo phim bộ của Tàu) là “si khờ người già” trước mình thì chỉ có nước cùng nhau nắm tay trực chỉ... viện dưỡng lão cho rồi chứ con cái làm sao có thì giờ mà chăm sóc cho nổi. Ôi! Viển ảnh cuối đời người sao mà thê thảm.
<!>
Để đề phòng mình đừng bị rơi vào tình trạng thê thảm như vậy, cách duy nhất là phải siêng tập thể dục và năng vận dụng đầu óc, học hỏi không ngừng. Trí óc có làm việc thì mới tránh được bịnh si khờ người già. Trang nghe nói đến chữ học là sợ muốn chết. Có một lần, cách đây gần 10 năm rồi, lúc đó ông xã Trang còn đang dạy học ở trường Điện Tử Bác Ái. Sẳn Hiển đi dạy, Trang đi theo Hiển ghi tên học “Technician” ở đó luôn cho tiện. Thời gian đầu Trang siêng năng hăm hở lắm! Đi học về là mở ra ôn lại liền, một chốc sau Trang hoa mắt, chóng mặt buồn nôn. Kết quả bịnh hết mấy ngày mới lấy lại được quân bình. Trang định trốn học, Hiển la quá chừng, chàng nói Trang lười biếng, không chịu cho đầu óc làm việc về già sẽ dễ bị bịnh lẫn thẫn. Nhưng rồi Trang cũng học được hết khoá, lấy được cái bằng đem về treo trước cổng nhà cho ông đi qua bà đi lại ngó chơi chứ Trang đâu có “được” đi làm. Hiển muốn Trang ở nhà lo việc nhà cửa và chăm sóc con cái. Để không bị chồng la, Trang bắt đầu viết truyện, làm thơ trở lại. Trang lấy cái cớ đó nói với Hiển:
- Em viết văn cũng phải vận dụng đầu óc, để tưởng tượng và hư cấu thành một câu truyện chứ bộ khơi khơi là viết được sao.
Hiển la còn bạo hơn nữa:
- Cứ tưởng tượng vớ vẩn, viết láo viết lếu mua vui cho thiên hạ rồi nó vận vào người cho em xem. Để thì giờ đó mà đọc những sách có giá trị, như kinh Phật chẳng hạn. Anh lúc nào cũng thích học hỏi, cái gì càng khó anh càng thích học. Anh mà không như vậy thì giờ này anh “tiêu” lâu đời rồi cho em hay.
Ý Hiển muốn nói là tạo dựng cho vợ con một cuộc sống tuy chẳng bằng ai nhưng cũng còn hơn chán vạn người trên đất Mỹ này. Mà Trang cũng phục chồng thật, cứ mỗi một lần đổi sở làm là một lần phải học chết bỏ. Vậy mà chàng chỉ cần vài tháng là “nắm” được hết, lại còn đem chuông đi đấm xứ người nữa chớ, đi “overseas” lia liạ, không có lần nào là không thành công. Trang vừa kính phục vừa thương Hiển đi làm cực khổ để kiếm tiền lo cho vợ con được đầy đủ, nhưng nếu bảo Trang học một cái gì đó thì Trang sợ lắm! Cứ tìm cách tảng lờ. Khuyên bảo Trang hoài không được riết rồi Hiển cũng thôi để mặc Trang muốn làm cái gì thì làm.
Tháng vừa qua vợ chồng Trang phải đi viếng đám tang một người thân quen bên phía nhà Hiển. Bình thường đi viếng đám tang nào, sau khi lễ bàn thờ xong Trang cũng đều đến trước quan tài để “chiêm ngưỡng” và cầu cho người quá cố được siêu thoát. Nhưng không hiểu sao lần này Trang bỗng sợ, nàng ghé vào tai Hiển thì thầm:
- Em chỉ lễ bàn thờ thôi chứ không đến gần quan tài đâu nhé! Em sợ…
Hiển gật đầu nói:
- Em lạy xong rồi ra ngoài chờ anh không cần phải đứng đây.
Sau khi làm xong nghi thức lễ lạy, Trang bước ra khỏi phòng đứng quan sát. Nhà quàn “Oak Hill” này chẳng xa lạ gì đối với Trang mà còn mang nhiều kỷ niệm đau thương khó phai mờ. Biết bao lần thăm viếng người quen, và đã hai lần an nghỉ cho bố mẹ. Sao hôm nay nhìn xung quanh nhà quàn Trang bỗng thấy ghê ghê thế nào ấy, Hiển chắc còn đang tíu tít vì tang gia là người thân quen, lâu lắm mới có dịp gặp đông đủ như vầy, và lát nữa còn phải dự khóa lễ cầu siêu cho nên chắc còn lâu lắm mới ra. Nghĩ thế nên Trang đẩy cửa bước ra khỏi căn nhà quàn để đi xuống những thảm cỏ xanh ngoài kia.
Nghĩa trang buổi chiều bao giờ cũng buồn hiu hắt, tuy trời mùa hè phải đến 8, 9 giờ mới tối hẳn. Nhưng mặt trời đã không còn nắng tạo cho nghĩa trang một màu âm u, lạnh lẽo. Kỳ lạ, ở trong nhà quàn thì Trang cảm thấy sợ, nhưng ra đến phía ngoài, đi giữa hai hàng mộ bia Trang lại không thấy sợ một chút nào hết. Có lẽ đây là nơi cuối cùng của một đời người, ai cũng phải đến. Cát bụi rồi lại trở về với cát bụi, rồi mình cũng phải “dọn” đến đây mà thôi! Trang bước từng bước chầm chậm, mắt tò mò chăm chú đọc những dòng chữ trên những tấm mộ bia đặt chìm trên mặt đất. Trang chợt phát hiện hình như cái tên này quen quá: “Lâm Ngọc Phùng”. Trang lật đật đưa mắt liếc nhanh lên tấm hình bên trên rồi buộc miệng kêu lên:
- Hả! Thì ra “thầy” nằm ở đây?
********
Dạo ấy hình như Trang vừa tròn đôi chín. Lâm Ngọc Phùng không biết bao nhiêu tuổi, chỉ biết là lớn hơn Trang, đang học Văn khoa, sắp sửa lấy cử nhân Anh văn. Trang có một ông bác tu ở một ngôi chùa gần nhà, mẹ hay dắt Trang lên chùa lễ Phật và luôn tiện thăm bác. Nghe Trang nói muốn học thêm Anh văn, ông bác đã nắm tay Trang lôi ra phía sau chái chùa, chỗ đặt bàn ping pong cho mấy “thầy” chơi thể thao. Bác chỉ vào một ông thầy tu rất lạ đời (không mặc áo nâu, chỉ mặc áo màu lam và không cạo đầu) nói:
- Này cháu! Vào đây bác giới thiệu cho một người, nó đang học cử nhân Anh văn
đấy! Cháu có muốn học thì nhờ nó đỡ tốn tiền đi trường. Tên nó là Ngọc Phùng.
Trang lí nhí:
- Cháu không quen tiếp xúc với thầy tu.
Ông bác phá ra cười:
- “Nó” không phải là sư, nó không có đi tu. Nó mồ côi cha mẹ, các thầy nuôi làm phước lâu rồi. Nó mặc áo lam để dễ xin được hoãn dịch học cho xong ấy mà.
Nghe ông bác nói một hơi về “nó”, Trang mắc cười quá nhìn Phùng tủm tỉm quan sát, tên gì mà như con gái, lại còn mắc cỡ đỏ mặt sượng sùng nhìn Trang luống cuống đánh rơi cả vợt ping pong khiến Trang nổi máu lí lắc ghẹo:
- “Thầy” Ngọc Phụng có hai cái má lúm đồng tiền “ngộ” quá hé!
Phùng càng đỏ mặt lúng túng:
- Tui tên Phùng chứ không phải Phụng. Tui không phải nhà tu hành, đừng gọi tui bằng “thầy”.
Trang vẫn không tha, có ông bác Trang đứng đây mà Trang sợ gì:
- Uả vậy hả? Tại thấy thầy... uả quên anh... cười có hai má lúm giống con gái quá nên tưởng anh tên là Ngọc Phụng chớ.
Rồi chỉ vì tiếng khen hai má lúm đồng tiền “ngộ” quá mà từ đó Ngọc Phùng đâm ra “mết” Trang. Lâu lâu “thầy” chạy Honda đến nhà Trang nhấn chuông. Trang ra mở cửa, “thầy” nhăn răng cười, “móc” trong bụng ra khi thì một nải chuối, khi thì vài trái cam hay trái bưởi đưa cho Trang nói:
- Cho Trang nè!
Rồi chạy mất tiêu, Trang không kịp phản ứng gì hết đành phải nhận món quà nóng hổi “hơi người” thấy mà ghê đó! Bỏ thì tội, mà ăn thì Trang gớm. Những lần như vậy, Trang cứ để Trên bàn rồi thì ai ăn thì ăn, Trang không đụng đến. Thế là từ đó, hể rảnh giờ nào là “nó” lại chạy đến nhà Trang đòi dạy Trang học Anh văn. Mặc dù Phùng không phải là nhà sư, không phải cạo đầu, nhưng vì ở trong chùa, lại mặc áo lam nên Trang thấy kỳ kỳ không chịu học. Thế là Phùng đành phải ngồi đấu khẩu bằng sinh ngữ với thằng em trai của Trang lúc đó đang học Anh văn ở hội Việt Mỹ, và đây là cái dịp để nó thực tập đàm thoại Anh văn. Có một lần Trang nghe nó hỏi “thầy” Ngọc Phùng rằng:
- Tại sao anh thích chị Trang? Đó có phải là tình yêu không? Và anh có thể định nghĩa được thế nào là yêu không?
Cái thằng đúng là ranh mảnh hỏi cắc cớ, Ngọc Phùng đã trả lời như thế này:
- Đừng hỏi tôi tại sao thích, chỉ biết thích là thích thế thôi! Bảo tôi định nghĩa về tình yêu thì tôi không dám vì tôi chưa từng yêu ai bao giờ. Đây là lần đầu tiên tôi biết thích một người con gái. Định nghĩa thì tôi không biết, nhưng tôi hiểu khi mà mình yêu thích một người nào đó thì lúc nào mình cũng muốn gặp mặt người đó.
Phùng kín đáo liếc qua Trang nói tiếp:
- Vắng “người đó” mình nhớ lắm! Dù là gặp mặt chẳng biết để nói cái gì nhưng chỉ cần nhìn thấy mặt thôi cũng đủ thoả lòng mong nhớ rồi.
Thằng em của Trang vẫn không buông tha:
- Như vậy là yêu rồi còn gì?
Ngọc Phùng gật gù ngó sang Trang “tỏ tình” kín đáo:
- Có lẽ vậy, nhưng đó là về phía tôi, không biết phía “bên kia” như thế nào?
Thằng em Trang vỗ tay khen hay. Những câu đối thoại trên dĩ nhiên là bằng tiếng Anh rồi. Lúc đó Trang đâu có hiểu mô tê gì, chỉ hiểu lõm bõm và biết là hai người đang nói về mình. Đã mấy lần Trang ngắt ngang đòi dịch nghĩa mà hai người cứ phớt lờ, Trang phải nổi cáu lên thằng em mới chịu dịch lại cho Trang nghe. Nghe xong Trang “phang” một câu liền:
- Dễ ợt! Tình yêu là những... nải chuối, những trái cam, những trái bưởi ướp... hơi người thấy mà ghê!
“Thầy” Ngọc Phùng đỏ mặt tía tai sượng trân. Sao lúc đó Trang đanh đá thế nhỉ? Có lẽ tại tức hai người cứ xổ Anh văn không cho Trang nghe. Vậy chứ mà Trang vẫn đâu có bị mất điểm, dưới mắt “thầy” Ngọc Phùng lúc nào Trang cũng là “number one”. Ông bác Trang kể lại thầy tâm sự rằng:
- Con vì không muốn đi lính mới nhờ các thầy che chở. Mai sau quá tuổi lính rồi, học xong con sẽ xin đi dạy học và nhờ bác xin cưới Thiên Trang cho con. Con sẽ đưa Trang về quê nhà con ở Quảng Trị, nơi đó có bà dì ruột của con vẫn còn giữ cho con ngôi nhà ngói 3 gian rất đẹp của cha mẹ con để lại với đầy đủ tiện nghi, đất rộng bao quanh và ruộng vườn cò bay thẳng cánh. Nếu Trang không thích ở đó, con sẽ bán hết ruộng vườn đưa Trang trở lại Sài Gòn lập nghiệp.
Đúng là “thầy tu”, ngây thơ thế thì thôi! Hắn cứ tưởng hắn yêu là được. Rồi thời gian cứ trôi, nước mất nhà tan, tu cũng chẳng được yên. Đa số các thầy tu trẻ giải tán, lớp ra đời lấy vợ, lớp vì dính vào “Nha Tuyên Uý Phật Giáo” đóng lon sĩ quan nên bị đi “học tập” mút chỉ cà tha. Chùa chỉ còn ông bác Trang và các thầy lớn tuổi. Thầy Ngọc Phùng cũng về quê “làm ruộng” và từ đó mất liên lạc luôn. Thời gian sau thì mạnh ai nấy lo thân chẳng còn ai liên lạc với ai nữa cả. Ông bác Trang bỗng đâm nghi ngờ lẩm cẩm:
- Không khéo cái thằng nó là “Việt cộng” cũng nên. Tại sao sau khi mất nước nó “tếch” về Quảng Trị mà lại sống yên thân được? May mà cháu không ưng nó, chứ nếu ưng mà nó là Việt cộng thì thật bỏ mẹ.
Nhưng bác đã lầm. Khi Trang đã có chồng con đùm đề và định cư ở San Jose rồi, Bác viết thư sang kể, Ngọc Phùng cũng định cư ở Mỹ và làm cho một sòng bài nào đó. Ngọc Phùng vừa mới liên lạc lại được với các thầy ở quê nhà, trong đó có ông bác của Trang. Từ đó thỉnh thoảng Ngọc Phùng gởi tiền về trợ cấp cho bác. Trang nghe bác kể vậy thì biết vậy chứ không hỏi thêm gì nữa.
Thấm thoát thế mà đã 2,3 chục năm. Câu chuyện tưởng trôi vào quên lãng, nào ngờ 2 năm trước vợ chồng Trang cùng bạn bè đi Las vegas chơi, sau khi nhận phòng xong, mạnh ai nấy đi chơi. Trang cũng ham vui, xông xáo một lát là thua sạch bách. Kiếm hoài không thấy Hiển đâu hết, Trang lại không giữ chìa khóa phòng và cũng không đem cell phone, không biết đám bạn chơi ở chỗ nào. Trang đành phải lên phòng gõ cửa đại, may ra có ai về ngủ sớm mở cửa cho Trang vô... mượn tiền. Bởi có bao nhiêu tiền Trang giao cho Hiển giữ hết, Trang không thích giữ tiền, trang chỉ thích xài tiền mà thôi!
Gõ hoài mà chẳng có ai ra mở cửa, đi trở xuống mà tìm chồng và đám bạn trong đám người đông như kiến vậy Trang bắt chóng mặt, trong túi lại không có tiền thì chơi cái gì? Thôi thì ngồi đại xuống hành lang này mà nghỉ mệt coi bộ còn khoẻ hơn. Nghĩ thế Trang ngồi bó gối xuống thảm trước cửa phòng mình, lưng và đầu ngữa dựa vào tường nhắm mắt nghĩ ngợi lung tung. Đang lim dim như vậy, Trang bỗng “feeling” như có ai đang nhìn mình, Trang mở choàng mắt dậy bẻn lẻn đứng lên khi thấy xế xế cửa phòng đối diện có một người đàn ông, ăn mặc rất là lịch sự, nguyên bộ đồ “vét” đen và áo sơ mi trắng, đang nhìn Trang mỉm cười và gật nhẹ đầu chào Trang rồi đi khuất sau cua quẹo của hành lang khi thấy Trang mở mắt ra nhìn. Đầu óc Trang đánh dấu hỏi dữ dội, nụ cười này quen lắm đây. Trang đứng lên chạy theo cua quẹo thì đụng phải Hiển đi lên, Trang mừng quá níu lấy Hiển xoè tay:
- Em hết tiền rồi, đi lên phòng chẳng có ai ở trong phòng ra mở cửa cả, chìa khóa anh giữ em đành phải ngồi ngoài hành lang chờ.
Hiển nhăn mặt trách:
- Ai bảo không chịu mang cell phone. Em thật lạ đời có phôn mà không chịu xài thì mở làm gì?
Trang có cái tật hay quên, đi đâu mà xách theo lỉnh kỉnh đủ thứ đồ phụ tùng trong bóp, móc ra móc vô một hồi thế nào Trang cũng làm mất cho nên Trang cứ vờ “quên” như thế cho nó khoẻ tấm thân. Sợ Hiển giảng “moral” Trang đánh trống lãng:
- Cho em tiền em xuống chơi tiếp. Anh lên ngủ hả?
Hiển gật đầu móc trong túi ra một nắm tiền đưa cho Trang nói:
- Đừng có chơi khuya quá hại sức khoẻ. Liệu mà chơi giải trí thôi chứ đừng có đam mê sát phạt đỏ đen anh không có thích đâu đấy!
Trang cầm nắm tiền “dạ” một tiếng rồi chạy đến thang máy bấm nút, nói là một nắm tiền cho oai chứ thực ra chỉ là giấy 5,10 đồng và giấy 1 đồng là nhiều nhất, hoặc cao lắm là giấy 20 đồng trở lại mà thôi. Vợ chồng Trang không có máu mê cờ bạc, lần đi chơi nào cũng thủ sẵn chỉ vài trăm, chơi hết bao nhiêu đó là thôi chứ không có cố đấm ăn xôi để gỡ. Mỗi lần đi mấy chỗ giải trí này, Trang thích nhất là cái máy kéo 5 xu, chỉ tốn có 5 xu một lần mà kéo hoài không hết. Có lần Trang trúng “đắp bồ” được vài lần lên đến 100 mấy đồng “đã” ơi là đã. Không phải Trang hà tiện, tại dốt chẳng biết đánh bài, và cũng tại cái máy này nghe vui tai và dễ trúng. Mỗi lần máy ra lệnh cho Trang phải “dí” vào cái con vật gì đó đang bay qua bay lại thật nhanh trên màn hình là Trang khoái nhất. Phải thật lẹ tay, mỗi lần Trang “dí” trúng nó một cái là nghe “chéo, chéo” bên tai và đồng thời máy đếm tiền cũng hoạt động nghe rào rào thấy “thương” gì đâu.
Đang say sưa “dí, dí” như vậy, một người đàn ông ngồi xuống bên cạnh cái máy trống kế bên Trang, bỏ tiền vào làm một hơi “chéo, chéo” đinh cả tai, nhức cả mắt khiến Trang phải ngừng chơi, tò mò đưa mắt theo dõi. Phải công nhận hắn nhanh tay thật. Trang hoa cả mắt, mà tay hắn thì cứ như phù thủy dí qua dí lại như làm “magic”, miệng thì kêu “chít chít! Chít chít!” theo tiếng máy đếm tiền nghe mà bắt ham. “Game over”, hắn kéo cái biên nhận ra 200 mấy chục đồng Trang phục quá trời! Hắn cười nói với Trang (vẫn nụ cười quen thuộc khi nãy mà Trang chưa nghĩ ra):
- Chơi cò con như thế này chỉ được bây nhiêu thôi! Muốn ăn lớn thì phải vô sòng bài. Thiên Trang có muốn thử không?
Thấy hắn kêu tên mình ngon ơ, Trang ngạc nhiên ngó thẳng vào mặt hắn, lần này hắn cười “hết cỡ”, hai cái má lúm đồng tiền hằn sâu hai bên má khiến Trang buột miệng kêu lên:
- Thầy… Ngọc Phụng…
Hắn xụ mặt:
- Bao năm rồi sao Trang vẫn không thay đổi? Tôi là Phùng và tôi không phải là “thầy”.
Trang cười xin lỗi:
- Sorry! Tại quen miệng làm anh buồn, xin lỗi anh.
Hắn hình như ít nói đi, chỉ có Trang là tía lia. Trang hỏi câu nào hắn trả lời câu nấy không thêm không bớt. Được biết trước kia hắn có làm cho sòng bài ở đây (Las Vegas) nhưng bây giờ thì không còn nữa, hôm nay là hắn trở lại đây để chơi. Hắn còn nói hắn đã dọn về San Jose lâu rồi và ở rất gần Trang. Trang chỉ gật gù nghe thôi chứ cũng không hỏi địa chỉ và xin số phôn làm gì. Hắn nhắc lại chuyện đánh bài, Trang nói Trang không biết đánh bài, không nhớ được lá nào là ách, cơ, chuồng, bồi, đầm, già gì hết nhưng lại cứ thích chơi cái gì mà “cù lũ, cù lũ” đó! Hắn cười nói:
- Binh xập xám.
Trang cũng cười theo:
- Phải rồi, binh xập xám. Nhưng mà chơi cái đó dễ bị “cụt vốn” lắm đó! Chỉ thua vài lần là hết chơi, Trang chỉ có bao nhiêu đây thôi!
Trang xoè “nắm” tiền ra cho hắn coi, Ngọc Phùng cười kéo Trang đi theo hắn và nói:
- Bao nhiêu đó đủ rồi. Tin tôi đi, tôi sẽ giúp Trang có một kỷ niệm nhớ đời. Đi lên đây mà không thắng được một chút tiền đem về thì buồn lắm!
Hắn lôi Trang đến khu “baigow”, chọn một cái bàn trống nhất đẩy Trang ngồi xuống, rồi kéo ghế ngồi cạnh Trang và dặn Trang cứ yên lặng đừng nói gì hết, để một mình hắn nói thôi. Trang nghe theo sự sắp xếp của hắn. Một lát sau Trang chẳng hiểu mô tê gì nữa, chỉ nghe bên tai mình tiếng “rét rét, rẹt rẹt” thật nhanh. Và đôi tay hắn “múa” trên những lá bài của Trang thật lẹ mà sao người chia bài hình như chẳng thấy gì. Kết quả hôm đó Trang... “thắng” được 2 ngàn rưỡi đô la. Lần đầu tiên trong đời Trang đi chơi mà còn được tiền đem về. Những lần trước ăn được chút xíu, chơi lại là thua sạch bách, chưa lần nào được tiền mang về, dù là 1,2 đồng chứ đừng nói chi đến 2 ngàn rưỡi. Trang mừng quá cám ơn hắn rối rít và “good night” hắn để đi ngủ, hắn không say “good night” lại với Trang mà lại nói:
- Vĩnh biệt Trang.
Trang nhăn mặt thắc mắc:
- Tại sao lại vĩnh biệt?
Hắn cười:
- Không phải là Trang chẳng bao giờ muốn gặp lại tôi hay sao?
Thấy hắn nói trúng tim đen của mình, Trang tảng lờ:
- Nói bậy không hà! Trang còn ở đây đến ngày mốt mới về.
Rồi Trang nói nhanh trước khi chạy ù đi:
- Ngày mai gặp.
Nhưng ngày mai và mãi mãi chẳng bao giờ Trang gặp được hắn nữa. Khi Trang điện thoại về Việt Nam kể cho bác nghe cuộc gặp gỡ với hắn tại sòng bài, Bác Trang yên lặng một hồi rồi chậm rãi:
- Cháu phải thật là bình tỉnh đừng có “xỉu” khi nghe bác nói. Thằng Phùng nó chết cách đây đã 5 năm rồi cháu ạ! Cái thằng thật là có tình có nghĩa, tuy mất đi nhưng vẫn gởi lại danh sách các thầy cho một người khác lo dùm. Bác vẫn nhận được trợ cấp đều hằng năm, vẫn với danh nghĩa cái tên “Ngọc Phùng”.
Nghe bác nói mà Trang hãi hùng. Suốt một buổi tối đi chơi với “ma” mà không biết. Sao Trang không nhận thấy gì khác lạ nơi Phùng ngoài cặp mắt hơi buồn buồn, và đôi tay giá lạnh khi hắn kéo Trang đi. Ở nơi đó máy lạnh chạy suốt ngày ai mà không lạnh nên Trang đâu có để ý làm chi. Cho đến hôm nay, Trời xui đất khiến sao Trang lại được “gặp” Phùng ở đây! Thì ra Phùng nói đã dọn về San Jose và “ở” rất gần Trang, tức là ở nghĩa trang “Oak Hill”. Trang chắp hai tay cúi đầu khấn xin cho Phùng được siêu thoát và cũng không quên thì thầm:
- Trước không biết thì thôi, bây giờ đã biết anh không còn trên thế gian này nữa. Trang rất là nhát gan, anh sống khôn thác thiêng thì xin âm thầm mà phò hộ cho Trang chứ đừng bao giờ “hiện” ra lần nữa Trang sẽ chết mất. Mỗi tối Trang hứa đọc kinh trong một tháng để cầu nguyện cho anh được siêu thoát.
Một cơn gió nhẹ lướt qua làm cây lá rung xào xạc, Trang ngước mặt nhìn lên bầu trời trong xanh mà có cảm tưởng như hồn của Phùng đã nương theo gió mà bay bỗng lên tít tận chín tầng mây xanh biếc đó rồi. Trang tin tưởng như vậy khi chợt nhớ lại câu “vĩnh biệt Trang” của Phùng hôm ở sòng bài. Thì ra đó là hôm cuối cùng Phùng muốn gặp Trang để rồi vĩnh biệt thật. Trước khi bước trở lại nhà quàn, Trang đưa mắt nhìn vào tấm hình của Phùng đưa tay vẫy và thì thầm:
- Vĩnh biệt Phùng. Chúc anh an giấc ngàn thu…
TÔN NỮ MẶC GIAO.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét