Chuyện Lạ San Jose: Ngày Thường, Không Biết Nấu Một Tô Mì Gói, Nhưng Ông Đầu Bếp Này, Lại Là Người Bận Rộn Nhất Trong Mùa Lễ Tạ Ơn! Năm Nay Ông Đảm Trách Món Gà Tây Đút Lò Cho Ít Nhất Cho 3 Bữa Tiệc!Bật Mí Phương Pháp Nhà Nghề, Để Có Con Gà Tây Trên Bàn Tiệc!-Bữa tiệc Tạ Ơn, mà thiếu con gà tây trên bàn, coi như không có chút gì hương vị của ngày lễ cả!
Nhưng hoàn thành các công đoạn, để có con gà tây đút lò, thì cả một quá trình nhiều công phu, một món ăn thực hiện, mất rất nhiều thời gian.
Bạn phải cần ít nhất, gần 2 ngày trời, mới hoàn tất món này. Nguyên việc xả đá, cũng phải qua đêm, rồi ướp hương vị cho thấm, cũng mất thêm một đêm nữa. Bỏ vào lò rồi, cũng phải mất từ 6 đến 8 tiếng, con gà, trên dưới 20 lbs, mới chín.
Ông đầu bếp này, năm nay chỉ có đảm nhận 3 bữa Tiệc: Dạ tiệc “Đêm không gian hội ngộ”, Tiệc phục vụ Những Khách Không Nhà (Homeless) và Tiệc Gia Đình. Có những năm, 5 tiệc, ông vẫn hoàn thành nhiệm vụ tốt đẹp.
Sau đây, trong tinh thần chia sẻ Mùa Tạ Ơn, ông tiết lộ những bí quyết “thần sầu” nhà nghề chính ông, mà ông cất giữ biết bao nhiêu năm nay.
Nghe có vẻ phức tạp, nhưng thực hiện lại khá đơn giản!
-Phải sắm bộ quần áo Đầu Bếp Trưởng lành nghề, găng tay trắng, nón càng cao càng tốt!
-Có tí sức khỏe, bê con gà tây lên xuống, bỏ vào tủ lạnh, vào lò, nặng hơn một đứa bé, là công việc khá vất vả. Lỗ tai phải tốt, khi đồng hồ nhắc nhở: “Anh ơi, bê ra xả đá, bê vào tủ lạnh, bê vào lò, chín rồi, bê ra!” Các công đoạn quan trọng này phải có mặt của bếp trưởng!
Và điều quan trọng nhất, phụ tá đầu bếp (vợ của bạn) phải là tay lành nghề, biết nấu Gà Tây! Vậy là xong! Và đến giờ trình diễn! (không cần bếp phụ hiện diện, bưng ra để trên bàn, chờ mọi người vộ tay, hoan hô!) Thế là thành công!
Bạn là người tôi quý mến, mới tiết lộ công thức đầu bếp quốc tế này. Cứ theo cách này, chắc chắn sẽ có con gà tây trên bàn tiệc của Bạn năm sau. Chúc thành công!
Một vài hình ảnh ông đầu bếp, phục vụ những bữa tiệc Tạ Ơn năm nay, 2024:
(Đầu bếp chính và phụ bếp)
(Ông đầu bếp với Khách Không Nhà.)
(Ông đầu bếp với các con, các cháu.)
Quan Điểm Của Chính Phủ Hoa Kỳ Về: Lễ Tạ ơn 2024
(Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ân xá cho chú gà tây Liberty trong Lễ Tạ ơn Quốc gia tại Tòa Bạch Ốc ở Washington, Hoa Kỳ)
-Bài xã luận phản ảnh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ:
Người Mỹ mừng Lễ Tạ ơn vào thứ Năm của tuần thứ tư của tháng 11. Mặc dù ngày lễ này giống với lễ truyền thống kỷ niệm mùa thu hoạch phổ biến trong các xã hội nông nghiệp, có từ hàng nghìn năm trước, Lễ Tạ ơn tôn vinh trải nghiệm của những người châu Âu đầu tiên định cư tại nơi ngày nay là vùng đông bắc Hoa Kỳ.
Vào khoảng thời gian từ ngày 21 tháng 9 đến ngày 11 tháng 11 năm 1621, 53 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em người Anh cùng khoảng 90 người Mỹ bản địa, tổ chức một bữa tiệc để tạ ơn vụ thu hoạch đầu tiên của họ tại quê hương mới, Thuộc địa Plymouth ở tiểu bang Massachusetts ngày nay.
Đến đây vào tháng 11 năm trước, họ hoàn toàn không chuẩn bị cho sự khắc nghiệt của mùa đông Massachusetts. Nếu không có sự giúp đỡ nhiệt tình của những người bản địa Wampanoag, có lẽ không ai trong số 102 người châu Âu đầu tiên bước xuống con tàu Mayflower và đặt chân lên đất Mỹ có thể sống sót để đón mùa xuân năm sau.
Lễ Tạ ơn đầu tiên đó, mặc dù chưa được gọi như vậy, có các trò chơi, biểu diễn quân đội và rất nhiều niềm vui. Và sau một buổi cầu nguyện tôn giáo, mọi người thưởng thức bữa tiệc thịt nai, vịt và các loại gia cầm khác, cá và sò, cùng với ngô khô và bánh ngô, rau và trái cây.
Truyền thống đó được giữ cho đến ngày nay, mặc dù thực đơn đã thay đổi. Bà con, bạn bè gần xa giờ đây tụ tập quanh bàn tiệc của ngày lễ, nơi gà tây nướng chiếm vị trí trang trọng, xung quanh là nhân nhồi và nước sốt, khoai tây và nước sốt thịt cùng đủ loại rau, với một chiếc bánh bí ngô đang chờ sẵn. Đây vẫn là ngày của các trò chơi và các trận bóng bầu dục trên tivi, trong khi mọi người thưởng thức bữa tối.
"Trong suốt lịch sử đất nước chúng ta, mùa suy ngẫm và tạ ơn này diễn ra trong những thời điểm tốt đẹp," Tổng thống Joe Biden phát biểu.
"Trước khi có Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, những người hành hương đã tổ chức Lễ Tạ ơn để mừng vụ thu hoạch thành công đầu tiên của họ và sự giúp đỡ cũng như lòng hào phóng của người Wampanoag đã giúp họ làm được điều đó," Tổng thống Biden nói.
Lễ Tạ ơn bắt đầu như một lời cầu nguyện và tạ ơn của những người nhập cư, nếu không có sự giúp đỡ của những người bản địa, rất có thể họ đã không sống sót qua năm đầu tiên ở Bắc Mỹ. Ngày nay, Lễ Tạ ơn là dịp tụ họp của gia đình và bạn bè, một lần nữa bày tỏ lòng biết ơn vì cơ hội có được tương lai tươi sáng. Sau Lễ Tạ Ơn, một loạt những ngày lễ kế tiếp, cho đến cuối năm!
Lễ Tạ Ơn của nước Mỹ: Ngày hội tưng bừng, ý nghĩa nhất, của sự biết ơn, đoàn tụ và truyền thống đặc sắc!
(Nhật Ái)
-Thanksgiving không phải là về những món ăn, diễu hành hay nghi thức rực rỡ. Đó là ngày của trái tim
Khi nhắc đến Lễ Tạ ơn (Thanksgiving), hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong tâm trí nhiều người là một bàn tiệc thịnh soạn với chú gà tây vàng ruộm nằm ở trung tâm bàn tiệc. Nhưng Thanksgiving không chỉ xoay quanh những món ăn ngon.
Đây là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của nước Mỹ, quê hương thứ 2 của chúng ta mang ý nghĩa gắn kết gia đình, tôn vinh lòng biết ơn và lưu giữ những giá trị truyền thống đặc sắc đã tồn tại qua hàng thế kỷ. Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa sâu xa, lịch sử và những nét độc đáo của Thanksgiving, hãy cùng đi sâu khám phá ngày lễ này.
Gói kỳ nghỉ gia đình
Thanksgiving – Ngày lễ của lòng biết ơn
Thanksgiving là một ngày lễ quốc gia quan trọng, được tổ chức hàng năm ở Hoa Kỳ vào thứ Năm tuần thứ tư của tháng 11. Đây không chỉ là dịp để cảm tạ Ơn Trên vì những mùa màng bội thu và cuộc sống đủ đầy, mà còn là lúc các gia đình sum họp sau những ngày tháng xa cách.
Vào dịp này, người Mỹ thường tổ chức các bữa tiệc tối thịnh soạn, tham gia các hoạt động truyền thống như diễu hành, lễ xá tội gà tây, hoặc đơn giản là ngồi quây quần để ôn lại những điều tốt đẹp trong năm. Thanksgiving cũng đánh dấu sự khởi đầu của mùa lễ hội lớn nhất năm, bao gồm Black Friday, mùa mua sắm Giáng sinh và những sự kiện văn hóa cuối năm.
Thanksgiving không chỉ của riêng nước Mỹ
Mặc dù Thanksgiving thường được nhắc đến nhiều nhất tại Mỹ, nhưng ngày lễ này không chỉ có tại xứ sở cờ hoa này. Canada cũng có một ngày lễ Tạ ơn riêng, được tổ chức sớm hơn vào tháng 10. Ngoài ra, các đảo vùng Caribe và một số quốc gia khác cũng có những phiên bản lễ Tạ ơn để tôn vinh sự sung túc và lòng biết ơn đối với thiên nhiên.
Gói kỳ nghỉ gia đình
Dù mỗi nơi có cách tổ chức khác nhau, Thanksgiving ở Mỹ vẫn mang một nét độc đáo và đặc trưng riêng nhờ lịch sử đặc biệt gắn liền với những người định cư Pilgrims và các bộ lạc bản địa.
Lịch sử Lễ Tạ ơn: Hành trình qua thời gian
Thanksgiving có nguồn gốc từ thế kỷ 16 và được biết đến như một ngày hội gắn liền với lòng biết ơn và sự sẻ chia. Tuy nhiên, việc xác định chính xác ngày lễ Thanksgiving đầu tiên luôn là đề tài gây tranh cãi.
Thanksgiving đầu tiên: Bữa tiệc ở Plymouth hay Florida?
Theo sách vở của Mỹ, ngày lễ Thanksgiving đầu tiên được tổ chức vào năm 1621 tại thuộc địa Plymouth ở bang Massachusetts. Đây là khi những người hành hương Pilgrims, sau một mùa đông khắc nghiệt và đối mặt với vô số khó khăn, đã tổ chức bữa tiệc đầu tiên để cảm tạ vụ mùa bội thu. Họ đã mời các thành viên của bộ lạc Wampanoag – những người đã hỗ trợ họ rất nhiều trong việc canh tác và săn bắn trên vùng đất mới.
Tuy nhiên, một số sử gia cho rằng ngày lễ Thanksgiving thực sự đầu tiên tại Bắc Mỹ diễn ra sớm hơn thế.
Theo nhà sử học Michael Gannon, vào ngày 8-9-1565, tại St. Augustine, Florida, những người Tây Ban Nha đã tổ chức một buổi lễ tôn giáo để tạ ơn và chia sẻ bữa ăn với các bộ lạc bản địa. Sự kiện này xảy ra gần nửa thế kỷ trước lễ hội ở Plymouth, làm dấy lên nhiều tranh luận về nguồn gốc thật sự của Thanksgiving.
Từ phong tục đến ngày lễ quốc gia
Dù khởi nguồn như một phong tục cộng đồng, Thanksgiving trở thành ngày lễ chính thức của Mỹ nhờ Tổng thống George Washington. Vào ngày 28-9-1789, Quốc hội Mỹ đã yêu cầu ông chọn một ngày cố định để tổ chức Thanksgiving trên toàn quốc. Ngày 26-11-1789, Tổng thống Washington công bố Thanksgiving lần đầu tiên theo Hiến pháp mới của nước Mỹ. Sau đó, Tổng thống Abraham Lincoln, giữa bối cảnh khốc liệt của Nội chiến Mỹ, đã quyết định chọn thứ Năm cuối cùng của tháng 11 hàng năm làm ngày Thanksgiving, nhằm khuyến khích tinh thần đoàn kết và niềm hy vọng. Quyết định này tạo nền móng để Thanksgiving trở thành ngày lễ lớn mang tính biểu tượng. Năm 1941, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật chính thức quy định Thanksgiving sẽ được tổ chức vào thứ Năm tuần thứ tư của tháng 11, giữ nguyên đến tận ngày nay.
Món quà ý nghĩa nhất cho người thân yêu
Truyền thống ẩm thực: Gà tây và những món ăn đặc sắc
Lễ Tạ ơn sẽ không trọn vẹn nếu thiếu đi bàn tiệc thịnh soạn. Trong đó, gà tây quay là món ăn biểu tượng, xuất hiện gần như trên mọi bàn ăn gia đình Mỹ trong dịp này.
Vì sao gà tây lại là món ăn chính?
Có rất nhiều giả thuyết về lý do gà tây trở thành trung tâm của bàn tiệc Thanksgiving. Một trong những câu chuyện phổ biến liên quan đến Nữ hoàng Anh Elizabeth I. Vào thế kỷ 16, khi bà nghe tin hạm đội Tây Ban Nha bị đánh bại, bà đã yêu cầu thêm ngỗng quay để ăn mừng chiến thắng. Những người định cư Mỹ sau này được cho là lấy cảm hứng từ sự kiện đó, thay ngỗng bằng gà tây – một loài gia cầm phổ biến tại Bắc Mỹ thời bấy giờ.
Ngoài gà tây, bàn tiệc Thanksgiving còn có nhiều món ăn truyền thống khác:
- Khoai tây nghiền: Ăn kèm nước sốt thịt, tạo nên sự béo ngậy và đậm đà.
- Nhân nhồi (stuffing): Làm từ bánh mì, rau củ, và thảo mộc, được nhồi bên trong gà tây khi quay.
- Bánh bí (pumpkin pie): Một món tráng miệng ngọt ngào và mang đậm hương vị mùa thu.
Ngoài ra, một sự thật thú vị là trong bữa tiệc Thanksgiving đầu tiên năm 1621, người da đỏ đã tặng 5 con nai để làm quà cho những người định cư Pilgrims. Do đó, thịt nai rất có thể cũng đã xuất hiện trên bàn tiệc ngày đó.
Xá tội gà tây: Nghi thức nhân văn
Một trong những truyền thống đặc sắc nhất của Thanksgiving là lễ xá tội gà tây, diễn ra tại Nhà Trắng mỗi năm. Trong nghi thức này, Tổng thống Mỹ sẽ ân xá cho một chú gà tây, giúp nó thoát khỏi số phận trở thành món chính trên bàn ăn.
Truyền thống này có từ thời Tổng thống Abraham Lincoln. Con trai ông, Tad, đã xin tha mạng cho một con gà tây, khiến cha mình viết một “lời ân xá” đặc biệt cho chú gà này. Đến thời Tổng thống George HW Bush, nghi thức này được chính thức hóa và tổ chức thường niên.
Diễn hành Macy’s: Màn trình diễn đỉnh cao của lễ hội
Ngoài bữa tiệc, một sự kiện không thể thiếu trong ngày Thanksgiving là cuộc diễu hành Macy’s tại New York. Đây là một trong những sự kiện hoành tráng nhất nước Mỹ, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1924.
Cuộc diễu hành kéo dài khoảng 4 dặm qua trung tâm thành phố, thu hút hàng triệu người theo dõi. Điểm nổi bật nhất là các quả bóng bay khổng lồ mang hình dáng nhân vật hoạt hình, các xe hoa rực rỡ, và những màn biểu diễn âm nhạc sôi động.
Dù bị gián đoạn trong Thế chiến II, Macy’s Parade vẫn duy trì được sức hút mạnh mẽ, trở thành biểu tượng văn hóa không thể thiếu của lễ Tạ ơn.
Thanksgiving – Hơn cả một ngày lễ
Thanksgiving không chỉ là ngày lễ truyền thống, mà còn là biểu tượng của sự đoàn tụ, lòng biết ơn và hy vọng. Đây là dịp để người Mỹ nhìn lại một năm đã qua, bày tỏ tình yêu thương với gia đình, và trân trọng những gì họ đang có.
Từ những món ăn đặc sắc, nghi thức ý nghĩa, đến những sự kiện hoành tráng như diễu hành Macy’s, Thanksgiving đã vượt ra khỏi biên giới nước Mỹ, trở thành nguồn cảm hứng về lòng biết ơn và tinh thần sẻ chia trên toàn thế giới.
Trong không khí của mùa lễ hội, Thanksgiving trở thành lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng đầy sức mạnh: hãy sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn, và trân trọng những khoảnh khắc bên những người thân yêu, dù chỉ là một bữa ăn đơn giản nhưng chân thành. Đó mới chính là tinh thần của ngày lễ, vượt qua mọi biên giới, thời gian và văn hóa.
(Nhật Ái)
Hình ảnh Cuộc diễn hành quy mô, vĩ đại Macy's, truyền thống nhân dịp lễ Tạ ơn hằng năm, chỉ có ở Mỹ!
-Lễ diễn hành Macy's truyền thống nhân dịp lễ Tạ ơn diễn ra tại thành phố New York, Mỹ ngày 28-11-2024, với sự tham gia của hàng trăm ca sĩ, vũ công và hoạt náo viên.
Ngày Lễ Tạ ơn rơi vào ngày thứ Năm của tuần thứ tư trong tháng 11 ở Mỹ. Điểm nhấn của lễ diễu hành là những quả bóng bay khổng lồ với hình dáng các nhân vật hoạt hình yêu thích.
(Bóng bay khổng lồ tại Lễ diễn hành Macy's dịp lễ Tạ ơn, ở New York, Mỹ, ngày 28-11-2024)
Tin Quốc Tế Đó Đây
Lebanon: Thỏa Thuận Ngừng Bắn Giữa Do Thái và Hezbollah Bắt Đầu Có Hiệu Lực
(Dòng xe hơi của người dân về lại các ngôi làng, sau khi htoar thuận ngừng bắn giữa Do Thái và Hezbollah có hiệu lực kể từ ngày 27/11/2024. Ghazieh, Lebanon.)
-Sau gần hai tháng Lebanon liên tục bị tấn công, thỏa thuận ngừng bắn giữa Do Thái và lực lượng Hồi Giáo Lebanon Hezbollah có hiệu lực từ 4 giờ sáng 27/11/2024, giờ địa phương. Thỏa thuận, đạt được dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ và Pháp, quy định phía Do Thái có 60 ngày để rút toàn bộ quân khỏi lãnh thổ Lebanon và đổi lại Hezbollah rút khỏi phía Bắc sông Litani, cách biên giới Do Thái khoảng 20 cây số.
Cụ thể, trong 2 tháng tới, quân đội Lebanon từng bước được khai triển ở khu vực biên giới sát với Do Thái, nơi mà lực lượng Hezbollah bắt đầu rút đi. Lực lượng Lính Mũ Xanh Liên Hiệp Quốc tại Lebanon (FINUL) sẽ được tăng cường trong khu vực và một ủy ban giám giát đặt dưới sự chỉ đạo của Mỹ và Pháp sẽ được thành lập để bảo đảm là các bên tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn.
Trước mắt, thỏa thuận hưu chiến là một tin vui với tất cả các bên liên quan. Thường dân Lebanon tại các vùng chiến sự, chẳng hạn như ở miền Nam Lebanon và một số khu vực ở phía Nam thủ đô Beirut đã bắt đầu trở về nhà sau nhiều tháng tị nạn chiến tranh. Từ 14 tháng qua, lực lượng Hezbollah liên tục nhắm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Do Thái và đòi Nhà nước Do Thái chấm dứt xung đột tại dải Gaza. Từ tháng 9 đến nay, Do Thái mở một "cuộc chiến toàn diện tiêu diệt Hezbollah", khiến 3.800 thường dân Lebanon thiệt mạng. Từ Jerusalem, thông tín viên Sami Boukhelifa của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:
"Đối với Thủ tướng Do Thái, đây không chỉ là hưu chiến. Tối qua, ông Benjamin Netanyahu tuyên bố: Tôi đã hứa mang lại chiến thắng và chúng ta sẽ giành được chiến thắng này. Đây là một thành công quan trọng, vì thỏa thuận ngừng bắn tại Lebanon cho phép tách biệt hai mặt trận khác nhau. Cho đến nay lực lượng Hezbollah luôn nhắc đi nhắc lại là sẽ chỉ ngừng bắn phá vào Do Thái một khi Nhà nước Do Thái ngừng cuộc chiến tại Gaza. Về điểm này, phong trào Hồi Giáo Shia ở Lebanon đã thất bại.
Nhưng tại Do Thái, thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được cũng bị coi là một hình thức đầu hàng, bởi vì Thủ tướng Netanyahu từng cam kết tiêu diệt Hezbollah tận gốc rễ, nhưng ông đã thất bại.
Vì vậy, Thủ tướng Do Thái tìm cách trấn an những người trong nội bộ vẫn tỏ ra hoài nghi về chính sách của ông. Bằng giọng điệu cứng rắn, Benjamin Netanyahu đe dọa: Tôi cam kết buộc phe Hezbollah phải tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn và sẽ không ngần ngại tấn công Lebanon trở lại nếu như thỏa thuận bị vi phạm. Thời gian hưu chiến cho phép Do Thái tái vũ trang và tập trung vào những mục tiêu khác. Trong tầm ngắm của Thủ tướng Do Thái vẫn là Gaza và đặc biệt là Iran. Netanyahu cam kết ông sẽ ngăn cản Teheran trang bị vũ khí nguyên tử".
Lebanon cho biết quân đội nước này đang được khai triển tại miền Nam sát biên giới Do Thái để bảo đảm là các bên tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn. Iran, điểm tựa của Hezbollah, qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, cho biết Teheran hoan nghênh "việc nhà nước Do Thái chấm dứt cuộc tấn công" vào Lebanon. Thổ Nhĩ Kỳ thì "hy vọng ngừng bắn tại Lebanon sẽ vĩnh viễn" nhằm bảo đảm "hòa bình và ổn định trong khu vực". Ankara đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực đòi Do Thái "đền bù những thiệt hại đã gây ra cho Lebanon".
Đối với Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen, đây là cơ hội cho "Lebanon củng cố an ninh và ổn định trong nước nhờ thu hẹp ảnh hưởng của Hezbollah". Anh Quốc cũng kỳ vọng tìm được "một giải pháp chính trị bền vững cho Lebanon và khu vực".
Lệnh Hưu Chiến ở Lebanon: Mỹ và Pháp Sẽ Giám Sát Việc Thực Thi Thỏa Thuận
(Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Lebanon Michel Aoun tại Beirut, Lebanon, ngày 1/9/2020.)
-Trong một thông cáo chung được công bố tối 26/11/2024, hai nguyên thủ quốc gia Mỹ và Pháp tuyên bố sẽ giám sát để bảo đảm cho thỏa thuận ngừng bắn ở Lebanon, có hiệu lực từ 4 giờ sáng 27/11, được "thực thi toàn bộ".
Tổng thống Mỹ Joe Biden và đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh quyết tâm thực hiện nỗ lực sao cho "cuộc xung đột này không dẫn đến một vòng xoáy bạo lực mới". Lãnh đạo hai nước "cam kết giữ một vai trò hàng đầu trong việc hỗ trợ cho các nỗ lực của quốc tế nhằm củng cố năng lực của quân đội Lebanon và tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế đất nước, thúc đẩy ổn định và thịnh vượng cho khu vực".
Theo thông tấn xã AFP, Hoa Kỳ và Pháp đã vận động từ nhiều tuần qua để đạt được thỏa thuận ngưng bắn dựa trên các sáng kiến của Mỹ. Văn bản đã được cả Do Thái và chính phủ Lebanon chấp thuận về mặt nguyên tắc. Thông tín viên Guillaume Naudin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Hoa Thịnh Ðốn giải thích:
"Đã gần 14 tháng chiến tranh làm rung chuyển vùng Cận Đông và cũng gần như ngần ấy thời gian Joe Biden nói rằng nhóm cộng sự viên của ông đang đàm phán để ngưng các cuộc giao tranh. Vào lúc tiếng súng phải im ở Lebanon, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh việc tham gia thực hiện thỏa thuận ngưng bắn là sáng kiến của Mỹ với sự hậu thuẫn của Pháp, nhưng ông cũng nói rõ là sẽ không có sự hiện diện của lính Mỹ trên thực địa.
Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm giải thích việc Do Thái rút quân và việc khai triển lực lượng Lebanon ở miền Nam nay không còn phe Hezbollah phải diễn ra trong vòng từ 50-60 ngày. Đây cũng là quãng thời gian ông Biden còn ở Tòa Bạch Ốc.
Theo một viên chức cao cấp, điểm cốt lõi của thỏa thuận đã được thương thuyết trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ. Không lâu trước cuộc bỏ phiếu, các cộng sự viên của Donald Trump cũng đã được thông báo rằng có chút hy vọng cuối đường hầm, và được thông báo một lần nữa vào những giờ gần đây.
Cũng theo viên chức cao cấp này, thỏa thuận trên đã được các Cố vấn An ninh của Tổng thống đắc cử chấp thuận, bởi vì văn bản này tôn trọng các lợi ích của Do Thái và giúp chấm dứt một cuộc xung đột đã kéo dài quá mức.
Tổng thống Mỹ tỏ hy vọng thỏa thuận ngừng bắn có thể là khúc dạo đầu cho một bước mới để chấm dứt chiến sự trong khu vực. Như Joe Biden tuyên bố, ông đặc biệt nghĩ đến tình hình ở dải Gaza. Cũng vì lý do này mà ông tiếp tục cáo buộc phe Hamas không thực hiện các nỗ lực cần thiết cho hòa bình".
Ngay khi lệnh hưu chiến có hiệu lực, một lãnh đạo cao cấp của Hamas hôm nay cho biết phong trào Hồi giáo Palestine này cũng "sẵn sàng" cho một thỏa thuận ngừng bắn với quân đội Do Thái trên dải Gaza. Nhân vật này cho biết đã chuyển lời qua các nước trung gian hòa giải là Ai Cập, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, mong muốn có một thỏa thuận nghiêm túc về trao đổi tù nhân. Tuy nhiên, phe Hamas cũng cáo buộc Do Thái cản trở mọi thỏa thuận.
Hậu Quả Đối Với Gaza Sau Khi Do Thái và Hezbollah Ngưng Bắn ở Lebanon
(Một góc thành phố Gaza sau loạt oanh kích của Không quân Do Thái ngày 21/11/2024).
-Trong bối cảnh thỏa thuận ngưng bắn giữa Do Thái với tổ chức Hezbollah ở Lebanon chính thức có hiệu lực từ hôm 27/11/2024, xung đột ở dải Gaza vẫn không có dấu hiệu lắng xuống.
Giới chuyên gia nhận định Nhà nước Do Thái có thể gia tăng sự hiện diện quân sự ở vùng lãnh thổ Palestine này, tuy nhiên, người dân Gaza hy vọng tổ chức Hamas sẽ nối gót Hezbollah và đàm phán với Do Thái. Từ Jerusalem, thông tín viên Rami Al Meghari và Sami Boukhelifa gửi về bài phóng sự:
Tại Gaza, Giáo sư Raed Najm, một học giả chuyên về quan hệ quốc tế, không có từ nào khác để mô tả thỏa thuận ngưng bắn giữa Do Thái và Hezbollah, đó là "sự đầu hàng" của lực lượng dân quân Hồi Giáo Shia.
Raed Najm nói: "Mặt trận Lebanon đã bùng lên để hỗ trợ Gaza. Nhưng sau thỏa thuận ngưng bắn giữa Do Thái và Hezbollah, có thể nói là Gaza đã mất đi một sự hậu thuẫn lớn. Hậu quả là Hamas và các lực lượng khác đang chiến đấu tại Gaza sẽ bị suy yếu".
Lý do là Do Thái có thể rút quân khỏi miền Bắc và tăng cường sự hiện diện trong vùng lãnh thổ Palestine. Hamas cho biết sẵn sàng đàm phán trở lại để chấm dứt chiến tranh. Theo Raed Najm, Hamas nên nghiêm túc xét đến một giải pháp chính trị.
Ông nói tiếp: "Hezbollah đã ủy quyền cho chính phủ Lebanon đàm phán với Do Thái. Hamas cũng nên làm tương tự với chính quyền Palestine. Do Thái sẽ rơi vào một tình thế khó xử, bởi Nhà nước Do Thái không thể tiếp tục nói rằng họ không thể tiến hành bất kỳ đối thoại nào với một nhóm vũ trang này. Họ sẽ phải đối mặt với một chính quyền đại diện cho người dân Palestine. Và như vậy, có thể đưa toàn bộ vấn đề Palestine trở lại tâm điểm của các cuộc đàm phán.
Đây là một kịch bản lạc quan, nhưng cũng có một khả năng khác mang tính cực đoan hơn. Raed Najm nói: "Hamas cũng cho biết sẵn sàng tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang lâu dài, và đã chuẩn bị cho điều đó. Nhưng kịch bản này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân Gaza, vốn đã quá mệt mỏi với cuộc chiến này".
Ukraine: Người Dân Không Muốn Ra Chiến Trường
-Tờ Le Figaro có bài viết về những người đàn ông Ukraine trong độ tuổi chiến đấu đang tìm mọi cách, thậm chí là chi tiền, để trốn lệnh động viên.
Ở tuổi 39, Olexandr không muốn ra chiến trường. Sáu tháng trước, anh đã bán chiếc taxi của mình và chi trả 6.000 Mỹ kim để có được giấy chứng nhận thương tật giả mạo. Đó là một khoản tiền rất lớn tại một nước mà mức lương tháng trung bình chưa đến 400 Euro. Số tiền này lẽ ra đã giúp anh được xóa khỏi danh sách động viên. Tuy nhiên, sau đó một tháng, một chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn đã nổ ra, và người nhận tiền của Olexandr bị bỏ tù. Từ đó, anh không nhận được tin tức gì, và tự giam mình trong nhà và chỉ dám ra ngoài vào ban đêm khi các cuộc tuần tra trở nên thưa thớt. Olexandr đã gửi vợ và con trai 11 tuổi sang Đức ngay sau khi nộp tiền, và than thở rằng "mặc dù vợ có gửi tiền đều đặn, nhưng cũng chỉ đủ để anh mua thức ăn".
Giống như Olexandr, hàng ngàn người đã trả tiền để không bị động viên. Số tiền cần chi trả dao động tùy thuộc vào khả năng tài chánh của mỗi người. Theo các nguồn tin mà Le Figaro có được, số tiền này dao động từ 5.000 Mỹ kim đến 25.000 Mỹ kim, và một số giấy miễn trừ chỉ có giá trị trong vài tháng, một số khác thì có giá trị vô thời hạn.
Quy mô của hiện tượng này khó có thể đo lường, nhưng có thể được nhận thấy qua các vụ bê bối tham nhũng gần đây, đã làm ô danh các cơ quan đặc trách việc động viên. Vào đầu tháng 10, báo chí Ukraine đã tiết lộ hàng chục Công tố viên có dính líu đến mạng lưới buôn bán giấy chứng nhận thương tật ở khu vực Khmelnytskyï. Bê bối này đã khiến Chưởng lý Andriy Kostin phải từ chức hôm 23/10 vừa qua.
Trong nhiều tuần qua ở Ukraine, hoạt động kiểm tra ngẫu nhiên đầy bạo lực đã gia tăng trên toàn quốc. Gặp khó khăn ở mặt trận miền Đông, Ukraine đang cần thêm binh lính. Cuối tháng 10, Tổng thống Zelensky đã thông báo muốn động viên thêm 160.000 người. Tuy nhiên, sau gần 4 năm chiến tranh, lòng nhiệt huyết bảo vệ tổ quốc đã phai dần. Nhiệt tình ái quốc của những tháng đầu tiên đã nhường chỗ cho sự mệt mỏi của một xã hội đã có khoảng 80.000 người chết và 400.000 người bị thương.
Putin Nói Nga Sẽ Dùng Mọi Vũ Khí Có Trong Tay Nếu Ukraine Thủ Đắc Vũ Khí Nguyên tử
-Trong bức ảnh do hãng thông tấn nhà nước Nga Sputnik công bố, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu với báo chí sau khi tham dự cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) tại Astana, Kazakhstan, vào ngày 28 tháng 11 năm 2024.
Tổng thống Vladimir Putin ngày thứ Năm nói Nga sẽ sử dụng mọi vũ khí có trong tay chống lại Ukraine nếu Kyiv thủ đắc vũ khí nguyên tử.
Tuần trước, báo The New York Times đưa tin một số viên chức phương Tây không nêu danh tính đã gợi ý rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể cấp vũ khí nguyên tử cho Ukraine trước khi ông rời nhiệm sở.
"Nếu quốc gia mà về cơ bản chúng tôi đang lâm chiến vào lúc này trở thành một cường quốc nguyên tử, chúng tôi sẽ làm gì? Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả, tôi muốn nhấn mạnh điều này, chính xác là tất cả biện pháp hủy diệt mà Nga có. Mọi thứ: chúng tôi sẽ không cho phép điều đó. Chúng tôi sẽ theo dõi mọi bước đi của họ", ông Putin phát biểu trong một cuộc họp báo ở Astana, Kazakhstan.
"Nếu chính thức có ai đó chuyển giao thứ gì đó, thì điều đó có nghĩa là vi phạm mọi cam kết không phổ biến vũ khí nguyên tử mà họ đã đưa ra", ông Putin nói.
Ông Putin cũng nói Ukraine gần như không thể sản xuất vũ khí nguyên tử, nhưng họ có thể chế tạo một loại "bom bẩn" nào đó, một loại bom chính quy chứa vật liệu phóng xạ để phát tán gây ô nhiễm. Trong trường hợp đó, Nga sẽ phản ứng thích hợp, ông nói.
Nga đã nhiều lần nói mà không đưa ra bằng chứng rằng Ukraine có thể sử dụng một thiết bị như vậy.
Ukraine thừa hưởng vũ khí nguyên tử từ Liên bang Soviet sau khi sụp đổ năm 1991, nhưng đã từ bỏ chúng theo một thỏa thuận năm 1994, Bản ghi nhớ Budapest, để đổi lấy bảo đảm an ninh từ Nga, Mỹ và Anh.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã nhiều lần phàn nàn rằng bước đi này đã khiến đất nước của ông mất an ninh. Ông dẫn ra điều này là lý do vì sao Ukraine nên được kết nạp vào Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), điều mà Mạc Tư Khoa cực lực phản đối.
Chiến Tranh Ukraine: Thời Khắc Quyết Định Đối Với Âu Châu
(Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Âu Châu tại Puskas Arena, Budapest, Hung Gia Lợi, ngày 07/11/2024.)
-Về chiến tranh Ukraine, bài xã luận của nhật báo Le Monde chạy tựa "Ukraine: Thời khắc quyết định đối với Âu Châu". Xung đột giữa Nga và Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ tư và ngày càng khốc liệt, trong bối cảnh Donald Trump chuẩn bị trở lại Tòa Bạch Ốc vào tháng 01/2025. Tình hình trở nên căng thẳng hơn và các quốc gia Âu Châu cần phải có đối sách phù hợp và kịp thời trong trường hợp Hoa Kỳ ngừng hỗ trợ quân sự Ukraine.
Xung đột đã chuyển từ cuộc chiến tiêu hao sang một giai đoạn nguy hiểm hơn. Giao tranh đang ngày càng dữ dội, trong bối cảnh Nga kêu gọi Bắc Hàn hỗ trợ, còn ở bên kia chiến tuyến, Hoa Kỳ đã bật đèn xanh cho Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga bằng phi đạn tầm xa ATACMS do Hoa Thịnh Ðốn cung cấp. "Ăn miếng trả miếng", Ðiện Cẩm Linh đã phản ứng bằng cách phóng phi đạn vào thành phố Dnipro, và Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc phương Tây "toàn cầu hóa" cuộc xung đột.
Ukraine đang tìm mọi cách để không bị rơi vào thế yếu nếu hai bên quyết định đàm phán trong tương lai. Quân đội Nga, với sự hỗ trợ của binh sĩ Bắc Hàn, đã giành lại được một nửa phần lãnh thổ bị Ukraine chiếm ở Kursk vào mùa Hè vừa qua. Xung đột ngày càng ác liệt, đi kèm với lập trường khó đoán của Donald Trump, khiến tình hình càng thêm phức tạp.
Các quốc gia Âu Châu, vốn không muốn đối đầu trực diện với Nga, giờ phải tỏ lập trường rõ ràng. Le Monde nhận định đây là cuộc chiến của chính họ, tuy nhiên, nhiều nước vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về đối sách cần áp dụng. Thời gian đang gấp rút đối với Ukraine: quân đội gặp khó khăn, dân thường phải hứng chịu những đợt oanh kích dữ dội, còn cơ sở hạ tầng năng lượng bị phá hủy.
Một số quốc gia, như Pháp, Vương Quốc Anh và Ba Lan, đang thảo luận về chính sách hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả việc gửi binh lính cho Kyiv, trong trường hợp Donald Trump "bỏ rơi" Ukraine.
Nga Không Kích Mạng Lưới Năng Lượng Ukraine, Hàng Trăm Ngàn Người Bị Mất Điện
(Hình AFP - Florent Vergnes, minh họa: Nhân viên tập đoàn DTEK sửa chữa các đường dây điện tại vùng Donetsk, Ukraine, ngày 19/11/2024.)
-Sáng 28/11/2024, Nga lại tấn công ồ ạt vào mạng lưới năng lượng ở Ukraine trong khi nhiệt độ chỉ ở mức 0°C. Hàng trăm ngàn người dân bị mất điện ở Kyiv, Odessa và Dnipro. Vụ tấn công được cho là đòn "đáp trả" hai vụ oanh kích của Ukraine bằng phi đạn Mỹ ATACMS vào lãnh thổ Nga trước đó.
Trên mạng Facebook, Bộ trưởng Năng Lượng Ukraine tố cáo "một lần nữa, lĩnh vực năng lượng lại bị kẻ thù (Nga) tấn công ồ ạt". Ông Andriy Yermak, chánh văn phòng Tổng thống Zelensky, khẳng định trên mạng Telegram rằng Ukraine sẽ đáp trả, đồng thời lên án Nga "theo đuổi chiến thuật khủng bố, dự trữ phi đạn để tấn công các công trình hạ tầng của Ukraine, để gây chiến với thường dân trong mùa đông".
Còi báo động đã vang trên cả nước. Không quân Ukraine cho biết phi đạn của Nga nhắm đến các vùng Odessa, Mykolaiv (miền Nam), Kirovograd (miền Trung) và Kherson (miền Đông). Theo thông tấn xã AFP, Nga thường gia tăng oanh kích vào các khu vực dân sự ở Ukraine khi mùa đông đến gần, và nhắm đến các cơ sở hạ tầng năng lượng.
Về phía Nga, Bộ Quốc phòng nước này cho biết đã bắn hạ 25 drone Ukraine trong đêm 27-28/11 ở vùng Briansk, sát biên giới Belarus, trên bán đảo Crimea và vùng Rostov (miền Nam Nga).
Nga đang giành lợi thế ở mặt trận miền Đông trước một quân đội Ukraine bị suy yếu. Trước tình hình này, ngày 27/11, chính quyền Tổng thống Mỹ mãn nhiệm Joe Biden đã kêu gọi Kyiv hạ tuổi nghĩa vụ quân sự xuống còn 18, thay vì 25 tuổi như hiện nay, để bổ sung cho lực lượng quân đội. Ngoài ra, theo nguồn tin của thông tấn xã Reuters, chính quyền Hoa Kỳ cũng đang chuẩn bị một gói viện trợ mới cho Ukraine trị giá 725 triệu Mỹ kim, bao gồm các loại vũ khí chống tăng, đạn dược, mìn, drone, phi đạn Stinger và rocket Himars... để cản đà tiến của Nga trên chiến trường.
Tổng thống mãn nhiệm Joe Biden cố gắng tăng cường hỗ trợ cho Kyiv trước khi chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm Donald Trump, chủ trương gây áp lực với Kyiv để đàm phán với Mạc Tư Khoa.
Pháp Từ Chối Nói Liệu Có Bắt Giữ Putin Theo Trát của ICC Hay Không
(Tổng thống Nga Vladimir Putin)
-Pháp, nước đang chịu áp lực về lập trường của mình đối với trát bắt giữ quốc tế được đưa ra nhắm vào Thủ tướng Do Thái, hôm thứ Năm từ chối cho biết liệu họ có sẵn sàng bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin theo một lệnh tương tự hay không.
Tòa án Hình sự Quốc tế đã ra trát bắt giữ vào tuần trước đối với Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng của ông và một thủ lĩnh quân sự của Hamas về cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại trong cuộc xung đột ở Gaza.
Tất cả các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Âu Châu, kể cả Pháp, đều là các bên ký kết Hiệp ước thành lập của ICC nhưng Pháp ngày thứ Tư nói rằng họ tin rằng ông Netanyahu được miễn trừ trước các hành động của ICC vì Do Thái chưa ký kết các điều lệ của tòa án.
ICC cũng đã ra trát bắt giữ đối với ông Putin, cáo buộc ông phạm tội ác chiến tranh khi trục xuất bất hợp pháp hàng trăm trẻ em khỏi Ukraine, dù Nga không phải là bên ký kết Hiệp ước thành lập của ICC.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Christophe Lemoine hôm thứ Năm nói rằng lập trường pháp lý của Pháp về căn bản là giống nhau đối với lệnh bắt giữ được ban hành đối với ông Putin và ông Netanyahu.
"Chúng tôi có lẽ chưa cụ thể lắm khi bình luận về trường hợp của ông Putin so với trường hợp hiện tại nhưng, trong mọi trường hợp, lập trường của chúng tôi vẫn như vậy", ông Lemoine nói với các phóng viên.
Khi được hỏi liệu điều này có nghĩa là Pháp sẽ không bắt giữ ông Putin nếu ông đặt chân lên đất Pháp, ông nói: "Liên quan đến Vladimir Putin, tất cả những người phạm tội thì sẽ không thoát được trừng phạt. Họ phải bị buộc chịu trách nhiệm về hành vi của mình, và chúng tôi luôn nói rằng chúng tôi sẽ áp dụng luật pháp quốc tế trong mọi khía cạnh".
Nhưng ông cho biết vấn đề miễn trừ, mà ông nói đã được ghi nhận trong các điều lệ của ICC, là "phức tạp" và đôi khi các quốc gia có quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Nghị Viện Âu Châu Thông Qua Thành Phần Tân Ủy Ban Âu Châu
(Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen (trái) esquerda) và Chủ tịch Nghị Viện Âu Châu Roberta Metsola.)
-Hôm 27/11/2024, Nghị Viện Âu Châu họp tại Strasbourg, Pháp, đã bỏ phiếu thông qua thành phần của Ủy Ban Âu Châu khóa mới. Ủy Ban Âu Châu, do Chủ tịch Ursula von der Leyen đứng, ngả hẳn về hữu, đặc biệt với việc Raffaele Fitto, thành viên đảng cực hữu cầm quyền tại Ý Ðại Lợi trở thành Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy Ban Âu Châu.
Thành phần của Ủy Ban Âu Châu mới được 370 Nghị sĩ ủng hộ, 282 chống, và 36 vắng mặt. 15 trên 27 thành viên của Ủy Ban thuộc về đảng cánh hữu PPE, lực lượng chính trị đứng đầu tại Nghị Viện. Theo thông tấn xã AFP, lãnh đạo đảng PPE, Manfred Weber, đã hài lòng về kết quả bỏ phiếu, với khẳng định thành phần Ủy Ban mới là "rất cân bằng". Lãnh đạo đảng cánh hữu Âu Châu nhấn mạnh là chính trị gia đảng cực hữu Ý Ðại Lợi vừa được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu thuộc lực lượng chính trị "thân Âu Châu, thân Ukraine và ủng hộ Nhà nước pháp quyền".
Ngược lại, việc chính trị gia cực hữu Ý Ðại Lợi có mặt trong thành phần Ủy Ban Âu Châu gây phân hóa cánh tả. Nếu như lãnh đạo đảng Xã hội Dân chủ Âu Châu, Iratxe Garcia-Pérez, ủng hộ giải pháp này, với lý do Âu Châu cần "ổn định", thì nhiều Nghị sĩ cánh tả khác đã bỏ phiếu chống. Đối với Nghị sĩ đảng Xanh Marie Toussaint, "Liên Hiệp Âu Châu lùi bước mỗi khi cực hữu lấn tới", "tiền lệ" nói trên đã mở ra "viễn cảnh tồi tệ hơn" với Liên Hiệp Âu Châu.
Theo nhà phân tích Luigi Scazzieri, thuộc Centre for European Reform, "thách thức khẩn cấp nhất" của nhiệm kỳ thứ hai của Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen, là việc ông Donald Trump trở lại cầm quyền tại Mỹ. Liên Hiệp Âu Châu phải đối đối đầu trên "hai mặt trận" chính. Thứ nhất là thương mại, với việc Tổng thống tân cử Mỹ đe dọa sẽ tăng thuế với các hàng nhập cảng từ Âu Châu. Mặt trận thứ hai là "an ninh", với nguy cơ Mỹ cắt giảm các hỗ trợ đối với Ukraine.
Theo Euronews, Chủ tịch Ursula von der Leyen, trong phát biểu ra mắt tân Ủy Ban, đã nhấn mạnh đến mục tiêu hàng đầu là "tái khởi động nền kinh tế Liên Hiệp Âu Châu đang giai đoạn trì trệ, tăng cường năng lực cạnh tranh, giảm các thủ tục hành chính, tháo gỡ các rào cản đối với ngoại quốc đầu tư, thu hẹp khoảng cách với Mỹ và Trung Quốc về mặt cách tân". Hậu thuẫn Ukraine, tăng cường nền quốc phòng Âu Châu, tăng cường quản lý nhập cư, mở rộng Liên Hiệp Âu Châu, đẩy mạnh hành động vì khí hậu và nhà nước pháp quyền cũng là các ưu tiên khác.
Tân Ủy Ban Âu Châu sẽ chính thức bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm kể từ ngày 1/12/2024.
Pháp và Ba Lan Phản Đối Dự thảo Hiệp định Mậu Dịch Tự Do Với Nam Mỹ
(Nông dân Pháp lái xe kéo biểu tình để phản đối Hiệp định Mercosur, chặn đường nối giữa Pháp và Đức, tại Strasbourg, Pháp, ngày 18/11/2024.)
-Hôm 26/11/2024, với đa số phiếu áp đảo, Hạ viện Pháp đã ủng hộ lập trường của chính phủ, phản đối Dự thảo Hiệp định mậu dịch tự do giữa Liên Hiệp Âu Châu và 5 nước Nam Mỹ (Mercosur).
Theo Bộ trưởng Thương mại Pháp, Sophie Primas, kết quả bỏ phiếu nói trên giúp lập trường phản đối Dự thảo thỏa thuận Mercosur của chính phủ Pháp có thêm trọng lượng trước Ủy Ban Âu Châu và Hội Đồng Âu Châu. Hôm qua, ngay sau khi Hạ viện Pháp bỏ phiếu chống, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng tuyên bố bác bỏ Dự thảo. Thông tín viên Adrien Sarlat của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Varsava cho biết cụ thể:
"Paris và Vacxava cùng chống lại các sản phẩm từ Nam Mỹ. Thủ tướng Ba Lan phát biểu: "Nói một cách đơn giản là Ba Lan không chấp nhận Hiệp ước Thương mại với các quốc gia Nam Mỹ với hình thức hiện tại". Ba Lan hôm qua đã chính thức đứng về phía Pháp để phản đối một Hiệp ước Thương mại được cho là "nguy hiểm" đối với Âu Châu.
Hôm thứ Sáu 22/11, Bộ trưởng Nông Nghiệp Pháp Annie Genevard đã tới Vacxava để vận động chính phủ Ba Lan ủng hộ mục tiêu này. Paris và Vacxava cùng phản đối việc nhập cảng nông phẩm được trồng ở Nam Mỹ theo các tiêu chuẩn ít ngặt nghèo hơn so với tiêu chuẩn của Liên Hiệp Âu Châu.
Đây là một mối nguy hiểm tiềm tàng đối với sức khỏe của người tiêu dùng cũng như đối với nông dân Ba Lan. Các nhà sản xuất thịt bò, thịt gia cầm và đường đặc biệt lo ngại không thể kháng cự lại được cạnh tranh không lành mạnh, sẽ khiến giá giảm và khiến họ không thể bán sản phẩm.
Bởi vì ở đây mọi người đều nhớ đến việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với ngũ cốc Ukraine vào năm 2023. Thủ tướng Ba Lan nói: "Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến nông dân Ba Lan. Và rõ ràng Ba Lan không phải là nước duy nhất phản đối, nhiều quốc gia thành viên cũng có quan điểm tương tự".
Kể từ thứ Bảy, nông dân Ba Lan đã duy trì áp lực để bảo đảm được chính phủ hỗ trợ và bảo vệ. Họ đã phong tỏa một cửa khẩu biên giới với Ukraine từ 4 ngày nay, và cảnh báo các cuộc biểu tình dự kiến sẽ tiếp diễn cho đến cuối năm nay".
Theo báo chí Pháp, Ý Ðại Lợi và Hòa Lan cũng có thể phản đối Dự thảo này. Theo quy định của Liên Hiệp Âu Châu, Dự thảo Hiệp định Mercosur có thể bị ngăn chặn, nếu phe phản đối tập hợp được tối thiểu bốn quốc gia thành viên, với tổng dân số chiếm 35% dân số toàn khối.
Phá Hoại Cáp Ngầm: Ba Lan Đề Xuất Lập Đội Tuần Tra ở Biển Baltic
(Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk phát biểu trong cuộc họp thượng đỉnh tại Harpsund, Thụy Điển, ngày 27/11/2024).
-Ngày 27/11/2024, các nước Bắc Âu và vùng Baltic họp thượng đỉnh tại Harpsund, Thụy Điển trong bối cảnh nghi ngờ "chiến tranh hỗn hợp" ở biển Baltic sau hai vụ cáp ngầm bị phá hoại. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã đề xuất thành lập một lực lượng cảnh sát ở biển Baltic để bảo vệ "các cơ sở hạ tầng chiến lược".
Theo Thủ tướng Ba Lan, "cần phải có những công cụ mới để chống lại các mối đe dọa". Sáu nước còn lại (Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy, Latvia, Estonia) bày tỏ "quan tâm" đến đề xuất lập "đội cảnh sát tuần tra" trên biển Baltic, vì những nước này "có chung đánh giá về mặt an ninh liên quan đến các công trình hạ tầng trọng yếu và các nguồn tài nguyên chiến lược ở biển Baltic".
Các nước Bắc Âu và Baltic thường xuyên cáo buộc Nga tiến hành "những cuộc tấn công hỗn hợp", trong đó có vụ cắt hai tuyến cáp dưới đáy biển Baltic ngày 17-18/11, mà tàu Yi Peng 3 của Trung Quốc bị tình nghi là thủ phạm. Hải quân Đan Mạch và Tuần duyên Thụy Điển giám sát chiếc tàu bị giữ ở eo biển Kettegat từ một tuần nay.
Theo thông tấn xã AFP, ngày 27/11, Latvia thông báo lập một nhóm điều tra chung với Thụy Điển và Phần Lan, do Eurojust - cơ quan hợp tác Tư pháp Liên Hiệp Âu Châu - điều phối, để tìm hiểu xem "liệu các tuyến cáp có bị chủ ý phá hoại nhằm mục đích lật đổ hoặc khủng bố hay không". Nhật báo Mỹ The Wall Street Journal cho biết các nhà điều tra nghi ngờ tàu hàng Trung Quốc đã cố tình kéo neo dưới đáy biển hơn 100 hải lý (160 cây số) để cắt các tuyến cáp.
Để đề phòng các "vụ tấn công hỗn hợp" và mối đe dọa Nga, Thụy Điển đã từ bỏ 13 dự án điện gió ở ngoài khơi biển Baltic. Ngày 27/11, quân đội Thụy Điển giải thích rằng dự án này "sẽ kéo theo những rủi ro không chấp nhận được cho quốc phòng của Thụy Điển cũng như các đồng minh" Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trả lời RFI, Sophie Enos Attali, chuyên gia về Thụy Điển tại Viện Công Giáo Paris (Institut catholique de Paris), giải thích:
"Những trang trại điện gió này có những tua bin kích thước lớn, hoạt động dưới đáy biển. Cho nên họ lo là do kích thước và do chuyển động, những tua bin này ảnh hưởng đến các radar, các bộ cảm biến ngầm và như vậy sẽ gây khó khăn cho hoạt động giám sát quân sự dưới đáy biển.
Các dự án bị bác nằm không xa đảo Öland. Đây là hòn đảo có vị trí chiến lược và vô cùng nhạy cảm. Nằm khá gần Kaliningrad, vùng lãnh thổ của Nga, đảo Öland đã được Thụy Điển tái vũ trang cách đây vài năm, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và theo đuổi một chiến lược "hung hăng" hơn. Vì thế, để có thể kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ Thụy Điển, không được có bất kỳ cản trở nào quanh đảo Öland".
Pháp: Paris "Tụt Dốc" Sau 12 Năm Hidalgo Cầm Quyền
-Về thời sự nước Pháp, tờ Le Figaro dành trang nhất và bài xã luận nói về Tòa Thị Chính Paris sẽ "đổi chủ" sau cuộc bầu cử địa phương sắp tới.
Anne Hidalgo sẽ không còn là Đô trưởng Paris sau kỳ bầu cử năm 2026, sau 12 năm lãnh đạo thành phố. Bà cho rằng đã "thay máu" thủ đô, nhưng bản thành tích của bà bị chỉ trích mạnh mẽ.
Nợ của thủ đô Paris đã tăng vọt kể từ khi bà lên cầm quyền, đạt 9 tỉ Euro. Thành phố cũng rất bẩn và xuống cấp, với những con phố bị hư hỏng, khiến không gian công cộng không còn "hấp dẫn" mọi người. Cư dân rời bỏ thủ đô, trường học vắng dần, trong khi số lượng chuột không ngừng tăng.
Tuy nhiên, bà Hidalgo đã được bầu lại làm Đô trưởng vào năm 2020, với tỷ lệ vắng mặt rất cao. Vì vậy, bà đã thử vận may trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2022, nhưng thất bại ê chề khi chỉ giành được vỏn vẹn 1,75% phiếu ở vòng một.
Vào năm 2026, Anne Hidalgo hy vọng cánh tả có thể tiếp tục lãnh đạo Paris, nhưng nhật báo thiên hữu nhận định đã đến lúc Paris phải thay đổi hướng đi.
Ba Tây: Cựu Tổng Thống Bolsonaro Bị Nghi "Tham Gia Tích Cực" Mưu Toan Đảo Chính
(Cựu Tổng thống Jair Bolsonaro trả lời báo giới tại Brasilia, Ba Tây, ngày 25/11/2024.)
-Ngày 26/11/2024, cảnh sát liên bang Ba Tây công bố báo cáo cho rằng cựu Tổng thống Jair Bolsonaro đã "tham gia một cách tích cực" vào một kế hoạch đảo chính để duy trì quyền lực hồi năm 2022. Báo cáo còn khẳng định ông Bolsonaro "hoàn toàn ý thức" về một âm mưu ám sát người kế nhiệm, ông Lula Da Silva.
Từ Rio de Janeiro, thông tín viên Sarah Cozzolino của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường thuật:
"Báo cáo dày 884 trang, được ghi chép tỉ mỉ và trong đó tên của cựu Tổng thống được nêu đến hơn 500 lần. Báo cáo có đoạn ghi: "Jair Bolsonaro đã lên kế hoạch và tham gia, một cách trực tiếp và tích cực, vào các hoạt động của một tổ chức tội phạm với mục đích thực hiện đảo chính".
Báo cáo của cảnh sát liên bang rất rõ ràng và nêu cụ thể rằng kế hoạch thất bại là do không có được sự hậu thuẫn đầy đủ từ các chỉ huy chính của quân đội Ba Tây. Đề nghị khởi tố của cảnh sát còn liên quan đến 36 người khác, trong đó có nhiều binh sĩ.
Đích thân Thẩm phán Tòa án Tối cao, Alexandre de Moraes, đã công bố báo cáo hôm qua. Hơn nữa, cùng với Tổng thống Lula và Phó Tổng thống Geraldo Alckmin, ông cũng là một mục tiêu của kế hoạch ám sát hồi tháng 12/2022. Chiến dịch mang tên "Dao găm xanh và vàng" đã bị bại lộ hồi tuần rồi vào lúc Ba Tây đón thượng đỉnh G20.
Hôm qua, Jair Bolsonaro chưa có phát biểu công khai nhưng ông thường xuyên tự cho mình là nạn nhân của đàn áp chính trị. Ông đã bị kết án 8 năm mất quyền tranh cử. Quyết định truy tố ông hay không nay tùy thuộc vào Bộ trưởng Tư pháp".
Bạo Lực Bùng Phát ở Haiti
-Nhìn xuống Trung Mỹ, nhật báo thiên tả Libération có bài viết nói về việc hơn 40.000 người đã phải di dời trong những ngày qua tại Port-au-Prince, sau khi bạo lực bùng phát trở lại, trong bối cảnh các băng đảng tội phạm kiểm soát gần như toàn bộ thủ đô Haiti. Nhà nước bất lực trong việc bảo vệ người dân, trong khi các tổ chức phi chính phủ, như Médecins Sans Frontières, đã phải ngưng hoạt động.
Theo Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), từ năm 2023 đến 2024, số trẻ em bị thu nạp vào các băng đảng đã tăng 70%, đến mức hiện nay chiếm một nửa số lượng thành viên của các băng đảng này.
Nạn bắt cóc phụ nữ và bé gái đi kèm với lạm dụng tình dục cũng ngày càng gia tăng. Theo Human Rights Watch, 4.000 phụ nữ, bao gồm cả người lớn và trẻ vị thành niên, đã tố cáo bị lạm dụng tình dục từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay. Như thường lệ, khi nói về bạo lực tình dục, phần lớn các nạn nhân đều không dám lên tiếng, và con số này có lẽ không phản ánh đúng mức độ thực sự của vấn đề.
Các tổ chức phi chính phủ vẫn đang tìm cách giúp đỡ những nạn nhân này, nhưng việc chăm sóc, cả về thể chất lẫn tâm lý, gặp rất nhiều khó khăn. Và tại một quốc gia mà ngành Tư pháp không tồn tại, thủ phạm không bị truy cứu trách nhiệm...
Con Người Phải Tỉnh Ngộ Về Tác Hại của Nhựa
-Về lĩnh vực môi trường, trang nhất và bài xã luận của tờ La Croix lo ngại về tình trạng ô nhiễm nhựa ngày càng gia tăng. Mọi chuyện dường như không khả quan.
Tại Busan (Nam Hàn), các nhà đàm phán từ 175 quốc gia đã đặt mục tiêu trước ngày 1/12/2024 sẽ hoàn tất một Hiệp ước đầu tiên có thể chấm dứt tình trạng ô nhiễm nhựa. Một bên là những người ủng hộ một chính sách mạnh mẽ và một văn bản có tính ràng buộc, nhằm giảm hoạt động sản xuất nhựa, trong đó có Pháp. Bên kia là một liên minh dẫn đầu bởi Nga, Iran và Ả Rập Saudi, tập trung vào việc tái chế và "tinh thần tự nguyện" của mỗi quốc gia, trong khi Mỹ thì đang phân vân. Vì vậy, các nước dường như rất khó đạt được đồng thuận trong hồ sơ này.
Kết quả của hội nghị ở Busan dường như sẽ không xóa đi thất bại của COP29 tại Baku hôm 23/11 vừa qua.
Thỏa thuận Tài chánh đạt được tại đó đã khiến các quốc gia dễ bị tổn thương bất bình, do số tiền hỗ trợ dường như không đủ để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, như thường lệ, tính cấp bách của vấn đề đã trở nên rõ ràng.
Từ những phân tử nhỏ nhất trong cơ thể chúng ta, bao gồm cả não bộ, và mọi ngóc ngách trong đại dương đều đang chứa nhựa. Hoạt động sản xuất nhựa đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua và có thể sẽ tăng gấp ba vào năm 2060. Hàng ngàn loại hóa chất được sử dụng trong việc sản xuất nhựa, trong đó một 1/4 là những chất đặc biệt có hại cho sức khỏe con người.
Nhật báo Công Giáo kết luận đây là mối nguy mang tính sinh tồn và chúng ta phải nhận thức được điều đó ngay lập tức.
Trung Quốc: Bộ trưởng Quốc phòng Đổng Quân Bị Điều Tra Vì Tham Nhũng?
-Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân tại cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Trung Quốc tại thủ đô Vạn Tượng của Lào, ngày 20/11/2024.) (Hình AP - Anupam Nath:
Họp báo sáng 27/11/2024, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh bác bỏ những "tin đồn" của báo chí về việc Bộ trưởng Quốc phòng Đổng Quân (Dong Jun) bị điều tra về tham nhũng. Tuy nhiên, bà không đi sâu thêm vào chi tiết về thông tin này.
Báo tài chánh Anh Financial Times cùng ngày 27/11/2024 trích dẫn nhiều viên chức Mỹ thạo tin cho biết ông Đổng Quân "đang bị điều tra trong một vụ án tham nhũng liên quan đến quân đội" Trung Quốc. Nếu như tin trên được kiểm chứng thì đây sẽ là lần thứ ba liên tiếp lãnh đạo Bộ Quốc phòng Trung Quốc bị thất sủng.
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại ông Đổng Quân mới vừa được chỉ định vào chức vụ này hồi tháng 12/2023, thay thế ông Lý Thượng Phúc chỉ đứng đầu Bộ Quốc phòng trong vỏn vẹn 7 tháng. Ông Lý Thượng Phúc đã bị khai trừ khỏi đảng vì "nghi ngờ tham nhũng" và bị cáo buộc đã nhận "những khoản tiền rất lớn", theo như thông tin từ các đài truyền hình chính thức của Bắc Kinh. Từ đó đến nay tướng Lý Thượng Phúc không còn xuất hiện trước công chúng. Người tiền nhiệm của tướng Phúc là ông Ngụy Phượng Hòa cũng đã bị khai trừ khỏi Đảng vì lý do tương tự.
Phó Giáo sư Đại học Kỹ Thuật Nanyang tại Tân Gia Ba Dylan Loh, được thông tấn xã AFP trích dẫn, giải thích nếu ông Đổng Quân là vị Bộ trưởng Quốc phòng thứ ba của Trung Quốc bị điều tra vì tham nhũng, thì đây thực sự là một "cú sốc lớn, vì trên nguyên tắc người được đề cử vào chức vụ này phải có lý lịch trong sáng". Một chuyên gia về tình hình Trung Quốc tại học viện quốc tế S. Rajaratnam cũng tại Tân Gia Ba, Benjamin Ho, đưa ra ba giả thuyết về trường hợp của Đổng Quân: Hoặc việc chỉ định ông vào chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã "bị trục trặc", hoặc có thể ông bị thất sủng "vì một tai tiếng về mặt chính trị hay do bị vạ lây".
Từ khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã tiến hành chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" để chống tham nhũng. Giới phân tích coi đây là công cụ để loại các đối thủ chính trị của ông. Đầu tháng 11/2024, lãnh đạo Trung Quốc nhắc lại mục tiêu "trong sạch hóa guồng máy trong quân đội". Các nhà quan sát Mỹ được hãng tin Bloomberg trích dẫn cho rằng nhân vật quyền lực nhất tại Bắc Kinh lo sợ rằng nạn tham nhũng đang làm suy yếu "khả năng của quân đội Trung Quốc để tiến hành một cuộc chiến".
Quân chủng Phi đạn Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc đặc biệt trong tầm ngắm của ông Tập, do đây là "một chi nhánh hoạt động hoàn toàn trong vòng bí mật" đặc trách quản lý phi đạn chiến lược quy ước và nguyên tử của Trung Quốc. Tháng 7/2024 lãnh đạo quân chủng này là ông Tôn Kim Minh (Sun Jinming) đã bị kỷ luật và khai trừ khỏi Đảng, hai cấp dưới của ông cũng bị điều tra vì tham nhũng.
Đài Loan Tổ Chức Tập Trận Quy Mô Lớn Trên Không và Trên Biển
(Ảnh tư liệu: Chiến đấu cơ F-16V của Không quân Đài Loan ở huyện Hoa Liên, miền Đông Đài Loan, ngày 23/07/2024.)
-Hôm 28/11/2024, quân đội Đài Loan thông báo tiến hành tập trận trên không và trên biển, khai triển nhiều chiến đấu cơ, chiến hạm và hệ thống phòng thủ phi đạn, một ngày sau khi Trung Quốc thả hai quả bóng bay về phía hòn đảo.
Hãng tin AFP, trích dẫn thông cáo của Không quân Đài Loan, cho biết cuộc tập trận, diễn ra vào sáng sớm, nhằm đánh giá "các quy trình phản ứng và khả năng phối hợp của đơn vị phòng không". Cuộc tập trận gần đây nhất của Không quân Đài Loan diễn ra vào tháng 6 vừa qua, một tháng sau khi Tổng thống Lại Thanh Đức nhậm chức.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết hôm nay đã phát giác hai quả bóng bay mà Trung Quốc thả cách hòn đảo khoảng 110 cây số về phía Tây-Bắc. Một quả bóng bay Trung Quốc khác đã được phát giác vào Chủ Nhật trong cùng khu vực.
Chính quyền Đài Loan hôm qua đã cám ơn các Ngoại trưởng nhóm G7 đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hòa bình ở eo biển Đài Loan đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu, đồng thời ủng hộ sự tham gia của hòn đảo vào các tổ chức quốc tế.
Trong tuyên bố chung, các Bộ trưởng G7 "phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép", đồng thời nhấn mạnh không có "cơ sở pháp lý" cho các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Về phần mình, chính quyền Trung Quốc hôm nay đã cam kết "quyết liệt dập tắt" mọi nỗ lực giành độc lập của Đài Loan, do Tổng thống Lại Thanh Đức ngày mai sẽ mở chuyến công du ngoại quốc đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Lãnh đạo Đài Loan sẽ đến thăm ba quốc đảo Thái Bình Dương, nhưng trên đường có thể sẽ ghé Hawaii và đảo Guam của Mỹ.
Hoa Kỳ: Trump Chọn Một Nhân Vật Chống Trung Quốc Làm Đại Diện Thương Mại
(Hình AP - Allison Robbert: Donald Trump phát biểu tại một hội nghị ở Hoa Thịnh Ðốn, thủ đô của Hoa Kỳ, 13/11/2024.)
-Tổng thống tân cử Donald Trump hôm 26/11/2024 thông báo chọn một nhân vật có lập trường chống Trung Quốc mạnh mẽ, Luật sư Jamieson Greer, làm Đại diện Thương mại tương lại của Hoa Kỳ, thay thế bà Katherine Tai trong chính quyền Biden.
Jamieson Greer từng là Chánh Văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong giai đoạn 2017-2021. Trong cương vị này Luật sư Greer từng trực tiếp tham gia vào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Trong thông cáo hôm 27/11, ông Donald Trump đề ra lộ trình làm việc của Đại diện Thương mại Mỹ trong tương lai: "Jemieson sẽ tập trung vào những nỗ lực thu hẹp nhập siêu, bảo vệ nền công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ của Hoa Kỳ, và sẽ mở rộng các thị trường xuất cảng của Hoa Kỳ ở khắp thế giới".
Thông tấn xã Reuters nhắc lại, trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, Jamieson Greer từng là một trong những nhân vật chủ chốt trong "cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc". Ông đã trực tiếp tham vào các vòng đàm phán với Trung Quốc, để hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đạt được Thỏa thuận Thương mại "giai đoạn 1". Văn bản đã được ký vào năm 2020.
Theo thỏa thuận này Bắc Kinh cam kết mua thêm 200 tỉ Mỹ kim hàng của Mỹ trong hai năm. Nhưng thông tấn xã Reuters nhắc lại "mục tiêu đó chưa bao giờ được hoàn thành", một phần do "tác động từ đại dịch Covid-19". Tháng 5/2024 ông Greer chủ trương Hoa Kỳ cần tăng thuế nhập cảng đánh vào hàng của Trung Quốc để cân bằng lại trao đổi thương mại với nền kinh tế số 2 thế giới.
Lãnh đạo tương lai của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cũng là một trong những mắt xích quan trọng trong quá trình đàm phán lại về Hiệp định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ giữa Hoa Kỳ, Mễ Tây Cơ và Gia Nã Ðại.
Mỹ: Donald Trump Trở Lại Tòa Bạch Ốc Khiến Thế Giới "Chao Đảo"
-Tờ Les Echos dành bài xã luận nói về những biến động trên thế giới với sự trở lại của Donald Trump.
Trước khi nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1/2025 tới, nhà tỉ phú đã lấy lại thói quen từ nhiệm kỳ đầu tiên: Đường đột thông báo trên mạng xã hội những quyết định chính trị có thể tác động sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu.
Khi tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm xuất cảng từ hai nước láng giềng sát cạnh là Mễ Tây Cơ và Gia Nã Ðại, cũng như áp thêm 10% đối với sản phẩm của Trung Quốc, Donald Trump đã khôi phục chính sách đối đầu, tái khởi động chiến lược đề cập trong cuốn sách "Trump: The Art of the Deal" (Nghệ thuật Đàm phán).
Donald Trump biện minh kế hoạch tăng thuế này là do sự thụ động của Mễ Tây Cơ và Gia Nã Ðại trong cuộc chiến chống ma túy fentanyl, cũng như việc hai nước tỏ ra nhu nhược với di dân bất hợp pháp.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất hiện tại không tỏ ra quá lo lắng, bởi họ biết rằng Trump muốn hướng sự chú ý vào bản thân, cũng như chính sách của ông không phục vụ lợi ích của Hoa Thịnh Ðốn. Hoa Kỳ vẫn rất cần các nước láng giềng, bởi việc tăng chi phí sản xuất đối với hàng ngoại sẽ ngay lập tức gây tác động tiêu cực đến giá của chính các sản phẩm nội địa.
Giống như Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tìm cách tự bảo vệ trước tầm ảnh hưởng của Trump, các doanh nghiệp cũng sẽ phải thích ứng với sự trở lại của nhà tỉ phú. Nhật báo kinh tế kết luận Donald Trump có thể sẽ không áp dụng một chính sách khép kín và tách biệt hoàn toàn, nhưng chắc chắn những quyết định của ông sẽ gây rối loạn thương trường quốc tế.
Ông Trump Đề Cử Cố Vấn Lâu Năm Kellogg Làm Đặc Sứ Về Ukraine và Nga
(Hình AP - Keith Kellogg, tư liệu: Đồng Chủ tịch AFPI của Trung tâm An ninh Hoa Kỳ phát biểu trong phiên điều trần đầy đủ của Ủy ban Quân vụ Thượng viện về cuộc xung đột ở Ukraine, ngày 28 tháng 2 năm 2023.)
-Hôm 27/11/2024, Tổng thống đắc cử Donald Trumploan báo sẽ đề cử Tướng Keith Kellogg làm Phụ tá Tổng thống kiêm đặc phái viên về vấn đề Ukraine và Nga.
Ông Kellogg, một tướng quân đội đã hồi hưu và là Cố vấn hàng đầu của ông Trump về các vấn đề quốc phòng lâu nay, từng là Cố vấn An ninh Quốc gia cho Phó Tổng thống Mike Pence dưới nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Ông Trump thông báo quyết định này trên tài khoản Truth Social của mình và nói: "Ông ấy đã đồng hành cùng tôi ngay từ đầu! Cùng nhau, chúng tôi sẽ bảo đảm HÒA BÌNH THÔNG QUA SỨC MẠNH, và Làm cho Mỹ, cũng như Thế giới, AN TOÀN LẠI!"
Việc đề cử ông Kellogg diễn ra khi cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine sắp bước sang năm thứ ba.
Ông Trump đã chỉ trích hàng tỉ Mỹ kim mà chính quyền Biden đã đổ vào Ukraine. Hoa Thịnh Ðốn gần đây đã tăng cường chuyển vận vũ khí cho Ukraine và đã xóa bỏ hàng tỉ Mỹ kim cho Kyiv trong các khoản vay.
Tổng thống đắc cử của Đảng Cộng hòa đã nói rằng ông có thể kết thúc chiến tranh trong 24 tiếng đồng hồ, những bình luận có vẻ như gợi ý rằng ông sẽ gây áp lực buộc Ukraine phải nhượng lại các vùng lãnh thổ mà Nga đã chiếm đóng.
Hồi tháng 4, ông Kellogg đã viết cho "Viện Chính sách Nước Mỹ Trên hết" rằng "việc kết thúc chiến tranh Nga-Ukraine sẽ cần một sự lãnh đạo mạnh mẽ, theo chính sách Nước Mỹ Trên hết để đạt được một thỏa thuận hòa bình và ngay lập tức chấm dứt xung đột giữa hai bên".
"Viện Chính sách Nước Mỹ Trên hết" là một trong nhiều nhóm được thành lập sau khi ông Trump rời nhiệm sở lần trước để giúp chuẩn bị cho chính quyền Cộng hòa tiếp theo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét