Nhiều người miền Nam lên tàu chạy trốn vào cuối cuộc chiến năm 1975
40 năm đánh dấu sự kiện quân đội Bắc Việt chiếm lĩnh và cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, và cũng là 40 năm đánh dấu ngày tôi ra đời trong ngày đầu tiên của chế độ mới.
Nền giáo dục của chế độ mới dạy tôi rằng ngày 30 tháng 4 là ngày “Thống nhất đất nước”, “Ngày giải phóng miền Nam” bằng chiến thắng vẻ vang. Nhưng khi lớn lên tôi nhận thức được rằng mình phải tìm hiểu sự thật về sự kiện ngày 30 tháng 4.
Mãi cho đến đầu thế kỷ 21 tôi mới tiếp cận được với internet và tìm hiểu sự thật lịch sử qua những tài liệu bằng tiếng Anh trên những trang web nước ngoài, qua những đoạn phim tài liệu về những ngày cuối cùng của Sài Gòn được đăng tải trên Youtube. Và gần đây nhất là được xem bộ phim tài liệu đầy đủ mang tên “Last days in Vietnam”.
Vào ngày 3 tháng 4 năm 1975, khi chiến tranh đã đến hồi hỗn loạn, tổng thống Mỹ Gerald Ford tuyên bố tất cả trẻ em mồ côi Việt Nam ngay lập tức sơ tán bằng máy bay ra khỏi Sài Gòn. Ước tính có 3.000 trẻ em, bao gồm 150 trẻ sống sót trên máy bay C-5 bị rơi, đã được sơ tán ra khỏi miền Nam Việt Nam vào khoảng ngày 3 tháng 4 cho đến 26 tháng 4 năm 1975. Cuộc sơ tán đó là chiến dịch không vận trẻ em Việt Nam hay còn gọi là Operation Babylift.
Tôi đã tham gia vào những cộng đồng “Operation Babylift” trên Facebook, đọc những câu chuyện của những đứa trẻ ấy, và tìm hiểu những thông tin liên quan đến chiến dịch không vận trẻ em Việt Nam trên báo mạng. Qua đó tôi đã biết được những đứa trẻ nàyđã và vẫn tiếp tục dằn dặt với những câu hỏi : “Tại sao tôi là con nuôi?”, “Tại sao bố mẹ đẻ bỏ rơi tôi?”, “Tại sao tôi là người Châu Á duy nhất trong khi các thành viên trong gia đình là da trắng?” Cũng không ngoại trừ trường hợp có người trong số đó muốn đánh đổi tất cả để trở thành người da trắng.
Mỉa mai thay, tôi đã từng mơ ước rằng mình là một trong những đứa trẻ của chiến dịch không vận trẻ em Việt Nam, được đưa ra khỏi đất nước Việt Nam để làm con nuôi cho gia đình ở nước ngoài trong chiến dịch đó. Nếu được như vậy thì cuộc đời của tôi đã không phải chịu đựng nhiều cơn đói khát, đau đớn trong quá khứ và đầy lo âu ở hiện tại.
Những năm đầu đời của tôi cũng là những năm tháng đất nước bị “ngăn sông cấm chợ”.
Thời đấy tôi không mong ước gì hơn ngoài việc được ăn no. Bữa ăn mà tôi mơ ước chỉ cần có cơm và muối ớt. Thế nhưng cơm và muối ớt là những bữa ăn vô cùng hiếm hoi trong gia đình tôi. Hàng ngày, chúng tôi hái những quả mít non, quả chuối xanh, cắt những mụt măng sau nhà hay đi lượm mót từng hạt mít mà người ta bỏ đi để đem về luộc lên ăn. Chúng tôi ăn cả vỏ khoai mì, cây chuối non để sống. Những hôm “nguồn tài nguyên” cạn kiệt, chúng tôi không có gì để ăn đành nhịn đói ngủ qua đêm.
Cái mặc thì cũng không kém phần khó khăn như cái ăn. Quần áo cũ đứa lớn mặc không còn vừa thì đứa nhỏ hơn sử dụng lại. Tôi là con trai mà phải mặc quần áo của chị tôi. Vì vậy tôi thường là tâm điểm bị đem ra làm trò cười khi đến lớp học trong bộ quần áo của con gái. Chúng tôi không nhận được bất cứ sự trợ giúp nào từ chính phủ.
Năm 1978, mẹ tôi chết trong nghèo khó vì không có tiền chữa bệnh, bỏ lại 6 đứa con, 3 gái và 3 trai. Tôi là con trai út trong nhà. Chúng tôi sống cùng người cha đẻ. Tuy nhiên, không phải người bố đẻ nào cũng thương con. Ông ta thường xuyên đánh đập và hành hạ tôi mà không cần lý do gì. Cho đến khi tôi 18 tuổi , thoát khỏi ngôi nhà để đến Sài Gòn sống thì mới tránh được những cơn đòn thừa sống thiếu chết của ông. Chính phủ không có bất cứ tổ chức nào để bảo vệ trẻ em bị ngược đãi.
Đất nước mở cửa đã hơn 25 năm, tôi đã đi làm cho những công ty nước ngoài. Ước mơ được ăn no của tôi đã thành hiện thực và không còn chịu đựng những cơn đau thể xác từ việc ngược đãi của người cha đẻ. Tuy nhiên, đêm đêm những cơn ác mộng vẫn ập về với hình ảnh bị hành hạ, bị đói khát. Và những nỗi lo về cuộc đời vẫn còn đó. Nếu chẳng may tôi thất nghiệp thì sẽ không có trợ cấp của chính phủ. Tôi chỉ có thể nhận được bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần vì tiền bảo hiểm đã bị trừ vào lương hàng tháng. Tuy nhiên, hiện nay bảo hiểm xã hội đang có nguy cơ vỡ quỹ, dẫn đến điều khoản vô lý của Luật bảo hiểm xã hội mới là không trả trợ cấp bảo hiểm một lần!
Ngoài ra, tôi đang đối đầu với những căng thẳng trong môi trường sống đang bị đe dọa, giao thông càng ngày càng hỗn độn, tệ nạn xã hội tràn lan, cướp giật hoành hành v.v.
Mặc dù vậy, tôi không còn mơ ước được sống ở nước ngoài mà mong ước đất nước Việt Nam có sự thay đổi lớn để lấy đi những nỗi lo của tôi và trả lại một xã hội có trật tự như miền Nam Việt Nam nói chung và như Sài Gòn nói riêng của những ngày tháng cũ.
40 năm đã đi qua, 40 năm nhìn lại với những ước mơ của tôi đã thay đổi theo thời gian. Tôi chỉ có một ước mơ hiện tại rất đơn giản mà đáng lẽ ra cuộc sống của một con người phải có. Chẳng lẽ cả đời này tôi không đạt được ước mơ ấy hay sao?
Tidoo Nguyễn
Làm gì để hóa giải hận thù ngày 30/04?
Ông Võ Văn Kiệt (bìa phải) đã có những phát biểu gây xúc động về ngày 30/04
Ngày 30-4, ngày nếu có một triệu người vui, cũng là ngày có một triệu người buồn.
Câu nói trong quá khứ của ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng chủ trương chính sách Đổi Mới, được lập đi nhắc lại nhưng liệu có còn chính xác với tình thế hiện tại của đất nước?
Ngày nay, kinh tế tụt hậu, hàng xuất là lao động giá bèo, cái đinh vít cũng không làm được mà nhập hàng ngoại tuốt tuột, nợ chồng chất. Rồi tham nhũng lên đỉnh cao, đạo đức xã hội xuống cấp, bạo hành từ nơi công quyền đến lề đường xó chợ, dân oan mất nhà mất đất vẫn chỉ biết kêu thất thanh trên khắp ba miền, và nhất là hiểm họa mất biển mất đất vào tay những 'đồng chí đàn anh' phương Bắc ngày một trầm trọng.
Nên nếu có một triệu người vui, số người buồn chí ít cũng phải vài chục triệu. Thế nhưng guồng máy quyền bính đương thời đang chuẩn bị các loại lễ hội, xây dựng một lô tượng đài, chắc hẳn những từ ngữ như chiến thắng, giải phóng...sẽ lại phô trương đến bị bào mòn để lẩn vào vô thức một dân tộc mà sự phân hóa có khả năng trở thành phân liệt chia rẽ dài hạn.
Trong trường hợp này, người Việt chúng ta không tập hợp được nội lực dân tộc lẽ ra phải có, đất nước tụt hậu dài dài, chủ quyền bị gậm nhấm rồi và chẳng thế nào tránh được thân phận nô thuộc ngoại bang.
Ngày 30-04-1975 là ngày kết thúc một cuộc chiến tranh, có người gọi là chiến tranh giải phóng, người cho là chiến tranh ủy nhiệm của hai khối Tư Bản và Cộng Sản đối đầu trong thời Chiến Tranh lạnh...
Dù gì, khí giới là khí giới Nga, Tàu, Mỹ...và xác người, xác Việt Nam mà con số tử trận và thương vong lên đến cả chục triệu. Năm nay, năm 2015.
Sau 40 năm hò reo chiến thắng và vinh quang, lẽ ra những người đang nắm quyền lực phải nghĩ, dẫu muộn, đến vấn đề hóa giải hận thù trong lòng người Việt Nam trong nước cũng như ở hải ngoại.
Ngược dòng lịch sử nước ta, ngay sau khi chiến thắng quân Nguyên xâm lăng hơn 600 năm trước, Vua Trần Nhân Tông, một minh quân kiệt xuất, đã đốt hết thư tịch làm bằng chứng tố cáo đám người theo giặc, tránh trả thù , không truy bức để yên lòng dân.
Trong cuộc nội chiến Nam-Bắc ở Mỹ, điều kiện đầu hàng mà tướng Grant phía Bắc- quân (Union) viết cho tướng Lee phía Nam-quân (Confederate) ghi rõ chỉ tịch thu khí giới, cho phép binh lính Nam-quân về làm ăn sinh sống bình thường trong đời sống dân sự.
Nhưng năm 75, chính quyền gọi là chính quyền Cách Mạng, tiếp tục dùng chữ ngụy-quân, ngụy-quyền để chỉ những người thua trận, và sau đưa ra chính sách học tập cải tạo mà mục đích là cầm tù hành hạ họ, ra oai để yên dân bằng sự sợ.
Chính sợ hãi là yếu tố khiến hàng trăm ngàn thuyền nhân liều mạng phiêu lưu trên biển cả, đánh cược mạng sống của mình và gia đình, hậu quả là số bỏ mạng lên tới trên dưới 500 ngàn người.
Đào sâu, đục rộng sự phân hóa nhưng leo lẻo chuyện hoà hợp hòa giải dân tộc chỉ là mảnh vải thưa, làm sao che mắt ai trong thời buổi thông tin bừng nở của thiên niên kỷ này.
Hóa giải hận thù, điều kiện cần
Trong hầu hết mọi tôn giáo - ở nước ta chủ yếu là Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo - hận thù là cái phải cởi, không nên buộc. Hoá giải hận thù là điều kiện cần khiến hòa giải mới có khả năng thành hiện thực.
Hòa giải giữa nạn nhân và những kẻ tác nghiệp chỉ khả thi khi những bên đối tác cùng có tâm thế nhân ái bao dung, đồng thời tôn trọng sự thật, công lý, và cố gắng xua đi những bồng bột cảm tính.
Nếu hai bên có tinh thần đối thoại, lắng nghe và tìm hiểu lý lẽ chứ không khăng khăng xác quyết chân lý của riêng mình, sự tháo gỡ hoặc giảm thiểu tính đối đầu ăn thua có khả năng hiện thực, và từ đó một lộ trình hòa giải mới có thể thành hình.
Sau ngày một phía gọi là ngày mất nước, phía bên kia gọi là ngày Giải phóng, chính sách Học tập Cải tạo (HTCT) đã đưa vào cảnh tù tội khổ sai cả trăm nghìn người.
Nạn nhân là người trong guồng máy chính quyền Việt Nam Cộng hòa, các quân nhân, trí thức văn nghệ sĩ... bị tập trung và giam giữ trung bình từ 2,3 cho đến 12, 13 năm.
Những nạn nhân đó có quyền đặt một số vấn đề, chẳng hạn Học tập Cải tạo do đâu nếu không đơn thuần là trả thù; thời hạn giam giữ dài ngắn là vì sao, có hợp lý hợp tình không; và những hậu quả liên quan đến bản thân (bệnh tật) và gia đình họ (chia ly, phân tán...) phải được bù đắp bồi hoàn thế nào?
Về phía tác nghiệp, lẽ tất nhiên họ phải nhận trách nhiệm và trả đáp những câu hỏi trên. Trách nhiệm cao nhất là trách nhiệm chính trị thuộc về những người làm ra chính sách, sau mới đến trách nhiệm những người điều hành ở các cấp trung, cao.
Kèm vào tác động khủng bố tâm lý của chính sách Học tập Cải tạo, chiến tranh với Campuchia và sau là chiến tranh biên giới với Trung Quốc, kẻ 'dạy Việt Nam một bài học', sự hoảng sợ lan rộng trong nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là ở thành thị ngày một ngột ngạt vì không còn được sinh hoạt tự do như trước đây.
Đồng thời, phong trào đánh tư sản mại bản và hai lần đổi tiền khiến nhiều người mất hết cơ nghiệp. Dẫu biết đầy bất trắc hiểm nguy đến tính mạng, họ đánh liều vượt biển nhân dịp người gốc Hoa 'được' ra đi chính thức hoặc bán chính thức.
Thảm kịch thuyền nhân, với những con thuyền đuôi tôm hai blốc đầy ắp người lênh đênh tìm đường sang Phi, Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương...chết chìm trong lòng Thái Bình Dương là một vết nhơ cho chính quyền đã không giữ nổi con dân trên xứ sở của mình mà lại còn xua đuổi và nhân cơ hội cướp trắng.
Ban đầu, giá chính thức cho một đầu người là 16 cây vàng. Sau, vàng cạn, giá tuột xuống 12, rồi 8, 6 và cho đến giữa thập niên 80 thì chỉ còn 2 cây, số cây tỉ lệ nghịch với độ rủi ro phải chấp nhận. Theo những ước lượng của Liên Hiệp Quốc, số người chết trên biển khoàng bốn trăm ngàn đến năm trăm ngàn người.
Đã thế, khi những người tị nạn - nay là người gốc Việt sinh sống ờ hải ngoại - dựng tượng tưởng niệm nạn nhân vượt biển trên những hòn đảo ở Mã Lai,Nam Dương... những kẻ nắm quyền ở Việt Nam làm áp lực lên chính quyền các nước ASEAN nói trên yêu cầu triệt hạ những bức tượng đó.
Đồng thời, họ leo lẻo 'Việt kiều là khúc ruột ngàn dặm', và mới đây vài năm ra Nghị quyết 36 kêu gọi lòng yêu nước, hô hào góp tay xây dựng quê hương qua điều vốn đầu tư, và cả, dĩ nhiên, qua cả cách gửi tiền về giúp bà con, hiện lượng tiền gửi về nay trên dưới 10 tỷ USD mỗi năm.
Nạn nhân của chính sách 'thu vàng đuổi người' nếu đã chôn thây dưới đáy biển thì vẫn còn những người thân trong gia đình họ. Như chứng nhân, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, họ có quyền hỏi đâu là công lý, tại sao có cái chính sách đó, và toàn thể nhân dân có lý do thắc mắc số vàng thu được đi đâu, vào tay ai, được xử dụng như thế nào cho đất nước.
Công khai bạch hóa những vấn đề này là một bước không nhỏ góp phần vào triển vọng ổn định lòng người.
Biểu hiện tinh thần hóa giải hận thù nhân ngày 30-04 lần thứ 40:
Nếu thực sự chính quyền đương nhiệm không chỉ đề cập đến bốn chữ Hòa Hợp Hòa Giải như một chiêu bài 'đánh bùn sang ao', ồn ào rỗng tuếch, thì hy vọng họ sẽ gọi ngày 30-4 là Ngày Hóa Giải Hận Thù.
Và trong tương lai họ cần cho dựng ở những địa phương từ Bắc chí Nam :
1- Tượng đài Thương Tiếc những người lính hy sinh trong chiến tranh, không phân biệt Bắc - Nam, Quốc- Cộng.
2- Tượng đài Ghi Ơn mẹ Việt Nam, không cần thêm chữ anh hùng, chữ được hiểu là mẹ những người hy sinh cho chế độ độc trị hiện hành.
3- Đàn Giải Oan cho những nạn nhân bỏ mạng trên biển cũng như đất liền ở mọi nơi.
Đề nghị thế, nhưng trước mặt chúng ta chẳng hy vọng gì vào chính quyền đương nhiệm.
Theo thiển ý, 22 tổ chức Xã hội dân sự độc lập hiện đang hoạt động trong nước có thể cổ vũ ý kiến nêu trên, thậm chí dựng tượng đài một cách tượng trưng, không cần 'hoành tráng', cái chính là trong lòng dân.
Mặt khác, vào ngày 30-4, chúng ta có thể vận động người ra đường với áo kẻ chữ hai chữ Hóa Giải, hoặc Ghi ơn Mẹ Việt Nam, hoặc Thương Tiếc Các Anh, như thông điệp gửi đến toàn thể đồng bào.
Hội Đồng Hòa Giải Dân Tộc
Trên thế giới, sau những cuộc đổi đời trong những quốc gia từng có những bất công, bạo hành, và những vi phạm quyền con người...thì nhiều nước đã thành lập những Hội đồng hòa giải dân tộc (Commission for National Reconciliation, hoặc Commission for Truth and Reconciliation).
Có thể kể Nam Phi khi Mandela lên nắm chính quyền, Pakistan dưới thời Musharraf, rồi Palestine, Liberia, Algeria...và ở Á châu có Đông Timor sau khi ly khai khỏi Indonesia.
Mỗi quốc gia, vấn đề một khác. Nơi thì chủ yếu khác biệt sắc tộc, nơi khác biệt tôn giáo... đã là nguồn gốc của hận thù và sự phân liệt cần được hóa giải.
Theo tinh thần chủ đạo là Hòa Giải dân tộc nên, như một hệ luận, phương thức tiến hành của Hội Đồng tóm gọn là:
1/ Tìm hiểu sự thật lịch sử, xác minh ai tác nghiệp (gọi là tác nhân), và dựa trên sự xâm phạm quyền con người, ai là nạn nhân, ai là chứng nhân. Hội Đồng có trách vụ tạo điều kiện cho họ đối thoại, giải trình, biện minh và đả thông mọi mâu thuẫn, vướng mắc...
2/ Yêu cầu nói trên phải thực hiện với tiêu chuẩn thông tin công khai, minh bạch của mọi tác nhân, nạn nhân, và chứng nhân trước công luận.
3/Hội đồng có ý kiến về vấn đề qui trách nhiệm cho những tác nhân. Cần phân biệt a- Trách nhiệm chính trị (là trách nhiệm hoạch định chính sách); b- Trách nhiệm điều hành chính sách cấp cao và trung; và c- Trách nhiệm dân sự.
Chỉ một Hội Đồng Hòa Giải ở cấp quốc gia mới thực sự hoàn thành công cuộc hóa giải oán thù
4/Trong một số quốc gia, Hội Đồng có thẩm quyền điều tra những lũng đoạn kinh tế, thất thoát kinh tế, tham nhũng, hối lộ cửa quyền... và đề đạt lên cơ quan có thẩm quyền thuộc ngành Tư Pháp những mức độ xử lý, từ ân xá đến yêu cầu truy tố, và tùy trường hợp cụ thể, qua Toà án quốc gia hay Tòa án quốc tế.
và từng bước đi đến mục tiêu hòa giải dân tộc.
Con đường không ngắn, nhưng cũng không buộc là dài. Và trong bất cứ trường hợp dài ngắn thế nào đi chăng nữa, chúng ta rồi thì cũng sẽ đối mặt với nhiệm vụ này như một nhiệm vụ lịch sử.
Hy vọng từ đó chúng ta sẽ không dẵm lên những lối mòn đầy tai ương, để thẳng tiến trên con đường đến tương lai mà không bị xảo ngôn của những lý thuyết huyễn hão sập bẫy như từ bao nhiêu năm nay.
Để tạm kết, xin chép lại bốn câu thơ của Cao Tần:
Nếu mai mốt có đổi đời phen nữa
Ta đi về ta cứu lấy quê hương
Ta sẽ mở ra nghìn lò cải tạo
Lùa cả nước vào học tập yêu thương.
Và thành tâm mong sao các vị 'lo trước cái lo của thiên hạ', các chuyên gia, trí thức trong những ngành như Triết, Sử, Luật...và tất cả những Tổ chức Dân Sự Độc Lập góp tay vào sửa soạn nhằm thực hiện những đề đạt trình bày trong bài viết này.
Tất cả, vì con em, và cho con em chúng ta. Có thế, ta mới 'vui sau cái vui của thiên hạ' được.
Nhà văn Nam Dao
Phá đám tang, nghề mới thời sản mạt!
Trên bình diện thế giới, có nhiều nghề nghiệp độc đáo và kỳ lạ được báo chí nói đến. Những nghề nghiệp đó, được công nhận tại một số quốc gia có đặc thù riêng của họ như nghề thử cần sa, nếm thử bia, thử socola hoặc đóng vai xác chết trên truyền hình... Thậm chí, ở Trung Quốc, một số thầy thuốc đang tuyển nhân viên cho nghề... ngửi rắm để chẩn đoán bệnh tật của bệnh nhân.
Một thời gian dài trong lịch sử, đất nước Việt Nam chúng ta chưa có nghề nào được liệt kê là những nghề độc đáo và kỳ lạ như các nghề nghiệp được báo chí nhắc đến ở trên. Gần đây, ở đất nước Việt Nam xuất hiện một nghề mới: Nghề phá đám tang.
Nghề mới xuất hiện
Có lẽ, ngay từ buổi đầu của nhà nước Việt Nam 1945, mọi người dân Việt Nam dù qua mấy ngàn năm dưới mọi thời đại từ phong kiến, đến thực dân, chẳng ai có thể nghĩ được rằng sẽ có một ngày nghề mới này lại xuất hiện trên đất nước Việt Nam.
Sở dĩ không ai có thể tưởng tượng được, bởi qua hàng ngàn năm văn hiến, người Việt Nam vốn được dạy dỗ rằng phải tôn trọng người chết cũng như người sống. Người dân Việt vốn được dạy dỗ rằng “Nghĩa tử là nghĩa tận” rằng “sống cậy nhà già cậy mồ”... để nhắc nhở người đời tôn trọng vong linh kẻ chết. Và thật là thất đức và tai ngược khi xâm phạm mồ mả, vong linh kẻ chết. Thái độ của người sống trước người chết, là thước đo nhân cách và đạo đức của chính họ.
Do vậy, khi nghề “Phá đám tang” được hình thành và phát triển ở Việt Nam, nhiều người không tin nếu không nhìn thấy tận mắt, không tưởng tượng được nếu suy đoán theo lý lẽ cuộc đời và đạo đức con người bình thường.
Nhưng, thực tế nó đã xảy ra và ngày càng nhiều dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Bởi không nói thì ai cũng biết, nếu không có sự “lãnh đạo tuyệt đối của đảng,” thì đã là con người sinh ra cái đầu trên cổ, trái tim trong lồng ngực, có cho vàng cũng ít ai dám hành nghề này.
Một vài điển hình
Không chỉ đến hôm nay, nghề phá đám tang mới phát triển mà có lẽ từ cách đây hơn chục năm. Năm 2002, trong đám tang Trung Tướng Trần Ðộ - một vị tướng đã suốt đời đi theo Ðảng Cộng Sản - đám tang đã rất nổi tiếng với những trò phá phách thể hiện sự “quang vinh” “vô địch” và “tài tình” của “đảng ta.”
Ở đám tang đó, đảng đã chỉ đạo ngang nhiên bỏ câu “Vô cùng thương tiếc” có sẵn trước bức tường trong nhà tang lễ đặt thi hài người quá cố. Ở đám tang đó, tất cả những người đến viếng không được ghi chức danh trung tướng của ông Trần Ðộ trên băng tang. Những vòng hoa đến viếng, kể cả của ông Võ Nguyên Giáp cũng không được viết chức danh của người viếng và của người chết như ý muốn. Thậm chí, ở đó người chết còn bị Vũ Mão, thay mặt đảng, Quốc Hội, nhà nước đọc bản “Ðiếu văn kiểm điểm” trước khi được đưa đi chôn.
Thế rồi, những đám tang bị phá như vậy xuất hiện ngày càng nhiều từ đó đến nay và xuất hiện không chỉ một nơi, một cấp và mức độ tàn bạo, bất nhân thì cứ theo đà “năm sau cao hơn năm trước.”
Ðã có hàng đoàn hàng lũ công an, cảnh sát các loại đánh đập người đưa tang, cướp xác một người dân Cồn Dầu rồi đưa đi vứt vào một chỗ nào đó mà tang chủ không hề được biết để nhằm mục đích cướp đất nghĩa địa, làng mạc có từ hàng trăm năm nay ở Cồn Dầu, Ðà Nẵng.
Người ta chứng kiếm đám tang mà công an dày đặc, xe công an lạng lách, chèn ép người đi đưa tang nhằm gây tai nạn cho họ ở đám tang ông Trịnh Xuân Tùng, người bị tên trung tá công an đánh cho gãy cổ đến chết và được xử 4 năm tù.
Người ta chứng kiến những đám tang bị cướp giật băng rôn, bị xông vào ép tang chủ cho làm ban tổ chức, bị người lạ xông vào khống chế tang chủ như đám tang mẹ Phạm Thanh Nghiên ở Hải Phòng.
Người ta thấy một điều: Hầu như, những đám tang bị phá nhiều nhất, quyết liệt nhất, bất nhân nhất lại chính là những đám tang của những người đã từng góp phần máu xương, sức lực xây nên chế độ này.
Sau ông Trần Ðộ, một lão tướng với những chức vụ cao cấp trong hàng ngũ Cộng Sản đã bị phá đám tang, ông Lê Hiếu Ðằng, phó chủ nhiệm Hội Ðồng Tư Vấn về Dân Chủ và Pháp Luật thuộc Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Từng giữ nhiều chức vụ trong hệ thống chính trị này, nhưng khi chết đã được “sự quan tâm đến mức cao nhất” dù đám tang được tổ chức trong chùa. Các băng tang bị giật, bị phá và những người tham dự lễ tang bị làm khó dễ, những tên côn đồ ngang nhiên phá đám tang trước mắt mọi người. Và hẳn nhiên ai cũng biết những tên côn đồ đó đều thuộc về đảng CSVN.
Rồi đám tang ông Trần Lâm, một luật sư, từng là một “đồng chí Cộng Sản.” Nhưng đám tang đã bị giật băng tang và phá rối bởi đám mật vụ vô nhân tính.
Và mới đây nhất, hôm 12 tháng 1, 2015, một người Cộng Sản đã ra đi và đám tang tiếp tục bị phá phách: Bà Hoàng Thị Ái Hoát (phu nhân nguyên ủy viên trung ương đảng, nguyên bộ trưởng, cựu đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên Xô Nguyễn Hữu Khiếu).
Trong điếu văn đọc trong đám tang của bà, ông bí thư đảng không ngần ngại nói rằng: Ðồng chí Hoàng Thị Ái Hoát đã là một đảng viên cống hiến đến hơi thở cuối cùng với mấy chục năm tuổi đảng. Ðồng chí đã để lại cho đất nước những người con trưởng thành được đào tạo, giáo dục tốt...
Thế nhưng, những lời lẽ đó vẫn có thể đọc trơn tru khi đám tang của “đồng chí” đã được các “đồng chí” tìm cách phá ngay từ đầu. Thậm chí, ngay trước linh cữu của “đồng chí” một “đồng chí” hóa trang ra giật phá các băng tang viếng “đồng chí” một cách trắng trợn thì chỉ có những người Cộng Sản mới làm được.
Thế mới hiểu nghĩa tình và “đạo đức cách mạng” của những người Cộng Sản với nhau ra sao.
Ngay từ khi bước vào cổng khu vực nhà tang lễ, bất cứ ai muốn mua vòng hoa, muốn ghi băng tang vào viếng đều được những người lạ mặt chỉ đạo được làm, được viết và được bán hay không. Nhiều bạn bè, tổ chức dân sự, hội đoàn muốn mua vòng hoa tang, viết băng tang đã không thể thực hiện được. Ðơn giản chỉ là vì không ai nghĩ rằng “đảng ta” lại “đạo đức văn minh” đến mức đó.
Thậm chí, một số vòng hoa khi mang vào tận nhà tang lễ, một đám người không rõ là ai nhưng ai cũng biết là ai đã ngang nhiên xông vào giật phá các băng tang như chỗ không người, ngay trước linh cữu.
Một tên đã khá già, xông lại giật chiếc băng tang trước linh cữu “đồng chí” của hắn đang nằm đó. Khi bị chất vấn, hắn bảo “tôi là người của ban tổ chức.” Nhìn hành động của hắn, tôi không kìm được sự phẫn nội. Tôi nói với hắn: “Cỡ mày, chết thì chó nó không thèm đến tha đi chứ chưa cần nói đến chuyện viếng.” Ðến khi về một người bạn nói rằng: Anh này trước đây, năm 2007 đã là thượng tá công an (?). Thế mới lạ, Ban tổ chức đám tang lại có cả công an?
Những kẻ hành nghề này, không cần nói, thì ai cũng biết họ là ai. Họ hành nghề đó cách lén lút hoặc ngang nhiên, họ hành nghề bằng cách bất chấp sự kiêng dè, húy kỵ... họ hành nghề say mê và tự tin về một sự bảo kê bằng thứ luật pháp dùng để trả thù và cấp bậc, lương thưởng, chức vụ...
Côn đồ điều hành nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng?
Những đám tang của ông Trần Ðộ, bà Hoàng Thị Ái Hoát được tổ chức tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, đó là là nhà tang lễ của Bộ Quốc Phòng.
Hẳn rằng, khi các gia tang nhắm chọn nơi này để tổ chức đám tang, ngoài sự thuận tiện, thì họ cũng còn chút nào đó yên tâm về một nhà tang lễ do Bộ Quốc Phòng quản lý, sẽ được an toàn và người quá cố được yên tĩnh sớm siêu sinh tịnh độ sau khi từ giã cõi trần. Thế nhưng, ở đây lại khác.
Những kẻ không trang phục, không cấp hiệu, không dám xưng chức danh, mà nếu nhìn vào như một đám du thủ du thực đã điều hành nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng này.
Bất chấp luân lý, luật pháp những người này ngang nhiên cướp, phá, giật xé những vòng hoa viếng, đánh người vô cớ ngay trước mặt hàng loạt sĩ quan, chiến sĩ quân đội đang làm nhiệm vụ ở đây. Nhưng tất cả họ đều bất lực.
Nhìn những hành động này, tôi nói với một sĩ quan cấp tá ở đây: “Tôi không rõ, đây là nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, tại sao đám côn đồ này lại ngang nhiên điều hành và hành động bất chấp luật pháp với người dân mà các sĩ quan không ai có ý kiến gì là sao. Tại sao Bộ Quốc Phòng lại bất lực?” Anh ta trả lời: “Vâng, chúng tôi sẽ lưu ý vấn đề này.”
Gieo nhân để chờ gặt quả, trông mặt mà bắt hình dong
Trên một trang mạng của một dư luận viên giấu mặt, những hình ảnh bị cắt dán nhằm vu cáo những người đến viếng tang. Chẳng ai lạ gì trò hèn hạ đê tiện và rẻ tiền này xuất phát từ đâu. Nhưng, có một câu khá hay như sau: “Người xưa dạy ‘Nghĩa tử là nghĩa tận’. Bởi thế, thái độ của con người trước cái chết, trước nỗi bất hạnh của người khác, luôn phản ảnh trình độ giáo dục và nền tảng đạo đức của con người ấy.”
Ðọc câu này, tôi nghĩ rằng nếu mấy sĩ quan hôm nay phá tang lễ kia đọc được, chắc hẳn như bị một thùng nước đá vào đầu.
Và tôi chợt nhớ ra một điều: Thì ra, không phải họ không biết những điều sơ đẳng này. Hẳn rằng họ không thể không biết việc phá phách đám tang, xúc phạm người quá cố, mồ mả và những việc linh thiêng là điều tối kỵ trong đạo đức làm người. Ðiều tôi thắc mắc là không hiểu tại sao họ vẫn biết, và họ vẫn làm?
Thế rồi, đọc lại những thông tin về những sự việc đã qua, người ta mới thấy rằng, họ có một lý do để bao biện cho hành vi phản đạo đức và lương tri của mình, đó là: Lệnh trên.
Lệnh trên, là lý do mà ông Vũ Mão dùng để biện minh cho cái “điếu văn kể tội” trước tang lễ ông Trần Ðộ. Thậm chí, ông ta còn tự hào “tôi là nghị sĩ đóng vai nghệ sĩ bất đắc dĩ” và coi như đó là lý do để biện minh cho hành động của mình.
Than ôi, ông Vũ Mão chẳng lẽ không biết rằng, dù là lệnh trên, dù là thể chế, dù là tập thể hay gì gì đi nữa ra lệnh cho ông thì ông vẫn nên nhớ rằng ông vẫn là một Con-Người. Ông vẫn có một khối óc riêng, một trái tim riêng để xem xét và đánh giá hành động của mình đúng, sai, phải, trái. Do đó, ông sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân về hành động của mình.
Và hôm nay, hay ngày mai cũng vậy, những kẻ đã tự ngậm dầu vào miệng để thổi lửa, hẳn sẽ có ngày cháy ngay miệng mình.
Còn với một chế độ do đảng lãnh đạo tuyệt đối, mà khai sinh một nghề mới: “Nghề phá đám tang” thì xét theo chiều dọc lịch sử và chiều ngang thế giới, hẳn tự nó đã nói lên tầm vóc của đảng, nói lên sự “quang vinh, trí tuệ, khoa học và sáng suốt tài tình” ra sao.
Hà Nội, ngày 14 tháng 1, 2015
J.B Nguyễn Hữu Vinh
TRỌNG: Tặng biển đảo & quà đối lập cuội và hào hợp hòa giải
Nguyễn Phú Trọng đã bị Tập Cẩm Bình khinh khi trong thời gian dàn khoan HD-981 vào lãnh hải Việt Nam. Nhưng lần đến Bắc kinh mới đây, Trọng đã được Bình ôm hôn nồng ấm, đón rước trọng thể. Tập Cẩm Bình không cần những giá trị tinh thần như Tự do, Dân chủ, Nhân ái…, nhưng cần vật chất cụ thể như Biển Đảo để lập những căn cứ quân sự và nhất là để khai thác năng lượng dầu khí và nguyên vật liệu.
Trọng lú cũng sẽ đi Hoa Thịnh Đốn nữa dù mới chỉ biết hai tiếng “Please Dollars“ để xin tiền. Tất nhiên Trọng phải mang sang cho Obama món quà tinh thần như Dân Chủ mà phía Hoa kỳ đòi hoài.
Xin đề cập đến những khía cạnh sau đây:
Trọng quỳ dâng Biển Đảo VN cho Tập Cẩm Bình
Trọng sẽ tặng quà cho Obama: Đối lập cuội & Hòa Hợp Hòa Giải giả tạo
Dân Tộc VN phản đối và CSVN tăng đàn áp để bịt miệng dân
***
Trọng quỳ dâng Biển Đảo VN cho Tập Cẩm Bình
Trong thời gian tại Bắc kinh, Việt Nam và Tầu ký nhiều Văn kiện song phương. Một số lớn Văn kiện chỉ lặp lại những gì đã ký từ lâu như Tình hữu nghị, Cấu kết xây dựng XHCN, Hợp tác bền vững…vân…vân. Đó là những Văn kiện lập lại như gió thoảng thổi đến rồi bay đi.
Nhưng vấn đề chính trong thời gian này để Trọng có thể được tiếp đón nồng hậu, đó là vấn đề hải đảo tại Biển Đông và những vùng du lịch như thác Bản Giốc và những cảng thương mại.
Những Văn kiện như đã được soạn sẵn, Nguyễn Phú Trọng quỳ ký dâng Biển Đảo và những vùng Biên giới du lịch, Cảng thương mại cho Tầu. Những văn kiện ký bán biển và đất này còn tệ hơn Công hàm ký bởi Phạm Văn Đồng/ Hồ Chí Minh.
Sau khi Trọng ký xong và về nước, thì phía Trung quốc phổ biến liền Chương trình khai thác Biển Đảo, Dầu khí, Du lịch vùng Biên giới và Cảng thương mại để Hoa kỳ và cả Thế giới biết. Xin độc giả đọc Thông tin dưới đây :
« Hôm qua (9.4), Trung Quốc đã phác thảo kế hoạch chi tiết về các hoạt động cải tạo trên Biển Đông, nói rằng sẽ sử dụng nó với mục đích phòng thủ quân sự cũng như cung cấp các dịch vụ dân sự có lợi cho các quốc gia khác.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngắn hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng Hoa Xuân Oánh cho biết, hoạt động cải tạo và xây dựng trên quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông là cần thiết, để đối phó với nguy cơ các trận bão trong khu vực với nhiều tàu ở xa đất liền.
“Chúng tôi đang xây dựng các nơi trú ẩn, hỗ trợ hoạt động hàng hải và cứu trợ cũng như các dịch vụ dự báo khí tượng hàng hải, dịch vụ nghề cá và các dịch vụ hành chính khác để cung cấp các dịch vụ cần thiết cho Trung Cộng, các nước láng giềng và các tàu thuyền cá nhân trên Biển Đông", theo bà Hoa.
Bà Hoa cũng cho biết, các đảo và rạn san hô cũng sẽ đáp ứng yêu cầu phòng thủ quân sự của Trung Cộng, tuy nhiên không nêu rõ điều này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Cộng ngang nhiên nhấn mạnh: “Các hoạt động xây dựng có liên quan hoàn toàn thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Cộng. Điều đó là công bằng, hợp lý, hợp pháp, không ảnh hưởng và không nhằm chống lại bất cứ quốc gia nào”.
Trong tuyên bố chung hôm 8.4, Tổng Bí thư Trung Cộng Tập Cận Bình đã nhất trí với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ không làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông và tuân thủ Bộ Quy tắc ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông.”
Trọng sẽ tặng quà cho Obama: Đối lập cuội & Hòa Hợp Hòa Giải giả tạo
Có một số chính khứa bưng bô ở Hải ngoại để lộ ra giải pháp Hòa Hợp Hòa Giải giả tạo và đảng Đối lập cuội tại Việt Nam như một việc làm “Dân chủ hóa“ Cơ chế CSVN. Tỉ dụ: sau khi Hoàng Duy Hùng (Houston) về Việt Nam thăm Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao CSVN, và Nguyễn Minh Triết, cựu Chủ tịch Việt Nam cộng sản, trở về Mỹ, Hùng tuyên bố Việt Nam sẽ có hai đảng do đảng CSVN tách ra. Như vậy có đối lập, nghĩa là có Dân chủ. Đảng Liên Minh Dân Chủ VN của Ngô Thanh Hải họp tại Paris tuyên bố sẵn sàng hợp tác với CSVN để chống Tầu. Rồi hình ảnh Ngô Thanh Hải, đảng trưởng LMDCVN, bắt tay Nguyễn Thanh Sơn được phổ biến.
Khách quan mà nhận định, người ta thấy những việc sau đây:
* Tình hình đảng CSVN quá tệ: (i) Phá sản Kinh tế quốc dân; (ii) Những nhóm lợi ích giết hại lẫn nhau như vụ Nguyễn Bá Thanh; (iii) Ngân sách lúc này thiếu hụt trầm trọng đến nỗi phải thay đổ Luật Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội để ăn quỵt tiền tiết kiệm của Công nhân; (iv) Xã hội tha hóa đến thác loạn. Với tình trạng như vậy, các Lãnh đạo đảng thấy đến thời kỳ sụp đổ và muốn có giải pháp Hòa Hợp Hòa Giải giả tạo để mình được hạ cánh an toàn với tài sản cướp giật được.
* Trong thời gian gần đây, nhiều Lãnh đạo đảng và Nhà Nước thường lui tới Hoa kỳ như sửa soạn giải pháp cho CSVN nói chung và tìm mối liên hệ cho cá nhân để thuận tiện hạ cánh an toàn.
* Người ta cũng nhận thấy gần đây, một phong trào bưng bô CSVN âm mưu xoá NGÀY QUỐC HẬN 30/4 nhằm tiến gần CSVN để có giải pháp Hòa Hợp Hòa Giải với sự hỗ trợ của một số Dân biểu, Nghị sĩ Mỹ (?!)
* “Dân chủ hóa“ CSVN với một đảng Đối lập làm kiểng gồm một số thành phần phản tỉnh tại quốc nội và những chính khứa ham danh, những trí thức trí ngủ Hải ngoại. Kiểu Đối lập này chỉ để làm kiểng cho CSVN kéo dài thêm Cơ chế dưới dạng Hòa Hợp Hòa Giải giả tạo.
Cuộc viếng thăm Hoa Thịnh Đốn của Nguyễn Phú Trọng nhằm mục đích “Please Dollars” từ Hoa kỳ để giải quyết tình trạng phá sản Kinh tế, Tài chánh tại Việt Nam, xin xỏ được vào TPP. Tất nhiên Nguyễn Phú Trọng phải dâng cho Obama một món quà mà Obama thường lớn tiếng kêu gọi, đó là “DÂN CHỦ HÓA“ CSVN.
Chúng ta có những lý do như đã trình bầy trên đây để dự đoán rằng món quà đó là Hòa Hợp Hòa Giải giả tạo với đảng Đối lập cuội, được sự đồng ý của Mỹ (?!)
Để sửa soạn cho món quà này, Nguyễn Phú Trọng gửi Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc Hội, sang Mỹ trước để nghiên cứu “Cải cách Thể chế “. Xin độc giả đọc Bản tin dưới đây:
« Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn phái đoàn đến Đại học Harvard tìm hiểu cải cách thể chế.
Bà Kim Ngân dẫn đầu đoàn gồm 15 lãnh đạo cấp trung ương và địa phương, trải qua năm ngày ở Chương trình Lãnh đạo Quản lý cao cấp của Việt Nam (VELP) tại Đại học Harvard. Chuyến thăm Mỹ của bà kéo dài từ 11 đến 21/4, ngay sau khi bà vừa tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Cộng.
Việt Nam sắp tiến hành Đại hội Đảng, nước này đối diện nhiều thách thức gần và dài hạn. “Các nhà hoạch định chính sách chịu sức ép thúc đẩy tăng trưởng và duy trì bình đẳng,” đề cương nói. “Trong kinh tế, chính phủ xác định nhu cầu tăng tính cạnh tranh cho khu vực tư nhân và tái khẳng định sự cấp thiết cải cách doanh nghiệp nhà nước. ”“Cũng có nhận thức về tầm quan trọng của cải cách tư pháp đối với sự phát triển của Việt Nam. ”“Về chính trị, cả Đảng và Chính phủ đã khẳng định cơ quan lập pháp ở mọi cấp cần tăng cường tính đại diện. Ngoài ra, kinh nghiệm các nước cho thấy quốc hội đóng vai trò quan trọng để phân bổ nguồn lực hiệu quả.”
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân từng là Bí thư tỉnh Hải Dương, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nói chuyến thăm Mỹ của phó chủ tịch Quốc hội nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1995-2015).”
Dân Tộc VN phản đối và CSVN tăng đàn áp để bịt miệng dân
Dân Tộc Việt Nam tất nhiên coi việc ký kết dâng Biển Đảo và các Vùng Biên giới, Cảng thương mại, cho Tầu là việc phản bội dân tộc của Nguyễn Phú Trọng và đảng CSVN. Cũng vậy, Dân Tộc không thể chấp nhận một giải pháp Hòa Hợp Hòa Giải giả tạo và đảng Đối lập cuội nhằm kéo dài Cơ chế CSVN.
CSVN chắc chắn sẽ tăng cường đàn áp để bịt miệng tất cả những chống đối chính đáng của Dân Tộc.
Giáo sư Tiến sĩ NGUYỄN PHÚC LIÊN
Jane Fonda thừa nhận sai lầm, xin lỗi các cựu chiến binh Mỹ
Nữ diễn viên Jane Fonda một lần nữa bày tỏ sự đau buồn của bà về những bức ảnh đã chụp ở Hà Nội, khi bà sang Việt Nam để phản đối vai trò của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Trang mạng báo Independent của Anh, hôm thứ Tư tường thuật rằng, nữ diễn viên từng đoạt Giải Oscar Jane Fonda nói nỗi đau đối với các cựu chiến binh Mỹ mà bà cảm nhận được do quyết định chụp tấm ảnh đó của bà gây ra, sẽ ám ảnh bà cho tới cuối đời.
Nguồn tin này trích lời bà Fonda phát biểu tại một trung tâm nghệ thuật ở bangMaryland mới đây rằng “bất cứ lúc nào có dịp ngồi xuống trò chuyện với các cụu chiến binh, bà cảm thấy buồn vì thấu hiểu được nỗi đau của các cựu chiến binh. Tôi đã phạm một lỗi lầm lớn khiến cho nhiều người nghĩ tôi chống đối binh sĩ Mỹ.”
Tờ Telegraph của Anh nói rằng phản ứng trước phát biểu này, một số cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam dương biểu ngữ: “Tha thứ à, có thể. Nhưng quên thì chúng tôi sẽ không bao giờ quên”
Hình ảnh Jane Fonda ngồi trên nòng súng phòng không của quân đội Bắc Việt trong chuyến đi thăm Hà Nội năm 1972, khẩu súng có thể đã được dùng để bắn hạ các phi cơ Mỹ, và những hoạt động phản chiến của bà, đã khiến nữ diễn viên này trở thành mục tiêu của những lời đả kích nặng nề trong giới các cựu chiến binh Việt Nam, mà mãi cho tới bây giờ vẫn chưa nguôi phẫn nộ.
Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghiã Quốc Tế Vô Sản Việt Nam - Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét