Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2020

Thơ Điên BÙI GIÁNG - Trần Yên Hoà

Kỷ niệm gặp thi sĩ 'điên' Bùi Giáng | Hồ sơ - Phóng sự | PLO

Tôi nhấn mạnh pê-đanh chiếc xe đạp cà tàng, cố đạp xe lên dốc cầu Trương Minh Giảng. Buổi trưa, đoạn đường này rất đông đúc người xe qua lại, nhất là quảng ngã ba Kỳ Đồng-Trương Minh Giảng (cũ). Trời Sài Gòn nắng chói chan, nắng như đổ lửa. Cái nắng, nóng ập xuống mọi người như cái chảo rang úp lên đầu vậy, khiến ai cũng muốn chạy xe cho lẹ. Tôi đạp xe lên cầu, nhìn thấy đoàn người đi trước ùn tắt, hình như bị kẹt xe hay sao đây? Sài Gòn độ rày hay kẹt xe lắm, nhất là buổi trưa, mà kẹt xe buổi trưa là một khổ nạn, vì cứ đứng dậm chân tại chỗ dưới cái nóng như thiêu đốt của ông mặt trời, rồi còn bị hàng trăm, hàng ngàn những chiếc xe, nào xe gắn máy Nhật, Trung Quốc, Hàn quốc chỉa ống “bô” nhả khói tự do vô mặt, vô mủi thì làm sao mà chịu cho thấu. Nhưng dân chúng ở đây gặp những cảnh  ấy thường xuyên nên ai cũng đứng chịu chết giữa đường, cố gồng mình chứ biết làm sao.
<!>
   
Lần mò theo đoàn xe ùn tắt đó, tôi cũng lên cầu. Thì ra kẹt xe vì đoạn đường trước mặt có một ông già mặt mày cổ quái, tóc tai dài phủ ót, rối bời, mắt mang kính cận thị nặng như hai cái đít chai gắn vào, quần áo thì đúng là dân “cái bang” thứ thiệt. Áo cũng như quần có hàng chục miếng vá, đủ màu sắc, lớn nhỏ. Ông còn cầm một cái gậy nữa, đang múa may quay cuồng trên đường, lúc thì làm như là một cảnh sát giao thông, chỉ đường cho xe chạy, lúc thì múa như một tay võ sĩ biểu diễn các thế võ hay các đường quyền. Thì ra ông già điên này ra choáng đường làm tắt nghẽn giao thông đây.
   
Các xe hơi lớn đều chạy chậm lại, cố tránh ông già điên nên gây nên cảnh ùn tắt. Tôi ngạc nhiên nhìn ông già như một hiện tượng lạ. Rồi tôi cũng chen xe qua khỏi ông và tiếp tục công việc của mình.
    
Một hôm, tôi ghé bỏ hàng tại một tiệm phụ tùng xe đạp ở trên cổng xe lửa số sáu, thì thấy “ông gia điên” này đang ngồi lù lù trong góc. Có vài ba người đến hỏi chuyện ông. Ông cười nói huyên thuyên như trẻ thơ. Người ta xin thơ ông, chỉ nháy mắt, khoảng hai ba phút, đến năm phút là ông viết ngay một bài thơ. Ông viết trên bao thuốc lá, hay xin tờ giấy nhàu nát đâu đó mà viết, nét chữ bay lượn, uốn éo. Người chủ tiệm nói với tôi: “Ông ấy điên mà làm thơ hay lắm.”
   
Hay hay không thì tôi chưa biết vì tôi cầm tờ giấy có bài thơ mới làm của ông, bài thơ lục bát, ngôn ngữ khó hiểu, cầu kỳ. Tôi đọc qua thôi, tôi chưa thấy hay chút nào cả.
   
Những cảnh đó tôi gặp hoài. Một tuần ba bốn lần ông đứng múa may quay cuồng tại quảng đường trước Đại Học Vạn Hạnh, hay ông lang thang đi trên đoạn đường từ Đại Học Vạn Hạnh lên đến cổng xe lửa số 6. Đi một mình hay ngồi trong một xó xỉnh nào đó một mình. Tôi nghĩ đó là một ông già điên thiệt, không biết con cháu ở đâu mà không đem ông về nuôi dưỡng mà để ông đi lang thang, ăn bờ ngủ bụi như vậy, tội nghiệp ông!
  
Một lần sau đó tôi cũng gặp ông ở chỗ tiệm bán hàng tôi thường ghé, ông vẫn viết thơ cho mọi người. Chỉ mấy câu ngắn ngủi. Người chủ tiệm lại nói với tôi:
“Ông già điên này là ông Bùi Giáng đó.”

Tôi chưng hửng. Đây là nhà thơ Bùi Giáng sao? Bùi Giáng tôi đã đọc nhiều trước bảy lăm, nhất là những truyện dịch của ông ký tên Vân Mồng như Khung Cửa Hẹp hay Hoàng Tử Bé. Rồi những quyển sách luận văn ông viết về Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Công Trứ rất hay nhưng đọc cũng mệt cái đầu. Nhất là Thơ Bùi Giáng đã nổi tiếng như cồn, tập thơ “Lá Hoa Cồn” của ông tôi rất thích. Cho nên nói đến Buì Giáng thì ai cũng biết.
   
Tôi chỉ gặp ông những lần như vậy thôi, không biết nhau trong tình thơ, tình văn nghệ gì hết.
  
Khi tôi qua Mỹ, nghe ông vẫn sống lây lất ở Sài Gòn, điên điên khùng khùng, ra đường với cây gậy múa may quay cuồng, áo quần cái bang.
   
Rồi cái chết của ông đã đem đến bao niềm cảm thương cho mọi ngươi. Tất cả mọi tờ báo trong nước, hải ngoại, các Web site đều đăng lời thương tiếc. Điều nầy được nhà phê bình Trần Hữu Thục xác nhận như sau:

“Có lẽ chưa có người nghệ sĩ nào mà cái chết gây ra sự quan tâm nơi nhiều người thuộc nhiều thế hệ khác nhau như Bùi Giáng. Từ trong nước ra ngoài nước, từ chống cộng đến thân cộng và kể cả cộng sản, nhất loạt đều bày tỏ tình cảm và lòng trân trọng của mình đối với Bùi Giáng. Tin tức về sức khoẻ cũng như cái chết của ông được loan báo tức thời, đồng loạt trên các báo trong và ngoài nước. Chúng ta cảm tưởng như cái chết của ông đã tạo nên một sự đoàn kết hiếm có giữa những người viết lách trong giai đoạn lịch sử mà sự nghi kỵ vẫn còn nằm ở hàng đầu.”(xuquang.com)
  
Thơ  Bùi Giáng được ca tụng bởi những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình có tên tuổi như sau:

* Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền viết: Bùi Giáng là một thiên tài tự hủy ghê gớm nhất của thi ca hiện đại, (Tạp chí Thơ số 1)
* Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc: Thơ Bùi Giáng là những phún thạch phun lên từ hoả diệm sơn của hồn ông. (Thơ và Thơ…Văn nghệ Cali xuất bản)
* Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Văn: Thơ ông là khối trầm hương chữ nghĩa.” (Văn Học số 152 tháng 12/68)
* Nhà văn Mai Thảo: Bùi Giáng chất ngất một trời chữ nghĩa, Bùi Giáng trùng trùng một biển văn chương. (Hợp Lưu số 44)
* Nhà phê bình Huỳnh Hữu Ủy: Đi cho tới cùng cái sâu thẳm nhất của ngôn ngữ, tới đỉnh cao chót vót của nó, sống với nó từng mỗi giây phút, trong từng mỗi sát na, xưa nay có lẽ chỉ mới có Bùi Giáng là một. (HL 44)

Nhà văn Cung Tích Biền (trong nước) thì: Bùi Giáng giàu ngôn ngữ như cát bãi biển.” “Bùi Giáng đã  trải một cánh bay dài mênh mông chiếc bóng trong bầu trời thi ca Việt Nam nửa thế kỷ qua.” (HL44)
 
Cho nên nhiều người khi đặt bút viết về Thơ Bùi Giáng toàn là những lời ca tụng. Viết lời ca tụng thì đúng thôi, nhưng cũng để dựa hơi tên tuổi ông cũng có, hoặc tự nói lên là mình hiểu thơ ông, chữ nghĩa của ông, để tự nâng mình lên, cũng có..
   
Với tôi, Bùi Giáng là một hư cấu. Cả cuộc đời ông là một hư cấu. Nghĩa là đời ông giống như những nhân vật trong các truyện Thần Điêu Đại Hiệp, Tiếu Ngạo Giang Hồ hay Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung mà một thời tôi đã đọc say mê. Có lúc tôi tưởng tượng ông có chút cuồng ngạo của Hoàng Dược Sư, có khi lém lỉnh như Hoàng Dung, có khi thì ngờ nghệch như Quách Tỉnh, có khi thì quái đản như Tạ Tốn. (cũng theo ý nhà phê bình Trần Hữu Thục).

Cuộc đời của ông như vậy nên nhà văn Mai Thảo có 4 câu thơ về ông như sau:

Và ở Sài Gòn vẫn còn Bùi Giáng
Tối tối về chùa đêm làm thơ
Ngày ca múa khóc cười giữa chợ
Kẻ sĩ điên thế kỷ mù rồi.
 
Về cuộc đời ông thì đủ giai thoại, nhiều giai thoại trùng nhau hoặc khác nhau. Theo nhà văn Cung Tích Biền :”Đã có rất nhiều giai thoại, huyền thoại về ông, vô số được thế gian tô bồi sau này, khó minh xác thật hư.”
 
Như vậy, cuộc đời ông già điên này được nhiều người hư cấu khác nhau, nhưng nói chung người ta mến mộ ông, yêu thương ông thật sự, bởi vì ông không phải là lãnh tụ vĩ đại gì, ông chỉ là một người bình thường, lúc chết cũng bình thường, có khi còn tầm thường dưới những kẻ tầm thường nữa. Tầm thường đây không có nghĩa là xấu mà chỉ là tại cái nghèo và cái điên của ông thôi.
   
Nhưng về Thơ Bùi Giáng, tôi đọc cũng thấy có những bài không hiểu nổi, những từ như cố ghép lại với nhau cho đúng vần đúng điệu. Như những bài thơ tôi đã đọc khi ông viết tặng những người khách qua đường ở Sài Gòn năm xưa, ông làm trong hai ba phút trên bao thuốc lá.
   
Theo nhà phê bình Trần Hữu Lục trong bài “Bùi Giáng Giữa Chúng Ta” (Web: xuquang.com) đã trích dẫn những câu thơ dở (nhiều lắm) của Bùi Giáng.
 
Hai câu ngô nghê:

Giật mình lúc chợt nghĩ ra
Rằng toàn thân thuộc đã qua đời rồi.
 
Đạo văn (của Nguyễn Du)

Rừng phong thu đã nhuốm màu
Quan san ngần ấy tư trào ngần kia.
 
Gượng ép cho có vần:

Thưa em ngôn ngữ quặt què
Làm sao nói được nghiệp nghề người điên
 
Lặp lại vần:

Non nửa thế kỷ xa quê
Mà không có dịp về quê một lần
 
hay nói nhăng nói cuội:

Một hôm gầu cuốc gầm ghì
Hai hôm gần gủi cũng vì ba hôm
 
vv…vv
 
Nhà phê bình  Trần Hữu Lục tiếp tục viết về thơ Bùi Giáng như sau:

“Nói cho rõ ràng ra thơ Bùi Giáng dở. Trừ một số câu thơ hay - chưa hẳn là rất hay - còn lại hầu hết thơ ông đều dở. Tôi có cảm tưởng rất nhiều câu thơ ông làm chẳng khác gì những câu thơ ngây ngô của mình khi mới bắt đầu tập tểnh làm thơ ở tuổi học trò. Thậm chí còn nhiều câu hệt như các em  “marisến” làm thơ tặng tình nhân. Vần điệu ráp nối tùy tiện, ý tứ lại tầm thường.”
 
  
Theo tôi, thơ của một tác giả nào cũng vậy, dù nổi tiếng, cũng chẳng phải là câu thơ nào cũng hay (chẳng hạn truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có những câu thơ dở). Bùi Giáng cũng vậy thôi. Những lúc điên, ông làm thơ như ông nói, nghĩ gì viết nấy, nên khi đọc lại thấy dở là phải.

Để kết luận về thơ Bùi Giáng, tôi đồng ý với lời bình của Thụy Khuê như sau:

Trong gần nửa thế kỷ làm thơ. Bùi Giáng đã để lại hàng ngàn bài, có những câu thơ tuyệt hay, nhưng chính sự lặp lại những khám phá ngôn ngữ buổi đầu khiến thơ ông trở thành khuôn sáo về mặt từ ngữ cũng như tư tưởng. Những “dạ thưa”, “tồn sinh””trùng lai”, “phố thị” của Bùi Giáng, “tà huy” của Nguyễn Gia Thiều, “mù sa”, “trăm năm” của Nguyễn Du ban đầu làm xao xuyến người đọc (…) Nhưng vì lập lại nhiều lần, chúng bị phá giá. Hiện tượng phá giá này có mặt ngay ở những tác phẩm đầu và chủ yếu của Bùi Giáng.”(HL 44)
 
Còn những bạn đọc thương mến và yêu thích thơ Bùi Giáng thì nghĩ sao?
 
TRẦN YÊN HÒA

Không có nhận xét nào: