Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2024

THĂNG HOA CUỘC ĐỜI - Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng (Kỳ 74 Tinh Thần Chống Ngoại Xâm + 75)


Nước Việt Nam ngày nay có thủ đô là Hà Nội, dấu tích của Thăng Long thành ngày xưa. Nó không phải là một kỳ quan, với những báu vật văn hóa vật chất hay phi vật thể nhưng trải qua một ngàn năm, Thăng Long vẫn in sâu vào máu thịt của mỗi người dân Việt như một Viện Bảo Tàng chống ngoại xâm phương Bắc. Chính Thăng Long thành đã trải qua những cuộc thăng trầm thay ngôi đổi chủ dù sót lại ít dấu tích nhưng lịch sử còn ghi dấu ấn vô cùng sâu sắc qua nhiều thời kỳ binh lửa từng bị tàn phá tưởng chừng như biến thành bình địa lâu xa. Qua dòng sử đau thương của dân tộc, tôi xin liệt kê mười ba lần Thăng Long là chứng tích chống quân xâm lược kể từ khi được Vua Lý Công Uẩn xây nên năm 1010.
<!>
- Lần thứ nhất: Ðánh bại quân xâm lược nhà Tống (1077)
- Lần thứ hai: Ðánh bại quân xâm lăng Mông Cổ (1257-1258)
- Lần thứ ba: Ðánh bại quân xâm lăng Mông Cổ (1284-1285)
- Lần thứ tư: Ðánh bại quân xâm lược Mông Cổ (1285-1288)
- Lần thứ năm suốt hai thập niên từ 1370 đến 1390, quân Chiêm Thành dưới sự chỉ huy của Chế Bồng Nga đã xâm nhập và đốt phá kinh thành Thăng Long 4 lần. Lần thứ nhất ngay sau khi Nghệ Tông mới lên ngôi vào tháng 3 năm Tân Hợi (1371), Chiêm Thành tiến quân vào từ cửa biển Ðại An thẳng đến chiếm cứ Kinh Ðô. Lần đốt phá Thăng Long thứ hai của quân Chiêm xảy ra năm (1377). Lần đốt phá Thăng Long thứ ba xảy ra năm Mậu Ngọ (1378) và lần đốt phá thứ tư, quân Chiêm tiến vào năm Quý Hợi (1383). Chỉ sau khi Chế Bồng Nga bị tướng Trần Khắc Chân giết chết, quân Chiêm thấy Quốc Vương mất mạng, tan vỡ, bỏ chạy, từ đó nước ta mới tạm yên với quân Chiêm ở mạn Nam.

Lần thứ 10 là cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc của giặc Minh, tiến hành vào năm 1406, và chấm dứt với cuộc kháng chiến chống Minh của anh hùng Lê Lợi (1418-1428). Ðây là một xâm lược có thể được xếp vào loại man rợ hung tàn nhất trong lịch sử nhân loại, mà hậu quả là chúng xóa hết nền văn học Lý-Trần, thể hiện tính chất man rợ và bất nghĩa. Chúng chủ trương hủy hoại đến tận gốc mọi nguồn sức mạnh đã làm nên con người Việt Nam qua chính sách tiêu diệt bất cứ cái gì thuộc về lĩnh vực văn hóa, tâm linh do Minh Thành Tổ chủ động xếp đặt.

Lần thứ 11 do quân nhà Thanh xâm lược vào mùa đông năm 1788 với bốn đạo binh gồm 29 vạn quân rầm rộ kéo sang nước ta tựa như nước vỡ bờ tràn vào thành Thăng Long. May mắn thay, chúng ta có một Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ tức người anh hùng áo vải Tây Sơn tức Đại đế Quang Trung quét sạch quân Thanh ra khỏi bờ cõi. Ðây là chiến công oanh liệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Rồi Pháp Thuộc và Nhật Hoàng cũng từng thiết lập chính phủ bảo hộ tại Hà Nội tức Thăng Long được xem như con số mười ba vẫn hiên ngang còn đó.

Thục ra cuộc sống của con người là một hành trình xuyên thời gian thường được nhìn nhận qua ba khoảnh khắc: quá khứ, hiện tại và tương lai. Tri thức thông thường cho rằng quá khứ gồm những biến cố, những hành động, những sự kiện đã xảy ra và trôi đi cùng thời gian, không thể níu lại hay nắm bắt được, còn hiện tại là những gì đang diễn ra trước mắt, đang chi phối tâm, trí và thân xác con người... và tương lai là những cái chưa đến vì đó là những sự kiện còn nằm trong ước mơ, trong trí tưởng tượng chưa xảy đến nghĩa là chưa thành hiện thực...

Đối với một cá nhân, những gì đã xảy ra trong quá khứ đều trở thành hoài niệm và được lưu giữ trong ký ức; đối với một tập thể, một xã hội loài người hoặc một quốc gia, thì những gì đã trôi ra liên quan đến vận mệnh, đến tâm tư tình cảm của con người trong xã hội hay quốc gia đó đều trở thành lịch sử được bảo tồn trong ký ức quần chúng.

Người ta thường xem quá khứ, hiện tại và tương lai như tách rời nhau. Nhưng thực ra, trong cuộc sống hàng ngày của con người, đặc biệt là cuộc sống tâm linh, "Quá khứ qua rồi nhưng vẫn còn đó, tương lai chưa đến nhưng đã có đó rồi!". Bởi vì "hiện tại chỉ là một khoảnh khắc biểu kiến" đối với sự trôi chảy không ngừng của thời gian...dường như không có độ dài. Bởi vì khi con người vừa có ý thức về hiện tại thì nó đã trở thành quá khứ rồi. Thật đấy, khi ta nói "một giờ" thì không còn là một giờ đích thực nữa mà là một giờ cộng với mấy giây... bởi thời gian không dừng lại.

Hiện tại là khoảnh khắc mà con người nhớ về quá khứ và mơ ước tương lai cho nên quá khứ và tương lai thường tiếp nối nhau. Ngày hôm nay bắt đầu từ ngày hôm qua và ngày mai sẽ bắt đầu từ ngày hôm nay... Do đó, đời sống con người không thể tách rời với quá khứ, không thể phủ nhận tương quan với quá khứ.

Nói rộng ra, sự tồn tại của một dân tộc, một quốc gia không thể tách rời lịch sử. Bởi vì lịch sử là Mạch Tâm Linh của một dân tộc.

Trong lời giới thiệu khi in lại cuốn “Việt Sử Tiêu Án” của Ngọ Phong Ngô Thời Sĩ (thế kỷ thứ XVIII), bản dịch của Hội Việt Nam Nghiên Cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu, nhóm Văn Sử-San Jose (tháng 4/1991) đã ghi nhận “Người Việt Nam vốn yêu lịch sử đến độ đưa lịch sử thành như tôn giáo: Sử Đạo. Đời nọ sang đời kia, những truyện sử, biến cố, nhân vật, địa danh… đều được kể cho nhau biết, hát và ngâm cho nhau nghe… Bởi thế, ta mới có truyện tích, ca dao, thành ngữ, tục ngữ, hát chèo…Ta có các bộ sử viết bằng thơ như ‘Thiên Nam Lục Ngữ’ (thế kỷ XVII), ‘Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca’ (thế kỷ XIX)..” Ngoài ra còn có “Việt Điện U linh tập”(Lý Tế Xuyên-thế kỷ XIV, Nhà Trần), “Truyền Kỳ Mạn lục”(Nguyễn Dữ-Thế kỷ 16), “Lĩnh Nam Chích Quái” (Trần Thế Pháp- 1492)…là những truyện kể có tương quan với lịch sử Dân Tộc Việt từ thời huyền sử được dân gian say mê truyền tụng.

Và gần đây nhất, cuối thế kỷ thứ XX, năm 1993, bộ Việt Sử Giai Thoại của Nguyễn Khắc Thuần đã ra đời với ý hướng “Giới thiệu kho giai thoại của lịch sử nước Việt chính là góp phần giới thiệu những gì thiêng liêng, vĩnh tồn trong cộng đồng người Việt với văn hóa Việt nói chung”

Bài tựa sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có đoạn nói rằng “Sử chủ yếu là để ghi chép sự việc, có chính trị của một đời, hẳn nhiên phải có sử của một đời, ngọn bút chép sử bao giờ cũng giữ nghị luận rất nghiêm: ca ngợi thịnh trị thì sáng tỏ chẳng kém mặt trời, mặt trăng; lên án lũ loạn tặc thì gay gắt không thua sương thu giá buốt; người thiện có thể theo đó mà bắt chước; kẻ ác có thể biết mà tự răn, quan hệ chính trị quả là nhiều lắm…” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ngoại ký, Quyển thủ, tờ 1).

Trong viễn tượng “giới thiệu những gì thiêng liêng, vĩnh tồn với cộng đồng người Việt xuyên suốt văn hóa Việt nói chung” chúng ta không thể lãng quên cội nguồn dân tộc mà sau này con cháu thế hệ di cư đời thứ ba, thứ tư kể cả những trí thức trẻ từng thao thức với nỗi đau thương và tủi nhục của dân tộc trong lịch sử cận và hiện đại không có dữ liệu tìm tòi nên tôi xin ghi lại những đóng góp của tiền nhân trong công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ sự vên toàn lảnh thổ.

Lịch sử cuộc Khởi Nghĩa chống giặc nhà Minh của anh hùng nông dân Lê Lợi không phải là trang sử ký mà là chuyện dã sử nhẹ nhàng, gần gũi, cô đọng vào dòng diễn biến của các sự kiện, các biến cố xãy ra trên quê hương yêu dấu ngày nào. Dủ vậy từng nhân vật, cảnh núi rừng, sông suối Lam Giang, Chí Linh, Hồng Lĩnh, Lũng Nhai…là sự thật để đưa tâm tư độc giả bay lên cùng với gió mây hầu gặp hồn dân tộc một thuở, một thời gian khổ, điêu linh cùng vinh quang thắng lợi…Mời quý vị cùng đọc truyện dã sử không tiểu thuyết hóa, nghĩa là không có những sự kiện hư cấu, luôn ghi rõ ngày tháng và nơi chốn diễn ra các cuộc họp, những trận đánh oai hùng vì rằng “Không thể có lịch sử mà không ngày tháng cũng như, địa lý mà không có bản đồ.”

Ngày nay quê hương Tổ Quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta đang đối diện với họa Bắc xâm quy mô và thâm độc hơn ngàn lần chính sách xâm lăng và đồng hóa của Minh Thành Tổ cách đây bảy thế kỷ, do vậy những dòng chữ kết thành Thăng Hoa Cuộc Đời để cảnh báo nhà cầm quyền Cộng sản và toàn dân tộc Việt về một lần Bắc thuộc thứ x…và mong muốn có một Lê Lợi thời đại đứng lên làm lịch sử cứu nước, giúp dân, giành lại toàn vẹn lãnh thổ, thay đổi vận mệnh Việt Nam.

Có hai nhân vật in dấu ấn đậm trong tâm khảm dân Việt từ nhiều thế kỷ qua là Lê Lợi và Nguyễn Trãi bởi hồn Việt trong tư tưởng và hành động của các ngài là ngọn đuốt soi đường cho thanh niên Việt Nam hướng đi cứu nước.

Lê Lợi sinh năm Ất Sửu (1385) tại Lam Sơn (Kẻ Cham), nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, trong một gia đình "đời đời làm quân trưởng một phương". Ông là con út của Lê Khoáng và Trịnh Thị Ngọc Hương, nối nghiệp cha làm chúa trại Lam Sơn. Khi quân Minh chiếm đất nước, ông nuôi chí lớn đánh đuổi xâm lăng. Quân nhà Minh nghe tiếng ông, dụ cho làm quan, ông không chịu khuất phục. Ông nói: "Làm trai nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chớ sao lại chịu bo bo làm đầy tớ người?". Năm Lê Lợi hăm mốt tuổi cũng là năm nhà Minh đem tám mươi vạn quân sang xâm lược nước Việt. Cuộc kháng chiến chống Minh của vương triều nhà Hồ thất bại, đất nước rơi vào ách thống trị tàn bạo của giặc Minh. Trước cảnh quê hương bị kẻ thù giày xéo, tàn phá, Lê Lợi đã nung nấu một quyết tâm đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi.

Đầu năm Bính Thân (1416), tại núi rừng Lam Sơn trên đất Thanh Hóa, Lê Lợi cùng với mười tám người bạn thân thiết, đồng tâm cứu nước đã làm lễ thề đánh giặc giữ yên quê hương trong hội Thề Lũng Nhai. Tin Lê Lợi dựng cờ nghĩa, chiêu mộ hiền tài bay xa, thu hút các anh hùng hào kiệt từ bốn phương kéo về đất Lam Sơn tụ nghĩa.

Các tầng lớp dân chúng và thành phần xã hội khác nhau, những tiêu biểu ưu tú như: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích, Lê Lai, Nguyễn Xí…. cùng tôn Lê Lợi là Bình Định Vương, truyền hịch đi khắp nơi, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước. Lê Lợi là linh hồn, là lãnh tụ tối cao của cuộc khởi nghĩa ấy, từ mở đầu tới kết thúc thắng lợi qua các giai đoạn phát triển và chiến lược, chiến thuật đã chứng minh Bình Định Vương là người có tầm vóc của một thiên tài, một nhân cách vĩ đại, chỉ thấy ở những lãnh tụ mở đường, khai sáng triều đại hậu Lê.

Riêng Nguyễn Trãi là nhà chiến lược tài ba, đặc biệt là chiến lược “mưu phạt tâm công” tức đánh vào lòng người, đó là một chiến lược cơ bản trong Bình Ngô sách mà Nguyễn Trãi đệ trình cho Lê Lợi ngay lúc khởi nghĩa Lam Sơn còn ở trong thời kỳ phôi thai. Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai thi đỗ Thái học sinh, ra làm quan dưới triều Hồ, cha là Hàn lâm học sĩ nhà Hồ tức Nguyễn Phi Khanh và bà Trần Thị Thái, con gái của quan Tư đồ nhà Trần là Trần Nguyên Đán. Nguyễn Trãi là Khai quốc công thần, là văn thần có uy tín ở thời đầu nhà Hậu Lê, một con người đầy tài hoa, khí phách, một thiên tài trong lĩnh vực quân sự, chính trị và ngoại giao.

Khi lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi và Nguyễn Trãi “đánh vào lòng địch” với phương thức chủ yếu là dụ hàng, thực hiện hòa đàm, dùng lý lẽ để buộc địch chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước. Thực tế lịch sử đã chứng minh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi thành công rực rỡ trong việc thực hiện chiến lược đánh vào lòng người.

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử dựng nước gắn liền với giữ nước. Trải qua hàng chục cuộc kháng chiến và khởi nghĩa lớn của dân tộc, ông cha đã để lại cho thế hệ hôm nay nhiều kinh nghiệm quý giá, nhiều nét đặc sắc trong nghệ thuật tiến hành chiến tranh.

Xin được mô tả tài lãnh đạo không chỉ biết chấn chỉnh những hạn chế của cuộc kháng chiến trước đó mà còn có nhiều sáng tạo về nghệ thuật quân sự trong khởi nghĩa và chiến tranh giành độc lập, tự chủ cho nước nhà làm bài học cho hậu thế “ôn cố tri tân”

Cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược kết thúc tốt đẹp là nhờ hiệu quả tổng hợp của quân sự, chính trị, ngoại giao, bằng sức mạnh của vũ khí và tài ba, ý thức của con người yêu nước, bằng chính nghĩa, đạo lý, lòng nhân và ý chí hòa bình của dân tộc Đại Việt đi đến một lời tuyên ngôn hùng tráng:

“Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ mà lại thái
Nhật nguyệt mờ mà lại trong
Muôn thuở nền thái bình vững chắc,
Ngàn thu vết nhục nhã sạch làu…”

Toàn dân chúng ta muốn dân tộc Việt Nam ngày nay phải thực hiện những mưu trí của tiền nhân để chống lại quân xâm lược Bắc Kinh đang hung hăng chiếm cứ đảo biển, mưu đồ áp đặt Việt Nam dưới ách thống trị kiểu phong kiến lỗi thời xa xưa? Dù Việt Nam có nhiều kinh nghiệm đối phó với bành trướng Trung Cộng hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới qua lịch sử hàng ngàn năm, nhưng lần này thì Việt Nam không thể một mình đương đầu với sự bành trướng chủ nghĩa đại Hán bá quyền nên bài học của Lam Sơn khởi nghĩa bằng mưu trí, kết hợp, đánh vào lòng người sẽ ít nhiều góp phần trong đại cuộc tranh đấu để vẹn toàn lãnh thổ và dân chủ hóa đất nước trước tiên. Một Việt Nam dân chủ thật sự sẽ tăng cường hiệu quả nền chính trị, đạo đức cũng như các tổ chức dân sự xã hội; giúp Việt Nam củng cố quyền độc lập trước nguy cơ Trung Cộng xâm lược, sẽ thu hút sự yểm trợ của quốc tế, và tất nhiên tạo được sự đoàn kết dân tộc để giải quyết mọi vấn đề đất nước trên nguyên tắc đồng thuận và tự quyết.

Kỳ 75  
Ai thay quốc hiệu Đại Ngu?
Giặc Minh đô hộ mây mù quanh năm!


 Ánh dương chỉ còn chặng con sào là tụt khuất sau dãy Quang sơn nhưng hơi nóng vẫn còn oi ả, nắng tháng bảy vàng nhợt sau những đợt mưa giông, sấm chớp cũng chỉ đẩy lùi cái bứt rứt, ngột ngạt đôi phần, rồi gió Lào từ hướng Tây thổi đến phủ trùm cả không gian mênh mông khiến nơi đâu cũng hâm hấp trong bối cảnh oi ả khó chịu, các hương lộ cũng bốc lên hơi nóng quyện với bụi đường khi những chiếc xe ngựa, xe bò ngang qua dẫn tít xa tới hoàng cung đầy bóng cây rũ lá. Cung đình là chốn ngựa xe như nước, áo quần như nêm mà lúc này trống vắng đến khiếp sợ. Cô đơn trong chiều vắng, ngột ngạt trùm tiết hè, khô hắt như miếng bánh tráng quá lửa, dòn và dễ vỡ của người gánh hàng bán rong có thể sánh cảnh chiều tàn giữa cung đình quyền uy và đất trời tự nhiên biến hiện.
Hàng liễu thẳng tắp chạy từ ngọ môn vào điện Kính Thiên rũ lá xuống mặt hồ Phượng Liên nhưng không in bóng thướt tha, bởi lẽ sen tháng bảy hoa không trổ nhụy, nước trong hồ cạn queo chỉ trồi lên lớp bùn nứt nẻ đến nỗi cỏ lia thia cũng cháy từng chòm vàng chạch, nâu sì. Không gian u uất một cách kinh dị, đền đài náo nhiệt, tấp nập quan binh ngày nào là vậy mà giờ đây, khoảnh khắc lặng thinh như điêu tàn, đổ nát chất chứa sự u uẩn trầm mặc của thành trụ hoại không, của vô thường biến diệt. Nơi này đây, cây cầu Long Trì uốn cong theo hình nguyệt cung sơn màu đỏ tía, bắc ngang hồ thủy tiên dành cho các sứ thần và đại quan nhập điện triều kiến dung nhan thánh thượng, thì giờ đây chỉ còn lại những tấm gỗ đầy rong rêu bởi cây đại thọ trốc gốc đổ nhào chặn lối ra vào gây ra từ trận bão năm Mậu Thìn.
Dây leo chùm gởi quấn chung quanh thành lan can cũng khô đét vì thiếu nước trồi ra chùm rễ bám đen như những con sâu rạm chuyển mình. Hai tượng kỳ lân trong tư thế chầu nghi được mang về từ Ngũ hành sơn tạc bằng đá non nước đã day mặt đi nơi khác, tàn lá đập vào khiến cho những hoa văn trầy trụa thêm cỏ dại phủ che như bao hòn đá vô tình trong lối đi hoang dã.
…Nhớ thuở xưa sau khi đại thắng Bạch Đằng giang ngày mùng Chín tháng Tư năm Mậu Tý (1288), Vua Trần Nhân Tông đã kết thúc vẻ vang cuộc chiến chống Nguyên-Mông lần thứ ba. Đến khi Trần Hưng Đạo đại vương dặn vua Trần Anh Tông với lời di chúc trị nước an dân năm Canh Tý (1300) là phải “Khoan thư sức dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó mới là thượng sách giữ nước”. Tiếc rằng, chỉ mấy chục năm sau, vua Trần Dụ Tông (1341-1369) điều hành chính sự thối nát, vua ham chơi, lánh xa người trung, kết thân những kẻ xu nịnh khiến hàng ngũ đường quan trong triều do bọn quyền thần lộng hành, thả sức thao túng, làm cho muôn họ lầm than, cơ đồ lay chuyển.
Một nhà nho trung thần như Chu Văn An giữ chức Tế Tửu Quốc Tử Giám, người học rộng, tính khí cương trực khẳng khái nói lời thẳng thắn can ngăn vua. Ông viết sớ dâng Hoàng đế xin chém đầu bảy kẻ quyền thần nhưng vua không thuận, ông đành trả mũ áo từ quan, về ẩn cư trên núi Chí Linh tại Hải Dương, đào tạo nhân tài cho thế hệ mai sau. Bản sớ cuối cùng ông gửi đến tay vua khi còn ở Thăng Long đã đi vào sử sách, được ghi nhận là “Thất trảm sớ, nghĩa động càn khôn” (1).
Đến cuối thế kỷ thứ mười bốn nhà Trần đã hết sức suy yếu, không tự cứu mình được bằng những biện pháp cải cách, để cho Hồ Quý Ly dần dần thâu tóm mọi quyền lực, từng bước loại bỏ thế lực của hàng ngũ quý tộc nhà Trần.
Năm Đinh Sửu (1397), Hồ Quý Ly cho xây thành An Tôn ở Thanh Hóa để buộc vua Trần phải dời đô về đấy. Thành quách mới được gọi là Tây Đô, còn thành Thăng Long không sử dụng như kinh đô của đất nước nữa, được đổi tên là Đông Đô. Sự kiện này đã đưa dân tộc vào con đường lầm than với đại họa xâm lược của Tàu lần thứ tư…                 
Số là Hồ Quý Ly (1336–1407) đã được tiến thân từ một đại thần dưới thời nhà Trần, còn có tên là Lê Quý Ly tự là Lý Nguyên.  Tổ tiên Hồ Quý Ly là Hồ Hưng Dật vốn người Chiết Giang, Trung Quốc, đời hậu Hán thời Ngũ đại Thập quốc (năm 947-950) sang làm Thái thú Diễn Châu và định cư ở hương Bào Đột, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đến đời nhà Lý, có người trong họ lấy công chúa Nguyệt Đích, sinh ra công chúa Nguyệt Đoan. Đời cháu thứ mười hai là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lại, Thanh Hóa, làm con nuôi Tuyên úy Lê Huấn, từ đấy lấy Lê làm họ mình và Quý Ly là cháu bốn đời của Hồ Liêm.
Hồ Quý Ly có hai người cô đều được vua Trần Minh Tông lấy làm cung phi và đều trở thành mẹ của hai vị vua nhà Trần, do đó ông sớm được đưa vào làm quan trong triều đình. Ông là người có tài năng, lanh lợi nên rất được vua Trần trọng dụng và cho nắm giữ nhiều chức vụ cao nhất trong triều đình. Năm Tân Hợi (1371), vua Trần Dụ Tông phong Hồ Quý Ly làm Trưởng cục Chi hậu. Đời Trần Nghệ Tông ông được phong làm Khu mật Đại sứ, lại gả em gái là công chúa Huy Ninh. Trong hơn hai mươi năm làm đại thần nhà Trần, Hồ Quý Ly nhiều lần được cử cầm quân ra mặt trận chống lại Chiêm Thành và sau khi chiến tranh lắng xuống, các người của tông thất nhà Trần thấy uy quyền trong triều của Hồ Quý Ly quá lớn, sợ ông cướp ngôi nên lập mưu giết ông. Tuy nhiên họ Hồ được sự tin tưởng tuyệt đối của Thượng hoàng Trần Nghệ Tông nên vương ra sức ủng hộ và che chở ông, những người mưu hại ông đều bị Thượng hoàng giết, trong đó có cả con, cháu của chính Thượng hoàng. Vua Trần Nghệ Tông nhường ngôi cho em là Trần Duệ Tông, vị vua thống lãnh binh mã đi đánh Chiêm Thành và bị sát hại tại đó, rồi đến Trần Phế Đế, Trần Thuận Tông và Trần Thiếu Đế là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Trần kéo dài một trăm bảy mươi lăm năm.
Năm Ất Hợi (1395), Thượng hoàng Trần Nghệ Tông băng hà, Vua Trần Thuận Tông đương vị nên Hồ Quý Ly được phong làm Phụ chính Thái sư nhiếp chánh, tước Trung tuyên Vệ quốc Đại vương, nắm trọn quyền hành trong nước; Vua Trần Thuận Tông là con rể nên hoàn toàn bị ông thao túng. Triều chính lúc này rối rắm vô cùng, các quan văn, võ chia bè kết đảng, nhà vua nhu nhược không quyết đoán đại sự quốc gia, muôn dân khốn khổ khiến Hồ Quý Ly nảy sinh ý định soán ngôi. Trước tiên họ Hồ ép vua Trần Thuận Tông đi tu để nhường ngôi cho con trai là Trần Thiếu Đế tức là cháu ngoại của Hồ Quý Ly. Sau đó, vì tân vương quá nhỏ nên quyền bính trong triều đều do một tay họ Hồ định đoạt.
Thật ra Hồ Quý Ly là một nhân vật đặc biệt trong giai đoạn đầy khủng hoảng trong một xã hội nhiễu nhương, kinh tế suy vi, tư tưởng dao động nên cung đình cần phải thay đổi. Có thể bắt đầu từ Vua Trần Nghệ Tông đã biết họ Trần quá nhu nhược và bất lực, nên năm Quý Dậu (1393) đã từng nói với Hồ Quý Ly rằng: “Bình Chương (3) là họ thân thích nhà vua, mọi việc nước nhà đều trao cho khanh cả. Nay thế nước suy yếu, trẫm thì già nua. Sau khi trẫm chết, quan gia nếu giúp được thì giúp, nếu các tân vương hèn kém ngu muội thì khanh cứ tự nhận lấy ngôi vua". 
Nhu cầu thay đổi của quốc gia, muốn cho sự thăng tiến của một đất nước đã được điều hành từ triều đình bất lực, năm Canh Thìn (1400), ông phế truất Trần Thiếu Đế rồi lên làm vua, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên và thay quốc hiệu là Đại Ngu.
Sở dĩ Lê Quý Ly đổi sang họ Hồ vì tự  nhận mình có thủy tổ là Hồ Công Mãn, dòng dõi vua Thuấn nên sau khi soán đoạt vương triều, ông liền đặt quốc hiệu là Đại Ngu để kế tục Ngu Thuấn bên Trung Hoa.
Hồ Quý Ly phát triển mọi mặt để phù hợp với sự canh tân xã hội như mở nhiều khoa thi tuyển chọn nhân tài từ bình dân thay thế giới quý tộc, truyền bá tư tưởng Khổng giáo, hạn chế xây cất chùa chiền như dưới thời nhà Trần, bắt tăng ni dưới năm mươi tuổi hoàn tục. Sử dụng đạo quân thần hơn quan hệ tông tộc, ít dùng người họ hàng làm quan lại mà khuyến khích, hỗ trợ người khác tôn thất làm quan lớn như đề cử ông Nguyễn Phi Khanh là cha của Nguyễn Trãi làm Hàn lâm học sĩ. 
Về đất đai ruộng vườn thì hạn chế danh điền tức ruộng tư nhân, đất đai thừa ra phải hiến sung công; hạn chế gia nô và khuyến khích những dòng tộc lớn sung công những lao nô để đi quân dịch, bảo vệ đất nước.
Về việc cải cách tiền tệ và phát hành tiền giấy là một thay đổi mới, lần đầu tiên được áp dụng trên khắp chốn Đại Ngu. Hồ Quý Ly ra chiếu chỉ đề ra những biện pháp nghiêm ngặt rằng, kẻ làm tiền giả bị tội chết, ruộng đất, tài sản bị tịch thu. Trước kia dùng tiền đồng đến thời nhà Hồ thì cấm tuyệt tiền đồng, không được chứa lén, tiêu vụng, tất cả thu hết về kho ở kinh thành.
Việc cải cách văn hóa, giáo dục thì khuyến khích sử dụng chữ Nôm nhưng lại đề cao Nho giáo. Đặc biệt là triều đình ban hành chính sách khuyến học cho mở trường đến các phủ châu, ban cho quan điền để chi về việc học, mở nhiều khoa thi kén chọn người tài. Khoa thi Thái học sinh năm Canh Thìn (1400) đã có gần hai mươi người thi đỗ, trong đó có Nguyễn Trãi.
Cải cách về quân sự, nhà vua cho lập sổ hộ tịch để bổ sung quân ngũ. Đóng thuyền đinh sắt để chiến đấu, chấn chỉnh lại quân sự, xây dựng thêm thành trì mới, cấu trúc lại các thành trì cũ.
Hồ Quý Ly nỗ lực toàn diện để thay đổi bộ mặt xã hội, lấy kinh tế làm trọng tâm hầu cống hiến đáng kể cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của dân tộc.  
Chưa được một năm chấp chánh, Hồ Quý Ly nhường ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương rồi lên làm Thái Thượng hoàng nhưng vẫn tự mình quyết đoán mọi công việc. Để có nhiều quân chống lại Bắc phương, Hồ Quý Ly lập ra hộ tịch bắt mọi người cứ hai tuổi trở lên phải kê khai danh tánh. Hộ tịch làm xong, số người từ mười lăm tuổi đến sáu mươi hơn gấp mấy lần trước. Ông phân chia Nam Bắc gồm mười hai vệ, Đông Tây phân ra tám vệ. Mỗi vệ có mười tám đội, mỗi đội có mười tám người. Đại quân có ba mươi đội, trung quân hai mươi đội, mỗi doanh có mười lăm đội, mỗi đoàn có mười đội. Ngoài ra còn năm đội cấm vệ quân. Tất cả do một Đại tướng thống lĩnh.
Cuối năm Bính Tuất (1406), lấy cớ "Phù Trần diệt Hồ", vua Minh Thành Tổ của Trung Hoa sai Trương Phụ, Mộc Thạnh mang hai mươi vạn quân sang đánh Đại Ngu. Trước các mũi tiến công của giặc Minh, đội quân nhà Hồ cương quyết chặn đánh ở những nơi hiểm yếu và phòng ngự tại tuyến nam sông Hồng. Trương Phụ thừa cơ hội tập trung binh lực vượt sông Hồng đánh chiếm thành Đa Bang. Hồ Hán Thương vận động tất cả quân dân kháng chiến chống Minh nhưng vì lòng dân chưa cảm phục nhà Hồ soán ngôi nên đến cuối năm Bính Tuất (1406) thành Đa Bang thất thủ, tuyến phòng ngự của quân nhà Hồ tan vỡ, quân Minh tràn xuống chiếm cố đô Thăng Long. 
Trận phản công thất bại, Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương đem theo các thuộc hạ chạy ra biển rồi vào Thanh Hóa. Vừa đến được sông Mã Giang thuộc đất Lỗi Giang thì quân Minh đuổi kịp, quân Hồ lại một phen tan tác nên Tướng của nhà Hồ là Ngụy Thức(4) thấy thế nguy cấp, bèn tâu: -"Nước đã mất, làm ông vua không nên để cho người ta bắt được, xin Bệ hạ tự đốt đi mà chết còn hơn."
Hồ Quý Ly giận lắm, bắt Ngụy Thức chém đầu trước ba quân rồi theo đường mòn chạy vào Nghệ An. Quân Minh tiếp tục đuổi theo đến Kỳ La thuộc huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh thì cha con Hồ Quý Ly lọt vào ổ phục kích và bị bắt vào khoảng tháng Sáu năm Đinh Hợi (1407) giải về Bắc Kinh, chấm dứt bảy năm xây vương nghiệp nhà Hồ của nước Đại Ngu, mở màn trang sử đen tối cho dân tộc với nạn đô hộ của giặc Tàu lần thứ tư này. (Còn tiếp kỳ tới)

NHD

Không có nhận xét nào: