WESTMINSTER (NV) – Ngày nay, việc mua sắm ở các “outlet” không còn quá xa lạ với cộng đồng Việt Nam. Nhiều người, như đã trở thành thói quen, thích đi mua sắm quần áo, giày dép, túi xách, đồ nhà bếp… ở “outlet” hơn là ở các siêu thị lớn. Vì thế, khi có dịp đi ngang qua những thành phố có các “outlet” như Cabazon, Desert Hills ở Palm Spring, hoặc Carlsbad Premium, Las Americas Premium ở San Diego, hay Las Vegas Premium Outlets ở Las Vegas… người ta lại rủ nhau ghé “outlet” sắm đồ.
<!>
Lý do rất đơn giản: “Outlet” là các cửa tiệm bán lẻ trực tiếp sản phẩm do chính công ty sản xuất ra đến thẳng tay người tiêu dùng, không qua các cửa hàng trung gian. Chính vì thế, ai cũng dễ dàng nhận ra rằng sản phẩm trong các tiệm “outlet” đều là “hàng hiệu” (brand name), nhưng giá bán tại đây bao giờ cũng rẻ hơn so với giá ở các cửa hàng bình thường, trung bình từ 30% trở lên. Thêm vào đó, dù nền kinh tế tuột dốc, mọi chi phí cần phải cắt giảm, nhiều người vẫn chỉ muốn “xài hàng hiệu”. Như trường hợp của cô An Trần, 29 tuổi, nhân viên một văn phòng chuyên khai thuế ở Buena Park.
“Tôi sẽ cắt giảm chi tiêu, nhưng tôi không muốn đi ‘shopping’ ở Walmart hay ở Ross,” An nói. Trong trường hợp này, “outlet” cũng là một lựa chọn thích hợp.Tuy nhiên, qua kinh nghiệm nhiều lần mua sắm trong “outlet,” cô Kiều Phan, 40 tuổi, làm việc cho một trung tâm y tế trên đường Westminster ở Garden Grove, băn khoăn: “Sao những thứ bán ở ‘outlet’ không giống những thứ tôi nhìn thấy trong các mall?”
Trong khi đó, nhiều người lại cho rằng, “tiền nào của nấy!”
“Outlet” có thực là “outlet”?
ước tính có khoảng 304 công ty hay nhãn hiệu, như Calvin Klein, Columbia Sports, Levi’s, Gap, Coach, Nike, Polo Ralph Lauren, Samsonite, American Eagle… mở ra khoảng 13,000 cửa tiệm “outlet” trên toàn thế giới. Trong số đó, có khoảng 200 công ty chuyên về hàng may mặc và giày dép.
Những cửa hàng “outlet” luôn được mở trong một khu thương mại rất lớn, trung bình có khoảng 100 tiệm cho một trung tâm. Cho nên, “đi outlet về bao giờ cũng cảm thấy mệt hơi,” như An Trần nhận xét. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tiệm nào xuất hiện trong các trung tâm “outlet” đều là “outlet” để phân phối sản phẩm đến thẳng tay người tiêu dùng.
Famous Footwear là một ví dụ. Ðây là một phần của công ty giày Brown, thương hiệu đã có mặt hơn 130 năm qua, nhưng khi vào tiệm, người ta cũng sẽ thấy có thêm nhiều giày của các công ty khác như Naturalizer, LifeStride, Franco Sarto, Etienne Aigner, Dr. Scholl’s… Hay như cửa tiệm VF Outlets là một nhánh của tập đoàn VF Corp., nơi tiêu thụ hàng hóa của hơn 30 nhãn hiệu như Wrangler, Nautica, Vanity Fair, Majestic, JanSport, và Warner’s. Một số tiệm có mặt trong khu “outlet,” nhưng thực ra đó chỉ là những cửa hàng bán lẻ bình thường, chứ không đại diện cho một công ty sản xuất nào hết, ví dụ như Sunglass Hut, Dress Barn, Le Gourmet Chef, và Kitchen Collection.
Giá rẻ và không rẻ
Cô An Trần rất hay đi “outlet,” thay cho việc đi sắm sửa ở các cửa hàng thời trang bình thường. Những món hàng An thường mua là túi xách của Coach, áo thun của Tommy Hilfiger, và Gap.“Trước hay sau những dịp lễ lớn như Thanksgiving, Christmas, Labor Day, July 4th, tôi hay đi ‘outlet’ cùng bạn bè hay mấy anh em họ. Tôi thích đi mua đồ ở đó vì giá rất rẻ, nhất là những khi họ ‘sale’. Ví dụ tôi mua cho mẹ tôi một hũ kem dưỡng da hiệu Lancome 2.5oz. Trong ‘mall’ bán giá $90, trong khi ở ‘outlet’ để giá $76, bớt thêm 40% nữa, thành ra còn có chừng $45, $46. Quá rẻ luôn!” Cô An cho biết.Cô còn đưa thêm ví dụ một mặt hàng mua ở “outlet” có giá rất rẻ là giỏ xách hiệu Coach. Giá bình thường ghi trên các mặt hàng tại đây luôn rẻ hơn giá niêm yết tại các cửa hàng bán lẻ khoảng 30%. Khi mua, khách hàng lại được thêm “30% off” nữa.
“Thành ra chẳng lạ gì khi mỗi năm đến ngày Black Friday, trong đêm lạnh giá, mà người ta xếp hàng dài dài chờ đợi để vào tiệm Coach.” Cô An kể.Trong khi đó, cô Tina Phạm, 45 tuổi, một thợ nail ở Laguna Hills, dè dặt nói: “Nghe nói hàng bán ở ‘outlet’ toàn là hàng ‘out of date’ không à! Mà đi nhiều lần rồi thấy hình như là vậy đó. Kiểu không có nhiều, ‘hỏng’ đẹp.” Và đây chính là lý do để cô Tina không còn thích đi mua sắm ở “outlet” nữa. Cô nói: “Hồi trước mấy ngày nghỉ hay những khi biết họ ‘sale’ nhiều, tôi hay đi lắm, vì thấy giá ở đó rẻ. Nhưng đi vài bận thấy đồ không đẹp mấy, nên thôi, chỉ đi mua ở South Coast Plaza hay Fashion Island, những lúc họ ‘sale,’ mình xài thêm ‘coupon’ này nọ, mình mua còn rẻ lắm.”
“Nhưng nếu mua mỹ phẩm của Estee Lauder, Clinic, MAC, Lancome thì mua ở ‘outlet’ rất rẻ, nhưng mà cũng không có nhiều màu cho mình lựa đâu, cũng không có ‘gift’ như trong mall,” cô cho biết thêm.Nhận xét của cô An Trần và cô Tina Phạm gần giống như nhận xét của những người tham gia cuộc thăm dò về kinh nghiệm mua sắm ở “outlet” do trang web www.consumerreports.org thực hiện. Trong số gần 18,000 độc giả tham gia cuộc thăm dò, có 60% cho rằng các cửa hàng “outlet” đưa ra giá bán đặc biệt, 30% nói giá ở “outlet” thấp hơn nhiều so với giá ở các cửa tiệm bình thường, đặc biệt như giá ở tiệm Coach, Haggar, Izod, Van Heusen, và VF Outlets.
Tuy nhiên, đứng đầu trong các khiếu nại về chuyện đi mua sắm ở “outlet” là có những tiệm có giá cao hơn so với dự kiến, “cứ năm tiệm thì có một tiệm giá cao”. Những cửa tiệm được xem là bán với giá quá cao ở các “outlet” gồm Bose, Calvin Klein, Casual Male XL, Gymboree, J.Crew, Levi’s, Nike, Polo Ralph Lauren, Pottery Barn, Samsonite, và Sunglass Hut. Chị Ngọc Nguyễn, 39 tuổi, cư dân Garden Grove, làm việc trông trẻ tại nhà, là người có kinh nghiệm về chuyện “mua hàng ở ‘outlet’ chẳng rẻ gì.” Chị kể: “Cách đây chừng sáu năm, lần đầu đi ‘outlet,’ tôi mua được mấy chiếc giỏ nhỏ kiểu ‘crossbody’ hiệu Nine West chỉ có đâu chừng $9. Quần áo mua cũng thấy rẻ. Nhưng càng về sau này có cảm giác là đồ bán ở đó không còn rẻ như trước nữa, nhất là áo thun CK. Hồi trước nhớ là trên bảng giá của họ có ghi giá ‘company,’ rồi giá của tiệm rẻ hơn mấy chục phần trăm, rồi khi mua lại được bớt thêm 40% nữa, nên chuyện mua áo CK có khi chỉ $6, $7 là chuyện thường. Nhưng bây giờ thì chỉ có giá công ty thôi, rồi bớt thêm 25%, tính ra như vậy chờ lúc ở ‘mall’ ‘sale’ mua rẻ hơn, lại còn được thêm ‘credit.’”
Chất lượng: “Tiền nào của nấy?”
Cũng theo thăm dò 60% người hài lòng về chuyện đi mua sắm ở “outlet,” 8% phàn nàn về môi trường không gian của tiệm, như “đông đúc, ít phòng thử đồ, cửa tiệm không hấp dẫn, cách bố trí khó hiểu”. Có một phần ba người tham dự cuộc thăm dò của trang web này nhận xét rằng chất lượng hàng hóa ở “outlet” là “xuất sắc hoặc rất tốt”. Cũng khoảng một phần ba người lại đánh giá chất lượng hàng ở “outlet” là ngang bằng với chất lượng nhãn hiệu cùng tên bán tại các cửa hàng bình thường. 11% cho là chất lượng hàng bán tại “outlet” kém hơn một tí, nhưng cũng khó mà phân biệt được. Trong khi đó, có 2% khách nghĩ rằng chất lượng hàng hóa bán ở “outlet” thua xa hàng hóa bán tại những nơi khác. Ðặc biệt, hàng “outlet” của Banana Republic, Brooks Brotherd, Gap, J.Crew, và Pottery Barn bị cho là kém chất lượng hơn hẳn so với những hiệu khác.
Cô Xuyến Huỳnh, 43 tuổi, làm y tá, nhà ở Westminster, cũng đồng ý rằng “đương nhiên đồ ở ‘outlet’ làm sao bằng đồ ở ‘fashion mall?’” Nhưng cái “không bằng,” theo cô Xuyến, là “không bằng về mẫu mã, chứ chất lượng thì thấy cũng vậy”. “Nhưng chắc chắn cái gì mình ưng, chấp nhận mua thì nó thực sự rẻ hơn nhiều so với đồ bán ở ‘mall.’” Cô Xuyến nhận xét. Thực tế, người mua có thể dễ dàng nhận thấy rằng hàng hóa ở “outlet” không nhiều, không đa dạng, không có nhiều kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc như hàng bày bán trong các cửa hàng bán lẻ bình thường. Nhưng về chất lượng thì lại không dễ phân biệt.
So sánh hai chiếc áo sơ mi cùng hiệu Polo Ralph Lauren, một chiếc bán tại cửa hàng bán lẻ có giá $76.50, áo tại “outlet” giá $40, rẻ hơn 40%. Cả hai chiếc áo này đều được đặt may tại Trung Quốc, cùng kiểu, cùng chất liệu vải, nút, túi, khuy, đường may, đường chỉ dằn đều giống nhau. Nhưng khi chú ý kỹ sẽ thấy rằng mặt sau của cổ áo bán tại cửa hàng bán lẻ được may cùng loại vải, trong khi mặt sau của áo bán ở “outlet” may bằng thứ vải trơn khác màu.
Một thí dụ khác, quần jean hiệu Lucky Straight-Leg bán tại “outlet” là $39.50, rẻ hơn đến 60% so với chiếc quần cùng hiệu bán tại cửa hàng bán lẻ, giá $100. Tuy nhiên, quần tại “outlet” là 100% cotton, còn quần tại cửa hàng bán lẻ có 98% cotton và thêm 2% chất “spandex” giúp chiếc quần giữ được dáng tốt hơn. Cả hai có nhiều điểm giống hệt nhau từ túi, con đỉa đeo dây nịt, đinh tán túi, dây kéo có khóa chĩa xuống. Cái khác là quần đắt tiền có hàng chữ “Lucky You” dọc theo bên ngoài dây kéo và chữ “Lucky Me” dọc theo bên trong dây kéo. Còn quần rẻ tiền chỉ có chữ “Lucky You” thôi.
Một thí dụ khác là chiếc ví đựng giấy tờ (ID wallet) hiệu Coach. Giá bán ở “mall” là $138, giá ở “outlet” là $39. Ví bán ở “mall” được làm tại Ấn Ðộ có vải lót, có đường may chung quanh, và dẻo dai hơn. Còn ví ở “outlet” thì được sản xuất tại Trung Quốc, nắp gấp nhỏ hơn, và nó được dùng keo để dán các nếp lại chứ không phải may. Bên cạnh diện tích của các tiệm “outlet” nhỏ hơn hẳn so với các cửa hàng bình thường, 20% người tham gia thăm dò nhận xét là sự phục vụ tại “outlet” cũng chỉ dừng lại ở mức độ từ “tệ đến trung bình”. Chỉ có tiệm Harry&David là được điểm cao cho thái độ phục vụ, 8% phàn nàn về môi trường không gian của tiệm, như “đông đúc, ít phòng thử đồ, cửa tiệm không hấp dẫn, cách bố trí khó hiểu”. Thế nên, việc đi mua sắm ở “outlet” còn tùy thuộc vào sự “khó tính” hay không của người mua sắm. Hoặc là người mua sẽ “cảm thấy khó chịu” về những chiếc áo sao chẳng giống nhau y đúc, hoặc là sẽ cảm thấy “quá chừng sung sướng” khi tiết kiệm được tới 60% giá tiền vì mua được chiếc áo cùng nhãn hiệu.
“Mua sắm ở ‘outlet,’ thích hay không thích, thấy rẻ hay đắt, là tùy người thôi,” cô An Trần kết luận.
(source from NgocLan/NV daily News) / CHRIS PHAN … thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét