(Dân trí) - Dù chỉ là những cây cầu nhỏ bắc ngang qua sông nhưng nhờ kiến trúc đặc biệt, vẻ đẹp cổ kính; những cây cầu ngói mang lại nét đẹp đặc trưng cho từng vùng đất xứ sở, đồng thời cũng là những công trình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
<!>
<!>
1. Chùa Cầu Hội An
Chùa Cầu được chọn là biểu tượng của thành phố Hội An, xuất hiện trên tờ 20.000 đồng. Đây là công trình do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Việt Nam xây dựng vào thế kỷ 17. Cầu dài khoảng 18m, vắt qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn.
Dấu ấn của văn hóa Phù Tang trên cầu thể hiện ở tượng gỗ đầu thú ở hai đầu cầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ. Trên cửa chính của Chùa Cầu có một tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán là Lai Viễn Kiều (có nghĩa là cầu của những người bạn từ xa đến). Phần gian chính giữa (gọi là chùa) thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, chuyên trấn trị lũ lụt ban niềm vui hạnh phúc cho con người.
Cùng với thời gian, kiến trúc của Chùa Cầu hiện mang đậm phong cách Việt Nam với mái lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu.
Vẻ đẹp về đêm của chùa Cầu Hội An. Ảnh: vntrip.vn
2. Cầu ngói Thanh Toàn
Cầu ngói Thanh Toàn cách thành phố Huế khoảng 8 km về phía Đông Nam thuộc xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy. Cầu được kiến trúc theo kiểu “Thượng gia, hạ kiều” tức trên nhà, dưới cầu. Thân cầu được làm bằng gỗ, phía trên lợp mái ngói ống tráng men.
Vẻ đẹp nên thơ của cầu ngói Thanh Toàn: Ảnh: Dân Việt
Cũng giống như Chùa Cầu Hội An, cầu ngói Thanh Toàn được chia thành các gian, mỗi gian như một ngôi nhà nhỏ trong ngôi nhà lớn. Cầu dài khoảng 17 m, rộng 4 m và được chia làm 7 gian với gian giữa là nơi thờ bà Trần Thị Đạo - người góp tiền xây cầu cho dân làng tiện đường qua lại vào thế kỷ 18. Sáu gian còn lại đều có bục gỗ hai bên để nghỉ ngơi.
Cầu ngói Thanh Toàn là một trong những chiếc cầu thuộc vào loại hiếm hoi và có giá trị nghệ thuật cao ở Việt Nam. Ảnh: webdulichhue.com
3. Cầu ngói Phát Diệm
Cầu ngói Phát Diệm bắc qua sông Ân nằm ở trung tâm thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, cách thành phố Ninh Bình khoảng 30 km.
Cầu có dáng cong cầu vồng, bên trên lợp ngói, hai bên là hai hàng cột gỗ và những song gỗ lim làm lan can rất chắc chắn. Cầu có 3 nhịp, mỗi nhịp có 4 gian. Chiều dài của cây cầu này là 36m, chiều rộng là 3m. Phía hai bên đầu cầu có các bậc tam cấp, chỉ người đi bộ mới qua được cầu. Trên cầu là mái che cầu phong li tô, lợp ngói đỏ cổ truyền của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Cầu ngói Phát Diệm nằm ở huyện Kim Sơn, Tỉnh Ninh Bình
So với Chùa Cầu Hội An và cầu ngói Thanh Toàn, cầu ngói Phát Diệm có dáng vẻ nhẹ nhàng và thanh thoát, thể hiện tài năng sáng tạo đặc biệt của người dân công giáo. Đây được đánh giá là cây cầu hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam. Cầu vừa có chức năng giao thông, vừa là một mái đình cổ kính, hơn nữa lại là điểm dừng chân tránh mưa nắng, nơi đôi lứa hẹn hò.
Cầu có dáng cong cầu vồng, bên trên lợp ngói, hai bên là hai hàng cột gỗ và những song gỗ lim làm lan can rất chắc chắn.
4. Cầu ngói chợ Thượng
Cầu ngói chợ Thượng thuộc thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Cầu bắc qua sông Ngọc cạnh chợ Thượng nên được gọi là cầu ngói chợ Thượng. Cây cầu được xây dựng vào thế kỷ 18 nhờ tiền công đức của bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân- cung phi của chúa Trịnh, là người con gái xuất thân làng Thượng Nông.
Cầu do Quý phi Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Một người phi được chúa Trịnh yêu thích) dành tâm sức thuê người vẽ mẫu phỏng theo cầu ngói Thanh Toàn ở Huế.
Kiến trúc cầu khá độc đáo, phần thượng gia với bộ khung gỗ và một mái nhà lợp ngói, cửa phía nam và phía bắc cầu được xây bằng gạch cao 2m; hai hồi đều có đại tự đắp nổi chữ “Thượng gia kiều” bằng chữ Hán. Mố cầu được xây dựng hoàn toàn bằng đá tảng nằm chắc chắn hai bên bờ sông Ngọc. Nhờ bệ cầu chắc chắn, suốt hơn 300 năm với bao biến thiên lịch sử, cây cầu vẫn đứng vững.
Dừng chân nơi một trong những cây cầu ngói cổ của cả nước, thấy thấp thoáng trong đó một thoáng văn hóa làng quê được gìn giữ tự bao đời dù cuộc sống nơi đây đã mang dáng dấp đô thị hóa, thấy lòng bình yên giữa trưa hè nắng gắt.
5. Cầu ngói chùa Lương
Đầu cầu được chạm hình tượng 2 con nghê chầu uy nghiêm đang nâng cuốn thư đề 4 chữ “Quần Phương xã kiều”.
Cũng thuộc Nam Định, cầu ngói chùa Lương thuộc xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, bắc qua sông Hoành, cách chùa Lương hơn 100m. Cầu ngói chùa Lương nằm trong cụm di tích lịch sử - văn hóa “chùa Lương, cầu Ngói, đình Phong Lạc” nổi tiếng của vùng đất Quần Anh xưa.
Kết cấu phía trong cây cầu trông đơn giản nhưng chắc chắn
Cầu có 9 gian uốn cong tựa cầu vồng trên 18 trụ đá vững chãi. Trên cột đá là hệ thống xà ngang, xà dọc bằng gỗ lim to chắc để đỡ các dầm, nâng sàn cầu, nhà cầu. Sàn cầu được thiết kế làm hai phần rõ rệt. Phần sàn của lòng cầu rộng 2m, gồm nhiều thanh gỗ lim ghép lại nằm trên hàng dầm uốn cong, đồng thời có nhiều thanh gỗ ngắn hơn vuốt tròn cạnh tạo thành nhiều giờ nổi để khách bộ hành lên xuống đỡ bị trượt chân. Hai bên cầu là hai dãy hành lang cũng được uốn cong để khách bộ hành có thể dừng chân ngồi nghỉ, phía ngoài hành lang là hàng lan can bằng gỗ.
Ngọc Thanh Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét