(PLO) - Lăng Ông Nam Hải là lăng thờ cá Ông tọa lạc tại Thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Hội Vàm Láng (Hội Nghinh Ông) là lễ cúng cá Ông, là lễ hội cầu ngư: Cầu cho biển lặng gió hòa, ngư dân may mắn làm ăn phát đạt, an khang. Lịch sử lễ hội này có nhiều điều thú vị. Xin giới thiệu tư liệu của nhà nghiên cứu Huỳnh Minh.
Vua Gia Long phong chức cá ông
“Tương truyền, Nguyễn Ánh trong thời chinh chiến với Tây Sơn phải lắm phen thất trận, nào bôn đào ra Côn Lôn – Phú Quốc, nào mấy phen cầu viện. Đến một hôm vào khoảng tháng Giêng sau khi tụ tập được khá đông chiến thuyền và binh sĩ, Nguyễn chúa lại một phen nữa quyết sống mái với quân Tây Sơn, kéo tới vây hãm thành Bình Thuận – Phan Thiết.
Ban đầu, quân Nguyễn chúa thắng thế, nhưng kế tiếp theo viện quân Tây Sơn từ Bình Định kéo ra kịp giải phá vòng vây, trong đánh ra ngoài đánh vào, quân Nguyễn Ánh phải mở đường máu tránh sự tiêu diệt. Sau một trận tử chiến cả hai mặt thủy bộ, Nguyễn Ánh thu góp tàn quân xuống chiến thuyền chạy về phía Nam, sau lưng bị quân Tây Sơn truy nã rất gấp.
Trong lúc sau lưng bị đuổi, trước mặt trời bỗng kéo mây u ám như khói đèn, một cơn giông bão nổi lên dữ dội khi đoàn chiến thuyền đến giang khẩu Soài Rạp là con sông lớn phân ranh hai tỉnh Gia Định – Gò Công. Tình thế thập phần nguy kịch, Nguyễn chúa nhìn trời thở ra và thầm khấn: “Nếu lòng Trời còn tựa nhà Nguyễn, xin phù hộ Nguyễn Ánh này thoát qua cơn thập tử nhất sinh!”.
Thì lạ thay con sóng gió lại nổi lên dữ dội thêm, các thuyền Tây Sơn rượt theo gần kịp bị gió thổi gãy cột buồm, văng bánh lái, thuyền xoay mòng rồi lật úp. Quân Tây Sơn đang thắng hóa bại, thuyền Nguyễn chúa cũng sắp lâm nguy thì bỗng được vững an: Từ dưới nước nổi lên một cặp cá ông kẹp hai bên mạn chiến thuyền, đưa lưng đỡ và dìu dắt thuyền vào đến đất liền bình an. Nơi thuyền chúa Nguyễn được cá ông đưa vào yên lành và đổ bộ, nhằm địa phận làng Vàm Láng, tổng Kiểng Phước, Gò Công.
Câu chuyện này người đời nay với óc khoa học có thể nghi là chuyện hoang đường. Nhưng không phải là truyền thuyết hi hữu ở thế gian. Ngày xưa ở châu Âu, theo sử gia Herodote, vua Arion cũng đã được một con cá voi cứu giá trong trường hợp giống y như Nguyễn Ánh ở Vàm Láng.
Nguyễn Ánh sau này dưới vương hiệu Gia Long không quên công cứu giá của cá ông, muốn tỏ lòng tri ân một cách rạng rỡ. Khởi đầu, ông phong cho cá ông tước “Nam Hải Đại Tướng Quân”. Kế tiếp ông gửi cho mỗi làng duyên hải gần nơi chiến thuyền ông đã cập bến ngày trước một bằng sắc phong thần, với lịch xây cất một đình thần để thờ phụng cá ông, mỗi năm đến mua lo cúng tế.
Theo lời các ngư ông bô lão cho biết, các làng đã nhận được sắc thần là Cần Giờ (Gia Định), Kiểng Phước (Gò Công) và Vũng Luông (Vĩnh Long).
Rồi kể từ vụ cá ông cứu giá ấy, cá ông luôn luôn đóng vai một trò trọng đại và hữu ích trong đời sống của dân làng Vàm Láng.
Hài cốt cá ông thờ tại Vàm Láng
Các bô lão kỳ cựu thuật lại rằng vào thời kỳ ông Huỳnh Văn Bình làm hương cả làng ngư phủ, có một lần trời đổ mưa không ngớt hột luôn ba ngày. Thì có dư luận đồn đại rằng thiên tượng này không bởi lý do nào khác lạ hơn là có một cá ông lụy, thi hài tấp vào làng Đông Hòa (Gia Định) ở bên kia bờ sông Soài Rạp.
Ông phó Hương cả Vạn thân hành đi điều tra, quả có một cá ông chết, xác trôi tấp vào bờ. Nhưng xác cá ông này không còn nguyên vẹn, ông Vạn đến nơi trông thấy chỉ một khúc giữa đã lớn dài bằng một chiếc ghe biển. Di hài không trọn này được dân làng di chuyển về Kiểng Phước, để cho da thịt tan rã hết đi. Xương còn lại được góp nhặt vào một quan tài, để tại đình Vàm Láng cho dân làng kính bái.
Xác cá ông dạt vào bờ được ngư dân làm lễ an táng |
Không bao lâu sau, một người ngư phủ ở Phước Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu) qua Vàm Láng xin thỉnh hài cốt ấy, chịu đền bù lại 100 quan tiền. Ông này nói rằng cá ông chết đó đã “đạp đồng về loan báo cho dân làng Phước Hải hay rằng: Bởi ông phạm lỗi đối với thiên đình nên bị phạt thân xác phân làm ba mảnh tản mắc đi ba nơi. Đầu ở Phước Hải, thân ở Kiểng Phước, đuôi ở Vũng Tàu.
Nhưng nếu dân làng Phước Hải có thể tìm đủ ba khúc lại để tôn kính trong một miếu đình thì ông sẽ phù hộ cho làng Phước Hải lâu ngày giàu thịnh”. Bao nhiêu lời đường mật của vị khách đại diện làng Phước Hải đều vô hiệu.
Dân làng Vàm Láng cũng tin tưởng việc tôn kính bộ xương khúc xương giữa của “Ông” sẽ ban bố nhiều phúc lợi cho làng. Ai dại gì nhường báu vật cho bà con làng Phước Hải? Họ từ chối hẳn.
Hai ba năm sau, một ngư phủ tên Sự chài lưới tình cờ chài vào lưới thi hải của một cá ông nhỏ. Cho là việc xui xẻo, anh ta trả xác chết ấy lại cho sông biển. Xác cá ông chết trôi tấp vào địa phận Tân Điền, một làng ở phía Nam Vàm Láng cách chẳng bao xa.
Ở đó cá ông được hai người bắt cua, tên Manh và Nhiên trông thấy. Hai anh này không biết là cá gì, tranh cãi một lúc. Anh Nhiên lẹ tay hơn, cầm cái móc bắt cua xáng một phát vào thân cá ông móc ra một miếng thịt. Liền khi đó anh ta nổi cơn sốt, run lập cập, rên hì hì, nằm lăn ra đó không đi về nhà được. Nhiên phải nằm lại trong rừng suốt đêm.
Không nỡ bỏ bạn trở về nhà một mình, Mạnh ngồi bên rầu thối ruột, lâm râm khấn vái: “Nếu ngài thật là cá ông, xin tha cho anh Nhiên lành mạnh, chúng tôi sẽ chạy về báo làng tin rước thi thể ngài vào đình thời cúng.” Mạnh khấn vái vừa dứt thì quả anh Nhiên hết sốt và mê sảng, có thể đứng dậy đi theo bạn về nhà.
Giữ lời khấn, Mạnh báo tin cho hương chức làng ngư phủ Vàm Láng, các ông này liền phái người đi ghe đến chở xác cá ông về đình. Nhưng rủi thay, khi các ngư phủ đến nơi thì trời tối, họ đốt đuốc lên đi tìm kiếm khắp nơi vẫn không thấy xác cá ông đâu.
Ai nấy ngã lòng tính trở về tay không, thì Mạnh lại lâm râm khấn vái một lần nữa: “Dân làng chúng tôi có lòng thành kính muốn rước ngài về thờ cúng, sao ngài lại nỡ ẩn thân đi? Xin ngài giúp chúng tôi tìm kiếm thi thể ngài được dễ dàng. Xin ngài báo cho tôi biết ngài nằm ở đâu, bằng cách cho tôi nhảy mũi khi tôi đến gần nhằm chỗ”.
Một lát sau, Mạnh đang đi tìm kiếm, anh ta bỗng nhảy mũi. Mọi người đều cầm đuốc xúm lại chỗ Mạnh đứng. Nhờ ánh sáng các ngọn đuốc tựu hợp, dân làng tìm ra được xác cá ông gần đó. Khi xác cá ông được đưa về đình Vàm Láng., Sự nhận ra chính là xác cá mà anh ta đã chài vào lưới hôm nọ rồi thả ra. Ai nấy lấy làm lạ và trầm trồ rằng xác chết đã lâu mà không hư thối, ruồi và kiến không dám đến gần.
Lễ táng cá ông
Dân làng đặt thi hài cá ông vào một cỗ áo quan làm lễ, nhang đèn kính cẩn rồi quàn tại đình kề bên hài cốt khúc giữa cá ông từ Gia Định đem về. Trong lễ tẩm liệm trọng thể này, Sự và Mạnh chít khăn trắng để tang. Từ đó về sau hai anh này chài lưới thường gặp may, càng ngày càng phát đạt. Con cháu của hai người này cho tới những năm 1970 được cho là vẫn còn sống tại Kiểng Phước.
ADVERTISEMENT
Theo một bài viết trong tạp chí Indochine (Đông Dương) của người Pháp, thì “sự phù hộ của các ông đối với ngư phủ Vàm Láng là một sự kiện hiển nhiên không một ai dám phủ nhận? Thủy tướng (tức Nam Hải Đại Tướng Quân gọi tắt) luôn luôn che chở hộ trì những ghe thuyền lâm nạn, những ngư phủ đắm thuyền, mỗi lần ông nổi lên đưa ghe thuyền và người lâm nạn vào bờ bình yên.
Xác cá ông dạt vào bờ được ngư dân làm lễ an táng |
Dân làng Vàm Láng thường kể chuyện hai ngư phủ tên Kiệm và Tề từ trên ghe rơi xuống biển, một người năm 1922, người sau năm 1931, vì ghe gặp bão lật úp, nhờ cá ông nổi lên dìu họ vào đến bờ ngất xỉu nhưng toàn tính mạng. Hai người này còn sống lâu tại làng Kiêng Phước, sẵn lòng thuật lại vụ cá ông cứu họ cho người nào muốn biết”.
Một lời đồn đại không khoa học chút nào nhưng rất được bình dân xứ mình tin tưởng truyền thuyết cá ông được trời giao sứ mạng cứu người lâm nạn trên mặt biển. Đi theo cá ông ở hai bên luôn luôn có những cận vệ đồng thời là giám sát, là cá đao và cá mực. Khi các ông gặp địch thủ lợi hại, cận vệ mực xung phong phun mực làm nước biển đen thui, địch hết thấy đường; kế tiếp mấy tướng cá đao múa đồ long đao độn thủy tới chém địch thủ văng vi tróc vảy.
Vậy nhưng khi có ghe tàu chìm mà cá ông vì lẽ này hay lẽ khác đóng vai trung lập ai chết mặc ai, thì cận vệ cá đao và mực liền biến đổi thành giám sát trị tội: Mực phun mực cho ông mù mắt, cá đao dâm hai phát vào hai bên mang cá ông là chết ngay. Dường như chỗ nhược của cá ông ở hai bên mang, các ngư phủ khi thỉnh xác ông đem chôn thường thấy cá bị thương ở hai bên mang mà thôi.
Cũng theo truyền thuyết, cá ông trôi xác đến nơi nào vừa ý thì dừng lại, dân sống về nghề đi biển phải lập đền thờ ở đó. Ông sẽ phù hộ ban phúc lợi cho dân làng. Trái lại cá ông lụy mà lọt vào lưới ai thì người đó phải chịu nghèo ba năm nhưng sau đó sẽ làm ăn phát đạt.
Dân làng ngư phủ tin tưởng hễ thờ cúng thủy tướng đàng hoàng thành kính thì mùa chài lưới sẽ đánh cá được nhiều; trái lại nếu không sốt sắng với ông thì nghề làm ăn sẽ thất bát. Thế nên thời xưa không ai lấy làm lạ mà thấy lễ cúng đình cá ông được tổ chức rất trọng thể mỗi năm vào đêm rằm qua 16 tháng Sáu âm lịch tại Vàm Láng.
Lễ cúng cá ông thời xưa
Thời xưa, cuộc lễ khởi sự vào lúc 11h đêm tại đình Vàm Láng. Các sư sãi chuông mõ tụng kinh trước một cái dàn cao rộng, trên dàn chưng hoa quả, đồ mã như các dàn cúng cô hồn, những cỗ bánh đủ loại. Lễ cúng và tụng kinh kéo dài lối một tiếng đồng hồ, lễ tất người ta đêm đốt đồ mã và phát bánh trái cho trẻ em trong làng.
Tới 1h sáng, bắt đầu lễ nghinh ông. Trên một chiếc ghe trần thiết trang hoàng rực rỡ, có bàn thờ sắc thần nhang đèn thắp sáng, trước bàn thờ để một con heo quay. Một hương chức, các lễ sinh, nhạc công và con hát bước xuống ghe. Phu thuyền rút đòn ngang, nhổ neo, thuyền rời bến lướt nhẹ trên rạch Vàm Láng chạy ra sông Soài Rạp đậu lại giữa dòng sông cách xa làng chừng hai cây số.
Tới đây người ta đốt thêm nhang đèn, vị hương chức chủ lễ đứng ra khấn vái thỉnh mời thủy tướng, trong khi các lễ sinh dâng rượu và trầm hương, nhạc trỗi lên đưa hơi cho con hát, trống phách nhịp nhàng đệm bước các lễ sinh. Nghinh lễ cử hành xong, thuyền trờ về đình bên rạch Vàm Láng.
Hai bên bờ rạch, các ghe chài lớn đều treo hoa kết đèn giấy đủ màu đốt sáng, treo từ mũi đến lái, từ mui ghe lên cột buồm. Các thuyền nhỏ của ngư phủ nghèo nàn cũng cố gắng thắp đèn giấy, đốt đuốc hay đèn chai, nên đêm ấy suốt đường sông hiện ra cảnh rực rỡ huy hoàng của một hội hoa đăng.
Trên mỗi ghe thuyền, trước cửa mỗi nhà ở hai bên rạch đều có đặt bàn hương án với hương hoa lễ vật đèn đuốc rạng ngời. Vui thật là vui, toàn thể dân làng chung vui ngày đại hội. Khi ghe chở vị hương chức và các lễ sinh vào rạch, mỗi ghe thuyền, mỗi nhà hai bên bờ rạch đồng loạt đốt pháo nổ vang, tiếng pháo nổ giòn liên tiếp không ngừng, cho tới khi ghe cập bến trước đình mới dứt.
Cuộc lễ tiếp tục. Người ta long trọng khiêng lư hương từ dưới ghe lên bờ vào đình. Đó là lễ an vị.
Thế rồi ban hát bộ xây chầu, dân làng thỏa thích cùng nhau ăn uống và xem hát, một cuộc vui hiếm có cho dân chài, và dân chúng quanh vùng phụ cận đến dự đông đảo, mua bán tấp nập, đủ thức ăn của miền biển.
Những ngày trên đây là ngày thiêng liêng trọng đại của các giới ngư phủ, một nghề vừa lao lực vừa hiểm nguy, phải mong nhờ ở thần quyền che chở cho mạng người nhỏ nhoi trước những cơn giận dữ của phong ba biển cả”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét