Trả lời RFA hôm 23/10, Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ BKAV, nhận định:
Tôi nghĩ vai trò người dân và hạ tầng công nghệ quan trọng như nhau. Nếu như một hệ thống đô thị thông minh do nhà nước hoặc các doanh nghiệp có triển khai ra, nhưng người dân không tham gia tương tác, sử dụng, thì nó cũng không có giá trị.-Nguyễn Tử Quảng
“Tôi nghĩ vai trò người dân và hạ tầng công nghệ quan trọng như nhau. Nếu như một hệ thống đô thị thông minh do nhà nước hoặc các doanh nghiệp có triển khai ra, nhưng người dân không tham gia tương tác, sử dụng, thì nó cũng không có giá trị. Và ngược lại nếu như chỉ có người dân mà chính phủ và các doanh nghiệp không đầu tư thì cũng không có tác dụng. Tại Việt Nam trong khoảng 2 năm trở lại đây, theo đánh giá của tôi, các công ty công nghệ cũng tương đối tập trung phát triển các giải giáp cho đô thị thông minh. Về phía lãnh đạo Chính phủ thì họ cũng đưa ra nhiều văn bản quy định, cũng như tham gia các diễn đàn, như lần này là một ví dụ. Tôi nghĩ xu hướng phát triển đô thị thông minh đang phát triển theo hướng tốt.”
Theo Tổ chức nghiên cứu tiêu chuẩn công nghệ viễn thông ITU-T (The ITU Telecommunication Standardization Sector), một đô thị thông minh bền vững là một thành phố đổi mới sáng tạo sử dụng các công nghệ thông tin truyền thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động dịch vụ đô thị, tính cạnh tranh, đồng thời đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa...
Tại Việt Nam, theo nhiều chuyên gia, cứ trào lưu nào xuất hiện trên thế giới... thì sớm muộn gì cũng xuất hiện ở Việt Nam... đặc biệt xuất hiện qua tuyên truyền và các văn bản của Nhà nước. Việc áp dụng các xu hướng phát triển của thế giới trên văn bản được các cơ quan chức năng áp dụng rất nhanh. Nhưng từ lý thuyết đến triển khai vào thực tế thì không phải lúc nào cũng phù hợp.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, khi trao đổi với RFA hôm 23/10 liên quan vấn đề này, cho biết ý kiến của mình:
“Tôi nghĩ việc xây đô thị thông minh là một chủ trương rất quan trọng, bởi vì với sự tiến bộ về công nghệ thông tin cũng như các công nghệ khác, thì bây giờ nó có khả năng giúp những đô thị đấy hoạt động một cách hiệu quả hơn xưa nhiều, từ vấn đề cung cấp năng lượng, nước, bảo vệ môi trường, cho đến điều phối giao thông và tất cả các lĩnh vực khác...”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, đây là một trào lưu rất đáng quan tâm để thực hiện sao cho tốt nhất. Đáng tiếc, theo ông, ở Việt Nam lại có một tâm lý chạy theo phong trào, vì vậy ông cho rằng, có lẽ cái gọi là đô thị thông minh, rồi cách mạng 4.0 cũng đại loại theo phong trào, ai cũng nói, nhưng chẳng hiểu nội dung của nó là thế nào cả... Ông dẫn chứng:
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình phát triển đô thị Việt Nam. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo các địa phương không được làm đô thị thông minh theo kiểu phong trào.
Vì sao Thủ tướng lại gắn trách nhiệm của người dân với việc xây dựng thông minh vào thời điểm này, trong khi người dân tại nhiều đô thị vẫn còn nhiều gánh lo cơm áo gạo tiền?
Điều này cũng thật dễ hiểu, khi nhiều năm qua chính quyền hô hào, đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng thành phố thông minh, chính phủ điện tử... Nhưng đến nay hiệu quả vẫn chưa rõ ràng.
Đơn cử như vào ngày 9/12/2019, chính phủ Việt Nam khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia trực tuyến. Tuy nhiên đến nay nhiều người vẫn cho rằng chỉ mang lại hiệu quả nửa vời.
Tôi rất sợ cái đô thị thông minh ở Việt Nam cũng tương tự như vậy, họ chủ yếu khoe ra những bảng điện tử rộng lớn, để cho các quan chức chính phủ có thể nhìn thấy ô tô chạy thế nào, chỗ nào kẹt xe, chỗ nào có tai nạn...-TS. Nguyễn Quang A
Ông T., một người dân ở Sài Gòn cho biết ý kiến của mình về việc này:
“Việc giải quyết giấy tờ qua mạng đúng ra phải phải quyết từ lâu rồi, thời buổi thông tin internet mà. Phát triển thì cũng giúp cho người dân một ít thời gian, đỡ mất công đi lại, cái đó thì có. Nhưng lại nảy sinh ra tiêu cực khác, chẳng hạn rồi cũng phải đích thân đi lấy, nhiều khi có khâu còn bị tiền cò… hay phải tốn thêm lệ phí để chuyển về nhà. Nhưng không phải ai cũng làm được, trừ một số người thành thạo vi tính… tin học thì người ta mới làm được.”
Theo Văn phòng Chính phủ, Cổng dịch vụ công quốc gia gồm 6 phần chính: cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; xác thực, đăng nhập một lần; thanh toán trực tuyến; hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; hỗ trợ trực tuyến và Tổng đài hỗ trợ.
Hiện Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp 5 dịch vụ công trực tuyến là: Đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình); dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp).
Liệu cho đến nay, có nơi nào tại 63 tỉnh thành của Việt Nam được cho là một đô thị thông minh sau nhiều năm Chính phủ quy hoạch, hô hào? Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ BKAV, nói:
“Quy hoạch về đô thị thông minh đã nói rất nhiều tại Việt Nam, gần đây thì theo tôi nhận định đã có bước phát triển hơn rất nhiều. Tuy nhiên để nói thật sự có một nơi nào thực sự đã có đô thị thông minh, thì gần như là chưa có. Có một vài tỉnh có thể hiểu là đang bắt đầu triển khai đô thị thông minh rõ nét, ví dụ như ở Quảng Ninh chẳng hạn, có thể nói là đô thị thông minh, nhưng cũng chỉ ở giai đoạn ban đầu.”
Xu hướng đô thị thông minh trên thế giới được cho là một xu hướng đúng đắn và nhiều nước đã áp dụng thành công. Nhưng ở thời điểm này, và trong tình trạng Việt Nam hiện nay, nếu đưa các tỉnh thành vào làm đô thị thông minh, ngay cả ở thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM thì vẫn chưa thể vì thiếu những yếu tố căn bản. Bản thân người dân cũng chưa được trang bị gì để góp phần vào công cuộc này.
Mỹ hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực chính phủ điện tử
Quan chức Mỹ mới cùng với phía Việt Nam ký bản ghi nhớ, theo đó hỗ trợ Văn phòng Chính phủ Việt Nam tăng cường năng lực chính phủ điện tử.
Theo Đại sứ quán Mỹ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cùng Quyền Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam Bradley Bessire và Bộ Trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã tham dự lễ ký bản ghi nhớ, theo đó USAID sẽ hỗ trợ Văn phòng Chính phủ thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tăng cường sự phối hợp liên ngành tại Việt Nam, nâng cao tính minh bạch và tiếp tục phát triển hơn nữa Cổng Dịch vụ công Quốc gia, một nền tảng chính phủ điện tử nhằm cải thiện tiếp cận thông tin và đem lại lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp.
“Bản ghi nhớ về hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực chính phủ điện tử được ký ngày hôm nay là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác bền chặt không ngừng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như củng cố cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam nhằm hiện đại hóa quản trị công, cải cách thủ tục hành chính và phát triển chính phủ điện tử”, Đại sứ Kritenbrink nói hôm 13/10, theo cơ quan ngoại giao Mỹ ở Việt Nam.
Tin cho hay, hỗ trợ của USAID bao gồm việc cập nhật các quy định liên quan đến triển khai thực hiện việc cung cấp dịch vụ công và xử lý hồ sơ trực tuyến, và hỗ trợ quản lý sự thay đổi của các cơ quan tổ chức nhằm cải thiện hoạt động cung cấp dịch vụ và thúc đẩy các chương trình truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả của Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Ngoài ra, theo Đại sứ quán Mỹ, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cũng hỗ trợ việc cải thiện quy trình nghiệp vụ, thiết kế giao diện và trải nghiệm của người dùng Cổng Dịch vụ công Quốc gia và hỗ trợ tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ tại các trung tâm một cửa, trong đó tập trung vào số hóa thủ tục hành chính và tiếp cận các kết quả số hoá thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Trong 15 năm qua, tin cho hay, USAID đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam nhằm tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp trong nước nhằm mở rộng quy mô hoạt động, cải thiện môi trường kinh doanh, đào tạo các nhà lãnh đạo mới nổi, giảm thời gian và chi phí trong hoạt động thương mại và tăng cường khung thể chế và pháp lý cấp trung ương và địa phương để thúc đẩy tăng trưởng khu vực tư nhân.
Hồi cuối tháng Tám, Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) thông báo cung cấp một khoản hỗ trợ không hoàn lại để giúp thay đổi cơ bản cách TP HCM quản lý hoạt động thường nhật thông qua việc phân tích dữ liệu nâng cao.
Theo USTDA, khoản tài trợ sẽ giúp TP HCM triển khai các kế hoạch cho Trung tâm Điều hành Thông minh, nơi sẽ tổng hợp dữ liệu đô thị theo thời gian thực vào một nền tảng sử dụng bảng điều khiển trực quan mà các nhà lãnh đạo địa phương có thể tận dụng.
Thông qua việc sử dụng các công nghệ thông minh này và áp dụng phân tích dữ liệu tiên tiến, TP HCM có thể tăng cường cung cấp dịch vụ cho sự gia tăng dân số đang diễn ra nhanh chóng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế mới, theo USTDA.
“Thành phố Hồ Chí Minh có một chương trình phát triển thành phố thông minh đầy triển vọng và USTDA là đối tác lý tưởng để hỗ trợ các mục tiêu này ”, ông Todd Abrajano, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Đại diện USTDA, cho biết hôm 25/8.
“Mối quan hệ đối tác sẽ giúp thành phố triển khai các công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại và phân tích dữ liệu tiên tiến do các công ty sáng tạo của Hoa Kỳ cung cấp”.
Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói tại một sự kiện đánh dấu 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ ở Hà Nội rằng Việt Nam ‘coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu’, theo Cổng thông tin chính phủ Việt Nam (VGP News).
Ông Đam được trích lời nói rằng “Việt Nam luôn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa” và “coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu trong tổng thể chính sách đối ngoại của mình”.
Ông cũng nói thêm rằng việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ “là một quyết định quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai nước, khép lại một thời kỳ khó khăn và mở ra giai đoạn mới đầy hứa hẹn”.
“Hợp tác trên các lĩnh vực là cầu nối quan trọng cho tiến trình xây dựng và củng cố lòng tin, thiện chí và tình hữu nghị lâu bền giữa hai nước”, ông Đam nói, theo VGP News.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét