Đây là bài số năm trăm bốn mươi (540) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo, Portland, Oregon. Bây giờ là mùa lễ Tạ Ơn. Sống trong cõi đời này chúng ta mang ơn rất nhiều người và cũng một đôi lần chúng ta đã làm cho người khác phải cám ơn ta. Đạo đức văn hóa Việt Nam đặt nặng việc tri ân báo đáp với những kẻ đã ban ơn cho ta Chúng ta mang ơn Tổ tiên, cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục chúng ta khôn lớn thành người. Chúng ta thường nghe những câu ca dao, tục ngữ như sau:
Con người có Mẹ có Cha
Như cây có cội, như sông có nguồn
<!>
Có những bài hát nhắc nhở chúng ta phải biết nhớ ơn tổ tiên, cha mẹ:
Uống nước nhớ nguồn
Làm con phải nhớ
Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Những người không biết nhớ ơn cha mẹ là hạng người bất hiếu. Thật đáng trách!
Ngoài xã hội, chúng ta cũng đã từng mang ơn Thầy Cô giáo đã dạy dỗ và truyền trao cho chúng ta những kiến thức cần thiết để cho đời sống chúng ta được thăng hoa tốt đẹp:
Gươm vàng rớt xuống hồ Tây
Công Cha cũng trọng, nghĩa Thầy cũng sâu
Chúng ta mang ơn những chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc để cho chúng ta đưọc sống còn trong tự do, hạnh phúc. Chúng ta cũng mang ơn những người dân bản xứ đã mở rộng vòng tay đón nhận chúng ta để chúng ta được sống an bình nơi tha hương xứ lạ. Chúng ta cám ơn những bạn bè thân mến, những thiện hữu tri thức đã chia sẻ với chúng ta những vui buồn trong cuộc sống.
Còn nhiều lắm những người chúng ta phải mang ơn trong cuộc đời này, phải không bạn?
Chắc hẵn Bạn sẽ đồng ý với tôi qua lời thơ dưới đây:
Tôi viết xuống đây bài thơ cảm tạ
Đến Phật, Trời ban hồng phúc thiện duyên
Giúp cho tôi hiểu nghiệp quả, nhân duyên
Nhận ân nghĩa, phải tri ân đền đáp (SL*)
Trong việc cho và nhận đôi khi chỉ cần hai chữ « cám ơn » cũng đã làm thay đổi hẵn cuộc đời của một tên cường đạo, nếu kẻ ấy biết giá trị của hai chữ Cám Ơn.
Xin mời quý bạn đọc qua chuyện Thiền nho nhỏ dưới đây:
Trộm Cướp Giác Ngộ
Có một tên cường đạo đến đánh cướp Thiền Sư Thất Lý trong lúc Ngài đang công phu chiều:
- Đưa tiền đây, nếu không ta sẽ lấy cái mạng già của ngươi.
- Ta đang tụng kinh, tiền trong ngăn kéo, ngươi hãy tự lấy, nhưng nhớ chừa cho ta một ít để nộp thuế.
Tên cường đạo vơ vét tiền rồi bỏ vào bao tính chuồn đi. Nhà sư bảo:
- Nhận đồ người khác nên biết cám ơn chứ !
Hắn trả lời « cảm ơn » rồi ra đi.
Sau đó tên cướp bị bắt vì đã gây nhiều tiền án, trong đó có khai là có lấy tiền của Thiền sư.
Quan cho mời Thiền sư đến đối chứng lời khai, bèn hỏi:
- Tên này cướp tiền của ông phải không ?
Thiền sư nói:
_ Hắn không có cướp tiền của tôi. Tiền thì tôi cho hắn và hắn cũng đã cám ơn tôi rồi.
Sau khi mãn hạn tù về, tên cướp liền đến Thiền sư Thất Lý xin làm đệ tử .
Lời bình : Bỏ đao xuống, đồ tể thành Phật. Đó là việc khó có. Dùng sức mạnh gì để khiến người bỏ đao xuống đây ?
(Nguồn : Trích trong Thiền là gì? Biên soạn: Giác Nguyên)
Đọc chuyện xưa tích cũ trong Cổ Học Tinh Hoa chúng ta đã từng nghe nhiều điển tích như một Kinh Kha vì muốn đền ơn tri ngộ của Công tử Đan đã phải hy sinh tánh mạng khi thích khách Tần Vương hoặc một Dự Nhượng ba lần đâm gươm vào áo của Triệu Tương Tử xong rồi đâm gươm vào cổ tự tử chết để đền ơn Trí Bá. Đó là những danh sĩ ngày xưa để lại tiếng tốt muôn đời vì hai chữ tri ân và báo đáp.
Chúng ta cũng thường nghe nói « Đông Tây không bao giờ gặp nhau » . Tuy nhiên người viết thấy đôi khi Đông Tây cũng gặp nhau qua sự cho ơn và nhận ơn như sau:
Trong Đông phương xử thế với Viễn Thị Thế Phan:
“Làm ơn cho ai thì chớ kể
Chịu ơn của ai thì chớ quên”
Trong Tây Phương xử thế với Ngạn ngữ Tây Ban Nha:
“Người cho phải làm thinh
Người nhận phải nói”
Như vậy, chúng ta có thể hiểu cả Đông và Tây đều đồng ý như nhau là người ban ơn cần “Thi ân bất cầu báo” nhưng người nhận ơn cần phải ghi nhớ trong lòng để mà trả ơn người đã ban ơn cho mình. Bạn đồng ý chứ?
Ngoài ân Tam Bảo, ân cha mẹ, ân thầy cô, ân những chiến sĩ đã bỏ mình vì tổ quốc, người viết xin cám ơn những vị thiện tri thức, những người bạn quý dù chưa bao lần gặp mặt đã giúp đỡ người viết rất nhiều, bằng cách này hay cách khác: làm ảnh thơ, làm youtube, phổ nhạc, ngâm thơ, đăng trong trang nhà riêng, chuyển tiếp bài vỡ đến các thân hữu khác, viết và nói lời yêu thương và khích lệ v...v... đã giúp cho tâm nguyện phục vụ Đạo và Đời qua thơ văn trong mục Một Cõi Thiền Nhàn của người viết có kết quả tốt đẹp, thành tựu viên mãn..
Nếu không được sự ưu ái giúp đỡ, khích lệ, ủng hộ của quý vị, thì người viết sẽ không có phúc duyên thực hiện được tâm ý đem một chút niềm vui nho nhỏ đến cho người, cho mình trong chốn bụi hồng lao xao này. Xin đa tạ lòng thương yêu, quý mến của quý vị đã dành cho người viết.
Cảm Tạ
Cám ơn người ghé Cõi Thiền Nhàn
Cùng một tâm hồn, một cảm quan
Vô ngã, vô thường không bận trí
Có không, không có vẫn an khang
Cuộc đời phiền não thêm chi nữa
Trần thế an vui, bớt trái oan
Chia sẻ niềm vui, tâm tĩnh lặng
Bạn, tôi vui với Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
Năm nay khi đọc lại những bài thơ cũ, người viết tìm được bài thơ Sông Cho Biển Nhận hợp với ý nghĩa về sự Cho và Nhận trong Ngày Lễ Tạ Ơn. Bài thơ này đã được anh Trinh Huỳnh làm ảnh thơ đẹp và nhạc sĩ Mai Đằng đã phổ thành nhạc được trình bày qua tiếng hát của ca sĩ Tâm Thư.
Những gì mà các thân hữu thân mến như đã nói ở trên đã làm cho người viết đều có tính cách tự nguyện phát xuất từ trái tim tình cảm quý mến nhau mà thôi chứ không có một chút gì dính dáng đến bạc tiền, vật chất.
Một lần nữa, người viết xin đa tạ lòng thương mến và giúp đỡ của quý thân hữu mà người viết có phúc duyên gặp gỡ trong cõi đời này.
Xin mời quý thân hữu thưởng thức bài thơ
Sông Cho Biển Nhận-Thơ Sương Lam- Ảnh Thơ Trinh Huỳnh- Nhạc Mai Đằng- qua tiếng hát của ca sĩ Tâm Thư
Sông Cho Biển Nhận
(Viết tặng các thân hữu của Sương Lam)
Sương Lam
Xin click vào link dưới đây để nghe nhạc do nhạc sĩ Mai Đằng thực hiện qua tiếng hát của ca sĩ Tâm Thư
Cám ơn anh Trinh Huỳnh, anh Mai Đằng và ca sĩ Tâm Thư nhé.
Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 540-ORTB 963-11252020)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét