Trong dự luật ngân sách của Nhà nước cho năm 2025, chính phủ Pháp dự trù tiết kiệm 60 tỷ euro. Trong ngân sách này, có hai phần ba tiền tiết kiệm (40 tỷ) đến từ việc cắt giảm chi tiêu công, một phần ba còn lại (20 tỷ) chủ yếu là tăng thuế. Ngoài các doanh nghiệp và các hộ gia đình có thu nhập cao (nửa triệu euro mỗi năm), chính phủ còn dự trù tăng mạnh thuế vé máy bay khởi hành từ Pháp, từ gấp 3 đến gấp 5 lần. Ảnh minh họa : Một chiếc Boeing 777-328ER của hãng hàng không Air France của Pháp tại sân bay quốc tế Dulles, Washington, bang Virginia, Hoa Kỳ, ngày 30/04/2022. © Daniel Slim / AFP Tuấn Thảo
Theo báo Les Echos, dự luật ngân sách năm tới của Pháp đã làm dấy lên nhiều nỗi lo ngại trong ngành hàng không dân dụng. Mối quan tâm hàng đầu vẫn là các công ty Pháp như Air France, Transavia, Corsair, French Bee ….. sẽ mất sức cạnh tranh so với các hãng hàng không châu Âu khai thác cùng các tuyến bay. Nếu được thông qua, dự luật ngân sách cũng tạo thêm chênh lệch đối với các gia đình Pháp sống tại các lãnh thổ hải ngoại, chi phí di chuyển trong năm của họ cũng sẽ tăng lên đáng kể.
Pháp: Thuế và phí chiếm hơn một nửa giá vé máy bay
Mặc dù đã xem xét lại văn bản dự thảo để sửa đổi một số điều khoản, nhưng theo báo Les Echos, chính phủ Pháp vẫn hướng tới mục tiêu thu một tỷ euro tiền thuế TSBA đánh trên vé máy bay. Được ban hành vào năm 2005 dưới thời tổng thống Jacques Chirac, thuế TSBA ngay từ đầu đã được xem như một loại thuế bổ sung. Tuy không tạo thêm thuế mới, chính phủ Michel Barnier vẫn muốn tăng hơn gấp ba lần số tiền thuế đánh trên tất cả các chuyến bay khởi hành từ Pháp.
Mục tiêu vẫn là nâng khoản thu thuế 450 trong năm nay lên thành một tỷ rưỡi euro trong năm tới. Vấn đề ở đây, Pháp hiện là một trong những nước châu Âu có mức thuế hàng không cao nhất. Khi tính gộp lại tất cả các loại thuế (TVA, TSBA, Écotaxe) cũng như các loại phí (an ninh soi chiếu, phụ phí nhiên liệu, phí quản lý bảo trì ….) số tiền này đã chiếm hơn một nửa giá vé máy bay. Một khi áp dụng mức thuế phụ trội, tỷ lệ này lại càng cao.
Theo tờ báo Les Échos, trên một tỷ euro tiền thuế được dự trù trong năm 2025, 80% sẽ đến từ các hãng hàng không dân dụng thông thường, phần còn lại nhắm vào các dịch vụ thuê phi cơ riêng (private jet) bay theo nhu cầu của khách. So với dự thảo đầu tiên, văn bản thứ nhì đã chỉnh sửa khung giá, qua việc đánh thuế nhẹ hơn một chút đối với các chuyến bay đường dài (trên 5.000 km). Trên các chuyến bay ngắn (dưới 1.000 km) mức thuế vẫn cao, không có thay đổi gì nhiều.
Một cách cụ thể, theo khung giá ghi trên dự luật ngân sách, thuế TSBA trên vé máy bay nội địa và châu Âu (từ 1.000 đến 5.000 km) hạng phổ thông sẽ tăng thêm hơn gấp ba lần từ 2,63 euro lên thành 9 euro mỗi vé. Cũng ở hạng phổ thông nhưng lại là tuyến bay đường dài (trên 5.000 km), mức thuế sẽ tăng gần gấp 5 lần, từ 7,5 euro lên thành 40 euro mỗi vé. Còn ở hạng thương gia, thuế TSBA tăng gần gấp đôi từ 63 euro lên thành 120 euro mỗi vé (thay vì 200 euro theo dự kiến ban đầu).
Cho dù chính phủ Pháp đã phần nào ghi nhận những mối lo ngại từ phía các công ty hàng không, nhưng trong mắt của hành khách Pháp, lâu lâu mới đi xa một lần, mức tăng thuế vẫn bị cho là rất nhanh trong một thời gian ngắn. Trước câu hỏi ai sẽ phải chi thêm tiền khi chính phủ quyết định tăng thuế, câu trả lời dường như vẫn là đại đa số dân Pháp, vì ba phần tư các chuyến bay khởi hành từ Pháp vẫn thường là các chuyến bay trong khối các nước châu Âu.
Thuế càng tăng, hàng không giá rẻ càng mất hấp dẫn
Trong văn bản sửa đổi, dự luật ngân sách Pháp 2025 cũng muốn nhẹ tay hơn đối với các hộ gia đình sống ở các vùng lãnh thổ hải ngoại, người dân Pháp sống ở các hải đảo (Réunion, Guadeloupe, Martinique, Guyane ….) cho dù có bay hơn 5.000 km đến Paris nhưng các tuyến này vẫn được xem như là bay nội địa và như vậy khách vẫn trả thuế TSBA ít hơn. Ngược lại, thành phần hành khách sẽ phải chi nhiều hơn vẫn là các du khách chuyên mua vé máy bay của các hãng hàng không giá rẻ (low cost).
Về điểm này, mức thuế đã tăng đáng kể trên hầu hết các chuyến bay đường ngắn và đường trung, kể cả các chuyến bay nội địa hay các chuyến bay sang các nước láng giềng như Vương quốc Anh, Thụy Sĩ, Hà Lan ….. vốn chiếm phần lớn các chuyến bay khởi hành từ Pháp. Đối với tất cả các chuyến bay này, thuế và phí vốn đã chiếm 45% giá vé máy bay, thuế TSBA sẽ tăng từ 2,63 lên 9 euro ở hạng phổ thông và từ 20 euro lên thành 30 euro ở hạng thương gia. Mức tăng thuế này khiến cho giá vé trung bình của các hãng hàng không giá rẻ (low cost) có thể lên tới 50 euro/chuyến, mất đi phần nào sức hấp dẫn trong mắt khách hàng, nhất là đối với giới trẻ.
Những sửa đổi về khung giá vào giờ chót, trong văn bản thứ nhì của dự luật ngân sách, vẫn chưa xua tan nỗi hoài nghi về khả năng cạnh tranh của ngành hàng không Pháp. Trong một bức thư ngỏ gửi đến thủ tướng Michel Barnier, tất cả các công đoàn, kể cả liên đoàn phi công SNPL, đã lưu ý chính phủ Pháp về những rủi ro khó lường của việc tăng thuế, đặc biệt là các sân bay cỡ nhỏ và trung bình ở các vùng tỉnh thành sẽ càng bị tác động nặng nề. Tính trung bình, một khi dự luật được thông qua, giá vé máy bay khởi hành từ Pháp sẽ tăng thêm từ 10% đến 14% trong năm tới
Riêng đối với công ty hàng không Pháp Air France, vốn là tập đoàn đóng góp nhiều nhất về thuế TSBA, với hơn 140 triệu euro mỗi năm, dự luật ngân sách năm tới sẽ tăng mức thuế phụ trội lên gần gấp đôi, đạt mức 270 triệu euro trong năm 2025. Vấn đề ở đây theo báo Les Échos, công ty Air France khó thể nào gánh vác một mình mức tăng thuế này. Thế nhưng, khi phải tăng thêm giá vé máy bay từ đầu năm 2025 và như vậy buộc khách hàng phải thanh toán thêm thuế, hãng hàng không Air France thế nào rồi cũng sẽ bị mất khách.
Cắt giảm chi tiêu, đồng thời tăng thuế để lấy lại cân bằng trong ngân sách nhà nước, các biện pháp này dường như vẫn chưa đủ. Trong tiến trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh, các hãng hàng không được khuyến khích đầu tư vào một đội bay hiện đại, ít tiêu thụ nhiên liệu hơn. Nhưng để có thể đầu tư, các công ty Pháp như Air France hay Transavia phải có doanh thu dồi dào. Dự luật ngân sách 2025 báo hiệu cho một bối cảnh kinh tế chung không mấy thuận lợi. Riêng đối với ngành hàng không, chân trời lại càng trở nên tăm tối.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét