Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Kinh tế Trung Quốc lao dốc, chứng khoán đỏ sàn từ Á sang Âu, Mỹ - Thụy My

media
Đỏ sàn chứng khoán Trung Quốc tại khu trung tâm tài chính Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 24/08/2015.REUTERS/Bobby Yip
Các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới hôm nay 24/08/2015 tràn ngập sắc đỏ. Từ Á sang Âu, các cổ phiếu giao dịch bị sụt giá ở mức chưa từng thấy. Vì sao tâm trạng hoảng loạn giờ đây quay lại với thị trường ?
Theo các nhà phân tích, trước hết là kinh tế Trung Quốc tiếp tục lao dốc cùng với bóng ma giảm phát. Những chỉ số đáng thất vọng liên tục được đưa ra, chứng tỏ nền kinh tế thứ nhì thế giới đang bị « cảm nặng », khiến kinh tế toàn cầu cũng trở nên u ám theo.
Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ
Cơn sốt « đỏ sàn » bắt đầu với sự suy sụp của thị trường chứng khoán Thượng Hải : hôm nay trượt dài đến 8,5%. Đây là sự xuống dốc nặng nề nhất kể từ 8 năm qua, xóa đi tất cả những lợi tức đạt được từ đầu năm đến nay. Thị trường chứng khoán Thâm Quyến, đứng hàng thứ hai tại Trung Quốc, mất 7,61% kéo theo Hồng Kông sụt 4,64%.
Đài Loan tức khắc bị « lây nhiễm » : sụt giảm ở mức chưa từng thấy là 7,5%, và sau đó đóng cửa ở mức -4,84%. Sydney sụt mất 4,09%, thấp nhất kể từ hai năm qua, và Seoul giảm 2,47%. Chỉ số Nikkei ở Tokyo mất 3,21%, mạnh nhất từ sáu tháng qua. Tại Việt Nam, hàng trăm mã chứng khoán « giảm sàn », nhiều cổ phiếu không có người mua ; chỉ số VN-Index mất gần 30 điểm, tương đương 5,28%. Theo báo chí trong nước, kể từ sự kiện Trung Quốc đem giàn khoan đến Biển Đông tới nay, thị trường mới chứng kiến tình trạng hoảng loạn như vậy.
Ở châu Âu, thị trường chứng khoán Frankfurt sáng nay giảm mạnh do ảnh hưởng chứng khoán châu Á và tình trạng kinh tế Trung Quốc. Chỉ số Dax lần đầu tiên xuống dưới mức 10.000 điểm, sụt 2,8%, còn chỉ số Mdax mất 3,27%. Thị trường Frankfurt đặc biệt nhạy cảm trước tình trạng tăng trưởng chậm của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán Paris hôm nay cũng sụt đến 2,9%, chỉ số CAC 40 bị giảm bốn phiên liên tiếp, ở mức thấp nhất kể từ đầu năm. Luân Đôn, Madrid, Milano đều sụt giảm tương tự. Chỉ số Euro Stoxx 50 tập hợp các công ty lớn trong khu vực đồng euro, sụt giảm 2,54%. Trước đó tại Wall Street, chỉ số Dow Jones Industrial Average mất 3,12%, tệ hại nhất từ bốn năm qua.
Vì đâu nên nỗi ?
Evan Lucas, công ty chứng khoán IG Markets bình luận: « Hiện nay chúng ta có tất cả các yếu tố để chứng kiến một ngày tệ hại nhất của thị trường thế giới từ năm năm qua ».
Công ty môi giới chứng khoán Aurel BGC nhận định : « Sự hoảng loạn trên thị trường châu Á là do nguy cơ ngày càng tăng của ‘hard landing’, tức sự hạ cánh thô bạo của kinh tế Trung Quốc. Các biện pháp hỗ trợ đã được Bắc Kinh loan báo vào cuối tuần, nhưng các nhà đầu tư cho rằng vẫn chưa đủ so với cuộc khủng hoảng hiện nay. Họ hy vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ can thiệp ồ ạt, trong khi Bắc Kinh lại có thể buộc phải phá giá đồng nhân dân tệ ».
Chỉ số về sản xuất công nghiệp được công bố vào thứ Sáu tuần rồi, thấp nhất từ sáu tháng qua, cho thấy sản xuất Trung Quốc bị co rút lại dữ dội. Việc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ hôm 11/08 - được cho là nỗ lực tuyệt vọng của chính quyền Trung Quốc, phải sử dụng đến vũ khí cuối cùng để thúc đẩy xuất khẩu và các hoạt động kinh tế - làm dấy lên nỗi lo sợ, gây sốc cho thị trường.
Hôm qua, Chủ nhật 23/08, Bắc Kinh cho biết quỹ lương hưu nhà nước với số vốn khổng lồ sẽ được phép đầu tư vào thị trường chứng khoán trong nước. Nhưng loan báo này rõ ràng không trấn an được các nhà đầu tư Trung Quốc hầu hết là nhỏ lẻ. Một nhà phân tích của công ty môi giới Thân Vạn Hoành Nguyên (Shenwan Hongyuan) nhấn mạnh : « Việc can thiệp của quỹ lương hưu còn lâu mới diễn ra, và giá cổ phiếu còn quá cao, nên quỹ chưa thể mua được gì ».
Nỗi lo « bong bóng chứng khoán » vẫn tiếp tục : Trước khi sụp đổ vào giữa tháng Sáu, thị trường Thượng Hải chỉ trong vòng một năm đã tăng đến 150% do chính phủ khuyến khích vay nợ để mua cổ phiếu, hoàn toàn tách rời khỏi nền kinh tế thực.
Người phụ trách quỹ JK Life Insurance tóm tắt : « Nền kinh tế Trung Quốc đang diễn biến rất tệ hại. Một số lãnh vực bị đánh giá cao hơn giá trị thực, và áp lực bán ra trên tất cả các thị trường thế giới đã góp thêm vào tâm lý bất ổn ở thị trường trong nước ».
Những yếu tố tác động khác và hậu quả
Bên cạnh đó người ta còn sợ rằng Quỹ Dự trữ Liên bang tăng lãi suất khiến vốn đầu tư đổ về Mỹ. Chỉ trong vòng một tuần lễ, chỉ số lo ngại Volatility Index đã tăng đến 45%, tương đương với thời điểm chưa đạt được thỏa thuận về Hy Lạp. Các nhà đầu tư đổ xô bán tống bán tháo cổ phiếu, mua vào trái phiếu các nước có nền kinh tế ổn định nhất, và vàng đang sụt giá thê thảm bỗng tăng trở lại.
Một once vàng hồi cuối tháng Bảy rơi xuống dưới mức 1.100 đô la, nay tăng lên 1.170 đô la, khác hẳn với dự báo sẽ giảm còn 800 đô la. Lãi suất trái phiếu của Đức kỳ hạn 10 năm nay còn 0,584% so với đầu tháng là 0,754%, trái phiếu Pháp dao động ở mức 1%.
Giá các loại nguyên vật liệu hôm nay xuống đến mức thấp nhất từ 16 năm qua. Riêng giá dầu thô loại nhẹ sau khi xuống dưới ngưỡng tâm lý là 40 đô la, có nhích lên đôi chút. Chỉ số Bloomberg bao gồm 22 loại nguyên vật liệu hôm nay mất 1,7% giá trị, thấp nhất kể từ tháng 8/1999.
Bắc Kinh đã từng tung ra rất nhiều tiền để cứu vãn thị trường chứng khoán, gần đây nhất là hôm 19/08 đã bơm 100 tỉ đô la cho các ngân hàng và 17 tỉ đô la cho 14 định chế tài chính. Nhưng các nhà đầu tư vẫn lo ngại là việc hỗ trợ không thể kéo dài. Nhà phân tích Ken Chen của KGI Securities cảnh báo : « Trong mọi trường hợp, những can thiệp của chính quyền Trung Quốc không thể tác động được phản ứng của thị trường về lâu về dài ».
Còn nếu Trung Quốc thất bại trong việc « hạ cánh nhẹ nhàng » ? Sự quan ngại không phải là không có cơ sở : chứng khoán sụp đổ hồi tháng Bảy, trong lúc các động cơ (xuất khẩu, đầu tư, tiêu thụ) đều chậm hẳn lại, cộng với đồng nhân dân tệ bị phá giá. Các quốc gia mới nổi lệ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc và cả Nhật Bản đều có thể bị tác động.
Trung Quốc đã « xuất khẩu » tình trạng chựng lại của mình sang các nền kinh tế mới nổi, nay không còn có thể đóng vai trò hỗ trợ cho kinh tế toàn cầu, như vào thời điểm từ 2009 đến 2013. Tám năm sau khi khởi đầu cuộc khủng hoảng tín dụng địa ốc xấu ở Mỹ, khả năng trở lại bình thường vẫn còn là một dấu hỏi. Tăng trưởng nay đã trở thành một khái niệm hiếm hoi. Hiện tại, khu vực đồng euro còn trụ được, nhưng cho đến bao giờ ? Chưa ai có thể trả lời được.

Thủ tướng Nhật không dự lễ diễu binh ở Trung Quốc

Thụy My
media
Bắc Kinh sẽ huy động 850.000 dân để "đi tuần" khắp thủ đô trước buổi lễ diễu binh ngày 03/09/2015.AFP/Greg Baker
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã quyết định hoãn lại chuyến công du dự kiến vào tuần tới tại Trung Quốc. Chính phủ Nhật hôm nay, 24/08/2015, loan báo như trên, vào lúc Bắc Kinh đang ra sức chuẩn bị một cuộc diễu binh đại quy mô để khoa trương nhân kỷ niệm 70 quân Nhật bại trận trong Đệ nhị Thế chiến.
Chánh văn phòng nội các Nhật, ông Yoshihide Suga tuyên bố, ông Abe đã quyết định hoãn lại chuyến viếng thăm « do tình hình tại Quốc hội », hàm ý việc Thủ tướng Abe đang gặp khó khăn trong việc thông qua dự án luật mở rộng phạm vi can thiệp của quân đội Nhật.
Nhưng theo báo chí Nhật Bản, chủ yếu là do Tokyo quan ngại trước tính cách « chống Nhật » của cuộc diễn binh hùng hậu xuyên qua trung tâm Bắc Kinh ngày 03/09 tới, để kỷ niệm ngày quân Nhật đầu hàng đồng minh trong Đệ nhị Thế chiến. Ông Shinzo Abe đã bày tỏ ý muốn gặp gỡ ông Tập Cận Bình vào đầu tháng Chín, nhưng cuộc gặp này chưa được xác nhận.
Ông Suga nói thêm : « Chúng tôi hy vọng sẽ mở rộng quan hệ hai nước, khi hai nhà lãnh đạo có cơ hội gặp gỡ nhân các hội nghị quốc tế hay những sự kiện khác ».
Nhật Bản chiếm đóng một phần nước Trung Hoa trong thập niên 1930 cho đến khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc. Bắc Kinh luôn chỉ trích Tokyo là không nhìn nhận đúng mức tầm vóc các tội ác chiến tranh trong thời kỳ chiếm đóng, và cố tình gắn liền bất đồng về lịch sử này với tranh chấp lãnh thổ hiện nay.
Ông Tập Cận Bình hy vọng phô trương sức mạnh qua cuộc diễn binh hoành tráng như đã diễn ra tại Matxcơva hồi tháng Năm nhân kỷ niệm chiến thắng phát-xít Đức. Nhưng có vẻ như lần này, Trung Quốc cũng sẽ nhận được bài học cay đắng như Nga : bị lãnh đạo các nước tẩy chay. Các nguyên thủ phương Tây không tham dự vì sự can thiệp quân sự của Nga và Ukraina. Còn theo tờ Sankei, Thủ tướng Nhật nếu tham dự sẽ có nguy cơ bị Bắc Kinh coi là chấp nhận thái độ hung hăng của nước này trong tranh chấp chủ quyền trên biển.
Ngoài Tổng thống Nga Vladimir Putin, có rất ít nguyên thủ nước ngoài hiện diện tại lễ diễn binh. Seoul tuần trước cho biết Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye sẽ tham dự lễ kỷ niệm, nhưng không chắc sẽ tham dự buổi diễu binh.
Bắc Kinh cho biết quân đội 10 nước từ châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và châu Đại dương đã nhận lời tham gia cuộc diễn binh đại quy mô, với 84% số vũ khí mới lần đầu tiên được Trung Quốc giới thiệu. Nhưng cho đến nay chỉ mới có Nga và Kazakhstan xác nhận sẽ tham gia.

Seoul đòi Bình Nhưỡng xin lỗi

Tú Anh
media
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (giữa) phát biểu trong cuộc viếng thăm một trung tâm điều hành quân sự tại Yongin, Hàn Quốc, ngày 21/08/2015.REUTERS/The Presidential Blue House
Seoul chọn thái độ không khoan nhượng. Hôm nay 24/08/2015, tổng thống Park Geun Hye tuyên bố các dàn loa phóng thanh đặt dọc theo vùng giới tuyến hướng về miền Bắc sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi nào Bình Nhưỡng phải « xin lỗi và cam kết » ngừng khiêu khích.
Từ sau vụ hai binh sĩ Hàn Quốc đạp phải mìn của Bắc Triều Tiên hồi đầu tháng 8 trong vùng phi quân sự, tình hình bán đảo Bắc Á này căng thẳng tột độ. Trong cuộc họp với các cố vấn vào sáng nay, tổng thống Hàn Quốc kêu gọi chế độ Bình Nhưỡng phải xin lỗi, phải cam kết chấm dứt các hành động khiêu khích thì Seoul mới ngưng chiến dịch tuyên truyền qua biên giới. Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh là chính Bình Nhưỡng đã gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay.
Tổng thống Hàn Quốc đưa ra điều kiện này vào lúc phái đoàn đàm phán hai bên ngồi vào bàn thương lượng tại Bàn Môn Điếm từ thứ Bảy vừa qua. Cuộc thảo luận đã kéo dài suốt đêm Chủ nhật nhưng chưa rõ kết quả ra sao.
Ngày hôm qua, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Bắc Triều Tiên có thái độ trí trá, hai mặt. Trong khi họ gửi đại diện đi đàm phán thì quân đội tăng cường lực lượng pháo binh dọc biên giới và huy động 50 tầu ngầm ra khỏi các căn cứ. Theo nguồn tin quân sự Hàn Quốc được Yonhap trích dẫn thì ngoài tàu ngầm và đại pháo, Bắc Triều Tiên còn đưa hơn một chục tàu đổ bộ chở lực lượng đặc công đến một căn cứ hải quân chỉ nằm cách ranh giới trên biển có 60 km.
Theo AFP, hôm nay chiến đấu cơ Mỹ và Hàn Quốc cũng « tập trận oanh kích» không xa vùng biên giới.
Trước khi chấp nhận thương lượng, pháo binh Bắc Triều Tiên đã nã đạn vào khu vực đặt loa phóng thanh và Hàn Quốc đã lập tức trả đũa cũng bằng đạn pháo.
Nội dung chương trình chiến tranh tâm lý của Hàn Quốc là giúp cho dân chúng Bình Nhưỡng tìm hiểu về tình hình thế giới, về đời sống kinh tế, xã hội, sinh hoạt chính trị tại Hàn Quốc và những thông tin bị chế độ miền Bắc che dấu hay bóp méo sự thật .

Kêu gọi cách mạng màu, một sinh viên Cam Bốt bị bắt giam

Tú Anh
media
Người biểu tình chống Hun Sen, tại Phnom Penh, ngày 17/12/2013.REUTERS/Samrang Pring
Một sinh viên người Cam Bốt, 25 tuổi, bị giam giữ từ thứ Năm tuần trước vì gửi thông điệp trên Facebook, kêu gọi làm một cuộc « cách mạng màu ». Bị truy tố ra toà, người sinh viên đại học Phnom Penh đối diện với bản án hai năm tù giam.
Theo tổ chức nhân quyền Licadho, vào ngày 07/08, một sinh viên Cam Bốt, lấy bút danh là Soriya Kodo, đã đưa lên mạng xã hội lời kêu gọi làm « cách mạng màu » như phong trào phản kháng chống chính quyền đã xảy ra ở nhiều nước thuộc Liên Xô cũ.
Đến thứ Năm tuần qua, sinh viên này bị bắt cạnh đại học Phom Penh. Hai hôm sau, ngày 22/08, anh bị tòa án thẩm vấn và có nguy cơ bị lãnh án hai năm tù với tội danh « xúi giục gây tội ác hình sự ».
Theo AFP, Soriya Kodo nhắn gửi như sau : "Có người nào can dám tung ra một cuộc cách mạng màu với tôi không ? Một ngày gần đây, tôi sẽ phát động một cuộc cách mạng màu để thay đổi chế độ xấu xa này. Dù cho bị ở tù hay bị giết chết, tôi phải làm cách mạng".
Hiệp hội bảo vệ nhân quyền Cam Bốt nhận định rằng biện pháp bắt giam sinh viên Soriya Kodo là lời cảnh cáo của chính quyền Hun Sen đối với thanh niên Cam Bốt.
Thủ tướng Hun Sen, cầm quyền suốt 30 năm nay, trấn áp mọi tiếng nói phản kháng và đã gia tăng đàn áp đối lập trong những tháng gần đây.

Thái Lan kết tội một nhà hoạt động nhân quyền Anh Quốc

Mai Vân
media
Nhà hoạt động nhân quyền người Anh Andy Hall tới tòa án Phra Khanong tại Bangkok, Thái Lan, ngày 29/10/2014.REUTERS
Một công dân Anh Quốc tích cực đấu tranh vì nhân quyền ở Thái Lan vừa bị một tòa án Bangkok truy tố vào hôm nay, 24/08/2015, với tội danh « phỉ báng và vi phạm luật lệ tin học ». Nếu bị xét là có tội, nhân vật này có thể bị kết án đến bảy năm tù.
Tư pháp Thái Lan đã truy tố ông Andy Hall theo đơn khiếu nại của tập đoàn thực phẩm Thái Lan National Fruit, chuyên xuất khẩu qua các thị trường châu Âu.
Tập đoàn này đã kiện ông Hall về một bản báo cáo do nhà đấu tranh này đồng soạn thảo cho tổ chức phi chính phủ Phần Lan Finnwatch, tố cáo tập đoàn Thái Lan bóc lột lao động trẻ em, can dự vào nạn buôn người và trả lương nhân công rẻ mạt.
Vào tháng 10 năm 2014, Andy Hall đã được miễn tố trong một vụ kiện phỉ báng tương tự, nhưng tập đoàn thực phẩm Thái Lan, tâm điểm của những lời tố cáo, đã không chịu thua, và tiếp tục vụ kiện.
Phát biểu với hãng tin Pháp AFP, nhà đấu tranh người Anh này không ngần ngại tố cáo tình trạng « sách nhiễu về mặt tư pháp » mà ông là nạn nhân, trong lúc tổ chức Finnwatch lên án những hành động « hù dọa nhằm khóa miệng một nhà bảo vệ nhân quyền ».
Cho đến nay, ông Andy Hall nổi tiếng nhờ các hoạt động tố giác các hành vi vi phạm quyền của người lao nhập cư không có giấy tờ đến từ các nước láng giềng Thái Lan như Cam Bốt hay Miến Điện, chủ yếu làm việc trong ngành công nghiệp đánh bắt cá.
Phải chờ đến khi Liên Hiệp Châu Âu ra kỳ hạn cho Bangkok là đến tháng Chín này phải có biện pháp cụ thể chống lại nạn đánh cá trái phép, chính quyền Thái Lan mới quyết định kiểm soát chặt chẽ các ngư dân.
Trong một báo cáo về tệ nạn buôn người trên thế giới, công bố tháng Bảy vừa qua, Hoa Kỳ vẫn duy trì Thái Lan trong diện tệ hại nhất, nằm trong danh sách các quốc gia bị cáo buộc không tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế và không có « nỗ lực đáng kể » trong cuộc chiến chống nạn buôn người.

Không có nhận xét nào: