<!>
Loại đàn dễ học nhất là đàn mandoline. Nhạc sĩ Văn Giảng cũng vậy, khi bắt đầu thì ông học đàn ấy và sau đó, lần sang đến Tây Ban Cầm.
Có một người bạn lớn tuổi hơn ông biết đàn Tây Ban Cầm, Văn Giảng muốn tầm sư học đạo, nên đến nhà ông này để nhờ chỉ dạy nhưng người ta lại bắt ông phải trả công bằng một cây đàn đúng loại đó. Làm gì có tiền ở lứa tuổi của mình, Văn Giảng về nhà tìm tòi, tự học lấy và chỉ một thời gian sau, ông đã vượt qua tài của chính ông “thầy hụt” kia và ông ấy đã phải nhờ Văn Giảng chỉ dẫn lại. Không chỉ thế, Văn Giảng còn có thể sử dụng rành rẽ nhiều nhạc khí cổ kim, theo thời gian đã trở thành một nhạc sĩ giỏi để đào tạo rất nhiều môn sinh vững tay sau này.
Không chỉ trong đàn hát, Văn Giảng còn nổi bật trong cả kiến thức văn hóa nói chung và Nhạc lý. Mọi thứ, mọi việc ông đều tự học: Vừa làm thầy dạy Âm nhạc ở Huế, vừa tự lặn lội vào Sài Gòn thi lấy bằng Tú tài và bằng Cử nhân. Ông tốt nghiệp Anh văn ở Hội Việt Mỹ và trúng tuyển một cuộc thi tìm sinh viên nghiên cứu về Âm nhạc ở ngoại quốc, rồi được xuất dương du học tại 2 trường âm nhạc lớn của Hoa Kỳ ở Hawaii và Bloomington.
Tại Hoa Kỳ, Văn Giảng đã tốt nghiệp với lời khen của Ban Giám khảo và được cấp thêm học bổng để nghiên cứu bậc Cao học Âm nhạc. Sau đó, ông trở về nước và được đề cử làm Giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc Huế.
Phần đông những sáng tác của nhạc sĩ Văn Giảng thuộc loại hùng ca như Thúc Quân (1949), Lục Quân Việt Nam (1950), Đêm Mê Linh (1951), Quân Hành Ca (1951), Qua Đèo (1952), Nhảy Lửa (1953). Nhưng không mấy người biết, Văn Giảng còn có một bút danh khác là Thông Đạt với ca khúc bất hủ Ai Về Sông Tương mà mọi giới học sinh, sinh viên và đi làm lẫn nội trợ đều biết:
Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Bao ngày ôm mối tơ vương
Tháng với ngày mơ nhuốm đau thương
Tâm hồn mơ bóng em luôn
Mong vài lời em ngập hương…
Bài ca này được tác giả viết vào năm 1949 với cung La trưởng, uyển chuyển, tha thướt trong phần lời lãng mạn, trữ tình, đã trở thành một bản nhạc gối đầu giường, thuộc nằm lòng của thanh thiếu niên nam nữ trong 2 thập niên 1950 - 1960.
Về ca khúc này, có một câu chuyện khá thú vị: Trong 2 thập niên 1940 - 1950, ở Huế ai cũng biết ông Tăng Duyệt, giám đốc Nhà xuất bản Tinh Hoa Huế (Xin đừng nhầm với nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam ở Sài Gòn do nhạc sĩ Lê Mộng Bảo làm giám đốc) chuyên in và phát hành một số nhạc phẩm thời đó. Là nhạc sĩ, đương nhiên Văn Giảng chơi thân với ông Tăng Duyệt vì một số hành khúc của ông đều do nhà xuất bản Tinh Hoa Huế ấn hành. Một hôm trong lúc vui miệng, ông Tăng Duyệt có ý bảo Văn Giảng chỉ viết được những bài hùng ca mà thôi, còn về tình ca thì không phải sở trường.
Nghe thế mà không trả lời, Văn Giảng về nhà, âm thầm lấy giấy bút viết bài Ai Về Sông Tương, không ghi tên tác giả như mọi khi mà đề tên là Thông Đạt, hoàn toàn mới toanh trong làng Tân nhạc Việt Nam thời đó. Bản Ai Về Sông Tương được tác giả Thông Đạt gửi đến các đài phát thanh ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn - Cả nước đều nghe Ai Về Sông Tương của Thông Đạt suốt một thời gian sau đó:
… Thu nay về vương áng thê lương
Vắng người duyên dáng tôi thương
Mối tình tôi vẫn cô đơn
Xa muôn trùng lưu luyến nhớ em
Mơ hoài hình bóng không quên
Hương tình mộng say dịu êm…
Sau nhiều lần được nghe bài Ai Về Sông Tương quá hay đó trên làn sóng điện, ông Tăng Duyệt gặp Văn Giảng và hỏi ở trong giới nhạc, ông có biết Thông Đạt, tác giả bài ấy là ai không - Ông muốn thương lượng mua bản quyền xuất bản nhạc phẩm này nhưng Văn Giảng tảng lờ, như không biết Thông Đạt là ai!
Rồi một hôm, có 2 người bạn trẻ của Văn Giảng là nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng, tác giả bài Mùa Thi (Thi ơi là thi, sinh mi làm chi, “bay” nghẹn ngào, “bám” ồn ào, buồn vui vì mi) và nhà văn Lữ Hồ tình cờ đến nhà Văn Giảng chơi, thấy bản thảo bài Ai Về Sông Tương với tuồng chữ và lối chép nhạc của chính người chủ nhà trong xấp nhạc trên bàn viết. Họ nói cho ông Tăng Duyệt biết, ông này liền lái xe ngay tới nhà Văn Giảng và vài ngày sau, giới ngưỡng mộ Tân nhạc mới có ca khúc tha thiết ấy với bản in trên tay để ngân nga.
Nhạc phẩm Ai Về Sông Tương đã chiếm kỷ lục tái bản thời đó với 6 lần in thêm trong tháng đầu tiên và được thính giả Đài Phát thanh Pháp Á chọn là bài nhạc hay nhất trong năm 1949. Qua bút danh Thông Đạt của Văn Giảng, chúng ta còn được thưởng thức những sáng tác như Đôi Mắt Huyền, Hoa Cài Mái Tóc, Tình Em Biển Rộng Sông Dài, Xin Đừng Chờ Em Nữa. Nhưng Văn Giảng còn một bút danh thứ ba để sáng tác những bài Phật giáo, đó là Nguyên Thông, được dùng để ghi trên những nhạc phẩm như Từ Đàm Quê Hương Tôi, Mừng Đản Sanh, Ca Tỳ La Vệ, Vô Thường, Hoa Cài Áo Lam.
Trong thời gian làm nhạc trưởng Đài Phát thanh Huế và giáo sư Âm nhạc tại các trường trung học Hàm Nghi, Quốc Học và trường Sư phạm đào tạo giáo viên Tiểu học, nhạc sĩ Văn Giảng có sáng tác và ấn hành một tập nhạc dành cho thiếu nhi là Hát Mà Học gồm có 10 ca khúc: Đến Trường, Chơi Ná, Chê Trò Xấu Nết, Mèo Chuột, Tham Mồi, Gương Sáng Lê Lai, Quang Trung Hùng Ca, Trăng Trung Thu, Chúc Xuân và Tạm Biệt.
Cũng trong Âm nhạc, nhờ xuất thân từ một gia đình có truyền thống, Văn Giảng còn thích tìm tòi và nghiên cứu nhạc Cổ truyền Việt Nam. Năm 1956, ông đã tìm ra phương pháp ký âm cho nhạc công Cổ truyền có thể nhìn bài bản mà trình tấu chung với nhạc công Tân nhạc và từ đó, ông thành lập ban Việt Thanh, một ban nhạc đầu tiên trong nước dưới hình thức biểu diễn Tân Cổ hòa điệu với những nhạc cụ như đàn Tranh, Tỳ bà, Hồ, Nguyệt hòa tấu chung với Dương cầm, Tây ban cầm, Đại hồ cầm.
Trong phạm vi này, ông đã hoàn thành tác phẩm độc đáo Ai Đưa Con Sáo Sang Sông, một bản đại hòa tấu, thời lượng 60 phút, trình diễn bởi các nhạc công cổ truyền. Ông cũng đã soạn nhiều sách giáo khoa về Âm nhạc, hoàn thành quyển Kỹ Thuật Hòa Âm dày 350 trang được dùng làm tài liệu dạy Âm nhạc ở các trường.
Sau Tết Mậu Thân 1968, cảm thấy sống ở Huế bất an – Ông Tăng Duyệt, bạn thân của ông, đã ra đi trong biến cố này – nhạc sĩ Văn Giảng vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 1969 và nhanh chóng hòa hợp với nhịp sống Âm nhạc mới, soạn hòa âm cho hãng đĩa Asia – Sóng Nhạc, dạy nhạc tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, tham gia sinh hoạt ca nhạc ở đài phát thanh, đài truyền hình.
Cũng trong thời gian này, một số nhạc phẩm tình cảm với bút hiệu Thông Đạt của ông được tung ra thị trường. Đồng thời, Văn Giảng được Bộ Văn Hóa Giáo Dục đề cử làm Trưởng phòng Học vụ Nha Mỹ thuật, đảm trách phần học vấn của các trường Âm nhạc Sài Gòn, Huế và các trường Cao đẳng Mỹ thuật.
Năm 1970, ông được Huy chương vàng giải Văn học Nghệ thuật của Tổng thống (Âm nhạc loại A) với sáng tác Ngũ Tấu Khúc (Quintet for Flute and Strings). Cùng năm này, ông được chỉ định làm Giám đốc Nghệ thuật điều hành Đoàn Văn nghệ Việt Nam gồm 100 nghệ sĩ Tân Cổ nhạc và Vũ (ban Vũ hiện đại do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phụ trách, ban Vũ cổ truyền đại nội Huế do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba điều khiển, để tham dự Hội chợ Quốc tế Expo 1970 tại Osaka (Nhật Bản).
Sau 1975, nhạc sĩ Văn Giảng ở lại Việt Nam cho đến năm 1981 thì đến đảo Natuna (Indonesia) và sau đó được chuyển đến đảo Pulau Galang. Ở đây, trong 6 tháng, Văn Giảng sáng tác được một số bài mà bài đầu tiên là Natuna Người Tình Đầu. Ngày 20/5/1982, Văn Giảng định cư tại Úc, ở đây, ông tiếp tục con đường Âm nhạc, soạn và xuất bản nhiều sách. Ông cũng đã sáng tác thêm nhiều tình khúc.
Ngoài một gia sản âm nhạc đồ sộ, nhạc sĩ Văn Giảng còn đóng góp phổ biến Âm nhạc Việt Nam ở hải ngoại với một số lượng đáng kể về sách dạy nhạc viết bằng Việt ngữ và Anh ngữ, chẳng những dành cho thế hệ trẻ Việt Nam ở hải ngoại mà cho cả người ngoại quốc muốn học hỏi và tìm hiểu về nền Âm nhạc Việt Nam.
Một con người giản dị, khiêm nhường, với một gia tài Âm nhạc to lớn như thế quả thật là một người đáng kính nể.
Posted by: lpk 116
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét