Người người trong giới hoạt động xã hội và người thân của nhà báo Phạm Đoan Trang cho rằng báo Công An Nhân Dân đang tìm cách răn đe, bóp méo sự thật về một “đối tượng” chẳng may lọt vào tầm ngắm của họ trong bài báo mới đây về Câu lạc bộ Phạm Đoan Trang. Họ nói với RFA rằng họ thậm chí không biết về sự tồn tại của câu lạc bộ này. Vào ngày 3/11/2020, trang Công An Nhân Dân online có bài viết với tựa là “ “Chống Diễn Biến Hòa Bình, trò hề của việc kêu gọi thành lập Câu Lạc Bộ Phạm Đoan Trang”
<!>
Mở đầu bài báo, xin trích đọc nguyên văn: “Cái gọi là “Câu Lạc Bộ Phạm Đoan Trang” chỉ là chiêu trò nhằm lôi kéo, tụ tập những kẻ đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc, phá hoại sự ổn định, phát triển của đất nước mà cả dân tộc này đang từng ngày, từng giờ xây dựng, vun đắp”.
Với 3 câu hỏi chính, một là sự thật đằng sau những lời kêu gọi trả tự do cho Phạm Đoan Trang, hai là cần biết rõ Phạm Đoan Trang là ai, và ba là qui định của pháp luật Việt Nam đối với việc thành lập Hội, trang mạng Công An Nhân Dân tiếp tục thông tin rằng : “Sau khi đối tượng Phạm Thị Đoan Trang có tên gọi khác là Phạm Đoan Trang bị bắt giữ về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 và tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, một số đối tượng đã kêu gào trên không gian mạng, đòi thành lập cái gọi là “Câu lạc bộ Phạm Đoan Trang”, hay còn gọi là “Câu lạc bộ những phụ nữ đòi nhân quyền”, do đối tượng Phạm Lệ Thủy đứng đầu.”
Đài Á Châu Tự Do đã cố gắng liên lạc với người tên Phạm Lệ Thủy cũng như Câu Lạc bộ Những Phụ Nữ Đòi Nhân Quyền. Rất tiếc không có dấu hiệu đường dây viễn liên nối được vào đúng người đúng việc.
Cái đặc biệt phải thừa nhận là bất cứ một nhân vật bất đồng chính kiến nào khi bị bắt, ngoài các cơ quan tố tụng ra thì cơ quan báo chí của cộng sản Việt Nam đều hết sức vào cuộc, họ đưa hết cả hệ thống chính trị vào để đánh phá người đấu tranh đòi tự do dân chủ cho Việt Nam. - Phạm Thanh Nghiên
Ngay cả một nguồn xem ra thân cận nhất với sự việc cũng đã từ chối trả lời, nói là rất sợ bị công an sách nhiễu, bắt bớ khi vụ việc chưa rõ ràng.
Nỗi sợ như này cũng dễ hiểu thôi, là lời cựu tù chính trị, blogger Phạm Thanh Nghiên:
“Không biết ai kêu gọi ra Câu Lạc bộ Phạm Đoan Trang. Cách đây mấy tháng cũng có một nhóm đứng ra kêu gọi thành lập Công Đoàn Độc Lập, cũng có người hỏi thì tôi khẳng định luôn là bây giờ bị bắt bớ ghê như thế này thì chẳng có tổ chức tranh đấu thực sự nào hay người đấu tranh nào kêu gọi thành lập hội nhóm. Sau khi Phạm Đoan Trang bị bắt, tôi với một số bạn quí mến Phạm Đoan Trang chưa hay không nghĩ đến việc thành lập một hội nhóm, một tổ chức mà cụ thể báo nói là Câu Lạc Bộ Phạm Đoan Trang”.
Và cũng không lạ nếu Câu Lạc bộ Phạm Đoan Trang bị xem là chiêu trò, là ý đồ thù nghịch chống phá dưới mắt báo Công An Nhân Dân, cơ quan truyền thông quyền lực trong làng báo lề phải. Ý kiến tiếp theo của blogger Phạm Thanh Nghiên:
“Bất cứ một hội nhóm, một tổ chức xã hội dân sự độc lập nào mà có mục tiêu thúc đẩy quyền con người thì đều bị phía công an và phía Nhà Nước phê phán, chỉ trích, vu khống rất nặng nề, thậm chí bị kết tội nữa”.
“Đối với tôi chuyện này không có gì đặc biệt cả. Cái đặc biệt phải thừa nhận là bất cứ một nhân vật bất đồng chính kiến nào khi bị bắt, ngoài các cơ quan tố tụng ra thì cơ quan báo chí của cộng sản Việt Nam đều hết sức vào cuộc, họ đưa hết cả hệ thống chính trị vào để đánh phá người đấu tranh đòi tự do dân chủ cho Việt Nam. Mặc dù bản thân người đấy đã bị bắt rồi, tức là không có cơ hội và khả năng để tự bảo vệ cho mình nữa. Chuyện này rất quen, có nghĩa là không thấy lạ chứ không phải chúng ta chấp nhận chuyện quen như thế”.
Cựu phóng viên Tạp Chí Cộng Sản, nay là nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, giải thích vì sao lời kêu gọi thành lập Câu Lạc bộ Phạm Đoan Trang lọt vào tầm nhìn của báo Công An Nhân Dân:
“Thông tin này khá mới nhưng nếu như có chuyện đó thì cũng là điều mọi xã hội dân sự tự người ta thành lập các Câu Lạc Bộ và các hội nhóm. Đó là quyền của người dân thôi”.
“Nhà cầm quyền thì luôn luôn cảnh giác chuyện này, việc báo Công An Nhân Dân nói về Câu Lạc bộ Phạm Đoan Trang, rồi việc kêu gọi trả tự do cho Phạm Đoan Trang là chiêu trò, việc bôi nhọ người đấu tranh ở đây là chị Phạm Đoan Trang có thể là cái đòn đánh phủ đầu có tính răn đe trước. Tôi nghĩ dùng từ đánh phủ đầu là chuẩn. Chống diễn biến hòa bình là bài quen thuộc của báo chí chính thống”.
“Nhiều người chưa biết mà bài báo đã đưa ra như vậy thì người ta sẽ đi tìm hiểu Phạm Đoan Trang là ai, vô tình kích thích sự tò mò của người bàng quan. Chuyện nó cũng có mặt này mặt khác”.
Với câu hỏi “Trước hết cần tìm hiểu Phạm Đoan Trang là ai, Phạm Đoan Trang là con người, sự kiện hay sự việc, mà báo mạng Công An Nhân Dân nêu ra để rồi tự giải đáp rằng “ Phạm Đoan Trang không nằm trong danh mục “góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Vẫn theo báo Công An Nhân Dân, Phạm Đoan Trang, 42 tuổi, bị bắt về các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, là người từng xuất cảnh đi nước ngoài trái phép và bị cơ quan chủ quản kỷ luật buộc thôi việc, sau đó đã “đổi màu”, tham gia và thành lập, điều hành nhiều hội, nhóm bất hợp pháp, viết thuê cho các trang mạng của những kẻ thâm thù, chống phá đất nước, dân tộc, từng là gương mặt đại diện của cái gọi là “Nhà xuất bản tự do”, phát tán nhiều tài liệu có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ và bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động lật đổ chế độ chính trị ở nước ta.
Từ vị thế mà “bao người mơ ước” tức sinh ra trong một gia đình cơ bản, từng tốt nghiệp Trường Hà Nội - Amsterdam và Khoa Kinh tế, Đại học Ngoại thương Hà Nội, báo Công An Nhân Dân viết tiếp, Phạm Đoan Trang trở thành kẻ vi phạm pháp luật. Những hành vi mà đối tượng đã thực hiện cần phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật Việt Nam.
Cây bút phản biện, cựu tù chính trị kiêm blogger Phạm Thanh Nghiên lập luận:
“Tôi không muốn trở thành người quá ca ngợi bạn mình. Phạm Đoan Trang, cũng như một số phụ nữ khác, đều ước mơ có được cuộc sống bình thường tại một đất nước có nền chính trị tốt đẹp”.
“Trong phương diện tranh đấu tôi khẳng định Phạm Đoan Trang rất dũng cảm. Trang là người có khát vọng, trung thực, thẳng thắn, bình dị và tình cảm. Với trình độ của mình Trang có thể có cuộc sống khá giả về mặt kinh tế và thoải mái về mặt tinh thần. Nếu không trở thành người đấu tranh đòi dân chủ trong một xã hội không có tự do biểu đạt như ở Việt Nam thì hẳn là Trang đã sống khác. Nhưng nếu thế thì đã không có một Phạm Đoan Trang ngày hôm nay”.
“Điều không thành công của nhà cầm quyền là bắt một người đã dự liệu cho mình con đường xấu nhất trên bước đường tranh đấu. Dù bắt hay không bắt, đối với Phạm Đoan Trang, thì trước tiên đây là sự chiến thắng về bản thân, chiến thắng về nỗi sợ, một biểu tượng của khát vọng tự do cho Việt Nam.”
Quyết định của pháp luật Việt Nam đối với việc thành lập Hội là tiêu đề thứ ba của bài viết chống diễn biến hòa bình qua lời kêu gọi thành lập Câu Lạc bộ Phạm Đoan Trang. Bài báo khẳng định “Việt Nam đã có Nghị Định 45/2010/NĐ-CP, Nghị Định 33/2012/NĐ-CP và Thông Tư 03/2013/TT-BNV, đều là những văn bản quy phạm pháp luật, quy định về việc thành lập hội.
Thành lập hội là tự nguyện, bài báo nhấn mạnh, nhưng phải góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội.
Đối với nhà nghiên cứu độc lập Nguyễn Quang A, người biết nhiều về cây viết dân chủ, cũng là tiếng nói của Nhà Xuất Bản Tự Do Phạm Đoan Trang, viện dẫn từng ấy qui định để biện minh cho mỗi việc cấm cản sự thành lập Câu Lạc bộ Phạm Đoan Trang là cách tuyên truyền cũ rích của Nhà Nước vốn sợ những tiếng nói đối lập:
“Tôi không biết có lời kêu gọi thành lập Câu lạc bộ Phạm Đoan Trang, tôi cũng không đọc báo Công An Nhân Dân và cũng không chút ngạc nhiên về cái luận điệu mà nó nhàm ở Việt Nam này rồi”.
“Bất kể ai mà không ngậm miệng lại, không nói theo ý họ thì họ đều coi là diễn biến hòa bình, cái luận điệu nhai đi nhai lại cả chục năm nay rồi. Có khi chính họ nêu lên để đả phá lời kêu gọi đấy”.
Nói chống diễn biến hòa bình, chỉ trích lời kêu gọi thành lập Câu Lạc Bộ Phạm Đoan Trang là trò hề, thể hiện trình độ nghiệp vụ nghèo nàn của một tờ báo thường phải nói xuôi theo đảng cộng sản. Đây là nhận định của cựu ký giả Lê Phú Khải đài Tiếng Nói Việt Nam, tác giả cuốn sách Lời Ai Điều bị cáo buộc chống đảng khiến ông gặp bao phen khó khăn như nhà tranh đấu Phạm Đoan Trang hiện nay:
“Xưa nay báo chí quốc doanh vẫn thế thôi, cho nên ở Trung Quốc một ông tướng rất nổi tiếng là ông Liêu Hóa Châu nói “Ở Trung Quốc nơi thiếu thông tin nhất là báo chí”. Việt Nam mình thì cũng thế thôi, thiếu thông tin nhất là báo chí quốc doanh”.
“Cô Đoan Trang chẳng có tội gì cả. Hiến Pháp Việt Nam ghi rất rõ quyền tự do xuất bản, tự do tư tưởng, tự do báo chí. Cô chỉ viết sách một cách ôn hòa thôi, phát biểu chính kiến của cô, tư tưởng của cô, mà bắt bỏ tù cô như thế là vi phạm nhân quyền”.
“Hiến Pháp Việt Nam thừa nhận quyền lập hội nhưng chính những người đi tuyên truyền cho Hiến Pháp lại bị bắt bỏ tù đấy”.
Theo báo Công An Nhân Dân, cái gọi là “Câu lạc bộ Phạm Đoan Trang” hoàn toàn không đảm bảo đầy đủ các yếu tố và không tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Kết luận này của báo Công An Nhân Dân bị nhóm các nhà báo độc lập trong nước cho là nặng phần trình diễn nhưng ý nghĩa thì rỗng tuếch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét