Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2024

Chỉ Còn Vài Ba Ngày Nữa Là Tới Rằm Tháng 8! Mừng Tết Nhi Đồng, Mừng Tết Trung. Giới Thiệu Chiều Nhạc “Em Không Nghe Mùa Thu!” Và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Chỉ Mừng Lớn Thua Tết Nguyên Đán! Còn Vài Ba Ngày Nữa Là Rằm Tháng 8! Mừng Tết Nhi Đồng, Mừng Tết Trung 2024! Lời Chúc: ''Tùng dinh dinh, tùng tùng, dinh dinh'' hay “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi!” vậy là ngày Tết, ngày hội lớn, được trông đợi nhất năm cũng đã đến. Cái không khí náo nhiệt của Trung Thu đã ngập tràn khắp các nẻo đường, khắp các con phố của Đất Nước!Ở hải ngoại, không khí cũng tưng bừng không kém, chợ búa, siêu thị, đã bày bán, đủ mọi thứ để mừng Tết, nhất là bánh nướng, bánh dẻo đủ loại!
<!>


Nhân dịp Tết Trung Thu đã về, mến chúc các Tuổi Thơ hải ngoại, luôn mạnh khỏe, ngoan ngoãn và học giỏi. Chúc Các Em sẽ thành công với những dự định tương lai sắp tới của mình, trên đất nước tự do dân chủ, nhiều cơ hội tiến thân nhất thế giới. Nhưng các bé đừng quên, mình là người Việt Nam. Người lớn ông bà, nhất là bố mẹ luôn luôn thương yêu các con, các cháu nhiều! Chúc một Tết Trung Thu vui vẻ!


Truyền Thống Người Việt Ăn Mừng Tết Trung Thu Xưa và Nay!


Đồ chơi Trung thu
Theo Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục, "dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi...".
Đồ chơi trẻ em trong Tết Trung thu là các thứ bồi bằng giấy như bươm bướm, bọ ngựa, voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm, cá,....Trẻ em buổi tối đêm trung thu, dắt díu nhau kéo co, bắt cái hồ khoan, rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la.

Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên vào buổi tối khi Trăng Rằm vừa mới lên cao. Đồng thời trong ngày này, mọi người thường biếu cho ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác Bánh Trung Thu, hoa quả, trà và rượu. Người Trung Hoa thường tổ chức múa rồng vào dịp Trung thu, còn người Việt múa sư tử hay múa lân. Con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà... Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân và treo đèn kéo quân trong dịp Tết Trung thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba "thình, thùng, thình".
Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung thu, những người lớn bày cỗ cho trẻ em để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Cỗ mừng Trung thu gồm bánh trung thu, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác nữa.


Rước đèn
Tại một số vùng nông thôn, những nơi mà quan hệ hàng xóm láng giềng vẫn còn được bảo tồn và trân trọng, người ta thường tổ chức cho trẻ em cùng nhau rước đèn đi khắp thôn, xóm, khu phố trong đêm trung thu. Lễ hội rước đèn có thể được phát động bởi chính quyền địa phương hoặc những nhóm thanh niên trong làng xóm. Họ phân công nhau làm những lồng đèn ông sao thật lớn hoặc những lồng đèn thật đẹp để thi thố với nhau trong lễ rước đèn. Tại Phan Thiết (Bình Thuận), người ta tổ chức rước đèn quy mô lớn với hàng ngàn học sinh tiểu học và trung học cơ sở diễu hành khắp các đường phố, lễ hội này được xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam. Đây là lễ hội rước đèn trung thu truyền thống có từ hàng trăm năm nay, và quy mô của lễ hội tại Phan Thiết mỗi năm một quy mô và to lớn hơn, tuy nhiên cũng có tính "thương mại" hơn. Tại Tuyên Quang cũng có lễ hội rước đèn lớn, huy động hoàn toàn từ sự sáng tạo của người dân, từng làng từng xóm và chưa bị thương mại hóa.

Múa lân


Múa lân trong Tết Trung Thu
Múa lân (ở miền Bắc thường gọi là múa sư tử), gõ trống và múa hát ca thường được tổ chức vào trước tết Trung Thu nhưng nhộn nhịp nhất là hai đêm 14 và 15.

Bày cỗ


Mâm cỗ Trung Thu thông thường có trọng tâm là con chó được làm bằng tép bưởi, được gắn 2 hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con béo mũm mĩm, hoặc hình cá chép là những hình phổ biến. Hạt bưởi thường được bóc vỏ và được xiên vào những dây thép, phơi khô từ 2-3 tuần trước khi đến hôm rằm, và đến đêm Trung Thu, những sợi dây bằng hạt bưởi được đem ra đốt sáng. Những loại quả, thức ăn đặc trưng của dịp này là chuối và cốm, quả thị, hồng đỏ và hồng ngâm màu xanh, vài quả na dai...và bưởi là thứ quả không thể thiếu được.


Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của Tết Trung Thu. Phong tục trông trăng cũng liên quan đến sự tích Chú Cuội trên cung trăng, do một hôm Cuội đi vắng, cây đa quý bị bật gốc bay lên trời, chú Cuội bèn bám vào rễ cây níu kéo lại nhưng không được và đã bị bay lên cung trăng cùng với cây đa của mình. Nhìn lên Mặt Trăng, có thể thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, và trẻ em tin rằng, đó là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa.

Làm đồ chơi Trung Thu


Mặt nạ, đèn ông sư, đèn ông sao và đầu sư tử là các loại đồ chơi phổ biến nhất trong dịp lễ tết Trung thu. Tại Việt Nam, những nơi như tỉnh Tuyên Quang, thành phố Hội An và Thành phố Sài Gòn (phố lồng đèn Lương Nhữ Học ở Quận 5) nổi tiếng khắp nước về thủ công nghệ làm lồng đèn trang trí và các loại đèn giấy dùng trong ngày tết Trung Thu. Trước đây ở miền Bắc, khi còn trong thời kỳ bao cấp (1976 - 1986), các đồ chơi cho trẻ em vào dịp tết Trung thu rất hiếm, phần lớn các gia đình thường tự làm lấy đồ chơi như trống bỏi, đèn ông sư, đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ, tò he, chong chóng... cho trẻ em trong gia đình. Ngoài ra còn có các mô hình tàu thủy đồ chơi, Lân rô bốt. Các loại mặt nạ thường được làm bằng bìa hoặc bằng giấy bồi, với các hình phổ biến về các nhân vật trẻ em yêu thích bấy giờ như: đầu sư tử, ông Địa, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Bạch Cốt Tinh...
Ngày nay, phần lớn đồ chơi ở Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, các loại mặt nạ được làm bằng nhựa mỏng, không đẹp bằng mặt nạ thời trước.

Các loại bánh trung thu


Hộp bánh nướng và bánh dẻo Bánh nướng hình con heo (lợn)


Từ truyền thống đến hiện đại, bánh trung thu ngày càng đa dạng khi các nhà sản xuất sáng tạo trong sử dụng các nguyên liệu và thực phẩm khác nhau đưa vào nhân bánh; dập khuôn kiểu dáng bánh thành nhiều hình thù sinh động; đóng gói với bao bì mẫu mã đẹp mắt. Tuy nhiên, dựa theo công thức làm vỏ bánh thì chỉ có hai loại bánh trung thu là bánh nướng và bánh dẻo.
Bánh nướng được làm với lớp vỏ bánh là bột mì và có chút dầu ăn. Đường để trộn vào vỏ bánh thường được nấu với mạch nha để chuyển thành màu hổ phách và để càng lâu càng tốt (thường các nhà làm bánh sau tết trung thu nấu nước đường, cất kỹ để tới tận mùa sau mới dùng). Trước kia tại Việt Nam nhân bánh nướng thường là nhân thập cẩm, có chút lá chanh thái chỉ, thịt mỡ, mứt, hạt dưa, lạp xường.
Sau khi nặn bánh, ép khuôn, bánh được cho vào lò nướng. Quy trình nướng chia làm hai giai đoạn trong đó khoảng 2/3 thời gian nướng là giai đoạn đầu tiên. Sau đó bánh được dỡ ra, làm nguội, phết lòng đỏ trứng gà lên rồi cho vào nướng tiếp 1/3 thời gian còn lại.

Bánh Pía Miền Nam
Loại bánh có vỏ ngoài làm bằng bột mì có nhiều lớp da mỏng bao lấy nhân. Da ngoài dày thường in chữ, nhân làm bằng đậu xanh và mỡ heo. Ở Việt Nam, Bánh Pía là đặc sản của Sóc Trăng, phổ biến ở nhiều tỉnh, thành miền Nam mà đặc biệt là Tây Nam Bộ.
Bánh Pía được gọi là bánh trung thu của miền Tây, mang ý nghĩa đón trăng rằm tháng 8. Càng về sau bánh pía lại trở thành món ăn tinh thần, tượng trưng sự sum vầy của gia đình.

Bánh dẻo
Theo truyền thống bánh dẻo trung thu được làm với vỏ bánh là bột gạo nếp rang xay mịn, nước đường kính trắng đun sôi để nguội (không dùng mạch nha như bánh nướng), nước hoa bưởi. Nhân bánh làm từ các thực phẩm, nguyên liệu đã chín. Bánh được nặn xong ép khuôn và có thể sử dụng ngay không cần cho vào lò nướng.

Hát trống quân


Tết ở miền Bắc còn có tục hát trống quân. Đôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng "thình thùng thình" làm nhịp cho câu hát. Những câu hát vần tức là hát theo vần, theo ý hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra. Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc.

Tục tặng quà


Tết Trung thu người ta thường tặng quà cho nhau. Quà thường là các hộp bánh, lồng đèn, áo quần, tiền. Các cơ quan, doanh nghiệp cũng tặng quà cho khách hàng, cán bộ công nhân viên có khi mua cả xe tải bánh trung thu. Nhiều công ty có hàng ngàn công nhân, đặt hàng ngàn hộp bánh với số tiền hoa hồng hậu hĩnh.
Tính trên tổng lượng bánh trung thu tiêu thụ năm 2006 (thống kê từ các nhà sản xuất) ước khoảng 6.500- 6.800 tấn, lấy mức giá bình quân của 1 hộp bánh loại 220 - 250gr khoảng 100.000 - 130.000đ, người tiêu dùng đã tiêu pha hết hơn 800 tỉ đồng cho khoảng 7 triệu hộp bánh. Và các hộp bánh đắt như vàng, người nghèo không sao mua nổi cứ chạy lòng vòng từ người nọ sang người kia.

Đối tượng tặng quà của người lớn thường là các bề trên như cha mẹ, cấp trên, những người cần nhờ vả, thầy cô giáo hoặc cũng có thể hàng xóm, bạn bè hoặc con cháu trong nhà. Thường đối tượng nhận quà càng quan trọng thì giá trị món quà phải càng cao. Việc tặng quà Trung thu là một thói quen phổ biến khi đời sống khá lên sau “Đổi Mới”, nó có thể là một hình thức tiêu cực, hối lộ, khi giá trị món quà quá lớn.
Đối với các doanh nghiệp hoặc cá nhân việc không có quà Tết biếu có thể bị đánh giá là lơ đễnh hoặc coi thường, vì vậy đây là chi phí không nhỏ khi đến dịp trung thu. Chi phí tặng quà thường được chi từ chi phí tiếp khách bằng tiền. Do mức hoa hồng hoặc chiết khấu của các hiệu bánh cao (có thể lên đến 35%) nên nhiều người thích dùng tiền cơ quan biếu xén để hưởng lợi.
Việc tặng quà trung thu đắt tiền là dịp "ơn nghĩa" của người lớn. Không ít người thường lợi dụng dịp này để biếu xén quà cáp nhằm mua quan bán chức. Những hộp bánh Trung thu đặc mà bên trong nhân bánh "là vàng", "là đô la" đã làm mờ mắt nhiều quan tham và biếu xén trong dịp Tết Trung thu là một lệ của những thành phần này.


Ngắm Trăng rằm


Người ta thường ngắm trăng vào đêm trung thu vì thời điểm này là tốt nhất để ngắm trăng, vào giữa đêm
Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám. Tỏ trăng Mười Bốn được tằm, đục trăng hôm Rằm thì được lúa chiêm.


Tết Trung thu trong văn học - nghệ thuật


Thơ về Tết Trung Thu
Trung Thu vốn là nguốn cảm hứng lớn cho các thi sĩ từ xưa đến nay, trong đó có nhà thơ đời Đường Đỗ Phủ với bài Trung thu:

Thu cảnh kim tiêu bán
Thiên cao nguyệt bội minh
Nam lâu thùy yến hưởng
Ty trúc tấu thanh thanh

Bản dịch của Thái Giang:

Cảnh thu nay đúng nửa rồi
Trăng thu thêm sáng, khung trời thêm cao
Lầu nam ai rót rượu đào
Tiếng tơ, tiếng trúc thanh tao nhịp nhàng

Nhà thơ Tản Đà cũng nhắc đến ngày Trung thu với các câu thơ:

Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió cùng mây thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

Nguyễn Du

Khi chén rượu khi cuộc cờ,
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên

Câu hát về Tết Trung thu

Đèn ông sao bằng giấy kính Các loại đèn lồng



Lồng đèn xếp
Đèn con cá bằng giấy bóng kính
Bài Chiếc đèn ông sao: (Nhạc sĩ: Phạm Tuyên)

Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu
Cán đây rất dài, cán cao qua đầu
Em cầm đèn sao em hát vang vang
Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan...tùng dinh dinh, tùng tùng tùng dinh dinh

Bài Đêm trung thu: (Nhạc sĩ:Phùng Như Thạch)
Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình
Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh
Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng
Dưới ánh trăng vàng em cất tiếng hát vang

Bài Rước đèn tháng tám: (Nhạc sĩ Đức Quỳnh (tên thật là Vân Thanh)
Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bướm bướm
Em rước đèn này đến cung trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh lam với đèn trắng trắng
Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu

Nhạc sĩ Lê Thương cũng có bài Thằng Cuội viết về chủ đề này, trong bài hát có đoạn "Bóng trăng trắng ngà có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ.....Có con dế mèn, suốt trong đêm thâu, hát xẩm không tiền, nên nghèo xác xơ...".
Nhạc sĩ Ngọc Lễ cũng có tác phẩm Cắc tùng cắc tùng về ngày Tết Trung thu cho các em thiếu nhi: "Cắc tùng cắc cắc tùng, Em đi chơi trung thu này, Cắc tùng tiếng trống lân tưng bừng...."


Nhớ Trong Tuần Lễ Mừng Tết Trung Thu:



Giới Thiệu Chiều Nhạc Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật Truyền Thống (Lần Thứ Tư) Mỗi Mùa…Thu Về! Đặc Biệt Có 30 Món Quà Giá Trị Dành Tặng Các Tuổi Thơ!



*Do Văn Thơ Lạc Việt Tổ Chức Hằng Năm! Với những tiếng hát, gói cả hồn thơ của các Văn Thi Sĩ VTLV và nghệ sĩ thân hữu, gồm những bản tình ca nên thơ, khi trời Vào Thu! Đã được nhiều người yêu mến nhất, vùng Thung Lũng Hoa Vàng.

Trân Trọng Giới Thiệu Chiều Nhạc: Những Tình Khúc “Em Không Nghe Mùa Thu!”


Lúc 3 giờ chiều, Chủ Nhật, ngày 22 tháng 9, năm 2024
Tại Cà Phê Lovers, 1855 Aborn Rd, San Jose, Ca 95121.
*Nước uống tự do! vào cửa tự do!


-Phần văn nghệ do nhóm “Tuổi Trẻ Hải Ngoại” do Cô Thanh Loan và Thầy Thái đảm trách. Chưa kể, Anh Chị Em nhóm “Sài Gòn Nhớ” yểm trợ, cộng tác tối đa.


Quý Vị tham dự, ngoài thưởng thức, những giọng ca nổi tiếng, ấm áp, có hồn, nhất trong vùng: Khôi Nguyên, Hạnh Thảo, Ngọc Hoa, Văn Khoa, Lệ Hà, Thanh Trúc, Thúy Nga, Hồng Nguyễn…với những nhạc phẩm, đưa người nghe vào khung cảnh nên thơ, tuyệt vời của Mùa Thu yêu thương: Giấc Mơ Mùa Thu, Mùa Thu Cho Em, Mấy Độ Thu Về, Mùa Thu Trong Mưa, Thu Ca, Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội, Không còn Mùa Thu…và còn rất nhiều những nhạc phẩm tình ca khác. Còn ngạc nhiên hơn nữa, với nhiều giọng ca Tuổi Thơ, mà giọng hát, cách trình bày, không thua gì ca sĩ chuyên nghiệp! nói chuyện tiếng Việt lưu loát! còn…hơn cả người lớn! Riêng các Tuổi Thơ, vẫn trong dịp Tết Trung Thu, BTC sẽ có quà đặc biệt cho mỗi em!


-Không phải năm nay, mà từ năm ngoái, VTLV đã giới thiệu Các Em, là những thế hệ nối tiếp, đầy khả năng gìn giữ tiếng Mẹ! Kính mong Quý Vị tham dự thật đông, để cổ võ tinh thần Các Bé mầm non, con cháu chúng ta!
-Một mục vui không thể thiếu, là mục mừng Sinh Nhật các Thành Viên VTLV, sinh trong 6 tháng cuối năm.


-Nhân dịp này, cũng xin giới thiệu 3 tác phẩm mới, của Tác Giả Chinh Nguyên. Tất cả số tài chánh thu được, sẽ được gởi về cho Cha Lý để Ngài có thêm phương tiện trị bịnh cuối đời!
-Có10 phần quà trong mục xổ số, gởi đến với Quý Vị may mắn trong Mùa Lễ cuối năm sắp đến!


Chắc chắn phải là buổi Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật Ca Nhạc vui tươi và nhiều ý nghĩa, trong Mùa Thu Vàng 2024, mùa của Thi Nhân, mơ mộng, ấm áp đầy tình người.
-Đây là buổi nhạc Truyền Thống, lần thứ 4! Năm nào Quý Khách cũng đông nghẹt, không còn chỗ ngồi! Hy vọng năm nay cũng thế! Buổi văn nghệ hiếm có, đặc sắc nhất mỗi Mùa Thu, bỏ qua rất uổng!

VTLV Trân Trọng Kính Mời.


Phe những người ủng hộ ông Trump, đã lan truyền nhanh chóng hình ảnh độc lạ, bất ngờ, thích thú, chóng mặt trên mạng xã hội: Tổng thống Mỹ Biden trong giây phút không ngờ, tươi cười, đội mũ "ủng hộ Trump 2024!" Nhiều người còn đồn đoán, hành động này “để trả thù đảng Dân Chủ!”

-Sự kiện lạ này diễn ra chỉ một ngày sau khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump và Phó tổng thống Kamala Harris có cuộc tranh luận trực tiếp quan trọng trên Đài ABC News.
Trong một bài đăng trên X, tài khoản Trump War Room đăng tải bức ảnh ông Biden đội mũ “Trump 2024” kèm dòng trạng thái: “Cảm ơn sự ủng hộ, ông Joe!”.
Cố vấn cấp cao của chiến dịch tranh cử của ông Trump Chris LaCivita đăng bức ảnh và đặt câu hỏi: “Chuyện gì đang xảy ra vậy?” Sao có bức ảnh này?
Ông Biden cho biết, một người ủng hộ ông Trump đã tặng cho ông chiếc mũ và thuyết phục ông đội nó.


(Hình từ video: Ông Biden đội mũ có dòng chữ "Trump 2024" và phản ứng của những người xung quanh.)
Telegraph loan, ngày 11/9, ông Biden đã đội chiếc mũ đỏ có dòng chữ "Trump 2024" khi tới thăm trạm cứu hỏa Shanksville ở "tiểu bang chiến trường" Pennsylvania.
Video ghi lại cảnh Tổng thống Mỹ đương nhiệm đội chiếc mũ mà những người ủng hộ ông Trump thường đội đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội.
Tòa bạch ốc sau đó đã bình luận về vụ việc, nói rằng ông Biden được một người ủng hộ ông Trump tặng chiếc mũ và thuyết phục Tổng thống Mỹ đội mũ để thể hiện tinh thần đoàn kết.
Ông Biden đã nói rằng sự đoàn kết lưỡng đảng (Dân chủ và Cộng hòa) xuất hiện sau vụ khủng bố 11/9, cần được mang trở lại nước Mỹ ngay lúc này. Tổng thống Mỹ cho rằng đất nước ngày càng bị phân cực trong vài năm gần đây.


(Hình: Tổng thống Mỹ Joe Biden tươi cười khi đội chiếc mũ của người ủng hộ ông Trump)
Andrew Bates, phó thư ký báo chí Nhà Trắng, viết trên mạng xã hội X: "Tổng thống Mỹ đã nói về sự đoàn kết lưỡng đảng ở Mỹ sau vụ khủng bố 11/9 và việc cần thiết phải đưa sự đoàn kết đó trở lại nước Mỹ vào lúc này. Tổng thống đã tặng mũ của đảng Dân chủ cho một người ủng hộ ông Trump và cũng được tặng lại chiếc mũ có dòng chữ Trump 2024. Tổng thống đã đội nó trong chốc lát, để thể hiện tinh thần đoàn kết lưỡng đảng".



Cũng trong ngày 11/9, ông Biden, bà Harris và ông Trump đã có lần xuất hiện hiếm hoi cùng nhau tại sự kiện ở thành phố New York nhằm tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố 11/9/2001.
Theo Reuters, bà Harris và ông Trump đã bắt tay và trao đổi ngắn với nhau.


Tin Quốc Tế Đó Đây

Nhà Nước Palestine Có "Vị Trí Chính Thức" Tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc


(Ảnh REUTERS/Shannon Stapleton, minh họa: Một phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York.)
-Kể từ hôm 10/9/2024, Palestine có một vị trí chính thức tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Theo Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc ngày 10/05/2024, mặc dù chưa trở thành thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc, quốc gia Palestine kể từ giờ được hưởng thêm nhiều quyền hạn của các nước thành viên, như có ghế đại diện tại Đại Hội Đồng xếp theo chữ cái ABC như tất cả các thành viên khác, hay quyền đồng chủ trì các Dự thảo Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Kể từ giờ, vị trí của đại diện Nhà nước Palestine (State of Palestine) tại Đại Hội Đồng là ở giữa Sudan và Sri Lanka. Đại sứ Ai Cập Osama Mahmoud Abdelkhalek Mahmoud "ca ngợi một thời điểm lịch sử", không đơn thuần chỉ là "một vấn đề mang tính thủ tục". Ngược lại, Do Thái lên án quyết định của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Phó đại diện của Do Thái Jonathan Miller tuyên bố: "Mọi quyết định hay hành động cho phép cải thiện quy chế của người Palestine, dù tại Đại Hội Đồng hay về mặt song phương, đều là một phần thưởng cho các lực lượng khủng bố nói chung và lực lượng khủng bố Hamas nói riêng".

Theo Nghị quyết ngày 10/05/2024 của Liên Hiệp Quốc, việc Palestine - quốc gia quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc - được hưởng thêm các quyền hạn khác là nhằm thúc đẩy việc chính thức kết nạp Palestine làm thành viên Liên Hiệp Quốc. Nghị quyết đã được thông qua với 143 phiếu thuận, 9 phiếu chống (gồm Á Căn Ðình, Hoa Kỳ, Hung Gia Lợi, Do Thái, Micronenia, Nauru, Palaos, Papouasia-New-Guinea, và Cộng hòa Czech), và 25 nuớc vắng mặt.
Nghị quyết được thông qua sau khi Hoa Kỳ, ngày 18/04/2024, phủ quyết Dự thảo Nghị quyết công nhận Palestine là thành viên Liên Hiệp Quốc, được 9 nước thành viên Hội Đồng Bảo An ủng hộ, trong đó có Pháp. Nghị quyết cấp thêm một số quyền hạn cho Nhà nước Palestine, được thông qua với đa số áp đảo nói trên, có mục tiêu chính là thúc đẩy Hội Đồng Bảo An "xem xét lại" trong tương lai vấn đề kết nạp Palestine làm thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc.

Trên thực tế, để Palestine được kết nạp làm thành viên chính thức, Hội Đồng Bảo An phải bật đèn xanh. Hiện tại, Hoa Kỳ, đồng minh của Do Thái, không thay đổi quan điểm: Việc kết nạp Palestine chỉ có thể diễn ra sau khi Do Thái và Cơ quan Quyền lực Palestine đạt được thỏa thuận về vấn đề này. Theo giới quan sát, đây là điều bất khả, chừng nào mà cuộc chiến tại dải Gaza còn tiếp diễn.


Nga Chuẩn Bị Ký Thỏa Thuận Hợp Tác Song Phương Mới Với Iran


(Ảnh AFP, minh họa: Các bệ phóng phi đạn do Iran chế tạo, ảnh do Lực lượng mặt đất của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cung cấp ngày 18/10/2022.)
-Iran bị Mỹ cáo buộc cung cấp phi đạn-đạn đạo cho Nga để oanh kích Ukraine. Quan hệ giữa Teheran và Mạc Tư Khoa sẽ được thắt chặt hơn, với thỏa thuận hợp tác song phương mới sắp được ký kết. Ngày 10/9/2024, thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu, được hãng tin Nga TASS trích dẫn, cho biết "các thủ tục nội bộ cuối cùng đang được hoàn thiện để chuẩn bị văn kiện cho hai Tổng thống ký kết".
Ông Shoigu nhấn mạnh rằng Nga "nóng lòng đúc kết một thỏa thuận cơ bản song phương mới". Theo thông tấn xã Reuters, từ lâu Nga đã có ý định ký một thỏa thuận đối tác quan trọng với nước Cộng hòa Hồi Giáo nhưng tuyên bố của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy một thỏa thuận sắp được ký.
Thông tin được đưa ra vào lúc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định "Nga đã nhận được nhiều phi đạn-đạn đạo (từ Iran) và có thể sẽ sử dụng chúng tấn công Ukraine trong những tuần tới". Ngày 9/9, Teheran phủ nhận cáo buộc trên, trong khi Mạc Tư Khoa không bác bỏ.

Để trừng phạt Iran, ngày 10/9, Mỹ và 3 nước đồng minh Âu Châu, Anh, Pháp và Đức, thông báo trừng phạt 6 công ty Iran sản xuất drone và phi đạn-đạn đạo cung cấp cho Nga theo hợp đồng ký cuối năm 2023, cũng như 10 cán bộ, nhân viên của những công ty này. Hãng hàng không Iran Air cũng nằm trong danh sách trừng phạt mới vì bị cáo buộc vận chuyển số vũ khí nói trên. Theo Bộ Tài chánh Mỹ, "các đối tác quốc tế (của Mỹ) thông báo nhiều biện pháp cấm Iran Air hoạt động trên lãnh thổ của họ trong tương lai".
Anh Quốc đã ngừng các tuyến bay trực tiếp với Iran. Trước đó, trong một thông cáo chung, 3 nước Anh, Pháp và Đức cho biết "đã có xác nhận rằng Iran đã chuyển giao (phi đạn)" cho Nga, đồng thời lên án "hành động leo thang này, do Iran và Nga đồng thời gây ra, là một mối đe dọa trực tiếp cho an ninh của Âu Châu". Liên Hiệp Âu Châu sẽ đưa ra "biện pháp đáp trả mạnh mẽ", theo phát biểu của người đứng đầu ngành ngoại giao Âu Châu, Josep Borrell.
Ngay tối 10/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran, Nasser Kanani, ra thông cáo lên án "chính sách thù nghịch của phương Tây và chủ nghĩa khủng bố kinh tế nhắm vào người dân Iran". Theo thông tấn xã AFP, chính quyền Teheran khẳng định sẽ có "những biện pháp đáp trả" tương xứng.


Anh Triệu Tập Đại Biện Lâm Thời Iran Về Việc Chuyển Giao Phi Đạn-Đạn Đạo Cho Nga


(Hình AP: Một phi đạn do Iran chế tạo được trưng bày tại Tehran, với tháp viễn thông Milad của Iran được nhìn thấy ở phía sau, ngày 11/2/2024.)
-Hôm 11/9/2024, Bộ Ngoại giao Anh triệu tập đại biện lâm thời Iran, nhà ngoại giao cấp cao nhất của nước này tại Luân Đôn, về việc chuyển giao phi đạn-đạn đạo cho Nga.
"Hôm nay, phối hợp với các đối tác Âu Châu và theo chỉ thị của Bộ trưởng Ngoại giao, Đại biện lâm thời của Tòa Ðại sứ Iran tại Luân Đôn đã được triệu tập đến Văn phòng Ngoại giao, Khối thịnh vượng chung và Phát triển", Bộ Ngoại giao Anh cho biết trong một tuyên bố.
"Chính phủ Anh đã nêu rõ rằng bất kỳ việc chuyển giao phi đạn-đạn đạo nào cho Nga đều sẽ bị coi là hành động leo thang nguy hiểm và sẽ phải đối mặt với phản ứng đáng kể".

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết hôm 10/9 trong chuyến thăm Luân Đôn rằng Nga đã nhận được phi đạn-đạn đạo từ Iran và có khả năng sẽ sử dụng chúng trong cuộc chiến tranh ở Ukraine trong vài tuần nữa.
Anh, Hoa Kỳ và các đồng minh Âu Châu hôm 10/9 đều lên án động thái này.
Anh đã trừng phạt các cá nhân và tổ chức Iran có liên quan đến việc chế tạo máy bay không người lái và phi đạn, cũng như các tàu chở hàng của Nga mà nước này cho là có liên quan đến việc vận chuyển phi đạn từ Iran đến Nga.


Hoa Thịnh Ðốn "Chuẩn Bị" Cho Phép Ukraine Dùng Vũ Khí Do Mỹ Cấp Để Tấn Công Sâu Vào Lãnh Thổ Nga



(Hình AP / John Hamilton - tư liệu, minh họa: Quân đội Mỹ bắn thử phiên bản đầu tiên của Hệ thống phi đạn chiến thuật, tại khu bắn thử White Sands Missile Range, Fort Bragg N.C., tiểu bang New Mexico, Mỹ, ngày 14/12/2021.)
-Hôm 10/9/2024, chính quyền Mỹ phát đi nhiều tín hiệu cho thấy Hoa Thịnh Ðốn có thể sớm cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Hoa Kỳ cấp để tấn công các căn cứ quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga, như đòi hỏi khẩn thiết của Kyiv thời gian gần đây.
Theo thông tấn xã AFP, trả lời phỏng vấn báo giới tối 10/9 tại Hoa Thịnh Ðốn, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết "đang xem xét vấn đề này". Cũng ngày hôm qua, trên Sky News, Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định: "Chúng tôi không loại trừ việc này' ' nhưng nhấn mạnh, Mỹ muốn chắc chắn là việc cho phép phải giúp Ukraine đạt được các mục tiêu mà Kyiv đề ra.
Sáng hôm nay, Ngoại trưởng Mỹ cùng người đồng cấp Anh, David Lammy, đi tàu hỏa từ Ba Lan đến Kyiv. Thông tấn xã AFP cho hay, "việc giảm nhẹ các giới hạn trong sử dụng vũ khí của phương Tây cung cấp" trong cuộc chiến chống xâm lược Nga là một trọng tâm của chuyến công du của hai lãnh đạo ngoại giao Anh - Mỹ.

Một đòi hỏi chủ yếu của Ukraine là Mỹ cho phép sử dụng các phi đạn chiến thuật ATACMS, có tầm bắn đến 300 cây số để tấn công các căn cứ trong lãnh thổ Nga. Hồi đầu năm nay, Hoa Thịnh Ðốn đã cho phép Kyiv dùng vũ khí Mỹ cấp để tấn công các mục tiêu sát biên giới.
Truyền thông Anh cho hay, trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ hôm 13/8, Thủ tướng Anh Keir Starmer đề nghị Tòa Bạch Ốc dỡ bỏ quy định cấm Ukraine sử dụng phi đạn Anh Storm Shadow, do Anh - Pháp hợp tác sản xuất, có tầm bắn đến 550 cây số, tấn công các mục tiêu trên đất Nga.
Trang mạng Telegraph ngày 10/9 giải thích, việc sử dụng phi đạn Storm Shadow đòi hỏi phải có sự cho phép của Mỹ vì vũ khí này "được sử dụng với một số hệ thống thiết bị của Mỹ".

Theo thông tấn xã AFP, việc Mỹ-Anh nối lại các thảo luận về chủ đề này diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ phát giác Iran cung cấp phi đạn cho Nga, gây lo ngại về việc quân đội Nga sử dụng các vũ khí này để tấn công vào các khu vực sâu trong hậu phương Ukraine ở miền Tây, cho đến nay vốn tương đối ít bị chiến tranh ảnh hưởng.
Về vấn đề này, một số nhân vật tên tuổi trong phe Cộng hòa Mỹ, trong đó có Chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Mike McCaul, đã gửi thư đến Tổng thống Biden, hối thúc Tòa Bạch Ốc sớm ra quyết định. Tuy nhiên, nội bộ đảng Cộng hòa cũng đang rất chia rẽ: Nhiều cộng sự của ứng cử viên Tổng thống Donald Trump để ngỏ khả năng buộc Kyiv phải nhân nhượng lãnh thổ cho Nga để chấm dứt chiến tranh, nếu Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử đầu tháng 11/2024.
Theo thông tấn xã AFP, Ðiện Cẩm Linh hôm 11/9 cho biết Nga sẽ có phản ứng "thích hợp", nếu Ukraine được các đối tác phương Tây cho phép sử dụng vũ khí tầm xa chống lại lãnh thổ nước này


Ðiện Cẩm Linh: Trump và Harris Nên Đưa Tên của Putin Ra Khỏi Cuộc Chiến Chính Trị của Hoa Kỳ


(Hình REUTERS: Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bắt tay nhau trong cuộc gặp song phương tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28/6/2019.)
-Hôm 11/9/2024, Ðiện Cẩm Linh nói rằng họ thực sự không thích cách tên của ông Vladimir Putin được nêu ra trong cuộc tranh luận Tổng thống giữa bà Kamala Harris và ông Donald Trump và kêu gọi ngừng kéo ông vào cuộc chiến chính trị của họ.
Phát ngôn viên của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov, đưa ra phát biểu 1 tuần sau khi nhà lãnh đạo Ðiện Cẩm Linh nói trong một nhận xét trêu chọc rằng ông thích bà Harris hơn ông Trump, khiến Tòa Bạch Ốc phải lên tiếng rằng ông Putin nên ngừng bình luận về cuộc bầu cử Mỹ sắp tới vào tháng 11.

Ông Peskov nói với các phóng viên rằng Ðiện Cẩm Linh không trực tiếp theo dõi cuộc tranh luận vào đêm 10/9, nhưng đã theo dõi các bản tin về cuộc tranh luận đó.
"Tất nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng cả hai ứng cử viên đều đề cập đến Tổng thống của chúng tôi, đề cập đến đất nước của chúng tôi. Tất nhiên, lập trường khá rõ ràng – Hoa Kỳ nói chung, bất kể các ứng cử viên thuộc đảng nào, đều duy trì thái độ tiêu cực, thái độ không thân thiện đối với đất nước chúng tôi", ông Peskov nói.
"Tên của ông Putin được sử dụng như một trong những công cụ trong cuộc đấu tranh chính trị trong nước tại Hoa Kỳ. Chúng tôi thực sự, thực sự không thích điều đó và chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ không nhắc đến tên Tổng thống của chúng tôi nữa".


Nga và Bắc Hàn Bị Tố Cáo Tại Đối Thoại Quốc Phòng ở Nam Hàn


(Ảnh AP, do chính phủ Bình Nhưỡng do cơ quan thông tấn KCNA đăng tải, minh họa: Bắc Hàn thử phi đạn bắn chặn một vụ tấn công nguyên tử của "kẻ thù" ngày 22/4/2024.)
-Trong hai ngày 11 và 12/9/2024, khoảng 900 đại biểu từ 67 nước tham gia Đối thoại Hán Thành về Quốc phòng (SDD) lần thứ 13 do Nam Hàn tổ chức. Thách thức an ninh toàn cầu và tìm giảI pháp hợp tác quốc tế là hai chủ đề chính được đề cập tại hội nghị.
Theo Yonhap, trong số khách mời có rất nhiều viên chức cấp bộ, nhà lãnh đạo của các tổ chức quốc tế và các chuyên gia về an ninh. Bắc Hàn nằm trong số các mối đe dọa được Nam Hàn đặc biệt nhấn mạnh, từ tấn công mạng đến vũ khí nguyên tử và phi đạn-đạn đạo.
Trong bài diễn văn khai mạc ngày 11/9, Thủ tướng Nam Hàn Han Duck Soo khẳng định "các vụ tấn công mạng và đánh cắp cổ phần ảo do Bắc Hàn tiến hành để đầu tư vào chương trình nguyên tử bất hợp pháp của họ là một mối đe dọa thực sự cho an ninh thế giới".
Còn Bộ trưởng Quốc phòng, Kim Yong Huyn, nhắc đến mối nguy hiểm từ chương trình vũ khí nguyên tử và phi đạn-đạn đạo của Bình Nhưỡng. Ngoài ra, ông cho rằng Bắc Hàn ngày càng gia tăng hành động gây hấn, đặc biệt là hợp tác và cung cấp vũ khí cho Nga. Không chỉ gây bất ổn cho bán đảo và vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, những hành động này còn đe dọa đến an ninh của thế giới.
Đối với Chủ tịch Ủy ban Quân sự của tổ chức Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), Rob Bauer, cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường an ninh toàn cầu. Ông khẳng định NATO và các đối tác, trong đó có Nam Hàn, cần phối hợp với nhau để duy trì trật tự thế giới dựa trên luật pháp.


Phi Luật Tân Thúc Đẩy Tổ Chức Một Hội Nghị Về Biển Đông Bên Lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc


(Ảnh REUTERS - Adrian Portugal, tư liệu: Tuần duyên Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu tiếp liệu Phi Luật Tân trên đường đến Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Trường Sa, Biển Đông, ngày 4/3/2024.)
-Phi Luật Tân vừa kiên quyết bảo vệ chủ quyền tại một số khu vực đang đối đầu căng thẳng với Trung Quốc tại Biển Đông, vừa có thêm các nỗ lực ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế.
Hôm 10/9/2024, Đại sứ Phi Luật Tân tại Mỹ cho biết ít nhất 20 nước dự tính tham gia một hội nghị về Biển Đông bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng Chín này. Mục tiêu là tìm cách đưa Trung Quốc vào bàn "đối thoại", tránh xung đột bùng phát.

Hãng tin Reuters dẫn lời Ðại sứ Jose Manuel Romualdez, theo đó, "càng có nhiều nước liên kết với nhau và gửi đến Trung Quốc một thông điệp là những gì họ đang làm chắc chắn không phải là điều đúng đắn thì chúng ta càng có cơ hội tốt hơn khiến họ không thực hiện các hành động sai lầm, mà tất cả chúng ta đều đang lo ngại".
Đại sứ Phi Luật Tân không nêu chi tiết kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Ông cho biết hội nghị sẽ diễn ra bên lề Đại Hội đồng thường niên của Liên Hiệp Quốc ở New York, diễn ra ngày 22/9 tới. Bộ Ngoại giao Mỹ và Tòa Bạch Ốc không trả lời ngay lập tức khi được hỏi về kế hoạch này.
Trao đổi với trung tâm tư vấn New America ở Hoa Thịnh Ðốn, Ðại sứ Phi Luật Tân cho biết "chưa bao giờ Manila phải đối mặt với thách thức như thế này kể từ Ðệ nhị Thế chiến". Có đến khoảng 240 tàu công vụ hoặc tàu dân quân Trung Quốc hiện diện tại các khu vực tranh chấp, và tình hình này tiếp tục kéo dài "từ ngày này qua ngày khác".

Hôm 9/9, truyền thông nhà nước Trung Quốc kêu gọi Phi Luật Tân "nghiêm túc xem xét tương lai" của mối quan hệ song phương "hiện đang ở ngã ba đường". Cùng ngày, Đại tá Xerxes Trinidad, người đứng đầu Văn phòng Quan hệ Công chúng của quân đội Phi Luật Tân, đã vạch ra một lằn ranh với Bắc Kinh: Trung Quốc không thể dùng vũ lực di dời tàu thuyền của Phi Luật Tân tại các khu vực thuộc chủ quyền quốc gia, trong đó có bãi cạn Sabin, cách đảo Palawan của Phi Luật Tân 146 cây số về phía Tây.
Căng thẳng Phi Luật Tân-Trung Quốc lên đến đỉnh điểm hồi tháng 6/2024, với cuộc đụng độ khiến một nhân viên Tuần duyên Philippnes bị đứt một ngón tay. Hải cảnh Trung Quốc xông lên tàu công vụ Phi Luật Tân tước đoạt vũ khí. Tại diễn đàn an ninh Shangri-La đầu tháng 6/2024, Tổng thống Phi Luật Tân tuyên bố việc Trung Quốc giết hại một người Phi Luật Tân đồng nghĩa với hành động "tuyên chiến".
Hồi tuần trước, Úc Ðại Lợi và Nhật Bản đã chỉ trích Trung Quốc về điều mà họ gọi là hành động "nguy hiểm và cưỡng bức" chống lại Phi Luật Tân ở Biển Đông, trong lúc Ấn Độ và Tân Gia Ba kêu gọi giải quyết hòa bình mọi tranh chấp mà không sử dụng vũ lực.
Trong chuyến công du Phi Luật Tân cuối tháng 8, đô đốc Samuel Paparo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương Mỹ cho biết Hoa Kỳ đã chuẩn bị cùng với đồng minh Phi Luật Tân về các biện pháp để đối phó với các thủ đoạn gây hấn của Trung Quốc trong "chiến thuật vùng xám", tức các hành động tấn công "dưới ngưỡng chiến tranh", như phun vòi rồng, chặn và đâm tàu đối phương..., vốn không cho phép Manila và Hoa Thịnh Ðốn kích hoạt Hiệp định phòng thủ chung.

Không có nhận xét nào: