Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Tin Á Châu - Trung Quốc sẽ chiếm trọn biển Đông vào năm 2017 Tú Anh

media
Công trường của Trung Quốc bồi đắp đảo Đá Châu Viên (Cuarteron) nơi có tranh chấp trong Trường Sa - Biển Đông, được chụp từ vệ tinh.@epa
Bắc Kinh đã thực hiện xong giai đoạn một trong chiến lược biến Biển Đông thành ao nhà. Thái độ do dự của các nước liên can từ Hoa Kỳ, Úc cho đến các thành viên Đông Nam Á tạo cơ hội bằng vàng cho Tập Cận Bình tiến sang giai đoạn hai trong 2 năm tới. Trên đây là nhận định của nhiều chuyên gia quân sự được Fairfax Media tổng hợp và phân tích. Với các đảo nhân tạo đã được thực hiện gần xong, Trung Quốc đã chiến thắng « trận thứ nhất » trong chiến lược khống chế Biển Đông.
Ít ai có khả năng ngăn chận Trung Quốc chiến thắng luôn giai đoạn hai. Hoa Kỳ cũng như đồng minh Úc trong khu vực, tuy lên án Bắc Kinh có « hành động phi pháp » đe dọa an ninh hàng hải, hàng không nhưng cho đến nay hai nước này vẫn do dự, ngập ngừng. Trên đây là hai nhận định của các nguồn tin quốc phòng cao cấp của Úc.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng vào năm 2017, khi các đảo nhân tạo trong vùng Hoàng Sa và Trường Sa hoàn tất với quân cảng, phi trường thì Trung Quốc sẽ đưa ra-đa, đại bác, máy bay chiến đấu ra tận nơi để mở rộng vùng can thiệp đến tận những nơi xa xôi nhất của Biển Đông.
Tháng 5 năm nay, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố mạnh : một là kêu gọi Trung Quốc phải chấm dứt đắp đảo lấn biển và hai là Mỹ không công nhận « không phận, hải phận » của các đảo nhân tạo này.
Lập trường cứng rắn của bộ trưởng Mỹ đã được đồng nhiệm Úc Kevin Andrews ủng hộ mạnh mẽ . Hai chuyến bay được thực hiện sau đó bay ngang một số đảo đang được Trung Quốc bồi đắp. Một chuyến có phóng viên đài truyền hình CNN và một chuyến có tư lệnh hạm đội 7, đô đốc Scott Swift. Trên thực tế, theo kiểm chứng của Fairefax Media, hai chuyến bay này đều nằm ngoài khoảng cách 12 hải lý chứ không bay ngang như một số báo chí đưa tin.
Trong khi Hoa Kỳ và đồng minh Úc « vật lộn » với những không ảnh và bản đồ cũ, tranh luận đâu là những nơi đe dọa an ninh hàng không hàng hải, thì hàng ngày hạm đội tàu công binh của Trung Quốc gia cố, nới rộng một phi đạo thứ hai dài 3 km trên bãi đá Subi Reef cho những phi cơ vận tải lớn nhất của « Giải phóng quân » hạ cánh.
Trong khi Mỹ và các đồng minh nói và làm không đi đôi với nhau thì Trung Quốc thừa sức và rộng thời gian để hoàn tất căn cứ quân sự tiền phương ở Biển Đông trước khi chủ tịch Tập Cận Bình sang gặp tổng thống Mỹ Barack Obama trong hai tuần tới đây (trung tuần tháng 9). Hình ảnh vệ tinh cho thấy 90% số tàu công binh hoạt động ở Trường Sa đã rút đi trong những tuần lễ gần đây.
Một nhân tố khác xuất phát từ quan điểm muốn giữ « nguyên trạng » của tây phương càng thuận lợi cho kế hoạch lấn chiếm của Trung Quốc. Các nhà chiến lược cho rằng thương thuyền và máy bay tây phương có thể chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc mặc dù những yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông là không có cơ sở theo luật quốc tế. Theo những nhà chiến lược trên, quyền tự do hàng hải không bị chiến lược quân sự hóa Biển Đông ảnh hưởng đến. Trung Quốc biết khai thác tâm lý này khi tuyên bố trấn an :" luôn tôn trọng quyền tự do giao thông trên biển « Nam hải ».
Câu hỏi đặt ra là vì sao từ nay đến ít nhất là cho hết năm 2017 là thời gian rất thuận lợi cho Trung Quốc hoàn tất kế hoạch làm chủ Biển Đông.
Có hai lý do : Một là Hoa Kỳ bước vào mùa tranh cử bầu cử tổng thống và phải chờ đến đầu năm 2017 mới có một chính phủ mới ở Washington. Lý do thứ hai là tình hình nội bộ Đông Nam Á. Trong bối cảnh các thành viên không đoàn kết với nhau trước tham vọng của Trung Quốc, năm 2017 là năm nước Lào, mà chế độ đã bị Bắc Kinh mua chuộc, làm chủ tịch luân phiên Hiệp hội ASEAN.
Tuy nhiên, một số viên chức Mỹ và Úc lại đưa ra kết luận ngược lại là Trung Quốc chỉ thắng về chiến thuật nhưng sẽ thua to về chiến lược. Tức là các quốc gia trong vùng sẽ đoàn kết chặt chẽ với nhau và với Hoa Kỳ hơn.

Đài Loan khẳng định chủ quyền trên quần đảo Điếu Ngư

Tú Anh
media
A Taiwan Coast Tàu tuần duyên Đài Loan áp sát khu vực quần đảo Senkaku / Điếu Ngư đang có tranh chấp hôm 13/9/2012.REUTERS/Stringer
Trong cuộc họp báo ngày thứ Bảy vừa qua (29/08), phát ngôn viên bộ Ngoại giao Đài Loan tuyên bố không công nhận bất cứ động thái nào của Tokyo nhằm khẳng định chủ quyền của Nhật Bản vùng quần đảo Điếu Ngư mà Nhật gọi là Senkaku.
Theo cơ quan thông tấn Đài Loan CNA, Trung Ương Xã, thứ sáu tuần trước, chính phủ Nhật Bản công bố thêm một số tài liệu lịch sử được xem là để xác nhận quần đảo Senkaku ở Hoa Đông và Tekeshima ở biển Nhật Bản là một phần của lãnh thổ Nhật Bản.
Khi được đặt câu hỏi về động thái mới của Tokyo về chủ quyền biển đảo tại Hoa Đông, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Đài Loan Vương Bội Lâm ( Wang Eleanor) tuyên bố : Mọi đòi hỏi hay hành động của chính phủ Nhật liên quan đến quần đảo Điếu Ngư đều bất hợp pháp và không có giá trị. Theo luật quốc tế và cấu trúc địa chất cũng như địa lý, Điếu Ngư đài (Senkaku), là của Đài Loan.
Quần đảo này, nằm cách Đài Loan 100 hải lý, do Nhật Bản quản trị từ năm 1972 sau khi được Hoa Kỳ chuyển lại quyền điều hành. Từ một thập niên gần đây, Trung Quốc lên tiếng đòi chủ quyền cùng lúc với các hành động gây áp lực song song với chiến thuật lấn chiếm tại Biển Đông ở phía nam.
Tuy tranh chấp với Nhật, nhưng vào năm 2013, Đài Bắc ký với Tokyo một thỏa thuận hợp tác đánh cá trong khu vực này. Ngược lại, Đài Loan dứt khoát khước từ đề nghị của Hoa Lục hợp tác chống Nhật Bản trong vấn đề chủ quyền ở Senkaku/Điếu Ngư.
Còn Takeshima mà tiếng Hàn gọi là Dokdo hiện do Hàn Quốc kiểm soát là chiếc gai trong quan hệ Nhật-Hàn.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề nghị tăng ngân sách lên 42 tỷ đô la

Trọng Thành
media
Lực lượng phòng vệ Nhật trong một cuộc diễn tập thường niên gần núi Phú Sĩ 19/8/2014.REUTERS/Yuya Shino/Files
Hôm nay 31/08/2015, theo AFP, Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố dự kiến tăng ngân sách, với tổng số tiền là 5.090 tỷ yen (tương đương 42 tỷ đô la). Lý do của khoản chi phí vượt trội này là để tăng cường bảo vệ các đảo nhỏ nằm xa quần đảo Nhật Bản, đặc biệt là cụm đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, trước « đe dọa » từ Bắc Kinh.
Nếu được phê chuẩn, đây là năm thứ tư liên tục, Tokyo tăng ngân sách quốc phòng. Mức tăng của năm tới, từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, dự kiến sẽ nhiều hơn 2,2% so với năm ngoái, mức chi phí được coi là kỷ lục từ trước đến nay. Năm 2015-2016, ngân sách quốc phòng của Nhật đã tăng 2%.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo ý định trang bị thêm 17 trực thăng tuần tra SH-60K, ba máy bay do thám không người lái Global Hawks và 12 phi cơ lên thẳng Osprey.
Dự kiến ngân sách này còn phải được sự phê chuẩn của Bộ Tài chính, chính phủ và Quốc hội. Theo các nhà quan sát, nhiều khả năng yêu cầu của Bộ Quốc phòng sẽ được thông qua, trong bối cảnh ngoài Bắc Kinh, Tokyo còn có các căng thẳng với Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Nga.
Kế hoạch gia tăng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản năm nay là nằm trong chủ trương tăng 5% chi phí quân sự của Thủ tướng Shinzo Abe trong nhiệm kỳ 2014-2019, với tổng ngân phí là 24.700 tỷ yen (khoảng 200 tỷ đô la).
Trong những năm gần đây, trước việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại các vùng đảo tranh chấp ở Biển Đông, khiến xung đột có thể bùng phát, Tokyo liên tục có các nỗ lực nhằm siết chặt quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ và nhiều quốc gia Đông Nam Á. Dự định sửa đổi Hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản, cho phép quân đội nước này có thể tham chiến tại nước ngoài, khiến nhiều người Nhật lo ngại. Hôm qua, hàng trăm nghìn người xuống đường phản đối, riêng tại Tokyo, có khoảng 120.000 người tham gia tuần hành.
Biến cố gần nhất khiến quan hệ Nhật – Trung căng thẳng là việc Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nhận lời mời của Bắc Kinh đến dự lễ duyệt binh mừng 70 năm ngày « đế quốc Nhật bại trận » trong Thế chiến Hai. Cuộc duyệt binh ngày 03/09 bị hầu hết lãnh đạo các nước Phương Tây tẩy chay. Hôm nay, Tokyo kêu gọi Liên Hiệp Quốc giữ lập trường « trung lập ».

Vụ khủng bố Bangkok : Cảnh sát thu nhiều phương tiện chế bom

Trọng Thành
media
Các vật liệu để chế bom tìm thấy trong nhà nghi phạm đánh bom tại Bangkok hopom 17/8/2015. Ảnh do cảnh sát Thái Lan công bố hôm 30/8/2015.REUTERS/Thai Police/Handout via Reuters
Hôm qua 30/08/2015, theo AFP, cảnh sát Thái Lan đã có thêm một bước tiến mới trong cuộc điều tra vụ đánh bom ngôi đền Ấn giáo, khiến 20 người chết. Nhiều phương tiện chế tạo bom đã được phát hiện trong căn hộ của hai nghi phạm.
Cuộc lục soát đã diễn ra tại một chung cư thuộc khu phố Minburi, ngoại ô đông Bangkok, có đông người Hồi giáo cư trú, cũng là nơi nghi phạm thứ nhất bị bắt giữ hôm thứ Bảy, 29/08. Người phát ngôn của cảnh sát Prawut Thavornsiri thông báo đã tìm thấy « nhiều túi phân hóa học, đồng hồ, hệ thống điều khiển từ xa, trong số các vật liệu dùng để sản xuất bom ». Các vật chứng nói trên đã được công bố trên truyền hình hôm nay.
Nhân dạng của hai nghi phạm mới cũng được phổ biến trên truyền hình. Đó là một phụ nữ Thái Lan bận trang phục trùm đầu Hồi giáo, 26 tuổi, có tên là Wanna Suansan. Nghi phạm thứ hai là một người đàn ông tóc đen, có ria mép, hiện chưa rõ danh tính, nhưng rất có thể là người nước ngoài.
Việc thẩm vấn nghi phạm mang hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay chưa có kết quả, theo cảnh sát. Theo luật Thái Lan, nghi phạm nói trên có thể tiếp tục bị câu lưu thêm 7 ngày nữa. Hiện tại, chưa có bất cứ thông tin nào về danh tính thực sự của người này được công bố. Cảnh sát đã tìm được hơn 200 hộ chiếu giả tại nơi ở của nghi phạm đầu tiên, người được coi là « chắc chắn 100% có tham gia » vào vụ khủng bố.
Lãnh đạo cảnh sát Thái, ông Somyot Poompanmoung, đã trao số tiền thưởng trị giá gần 75.000 euro cho các sĩ quan cảnh sát đã giúp bắt được nghi phạm nói trên. Người phát ngôn tập đoàn quân sự Winthai Suvaraee cho biết các điều tra hiện tại « không loại trừ bất cứ kịch bản nào ».
Cho đến nay, nhiều giả thuyết về thủ phạm vụ khủng bố được đưa ra : băng nhóm buôn hộ chiếu giả, khủng bố quốc tế, lực lượng chống tập đoàn quân sự sau đảo chính 2014… Một giả thuyết khác cũng rất đúng chú ý, đó là khả năng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ Tân Cương trả thù, sau khi hơn một trăm người Duy Ngô Nhĩ chạy trốn khỏi Trung Quốc qua ngả Thái Lan, bị chính quyền Bangkok trao trả cho Bắc Kinh hồi tháng 7.

Ân xá Quốc tế kêu gọi bảo vệ hai phụ nữ Ấn Độ có nguy cơ bị hãm hiếp tập thể

RFI
media
Phụ nữ Ấn Độ. Ảnh minh họaAFP
Ngày 30/08/2015, tổ chức Ân xá Quốc tế - Amnesty International – đã đưa ra kiến nghị kêu gọi bảo vệ hai phụ nữ Ấn Độ, bị một hội đồng địa phương đưa ra biện pháp trừng phạt man rợ : Do người con trai bỏ trốn với một phụ nữ đã có chồng, thuộc đẳng cấp trên, hai người con gái trong gia đình này bị trừng phạt bằng cách bị hãm hiếp tập thể và bắt khỏa thân bêu diếu trước làng xóm.
Ngay hôm qua, đã có hơn một trăm ngàn người ký kiến nghị do Ân xá Quốc tế khởi xướng để phản đối. Kiểu trừng phạt khủng khiếp này không phải là hiếm tại Ấn Độ, nơi mà đại đa số người dân vẫn không chấp nhận mối quan hệ giữa các đẳng cấp trên dưới.
Từ New Dehli, thông tín viên Antoine Guinard gửi về bài tường trình :
Tính cho đến tối hôm qua, Chủ nhật, 30/08, đã có 122 000 người ký kiến nghị kêu gọi bảo vệ hai phụ nữ đã phải bỏ trốn khỏi khu làng của họ ở bang Uttar Pradesh, phía bắc Ấn Độ. Hôm thứ Sáu tuần trước, người chị cả cũng đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao. Cô khẳng định là gia đình và bản thân cô bị cảnh sát sách nhiễu, thay vì phải bảo vệ họ.
Hai chị em trong gia đình này mà cô em gái mới chỉ có 15 tuổi, thuộc đẳng cấp thấp nhất – tiện dân – theo trật tự phân cấp trong tôn giáo Ấn. Người con trai trong gia đình bị cáo buộc bỏ trốn với nhân tình, một phụ nữ không những đã có chồng mà lại thuộc đẳng cấp trên. Đối với hội đồng làng – không phải do người dân bầu ra – thì đây là một tội không thể tha thứ được và cần phải áp dụng luật trừng phạt tương đương : Hai người con gái trong gia đình sẽ bị hãm hiếp tập thể nhiều lần và dẫn đi bêu diếu, để trả thù đẳng cấp của người đàn bà đã có chồng mà bỏ trốn theo trai.
Các hội đồng làng xã tại Ấn Độ, được gọi là Khap panchayat, thông thường bao gồm những người đàn ông thuộc đẳng cấp thống trị. Tuy bị luật pháp Ấn Độ coi là bất hợp pháp, các hội đồng này vẫn thường ra những quyết định cổ hủ, tàn bạo và vẫn được áp dụng tại nhiều nơi ở Ấn Độ. Cách nay hai năm, một thiếu nữ 20 tuổi đã bị hãm hiếp tập thể, theo quyết định của một hội đồng làng, ở phía đông Ấn Độ, để trừng phạt tội có quan hệ yêu đương với người thuộc đẳng cấp khác.

Thủ tướng Malaysia phô trương uy lực sau hai ngày biểu tình lớn

Mai Vân
media
Thủ tướng Malaysia Najib Razak trong lễ Quốc khánh tại Kuala Lumpur, ngày 31/08/ 2015.REUTERS/Olivia Harris
Nhân lễ Quốc khánh Malaysia vào hôm nay, 31/08/2015, phe ủng hộ Thủ tướng Najib Razak đã chiếm lĩnh đường phố Kuala Lumpur để phô trương lực lượng. Trước hàng ngàn người, tay phất những lá cờ nhỏ, Thủ tướng Malaysia đã chủ tọa buổi lễ kỷ niệm ngày nước này giành lại độc lập vào năm 1957, với đảng UMNO của ông Najib Razak lên cầm quyền liên tục từ đó đến nay.
Theo giới phân tích sự kiện được truyền hình trực tiếp là một sự phô trương uy thế của chính quyền, sau các cuộc biểu tình tập hợp hơn 200.000 người theo ban tổ chức, trong hai ngày cuối tuần vừa qua, đòi ông Najib Razak từ chức.
Cuộc diễu hành hôm nay của hàng ngàn nhân viên cảnh sát và công chức trên đường phố trung tâm thủ đô Kuala Lumpur, cho thấy là các sức ép nhằm buộc chính quyền thay đổi khó có thể thành công.
Một số người tham gia biểu tình hôm qua đã không có ảo tưởng, như luật sư Simon Tam, trả lời AFP : « Chúng tôi đã làm hết sức mình, bây giờ thì đến lượt họ, và không dễ gì buộc ông Najib từ chức, có lẽ là không có hy vọng gì cả ».
Một vụ tai tiếng tài chính – gần 2,6 tỷ ringgit, khoảng 640 triệu euro, tiền bị nghi là biển thủ được tìm thấy trên tài khoản riêng của Thủ tướng Malaysia – đã làm dấy lên làn sóng bất bình, kèm theo lời kêu gọi ông Najib từ chức.
Chính cựu Thủ tướng rất có uy tín là Mahathir đã tham gia cuộc biểu tình và còn cho là đấy là cách duy nhất để « lật đổ Najib ».
Tuy nhiên giới quan sát đánh giá là cuộc xuống đường rầm rộ cuối tuần qua chưa thể là một mối đe dọa lớn đối với ông Najib. Lý do rất đơn giản : Phong trào chống đối tổ chức biểu tình không có một gương mặt nào có sức thu hút, trong lúc phe đối lập lại chia rẽ.

Không có nhận xét nào: