Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

CON ĐỈA ĐÓI - Truyện ngắn Nguyễn Giao Kỳ Trung


Giữ lại giùm cha khẩu âm đặc sệt 

Xưa ở Sài Gòn ngượng miệng biết bao 

Giờ nơi quê người líu lo tiếng Mỹ 

Nghe giọng Quảng Nam lại thấy ngọt ngào 

 "Giữ lại giùm cha" - 

Thơ Nguyễn Vĩnh Giao 

“Ba hình như càng ngày càng kết con đỉa đói đó rồi”, Hạnh vừa cười vừa nói với cha mình. Ông Hữu gật đầu cười. “Con nói đúng đó. Thiệt ra lúc đầu ba đâu có ưa, nhưng càng ngày ba lại càng thấy thích cậu ấy. Ba nghe nói người xứ cậu ấy nói một đàng, nghĩ một đàng. Nhưng ba lại thấy cậu ấy chơn chất thiệt thà, giống y như người Quảng mình, nên dễ tiếp xúc hơn”. Hạnh lại cười. “Ba thích con đỉa đói đó đâu phải do ảnh chơn chất thiệt thà. Ba thì thích nói, còn ảnh thì chỉ biết nghe; mỗi lần gặp ba, ảnh ngồi im như con hến để ba tha hồ nói chi thì nói thì ba thích ảnh là phải rồi”. 

<!>

“Ảnh” hay “con đỉa đói” là người láng giềng của hai cha con Hạnh. Mấy tháng trước đây, ông Hữu và Hạnh bỏ quê hương từ ngoài Trung dọn vào Nam. Ông Hữu trước đó là giáo viên, rồi sau bị động viên. Đi lính được mấy năm, ông bị trọng thương, phải giải ngũ. Ông là thương phế binh, tiền cấp dưỡng chẳng là bao, nên mọi chuyện trong nhà nhờ một tay quán xuyến tảo tần của bà Cầm vợ ông. Bà Cầm có một quầy hàng nhỏ ở chợ, ngày buôn bán chắt chiu từng đồng. Đời sống chật vật, nhưng hai vợ chồng có được chút an ủi là có cô con gái nhỏ rất ngoan. Hết giờ học ở trường là cô bé vội vã đến chợ giúp mẹ. 

Ông Hữu suốt ngày ngồi trong căn nhà lợp tôn nóng hâm hấp dưới nắng hạ, nuôi giấc mơ trở thành văn sĩ. Viết rồi xé bỏ, lại viết rồi lại xé bỏ, lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần, cuối cùng sau mấy năm ông hoàn thành đứa con tinh thần đầu tay của mình. Viết sách xong thì phải xuất bản mới thành một nhà văn được chứ. Ông Hữu đi hỏi han lung tung, nhưng ở thị trấn nhỏ nhoi nghèo khó, đâu có bao nhiêu người theo nghiệp văn chương. Chuyện thơ văn chẳng có ai để tâm đến, thì nói gì đến chuyện xuất bản phổ biến tác phẩm của mình. Túng quá làm liều, ông viết thư cho một nhà báo ở Sài gòn. Ông Hữu đâu có quen biết gì với ông nhà báo này, chỉ biết ông ta qua những bài viết đăng hàng ngày trên tờ nhật báo. Ông gởi thư đi, lòng chắc chắn trăm phần là chẳng bao giờ có hồi âm. Không ngờ ông nhà báo lại người có lòng. Ông ta trả lời ngay, giải thích đại khái cho ông Hữu biết về đường đi nước bước. Bước đầu tiên là phải đưa bản thảo cho nhà xuất bản đọc. Ông ta nói điều này nghe thì dễ, nhưng làm được thì rất khó khăn. Nhà xuất bản hàng ngày nhận cả chục bản thảo, nên nếu không có người giới thiệu, hoặc nếu nội dung của truyện có vấn đề, dù là vấn để nhỏ nhoi đi nữa, thì bản thảo cùng giấc mơ văn sĩ của ông Hữu chỉ có đường theo nhau vào sọt rác. Ông nhà báo cho biết nếu chỉ khơi khơi gởi bản thảo cho nhà xuất bản thì thà đừng gởi còn hơn. Để có một chút cơ hội mong manh, ông Hữu phải nhờ một người trong nghề giúp đỡ, đọc và cho ý kiến để ông Hữu tu chính cho đến khi bản thảo được hoàn hảo, rồi mới giới thiệu cho nhà xuất bản. Ông nhà báo sẵn sàng giúp đỡ, nhưng ông Hữu phải ở Sài gòn mới được. 

 Ông Hữu ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Không vào Sai gòn thì giấc mộng văn sĩ không thành, mà vào Sài gòn thì làm sao mà sống trong khi sinh kế của toàn gia đình chỉ trông cậy vào bà vợ và cái quầy hàng nhỏ ngoài chợ của bà. Đang phân vân thì định mệnh quyết định giùm cho ông. Một trái hỏa tiễn Việt Công bắn vào thị trấn không rơi vào khu quân sự chúng nhắm bắn mà lại rơi vào chợ. Trong số mấy mươi nạn nhân chết thảm có bà Cầm. 

Mấy tháng sau, hai cha con ông Hữu bán ngôi nhà tôn cùng quày hàng rồi bỏ quê hương dọn vào Sài gòn. Ông nhà báo tận tình giúp đỡ, việc đầu tiên là giúp ông Hữu thuê được một căn gác nhỏ trong một con hẻm sâu gần phi trường Tân Sơn Nhất. Ông Hữu ban ngày đến tòa soạn gặp ông nhà báo, tối về lại lấy bản thảo ra sửa đi chép lại. Cô bé Hạnh mới có mười lăm tuổi mà đã thành một người nội trợ lo toan mọi việc. Vốn liếng không bao nhiêu, Hạnh phải chiu chắt dè xẻn từng đồng. Nhưng của ăn núi lỡ, có chiu chắt dè xẻn đến đâu rồi cũng có ngày cạn tiền. Đến lúc đó, nếu giấc mơ văn sĩ của ông Hữu không thành thì hai cha con chỉ có đường ra ngủ bờ ngủ bụi. Hạnh rất lo lắng, nhưng ông Hữu thì tỉnh khô. Ông bảo rằng, nếu số mệnh sắp đặt như vậy, thì dù ông có tiếp tục ở quê nhà cũng vẫn phải trôi sông lạc chợ mà thôi. 

Căn gác trọ của ông Hữu nằm trong khu Bắc Kỳ di cư. Hai cha con ông ở đây mà chẳng khác gì đang lạc vào một hành tinh khác. Hàng xóm láng giềng rặt toàn người Bắc; họ đối với hai cha con ông ngoài sự dè dặt còn có chút nghi ngờ. “Đám dân ở đây nghi mình là Cọng Sản”, ông Hữu than thở với con. Nhưng thật sự mà nói, nếu những người hàng xóm láng giềng có niềm nở cởi mở, thì hai cha con ông Hữu cũng co vòi, đâu dám giao tiếp với họ. Lý do rất đơn giản là khác biệt khẩu âm. Một bên là giọng Bắc chính cống, một bên là giọng Quảng đặc sệt, không bên nào hiểu bên kia nói gì thì giao tiếp dễ dàng được với nhau mới là lạ. Cho nên lần đầu khi gặp con đỉa đói, ông Hữu lặng câm như một con hến. Nếu tình cờ gặp nhau, nghe hắn chào hỏi mình, ông Hữu chỉ gật đầu rồi quay lưng bỏ đi. 

Con đỉa đói sống một mình trên căn gác sát vách với căn gác ông Hữu. Hai căn gác có cùng một cái bao lơn, mở cửa ra là đụng đầu, nên dù muốn dù không cũng phải gặp nhau. Ông Hữu có tránh thì cũng chỉ tránh một vài lần, đâu có thể nào tránh hoài được. Còn con đỉa đói thì y như là một … con đỉa đói, cứ bám lấy ông. Bị ông tránh mặt mấy lần, hắn vẫn không có lấy một chút bất mãn hay phiền lòng; mỗi khi thấy mặt ông là hắn mon men tìm tới bắt chuyện. Mà ông Hữu thấy mình tránh né người ta hoài thì cũng kỳ, nên có một lần gặp nhau nghe con đỉa đói chào mình, ông đứng yên nhìn hắn.

 “Bác là người Quảng?” 

“Phải”, ông Hữu rụt rè đáp. “Tui tên Hữu, người Quảng … Quảng … Nôm, ý, không phải, người Quảng Na… Nam”. Nói được xong một câu suông sẽ bằng giọng Nam đối với ông Hữu là một chuyện phi thường rồi. Hai tháng qua, ngày gặp ông nhà báo và những người làm việc ở tòa soạn, ông Hữu cố bắt chước giọng Nam của họ ráng thay đổi để khẩu âm của mình dễ nghe hơn. Nhưng giọng Quảng đã thâm căn cố đế, thấm vào tận xương cốt rồi, nên ông có uốn lưỡi đến bao nhiêu lần, dấu được phần đầu thì cũng lòi ra phần đuôi, Quảng Nam cuối cùng vẫn nguyên con là Quảng Nam. Ông Hữu đưa mắt nhìn người hàng xóm. Hắn vẫn tươi tỉnh, làm như không thấy được sự ngượng ngập lúng túng của ông.

 “Chào bác Hữu một lần nữa. Cháu tên Minh” 

Sự vui vẻ niềm nở của con đỉa đói tên Minh như phá tan được bức tường ngăn cách, làm ông Hữu cảm thấy thoải mái hơn nhiều. “Chào cậu Minh”, ông đáp. “Cậu là người Béc … ý không phải, người Bấc … ý, lại không phải nữa … người Bắc … Bắc Kỳ di cư?” “Cháu là người Bắc, nhưng sinh ở Sài Gòn”, Minh đáp. Hắn nhìn ông Hữu, mỉm cười rồi nói tiếp. “Bác ơi, nói chuyện với cháu bác không cần giả tiếng. Cháu sống ở đây hơn hai mươi năm rồi, nghe người ta nói giọng Nam, giọng Bắc đến phát chán. Cháu thích nghe bác nói chuyện với cháu bằng giọng Quảng”.

 Ông Hữu nhìn con đỉa đói chằm chằm.. “Cậu ni thiệt là ngộ. Tui ở ngoài Trung, xem triền hình thấy khán giả mỗi lần nghe Tùng Lâm Phi Thàng nói giọng Quảng là thích chí cười nghiêng cười ngữa”. Ông ngừng một lát rồi tiếp. “Tui nói giọng Quảng với người ở đây, bị họ chế diễu cười cợt lồm tui thấy dị quá, nên mấy lần trước gặp cậu, tui phải lồm người mất lịch sự không dô tiếp dới cậu. Mà cậu thì lại bốm theo tui để nghe giọng Quảng cho bèn được. Hai cha con tui không hiểu tại sô”. Ông Hữu nhìn Minh rồi bật cười. “Con Hạnh còn gọi cậu là con đỉa đói đó”. 

Mình cười dòn. “Hạnh gọi đúng lắm, vì cháu nhất định làm con đỉa đói để làm quen với bác. Lý đó là vì gặp một người nịch nãm như bác, nòng cháu thấy nưu nuyến nạ nùng”. Nói xong, Minh nhìn ông Hữu. Thấy vẻ mặt ngơ ngác của ông, Minh bật cười. “Bác không hiểu cháu nói gì hả?. Cháu nói là gặp một người lịch lãm như bác, lòng cháu thấy lưu luyến lạ lùng. Khẩu âm Bắc Kỳ chính cống đó, bác có thấy buồn cười không? Không hả bác, vậy tại sao bác lại sợ cháu chê cười giọng Quảng của bác”. Rồi Minh nghiêm nét mặt. “Bác ơi, giọng nói khác biệt, nhưng đâu có làm người ta xấu đi. Người ta nói người Bắc ở một đầu bản đồ nước Việt, tính tình thâm trầm kín đáo, con người Nam ở đầu bên kia, tính tình lại chân thành cởi mở. Còn người Trung vì ở chính giữa nên có đủ cái tốt của hai miền Nam Bắc, vừa thâm trầm kín đáo, vừa chân thành cởi mở. Còn người Quảng thì ở ngay giữa miền Trung, nên có đủ cái …

” Minh chưa nói hết câu thì ông Hữu cười và tiếp lời “… đủ cái dỡ cái xấu của ba miền”. 

Mình cũng cười. “Vâng, đúng vậy, đủ cả cái tốt lẫn cái xấu của cả ba miền Bắc Trung Nam. Nhưng miền nào cháu cũng thấy cái tốt mà thôi. Cháu là người Bắc lại sinh ra lớn lên ở miền Nam nên rất rõ về người ở hai miền này. Nhưng người miền Trung thì cháu chưa có dip giao tiếp nhiều. Nên gặp bác thì cháu nhất định phải làm một con đỉa đói bám lấy cho bằng được”. 

Trận cười tiếp theo câu nói của Minh xoá sạch hết tất cả những ngăn cách dè dặt trong lòng ông Hữu. Ông ta trở nên vui vẻ cởi mở. Những lần gặp nhau sau đó càng ngày càng dài thêm ra. Từ ngày bà vợ chết thảm, ông Hữu rất cô đơn. Tuy Hạnh là một đứa con tuyệt vời, nhưng Hạnh còn nhỏ đâu hiểu việc đời nên chỉ có thể làm con mà không thể nào trở thành một người bạn. Mà ông thì ông cần một người bạn, nên khi gặp Minh, ông Hữu như người buồn ngủ gặp chiếu manh. Con đỉa đói chẳng mấy chốc đã trở thành một người bạn cố tri. Ông Hữu kể hết mọi chuyện trong đời mình cho Minh nghe, kể hết, kể hết, không thiếu một mẫu chuyện nhỏ nào. Thuở thiếu thời cùng với đứa em trai lớn lên ở miền quê. Lần đầu gặp bà Cầm khi hai người con là học sinh trung học. Những ngày làm nghề gõ đầu trẻ, dạy dỗ đám trẻ ngây thơ, hồn nhiên. Nửa năm thụ huấn ở Đồng Đế, rồi những ngày tháng lửa đạn ở chiến trường. Lần thức giấc ở bịnh viện, khám phá ra mình đã trở thành một người tàn tật. Lúc nhặt nhạnh những mảnh vụn thân thể của bà Cầm bỏ vào chiếc quan tài sơ sài rồi chôn vội chôn vàng. Ông kể hết, kể cả chuyện làm ăn, chuyện nợ nần. Nhưng đề tài được ông yêu thích nhất vẫn là thơ văn. Ông ngâm nga những bài thơ tình, đọc lại những trang thư tình ông viết để tặng cho ba Cầm hồi hai người còn là học trò. Và, cuối cùng, ông kể về giấc mơ trở thành văn sĩ với tập bản thảo của cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tựa đề rất lạ “Người Tình Ba Chử V”. Ông say sưa kể chuyện; thỉnh thoảng ông quay nhìn, thấy Minh chăm chú lắng nghe, lòng ông rất vui và cảm động. Tuổi tác chênh lệch, nhưng càng trò chuyện, ông càng thấy thân thiết với người bạn trẻ tên Minh nầy. Đúng như Hạnh đã nói, ông đã “kết” con đỉa đói Bắc Kỳ nầy rồi.

 * 

“Ba ơi, ba” Tiếng gọi của Hạnh đưa ông Hữu trở về với thực tại. Ông ngước nhìn con gái. Hạnh cúi đầu nói nhỏ. “Ba ơi, mình hết tiền rồi” 

Ông Hữu chỉ gạt nhẹ đầu nhưng không nói gì. “Con còn đủ tiền chợ, nhưng tiền nhà tháng tới thì …” Hạnh nói tiếp. 

Ông Hữu móc bóp lấy hết tiền đưa cho con gái. “Ba chỉ có bấy nhiêu thôi; con giữ đi”. 

Hạnh nhìn số tiền trên tay: một tờ giấy bạc năm trăm đồng và một số tiền lẻ. Khi đến Sài gòn, cô có đưa cho ông Hữu một số tiền để tiêu vặt. Hạnh hiểu và ứa nước mắt. Mấy tháng qua, ngoài trả tiền xe buýt xuống phố để gặp ông nhà báo, ông Hữu nhịn cả ăn trưa, không tiêu lấy một đồng. Hạnh đưa tiền lại cho cha. “Ba giữ di. Ba già rồi, nhịn ăn hoài có hại cho sức khỏe đó”. 

Hai cha còn lặng yên một hồi. Rồi Hạnh ngập ngừng nói. “Ba à, hay là ... hay là ...” 

Ông Hữu cười buồn. “Trên phố thì nhà cửa bán hết rồi, còn dưới quê thì Cọng Sản chiếm rồi, mình sống ở đâu đây con?” 

“Thì … thì mình sống ở dưới quê. Con nghĩ ba là thương phế binh, chú Út lại ở phía bên kia nên chắc họ hông làm khó dễ mình đâu. Con đã gởi thơ cho con nhỏ bạn nhờ nó liên lạc cho chú Út biết địa chỉ và hoàn cảnh của mình rồi”. Hạnh ngừng nói một lúc rồi tiếp. “Ba còn mấy thửa ruộng ông nội để lại, xưa nay ba để cho chú Út canh tác. Mình lấy lại, trồng rau trồng cỏ cũng sống được qua ngày”. 

Ông Hữu chỉ cười buồn mà nói gì. Mấy năm qua, ông và đứa em duy nhất ở hai bên chiến tuyến, một người theo Quốc Gia, người kia theo Giải Phóng. Hai anh em sống cách nhau chỉ có mười mấy cây số, nhưng khoảng cách giữa hai người lại rộng như một đại dương. Ông lắc đầu, bỏ tiền vào bóp. Hai cha còn lặng yên một hồi lâu. Rồi ông nói. “Con đừng có lo; trời sinh doi sinh cỏ mà”. Ông nhìn con gái, mỉm cười rồi lập lại câu ông nói suốt mấy tháng qua. “Ba đi gặp ông ký giả rồi ghé lại nhà in . Lần nầy nhứt định sẽ thành công”. 

Ông đi đến tối mịt mới về. Hạnh ở nhà chờ cha, đứng ngồi không yên. Nàng đứng trên bao lơn thấy ông về từ đầu hẻm đã mừng rỡ chạy xuống đường chờ. Thấy vẻ mặt vui vẻ của ông Hữu, Hạnh hỏi ngay. “Họ chịu in sách của ba rồi hả ba?” 

Ông Hữu lắc đầu. “Ba chờ cả buổi sáng, nhưng họ nói là ông chủ không rãnh”. Ông móc túi áo, lấy hai tấm vé đặt vào tay Hạnh. “Ba xếp hàng mấy tiếng đồng hồ mới mua được đó”. Thấy mặt con gái lộ vẻ ngạc nhiên, ông mỉm cười nói tiếp. “Ba quyết định rồi; tới đâu thì tới, đói cho đói luôn, hai cha con mình phải đi coi Đại Nhạc Hội một lần cho biết”.

 * 

Buổi Đại Nhạc Hội là một lần trải nghiệm mà cha con ông Hữu cả đời không quên. Rạp hát rộng lớn hơn họ tưởng tượng, bên trong đến đuốc sáng trưng. Dù bên ngoài trời Sài gòn nắng gay gắt và ẩm thấp chẳng khác gì ngoài Trung, nhưng vừa bước qua cửa vào rạp hát là hai cha con đã run người vì hơi lạnh từ trong rạp hắt ra. Hai người vừa ngồi xuống ghế đã xuýt xoa; ghế rộng và êm ả quá làm họ chỉ muốn nhắm mắt lại ngủ một giấc dài. Trước mặt họ là sân khấu, lộng lẫy huy hoàng; so với những gì họ thấy khi xem ké truyền hình của nhà hàng xóm ngoài Trung thì thật khác hẳn một trời một vực. Còn đám diễn viên thì thôi không thể nào diễn tả được. Dưới ánh đèn, qua âm thanh ở sân khấu, họ đẹp quá là đẹp, còn giọng hát thì còn ngọt hơn cả mía lùi. Cha con ông Hữu nhìn họ diễn xuất mà không dám chớp mắt. Cứ thỉnh thoảng là ông Hữu ghé miệng nói nhỏ với con gái “Hay quá con hỉ?”. Ngay cả phần trình diễn của những danh hài đương thời, những người ông Hữu từng ghét cay ghét đắng vì đã có lần nhại giọng Quảng, cũng được ông tán thưởng nồng nhiệt. Hay thì mình phải khen hay mà, ông giải thích với con gái. Dĩ nhiên là khen với điều kiện không được dùng đến giọng Quảng, còn giọng xứ khác thì họ tha hồ. Hạnh chỉ gật đầu mỉm cười. Chưa bao giờ cô bé thấy ba mình được vui như vậy. 

Sau ba tiếng đồng hồ trình diễn đủ hết các tiết mục ca nhạc kịch, người điều khiển chương trình bước ra sân khấu giới thiệu một lần chót. “Màn trình diễn cuối cùng trong các chương trình nhạc hội luôn được dành cho tiết mục đặc biệt nhất. Hôm nay cũng không ngoại lệ. Chúng tôi xin giới thiệu cùng quý vì một khám phá mới, một tài năng mới, một ngôi sao mới vừa xuất hiện trong vòm trời nghệ thuật nhưng chúng tôi tin chắc sẽ rực sáng trong tương lai. Mới quý vị chào đón phần trình diễn của Trí Minh”. 

Hai tấm màn nhung khép lại, rồi từ mở ra. Từ sau sân khấu, một diễn viên bước ra trong tiếng vỗ tay chào đón của khán giả. Cả hai cha con ông Hữu há hốc nhìn sững. “Cậu Minh!”, ông kêu lên. 

 Trên sân khấu, Minh trông trẻ đẹp chẳng khác gì các nam diễn viên nổi tiếng đã trình diễn trước mình. Minh cúi thấp người chào khán giả, rồi tự giới thiệu. “Kính chào quý vị. Tôi là Trí Minh, lần đầu tiên được hân hạnh trình diễn giúp vui cho quý vị”. Minh mỉm cười rồi nói tiếp. “Thật ra nghệ danh tôi muốn dùng không phải là Trí Minh mà là Chí Minh. Có điều là có người nhanh tay lẹ chân sinh trước tôi mấy mươi năm đã dành mất nghệ danh Chí Minh nầy rồi”. 

Minh nói một tràng bằng giọng Bắc cố hữu của mình. Chỉ qua một câu giới thiệu dí dỏm là Minh đã được khán giả tán thưởng rồi. Cả rạp hát nổi lên một tràng vỗ tay nồng nhiệt. 

“Thiệt ra tui không phải người Béc, mà là người Quảng Nôm. Tui sinh ra ở Then Bình, khi lớn lên dọn ra Đà Nẽn học trung học”. 

Thật bất ngờ, Minh đổi từ giọng Bắc qua giọng Quảng, khẩu âm y hệt như khẩu âm của một người Quảng Nam chính gốc. Khán giả trong rạp hát như ngẩn người ra một giây, rồi vừa cười ồ lên, vừa vỗ tay tán thưởng. Ông Hữu quay qua hỏi cô con gái. “Cậu … cậu … ấy đang … đang …?”. Ông hỏi chưa dứt câu thì trên sân khấu, Minh đã nói tiếp. “Hiện chừ, tôi lồm nghề dăn sĩ. Tôi vừa diết xong cuốn tiểu thiết đầu tay nói dề chiện tình của tui. Tiểu thiết có tựa đề là Người Tinh Ba Chữ Dê”. 

Khán giả lại phá lên cười. Từ trong đám khán giả, một giọng đàn ông cất lên. “Một con dê chưa đủ hay sao mà lại đến ba con dê?”

 “Không phải con dê mà là chữ Dê. Ba Chữ Dê là tên tét; tên thiệt của tụi là Dũ Dăn Dinh”. Minh giải thích. “Khi sinh tui ra, cha tui nghĩ rằng tui họ Dũ, có dũ rồi cần có chút dăn thì khi lớn lên mới được dinh hiển” 

Thêm một tràng cười và một tràng pháo tay. “Cha nầy chắc là Ba Tàu chứ Việt Nam làm gì có họ Dũ “, người đàn ông khán giả vừa cười vừa nói lớn.

 Mình gân cổ cải. “Có chớ sô hông? Tui họ Dũ chứ không phải họ Dũ. Dũ chữ dê chớ đâu phải Dũ chữ dê”. Khán giả lại cười nghiêng ngửa. “Quý dị có nghe màn hài kịch Dỏ Đại Lang bán phở chưa? Họ Dũ của tui cũng là họ Dỏ đó đó”. 

Lại một trận cười. Người khán giả vừa lên tiếng cười nói. “À, họ Vũ mà nói là họ Dũ, ông nội ai mà hiểu cho được”. 

“Lồm sô lại không hỉu được?. Tui đã giới thiệu là tụi họ Dũ chữ dê rồi mà”. Ngay sau lời giới thiệu đầu tiên, Minh nói sặc giọng Quảng. Mỗi câu Minh nói, mỗi lần đối đáp là một lần Minh tạo ra một trận cười và một tràng pháo tay tán thưởng. Ông Hữu thì không cuời, không tán thưởng. “Hén đang lồm cái chi dậy?”, ông hỏi con gái. 

“Chiện tình của tui bét đầu khi tui học trung học”, Minh kể tiếp. “Nàng tên Diên. Y như tên của nàng, Diên dừa đẹp dừa diên dáng nên dừa thấy nàng lần đầu tiên là tụi đã iêu liền; iêu mà không dốm tỏ dới Diên vì tui sợ dị. Nên tui diết thơ tình rồi lén gởi cho Diên. Diên đọc nhưn chẻn cho tui thêm một chút cổm tình nồ cả. Tui ngưng diết thơ tình, đổi qua lồm thơ. Thơ của tui là thơ con cóc, dậy mà Diên lại thích mới ngộ chớ”. Minh cười rồi tiếp. “Để tui đọc một đạn của bài thơ tui diết tả lần đầu tui gặp Diên trong ngày đầu Xưng” 

 Khán giả trong rạp hát bỗng nhiên cảm nhận được rằng phần trình diễn của Minh khác hẳn phần trình diễn lố bịch nhại giọng Quảng của các danh hài mà họ đã xem trước đó. Cả rạp hát im phăng phắc. Ông Hữu cũng ngồi yên, mắt dán vào Minh, nín thở, chờ đợi. Mấy giây đồng hồ trôi qua. Rồi Minh cất giọng ngâm nga.

 “Ngày đầu Xưng, nàng thước thoa trong nén 

Tóc xã ngang dai, đôi mét dịu hiền 

Tui thèn học trò, quần xanh ố trén 

Bởi iêu nàng nên dệt chiện thần tiên”. 

Rạp hát lặng yên không một tiếng động. Bất ngờ, một tràng pháo tay nổi lên, rầm rập như sóng cuồng, kéo dài một hồi lâu. Ông Hữu lại quay qua cô con gái. “Cái thèn chó chết, nó en cắp thơ ba lồm tẹn cho má con rồi đem ra …”. Cơn giận kéo đến làm ông nghẹn lời. Người ông run lên. 

Trên sân khấu, Minh như không hay biết sự việc xảy ra quanh mình. “Tui dà Diên quen nhay rồi iêu nhay. Một năm say, chiến tranh lan tràn đến quê tui”. Hắn ngừng nói, khuông mặt thoáng buồn. Mọi người lại lặng yên, chờ đợi. Bất ngờ, Minh cất giọng hát. 

“Giẹt từ miền Béc dô đây, boàn tay nhúm máy đồng bồ. Giẹt từ miền Béc dô đây, boàn tay nhúm máy anh em ... Giẹt thù đỏ xâm len, giẹt thù đỏ bộ tàn...”. 

Hát hết bài hát bi tráng, chẳng kịp để khán giả tán thưởng, Minh đã nhỏ giọng nói tiếp. “Bên nhay chẻn được bô lâu, chiến tranh ngen cách tui dà Diên. Rồi một ngày kia, một diên đạn thù của Diệt Cọng cướp đi Diên của tui”. Minh ngừng nói, thở dài. “Giấc mộng yên ương của bọn tui cũng tan dở theo. Mất Diên rồi, tui chỉ có thể dĩnh diễn làm người tình ba chữ Dê mà thôi”. 

Minh nói đến đó thì nghẹn lời, hai dòng nước mắt chảy dài xuống má. Đám khán giả như bị thôi miên, nhìn Minh sững sờ. Bất ngờ, tất cả đồng loạt đứng dậy, tay vỗ, miệng mỉm cười mà nước mắt lại ràn rụa trên mặt. Trên sân khấu, Minh cúi gập người, chào khán giả. Hai tấm màn nhung từ khép lại, nhưng khán giả không chịu. Những tiếng huýt sáo “buýt, buýt..” trộn lẫn với tiếng la gọi “Trí Minh, Trí Minh” rộn rã nổi lên. 

Trên sân khấu, người điều khiển chương trình xuất hiện, mặt mày tươi tỉnh như hoa nở. 

“Quý vì thấy phần trình diễn của Trí Minh như thế nào? Có đặc biệt không?” 

“Có”, cả ngàn cái miệng cùng hô lên một lượt.

 “Quý vị có muốn xem Trí Minh diễn xuất thêm hay không?”, người điều khiển chương trình cười hỏi. 

“Muốn, muốn”. 

Ông Hữu đứng bật dậy. “Ba chịu hông nỗi nữa rồi”, ông vừa nói vừa dợm bước ra khỏi ghế. Hạnh nắm tay kéo ông lại. “Mình không nghe cũng đã nghe, không thấy cũng đã thấy, thôi thì chờ thêm một chút nữa đi ba”. 

 Ông Hữu ngồi xuống, mặt nhăn nhó nhìn lên sân khấu. Hai cánh màn nhung lại mở rộng. Từ bên trong sân khấu sân khấu vọng ra một điệu nhạc hùng tráng. Rồi Minh xuất hiện. Lần nầy hắn mặc quân phục, gắn lon Thượng Sĩ, bảng tên trên ngực áo có thêu chữ “HỮU”. Minh đi khập khễnh, điệu bộ giống hệt như điệu bộ của ông Hữu khi ông diễn tả lại cho Minh nghe đoạn đời oanh liệt của mình. “Thiệt là hết chỗ núa mà”, ông Hữu nhìn Minh, mắt như tóe lửa. 

Minh đến trước máy vi âm, đưa tay chào kính, rồi cất giọng hát. “Diệt Nôm, Diệt Nôm nghe từ dào đời, Diệt Nôm hai câu núa trên dành môi, Diệt Nôm nước tui …”. 

Chỉ sau câu hát đầu của Minh, tất cả khán giả cùng đứng dậy, cất tiếng hát theo. Ông Hữu thoạt đầu ngồi yên, nhưng thấy Hạnh đứng dậy, ông đành miễn cưỡng đứng dậy theo. Ông nhìn cô con gái. Hạnh hình như quên có ông bên cạnh, miệng cười tươi, say sưa hát theo mọi người. 

Bản nhạc chấm dứt, màn nhung lại khép kín trong tiếng vỗ tay vang dội. Ông Hữu lặng lẽ đứng dậy, lách người ra khỏi hàng ghế, miệng không nói một lời.

 * 

Ngày hôm sau, ông Hữu không xuống phố. Ông dậy trễ, đánh răng rửa mặt xong liền mở cửa ra bao lơn. Ở bao lơn căn gác kế cận, Minh đã đứng chờ từ bao giờ. Thấy ông, Mình chạy tới vồn vã. “Bác ơi, bác ơi, cháu thành công rồi”, Minh vừa nói vừa đưa cho ông Hữu tờ báo hắn đang cầm trên tay. Trên trang đầu có tấm hình Minh cúi chào khán giả cùng một tiêu đề lớn “Một ngôi sao mới sáng chói trong vòm trời nghệ thuật”. 

Ông Hữu không nhận tờ báo mà chỉ lẳng lặng nhìn Minh. “Bác ơi, hôm nay cháu vui quá”. 

“Cậu thì dĩ nhiên là dui rồi. Chỉ tội cho mấy người chịu nhục phải khóc thầm”, ông Hữu nói, giọng lạnh tanh. 

Đang tươi cười, Minh khựng lại. “Bác nói gì cháu không hiểu”. 

“Tui núa là, hôm qua cậu mang tui ra lồm đề tài để cậu chế diễu, cậu thấy dậy chưa đủ nhục cho tui hay sô?” 

Minh tròn mắt ngạc nhiên. “Hôm qua bác có đi dự Đại Nhạc Hội?”. 

Ông Hữu gật đầu. “Phải. Cậu ngạc nhiên lắm hả? Cũng may là tui đi dự, nên tui mới hiểu mình ngu đến chừng nồ. Lâu nay tui cứ xem cậu là một người bạn”. Ông ngừng nói một lúc rồi tiếp. “Là một người bạn đó”, ông cười khỉnh, nhưng về mắt buồn xo. “Cậu còn trẻ mà ngón đòn hồi mã thương đâm sau lưng của cậu lại giỏi quá. Tui thiệt phục cậu luôn”. 

Minh nhìn ông Hữu sững sờ một hồi lâu. "Bác ơi, bác nói quá lời rồi". Ông Hữu chỉ cười khỉnh. "Nếu biết bác nghĩ về cháu như thế nầy, cháu thà là chết đói chứ không diễn xuất ngày hôm qua”. 

"Chừ cậu thành công rồi, núa chi lại hông được". Ông Hữu lại cười khỉnh. "Bộ đó hông phải là mục đích để cậu làm con đỉa đói bốm theo tui hay sô?”. 

"Vâng, quả là đúng như vậy", Mình gật đầu đáp. "Cháu làm con đỉa đói để học giọng Quảng, để làm người Quảng". Minh nhìn ông Hữu rồi nói tiếp. "Nhưng cháu không muốn làm một danh hài, một tên hề sân khấu. Cháu muốn làm một nghệ sĩ chân chính”. Thấy ông Hữu nhìn mình với vẻ mặt ngơ ngác không hiểu, Minh giải thích. “Danh hài chinh phục khán giả bằng nụ cười, khôi hài chế diễu, nói bậy nói bạ sao cũng được, miễn khán giả cười là thành công rồi. Còn người nghệ sĩ chân chính thì lại muốn chinh phục khán giả bằng tâm tình, muốn khán giả khóc cười theo cảm xúc của mình. Nên khi diễn xuất, người nghệ sĩ chân chính phải quên đi mình thực sự là ai, phải sống trọn vẹn trong vai trò mình đóng”. Minh nhìn ông Hữu thật lâu rồi nói tiếp. “Nên trong phần trình diễn ngày hôm qua, muốn thành công cháu không thể chỉ bắt chước khẩu âm, điệu bộ của bác. Cháu phải thật sự là một người Quảng Nam như bác, như Hạnh”. 

Ông Hữu nghe Minh thuyết một hồi lâu, không nói một lời. Một lúc sau ông mới hỏi. “Dậy tại sô cậu hông giả lồm người Béc hay người Nôm mà nhứt định phải giả lồm người Quảng? Hay là cậu sợ giả lồm người xứ khác sẽ bị người ta oánh cho phù mỏ?” 

“Không phải đâu bác; cháu có võ, không sợ người ta đánh đâu”, Minh cười đáp. “Ở cả nước mình có nhiều địa phương người ta nói với khẩu âm khác nhau, nhưng chung chỉ có bốn giọng chính, Bắc, Nam, Huế, và Quảng; những khẩu âm khác thì chỉ từa tựa như bốn giọng nầy thôi. Bắc, Huế, và Nam thì khán giả đã nghe, đã biết nhiều lắm rồi, diễn xuất làm người ở trong ba vùng này chỉ tổ làm cho họ nhàm chán ném dép vào đầu thôi”. Minh cười rồi giải thích tiếp. “Chỉ có Quảng Nam mới là đặc biệt, vẫn là một bí ẩn, khán giả dường như biết mà cũng dường như không biết”. Minh nghiêm nét mặt rồi tiếp. “Nên khi cháu trình diễn cháu muốn khán giả theo cảm xúc của cháu phá tấm màn bí mật đó. Cháu muốn khán giả cười vì khẩu âm Quảng Nam. Nhưng cháu cũng muốn khán giả thấy lòng yêu nước, sự hào hùng, và tâm hồn lãng mạn của người Quảng. Cháu là cháu nên cháu không thể nào sống thật với vai trò này. Nhưng bác lại có đủ hết .Nên cháu phải trở thành bác. Và như bác đã thấy rồi đó, cháu đã thành công. Hôm qua, khán giả cười vì giọng Quảng, hoan hô vì người quân nhân xứ Quảng, và bồi hồi vì một thi sĩ Quảng nam”. 

Ông Hữu đứng trầm ngâm một hồi lâu. “Cậu còn trẻ, nên có điều cậu không hỉu. Người ta đôi khi diết dăn lồm thơ chỉ dì muốn kiếm tiền, muốn nổi tiếng, đôi khi lồm dậy dì muốn giữ lại một cái chi đó quý giá hơn nhiều. Tui diết tiểu thiết vì sinh kế, muốn sách xứt bản nhiều người mua để tui có thể sống qua ngày. Nhưn tui lồm thơ dì muốn ghi lại lúc tui quen dới bà Cầm, để nhớ lại, sống lại khoảng thời gian tui thấy hạnh phúc nhứt trong đời. Với tui, dăn chương tiểu thiết chỉ là một món trang sức, nhưng thơ tui diết cho bà Cầm là một dật thiêng liêng. Ngoài tui ra, thơ tui chỉ có hai người đọc, dì tui xem họ là tri kỷ. Chừ tui mới biết, sau khi mất bà Cầm, suốt đời tui sẽ không có một người bạn thứ hai nồ”. 

Mình lặng người một hồi lâu, miệng lí nhí. “Xin lỗi bác, cháu thật vô tâm, không nghĩ đến điều nầy. Xin lỗi bác”. 

 Ông Hữu lắc đầu, rồi quay người bước vào nhà. Đến trước cửa, có tiếng Minh gọi. Ông ngừng chân, quay lại nhìn. “Cháu muốn hỏi bác một câu: nếu cháu là một người Quảng chính gốc, bác có tiếp tục xem cháu là bạn của bác hay không?”. 

Ông Hữu gật đầu. “Có chớ”. Thấy Minh có vẻ ngạc nhiên, ông nói tiếp. “Nếu cậu là người Quảng chính gốc, tự cậu đã có cái dui cái bùn của một người Quảng rồi, đâu có cần biến mình thành người không phải là mình để đi kết bạn dới một người Quảng khác”. 

Ông cười buồn. “Cậu giả làm người Quảng xứt séc lắm, nhưng khi hết màn trình diễn rồi, lớp vỏ Quảng Nôm bị lột đi rồi, cậu dẫn là cậu, dẫn không phải Quảng Nôm”. 

“Làm sao bác biết chắc chắn cháu không phải là người Quảng?”. Bất ngờ, Minh đổi giọng. “Nếu cháy núa cháy là Quảng Nôm giả thành người Béc thì bác nghĩ sô đây?” 

Câu hỏi của Minh làm ông Hữu sửng sốt. Ông ngừng chân, nhìn Minh nhưng không nói gì. Cuối cùng, ông lắc đầu rồi bước vào trong căn gác của mình, tay khép luôn cánh cửa.

 * 

Hai tuần lễ lặng lẽ trôi, Chỉ một ngày nữa là hai cha con ông Hữu phải trả căn gác lại cho chủ nhà. Hạnh đã đoán trước sẽ có ngày hôm nầy nên đã cất riêng một số tiền, đủ để mua vé xe đò cùng tiền ăn dọc đường cho hai cha con. Mai mốt về đến ngoài Trung rồi, ở đâu, làm gì, thật tình nàng không biết và không dám nghĩ tới. Ông Hữu cũng bỏ giấc mộng làm văn sĩ, suốt ngày ngồi nhà, hết đọc mấy tờ báo cũ lại ngồi trầm ngâm. Thỉnh thoảng, ông ra bao lơn, nhìn qua căn gác kế cận. Con đỉa đói biệt tích mấy ngày rồi; căn gác hắn cư ngụ của khép then cài, im lìm không một tiếng động. 

Hạnh đang sắp xếp quần áo vật dụng vào hai cái giỏ mây hai cha còn mang từ Trung vào để chuẩn bị lên đường ngày mai thì nghe có tiếng bà chủ nhà từ dưới đường gọi tên mình. Nàng ngừng tay, xuống cầu thang mở cửa, một lát sau trở lên gác cùng với một người đàn ông lạ mặt. “Ba ơi, có bác ni muốn gặp ba”, Hạnh gọi. 

Ông Hữu bỏ tờ báo, đứng bật dậy. “Ai đó con?”, ông hỏi. Hạnh chưa kịp trả lời thì người đàn ông đã tiến tới trước mặt ông Hữu. “Hai Hữu đấy hả? Nhận ra tui không? Trời ơi, ông ở chi chỗ ni, hẽm lớn hẽm nhỏ hoanh qua hoanh lại y như cái bàn cờ lồm tui nhìn một hồi thấy mờ mét luôn. May mà địa chỉ bà chủ nhà ở ngay đầu hẽm lớn chớ hông thì tui hổng biết phải làm răng đây” 

Ông Hữu chăm chú nhìn người đàn ông. Hắn trạc tuổi ông, da ngâm den, trán hói, tóc muối tiêu. “Xin lỗi, tui thiệt nhận không ra anh”. 

“Tư Tứn đây. Hồi trước học lớp nhứt dới chú, say đi dinh điền dô Ban Mê Thuộc. Nhớ chưa?”. 

Ông Hữu tròn mắt ngạc nhiên. “Anh Tứn?”. Người đàn ông gật đầu. “Tứn Giọt Giọt?” ông Hữu lại hỏi. Người đàn ông lại gật đầu, miệng cười toe. “Chào bác Tư đi con”, ông Hữu quay sang nói với con gái. “Thời ba còn nhỏ ở dưới quê, không ai là không biết tiếng Tứn Giọt Giọt” 

 Hạnh chào rồi cười nói với người đàn ông. “Tên bác nghe ngộ quá”. Nàng quay sang cha. “Mà giọt giọt là cái chi chi hả ba?” 

“Giọt Giọt dúng y như con chim sè sẽ nhưng khác mày lông; con mái lông hơi dàng dàng, còn con trống thì đầu dàng ché, cổ đen thui thấy đẹp mét lắm”, Tư Tuấn giải thích. “Hén lồm ổ ngoài Cù Lô Chồm, tháng Tốm bay dô đất liền en lúa chín. Hén bay một bầy cả ngàn con, hạ xuống ruộng nồ là hén en hết lúa trong ruộng đó liền”. 

“Đó là thời gian ba nhớ đến nhiều nhất”, ông Hữu tiếp lời. “Ba, bác Tư cùng trẻ con trong xóm cả ngày ở ngoài đồng. Thấy bầy giọt giọt đến là bọn ba chạy quanh ruộng của mình nổ súng miệng đùng đùng để hù cho chim sợ mà bay qua ruộng khác”. Ông quay qua Tư Tuấn. “Ba thì đuổi chim, con bác Tư thì rập giọt giọt. Bác Tư là dua rập chim, mỗi lần rập là được cả mấy chục con. Mỗi lần rập xong là ba giúp bác lựa chim; con đẹp thì giữ, còn con không thích thì đem nhổ lông”. 

“Nhổ lông cánh cho chim khỏi bay hả ba?” 

“Không, nhổ lông trụi lủi để en thịt”, Tư Tuấn trả lời thay ông Hữu. “Bác dới ba con nhổ lông xong, tréo chưn hén lại rồi xỏ chín mười con dô một xâu. Say đó đem hơ lửa rơm. Giọt giọt dùng dẫy cũng không thát được, nên keo chí ché um sùm, nghe dui tai lắm”. 

Hạnh đưa tay che mặt. “Trời đất ơi, bác và ba con ác quá chừng đi”. 

Tư Tuấn cười. “Con mà en được một miếng thịt giọt giọt nướng chấm muối ớt thì con hết keo ác luôn”. 

“Răng anh dô trong ni?”, ông Hữu hỏi Tư Tuấn. “Răng anh biết tui ở cho ni?” 

“Con gái túi lấy thèn chồng lính; chồng hén đổi dô đây nên hén cũng dọn dô luôn”, Tư Tuấn giải thích. “Nghe tui dô đây thăm tụi nó, Út Hiển em chú cho tui địa chỉ nhờ tui chiển cho chú mấy cái ni”. Tư Tuấn nói xong, đưa tay vào trong cái giỏ mây cũ kỹ đang cầm trên tay, lấy ra một tờ giấy và một đòn bánh tét. Hai cha con ông Hữu ngạc nhiên, lặng yên ngồi nhìn. “Bánh tét đẹt biệt, đét lắm đó”, Tư Tuấn nói. Nhưng trước khi két en, chú phải ký cái giấy ni”. 

Ông Hữu liếc nhanh ; tờ giấy đầy những hàng chữ viết tay. Thấy mấy hàng chữ lớn Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời, Giấy Bán Ruộng, cùng con dấu có ngôi sao đỏ, ông biết là văn kiện bán ruộng làm ở quê xưa của mình, nơi đang bị Cộng Sản chiếm đóng. “Út Hiển bán ruộng hương hỏa ông bà để lại cho chú”, Tư Tuấn nói. “Hén núa bán tống bán thố chẻn được bô nhiêu tiền, nhưng dậy dẫn còn hơn; trước say gì ruộng cũng bị họ tịch thu dì chú thuộc thành phần phản động,”. Rồi Tư Tuấn chỉ ngón tay vào nơi có ghi hàng chữ Đã nhận tiền đầy đủ và nói. “Chú ký dô chổ ni”. 

Không nói không rằng, ông Hữu lấy bút ký tên mình. “Chố múc rồi thì tiền trô”, Tư Tuấn vừa nói vừa lột lớp lá chuối gói đòn bánh tét. Xong việc, Hắn quay qua Hạnh nói tiếp. “Con cho mượn con dô”. 

 Dùng con dao Hạnh vừa đưa cho mình, Tư Tuấn lóc một phần lớp nếp chín bọc ngoài. Giữa đòn bánh tét lộ ra một ống tre vót mỏng. Hắn móc từ đầu ống ra một nắm tiền giấy cuộn tròn lại với nhau, đưa cho ông Hữu. “Hai chục ngàn tiền bán ruộng đây”. Hai cha con ông Hữu nhìn hắn trân trân, miệng há hốc, không nói một lời. “Đẹt biệt hông?” Tư Tuấn cười hỏi. “Chiển tiền kiểu ni là chét en, hông có ai để ý en cắp hết”. Hắn đứng lên. “Diệc xong rồi, thôi tui dề”. 

Tư Tuấn đi rồi, hai cha con ông Hữu vẫn ngồi lặng yên nhìn nhau một hồi lâu. “Mình có tiền mai trả tiền nhà rồi ba ơi”, Hạnh nói nhỏ. “Chú Út thiệt có lòng”. 

“Ruột thịt mà con”, ông Hữu đáp. “Máy chảy ruột mềm mà”.

 * 

Trưa hôm sau, hai cha con về đến căn gác cùng một lúc. Thấy ông Hữu mặt mày tươi tỉnh, Hạnh hỏi. Có tin dui hả ba?”. 

Ông Hữu gật đầu. “Sáng nay ba đến tà sạn gặp ông nhà bố. Ổng nói là ông chủ nhà xứt bản muốn mua bản quyền cuốn tiểu thiết của ba. Ngày mai ba đến ký dô kèo rồi nhận tiền”. Ông cười rồi nói. “Cái ni mới đúng là phúc trùng lai: hôm qua nhận tiền bán ruộng, bữa ni có tiền bản quyền”. 

“Dậy là mình có thể en mừng”, Hạnh cười nói. “Nhưng sô hồi trước họ hông thèm đọc, chừ lại đổi ý trả tiền mua bản quyền?” 

“Ông nhà bố kể rằng ông chủ nhà xứt bản đi xem Đại Nhạc Hội. Phần trình diễn của cậu Minh lồm ổng nhớ lại bản thổ cuốn tiểu thiết có chung tựa đề của ba. Ổng nói ổng đọc, thấy hay quá nên muốn mua bản quyền”. Ông chép miệng. “Thiệt ra phần trình diễn của cậu Minh mới là quan trọng, làm quãng cáo không công cho ổng. Tiểu thiết dở hay hay cũng được người ta mua; ổng cứ ngồi dơ tay ra mà hót tiền”. Ông ngồi lặng yên một hồi rồi tiếp. “Nghĩ cho cùng cũng nhờ cậu Minh. Hôm trước ba trách cậu ta en cắp dăn thơ của ba, chừ mới biết cậu ta lồm dậy dì muốn giúp ba. Cậu ấy thiệt có tình; nhiều hồi ba cứ hỏi hông biết cậu ấy là người Béc hay là người Quảng”. 

“Chét đây là một bí mật ảnh muốn chỉ một mình ảnh biết mà thôi”, Hạnh nói. 

“Chét dậy”. Ông Hữu lặng yên một lúc rồi nói. “Hông biết con đỉa đó chừ đang no hay đói đây” 

Hạnh cười dòn. “No lắm, no lắm”. Thấy ông Hữu nhìn mình dò hỏi, nàng tiếp. “Con đi gặp bà chủ, trả tiền nhà. Bả nói ngay sau Đại Nhạc Hội, anh Minh được một hãng phim ký dô kèo, trả rất nhiều tiền. Ảnh dọn xuống ở dưới phố Sài gòn để gần hãng phim. Chỗ ở sang trọng lắm”. 

“Nghe dậy ba cũng thấy mừng cho cậu ấy”. Ông liếc nhìn bì thư Hạnh đang cầm trên tay. “Thơ ai gởi cho con dậy?” 

 “Thơ của bạn con ở ngoài Trung, nhờ bác Tư chiển cho con. Bác Tư quên đưa, rồi gấp quá nên nhờ bà chủ nhà chiển lại”. 

Ông Hữu gật đầu. “Thôi, ba đi tắm. Chiều nay hai cha con mình đi en mừng. Con muốn en chi cũng được. Ba đãi”. Nói xong, ông Hữu cầm quần áo xuống gác vào phòng tắm. 

Hạnh đứng một mình, nhìn bì thư mình đang cầm trên tay. Bì thư có ghi vỏn vẹn một chữ “Hạnh” nhưng không có tên người gởi. Tần ngần một lát, Hạnh mở ra; bên trong chỉ có một tờ giấy gập lại làm ba. Hạnh mở rộng tờ giấy ra, rồi thấy mình đang nhìn sững vào tờ giấy bán ruộng mà ba nàng đã ký ngày hôm qua. Trên tờ giấy có viết thêm một hàng chữ in đỏ chói. 

HẠNH THẤY TUI DIỄN DAI TƯ TỨN CÓ XỨT SÉT HÔNG? 

Nguyễn Giao Kỳ Trung (Houston 11/2020)

Không có nhận xét nào: