Tôi bắt đầu viết những dòng chữ này trên một vùng đất xa lạ không phải là quê hương tôi. Những dòng chữ được kết tụ bằng đau thương và nước mắt. Giấy bút là những trang vở học trò còn trắng một mặt, và những đoạn bút chì gẫy nhặt được trong thùng rác của một ngôi trường làng. Tôi đã viết bằng một bàn tay lở lói, chỉ còn ba ngón, để kể lại cho đời biết cuộc hành trình khốn khổ tìm tự do của một người con gái vượt biển, đã phải trải qua những chuỗi ngày bất hạnh, khủng khiếp nơi xứ lạ, quê người…… Đêm hôm đó những tiếng sấm sét nổ long trời như muốn xé tan màn tối đen kịt của đại dương, cơn bão vẫn cứ dữ dội vùi dập chiếc thuyền tị nạn nhỏ bé cho đến khi nó bị những cột sóng thần đập tan ra từng mảnh. Dưới ánh chớp hình dáng chiếc ghe đã biến mất chỉ còn xót lại trên mặt biển những mảnh ván, những cái đầu người đang sặc sụa lặn hụp, cùng những cánh tay chới với vùng vẫy tuyệt vọng trong vùng nước bao la. Những tiếng thất thanh kêu cứu, tìm mẹ, gọi con, bị át đi trong tiếng gầm thét vang trời của gió bão.
Tôi quờ quạng, ngụm lặn trong nước biển. Trong cơn sợ hãi, tôi vẫn còn đủ sáng suốt để nhớ tới Nhung, đứa em gái ruột 17 tuổi cùng vượt biển với tôi. Không biết nó còn sống hay đã chìm mất rồi.
– Chị Lụa ơi! Chị đâu rồi?
Tiếng gọi của Nhung khiến tôi mừng rỡ, bơi tới hướng gọi, gào lớn:
– Nhung ơi! Chị đây nè!
Dưới ánh chớp, tôi nhìn thấy một cái đầu nhô lên khỏi mặt nước, đang bám một tấm ván nhỏ, trôi lại phía tôi. Tôi nhào tới, ôm lấy tấm ván thở dốc. Tôi nhận ra cái đầu là em tôi. Tấm ván chịu sức nặng của hai thân người bị chìm xuống. Nhung vừa phun nước vừa nói lớn:
– Hai chị em mình cùng đạp phụ cho tấm ván nó nổi.
Chúng tôi cùng nhau đạp, người lạnh run cầm cập. Cứ đạp như thế cho đến lúc cơn bão dịu xuống. Rồi ngưng hẳn. Biển lại êm dịu với tiếng sóng lao xao. Chúng tôi chẳng nhìn thấy gì ngoài màn tối ghê rợn đang bao quanh.
Hai chúng tôi đều mỏi chân, ngừng đạp nước. Tấm ván lại từ từ chìm xuống. Chúng tôi lại đạp. Hơi thở hai chị em phì phò. Tôi nói với Nhung:
– Chị nghĩ là mình nên thay phiên nhau đạp thì tốt hơn. Người đạp, người nghỉ, để miếng ván còn nổi, nếu không thì chìm hết đó em ạ!
Nhung nói trong hơi thở mệt nhọc:
– Vậy chị nghỉ đi em đạp trước cho.
Có tiếng quẫy nước bên phía Nhung, tôi buông thõng đôi chân để nghỉ ngơi. Nước biển ngập ngang vai. Thân người tôi đong đưa dưới nước.
– Chị ơi!
– Gì đó em?
– Chị nghĩ có chiếc tầu nào đi qua đây để vớt tụi mình không hả chị?
Nghe Nhung hỏi, tôi không biết trả lời sao, vì chính đầu óc tôi hiện giờ cũng rất hoang mang có khác chi nó. Tôi im lặng một lúc, rồi khẽ nói:
– Có chứ! Nhưng phải đợi tới sáng thì họ mới thấy được tụi mình.
Nhung nói đứt quãng trong hơi thở dồn dập:
– Cầu trời…cho..họ…vớt mình.
Thấy Nhung đã mệt, tôi bảo nó:
– Thôi em nghỉ đi, tới phiên chị.
Tôi bắt đầu đạp. Hai đứa chúng tôi im lặng. Trong không gian tối đen, chỉ còn nghe thấy tiếng sóng xô nhè nhẹ, tiếng đạp nước của tôi và tiếng thở mệt nhọc của Nhung. Những ánh chớp vẫn loé lên từ phía chân trời xa. Dường như cơn bão đã di chuyển về nơi đó. Không biết ở vùng đại dương ấy sẽ lại thêm bao nhiêu chiếc ghe vượt biển nữa bị nhận chìm như chúng tôi. Trời ơi! Thế giới có ai hiểu được cái giá của tự do mà chúng tôi phải trả nó đắt như thế nào không? Vậy mà, từng có nhiều chiếc ghe với những thuyền nhân tả tơi còn sống xót sau khi trải qua những nỗi kinh hoàng: Bão tố, đói khát và hải tặc, đã bị người ta xua đuổi thậm tệ khi cặp được lên đất của họ.
Gió lạnh thổi phơn phớt trên da mặt của tôi. Trong ánh chớp, tôi thấy tóc tai Nhung ướt nhẹp. Những lọn tóc ướt rũ xuống từ đỉnh đầu như những cái vòi con bạch tuộc đang bám chặt vào gương mặt tái mét của nó
Tuy sống ở vùng sông rạch Hậu Giang, cả hai chị em tôi đều biết lội, nhưng trong hoàn cảnh sóng nước mênh mông này, chúng tôi không còn cách nào hơn là phải cố bám lấy cái mảnh ván để khỏi chết đuối. Tôi rùng mình chợt nghĩ đến tới lúc hai chị em tôi không còn có thể đạp chân, hay bám lấy mảnh ván này nữa vì kiệt sức. Mảnh ván này vuông vức chỉ có thể chịu đựng sức nặng của một người nằm thu mình trên đó như một tấm phản nhỏ, nổi lềnh bềnh để mặc sóng xô đẩy, nhưng bây giờ cả hai chị em bám vào thì đành phải dìm thân cả hai người xuống nước để nó không bị chìm.
Chúng tôi cứ thay phiên nhau đạp, thời gian của mỗi lần vùng vẫy đôi chân cứ thu ngắn dần. Cho tới khi Nhung đạp được một lúc lâu, chợt nó kêu oái lên một tiếng thật to. Tôi hoảng hốt hỏi:
– Em làm sao vậy?
Nhung run rẩy cặp môi thâm tím, không nói ra hơi:
– Chân em bị vọp bẻ chị ơi!
– Vậy thì cưng đừng cử động nữa, để mình chị đạp cho.
Tôi vận dụng sức lực còn lại của đôi chân đạp mạnh. Chung quanh chúng tôi, biển vẫn một mầu đen ghê rợn. Chớp đã tắt lịm từ lâu. Tôi chẳng nhìn thấy gì trước mặt mình. Tiếng gió vi vu bên tai nghe lạnh lùng, xa vắng như từ một cõi âm nào đó vọng về. Phải chăng đó là tiếng mời gọi của những linh hồn vừa bị chìm sâu trong đại dương kêu gọi chúng tôi nhập đoàn với họ.
Một lúc sau, có tiếng của Nhung hỏi tôi:
– Chị có mệt lắm không?
Tôi cố thở thật nhẹ để Nhung đừng biết là tôi đã gần đuối sức:
– Không! Chị còn chịu được mà.
– Chị ơi! Em vô dụng quá! Ba má biểu em đi để giúp đỡ chị, bây giờ thì…
Giọng nói của em tôi nghẹn ngào, dường như nó đang khóc. Tôi cố lấy giọng thật bình tĩnh để khích lệ tinh thần nó:
– Can đảm đi cưng! Chúng mình cầu nguyện với trời, Với ông nội, bà ngoại, với những người trong ghe mình vừa mới chết chìm trong biển. Họ sẽ cứu mình đó em.
– Chị tin người chết có thể cứu được người sống à?
– Được chứ! Nếu họ nghe thấy lời mình cầu nguyện.
– Họ không quen thân với mình, lỡ họ không thèm cứu mình thì sao chị?
Tôi hơi ngạc nhiên trước những câu hỏi ngây thơ phát ra từ miệng cô gái đã trưởng thành như Nhung, nhưng tôi nghĩ có lẽ đây chỉ là phản ứng tự nhiên của con người khi lâm vào hoàn cảnh quá tuyệt vọng mà thôi. Tôi trả lời với giọng đầy tin tưởng:
– Nếu họ không cứu mình thì mình cầu ông bà của mình. Ông bà nội, ông bà ngoại khi còn sống thương chị em mình lắm, Nhung nhớ không?
– Nhớ, nhưng họ ở xa mình quá làm sao nghe thấy tiếng cầu xin của chị em mình hả chị?
Tôi im lặng, vì quá mệt, không còn hơi sức để nói nữa. Hơi thở tôi phì phò nghe thật rõ, hòa lẫn với tiếng nấc nghẹn ngào của em gái tôi. Tôi cứ để cho nó khóc, nước mắt sẽ làm vơi đi nỗi lo sợ trong lòng của nó. Có tiếng Nhung nức nở:
– Chị Lụa ơi! Chị cầm giùm em cái gói này đi.
Tôi chưa kip trả lời, chợt có vật gì cồm cộm chạm vào lưng bàn tay khiến tôi giật mình sờ lại, rồi nhận ra tay Nhung đang đưa cho tôi cái gói nữ trang của nó. Tôi ngạc nhiên hỏi:
– Tại sao em không giữ lấy trong người?
– Không, em muốn đưa cho chị.
Tôi mắng nó:
– Em không biết gì cả. Ba má đã giao cho mỗi đứa một gói giữ trong người phòng hờ có lạc nhau cũng có tiền mà xài.
– Cái nịt ngực của em bị đứt giây rồi. Em sợ nó rơi xuống biển.
Tôi giơ tay nắm lấy gói giấy nhét vào trong ngực của mình, rồi mỉn cười chua chát. Tiền bạc bây giờ đối với chúng tôi có còn nghĩa lý gì nữa đâu.
Chợt Nhung nấc lên, òa khóc to hơn khiến tôi hốt hoảng:
– Bộ chân em đau lắm hả?
Nhung không trả lời thẳng câu hỏi của tôi, nó nấc lên:
– Chị Lụa, em thương chị lắm, chị biết không?…Nếu em có làm gì chị buồn chị hãy tha thứ cho em nghe chị!
Tôi cũng bật lên tiếng khóc:
– Nhung, chị thương em lắm. Chị chẳng bao giờ giận em điều gì cả. Từ nay hai chị em mình mãi mãi ở bên nhau nghe em, nếu có chết…thì…chị em mình cùng chết với nhau tại nơi đây.
– Không, mình còn ba má! Chị phải sống!
Tôi nấc lên nghẹn ngào toan mở lời an ủi em gái tôi, nhưng tôi không nghe tiếng nó khóc nữa. Miếng ván nơi tay tôi bỗng nổi nhanh lên mặt nước kéo thân người tôi nhô cao. Tôi vô cùng ngạc nhiên, rồi chợt lạnh người chồm tay qua bên phía Nhung quờ quạng tìm nó, nhưng em tôi không còn ở đó nữa.
Tôi bỗng gào to lên:
– Nhung ơi! Nhung ơi!…
Tôi quờ quạng chân tay trong nước biển để tìm em. Miệng tôi gào to nữa để gọi nó, nhưng chung quanh tôi không có tiếng đáp lời ngoài âm thanh vi vu của gió biển và tiếng sóng xô nhè nhẹ vào tấm ván.
Tôi đau đớn tận cùng, khóc không thành tiếng. Nhung ơi, tại sao em lại làm vậy. Em muốn chôn vùi thân xác bất hạnh của mình mang theo những ước mơ thật tầm thường của người con gái vào lòng đại dương để hy sinh cho chị sống. Nhung ơi, tôi nghiệp đứa em gái xấu số của chị. Đâu ngờ những câu hỏi ngây ngô của em là để chuẩn bị cho việc làm táo bạo này. Em không nghe chị nói là nếu có chết thì chị em mình cùng chết đó sao? Em đã tự ý bỏ đi, để chị ở lại một mình trong vùng biển bao la hãi hùng này. Em có biết là dù có hưởng trọn tấm ván thì chị cũng sẽ chết dần, chết mòn vì đói khát không em.
Tôi gục đầu xuống tấm ván tức tưởi khóc. Nhung ơi, em lầm rồi, chị đã dối gạt em; những linh hồn đã chết chẳng bao giờ có thể giúp người sống được gì hết, Họ không thể trở về dương gian để làm những phép lạ. Chị hiểu em muốn chết đi, biến thành một linh hồn siêu phàm để đưa chị vượt đại dương, tới một bến bờ bình yên nào đó có phải không em. Em lầm, chị lầm, và cả nhân loại trên thế gian này đều lầm hết. Người chết là hết. Một khi đã dứt bỏ thế gian khổ ải này thì chẳng bao giờ họ muốn nán lại đây giây phút nào cả để mà trả thù hay báo oán những kẻ đã hại chết họ. Bởi thế, những tên bạo quyền tàn ác mới còn sống phè phỡn, ung dung trên xương máu những người dân vô tội.
Nhung ơi, có lẽ giờ này em đã tìm thấy chốn thiên đàng, và em thấy rằng cái chết là một sự giải thoát, cởi bỏ dược cái thân xác cát bụi này cho linh hồn được thảnh thơi, có phải vậy không em? Nếu đúng như thế thì đừng cứu chị nữa, hãy để chị đi theo em nghe cưng…
Tôi cố trườn lên miếng ván, nằm co quắp lả người đi trong mệt mỏi, chán chường. Sóng đưa đẩy miếng ván dập dềnh. Tôi mệt mỏi thiếp đi trong giấc mộng chập chờn.
Trời sáng dần. Tôi tỉnh lại. Tôi đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn chung quanh để tìm em tôi nhưng chẳng thấy gì ngoài vùng nước biển trong xanh bát ngát. Buổi trưa, trời nắng gắt. Đôi môi tôi khô quắt. Tôi giơ bàn tay vốc một miếng nước lên miệng nhấp thử. Nước mặn chát càng khiến cho tôi khát thèm.
Trời sẩm tối. Gió lạnh lại bắt đầu thổi. Đói, khát, tôi nằm co quắp như một con tôm trên tấm ván mặc cho sóng biển đẩy đưa. Bây giờ nếu có ngọn sóng lớn nào hất nghiêng tắm ván, tôi cũng đành buông xuôi cho tử thần mang đi mà thôi.
Bồng bềnh không biết bao lâu trong trạng thái dật dờ nửa tỉnh nửa mê , chợt có tiếng máy ghe nổ bên tai, rồi có tiếng nói lao xao. Phải rồi, chiếc ghe của tôi đó, những linh hồn bị chết oan, trong đó có em gái tôi, đang trở lại đón tôi đi. Tôi lại thiếp dần trong cơn mê sảng…
Cho đến khi có ai đó tát nước lạnh vào mặt, tôi mới mở choàng mắt ra, há miệng nuốt ừng ực dòng nước mà họ đang đổ vào mặt tôi. Nước tràn cả vào mắt. Tôi nhắm nghiền mắt lại uống no nê dòng nước ngọt mát rượi đang tưới vào từng tế bào khô héo trong cơ thể tôi.
Nước ngừng đổ. Tôi lại mở to mắt ra để giật mình nhận ra một đám đàn ông đen đủi với những gương mặt hung ác đang ngồi bu quanh tôi. Họ đồng loạt cười rộ thích thú khi tôi gượng chống tay ngồi dậy trong sợ hãi.
Tôi nhìn xuống thân thể mình. Trời ơi! Chẳng còn mảnh vải nào che thân tôi cả. Tôi hoảng hốt co rúm người lại, kinh hoàng đến tột độ khi thấy mình đang ngồi trên vũng máu lênh láng nơi sàn ghe.
Bọn đàn ông đứa cởi trần, mặc quần đùi, có đứa chỉ mặc cái khố bẩn thỉu. Họ nhìn tôi như diễu cợt. Rồi nói với nhau bằng một thứ ngôn ngữ gì đó mà tôi không hiểu được, nhưng trí thông minh cũng cho tôi biết rằng tôi đang lọt vào tay bọn hải tặc.
Tôi bỗng đứng vùng dậy toan bỏ chạy, nhưng những bàn tay thô bạo, rắn chắc đã chụp lấy chân tôi, giữ lại. Tôi vùng vẫy la hét. Bọn chúng xách tứ chi tôi lên như khiêng một con vật. Tôi bị chúng đưa xuống dưới khoang ghe, vất nằm tại đó cùng với bộ quần áo ướt của tôi, rồi chúng bỏ đi lên, đóng nắp hầm lại.
Tôi lồm cồm ngồi dậy mặc quần áo vào. Bộ quần áo ướt, lành lạnh khiến tôi rùng mình. Tôi cảm thấy bụng dưới đau quặn lên. Máu vẫn ứa ra ướt đẫm đũng quần. Tôi bỗng ôm mặt khóc òa lên. Gương mặt dịu hiền của mẹ tôi chợt hiện ra trong trí. Má ơi! Con đã trở thành đứa con bất hiếu của má rồi. Con chẳng cứu được mạng sống của em con, bây giờ cũng chẳng giữ được thân xác mình cho trong sạch.
Tôi lặng người đi nức nở trong tiếng rì rào của biển vang vọng từ bên ngoài như tiếng rên rỉ, khóc than. Nhung ơi! Hồn em nếu có lẩn khuất nơi đại dương này hãy đến đây dắt chị đi theo em với. Chị sợ lắm, dừng cho chị phải chịu đựng thêm nữa những nỗi kinh hoảng trên chiếc ghe này.
Sóng biển nhồi chiếc ghe nghiêng ngả. Tôi gập người xuống chịu đựng cơn đau đang hành hạ nơi bụng tôi. Rồi lại ngất đi.
Những hôm sau đó, tôi đã trở thành một nô lệ, hay nói đúng hơn, một con vật cho bọn chúng hành hạ xác thân. Tôi đã ngất đi rồi tỉnh lại trong tiếng cười man rợ của lũ yêu tinh. Chúng nuôi tôi như nuôi một con chó. Ngày này chúng đùa cợt, hành hạ, đánh đập tôi để thỏa mãn những thú tính bệnh hoạn của chúng. Chẳng tên nào tỏ lòng nhân đạo để thương xót cái thân thể tàn tạ, đau đớn của tôi khi những vết thương mà chúng đã làm cho tôi bị nhiễm trùng lên cơn sốt. Chẳng tên nào cho tôi một viên thuốc uống để giảm cơn đau. Đũng quần tôi không lúc nào khô. Tôi không còn đứng dậy bước đi nổi hay ngồi lên được. Dù tôi đã nằm bẹp như một người sắp chết, người tôi hôi hám gớm ghiếc mà bọn chúng cũng không tha. Có lẽ chúng muốn hành hạ tôi cho đến chết để vất xác xuống biển.
Vào một đêm, chúng vất tôi lên ghe, chở đến một vùng biên giới nào đó, rồi giam tôi trong một cái nhà. Người ta cho tôi ăn uống tử tế. Suốt mấy hôm liền không có tên hải tặc nào xuất hiện để hành hạ tôi nữa. Người săn sóc tôi là một người đàn bà Thái Lan. Vì ngôn ngữ bất đồng nên tôi không biết được họ đang toan tính chuyện gì.
Mấy hôm sau, khi sức khoẻ tôi bình phục thì người đàn bà mang lại cho tôi mấy bộ quần áo đẹp bảo tôi thay. Sau đó tôi được chở đến một nơi khác có những phòng ngủ tươm tất. Tôi thấy có rất nhiều cô gái trẻ như tôi, son phấn loè loẹt, bên cạnh là những tên ma cô mặt mũi hung dữ luôn canh chừng chúng tôi. Họ nói ngôn ngữ gì, tôi cũng không hiểu được nhưng nhìn cách sinh hoạt đàn ông ra vào tấp nập các phòng, tôi biết mình đã rơi vào một ổ điếm.
Biết được số phận của mình, tôi đành phải nhắm mắt đưa chân, mỗi ngày phải tiếp những gã đàn ông đủ mọi hạng, mọi quốc tịch, nhưng chẳng có ai nói tiếng Việt để tôi nhờ họ cứu tôi cả. Tôi sống như một người câm. Có ngày tôi tiếp cả hơn hai chục khách. Cơ thể tôi mệt mỏi, rã rời. Nhưng hôm nay gặp những khách khó tính, phàn nàn với chủ điều gì đó, tôi bị bọn ma cô đánh đập tàn nhẫn, rồi phạt tôi nhịn đói.
Tôi nhẫn nhục chịu đựng nuôi hy vọng tìm cách trốn khỏi nơi đây Nhưng chưa thoát được thì tôi bị chứng bệnh giang mai. Bọn ma cô không thèm chữa chạy cho tôi. Một hôm chúng bán tôi cho một nhà giàu ở Trung Quốc. Chúng đẩy lên nhốt trong một chiếc xe vận tải bít bùng với túi bánh mì khô và can nước. Ngoài ông già lái xe, còn có một tên khác mặt hung ác, đeo súng trường giải tôi đi. Xe chạy ròng rã xuốt mấy ngày đêm. Mỗi ngày xe ngừng lại bìa rừng tên cầm súng mở khóa, cho tôi xuống làm vệ sinh, rồi lại nhốt tôi vào.
Trong cuộc hành trình vô địch tôi đã khóc nức nở khi nhớ đến Nhung, đến cha mẹ tôi. Ba má ơi, không biết bây giờ nơi quê nhà, ba má ra sao, khoẻ mạnh hay đau yếu. Bao năm trời trôi qua không tin tức gì của chúng con, chắc là ba má nghĩ chúng con đã chết hết, nhưng ba má đâu có ngờ là chỉ có em Nhung của con mới được cái diễm phúc thoát nợ trần ai đó mà thôi. Còn con, con đang phải chịu kiếp tha hương trong đọa đày, thống khổ.
Cơ thể tôi mệt mỏi, rã rời. Tôi không biết bọn chủ chứa Thái Lan sẽ bán tôi cho ai, họ già hay trẻ, hiền lành hay hung ác. Họ mua tôi để làm gì. Làm nô lệ xác thịt cho bọn đàn ông, hay làm đầy tớ không công, bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn như bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam đã xa chân vào hoàn cảnh như tôi.
Tối hôm đó xe đến nơi, chỗ tôi ở chẳng phải là khu nhà ở khang trang, giàu có như họ nói mà tôi bị nhốt trong cái kho rơm ngoài cánh đồng hoang. Tôi nằm vật trên đống rơm, thiếp đi. Cho đến khi cảm thấy như có ai đó đè lên người tôi. Tôi giật mình thức giấc, nằm bất động trong đêm tối. Thân xác tôi còn gì nữa đâu mà phản kháng. Tôi hiện đang là một con vật để người khác mua vui. Chắc đây là người đàn ông đã bỏ tiền ra mua tôi về.
Tôi buông thõng hai tay chịu đựng, không màng đến lớp mồ hôi hay chất nước gì đó tanh tanh nhớt nhớt, từ thân người gã đàn ông dính vào da thịt tôi.
Một lúc sau xong việc, người đàn ông lặng lẽ rút lui khỏi căn phòng đen tối như mực. Tôi chỉ nghe được tiếng guốc của gã nện không đều đặn trên nền xi măng.
Hôm sau một bà cụ già mang cho tôi mấy củ khoai luộc và cái lu sành đựng nước mưa để uống. Tôi không biết nói tiếng Hoa nên không thể hỏi được bà ta điều gì. Bà cụ lại bỏ đi.
Màn đêm lại buông xuống. Ánh trăng tròn chiếu qua lỗ thủng trên mái tôn, rọi trên đống rơm những đốm sáng lờ mờ. Tôi lại nằm suy nghĩ miên man. Chợt tiếng guốc khập khễnh của gã đàn ông hôm qua lại tới. Cửa lại mở. Dưới ánh trăng vằng vặc, tôi kinh hoành khi nhận ra gã đàn ông là một người cùi với gương mặt lở loét. Nước nhờn nhờn trên mặt gã lấp loáng ánh trăng.
Tôi rụng rời tay chân, nằm bất động. Gã cùi bước vào lều, khép cửa lại, rồi kéo tôi ra giữa đống rơm. Mùi tanh tưởi khiến tôi lợm giọng phát nôn oẹ. Tôi chợt ngồi vùng dậy, bỏ chạy. Gã Cùi giật mình vội nhào tới, ôm chặt lấy người tôi. Tôi cố vùng vẫy cố xô cái thân hình nhớp nhúa ra để chạy. Gã cùi cào cấu, và cắn vào tay tôi. Tôi dùng hết sức bình sinh đẩy hắn ngã ngửa xuống đất, rồi tông cửa kho chạy thục mạng, bất kể đôi bàn chân không giày dép đạp sỏi đá, gai góc bật máu tươi. Cho đến khi mệt lả người, dừng chân nghỉ, tôi đã nôn oẹ không biết bao nhiêu lần với hình hài gớm ghiếc của gã cùi ám ảnh trong tâm trí tôi.
Tôi đã bị lạc ở trong rừng, đói khát nhiều ngày, phải ăn sâu bọ, ếch nhái để mà sống. Những mụn lở trên người tôi lan rộng mưng mủ và loét dần ra. Tôi ngửi thấy mùi tanh tưởi từ những vết mụn lở lói nơi mặt và lỗ mũi mình.
Khi tôi được ra khỏi cánh rừng, những người tiều phu đầu tiên nhìn thấy tôi đều hoảng sợ. Tôi bỏ chạy, soi mình dưới suối và hãi hùng khi nhìn thấy gương mặt lở lói, ghê tởm của mình. Người ta báo cho công an Trung Quốc đến bắt tôi, đưa vào trại cùi chữa chạy. Một tháng sau công an lại tới hỏi cung. Họ yêu cầu trại cùi canh giữ tôi cho đến khi tạm lành bệnh sẽ trả tôi về Việt Nam.
Tôi lo sợ tìm cách trốn trại, đi thật xa, đến một làng đánh cá hẻo lánh. Ở đó cũng có rất nhiều ăn mày nên công an chẳng đếm xỉa gì đến tôi. Tôi đã trở thành một người ăn mày dơ bẩn nhất trong đám ăn mày ở chợ. Tôi không còn mang hình dạng con người nữa, hai lỗ mũi trống rỗng và bàn tay trái đã cụt ngón gần hết khiến người ta ghê tởm xua đuổi tôi. Người ta đã dành cơm thừa canh cặn để nuôi những con heo, con chó còn hơn là muốn cho tôi ăn để sống. Mặc cho người ta xua đuổi, đánh đập, tôi vẫn lần mò vào các chợ xin ăn. Lục lọi những đống rác để nhặt những rau cỏ hư thối, hay đi đến bến cá, nhặt những con cá đã ươn nằm phơi mình trên bãi cát nấu ăn để sống qua ngày.
Người ta không cho tôi ở trong xóm. Vài người từ tâm đã chỉ cho tôi một túp lều tranh tồi tàn bỏ hoang trên ngọn đồi cát, xa hẳn dân làng, để trú mưa trú nắng. Nhiều đêm nằm trong túp lều dột nát nghe tiếng sóng êm ả như lời ru của biển, tôi lại nhớ đến em gái tôi. Nhung ơi! Không biết giờ này hồn em đã về miền cực lạc hay còn quanh quẩn bên chị để cùng khóc cho cuộc đời những cô gái bất hạnh như chị em chúng mình.
Ba má ơi! Số phần con chắc kiếp trước đã gây nên nhiều tội lỗi, bây giờ trời bắt con phải đền trả. Hãy tha lỗi cho con tội bất hiếu không còn được cơ hội phụng dưỡng cha mẹ, để cho con được yên lòng chờ đợi ngày tàn của đời con, đời của một đứa con gái đau khổ đã trót sinh ra làm người dưới một ngôi sao xấu…
Tôi đã nghĩ đến chuyện tự vẫn cho xong một kiếp người bất hạnh, khốn cùng, nhưng trước khi chết, tôi muốn viết lại những dòng đầy nước mắt này bỏ vào cái chai không, thả trôi ra biển Đông, mong rằng nó may mắn được một chiếc tầu nào đó của thế giới tự do vớt lên và cho phổ biến để nhân loại hiểu và thương cho những thuyền nhân Việt Nam trên đường vượt biển đã chịu biết bao tai ương, thống khổ cũng chỉ vì muốn đổi lấy hai chữ Tự Do, để thế giới mủi lòng giang tay cứu vớt những người bỏ nước ra đi như tôi.
Xin vĩnh biệt mẹ, cha và quê hương Việt Nam yêu dấu của đời tôi.
Ký tên
Một thuyền nhân bất hạnh
Một thuyền nhân bất hạnh
Lụa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét