N°5 Chanel Paris được xem là một "sáng tác hoàn hảo", bạn đồng hành của những người đàn bà tân thời, táo bạo và yêu chuộng tự do hồi đầu thập niên 1920.DRMật vụ của Đức Quốc Xã, điệp viên Mỹ, các quan chức cao cấp nhất của Pháp dưới chế độ Vichy trong Thế Chiến Thứ Hai, bóng dáng của thủ tướng Anh Churchill và nghị lực của một người đàn bà xuất chúng đã góp phần viết nên huyền thoại nước hoa Chanel N°5Với chiếc lọ vuông vắn, N°5 Chanel Paris được xem là một "sáng tác hoàn hảo", bạn đồng hành của những người đàn bà tân thời, táo bạo và yêu chuộng tự do hồi đầu thập niên 1920. <!>
Cho đến tận ngày nay, Chanel N°5 vẫn là những món quà làm đẹp lòng phụ nữ.
Nhưng đằng sau những lọ nước hòa đầy nữ tính ấy, là cả một "một cuộc đại chiến", những màn đấu trí giữa nhà tạo mẫu thời trang Coco Chanel với hai cộng tác viên giúp bà đi vào lịch sử của nền công nghiệp nước hoa.
Sự hình thành
Ngược dòng thời gian, vào năm 1920, nhà tạo mẫu thời trang đã thành danh, Coco Chanel, có ý tưởng tạo ra một loại nước hoa cho phái đẹp, nhưng đó phải là "một sáng tác" đưa nước hoa lên hàng nghệ thuật và một "cuộc cách mạng" trong làng nước hoa thế giới.
Để đạt đến đích, bà cộng tác với Ernest Beaux, ông vua nước hoa phục vụ hoàng gia Nga.
Beaux sống và làm việc ở thành phố Grasse, nơi có những bông hoa nhài trắng muốt với hương thơm khác tất cả những giống nhài ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Lionel Paillès, một chuyên gia về các loại nước hoa trên thế giới kể lại, Coco Channel có tầm nhìn xa. Bà yêu cầu Beaux tạo ra một mùi hương cho phụ nữ và một mùi hương đầy nữ tính.
Cho tới thời bấy giờ, mỗi loại nước hoa thường gắn liền với hương của một loài hoa, như là hoa hồng, hoa nhài ... Chanel muốn đoạn tuyệt với xu hướng đó. Chịu ảnh hưởng của trường phái lập thể trong hội họa, Coco Chanel quan niệm, nước hoa mang tên bà phải có những mùi hương lập thể và trừu tượng.
Khi đặt tên cho nước hoa đầu tiên của mình, Chanel giải thích, bà luôn trình làng các bộ sưu tập thời trang vào ngày 05/05.
Đúng ngày này năm 1921, nhà may Chanel trình làng lọ N°5 đầu tiên. Những lọ nước hoa có hình dáng tựa như những chai rượu whisky lập tức chinh phục giới thượng lưu.
Là một nữ doanh nhân nhậy bén, Chanel tìm cách để N°5 đến được với công chúng một cách rộng rãi nhưng có chọn lọc.
Qua sự trung gian của chủ nhân cửa hàng Galerie Lafayette, Coco Chanel cộng tác với hai em nhà Wertheimer.
Pierre và Paul Wertheimer có gốc Do Thái, là chủ hãng mỹ phẩm Bourjois.
Năm 1924, công ty Parfums Chanel đặt tại Pantin, ngoại ô Paris, bắt đầu đi vào hoạt động.
Coco Chanel đã trao cho hai anh em nhà Wertheimer quyền sản xuất và phân phối nước hoa N°5. 70 % cổ phần thuộc về Paul và Pierre Wertheimer ; 20 % thuộc về chủ nhân Galerie Lafayette và 10 % dành cho Coco Chanel.
Mọi phí tổn đều do gia đình Wertheimer đài thọ. Chanel không phải bận tâm về bất kỳ điều gì.
Trở nên giàu có, bà dành thời gian cho các bộ sưu tập thời trang. Bà giàu có đến mức ở hẳn trong khách sạn Ritz sang nhất Paris thời đó.
Năm 1929, N°5 được bán ra trên toàn thế giới, trong đó Mỹ là một thị trường hết sức quan trọng.
Chuỗi dài của những trận chiến
Trở thành một trong những người đàn bà giàu có nhất, nổi tiếng nhất, thế lực nhất ..., nhưng Chanel bắt đầu cảm thấy gia đình Wertheimer làm giàu nhờ cái tên của bà.
Coco Chanel thay đổi thái độ với hai cộng tác viên thân tín và đắc lực nhất. Nhưng trong cuộc đọ sức này, Coco bị thua ở hiệp một. Chanel mất chức chủ tịch công ty mang tên bà.
Về cuộc sống riêng tư, nổi tiếng là một người phụ nữ đa tình, Coco thay tình nhân như thay áo.
Ngoài 50 tuổi, lần đầu trong đời, Mademoiselle Chanel nhận được lời cầu hôn. Rủi thay, vị hôn phu của bà đột tử.
Theo lời Rhonda Garelick, tác giả cuốn tiểu sử về Chanel, cái tang này cướp đi đam mê sáng tác của Coco.
Khi Thế Chiến Thứ Hai mở màn, Coco Chanel trụ lại Paris, dưới ách Đức Quốc Xã.
Hai anh em Wertheimer sang Mỹ tị nạn. Là những thương gia khôn ngoan, trước khi đáp tàu thủy sang định cư ở New York, gia đình Wertheimer đã chuyển nhượng toàn bộ hãng nước hoa Parfums Chanel cho một người bạn thân tín là Félix Amiot.
Ông này là người Pháp "thuần túy" và là nhà sản xuất chiến đấu cơ nổi tiếng. Máy bay Amiot 351 trong tay quân đội Pháp, là cơn ác mộng của ban tham mưu ở Berlin.
Đặt chân đến miền đất tự do là New York, hai anh em Wertheimer mua lại một nhà máy cũ kỹ ở New Jersey, cách đảo Manhattan một con sông, biến địa điểm này thành nhà máy sản xuất nước hoa Chanel thay thế cho cơ sở ở Pantin đã bị phá hủy.
Nhưng để có được nước hoa N°5 thì không thể thiếu giống hoa nhài mà chỉ thành phố Grasse của Pháp mới có được.
Và thế là Wertheimer thuê ông trùm gián điệp Mỹ, Herbert Gregory Thomas, một trong những cột trụ của cơ quan tình báo Hoa Kỳ, OSS, tiền thân của CIA đến tận Grasse.
Với vali chứa đầy vàng, Herbert Gregory Thomas sang Bồ Đào Nha, một quốc gia trung lập, rồi từ Bồ Đào Nha tìm đường sang Pháp, vượt qua mọi trạm kiểm duyệt của Đức Quốc Xã.
Vài tháng sau, ông trở lại New York, với hành lý gồm 300kg tinh dầu hoa nhài của vùng Grasse.
Tất cả đã sẵn sàng cho việc sản xuất nước hoa N°5 ngay trên đất Mỹ, để bán cho người Mỹ. Coco Chanel hoàn toàn không hay biết về dự án mở xưởng nước hoa Chanel tại New York của anh em nhà Wertheimer.
Chanel mở mặt trận chống Wertheimer
Tại Paris, dưới những năm tháng bị quân phát xít chiếm đóng, Chanel tiếp tục cuộc sống xa hoa.
Một trong những người tình của bà là trùm mật vụ Đức Quốc Xã.
Khi biết rằng những lọ N°5 được sản xuất trên đất Mỹ để bán cho người Mỹ và lại đắt như tôm tươi, Coco vô cùng phẫn nộ.
Bà huy động từ người tình đến toàn bộ những mối quen biết ở cấp cao nhất để "tiêu diệt hai thằng Do Thái Wertheimer" - những từ ngữ mà chính Chanel đã thốt lên.
Trước tiên, Chanel cho ra đời một loại nước hoa mới để "át" tiếng thơm của N°5 cho dù biết rằng vì hợp đồng với hãng Parfums Chanel, bà không được làm điều đó mà không có sự đồng ý của Félix Amiot, chủ nhân tập đoàn nước hoa này.
Nhưng Coco Chanel không sợ bị kiện ra tòa, vì bà tin tưởng vào những mối quen biết rất rộng của mình.
Ở hiệp thứ nhì, Coco Chanel huy động những người bạn sành điệu, gièm pha những lọ nước hoa N°5 sản xuất tại Mỹ, phao tin rằng đấy là những chai N°5 giả hiệu.
Ở hồi thứ ba, Chanel khai thác lá bài Do Thái để chiếm đoạt lại hãng nước hoa Parfums Chanel do hai anh em Wertheimer lập ra và đã nhờ Félix Amiot đứng tên trong thời gian họ tị nạn tại Mỹ.
Hồ sơ pháp lý liên quan đến hãng nước hoa Chanel được trình lên đến cấp cao nhất trong chính quyền Vichy thời đó.
Sau nhiều tháng tranh cãi, Coco ghi được một bàn thắng quan trọng : giới chức hành chính nghi ngờ anh em nhà Wertheimer mượn tên Amiot làm tấm bình phong để luồn lách luật của Đức Quốc Xã.
Nhưng theo lời sử gia Jean Marc Dreyfus đại học Manchester, Anh Quốc, ông Félix Amiot là một người vô cùng khôn ngoan.
Ông vừa cộng tác với quân Đức, vừa tài trợ cho phong trào kháng chiến Pháp.
Amiot là nhà sản xuất ra những chiếc chiến đấu cơ. Chế độ của Hitler đặt mua 360 chiếc máy bay ném bom AMIOT351.
Ký hợp đồng với Berlin, Félix Amiot không quên đả động tới hồ sơ Parfums Chanel.
Berlin điện về cho Paris. Năm 1941, chính quyền Pháp mở lại vụ kiện hãng nước hoa Chanel. Coco thua Félix.
Nhưng Chanel đâu dễ đầu hàng. Bà huy động người tình trùm mật vụ phát xít thường xuyên đi về giữa Paris và Berlin.
Coco sang tận Berlin, nói chuyện trực tiếp với lãnh đạo tình báo Đức Quốc Xã và hợp tác với cơ quan này dưới biệt danh F71-24.
Nhiệm vụ của Coco Chanel là sang Madrid, bắt lại đường dây liên lạc với một người bạn thâm niên là Winston Churchill, thuyết phục thủ tướng Anh ký hòa ước song phương với Hitler.
Những lá thư Chanel liên tiếp gửi cho Churchill không được hồi âm.
Âm mưu của Coco Chanel bị lộ. Tháng Giêng 1944, Coco rời Madrid, về lại Paris.
Mật vụ Pháp theo dõi bà. Gió đã xoay chiều. Tháng 08/1944, quân đồng minh giải phóng thủ đô Paris.
Nước Pháp tính sổ với những ai từng cộng tác với Đức Quốc Xã. Coco Chanel không là một ngoại lệ. Bà bị bắt ngày 29/08/1944.
Nhưng sau hai giờ hỏi cung, người phụ nữ lịch sự và sang trọng này được trả tự do, nhờ một lá thư gửi gắm có chữ ký của chính thủ tướng Anh, Winston Churchill.
Được tự do, Coco Chanel mở rộng cửa hàng sang trọng của bà trên khu phố Cambion, quận 1, Paris, mời lính Mỹ vào mua những lọ Chanel N°5 còn lại.
Amiot hoàn lại cho họ hãng nước hoa Parfums Chanel khi gia đình Wertheimer từ New York trở lại Pháp.
Pierre và Paul Wertheimer trao cho Coco Chanel ngân phiếu với một món tiền khổng lồ, tương đương với 10 % doanh thu từ những chai nước hoa N°5 vuông vắn bán ra trên đất Mỹ suốt những năm tháng chiến tranh.
Trận chiến giữa Chanel và anh em nhà Wertheimer như không để lại vết hằn. Cho đến tận ngày nay, toàn bộ đế chế Chanel, từ mỹ phẩm, nước hoa đến thời trang và cả đồ trang sức đều thuộc về những người thừa kế của Pierre và Paul Wertheimer.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét