Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Tháng Mười Một, thương muộn Nhật Ngân - Trần Yên Hoà


Cô nhac sĩ Nhật Ngân - hình Lưu Na/VB)
ANAHEIM, California (NV) – Tháng Mười Một, 2011, tôi in tập truyện dài “Đi Mỹ,” do nhà xuất bản Văn Mới phát hành. Trong dự định, tôi mời được nhà văn Nguyễn Đình Toàn, nhà thơ Thành Tôn, họa sĩ Hồ Thành Đức và nhạc sĩ Nhật Ngân lên phát biểu, giới thiệu truyện dài của tôi.Buổi ra mắt sách được tổ chức tại hội trường đài phát thanh VNCR, lúc này do nhà văn Bùi Bích Hà quản lý. Trước ngày ra mắt sách, nhà văn Bùi Bích Hà có phỏng vấn tôi trên đài VNCR. Tôi rất vui và hy vọng buổi ra mắt sách thành công.Một buổi sáng Chủ Nhật khoảng ba tuần trước đó. Chúng tôi có tôi, nhà văn Phạm Phú Minh, nhà thơ Thành Tôn, nhà thơ Trần Văn Nam, nhà thơ Đạm Thạch, ngồi uống cà phê tại cà phê Factory. Đang ngồi nói chuyện vui vẻ thì nhạc sĩ Nhật Ngân đi tới. 
<!>
Nhật Ngân đến bàn chúng tôi và than: “Sao cái bao tử của tôi hành quá. Không biết bệnh cũ có tái phát không đây?”Từ khi quen biết Nhật Ngân, tôi cũng biết luôn là trước đây anh đã bị ung thư ruột già, nhưng đã chữa khỏi. Bây giờ anh báo bệnh tái phát, tôi cũng rất lo cho anh.Khoảng một tuần sau, nghe tin anh nhập viện. Tôi đang lo chuyện ra mắt sách, Nhật Ngân lúc đó còn tỉnh, hứa sẽ đến đúng giờ, và nói thêm là sẽ có vợ anh là chị Ðinh Thị Nương sẽ lên ca giúp bản nhạc “Khan Cổ Gọi Tình, Về,” thơ Trần Yên Hòa, Nhật Ngân phổ nhạc. Khi Nhật Ngân nói như vậy tôi rất mừng, vì nghĩ bệnh tình của Nhật Ngân sẽ qua.Cũng khoảng ba, bốn ngày sau, hôm đó có nhà văn Song Thao, từ Canada qua chơi, tôi, Thành Tôn, Song Thao cùng đi ăn phở Quang Trung. Khi ngồi vào bàn, Song Thao biết Nhật Ngân bệnh nên có ý cùng đi thăm.

Tôi gọi cho Nhật Ngân, người bắt máy đầu bên kia là chị Nương, tôi nói xin phép tới thăm Nhật Ngân, chị Nương nói cảm ơn và từ chối vì Nhật Ngân đang rất mệt. Chị Nương cũng nói thêm rằng hôm ra mắt sách, nếu Nhật Ngân không đến được, chị Nương sẽ đến một mình, vì Nhật Ngân có dặn chị và chị sẽ hát bản nhạc Nhật Ngân đã phổ thơ tôi. Tôi rất mừng, vì Nhật Ngân còn nhớ lời hứa với bạn bè.Hôm ra mắt sách, Nhật Ngân không đến được, cả chị Nương cũng thông báo không đến được vì Nhật Ngân quá mệt.

Thêm một trở ngại cho tôi là nhà văn Nguyễn Đình Toàn, hôm đó ông cũng bị cảm, nên không lên phát biểu được, tôi phải nhờ nhà văn Viên Linh lên “cứu bồ.” Tôi rất biết ơn nhà văn Viên Linh đã giúp tôi trong lúc cần thiết như thế này.Buổi ra mắt sách tạm gọi là thành công. Chỉ một hối tiếc là vắng mặt nhạc sĩ Nhật Ngân và chị Nương. Không ngờ sau đó khoảng một tuần, tin dữ lại đến, nhạc sĩ Nhật Ngân đã ra đi.

Nhớ lại, trước 1975

Nhật Ngân là một nhạc sĩ nổi tiếng với ba nhạc phẩm: “Tôi Đưa Em Sang Sông,” “Xuân Này Con Không Về,” và “Một Mai Giã Từ Vũ Khí” (dĩ nhiên ông có hàng trăm bản nhạc hay, nhưng tôi chỉ lấy ba tác phẩm tiêu biểu).Với nhạc phẩm “Tôi Đưa Em Sang Sông” coi như là bản nhạc tình của những cặp đôi dang dở, một bản nhạc buồn, như những bản nhạc thời trang thuở đó. Bản nhạc được nhiều người yêu thích vì tiết tấu hay, ngôn từ nhẹ nhàng, sâu lắng.

Nhạc phẩm “Xuân Này Con Không Về” thường được hát những khi mùa Xuân tới, nhất là trong thời đại chiến tranh, có tính cách cổ xúy sự vắng mặt của người con, không về thăm mẹ được.Thuở đó, những ngày gần Tết thì các đài Sài Gòn hay quân đội thường hay phát bản bài này, vừa văn nghệ, vừa tuyên truyền. Người dân nghe riết nên coi như thuộc lòng lời bản nhạc.

Với bản “Một Mai Giã Từ Vũ Khí,” bản nhạc đưa ta về ngày hòa bình lập lại:

“…Trả súng đạn này, ôi sạch nợ sông núi rồi
Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao
Vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu
Với cây đa khóm trúc hàng cau
Với con đê có chiếc cầu tre
Ðã bao năm vắng chân anh
Nên trở thành hoang phế rong rêu…”

Đó là những ước mơ mà sau năm 1975, không thể thực hiện được. Nhưng bản nhạc cũng nói lên những ước mơ của người lính khi giã từ cuộc chiến.



Cố nhạc sĩ Nhật Ngân. (Hình: RFA)

Quen biết

Trước năm 1975, tôi không quen Nhật Ngân, chỉ biết tên ông cùng những nhạc sĩ đương thời khác như Mạnh Phát, Hoài Linh, Anh Bằng, Lê Dinh… ngôn từ trong nhạc Nhật Ngân là một lối kể chuyện, không cao, nhưng đi thẳng vào lòng người, khiến được nhiều người yêu thích.

Khoảng những năm đầu của thập niên 2000, tôi có sinh hoạt trong hội đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng, được các anh trong Ban Chấp Hành tín nhiệm, đề cử tôi giữ chức chủ bút Đặc San Quảng Nam-Đà Nẵng, phát hành hằng năm, nhân dịp Tết đến.

Cũng nhờ sinh hoạt trong môi trường này, tôi được biết anh Nguyễn Tuấn, lúc đó là hội trưởng Hội Cựu Học Sinh Trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng, và anh hiện là trưởng ban tổ chức Hội Cựu Học Sinh Liên Trường Quảng Nam-Đà Nẵng. Trong một năm tiếp sau đó, trong một buổi họp Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng, anh Nguyễn Tuấn mời tôi đứng ra làm trưởng ban tổ chức Đại Hội Liên Trường Quảng Nam-Đà Nẵng. Tôi vui vẻ nhận lời (sau đó có Luật Sư Trần Đình Định cùng là đồng trưởng ban tổ chức).

Những ngày tiếp theo, tôi được mời đến nhà các anh như Nguyễn Tuấn, Huỳnh Tuấn, Trương Công Lập, cựu học sinh Phan Chu Trinh để sinh hoạt, trong những dịp này luôn có nhạc sĩ Nhật Ngân tham dự, nên qua giao tiếp, chúng tôi dần dần thân nhau.

Nhật Ngân luôn luôn là người đứng ra giữ chức trưởng ban văn nghệ cho mọi cuộc sinh hoạt của hai hội Quảng Nam-Đà Nẵng và liên trường Quảng Nam-Đà Nẵng. Tính tình Nhật Ngân rất cởi mở, dễ gần gũi, nên chúng tôi cũng có những buổi cà phê riêng, để bàn về chuyện văn học, âm nhạc.

Sau đó một thời gian, Nhật Ngân có ý phổ thơ của các nhà thơ Quảng Nam. Và chính Nhật Ngân chọn lựa, các bạn thơ sau đây góp mặt trong tuyển tập nhạc và CD, 10 thi sĩ Quảng Nam: Luân Hoán, Thành Tôn, Phan Xuân Sinh, Nguyễn Nam An, Hồ Thành Đức, Trần Trung Đạo, Thái Tú Hạp, Trần Yên Hòa, Hạ Quốc Huy, Hoàng Lộc. Và riêng Nhật Ngân có hai ca khúc… Mười hai ca khúc được phổ biến được đồng hương và cựu học sinh liên trường Quảng Nam-Đà Nẵng, ủng hộ nồng nhiệt.

Qua tuyển tập nhạc phổ thơ này mới thấy Nhật Ngân rất nặng tình với quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng, tuy anh không sinh ra ở đây, nhưng anh đã sống ở Đà Nẵng từ những ngày thơ ấu, học và dạy nhạc ở hai trường Phan Chu Trinh và Phan Thanh Giản trong nhiều năm.

***

Đám tang Nhật Ngân được các cơ quan truyền thông loan báo, những bạn văn nghệ sĩ, ca sĩ hải ngoại, đều tới nhà quàn Peek Family thăm viếng tiễn đưa anh. Đông nhất là các đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng, Hội Liên Trường Quảng Nam-Đà Nẵng, tới chật cả nhà quàn.

Hôm đó khi tới nơi, tôi chen mãi mới được vào bên trong, các nhà sư đang tụng kinh cầu cho anh siêu thoát. Tôi muốn có lời chia buồn với chị Nương, nhưng người đông quá, chen không vào được… Tôi đứng dự khoảng một tiếng đồng hồ, mới ra về.

Thật ra một nhạc sĩ ra đi, được nhiều người yêu thương, đưa tiễn, cũng là niềm hãnh diện, hạnh phúc cho gia đình.

Tôi ra về, trong ý nghĩ, sẽ viết một bài thương nhớ Nhật Ngân, nhưng mãi cũng tám năm rồi (2012-2020), bây giờ mới viết được.

Coi đây như nén hương thắp muộn cho bạn tôi, nhạc sĩ Nhật Ngân, với tấm lòng yêu thương, quý mến, một nhạc sĩ đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam cả trăm bài hát được nhiều người yêu chuộng. (Trần Yên Hòa) [qd]

Nhạc sĩ Nhật Ngân, tên thật là Trần Nhật Ngân, sinh ngày 24 Tháng Mười Một, 1942, tại Thanh Hóa, vào Nam năm 1954. Ông qua đời lúc 10 giờ sáng Thứ Bảy, 21 Tháng Giêng, 2012, tại California, hưởng thọ 70 tuổi.

Ông là tác giả nhiều nhạc phẩm nổi tiếng trước và sau năm 1975. Một bài hát ông sáng tác sau 1975 cũng nổi tiếng một thời là “Anh Giải Phóng Tôi Hay Tôi Giải Phóng Anh,” do ca sĩ Ngọc Minh hát lần đầu tiên tại hải ngoại.

Ông sáng tác hơn 200 ca khúc, gồm nhiều thể loại, từ nhạc tình cảm, thiếu nhi, lính và quê hương. Ông cũng phổ thơ và đặt lời Việt cho nhiều bản nhạc ngoại quốc.

Trong một lần trả lời phỏng vấn đài phát thanh RFA năm 2008, nhạc sĩ cho biết số bản nhạc ông sáng tác ở hải ngoại nhiều hơn thời kỳ trong nước trước năm 1975.

Năm 1992, nhạc sĩ bị bệnh, phải đi mổ, cắt đi 2/3 bao tử bị ung thư.

Trước khi qua đời, ông vẫn tập thể dục mỗi sáng vài giờ với khí công, dưỡng sinh và quần vợt.

Ngoài sáng tác, ông cũng là giám khảo nhiều cuộc thi tuyển lựa ca sĩ do các cơ quan truyền thông vùng Little Saigon tổ chức.

Hồi cuối năm 2011, ông đã không thể tham gia làm giám khảo cuộc thi Giọng Ca Vàng do đài truyền hình SBTN và trung tâm Asia tổ chức, vì bị bệnh nặng vào phút chót.

 
__,_._,___

Không có nhận xét nào: