Tiết sương giáng – Mai Châu
Quán có khoảng ba, bốn cô chạy bàn gì đó, cô nào cũng khá đẹp, nhưng có lẽ đẹp nhất là Thủy. Chủ quán cũng khéo lựa để cho Thủy giữ nhiệm vụ két-sê. Nàng ngồi trên két trông diệu vợi như vầng trăng xa xôi, vẻ như tay người trần không bao giờ với tới, nhưng càng huyền ảo hơn, những khi quán đông khách, Thủy phải bước xuống trần phụ bưng café.
Không người khách nào không nhìn theo từng bước đi nhẹ nhàng ẻo lả, tha thướt trong chiếc áo trắng mộng mị của nàng. Có lẽ một phần nhờ vậy mà quán ít khi nào vắng khách.
Chuẩn cũng đã đến đây đôi ba lần, nhưng chưa lần nào nói chuyện với nàng. Nếu chàng về thành phố mỗi ngày hoặc đến quán thường thì chắc họ đã dễ tiếp xúc với nhau hơn. Quán đêm nay cũng khá đông khách, may thay, Thủy mang café đến bàn của Chuẩn. Và Thủy đã chợt giật mình đánh rơi cái vẻ mặt mơ màng của chị Hằng đêm thu:
Chuẩn cũng đã đến đây đôi ba lần, nhưng chưa lần nào nói chuyện với nàng. Nếu chàng về thành phố mỗi ngày hoặc đến quán thường thì chắc họ đã dễ tiếp xúc với nhau hơn. Quán đêm nay cũng khá đông khách, may thay, Thủy mang café đến bàn của Chuẩn. Và Thủy đã chợt giật mình đánh rơi cái vẻ mặt mơ màng của chị Hằng đêm thu:
– Anh Chuẩn.
– Cô… cô là…
– Dạ em, anh đợi em chút, anh nhé.
Rồi nàng thoăn thoắt đi, vẻ mặt rạng rỡ hẳn lên.
Trên két kia, chị Hằng đã vẹt đám mây mù thường ngày, bước ra sáng lóa, không đủ bình tĩnh để giữ khỏi phải thường xuyên liếc về phía Chuẩn cười cười.
Khổ nỗi, Chuẩn vẫn chưa nhớ ra nàng là ai. Nhưng sao cô gọi đúng tên mình? Bệnh gì đâu mà từ chối cái vé số độc đắc này.
Vâng, mấy tiếng đồng hồ là bao nhiêu, mới đi hành quân về mà, đơn vị ở cách thành phố hơn hai mươi cây số, không ngồi đây thì cũng lang thang. Mấy cái truyện trinh thám, gián điệp, kiếm hiệp chợt lảng vảng trong đầu, hay là Việt Cộng đang mỹ nhân kế với chàng? Nhưng sao lại là chàng mà không phải hàng hàng lớp lớp những sĩ quan đang ngồi loanh quanh đây? Với lại chàng có mang lon lá gì chứng tỏ là quan quyền đâu. Có chết thì hẵng tính sau đi, sông suối không chết sá chi lỗ trâu nằm.
Quán vẫn còn đông khách, Thủy xin phép chủ quán, giao sổ sách tiền bạc lại xong, lấy thêm mấy gói thuốc lá, bước xuống chỗ Chuẩn:
– Đi anh, em tính rồi
Chuẩn làm bộ khoan thai đứng dậy, vẫn chưa tìm thấy một nét quen thuộc nào trên vầng trăng bàng bạc ấy. Rất tự nhiên, Thủy bi bô:
– Thuốc lá anh đây.
Rồi nắm tay chàng bước ra khỏi quán:
– Sao cô biết tôi?
– Cái mặt anh, cái bảng tên trên ngực áo, cái phù hiệu trên vai, chắc em lầm. Làm gì có vẻ xa xôi như đang ở trên mây ấy.
– Thì trên mây chứ còn gì nữa. Đang ở Cung Quảng đây.
Thủy cười:
– Đúng là lính đào hoa có phải, chỉ để cho người ta nhớ mình. Cung Quảng nào? Không phải đang ở với em sao? Sương nè!
Chuẩn lục vội cái trí nhớ của chàng, không nhiều tên Sương đến nỗi chàng phải khó khăn lắm mới có thể nhớ ra một Sương tơ nõn, hiền lành ở cụm Đồi 10 Đệ Đức, những ngày chàng đi tiền sát cho một tiểu đoàn bộ binh ở đó. Thường thì tiểu đoàn bộ binh nào cũng có một sĩ quan tiền sát viên đi theo để sẵn sàng yểm trợ, điều chỉnh pháo binh cho họ khi cần. Hôm nọ, đại đội của đại úy Khương được tiểu đoàn ưu tiên cho mượn tiền sát viên đi theo làm vệ sĩ trong cuộc hành quân lục soát, sau một buổi chiều trong khu vực trách nhiệm của Khương, Việt Cộng đã ám sát chết một chủ tịch xã. Với tiểu đoàn thì chàng đã có vai vế, ở đây, với đại đội thì chàng lại càng được xem trọng hơn. Cuộc hành quân ngắn trong ngày không gặp một cuộc kháng cự nhỏ nào, đại úy Khương dẫn đại đội loanh quanh chân núi, nhờ Chuẩn gọi tác xạ chừng chục quả pháo binh, ra lệnh cho lính tráng bắn mấy chục loạt đạn để hợp thức hóa một buổi chiều đi trận.
Trên đường về, để lấy thành tích, đại úy Khương tạt qua làng, lục soát, bắt một số người mà ông cho là khả nghi, trong đó, nhà cuối cùng và người cuối cùng bị bắt là Sương mỏng manh, nhút nhát này.
Chuẩn lẩm bẩm:
– Thoắt cái hơn hai năm rồi.
– Thế bây giờ anh lên tới cái ông gì rồi?
– Ông xã em.
– Hay gớm. Thật là bạo miệng. Không sợ chị nhà sao?
– Sợ mà dám thản nhiên nắm tay trước mặt khách khứa sao?
– Em khác. Em có dám đèo bòng đâu. Chỉ cần em được ôm ân nhân của em, chả cần làm bà tướng bà tá gì hết.
Chuẩn vòng tay qua vai nàng:
– Lợi dụng hai chữ ân nhân! Anh nhìn không ra em. Không còn là cô gái rừng xanh trước.
– Dạ, lúa tốt nhờ phân mà. Son phấn làm em bớt Việt Cộng đi
– Bớt thôi chứ chưa hết hả?
– Dạ, sợ không? Hối hận đã bảo lãnh nhỏ Việt Cộng này chưa?
Sương áp mặt vào vai Chuẩn đùa:
– Ngứa răng Việt Cộng quá. Sợ không? Mình đi ăn chút gì nha.
Họ bước vào quán phở, hai người ngồi đối diện nhau. Niềm vui bất chợt làm cả hai không giấu được nụ cười hạnh phúc lúng liếng trong mắt. Chuẩn đăm đắm nhìn Sương, như muốn tìm kiếm chút quen thuộc của nàng mấy năm trước, lúc nàng bị đại úy Khương trói tay dẫn về căn cứ. Một Sương gầy gò, nhỏ nhắn, nước mắt như mưa, rũ xuống như cây nấm mắc lụt, mẹ cô chỉ thiếu có quì xuống chân đại úy Khương mà lạy. Cô thì thỉnh thoảng nói nho nhỏ như rên:
– Con đâu làm gì đại úy ơi. Ông tha giùm con, con học trong Bồng Sơn mới về, đâu phải sống ở đây. Làm phước đại úy ơi!
Sương níu tay Chuẩn đang ở bên cạnh đại úy Khương, như bám đại vào một chiếc phao:
– Anh cứu em, em biết anh tin em không có gì mà.
Có gì hay không thì làm sao Chuẩn biết, nhưng thấy cô bé tội nghiệp quá. Không lâu lắm, chỉ mấy ngày trước, lúc cùng chờ trực thăng từ Bồng Sơn ra đồi 10, họ đã gặp nhau, “hành khách” chỉ có mấy người, thấy Sương ôm cặp, bé bỏng giữa sân bay nắng gió, “anh em” đã quen nhau, nói chuyện học hành, lính tráng mà không hẹn một lúc nào gặp lại. Thật không ngờ là họ gặp lại trong hoàn cảnh này.
Và Sương đã bị nhốt ở một trong những cái cũi lớn đan bằng thép gai mà người ta gọi là chuồng cọp trước cổng căn cứ.
Chuẩn vẫn cảm thấy áy náy với cái hình ảnh ấy.
Hai tô phở được đặt trước mặt hai người, họ cùng cầm đũa, nhưng Sương chỉ lặt mấy lá é quế, giá và tương cho vào tô của Chuẩn mời chàng ăn:
– Mình lại có được một bữa ăn với nhau. Em nhớ cái bữa ăn trên đồi. Đôi khi nhớ lại, em không nhịn nổi nước mắt, nhất là nghĩ không còn gặp được anh nữa.
Rất nhanh, bữa ăn trên đồi mà Sương nhắc ấy thoáng qua đầu Chuẩn. Chiều hôm ấy, Chuẩn bảo mấy đệ tử chàng nấu thêm cơm, chàng đã mang ra trước cổng mời mấy “tù binh”, và trước một cái chuồng cọp, chàng đã ngồi ăn với Sương đang bị nhốt bên trong. Sau đó Chuẩn đã năn nỉ đại úy Khương thả Sương ra. Lúc đầu Khương chẳng những không chịu, còn lên mặt dạy chàng những bài học về kinh nghiệm chiến trường, “Ông ngây thơ quá, cứ như ông, quân đội sẽ chỉ toàn là cố thiếu úy, đếch có thằng nào lên được thiếu úy thực thụ. Ông biết, Việt Cộng nó không để cho ông thấy nó là Việt Cộng đâu. Hơn nữa, cứ nhốt gia đình Việt Cộng ở đó, cho kẹo, đố nó dám pháo kích vào đây”, nhưng sau thấy chàng quá khẩn thiết, Khương đồng ý với điều kiện thầy trò Chuẩn phải chịu trách nhiệm canh giữ Sương. Đêm ấy Chuẩn đưa Sương về lô cốt của chàng, mắc võng cho Sương nằm, “hai anh em” trò chuyện quên sáng, Sương kể về gia đình nàng, cha tập kết ra Bắc, “mẹ em vì không muốn để người ta bắt con mình lên núi, đã làm mọi cách cho em đi học xa còn nhắc nhở đừng nghe lời ai tham gia gì, cứ lo học thôi”.
Không đúng như lời đại úy Khương nói, mấy quả đạn pháo kích hình như không kịp biết có phe ta đang bị nhốt bên hàng rào, đã nổ banh mấy cái chuồng cọp trước cổng, banh luôn mấy con người trong đó trước khi biết họ có đúng là Việt Cộng thật hay không. Sáng hôm sau bà mẹ Sương đã lên ký giấy bảo lãnh con về, đã quì xuống lạy đại úy Khương tạ ơn đã cứu mạng con bà.
Họ vừa ăn vừa nói chuyện, Sương cho biết, hết Bồng Sơn, Sương vào tiếp đệ nhị cấp ở Qui Nhơn này. Quán café đó là của ông cậu nàng, khi nào rảnh thì Sương phụ.
– Sao Sương lại biến thành Thủy vậy?
– Sương hay Thủy gì không phải là nước? Có điều giọt sương nó nhỏ bé cô đơn, tội nghiệp nó. Mà em nghĩ, thường thì người ta không muốn là con Sương đi bán café đâu, đúng không?
***
Căn phòng trọ của Sương ở thẳng trong Cô Nhi Viện Ghềnh Ráng, nàng nói, thỉnh thoảng, ban ngày em phụ việc ở đây, tạp dịch, phát thuốc, coi thư viện, có khi kèm mấy nhỏ học nữa. Gì cũng làm, phụ mà, ai sai gì làm nấy. Mấy Sơ khó tính lắm, nhưng họ cũng thương em. Em có kể chuyện anh cho họ nghe, họ khuyên em cầu xin Chúa. Lát em lên báo tin vui với họ, em biết mấy Sơ sẽ mừng nói Chúa đã đem anh về cho em.
– Em có đi nhà thờ chứ?
– Dạ thường. Nhưng em chưa có đạo.
Chuẩn hỏi thăm về khu đồi 10, về Đệ Đức, về gia đình Sương, Sương kể:
– Việc em không bị chết trong mấy cái chuồng cọp đêm ấy đã cho họ cái cơ hội khó dễ Má. Sau nhiều lần tự khai kiểm điểm gì đó họ bắt Má lên núi. Cũng may má đã bán hết ruộng vườn để gửi em vào đây học. Má cũng đã căn dặn em đừng bao giờ trở về, sẽ rất nhiều nguy hiểm chực sẵn ở đó. Điều đau đớn là má đã mất trên núi, người ta cho hay là bị sốt rét, mà đau đớn hơn nữa là em cũng không dám về.
– Anh không hiểu, cái gì tự khai, kiểm điểm? Họ tự khai kiểm điểm lúc nào? Chính quyền quốc gia đâu?
– Không ở thôn quê anh không biết đâu, chính quyền quốc gia chỉ có một nửa của ban ngày. Một nửa là họ ẩn nấp, trà trộn, sinh hoạt trong đó. Người dân ở giữa hai lằn đạn, sống chết tính bằng giây, bằng phút. Ban ngày các anh đến đóng quân, chiều rút, ban đêm họ tập trung dân làng lên án trừng trị những gia đình vô phúc bị các anh tá túc, cơm nước nhờ ở đó. Rồi thì người dân phải đi đào đường, đào hầm, đắp mô, cắm chông, để đến sáng các anh đến bắt dân làng đi lấp đường, đi dỡ mô, gỡ chông. Những căn nhà các anh nghi là nhà Việt Cộng trở thành đống tro trong chốc lát, cũng chỉ làm khổ người dân, lại phải dựng lên những mái chòi khác tạm trú. Em nói là tạm trú, vì tất cả đều chỉ là tạm bợ, có đó rồi không đó, ngay đến cả con người, không biết sẽ mất đi lúc nào. Anh có biết cái quý nhất của đời sống thôn quê đó là gì không? Là những cái hầm trú bom đạn, chỉ còn có cái đó được coi là tài sản. Vậy mà, đêm đêm nằm dưới tiếng gầm thét của đạn đại bác các anh, đạn pháo kích của họ, sáng ra vài ba người dân chết ngay trong hầm trú ẩn vẫn là chuyện không lạ. Họ lại lùa những bà mẹ nhếch nhác, rách rưới bế con thơ lếch thếch xuống phố biểu tình để phải bị đánh, bị hơi cay, bị bắt bớ hạch hỏi. Từ khi em còn bé, em đã thấy những điều bất nhẫn này. Má không gửi em ra phố học thì trăm phần trăm em cũng đã trở thành Việt Cộng rồi.
Thấy câu chuyện không vui, Chuẩn đổi đề tài:
– Má có biết anh không nhỉ?
Nàng cúi mặt, nén tiếng thở dài.
– Em không muốn nói với anh là Má đặt em vào tay anh đấy. Má không nhớ rõ anh lắm nhưng hôm được thả về, em kể cho Má nghe, Má có hình dung ra được cái anh pháo binh đứng giống như là gà mắc đẻ bên cạnh đại úy Khương.
– Thế em có hận đại úy Khương không?
Nàng liếc xéo chàng:
– … Hận anh.
***
Chiếc giường không buồn ngủ, họ nằm với nhau, ôm nhau thắm thiết không thắc mắc, im lặng và bỗng dưng Sương khóc, khóc như từ sớm đến giờ chỉ chờ mỗi phút giây này, hai vai nàng rung lên không ngừng, anh bỏ em lâu quá, em tin là phải có ngày này, anh có biết em yêu anh bao nhiêu không? Nàng khóc trên những nụ hạnh phúc chàng đang gắn lên môi. Tại sao anh phải tốt với em? Vì em là con gái hay vì em là con nít? Với những cô khác anh có như thế không? Chuẩn vẫn còn bàng hoàng với một cuộc hội ngộ ngoài mong đợi. Chàng lấy tay lau nước mắt cho nàng.
– Làm vợ anh nhé.
– Không phải em đã là vợ anh hôm trên đồi?
– Con nít biết gì.
Nàng bi bô như con nít:
– Con nít mới là thật, mới biết tình là gì. Có thể anh còn thấy là vô lý nữa. Mười lăm tuổi biết yêu là vô lý hả? Yêu ân nhân của mình cũng là vô lý sao? Nếu em đã thấy không một chút xa lạ, cách biệt nào, sau bao năm trông mong, chờ đợi, thì cũng không phải là quá đáng chứ? Gặp ai pháo binh em cũng hỏi thăm anh. Em được sống sót từ tay anh, nếu phải chết, em chỉ mong được nằm trong tay anh mà chết. Một ngày, thậm chí một giờ, được gặp lại anh, rồi đời có ra sao em cũng cam. Ngày đó, trong lô cốt kia em đã từng muốn lăn xuống vòng tay anh mà khóc Em đã nói với Má là em thương anh rồi. Má hỏi nó có làm gì con không? Em nói là lỗi tại con, con sợ pháo kích quá… Má nói nếu nó thương con thì Má gả con cho nó. 15, 16 tuổi ở nhà quê người ta cũng con cái đùm đề kia. Tội nghiệp anh, anh có biết gì đâu. Có giận em nói oan cho anh không?
Như được dịp tuôn hết những chất chứa, không kịp nghe chàng trả lời, Sương nói tiếp:
– Có phải em già rồi không? Em vô duyên bậy bạ quá phải không?
Vâng, em điên rồi. Buổi sáng trên đồi khi sắp phải xa anh, em muốn có viên đạn nào đó ghim ngay vào ngực em, có lẽ nó nhột nhột một chút chứ không phải là xoáy đau, buốt nhói kéo dài như nỗi thương nhớ mà em mang theo, nó làm em đau đớn một cách say mê, chờ mong một cách thích thú, anh cứ đi như dòng nước xuôi không hề quay lại, và em như một chân cầu mòn mỏi từng ngày rêu xám bám, xám xịt như bầu trời mơ ước của em, như khuôn mặt âm u, lạnh ngắt thường ngày.
Bàn tay Sương sờ soạng trên khuôn mặt Chuẩn, ngón tay trỏ nàng vẽ nhè nhẹ từ vầng trán xuống hai mắt, mũi, miệng chàng. Nàng lẩm bẩm:
– Chờ đợi, chờ đợi. Chân cầu, em già rồi.
Chuẩn vỗ về:
– Anh đây mà. Mới mười tám làm gì già, không chừng thiếu mấy tháng anh lại mang tiếng dụ dỗ gái vị thành niên nữa kia.
Sương cắn mạnh lên ngực chàng:
– Ác, có thật là anh không biết anh ác với bao nhiêu ngày tháng đã mất của em không? Ừ, của em chứ phải gì là của anh, anh có tin là em khô khan tượng đá lắm không?
– Tượng đá mà bán café được.
– Lúc trước mợ cũng bảo em phải vui vẻ lên, nhưng sao sau mợ lại thích, bà dạy em cứ giữ cái khuôn mặt lạnh tanh xa vắng ấy, có khi lại thu hút. Bà nói bên cạnh mấy cô huyên náo sinh động kia, khách cũng nên có một bức tranh tượng đá không thuộc về ai.
– Nghĩa là phải để cho mọi người hiểu là em chưa thuộc về ai?
– Anh có cần em la to lên là em đã thuộc về một người mà không ai biết không? Không phải là tối nay, tượng đá đã bước xuống sườn non ôm tay người chinh phu đi tìm lại thiên đường của nàng sao? Anh có muốn ngày mai trên non cao kia chỉ còn lại mấy đám mây trắng ngẩn ngơ không?
– Sao ngẩn ngơ?
– Đi tìm tượng đá chứ sao.
Nàng lại hôn chàng:
– Nhưng mà tượng đá biết cười biết khóc rồi, chàng chinh phu của tượng đá về rồi. Anh à, có nghe em nói không? Có phải em đang tỉnh không? Em sợ phải thức dậy mà không có anh.
– Anh đây. Hạnh phúc em cho bất ngờ quá. Anh vẫn còn đang ở trên mây. Anh yêu em.
Chuẩn vuốt ve nàng như nâng niu một chiếc bình sứ cổ, trơn mỏng. Cám ơn Thượng Đế đã cho anh tặng phẩm này. Ôm em trong tay mà không khỏi có những phút thẫn thờ lo ngày mai phải bỏ em một mình vì ngược xuôi rừng núi. Chúng ta sẽ làm đám cưới, nay mai anh hết đi đề-lô, anh ở đâu thì em ở đó.
– Anh ạ, anh ít về thành phố lắm phải không? Sao tới giờ em mới có anh?
– Thì giờ đâu? Lúc này áp lực nặng lắm, thôi, đừng hỏi mấy chuyện đó mất vui.
– Nhưng mà, nhưng mà có nhiều cô Sương bé bé không? Em cảnh cáo anh, ông đại úy Khương không lầm đâu, ngoại trừ hiếm hoi liều mạng như mẹ con em, còn thì hầu hết người dân quê họ không muốn chết dưới cái sắt máu của Việt Cộng. Không muốn chết nghĩa là tất cả họ phải trở thành Việt Cộng. Cô Sương hiền lành nào cũng ăn thịt anh được. Nhớ không?
– Dạ nhớ, chị Hai. Anh muốn dậy hút thuốc.
– Không hút nữa. Em không muốn dậy.
– Dạ, chị Hai. Nhưng mà chị Hai ơi… chị Hai lên cai ngục hồi nào vậy?
– Từ lúc em có được tù nhân.
– Anh không làm tù nhân nữa.
– Tạo phản hả?
– Anh muốn làm ông xã.
– Nhưng mà, ông xã ơi, em sợ tượng đá thành Tô Thị lắm. Anh cứ đi mênh mông gánh lúa mênh mông, bỏ mẹ con em đứng hoài trên đỉnh núi mỏi lắm.
– Có vợ có con thì phải lo mà về. Đi đâu mà kiếm ra…
– Xạo quá, mới nói em là cai ngục.
– Nói lộn nói lại.
***
Viết vội cái thư quẳng vào hộp thư đi, Chuẩn phải lên đường ngay. Lần này chàng phải đi tiền sát cho một tiểu đoàn bộ binh, đang tham dự hành quân cấp trung đoàn, an ninh mở đường gì đó cho con đường số 7 nằm phía Nam An Khê.
Anh lỗi hẹn với em rồi, Bà Xã ơi.
Không phải mười lăm, hai chục ngày lại về, như những lần hành quân trước, lần này chàng phải đi càng lúc càng xa hơn, như một chiếc xe mất thắng, chàng đã tuột xuống tận cuối dốc của con đường 7, liên tỉnh lộ nối Pleiku – Cheo Reo – Tuy Hòa, con lộ đã trở thành lộ máu mà hàng triệu người, trong đó có Chuẩn phải lội qua. Cuối dốc ấy là cái dấu chấm kết thúc binh nghiệp của chàng, cũng như khởi đầu một sự sụp đổ lịch sử. Và với Chuẩn, lần lỡ hẹn đó đã để lại bao nhiêu những dấu hỏi khắc khoải trong lòng. Ở gần biển, em có kịp lên tàu theo đi nước ngoài không? Ba em có trở về và em có đã được trở thành một cán bộ gì đó không? Phải chăng em đã quên anh?
Hơn bốn năm ở trại tập trung về, Chuẩn đi tìm Sương. Tìm như tìm một người thân, anh không hy vọng em vẫn đợi chờ, đợi chờ thì bốn năm qua em đã tìm anh. Anh cũng không dám mong sau một đêm trần thế đổi đời lại còn có những Tô Thị vẫn đứng trên non cao trông mây, trông gió.
Cô Nhi Viện Ghềnh Ráng Qui Nhơn nằm bơ vơ hoang phế, với thỉnh thoảng vài chiếc nón cối qua lại. Ra Đệ Đức tìm đến Đồi 10 xưa, chàng không mấy khó khăn để hỏi tin tức về Sương ở một nơi vắng vẻ, thưa thớt dân cư này. Nhưng không ai biết gì nhiều hơn cái việc có lần, sau mấy tháng giải phóng, Sương bị cách mạng bắt về địa phương kiểm điểm tội hợp tác với địch, hay vượt biên gì đó, sau đó không biết Sương ra sao. Đến cả ba Sương từ Bắc về tìm, cũng không gặp được ở trại cải tạo nào, rồi thì ông trở ra Bắc lại, mà cũng không ai được nghe ông nói là cán bộ địa phương đã trả lời sao với ông.
Chuẩn ghé thăm vài người quen từ thuở về đờ-lô ở đây, người ta dè dặt nói với chàng “Cầu Trời Phật cho cô ấy còn bình yên… Nghe người ta nói Sương đã trốn đi…”
Vậy thì em đang ở đâu? Chuẩn rùng mình nghĩ tới những bản lý lịch viết đi viết lại trong trại cải tạo, rõ ràng là sau khi ba chàng bị họ bắt dẫn đi, gia đình không còn được gặp nữa, nhiều ngày kiếm tìm, má chàng đã tìm ra được chỗ ba chàng bị thủ tiêu, đào lại được xác và cải táng, vậy mà dứt khoát không “cơ quan” nào chấp nhận lời khai “Cha bị cách mạng giết”, mà phải ghi là “Mất tích không rõ lý do”. Tất nhiên, nếu má chàng đã không tìm thấy xác ba chàng, thì gia đình sẽ chong mắt mỏi mòn đến cuối đời, chờ mong ngày về của một người đã được đi cải tạo.
Chàng cắn môi, nghe mắt cay cay.
Anh không dám nghĩ xa hơn, e điều đó sẽ làm xúc phạm em, và tổn thương anh.
Anh không khóc đâu. Một lần lỡ hẹn, lỡ hết một cuộc đời. Nhưng, em thương yêu, nếu bắt em phải làm vợ một phó thường dân nay trình diện, mai kiểm điểm, mốt tập trung, em có vui nổi không, hay chỉ làm đen tối cuộc đời nhau hơn?
Có phải Tô Thị đã bình yên ở một nơi không máu lệ hận thù, thay vì phải vô vọng ngày đêm nơi non cao sương giá chờ đợi một chồng tù, hay phấp phỏng ngó chừng theo mỗi bước chân chồng, không biết ngày nào kia lại tiếp tục tra chân vào cùm xích.
Còn mong, gặp lại em đâu đó không Sương?
Đặng Kim Côn
nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét