Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

Những Tiếng Hát Bất Tử (phần 1) - Ngô Nguyên Dũng

guitar
Bài viết này không phải là một bài phê bình âm nhạc, mà chỉ là những ghi chép lượm lặt từ tin mạng và những cảm tưởng rất chủ quan của tác giả, một kẻ yêu thích âm nhạc, về một vài tiếng hát lừng danh.
 
Trong tiểu thuyết Souvenirs [1] (Kỷ niệm), dưới tiêu đề Hồi Ức của Serge Gainsbourg [2], David Foenkinos viết:
Le Divan (Chiếc trường kỷ) là một chương trình truyền hình Pháp, được Henry Chapier đề xướng, phát hình lần đầu tiên vào ngày 4 tháng tư năm 1987. Theo dự tính, một danh nhân sẽ được mời tới nằm xuống đi-văng để được phỏng vấn theo kiểu phân tích tâm lý. Ngày 20 tháng chín năm 1989, vài tháng trước khi qua đời, Serge Gainsbourg nhận lời mời phỏng vấn. Tuy nhiên ông từ chối nằm đi-văng và bỡn cợt giải thích: «Tôi sẵn sàng, nhưng không nằm một mình.» Lần ấy ông thuật lại những kỷ niệm. Ðặc biệt, những kỷ niệm thời thơ ấu. Cha ông, một di dân người Nga, hành nghề đàn dương cầm cho các quán rượu và khiêu vũ trường. Ông đã tập cho cậu bé Lucien (tên thật của Gainsbourg) làm quen với tiếng đàn dương cầm.
 Theo Gainsbour, đó là trường lớp đào luyện âm nhạc thích hợp nhất, vì ngày nào ông cũng được nghe cha dạo đàn. Ông nhắc tới các đoản khúc của Bach, Chopin, những tập khúc cổ điển và dạo khúc, cả những sáng tác của Cole Porter hoặc Geschwin. Những kỷ niệm ấu thời đầy ý nghĩa của ông chính vì vậy là những ký ức thanh âm, và ông ông đã kết thúc buổi phỏng vấn bằng câu nói tuyệt vời: «Thuở ấy, ngày nào tôi cũng cảm nhận, như có những báo ứng rung nhịp tương lai tôi.»
Tôi không phải là người ngưỡng mộ tài năng Serge Gainsbourg, nhưng cụm từ ký ức thanh âm của David Foenkinos ghi lại trong đoản văn trên bắt hồi tưởng tôi rúng động. Thời hoa niên của tôi ở Sài gòn, 19 năm dài, là một chuỗi thời gian dẫm nắng, ngập mưa. Tôi sớm biết xúc động với văn chương. Sớm hoan lạc cùng âm nhạc, ngập ngụa khoái cảm dậy thì với những tiếng hát, những giai điệu và những khuôn mặt ban nhạc, ca sĩ nước ngoài. Nửa đêm thức dậy, bật máy phát thanh, dan díu rỉ rả với Beatles, Rolling Stones, Bee Gees, Carpenters, Simon & Garfunkel, v.v… Với Françoise Hardy, Sylvie Vartan, Adamo, Christophe, v.v… Với tóc dài và quần ống loa thời trang flower power. Với Salut Les Copains [3] và những dĩa nhựa 45 vòng, anh tôi gửi về từ kinh thành ánh sáng Paris. Hương xứ lạnh còn ẩn khuất trong gói quà. Mùi giấy bìa gây gấy. Đầu kim máy quay dĩa rớt xuống rãnh âm thanh:
«When I was young, I´d listen to the radio. Waitin´ for my favorite songs. When they played, I´d sing along. It made me smile.» [4]
Thắm thoát, đã gần nửa thế kỷ qua!
Sở thích nghe nhạc của tôi giờ đây đã khác. Ít pop, nhiều rock nhẹ và chanson hơn, dặm thêm chút classic. Bài viết này cũng là những ký ức thanh âm kết tủa qua vài tiếng hát lừng danh. Một thời và đương thời.
 
1. Amy Winehouse
Club 27, Câu lạc bộ 27, là tên của giới truyền thông đặt cho trú quán vong linh của những ca nhạc sĩ lìa đời ở tuổi 27. Trong số đó, không ít vong hồn là những tài năng đã một thuở tung hoành thị trường âm nhạc Rock, Pop ở dương thế: Brian Jones (nhạc sĩ của ban The Rolling Stones), Jimi Hendrix, Janis Joplin, Jim Morrison (ca sĩ chính của ban The Doors), Kurt Cobain (ca, nhạc sĩ của ban Nirvana). Và gần đây nhất, năm 2011, là cái chết của Amy Winehouse.
AmyWinehouseTrong bài viết này, tôi chỉ đề cập tới Amy Winehouse, một ca sĩ kiêm nhạc sĩ sáng tác tài danh của Anh quốc, gốc do thái. Không những chất giọng, ngay cả thể loại âm nhạc, cách biểu diễn và vóc dáng của cô rất khác lạ. Đúng hơn, rất lập dị. Loại nhạc được cô trình bày là một tấu khúc tập hợp những khuynh hướng âm nhạc với nhiều giai điệu da đen (soul music), một chút jazz phá cách, một chút hip-hop tươi tắn, một chút âm hưởng Jamaica sống động (reggae music) và một chút Rock trẻ trung. Khi trình diễn trên sân khấu, Amy Winehouse tô mắt đen đậm như một phụ nữ Ai cập cổ và đánh tóc rối tổ ong, beehive hairstyle, kiểu tóc đặc thù Amy Winehouse, tay và ngực lộ trần vài hình sâm, trông rất phóng túng. Cách biểu diễn của cô đôi khi ngập ngừng, loạng choạng, gây cảm tưởng như cô vừa nhắp môi quá đà, hoặc vừa lơ mơ xong một liều ma tuý.
Nhưng vừa khi nhạc trổi lên, Amy Winehouse như kẻ lên đồng, nhún nhảy nhập lấy âm thanh. Cô xuất thần, cất giọng khàn nhựa, lẳng lơ ôm siết giai điệu. Âm giọng của cô nghe trúc trắc, cách phát âm như không chuẩn, như người say men nhạc. Vì vậy, thính giả dễ dàng nhận ra một bản-sắc-rất-amy-winehouse, không lầm lẫn với ai khác. Âm nhạc của Amy Winehouse là những nhịp điệu nổi loạn. Tiếng hát Amy Winehouse là những lời thách đố, những bản tuyên ngôn cách mạng âm thanh, cưỡng lại khuôn sáo của giai điệu kinh điển. Thế giới âm nhạc của cô là những mảng tiếng động trừu tượng, say nghiện, phá phách, xô ra một không gian gai góc, đầy bất trắc. Ngôn ngữ trong những ca khúc của Winehouse là một quyển bách khoa hip-hop, nhiều tiếng lóng và ý nghĩa biểu tượng.
Kiểu trang phục, trang điểm và phong cách biểu diễn của Amy Winehouse có thể được giải thích như sau: một, để được nổi bật giữa vô số tài năng mới; hai, để sáng tạo một khuynh hướng âm nhạc lạ; ba, để khiêu khích những đầu óc bảo thủ. Dẫu gì đi nữa, cô đã gây được tiếng vang lớn trong thị trường âm nhạc phổ thông quốc tế và chinh phục được một số thính giả ái mộ không ít.
Amy Winehouse chính thức tham dự vào môi trường ca nhạc vào năm 2003, lúc 19 tuổi, và cho thâu âm dĩa lớn (album) đầu tay Frank, cảm hứng từ tên của ca sĩ thượng thặng Frank Sinatra và dòng nhạc jazz có nhiều ảnh hưởng tới sở thích âm nhạc của cô thuở hoa niên. Frank chỉ gây được tiếng vang tại Anh quốc, sinh quán của cô. Tới năm 2006, vớiBack to Black, Amy Winehouse mới thật sự thành công vang dội. Dĩa nhạc dẫn đầu bảng xếp hạng các dĩa lớn bán chạy tại 20 quốc gia và lọt vào top ten tại 10 quốc gia khác. Tính tới cuối năm 2007, Back to Black bán được 5,5 triệu ấn bản toàn thế giới. Rehab, You Know I´m No Good, Back to Black, Tears Dry on Their Own và Love Is a Losing Gamelà những ca khúc nổi bật trong dĩa nhạc này, và đem lại cho Amy Winehouse nhiều giải thưởng âm nhạc, về tài chính cũng như danh vọng. Thành công của cô không dừng lại ở đó. Ngày 10 tháng hai năm 2008, cô được trao tặng năm giải Grammy, giải thưởng cao quí nhất của thị trường âm nhạc quốc tế. Nhưng Amy Winehouse không thể đích thân sang Los Angeles nhận giải, vì cô không được cấp chiếu kháng nhập cảnh, bởi lý do lạm dụng ma tuý.
Tấn bi kịch cuộc đời Amy Winehouse bắt đầu. Một thời gian ngắn sau những vinh quang tột đỉnh, cô đâm nghiện rượu và ma tuý. Một phần lỗi xuất phát từ cuộc hôn nhân với Blake Fielder-Civil kéo dài từ 2007 tới 2009. Chính Fielder-Civil đã tự xác nhận là người xúi giục cô sử dụng ma tuý. Sau khi ly dị chồng, Amy Winehouse vào dưỡng viện cai trừ ma tuý. Nhưng, tật nghiện rượu của cô trở nặng, cộng thêm hội chứng nhịn ăn (bulimia) và tự huỷ hoại thân thể.
Ca từ trong Rehab (viết tắt từ Rehabilitation), một trong số những ca khúc thành công của Amy Winehouse, nghe như những lời báo hiệu thiếu hạnh phúc:
«They tried to make me go to rehab But I said no, no, no. Yes, I’ve been black but when I come back. You’ll know, know, know. I ain’t got the time And if my daddy thinks I’m fine. Just try to make me go to rehab But I won’t go, go, go.» [5]
Năm 2011 ban tổ chức thông báo chương trình đại lưu diễn tái ngộ thính giả ái mộ, khởi đầu vào mùa xuân xuyên qua nhiều thành phố Ba tây. Tiếp theo là chuyến lưu diễn Âu châu vào mùa hè 2011, mở màn tại Belgrade, thủ đô Serbia (thuộc Nam tư cũ). Amy Winehouse bước ra sân khấu trễ nửa tiếng, lè nhè giọng rượu. Sau đó ban tổ chức cáo lỗi, chương trình lưu diễn bị dời lại vô hạn định. Dự tính ra mắt dĩa lớn thứ ba cũng bị huỷ bỏ.
Ngày 23 tháng bảy năm 2011, thân nhân tìm thấy xác cô tại nhà riêng. Kết quả giảo nghiệm: Amy Winehouse qua đời vì ngộ độc rượu, hưởng dương 27 tuổi.
Sự nghiệp âm nhạc của Amy Winehouse vỏn vẹn hai dĩa lớn, bán được hơn 25 triệu bản. Sau khi cô qua đời, nhà sản xuất cho phát hành Lioness: Hidden Treasures (2011) gồm những ca khúc đã thâu âm, nhưng chưa được tung ra thị trường. Trong tám năm ca nhạc, Amy Winehouse nhận được 4 dĩa bạc, 30 dĩa vàng, 113 dĩa bạch kim và 2 dĩa kim cương [6] cùng nhiều giải thưởng ca nhạc khác [7].
Để tưởng niệm một nữ nghệ sĩ tài hoa, xin mời quí độc giả thưởng thức Amy Winehouse biểu diễn ca khúc Back to Black:
 
Trích đoạn ca từ Back to Black:
«We only said goodbye with wordsI died a hundred times. You go back to her. And I go back to… I go back to… usI love you muchIt’s not enough. You love blow and I love puff…» [8]
(Khi tôi viết bài này, được tin một cuốn phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp Amy Winehouse, Amy của đạo diễn Asif Kapadia, vừa được trình chiếu lần đầu tiên tại Đại hội Điện ảnh Cannes 2015 [9].)
 
2. Andrea Bocelli
Có một điểm lạ, tại các quốc gia nói tiếng Tây ban nha hoặc tiếng Ý là ngôn ngữ liên hệ, thường xuất hiện nhiều giọng nam cao: Plácido Domingo (sinh tại Madrid, Tây ban nha, lớn lên tại Mễ tây cơ), José Carreras (sinh tại Barcelona, Tây ban nha), Rolando Villazón (sinh tại Mexico City, Mễ tây cơ), Luciano Pavarotti (sinh tại Modena, Ý đại lợi), Andrea Bocelli (sinh tại Lajatico, Toscana, Ý đại lợi), v.v…
Phần này xin được viết về Andrea Bocelli, một giọng nam cao tương đối trẻ trung, đạt được nhiều thành công trong lãnh vực âm nhạc phổ thông, nhạc kịch và cổ điển.
Andrea Bocelli ra đời năm 1958 với bệnh nhãn áp cao (glaucoma), và bị mù hoàn toàn sau một tai nạn thể thao từ năm 12 tuổi. Khuyết tật này không ảnh hưởng gì tới khả năng học vấn và thiên bẩm âm nhạc của ông. Ngoài tài ca hát, ông còn biết sử dụng nhiều nhạc cụ: tiêu, sáo, kèn sắc-xô và dương cầm. Sau khi tốt nghiệp luật khoa, ông hành nghề luật sư, đồng thời theo học khoá thanh nhạc.
AndreaBocelliTrước khi vang danh quốc tế, Andrea Bocelli đã gặt hái được nhiều thành công đáng kể tại Ý: Giải nhất với số điểm kỷ lục tại Đại hội Âm nhạc thường niên Sanremo 1994 với ca khúc Il Mare Calmo della Sera (Biển lặng chiều tà), cũng là tên dĩa lớn đầu tiên của ông. Ngay sau khi phát hành, dĩa nhạc lập tức dẫn đầu bảng sắp hạng tại Ý, và được hãng sản xuất trao tặng dĩa bạch kim với số bán 200.000 ấn bản.
Trên thị trường âm nhạc quốc tế, Andrea Bocelli được giới thưởng ngoạn biết đến từ lúc ông song ca với Sarah Brightman (ca sĩ giọng nữ cao, vợ thứ hai của ca kịch gia Andrew Lloyd Webber) cùng giàn nhạc giao hưởng Luân đôn ca khúc Time to say Goodbye, bản Anh ngữ của Con te Patirò, một thành công của ông trước đó tại quê nhà.
Năm 1998, người ca sĩ mù Andrea Bocelli sang biểu diễn nhiều nơi tại Hoa kỳ. Đáng kể là lần ông song ca với Céline Dion ca khúc The Prayer. Dion phát biểu về giọng ca Andrea Bocelli như sau: "Nếu như thượng đế có một giọng hát, hẳn sẽ tương tự như giọng Bocelli."
Về chất giọng của Andrea Bocelli có nhiều quan điểm thuận nghịch khác nhau. Các ký giả phê bình âm nhạc của The New York Times và The Guardian cho rằng, âm giọng của ông thiếu cân bằng  kém kỹ thuật. Khi so sánh với Luciano Pavarotti khi trình bày đoản khúc cổ điển Cielo e MarThe New York Times viết, giọng Bocelli nghe như cố sức, còn giọng Pavarotti nghe dội vang.
Sau cái chết của Pavarotti vào tháng chín năm 2007, một trang tin mạng ở Canada viết rằng, Andrea Bocelli là người có triển vọng hàng đầu nối nghiệp ca sĩ bậc thầy này. Bocelli đã trả lời, tiếng hát Pavarotti độc nhất vô nhị, vì vậy chuyện bắt chước, đối với ông, là điều không thể làm được. Có người còn cho rằng, thành công của Bocelli có lẽ xuất phát từ yếu tố thương hại (của thính giả). Bocelli phản ứng như sau: Mỗi người trong chúng ta đều có một chứng tật, của tôi là khiếm thị [10].
Ca sĩ khiếm thị danh tiếng quốc tế không nhiều, lác đác vài tên tuổi trong lãnh vực nhạc phổ thông: Ray Charles (1930-2004, được giới trẻ Việt nam biết đến với ca khúc What´d I Say đầu thập niên 1960), Stevie Wonder (For Once in My Life, I Just Called to Say I Love You), José Feliciano (Light My Fire, Sunny). Trong thị trường nhạc cổ điển, càng hiếm. Bocelli, vì vậy, là một ngoại lệ đặc biệt.
Theo cảm nhận của người viết, âm vực chất giọng nam cao của Andrea Bocelli tuy không dội, không rền, không khoẻ bằng Pavarotti hoặc Domingo, nhưng nhiều đam mê và rất truyền cảm, và có lẽ vì vậy, được thính giả mọi trình độ dễ dàng đón nhận. Vì khiếm thị, nên tinh tuý nghệ thuật bẩm sinh của ông kết tụ vào thính giác và âm giọng. Có vẻ như, bằng lời ca tiếng nhạc ông thấy ra ảnh sắc của tình yêu, chia lìa, và cả đấng tạo hoá của đức tin ông, là những thứ mà những kẻ khác vẫn thấy mà không nhìn ra. Ông còn biết dung hoà hai khuynh hướng nhạc phổ thông (pop) và nhạc cổ điển (classic), để tạo cho mình một phong cách riêng và đáp ứng được thị hiếu của số đông. Âm nhạc của ông nhiều ánh sáng hơn bóng tối, là những tâm khúc ngợi ca tình yêu đôi lứa, thiên nhiên và ước mơ lạc quan về đời sống. Tương tự cuộc sống riêng của ông, không có những tai tiếng in đậm đầu trang những tờ báo thương mại.
Việc thẩm định tiếng hát Andrea Bocelli xin dành cho giới thưởng ngoạn âm nhạc. Sau đây mời quí vị thưởng thức ca khúc Sogno (Tôi mơ) trích từ dĩa nhạc cùng tựa, ghi âm vào năm 1999:
 
3. Barbra Streisand
Barbra Streisand, gốc người do thái, sinh năm 1942, tại Brooklyn, New York City, Hoa kỳ. Bà có nhiều biệt tài: ca sĩ, nghệ sĩ nhạc kịch, nhạc sĩ sáng tác, tài tử và đạo diễn điện ảnh.
BarbraStreisandTrong lãnh vực âm nhạc, Barbra Streisand vào nghề rất sớm. Năm 1955, chỉ mới 13 tuổi, bà đã cho thâu âm ca khúc đầu tiên. Nhưng vì muốn trở thành tài tử điện ảnh, và nhờ có chất giọng thiên phú, bà tìm cách xuất hiện trên sân khấu nhạc kịch. Năm 1961, Barbra Streisand ký hợp đồng trình diễn tại Broadway, phố nhạc kịch và kịch nghệ danh tiếng tại New York City.
Thành công nhạc kịch đầu tiên của Barbra Streisand là vai chính trong vở Funny Girl vào năm 1964. Với cuốn phim cùng tựa, vào năm 1969 bà được trao giải Oscar dành cho nữ diễn viên chính.
Lần thứ hai, vào năm 1977, Barbra Streisand nhận được giải Oscar dành cho nhạc phim hay nhất: ca khúc Evergreen do bà sáng tác cho phim A Star Is Born. Bà là phụ nữ đầu tiên được trao tặng giải thưởng cao quí cho bộ môn nói trên.
Trong lãnh vực âm nhạc, Barbra Streisand cho thâu âm dĩa lớn đầu tiên, The Barbra Streisand Album, vào năm 1963. Địa bàn âm nhạc của Barbra Streisand trải rộng từ pop(điển hình là Guilty, dĩa lớn nhạc pop thành công nhất của bà, có vài bài song ca với Barry Gibb, ca sĩ của ban The Bee Gees, và ca khúc Woman in Love, dẫn đầu bảng sắp hạng nhiều tuần liên tiếp tại nhiều quốc gia trên thế giới), jazz, nhạc phim (điển hình là Evergreen), tới nhạc cổ điển. Nhưng, có lẽ, bà ca diễn xuất sắc nhất những ca khúc nhạc kịch: Memory trong CatsAll I Ask You trong The Phantom of The OperaSend in the Clowns trong A Little Night MusicSomewhere trong West Side Story, v.v…
Chất giọng Barbra Streisand được đánh giá là giọng nữ trung (mezzo-soprano). Bà có giọng mũi điêu luyện, kỹ thuật rung, ngân tuyệt đẹp, âm vực vang lộng với cường độ mạnh nhưng không sắc khi lên cao và mềm mại khi xuống trầm. Có lẽ nhờ tài diễn xuất, bà có khả năng chuyển đạt cảm xúc tới thính giả, đôi khi bi thảm thái quá. Nếu Liza Minnelli [11], một nghệ sĩ tài danh cùng thời cùng địa bàn hoạt động với Barbra Streisand, là một ngọn núi lửa phún âm thạch trên sân khấu, thì Barbra Streisand là một ánh nến lóng lánh giữa đông giá, gợi cảm giác gia đình ấm cúng home sweet home. Tài năng của Streisand và Minnelli là hai đỉnh cao sáng chói của ngành nghệ thuật ca diễn Broadway và Holywood, nhưng gần như đối chọi nhau. So về chất giọng, Liza Minelli có giọng thổ khoẻ, tuy không mềm mại trau chuốc bằng Barbra Streisand, nhưng ngược lại, kiểu cách ca diễn của bà, so ra, hơn Streisand nhiều bậc [12].
Barbra Streisand có cuộc sống riêng không ồn ào, không gây tai tiếng. Bà cũng không vướng phải những thói tật ghiền rượu hoặc ma tuý như nhiều nghệ sĩ khác. Sự nghiệp ca nhạc của bà, cho tới thời điểm này, nếu tính cả những dĩa nhạc phim, gồm hơn 60 dĩa lớn, với hơn 50 dĩa vàng, hơn 30 dĩa bạch kim và hơn 18 dĩa nhựa bạch kim. Trong bảng xếp hạng vĩnh viễn (All-Time-Charts) các ca sĩ và ban nhạc có số dĩa được tiêu thụ nhiều nhất, Barbra Streisand đứng hạng nhì, trước Beatles và Rolling Stones, chỉ nhường chức quán quân cho Elvis Presley [13].
Ký ức thanh âm giữa tôi thuở hoa niên và âm nhạc Barbra Streisand là một biểu đồ vô âm. Thỉnh thoảng tôi có nghe trên đài phát thanh và đọc vài bài báo nhắc tới tên bà. Nhưng, trong bảng xếp hạng cá nhân những ban nhạc và ca sĩ nhạc pop yêu chuộng của tôi thuở ấy không có chỗ nào dành cho bà. Tiếng hát và giai điệu những ca khúc của bà không đáp ứng sở thích âm nhạc son trẻ của tôi. Mãi khi ngoài ba mươi, xa nhà hơn thập niên, tôi mới có nhu cầu tìm âm thanh mới. Và tôi gặp lại dòng nhạc của Streisand, Aznavour, Kaas, … với nhiều trân trọng.
Sau đây là ca khúc Somewhere được Leonard Bernstein viết nhạc và Stephen Sondheim viết lời cho West Side Story, một vở nhạc kịch Broadway lấy cảm hứng từ Romeo and Juliet của William Shakespeare:

Không có nhận xét nào: