Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

Tổng thống Mỹ mạnh mẽ tấn công chính sách Brexit của thủ tướng Anh - HB 851

media
Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) và thủ tướng Anh Theresa May tại lâu đài Blenheim, gần Oxford, nơi họ dự bữa tiệc tối ngày 12/07/2018.Will Oliver/Pool via REUTERS
Vào lúc thủ tướng Anh trải thảm đỏ đón nguyên thủ Mỹ, Donald Trump trả lời báo The Sun, số ra ngày 13/07/18, mạnh mẽ chỉ trích chính sách Brexit của bà Theresa May. Đây là một vố đau với Luân Đôn, vốn đang hy vọng nhanh chóng đạt được một thỏa thuận thương mại song phương với Washington khi rời Liên Hiệp Châu Âu vào tháng 03/2019.
<!>
Thông tín viên đài RFI Muriel Delcroix cho biết thêm :
"Đây thực sự là một quả bom phát hỏa mà Donald Trump tung ra khi trả lời báo The Sun vài giờ trước khi đặt chân đến Luân Đôn. Đây là một trong những cuộc trả lời phỏng vấn kém tính ngoại giao nhất và gây khó xử nhất cho thủ tướng Theresa May, cho dù bà đã trải thảm đỏ đón Donald Trump và đã làm tất cả để chiều lòng vị khách mời cồng kềnh này, trong bối cảnh nguyên thủ Mỹ bị công luận Anh chống đối.
Không biết ơn Theresa May thì chớ, Donald Trump lại còn dùng xe ủi tấn công kế hoạch Brexit mà thủ tướng Anh vừa công bố hôm qua. Tổng thống Mỹ giải thích với báo The Sun rằng nếu như bà May muốn duy trì một mối quan hệ mật thiết với Liên Hiệp Châu Âu sau Brexit thì điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ nên đàm phán với Bruxelles hơn là nói chuyện với Luân Đôn. Theo quan điểm của tổng thống Trump, thỏa thuận thương mại Anh-Mỹ coi như bị khai tử.
Sự chỉ trích công khai này của Donald Trump là một vố đau đối với Theresa May. Bà đang tìm cách củng cố vị thế trong hàng ngũ đảng bảo thủ của mình.
Tất cả những diễn biến trên đây khiến quan hệ song phương trở nên băng giá, trong khi thủ tướng May trong bữa dạ tiệc hôm qua đã xem Mỹ là một 'đồng minh gần gũi và thân thiết' của Luân Đôn.
Hôm nay, lãnh đạo Anh và Mỹ hội đàm. Sẽ rất thú vị khi theo dõi thái độ đôi bên trong buổi họp báo kết thúc chuyến viếng thăm Anh Quốc của nguyên thủ Mỹ. Trong khi đó, hàng ngàn người tập trung phản đối Donald Trump trên các đường phố, tại Luân Đôn và ở nhiều nơi khác trên toàn quốc".
media
Thủ tướng Anh Theresa May đã bị tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích nặng lời về chính sách Brexit.REUTERS/Toby Melville
Thứ Sáu ngày 13 liệu có là một ngày đen tối cho quan hệ Mỹ - Anh ? Donald Trump và Theresa May cùng làm việc tại khu nhà nghỉ mát của thủ tướng Anh, xa không khí bài Trump của người dân Luân Đôn. Nhưng liệu lãnh đạo hai nước sẽ giải thích với nhau những gì khi Nhà Trắng đã nặng lời chỉ trích số 10 Downing Street về chính sách Brexit của bà May, đồng thời ca ngợi đối thủ chính trị của bà là ông Boris Johnson có thể là một "vị thủ tướng tài giỏi" cho nước Anh ?
Tháng 01/2017, khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng, Theresa May là vị thượng khách đầu tiên của tổng thống Hoa Kỳ thứ 45. Đôi bên từng hy vọng phát triển một mối bang giao mật thiết tương tự như dưới thời Ronald Reagan và Margareth Thatcher. Nhưng kịch bản đó đã vấp phải nhiều trở ngại. Nhất là khi, ngay trong lúc có mặt tại vương quốc Anh,"người bạn Mỹ" của thủ tướng May đã không ngần ngại khai hỏa tấn công Luân Đôn và ông đặc biệt chĩa mũi dùi vào kế hoạch Brexit vừa được bà Theresa May công bố.
Rời thượng đỉnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương ở Bruxelles, nguyên thủ Mỹ tuyên bố, ông viếng thăm quê hương của Winston Churchill trong bối cảnh "nước Anh đang khổ tâm" và có ý định gặp riêng Boris Johnson, người vừa từ chức ngoại trưởng do bất đồng với bà May về chính sách Brexit.
Về phần thủ tướng Anh, bà Theresa May đã cố gắng làm vừa lòng một vị khách mời khó tính : thứ nhất bà nhấn mạnh Luân Đôn là một trong số ít các đồng minh của Mỹ trong NATO chấp hành nghiêm chỉnh cam kết đóng góp tài chính cho cỗ máy đồ sộ này. Luân Đôn cũng cam kết tăng quân sang Afghanistan, sát cánh với Hoa Kỳ.
Kế tới, thủ tướng Anh trải thảm đỏ đón tổng thống Mỹ và phu nhân đến tòa lâu đài Blenheim, nơi cố thủ tướng Churchill đã chào đời. Churchill từng có mối quan hệ mật thiết với cố tổng thống Hoa Kỳ Roosvelt và là một biểu tượng mạnh trong quan hệ đồng minh giữa Washington với Luân Đôn. Trong bữa tiệc tối qua, Theresa May đã nhấn mạnh Hoa Kỳ là một người bạn "vừa gần gũi, vừa thân thiết" của nước Anh.
Trong lúc công luận Anh chống đối mạnh mẽ các chính sách của tổng thống Hoa Kỳ với những cuộc biểu tình rầm rộ, thì để tránh cho người bạn Mỹ bị làm phiền, cũng Theresa May mời Donald Trump về làm việc tại khu nhà nghỉ ở đồng quê ... trước khi ông đến điện Windsor, xa thủ đô Luân Đôn, dùng trà với nữ hoàng Anh.
Những nỗ lực đó của thủ tướng May liệu có tiêu tan vì một cuộc trả lời phỏng vấn mà nguyên thủ Mỹ dành cho một tờ báo Luân Đôn ?
Theo chủ nhân Nhà Trắng, bà May nhượng bộ quá nhiều Liên Hiệp Châu Âu trên hồ sơ Brexit. Vào lúc vương quốc Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu và cần tìm kiếm một điểm tựa về kinh tế, thương mại thì Donald Trump đã dội cho Luân Đôn một gáo nước lạnh khi tuyên bố thỏa thuận thương mại song phương Anh - Mỹ coi như bị khai tử vì chính sách Brexit của bà May quá "gần gũi với Liên Hiệp Châu Âu".
Thái độ này trái ngược hoàn toàn so với hồi tháng 11/2016 : Donald Trump, sau khi đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, từng phấn khởi tuyên bố : Luân Đôn từ bỏ Liên Hiệp Châu Âu, Anh và Mỹ sẽ "rất nhanh chóng" đạt được "một thỏa thuận tuyệt vời" và ông tin tưởng rằng nước Anh sẽ đặt ưu tiên cho quan hệ với Mỹ, hai quốc gia cùng có chủ trương cô lập, sẽ chóng tìm được một ngôn ngữ chung.
Theo giới quan sát, từ đó tới nay, Donald Trump đã thất vọng về chủ trương "mềm yếu" của Theresa May với Bruxelles và nhất là ở cương vị tổng thống, nhà tỷ phú địa ốc New York này mới vỡ lẽ Luân Đôn và Washington không thể đốt gian đoạn, nước Anh chỉ được phép đơn phương đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận thương mại sau khi chính thức rời khỏi gia đình châu Âu, tức là phải đợi đến sau tháng 03/2019. Ngoài ra, thì dù muốn hay không thì cả về mặt kinh tế, lẫn quân sự nước Anh vẫn rất cần đến Liên Hiệp Châu Âu.
Bên cạnh thất vọng về vế thương mại, Washington và Luân Đôn còn bất đồng sâu đậm trên nhiều hồ sơ, từ hạt nhân Iran đến sắc lệnh về di trú của tổng thống Trump, hay quyết định của Nhà Trắng dời tòa đại sứ Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem. Gần đây nhất là những lo ngại của chính quyền Anh trước thượng đỉnh Donald Trump -Vladimir Putin sắp mở ra tại Helsinki vào đầu tuần tới, trong bối cảnh Luân Đôn tố cáo Matxcơva đứng đằng sau vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Skripal bằng chất độc Novitchok.
Quan hệ "đặc biệt" - như cố thủ tướng Winston Churchill từng dùng khi nói về bang giao Anh Mỹ - chưa bao giờ bị đặt trước thách thức như dưới thời Donald Trump.
media
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo sau thượng đỉnh NATO tại Bruxelles, ngày 12/07/2018.REUTERS/Kevin Lamarque
Hôm qua, 12/07/2018, tại Bruxelles, tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích mạnh mẽ dự án ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. Dự án này có mục tiêu là gia tăng lượng khí đốt của Nga bán cho châu Âu mà không cần phải đi qua hệ thống ống dẫn đặt trên lãnh thổ Ukraina.
Theo nguyên thủ Hoa Kỳ, nước Đức đã hoàn toàn bị Matxcơva kiểm soát, thao túng vì phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Hôm nay, Matxcơva đã có phản ứng, cho rằng tuyên bố của tổng thống Mỹ là một dạng cạnh tranh không lành mạnh, gian dối.
Từ thủ đô Nga, thông tín viên Etienne Bouche cho biết thêm thông tin :
« Theo phát ngôn viên điện Kremlin, ông Dmitri Peskov, tuyên bố của tổng thống Mỹ thể hiện ý đồ bắt buộc các khách hàng châu Âu phải mua khí tự nhiên hóa lỏng đắt hơn của các nhà cung cấp khác. Do vậy, ông Peskov cho rằng đó là một dạng cạnh tranh không lành mạnh.
Khi tiếp tục chỉ trích dự án ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, Donald Trump đã nhấn vào một điểm nhạy cảm. Dự án này đang gây chia rẽ giữa các nước trong Liên Hiệp Châu Âu. Chính quyền Matxcơva thường xuyên bị tố cáo sử dụng việc cung cấp khí đốt vào mục đích chính trị. Lần này, điện Kremlin đáp lại, nhấn mạnh đến khía cạnh kinh tế.
Theo ông Peskov, trong khuôn khổ cạnh tranh kinh tế, chính các khách hàng mới là người đưa ra quyết định lựa chọn nhà cung cấp khí đốt. Phát ngôn viên điện Kremlin cũng đề cao tính khả tín của đối tác Nga trong việc bảo đảm an ninh năng lượng cho châu Âu.
Ông nói : Cho đến lúc này, không một nhà cung ứng nào chứng tỏ được một sự tin tưởng lớn trong việc cung cấp năng lượng thông qua hệ thống ống dẫn khí đốt. Đại diện chính quyền Matxcơva nhấn mạnh, dự án Nord Stream 2 chỉ mang tính thuần túy thương mại.
Hệ thống ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 chạy từ Nga qua biển Baltic, sang tới Đức và dự kiến đi vào hoạt động từ đầu năm 2020 ».
media
Lãnh đạo các nước thành viên NATO chụp ảnh lưu niệm tại thượng đỉnh Bruxelles, ngày 11/07/ 2018.Ludovic Marin/Pool via REUTERS
Thượng đỉnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương họp tại Bruxelles trong một ngày rưỡi và kết thúc hôm qua, 12/07/2018. Trong cuộc họp, tổng thống Mỹ Donald Trump đã đòi các nước đồng minh phải tăng ngân sách quốc phòng và sau đó ông tỏ thái độ hoan hỉ là đã thành công trong việc buộc các nước phải cam kết thực hiện mục tiêu 2%.
Theo thông tín viên RFI Quentin Dickinson, tại Bruxelles, thực ra, các đồng minh trong NATO bắt đầu thực hiện mục tiêu này từ lâu nay.
« Điều mà người ta có thể ghi nhận tại cuộc họp thượng đỉnh NATO chịu nhiều xáo động này là việc Donald Trump đơn phương chiếm lĩnh tuyến đầu diễn đàn trong một ngày rưỡi. Nguyên thủ Hoa Kỳ đã thực hiện màn kịch ít ngẫu hứng hơn như người ta tưởng.
Màn một, đó là sự hành hạ, chỉ trích : 28 thành viên NATO đã không đóng góp đủ cho ngân sách quốc phòng. Kịch tính tiếp diễn : Nếu không có các cam kết theo hướng tăng ngân sách quốc phòng thì Hoa Kỳ có thể hành động một mình, nhưng người ta không rõ nội dung và hệ quả của quyết định này sẽ ra sao.
Màn tiếp theo : các đồng minh châu Âu và Canada cho biết sẵn sàng đẩy nhanh tốc độ chi cho ngân sách quốc phòng của họ.
Kết thúc màn kịch : Donald Trump hoan hỉ thông báo với toàn thế giới là ông đã giải quyết được vấn đề tăng ngân sách quốc phòng.
Thế nhưng, thực tế không hẳn là như vậy. Mục tiêu của mỗi thành viên NATO là chi cho quốc phòng một khoản tương đương 2% tổng sản phẩm nội địa. Mục tiêu này đã được đề ra từ 50 năm nay và trở thành bắt buộc đối với thành viên nhân thượng đỉnh tại Newport, xứ Galles năm 2014. Tại hội nghị đó, các thành viên NATO đề ra hạn định là thực hiện mục tiêu 2% trong vòng 10 năm, và làm thay đổi xu hướng giảm ngân sách quốc phòng khởi đầu từ sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt.
Tuy vậy, tổng thống Trump tạo cảm giác là ông đã phải xông xáo, nỗ lực thuyết phục các đồng minh thực hiện cam kết, trong lúc một phần lớn cam kết này đang trong quá trình được thực hiện ».
media
Hàng nghìn người đổ về đại lộ Champs - Elysées ăn mừng chiến thắng đội tuyển Pháp ở bán kết World Cup, đêm 10/07/2018.REUTERS/Charles Platiau
Trong buổi họp báo ngày hôm qua, 12/07/2018, giám đốc sở Cảnh sát Paris, ông Michel Delpuech cho biết, 12.000 cảnh sát và nhân viên an ninh sẽ được huy động nhằm bảo đảm an ninh cho thủ đô trong ba ngày 13, 14, 15 tháng Bảy trước thềm Quốc khánh Pháp và trận chung kết Cúp Bóng Đá Thế Giới giữa đội tuyển Pháp và Croitia.
Lãnh đạo cảnh sát Paris phát biểu: “Đừng quên là chúng ta đang sống trong bối cảnh mà khủng bố là một mối nguy hiểm hiện hữu. Mục tiêu của chúng tôi là bảo đảm cho các sự kiện này diễn ra mà không có sự cố.”
12.000 cảnh sát và nhân viên an ninh và 3.000 nhân viên cứu hộ sẽ được triển khai trong nội thành Paris và các vùng phụ cận.
Ngoài mối đe dọa khủng bố, lực lượng cảnh sát cũng sẽ phải đề phòng rủi ro an ninh vào ngày Quốc khánh 14/07 trong các buổi trình diễn bắn pháo hoa tại quảng trường Champs de Mars và diễu hành trên đại lộ Champs-Élysées. Đây cũng là dịp lực lượng cảnh sát phải gia tăng cảnh giác vì không khí náo nhiệt có thể dẫn tới rối loạn tại các nơi công cộng.
Tối Chủ Nhật, 15/07, trận chung kết Cúp Bóng Đá Thế Giới sẽ được chiếu trên một màn hình khổng lồ dưới chân Tháp Eiffel. Dự kiến sẽ có 90.000 cổ động viên trong khu vực “fan zone”. Ông Michel Delpuech cho biết sẽ hạn chế, thậm chí đóng cửa fan zone, nếu nơi đây có quá đông người và ông khuyên người dân nên đến fan zone sớm từ 13 giờ.

Không có nhận xét nào: