Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

CUỘC TRẤN ÁP SONG NGỌC BỊ NÊU ĐÍCH DANH TRƯỚC QUỐC HỘI ÚC

DÂN BIỂU CHRIS HAYES: “Chính quyền Việt Nam đang trấn áp các quyền hợp pháp và sự tự do của người dân.”
Vào 12 giờ trưa Thứ Năm 16.2.2017, giờ địa phương, Dân Biểu Liên Bang Chris Hayes đã có bài diễn văn trước Quốc Hội Úc tại thủ đô Canberra lên án việc nhà cầm quyền Việt Nam đã có hành động trấn áp giáo dân Song Ngọc trong cuộc biểu tình diễn ra hôm 14.2 vừa qua. <!>
Một cuộc biểu tình ôn hoà “do linh mục Công Giáo là Cha Nguyễn Đình Thục dẫn đầu nhằm thực thi quyền pháp lý của họ”, ông nói.
Trong bài phát biểu ông cũng đã lưu ý Quốc Hội Úc về tình trạng bắt người tuỳ tiện liên quan đến các trường hợp như anh Nguyễn Văn Hoá, Nguyễn Văn Oai và chị Trần Thị Nga bị bắt giữ trong những tuần lễ vừa qua.
“Nhà chức trách Việt Nam liên tục nhắm mục tiêu vào những người tranh đấu cho công lý thay vì đáng lý ra họ phải truy tố những kẻ đã gây ra tác hại lâu dài cho môi trường và cộng đồng địa phương. “ Và ông kết luận “Tôi lo sợ rằng những sự việc này và việc bắt giữ tùy tiện là những chỉ dấu cho thấy chính quyền Việt Nam đang trấn áp các quyền [hợp pháp] và sự tự do của người dân họ.”
Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Dân Biểu Chris Hayes trước Quốc Hội Liên Bang Úc:
——
“Tháng Tư năm ngoái, cá chết đã trôi dạt vào bờ biển miền Trung Việt Nam, từ Hà Tĩnh kéo dài xuống Huế và xuống gần cả thành phố Đà Nẵng. Các bằng chứng cho thấy đây là hậu quả của việc xả chất độc từ công ty sản xuất thép Formosa tại Hà Tĩnh, một công ty Đài Loan hoạt động trong khu công nghiệp Vũng Áng. Điều này đã tàn phá cuộc sống của ngư dân địa phương và tất cả những cộng đồng dựa vào nghề cá ở miền Trung Việt Nam. Với qui mô và tác động của thảm họa môi trường này, [tôi] thật sự lo lắng về mức độ đàn áp đang diễn ra với người dân, những người biểu tình ôn hòa, nhằm kêu gọi sự quan tâm về thảm họa môi trường này.
Tôi đã được các thành viên của cộng đồng người Việt cho biết thông tin về công an đã sử dụng vũ lực chống lại đoàn người biểu tình hết sức nghiêm trọng vào ngày 14 tháng 2 vừa qua, khi người dân thực hiện cuộc biểu tình do linh mục Công Giáo là Cha Nguyễn Đình Thục dẫn đầu nhằm thực thi quyền pháp lý của họ.
Hơn 500 người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thảm họa môi trường này đã tuần hành, và họ có ý định tuần hành tới một toà án để đòi bồi thường. Tôi được cho biết đoàn biều tình ôn hoà này dự trù tuần hành một đoạn đường dài 200 km để thực thi các quyền hợp pháp của mình, nhằm kiện công ty thép Formosa phải bồi thường. Tuy nhiên, nhà chức trách Việt Nam đã can thiệp và ngăn chặn những người tổ chức biểu tình từ việc thuê xe buýt để đi Hà Tĩnh. Hơn nữa, tôi được cho biết một số người biểu tình đã đến được Hà Tĩnh nhưng đã bị công an ngăn chặn không cho vào toà án và họ đã bị đối xử hết sức khắc nghiệt dưới bàn tay của nhà chức trách.
Đây là cuộc biểu tình mới nhất tiến hành bởi các tập thể bị ảnh hưởng tại miền Trung Việt Nam trong hành trình đi tìm công lý cho thảm họa môi trường này. Trong vài tháng qua, tôi đã được thông báo rằng người dân đã có nhiều cuộc tuần hành đông đảo để kêu gọi sự quan tâm về các vấn đề môi trường, và họ thường xuyên bị sách nhiễu, đe doạ bởi chính quyền địa phương. Đáng quan tâm hơn nữa, như tôi được cho hay, một số người hoạt động đã bị bắt giữ. Họ là những người thông tin và lên tiếng về các vấn đề liên quan đến thảm hoạ môi trường này. Điển hình là anh Nguyễn Văn Hoá, một nhà báo công dân 20 tuổi, anh đã loan tải nhiều thông tin về các cuộc biểu tình năm ngoái và đã bị bắt giữ một cách tuỳ tiện trong tháng Một và hiện đang bị biệt giam. Anh ấy đã bị cáo buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 của Bộ luật hình sự Việt Nam.
Tôi cũng đã được thông báo có thêm hai nhà hoạt động khác, những người đã nói về thảm họa môi trường cũng bị bắt giữ vào cuối tháng Một. Anh Nguyễn Văn Oai, một cựu tù nhân lương tâm và là người đồng sáng lập Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Công Giáo, đã bị bắt giữ ngày 19 tháng Một và bị buộc tội "chống người thi hành công vụ”. Bà Trần Thị Nga, một blogger và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, là người đã thường xuyên chia sẻ các thông tin về tham nhũng của công an và tường thuật nhiều về thảm họa môi trường Formosa, đã bị bắt giam ngay tại nhà mình. Đoạn video ghi lại cảnh bà bị công an bắt đã được phát tán rộng rãi trên các mạng xã hội. Bà Nga từng đi lao động tại Đài Loan, bà bị cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước.” Bà là mẹ của hai đứa con trai. Bà Nga đã từng phải nhập viện sau nhiều lần bị hành hung.
Tôi đề cập đến những sự việc này vì chúng đang xảy ra tại Việt Nam ngay trong lúc chúng ta đang nhóm họp. Chúng xảy ra chỉ nội trong tháng vừa qua. Đáng báo động là những người này, họ chỉ đòi hỏi sự thật và công lý, lại bị đánh đập, bị sách nhiễu, đe dọa và thậm chí còn bị bắt giam một cách tùy tiện. Nhà chức trách Việt Nam dường như có ý định trấn áp các nhà hoạt động, không cần biết lý do của các cuộc biểu tình là gì. Nhà chức trách Việt Nam liên tục nhắm mục tiêu vào những người tranh đấu cho công lý thay vì đáng lý ra họ phải truy tố những kẻ đã gây ra tác hại lâu dài cho môi trường và cộng đồng địa phương. Tôi lo sợ rằng những sự việc này và việc bắt giữ tùy tiện là những chỉ dấu cho thấy chính quyền Việt Nam đang trấn áp các quyền [hợp pháp] và sự tự do của người dân họ.
[Bản dịch do Nguyễn Hoàng-Thanh Tâm chuyển ngữ.]

Không có nhận xét nào: