Cử tri Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống sau một chiến dịch tranh cử đầy căng thẳng Sau một chiến dịch tranh cử căng thẳng chưa từng có, với kết quả được dự báo sẽ rất sát sao, cử tri Mỹ hôm nay, 05/11/2022, đi bỏ phiếu để quyết định ai sẽ bước vào Nhà Trắng, Kamala Harris hay Donald Trump. Kamla Harris (T) hay Donald Trump sẽ trở thành tân tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử ngày 05/11/2024? © Studio Graphique Thanh Phương Ngoài 80 triệu lá phiếu đã được bỏ trước hoặc được gởi qua bưu điện, hàng triệu cử tri hôm nay sẽ đi bầu tân tổng thống. Các phòng phiếu mở cửa từ 6 giờ, giờ địa phương ở bờ phía đông của Hoa Kỳ.
<!>
Dù ai đắc cử thì kết quả đều sẽ mang tính lịch sử: Hoặc lần đầu tiên nước Mỹ có một nữ tổng thống, hoặc là người dân Mỹ đưa trở lại Nhà Trắng một nhân vật từng bị kết án hình sự và đang bị truy tố trong nhiều vụ. Theo hãng tin AFP, trước nguy cơ xảy ra bạo lực, an ninh đã được tăng cường tối đa trong ngày hôm nay. Một số phòng phiếu được bảo vệ rất chặt chẽ, với các drone bay giám sát bên trên và các tay súng thiện xa phục sẵn trên các nóc nhà. Riêng tại thủ đô Washington, hàng rào sắt đã được dựng lên chung quanh Nhà Trắng, Quốc Hội và các địa điểm nhạy cảm khác.
7 bang mang tính quyết định cho cuộc bầu cử
Kết quả các cuộc thăm dò sau cùng cho thấy tại 7 bang có tính chất quyết định, hai đối thủ ngang ngửa nhau, tức là cả hai đều có khả năng đạt được ngưỡng 270 trên 538 đại cử tri để giành chiến thắng.
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình:
"Bầu cử tổng thống Mỹ trên thực tế là 50 cuộc bầu cử ở 50 bang. Tại 43 bang, trừ phi có bất ngờ lớn vào giờ chót, kết quả đã được định đoạt. Chẳng hạn như bang California và New York chắc chắn sẽ bầu cho Dân Chủ, còn bang Texas và Florida thì sẽ bỏ phiếu cho Cộng Hòa. Nhưng tại 7 bang còn lại thì kết quả hoàn toàn không thể dự đoán được. Đó là trường hợp của các bang vùng công nghiệp miền đông bắc Pennsylvania, Michigan và Wisconsin, những bang được mệnh danh là bức tường xanh lơ, vì những cử tri tại đây có truyền thống bầu cho Dân Chủ, nhưng Donald Trump đã giành được trong cuộc bầu cử năm 2016. Kết quả thăm dò tại hai bang này rất sát sao.
Tiếp đến là hai bang miền tây nam Hoa Kỳ là Nevada và Arizona, nơi có hai yếu tố quan trọng tác động đến bầu cử : Lá phiếu của cử tri gốc Mỹ La tinh và vấn đề nhập cư và biên giới, một trong những chủ đề quan trọng trong chiến dịch vận động tranh của ứng viên đảng Cộng Hòa. Ở miền tây nam thì có bang Bắc Carolina, ban đầu không nằm trong danh sách, vì nghiêng về Cộng Hòa hơn. Nhưng tại bang này, trong cuộc bầu cử sơ bộ, ông Trump đã không giành chiến thắng một cách dễ dàng như tại các bang khác, còn phe Dân Chủ thì nghĩ rằng họ có thể khai thác tình hình này.
Cuối cùng là Georgia, bang từng thu hút mọi chú ý trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Tại đây, Joe Biden đã giành chiến thắng chỉ với cách biệt chưa tới 12.000 phiếu và lúc đó Donald Trump đã gây áp lực đối với các quan chức địa phương để cố đảo ngược kết quả. Năm nay, đây vẫn là một vấn đề lớn".
Bầu cử tổng thống Mỹ 2024 : Thách thức lớn đối với bầu Nghị Viện, thống đốc bang
Hôm nay, 05/11/2024, cử tri Mỹ được mời gọi phân định ai sẽ là tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ : Kamala Harris ứng viên đảng Dân chủ hay Donald Trump phe Cộng Hòa. Tuy nhiên, kết quả cuộc bỏ phiếu này còn mang tính quyết định đối với nhiều cuộc bầu cử khác, ảnh hưởng đến chính quyền tương lai.
Một phòng phiếu ở Dixville Notch, bang New Hampshire, Mỹ, ngày 05/11/2024. © AP Photo/Charles Krupa
Minh Anh
Ngoài việc lựa chọn tổng thống, hôm nay, cử tri Mỹ còn bầu lại toàn bộ 435 dân biểu Hạ Viện. Nhiệm kỳ của dân biểu Hạ Viện Mỹ là 2 năm. Kết quả cuộc bỏ phiếu sẽ cho phép định hình một đa số mới ở Hạ Viện, có một vai trò quan trọng trong những quyết định của chính quyền tương lai. Hiện tại, đảng Cộng Hòa chiếm đa số tương đối với 220 dân biểu so với 212 ghế của phe Dân Chủ.
Các thượng nghị sĩ được bầu chọn cho một nhiệm kỳ 6 năm. Cứ mỗi hai năm, một phần ba số ghế được bầu lại nhân kỳ bầu cử tổng thống hay bầu cử giữa nhiệm kỳ. Trong 100 thượng nghị sĩ, hôm nay, 05/11, cử tri Mỹ bầu lại 34 người và 7 trong số này là đối tượng tranh giành gay gắt, cho phép xác định đa số sắp tới tại Thượng Viện, theo tờ New York Times, được Franceinfo trích dẫn. Từ đầu năm 2023, đảng Dân Chủ có một đa số mong manh tại Thượng Viện, tức 51 ghế, nhờ có sự ủng hộ của hai thượng nghị sĩ độc lập.
Theo trang Franceinfo, tại 11 bang của Mỹ, các cử tri cũng được mời gọi bầu chọn thống đốc mới. Những bang này bao gồm Utah, Montana, Bắc Dakota, Missouri, Indiana, Tây Virginia, Bắc Carolina, Delaware, Vermont, New Hampshire và Washington.
Cũng trong ngày hôm nay, nhiều bang tổ chức trưng cầu dân ý về nhiều chủ đề khác nhau, đặc biệt về vấn đề quyền phá thai. Đây là một trong những chủ đề tranh cử quan trọng của bà Kamala Harris, hai năm sau khi Tòa Án Tối Cao hủy bỏ phán quyết « Roe kiện Wade » và quyền phá thai theo tu chính án thứ 4 của Hiến Pháp. Cử tri được hỏi ý kiến về chủ đề này ở khoảng mười bang, trong đó có Arizona, Colorado, Florida, Nevada và Missouri.
Mỹ cáo buộc Nga tiến hành chiến dịch phát tán thông tin sai lệch trước ngày bầu cử tổng thống
Vài giờ trước ngày bỏ phiếu bầu tổng thống, chính quyền Hoa Kỳ, hôm qua 04/11/2024, đã cảnh báo về những chiến dịch phát tán thông tin sai lệch, dường như do Nga thực hiện, nhằm tác động đến kết quả bầu cử.
Ảnh lưu trữ ngày 01/11/2017 cho thấy một số quảng cáo trên Facebook và Instagram liên quan đến nỗ lực của Nga nhằm phá vỡ tiến trình chính trị, xã hội của Mỹ, được Ủy ban Tình báo Hạ Viện Mỹ công bố. AP - Jon Elswick
Phan Minh
Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI), Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan An ninh Cơ sở hạ tầng và An ninh mạng (CISA), được AFP trích dẫn, nhận định Nga là “mối đe dọa hiện hữu” và nhấn mạnh “những hoạt động này có nguy cơ kích động bạo lực”, đồng thời lưu ý rằng những chiến dịch kiểu này có thể gia tăng trong ngày 05/11 và trong những tuần tiếp theo.
Đây là cảnh báo mới nhất của ODNI về những tác nhân nước ngoài, trong bối cảnh Nga và Iran bị cáo buộc phát tán thông tin sai lệch làm lũng đoạn bầu cử, mặc dù trong quá khứ, Matxcơva và Teheran đều phủ nhận những cáo buộc này.
ODNI gần đây đã trích dẫn một video cho thấy một người tố cáo gian lận bầu cử ở bang Arizona, liên quan đến việc tạo ra những lá phiếu giả ở nước ngoài và thay đổi danh sách cử tri để ủng hộ Kamala Harris. Người phụ trách về bầu cử ở Arizona, Adrian Fontes, đã phản bác rằng những tuyên bố trong video nói trên “hoàn toàn sai sự thật và có tính chất lừa đảo”.
Trước đó, cuối tháng 10, các quan chức Mỹ đã cảnh báo Nga dường như đứng sau chiến dịch phát tán một đoạn video sai sự thật cho thấy những lá phiếu gửi qua đường bưu điện ủng hộ Trump ở bang Pennsylvania bị tiêu hủy.
Bộ Quốc Phòng Mỹ : Thêm 2.000 lính Bắc Triều Tiên xuất hiện ở Kursk, Nga
Bộ Quốc Phòng Mỹ, hôm qua 04/11/2024, thông báo số lượng binh sĩ Bắc Triều Tiên có mặt tại khu vực Kursk của Nga đã tăng thêm 2.000 người, nâng tổng số binh sĩ hiện diện ở khu vực giáp Ukraina lên khoảng 10.000 người.
Lính Bắc Triều Tiên nhận thiết bị quân sự từ sĩ quan Nga. Ảnh chụp từ màn hình vô tuyến Hàn Quốc tại một nhà ga xe lửa ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 21/10/2024. AP - Ahn Young-joon
Phan Minh
Hãng tin AFP trích lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc, tướng Pat Ryder, nhận định “tổng số lượng binh sĩ Bắc Triều Tiên có mặt tại Nga có thể lên tới khoảng 11.000 đến 12.000 người” với “ít nhất 10.000 người tại vùng Kursk”.
Theo tướng Ryder, ngày càng sẽ có nhiều binh sĩ được điều ra chiến trường Kursk, nhưng Lầu Năm Góc vào thời điểm này vẫn chưa thể xác nhận thông tin lính Bắc Triều Tiên đã chính thức tham chiến hay chưa.
Việc Bắc Triều Tiên đưa quân tới Nga tham chiến chống Ukraina đã làm dấy lên mối lo ngại xung đột sẽ tiếp tục lan rộng. Hãng tin Nhật Bản NHK đưa tin dự án đưa lính Bắc Triều Tiên tới Nga có tên là Vostok (phía Đông) và điện Kremlin đã bổ nhiệm một sĩ quan phụ trách những binh lính này. Ông mang quân hàm thiếu tướng và từng tham chiến ở Syria.
Vẫn về quan hệ song phương, tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm qua, đã đích thân tiếp ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Choe Son Hui tại điện Kremlin. Bà Choe đã có mặt ở Nga từ tuần trước, hội đàm “chiến lược” với ngoại trưởng Sergei Lavrov.
Về phần mình, chính quyền Nhật Bản, hôm qua, cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” với Trung Quốc về mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Bình Nhưỡng và Matxcơva.
Philippines huy động hơn 3.000 quân thao dượt chiếm đảo ở Biển Đông
Ngày 04/11/2024, quân đội Philippines mở đợt tập trận kéo dài hai tuần, bao gồm việc chiếm giữ một đảo ở Biển Đông đang có tranh chấp. Sự kiện này có thể bị Trung Quốc phản đối.
Ảnh minh họa : Quân đội Philippines tại lễ kỷ niệm 126 năm thành lập Quân đội Philippines tại Fort Bonifacio ở Taguig, Philippines, ngày 22/03/2023. AP - Aaron Favila
Minh Anh
Theo AP, hơn 3.000 binh sĩ Philippines tham gia cuộc luyện tập. Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Philippines, tướng Romeo Brawner Jr., trong lễ khai mạc, phát biểu rằng đợt tập trận này là một sự chuẩn bị toàn diện để « ứng phó với mọi mối đe dọa bên ngoài có nguy cơ thách thức chủ quyền » đất nước.
Cuộc tập trận bao gồm các bài tập bắn đạn thật cũng như đổ bộ lên bãi biển. Tại Biển Đông, lực lượng Philippines mô phỏng chiếm quyền kiểm soát một hòn đảo, theo giải thích của đại tá Michael Logico với giới báo chí, nhưng không nêu rõ chi tiết.
Cũng theo ông Logico, Trung Quốc rất có thể giám sát từ xa và sẽ không có động thái thù địch nào. AP nhắc lại, Bắc Kinh luôn phản đối các cuộc tập trận như vậy ở Biển Đông, nhất là khi có sự tham gia của Mỹ và các đồng minh.
Cuộc tập trận của Philippines diễn ra cùng lúc với việc Trung Quốc triển khai nhóm tầu tác chiến sân bay Sơn Đông đến vùng biển Philippines, cụ thể ở phía bắc đảo Luzon. Trang USNI News nhắc lại đây là lần thứ ba trong năm 2024, tầu sân bay Sơn Đông được điều đến biển Philippines.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét