Nhiều người khen Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nụ cười bí hiểm.
Nhưng cũng nhiều người khác giải thích chẳng có gì là bí hiểm cả. Ông Dũng đang cười nhiều vì có nhiều điều đáng cười. Gió đang thổi mạnh theo hướng thuận lợi cho ông trên con đường tiến đến Đại Hội Đảng XII. Thuận lợi đến độ cả những vụ tai tiếng như tượng đài 1400 tỉ tại Sơn La cũng là dịp để ông kiếm thêm điểm uy tín cho mình.
Chắc chắn ông Dũng đang mỉm cười tự tin và đắc chí. Không đắc chí sao được khi chỉ dùng MỘT ngón nghề trong kho thôi đã đủ để ông thành công liên tục, suốt từ vụ khai thác Bôxít Tây Nguyên, đến vụ cướp đất của gia đình Đoàn Văn Vương tại Tiên Lãng, hay vụ xây tượng đài tại Quảng Nam, ... dài đến những vụ chặt cây xanh Hà Nội, lấn đất sông Đồng Nai, và nay, vụ tượng đài tại Sơn La. Tất cả các dự án đó đều tiếp tục. Không dự án nào dừng lại. Và vì thế số chân tay dưới trướng của ông vẫn được ăn uống phủ phê, vẫn ngày càng đông và "hết lòng vì chủ".
Có thể nói ông Nguyễn Tấn Dũng đang có trong tay một thủ thuật vạn thắng. Đó là Tạm ngưng để tiếp tục. Sự thành công của thủ thuật này dựa trên những nền tảng sau đây:
- Ông Dũng nắm vững các qui luật tâm lý quần chúng. Đó là cơn giận của công chúng tuy phùng lên rất cao nhưng cũng rất chóng tàn. Và khi quần chúng giận càng cao thì các lệnh tạm ngưng của ông Dũng càng làm cho người dân hể hả, càng dễ nguôi giận, và nhất là càng "khoái" thủ tướng. Còn ai nhớ mức "khoái" của dân cao tới cỡ nào không khi ông Dũng đích thân về Hải Phòng chủ trì cuộc họp kiểm điểm vụ Tiên Lãng?
- Một khi lửa giận của dân về một vụ việc đã nguội xuống thì sẽ rất khó bùng lên lại, đặc biệt là khi sự chú tâm của quần chúng đã chuyển sang những vụ bất bình mới và "chán chuyện cũ".
- Sau đó giới quan chức chỉ cần làm các bước: (1) Răn đe những người dân đi đầu trong đợt lên tiếng vừa qua để bịt miệng họ lại; (2) Coi lại việc chia lời cho đồng đều hơn để đừng có chuyện cán bộ bên trong xì tin ra ngoài nữa; và (3) Tiến hành dự án trở lại một cách kín đáo, êm thắm hơn.
Thế là mọi chuyện đâu lại hoàn đấy. Các quan vẫn tiền đầy túi. Chi phí, lỗ lã, thiệt hại môi sinh cứ ném vào quĩ công, đất công là xong. Trong lúc lòng biết ơn thủ tướng lại dâng tràn - không chỉ từ hàng ngũ quan chức mà cả từ quần chúng. Thế là lãnh đạo mỉm cười: "Đàn cừu đã qua đồng cỏ khác".
Rõ ràng đã đến lúc những người muốn tạo đổi thay tích cực và cơ bản cho đất nước phải thay đổi một vài định nghĩa, phải nhận chân một số hiện tượng thực tế. Đó là:
- Mỗi tuyên bố "cần điều tra làm rõ" hay "yêu cầu địa phương báo cáo" đều chỉ là những cái mỉm cười khinh thường của lãnh đạo đối với "đàn cừu". Lý do đơn giản là vì các dự án ở mức trăm tỉ, ngàn tỉ đồng đều KHÔNG THỂ KHÔNG CÓ sự xin phép và chia phần với trung ương. Không một quan chức địa phương nào muốn giữ ghế lâu dài lại dám băng qua khâu đó. Văn phòng chính phủ không những biết rất rõ các chi tiết từng dự án mà còn biết trước mức đội trần sẽ là bao nhiêu, biết những ai xứng đáng được chia phần, và chia bao nhiêu phần trăm.
- Vì vậy, mỗi lệnh "tạm ngưng" đều chỉ là cái nháy mắt trấn an của trung ương gởi tới địa phương, với thông điệp: chờ chút rồi ai cũng có phần! Do đó, ngày nào chúng ta còn hài lòng với các lệnh "tạm ngưng" ngày đó chúng ta còn rớt trở lại cái bẫy vừa đơn giản vừa tinh vi của thủ tướng.
Từ thực tế đó, đối với những ai muốn đổi thay thực sự, lằn ranh tối thiểu hiện nay trước mỗi vụ việc hại dân hại nước tới mức như vụ xây tượng đài Sơn La phải là những đòi hỏi cách chức hay thuyên chuyển các quan chức trách nhiệm trực tiếp và đòi phải tuyên bố công khai hủy bỏ dự án. Ai nghĩ rằng lằn ranh đó quá cao, quá khó thì xin cứ nhìn lại khối sức mạnh từ quần chúng chỉ trong vài ngày vừa qua. Và chính tiềm năng còn cao hơn nữa của ngọn lửa này đã khiến nhà cầm quyền phải đối phó lập tức. Người dân, một khi đồng lòng và đồng loạt, có sức mạnh còn lớn hơn thế nhiều trong tay nhưng chỉ chưa biết đến nó và chưa dùng nó mà thôi.
Công việc còn lại của các nhà hoạt động là làm sao để quần chúng không mệt mỏi, bị đánh lạc hướng hay rơi vào các bẫy thủ thuật của những kẻ đang mỉm cười bí hiểm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét