Đại Lễ Kỷ Niệm Ngày Quân Lực VNCH Năm 2023, tại San Jose. -Như thông lệ hàng năm, khắp nơi tại Hải ngoại, các cựu quân nhân thuộc các binh chủng QLVNCH, nhất là trên đất nước Hoa Kỳ, từng địa phương có đông người Việt cư ngụ, cùng phối hợp tổ chức Lễ Kỷ Niệm Ngày Quân lực 19 tháng 6, thường thì vào ngày cuối tuần trong tháng 6. Đặc biệt năm nay, San Jose được tổ chức ngày vào ngày Chúa Nhật, 18 tháng 6 năm 2023. Buổi Lễ đã được long trọng diễn ra vào hồi 11 giờ trưa, trong khuôn viên tiền đình Quận hạt Santa Clara, trên đường Hedding, với sự tham dự của rất đông cựu quân nhân, đầy đủ các giới chức chính quyền, cùng đồng hương tham dự.
<!>
Ngày Quân Lực tại San Jose, đã nổi tiếng vì cách tổ chức độc đáo, nhiều ý nghĩa từ lâu, với những hình ảnh rất giống với những hình ảnh Ngày Quân Lực tại Sài Gòn trước 75, với tiết mục diễn hành gồm trên 20 đoàn thể quân đội tham dự, đầy đủ mầu cờ sắc áo của các Quân Binh Chủng Quân Lực VNCH. Không một nghi lễ nào thiếu, từ bàn thờ tử sĩ, lễ đặt vòng hoa, phút truy điệu, rất trang nghiêm cảm động. Năm nay khối Quốc Quân Kỳ do Hội Biệt Động Quân đảm trách.
Tuy có chút trở ngại về âm thanh, nhưng mọi chuyện đều thành công tốt đẹp!
Sau đây là một vài hình ảnh qua ống kiếng của Ne Du và Clip Video, tường trình về buổi lễ, để được chia sẻ cùng Quý Vị và Các Bạn Hữu xa gần, để gợi nhớ và hãnh diện về một thời oanh liệt của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà! với lý tưởng “Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm” vì Dân mà Chiến Đấu, vì Nước mà Hy Sinh!”
https://www.youtube.com/watch?v=iX_rf0_6CpY
Tin Quốc Tế Đó Đây
Ả Rập Saudi và Iran Tiến Thêm Một Bước Trên Con Đường Hòa Giải
-Ngày 17/6/2023, hai nước đối địch nhau tại vùng Trung Cận Đông là Ả Rập Saudi và Iran lại tiếp tục tiến trình hòa giải với sự kiện lãnh đạo ngành ngoại giao Ả Rập Saudi thực hiện chuyến thăm mang tính “bước ngoặt”, tới Cộng hòa Hồi giáo Iran sau 7 năm đoạn giao.
Tại Tehran, Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Faisal bin Farhan đã hội đàm với người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian, tập trung vào các vấn đề an ninh khu vực. Sau đó, ông đã gặp Tổng thống Iran, ông Ebrahim Raisi, để chuyển lời mời lãnh đạo Iran “sớm đến thăm vương quốc Ả Rập Saudi”. Từ thủ đô Tehran của Iran, thông tín viên Siavosh Ghazi của Ðài RFI tường trình:
“Người đứng đầu ngành ngoại giao Ả-Rập Saudi đã gặp đồng nhiệm Iran cũng như Tổng thống Ebrahim Raissi để trao thư của Quốc vương Salamane mời lãnh đạo Iran đến thăm Ả Rập Saudi. Tuy nhiên ngày giờ cụ thể chưa được công bố.
Riyadh đã cắt đứt quan hệ với Tehran vào năm 2016 sau khi những người biểu tình Iran tấn công các cơ quan ngoại giao của Ả Rập Saudi để phản đối việc hành quyết một giáo sĩ Shia có ảnh hưởng ở Ả Rập Saudi.
Quá trình hòa giải của hai cường quốc đối địch khởi sự vào đầu tháng 3 vừa rồi, thông qua trung gian của Trung Quốc, đã khiến mọi người ngạc nhiên.
Từ mười năm nay, hai nước đã gián tiếp đối đầu nhau ở Syria, Yemen cũng như ở Liban và Iraq. Ryad cũng tố cáo chương trình nguyên tử và phi đạn-đạn đạo của Tehran.
Sự thay đổi thái độ của Riyadh đã giúp Iran thoát khỏi tình trạng bị cô lập trong khu vực. Đặc biệt là khi Ả Rập Saudi cũng đã hòa giải với Tổng thống Syria, Bashar al Assad, đồng minh lớn của Tehran trong khu vực.
Tiến trình hòa giải này cũng đánh dấu thất bại của Mỹ và Do Thái vốn muốn duy trì sức ép trên Iran”.
Hôm qua, có thêm một dấu hiệu khác đánh dấu các bước tiến trong tiến trình hòa giải Iran-Ả Rập Saudi. Cụ thể, một chuyến bay khởi hành từ thủ đô Yemen đã bay đến Ả Rập Saudi lần đầu tiên từ 7 năm nay. Từ năm 2016, phi trường quốc tế Sanaa bị liên quân do Ả Rập Saudi Arabia dẫn đầu chống lại lực lượng Houthi (được Iran bảo trợ) đã bị phong tỏa.
Giới Lập Pháp Mỹ Hy Vọng Ukraine Có Thể Kháng Chiến Chống Nga Bằng Chính Tài Sản Nga
(Hình: Quốc hội Hoa Kỳ.)
-Thông tấn xã đưa tin cho hay hôm 15/6/2023, các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Hoa Kỳ giới thiệu Dự luật giúp Ukraine dễ dàng chi trả cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nga bằng cách sử dụng các tài sản Nga bị tịch thu và phong tỏa.
Quốc hội Hoa Kỳ đã phê duyệt hơn 100 tỉ Mỹ kim viện trợ quân sự, nhân đạo và kinh tế cho Ukraine kể từ khi Nga xâm lược vào tháng 2/2022. Trong khi các nhà lãnh đạo của cả hai đảng khẳng định sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với chính phủ Kyiv vẫn mạnh mẽ, một số thành viên của Quốc hội đặt ra câu hỏi rằng mức độ viện trợ đó có thể tiếp tục kéo dài bao lâu trong bối cảnh xuất hiện các lời kêu gọi kiểm soát chi tiêu của chính phủ.
Các nhà Lập pháp ủng hộ Dự luật này cho biết ý định của họ là bảo đảm Mạc Tư Khoa phải bồi thường cho những thiệt hại do cuộc xâm lược gây ra, chứ không phải người nộp thuế ở Hoa Kỳ phải bỏ tiền ra.
Thượng Nghị sĩ Jim Risch, đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và là người bảo trợ cho Dự luật, cho biết: “Hơn 1 năm trong cuộc chiến toàn diện của Nga đánh vào Ukraine, hơn 300 tỉ Mỹ kim tài sản nhà nước của Nga vẫn bị phong tỏa trên toàn cầu”.
Ông nói: “Xét đến sự tàn bạo của Nga và các tội ác chiến tranh liên tục giáng xuống người dân Ukraine, việc các khoản ngân quỹ của chính phủ Nga ở Hoa Kỳ bị tịch thu và tái sử dụng để giúp Ukraine tái thiết đất nước là điều đúng đắn”.
Ngoài ra, Đạo luật Tái lập Cơ hội và Thịnh vượng Kinh tế cho người Ukraine (REPO) được giới thiệu tại Thượng viện và Hạ viện sẽ trao cho Tổng thống Hoa Kỳ quyền tịch thu tài sản của Nga bị đóng băng ở Hoa Kỳ và chuyển giao chúng để giúp đỡ Ukraine. REPO, chữ viết tắt của Dự luật, là một cách chơi chữ vì đồng nghĩa với cụm từ “tịch thu tài sản để siết nợ”.
Đạo luật cũng sẽ cấm việc trả lại các khoản ngân quỹ cho các pháp nhân Nga bị trừng phạt cho đến khi Nga rút khỏi Ukraine và đồng ý bồi thường thiệt hại do chiến tranh gây ra.
Cùng bảo trợ cho Dự luật, bên đảng Cộng hòa còn bao gồm Dân biểu Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, và các Dân biểu Joe Wilson, Thomas Kean và Brian Fitzpatrick.
Các nhà bảo trợ của đảng Dân chủ bao gồm Thượng Nghị sĩ Sheldon Whitehouse và Dân biểu Marcy Kaptur, đồng Chủ tịch của Ủy ban Quốc hội về Ukraine, cũng như các Dân biểu Steve Cohen và Mike Quigley.
Hơn 60 Quốc Gia Tham Gia Hội Nghị Quốc Tế Tái Thiết Ukraine
-Hội nghị Quốc tế tái thiết Ukraine lần thứ hai được Anh tổ chức ngày 21-22/6/2023 tại Luân Đôn. Theo chính phủ Anh, viên chức của hơn 60 nước, cùng với hàng trăm nhà lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trên thế giới, các tổ chức phi chính phủ sẽ tham gia sự kiện. Tổng thống Ukraine, ôngVolodymyr Zelensky dự kiến phát biểu qua cầu truyền hình.
Ngày 17/6, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhấn mạnh “việc tái thiết nền kinh tế Ukraine có tầm quan trọng như chiến lược quân sự của nước này”. Theo hãng tin AFP, thách thức trong hội nghị lần thứ hai, sau hội nghị đầu tiên ở Lugano (Thụy Sĩ), là huy động được lĩnh vực tư nhân đồng hành cùng với các định chế tài chánh quốc tế. Do đó, Thủ tướng Anh nhấn mạnh: “Lòng dũng cảm của Ukraine trên chiến trường phải đi kèm với tầm nhìn của lĩnh vực tư nhân giúp Ukraine tái thiết và phục hồi”.
Ngân hàng Thế giới (WB) thẩm định Ukraine cần ngay lập tức 14 tỉ Mỹ kim để sửa chữa thiệt hại do chiến tranh. Tuy nhiên, quá trình khôi phục nền kinh tế sẽ cần đến 441 tỉ Mỹ kim, theo nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Thế giới, Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu Châu và chính phủ Ukraine. Luân Đôn dự kiến công bố nhiều sáng kiến mới trong các lĩnh vực kỹ thuật và năng lượng xanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hợp tác giữa các doanh nghiệp Ukraine và Anh Quốc.
Tuy nhiên, về hợp tác với Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ukraine sẽ không được hưởng ưu đãi về tiến trình gia nhập khối. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quả quyết một lần nữa khi trả lời báo giới hôm 17/6. Ông cho rằng Kyiv phải “tuân thủ mọi tiêu chí. Chúng tôi sẽ không làm dễ việc đó”.
Trước đó, Tổng Thư ký NATO Jen Stoltenberg khẳng định Ukraine sẽ không được mời gia nhập NATO tại thượng đỉnh diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/7 dù ông cho rằng Ukraine sẽ trở thành “thành viên vào một thời điểm nào đó”. NATO dự kiến tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Zelensky trong dịp này.
Tổng Thống Ukraine Vẫn Dứt Khoát Không Thương Lượng Với Nga Sau Khi Gặp Phái Đoàn Phi Châu
-Hôm 16/6/2023, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky đã một lần nữa loại trừ mọi đàm phán với Nga, sau cuộc gặp với các lãnh đạo Phi Châu trong phái đoàn trung gian hòa giải giữa Kyiv với Mạc Tư Khoa.
Trong khi đó, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, một trong 4 Tổng thống Phi Châu tham gia phái đoàn, đã kêu gọi Ukraine và Nga “xuống thang” trong cuộc xung đột. Từ thủ đô Kyiv của Ukraine, đặc phái viên Julien Chavanne của Ðài RFI tường trình:
“Đây gần như là một nhiệm vụ bất khả thi: Giữa lúc quân Ukraine đang phản công, Volodymyr Zelensky không thể thay đổi đường lối. Đối với ông, tạm ngưng chiến tranh lúc này chẳng khác gì cho Putin có thêm thời gian để củng cố vị thế của ông.
Phái đoàn trung gian hòa giải của Phi Châu đã bị suy yếu sau khi 3 trong số 7 Tổng thống Phi Châu rời bỏ vào giờ chót. Không những thế, phái đoàn còn bị chia rẽ, vì các Tổng thống Phi Châu có mặt tại Kyiv không có cùng quan điểm. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, thân cận với Mạc Tư Khoa, vẫn từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga, thậm chí không lên án các tội ác của quân Nga ở Bucha, nơi mà ông đã đến thăm sáng hôm qua.
Chuyến đi cũng đã gặp nhiều trắc trở với một vụ rắc rối ngoại giao: Các thành viên nhóm bảo vệ an ninh của phái đoàn Tổng thống Nam Phi đã bị giữ lại ở phi trường Vacxava của Ba Lan. Trưởng nhóm an ninh của phái đoàn cáo buộc chính quyền Ba Lan có thái độ kỳ thị sắc tộc.
Chuyến đi tại Kyiv cũng bị xáo trộn: Vào cuối buổi sáng, các vị nguyên thủ quốc gia Phi Châu đã được đưa xuống hầm trú ẩn của khách sạn trong vòng 20 phút, do quân Nga vừa bắn 12 phi đạn xuống thủ đô Ukraine. Đối với Tổng thống Zelensky, đây là bằng chứng cho thấy Putin không hề có một cử chỉ thể hiện thiện chí hòa bình”.
Sau Kyiv, phái đoàn trung gian hòa giải của Phi Châu hôm nay đến Saint-Petersburg để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nga Bác Bỏ Các Điểm Cốt Yếu Trong Kế Hoạch Hòa Bình của Phi Châu
-Sau khi “kế hoạch” hòa bình của mình bị Kyiv bác bỏ, các lãnh đạo Phi Châu vào hôm 17/6/2023 cũng không thành công hơn với Mạc Tư Khoa khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu bật một danh sách các lý do tại sao ông tin rằng nhiều đề xuất của Phi Châu đều sai lạc.
Tiếp đón đại diện của 7 nước Phi Châu (Senegal, Ai Cập, Zambia, Uganda, Cộng hòa Congo, Comoros và Nam Phi) tại St Petersburg, Tổng thống Nga đã mở đầu bằng cách nhấn mạnh cam kết của Nga đối với lục địa. Tuy nhiên, sau phần trình bày của các Tổng thống Comoros, Senegal và Nam Phi về một loạt “biện pháp xây dựng lòng tin” mà Phi Châu đề xuất, theo hãng tin Anh Reuters, Tổng thống Putin như đã dội môt gáo nước lạnh vào sáng kiến này khi lên tiếng thách thức các giả định của kế hoạch - dựa trên sự chấp nhận các đường biên giới được quốc tế công nhận.
Từ thủ đô Mạc Tư Khoa của Nga , thông tín viên Julian Colling của Ðài RFI tường trình:
“Trong bài phát biểu nhằm giới thiệu kế hoạch, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, lãnh đạo thực tế của phái đoàn Phi Châu, cho biết là ông muốn khuyến khích “Nga bắt đầu đàm phán với Ukraine”. Trong phái đoàn, Tổng thống Ramaphosa có lẽ là thành viên có mối quan hệ chặt chẽ nhất với Nga. Ông nói thêm rằng cuộc xung đột đang gây bất ổn cho thế giới này cần phải kết thúc.
Thế nhưng ở đầu bên kia chiếc bàn tròn khổng lồ tại một trong những căn phòng của Cung Điện Constantin xa hoa, Vladimir Putin đã trả lời rằng chính Ukraine đã “vứt vào sọt rác” thỏa thuận đạt được ở Istanbul vào tháng 3 năm 2022, rằng “Nga chưa bao giờ từ chối các cuộc đàm phán và luôn sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng với mọi người vì hòa bình”.
Ông cũng đổ lỗi cho phương Tây là đã gây ra khủng hoảng lương thực hiện nay chứ không phải là do ‘hoạt động quân sự’ của Nga, một cuộc khủng hoảng mà theo ông không thể được giải quyết chỉ bằng một thỏa thuận ngũ cốc.
Tuy nhiên, đây là một trong những vấn đề chính của cuộc gặp gỡ với đại diện của 7 quốc gia Phi Châu tại Saint Petersburg. Thỏa thuận về xuất cảng ngũ cốc và phân bón của Ukraine thực sự vẫn rất quan trọng đối với lục địa Phi Châu.
Rõ ràng là phái đoàn Phi Châu cũng đến Nga để tìm kiếm từ ông Putin một sự bảo đảm về việc Mạc Tư Khoa duy trì thỏa thuận mà gần đây ông Putin đã đe dọa rút khỏi”.
NATO Chưa Thông Qua Được Các Kế Hoạch Phòng Thủ Mới
(Hình: Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại cuộc họp báo trước hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng tại trụ sở NATO ở Brussels, thủ đô của Bỉ, ngày 14/6/2023.)
-Ngày 16/6/2023, các Bộ trưởng Quốc phòng Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) không đạt được thỏa thuận về các kế hoạch mới về cách liên minh sẽ đáp trả một cuộc tấn công của Nga, và một nhà ngoại giao đổ lỗi cho Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn cản các kế hoạch này.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói các Bộ trưởng đã duyệt xét các kế hoạch - lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và được thúc đẩy bởi cuộc xâm lược của Nga - tại một cuộc họp kéo dài hai ngày ở thủ đô Brussels của Bỉ và đang tiến gần hơn đến việc nhất trí.
Nhưng một nhà ngoại giao cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn sự chấp thuận vì ngôn ngữ diễn tả các vị trí địa lý, bao gồm cả liên quan đến Síp. Vẫn còn cơ hội để tìm ra giải pháp trước hội nghị thượng đỉnh NATO vào giữa tháng 7 tại Vilnius, nhà ngoại giao này nói thêm.
Phái Bộ Ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ tại NATO cho biết sẽ là sai lầm nếu bình luận về một tài liệu bí mật của NATO, đồng thời chỉ nói thêm rằng “quá trình tham vấn và đánh giá thông thường giữa các đồng minh vẫn đang tiếp tục”.
Cái gọi là kế hoạch khu vực bao gồm hàng ngàn trang kế hoạch quân sự bí mật sẽ trình bày chi tiết cách liên minh NATO sẽ phản ứng trước một cuộc tấn công của Nga.
Việc soạn thảo các tài liệu này biểu thị một sự thay đổi cơ bản. NATO từng thấy không cần thiết phải có các kế hoạch phòng thủ quy mô lớn trong nhiều thập niên khi tổ chức này tham gia các cuộc chiến nhỏ hơn ở A Phú Hãn và Iraq và cảm thấy một số nước Nga thời hậu Xô Viết không còn là mối đe dọa hiện hữu nữa.
Nhưng với cuộc chiến đẫm máu nhất của Âu Châu kể từ năm 1945 đang hoành hành ngay bên ngoài biên giới của họ ở Ukraine, liên minh này hiện đang cảnh báo rằng họ phải chuẩn bị sẵn mọi kế hoạch trước khi một cuộc xung đột với một đối thủ ngang hàng như Mạc Tư Khoa có thể nổ ra.
NATO cũng sẽ hướng dẫn các quốc gia về cách nâng cấp lực lượng và hậu cần.
“Mặc dù các kế hoạch khu vực chưa được chính thức thông qua ngày hôm nay, nhưng chúng tôi dự đoán các kế hoạch này sẽ là một phần của một loạt các sản phẩm có thể chuyển giao cho Hội nghị thượng đỉnh Vilnius vào tháng 7”, một viên chức cấp cao của Hoa Kỳ nói với thông tấn xã Reuters.
Anh Hỗ Trợ Ukraine Tăng Cường Hệ Thống Phòng Thủ Mạng
(Hình AP: Thủ tướng Anh Rishi Sunak.)
-Hôm 18/6/2023, Anh cho biết sẽ tăng cường chương trình của mình để hỗ trợ hệ thống phòng thủ mạng của Ukraine trong khi nước này tiến hành cuộc phản công Nga.
Trong thông báo, chính phủ Anh cho biết sẽ cung cấp thêm 16 triệu bảng Anh (20,5 triệu Mỹ kim) tài trợ và có khả năng được hỗ trợ thêm 9 triệu bảng từ các đồng minh quốc tế.
Luân Đôn nói rằng gói hỗ trợ - bổ sung vào khoản 6,35 triệu bảng Anh được công bố vào năm 2022 - sẽ trang bị tốt hơn cho Ukraine để bảo vệ cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng của nước này khỏi các cuộc tấn công của Nga nhằm làm tê liệt Ukraine trong khi Kyiv tiến hành một cuộc phản công nhằm đẩy lùi các lực lượng Nga khỏi các vùng ở phía Nam và đông Ukraine mà họ chiếm đóng.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết: “Các cuộc tấn công kinh hoàng của Nga vào Ukraine không chỉ giới hạn ở cuộc xâm lược man rợ trên bộ, mà còn liên quan đến những nỗ lực bệnh hoạn nhằm tấn công cơ sở hạ tầng mạng cung cấp các dịch vụ quan trọng của họ, từ ngân hàng đến cung cấp năng lượng, cho người dân Ukraine vô tội”.
“Khoản tài trợ này rất quan trọng để ngăn chặn những cuộc tấn công dữ dội đó, củng cố hệ thống phòng thủ mạng của Ukraine và tăng khả năng của quốc gia này trong việc phát giác và vô hiệu hóa nhu liệu điện toán độc hại nhắm vào họ”.
Tuần tới, ông Sunak cũng sẽ đề nghị các doanh nhân và doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào Ukraine tại một hội nghị nhằm giúp nước này tái thiết nền kinh tế đất nước sau cuộc xâm lược của Nga.
Pháp Hối Thúc Thổ Nhĩ Kỳ, Hung Gia Lợi Phê Chuẩn Tư Cách Thành Viên NATO của Thụy Điển
-Hôm 16/6/2023, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tháng 7/2023 tại Vilnius.
Trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Thụy Điển Tibias Malström, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna tuyên bố đã đến lúc tiến trình xét kết nạp Thụy Điển vào khối NATO phải hoàn thành, “Pháp muốn Thụy Điển hiện diện tại thượng đỉnh Vilnius với tư cách là thành viên chính thức của Liên minh NATO”. Theo thông tấn xã AFP, Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh việc kết nạp Thụy Điển không chỉ củng cố an ninh và sự ổn định trong vùng Baltic mà còn của toàn thể Âu Châu và đó là bước tiến vì “lợi ích của tất cả” các bên, “việc trì hoãn sẽ tạo ra một khó khăn mà chúng tôi không hiểu lý do”.
Một cuộc họp 3 bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan để thảo luận về kế hoạch gia nhập NATO của Thụy Điển đang diễn ra trong tuần này tại Ankara. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết “các tiến bộ đã được thực hiện”, đồng thời dự báo “vẫn có thể đạt được một thỏa thuận trước hội nghị thượng đỉnh” của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương dự kiến diễn ra tại Vilnius (Litva) vào ngày 11-12/07.
Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo Ankara không chắc sẽ “đáp ứng kỳ vọng” của Thụy Điển tại thượng đỉnh NATO.
Liên quan tới Ukraine, dù Kyiv sẽ không được mời gia nhập NATO trong thượng đỉnh Vilnius nhưng NATO muốn nhân dịp này tổ chức cuộc họp đầu tiên của Hội đồng NATO-Ukraine tại Vilnius với sự tham gia của Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky. Thông báo được Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra hôm 16/6 sau cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng.
Chiến Tranh Thông Tin: Nga Tấn Công Phương Tây Bằng “Doppelganger”
-Ngày 13/6/2023, Paris cáo buộc Mạc Tư Khoa mở chiến dịch “Doppelganger” mạo danh Bộ Ngoại giao Pháp loan tin giả, lập những trang mạng giả, nhái những website của 4 tờ báo lớn của Pháp nhằm mục đích tuyên truyền hướng dẫn công luận về chiến tranh Ukraine. Truyền thông Đức cũng là nạn nhân của “Doppelganger”
Trung Quốc đã có “hàng giả, hàng nhái” thì Nga có những “trang mạng giả”, “nhái” những website của truyền thông quốc tế, để bôi nhọ Ukraine, thổi phồng thành tích của quân đội Nga, làm nhụt trí đối phương, để quảng bá tính chính đáng từ việc Mạc Tư Khoa mở “chiến dịch đặc biệt” tại Ukraine. Bốn tờ báo Pháp, Le Parisien, Le Figaro, Le Monde và 20 Minutes cũng như chính trang chủ của Bộ Ngoại giao Pháp là những mục tiêu của chiến dịch quy mô mang tên “Doppelganger”.
Vậy Nga mở chiến dịch tấn công nước Pháp trên mạng bằng cách nào?
Theo Bộ Ngoại giao Pháp, Nga mở những trang web giả, giống gần như hai giọt nước so với các trang chủ của những mục tiêu mà Mạc Tư Khoa nhắm tới. Phải tinh ý lắm thì mới thấy được tên miền có một chút khác biệt. Trên những trang “nhái” này, đăng toàn những “bài báo giả”, đôi khi bằng một thứ ngôn ngữ “thô thiển” nhưng miễn làm sao để chúng được phổ biến trên các mạng xã hội.
Thí dụ với “Doppelganger”, các “hướng dẫn viên” công luận của Nga đã “thổi” những thông tin cần thiết để người đọc sơ ý hiểu rằng vụ thảm sát tại Bucha, ngoại thành thủ đô Kyiv hồi tháng 3/2022 là một “màn dàn dựng” để gieo tiếng ác cho quân Nga. Cũng có lúc “Doppelganger” là công cụ để bôi nhọ Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, với những độc giả Pháp ngữ…
Không chỉ tấn công vào các tờ báo của Pháp, của Đức, “Doppelganger” còn mạnh dạn mạo danh website của Bộ Ngoại giao Pháp. Trang giả này hôm 29/05/2023 đưa tin chính phủ Pháp thu thuế để tài trợ chiến tranh Ukraine. Đương nhiên đó là tin “bịa đặt”.
Hiếm khi nào Paris mạnh mẽ tố cáo một thành viên thường trực Liên Hiệp Quốc thao túng thông tin. Trong thông cáo hôm 13/6/2023, Ngoại trưởng Catherine Colonna tuyên bố Paris “đã có bằng chứng về một chiến dịch thao túng thông tin trên mạng ở quy mô lớn nhắm vào nước Pháp”. Chiến dịch đó có liên quan đến “nhiều thực thể của/hoặc có liên hệ với nhà nước Nga”. Lãnh đạo ngoại giao Pháp quy trách nhiệm cho các “Tòa Ðại sứ, các trung tâm văn hóa Nga” đã “tham gia tích cực” vào các chiến dịch bóp méo thông tin này. Một viên chức Âu Châu được báo La Croix trích dẫn giải thích Vladimir Putin chờ đợi công luận tại các nước phương Tây “mệt mỏi”. Mạc Tư Khoa muốn “khuấy lên căng thẳng” tại các nước đang yểm trợ Ukraine.
Động Đất Tại Miền Tây Nước Pháp
-Một trận động đất với cường độ từ 5,3 đến 5,8 đã xảy ra ở miền Tây nước Pháp tối 16/6/2023, gây nhiều thiệt hại vật chất, đặc biệt là ở vùng tâm chấn, nhưng không có thiệt hại nhân mạng, chỉ có một người bị thương nhẹ.
Trận động đất xảy ra vào lúc 6 giờ 38 phút chiều tại xã Cram-Chaban, nằm giữa 2 thành phố Niort và La Rochelle.
Theo lời Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái Christophe Béchu, đây là một trong những trận động đất mạnh nhất được ghi nhận trên lãnh thổ chính quốc của Pháp. Hiếm khi nào tại Pháp có những trận động đất có cường độ bằng hoặc trên 5 trên thang địa chấn kế Richter.
Theo ghi nhận của hãng tin AFP, phải trở ngược đến đầu những năm 2000 mới có những trận động đất mạnh như vậy ở Pháp. Trận động đất tối 16/6 mạnh đến mức các thành phố nằm xa như Rennes, Bordeaux hay Limoges cũng cảm nhận được các chấn động.
78 Người Chết Trong Vụ Đắm Tàu Nghiêm Trọng Nhất Tại Hy Lạp Từ 2016
-Ít nhất 78 người thiệt mạng, chỉ có 104 người được đưa vào bờ sau vụ đắm tàu ngoài khơi bán đảo Péloponnèse, Hy Lạp, trong đêm 13 rạng sáng 14/6/2023.
Nạn nhân là người nhập cư nhiều ngày lênh đênh, vượt Địa Trung Hải trên một chiếc tàu đánh cá cũ kỹ. Tàu bị hỏng máy, lái tàu bỏ chạy thoát thân để tàu chìm với trên dưới 750 thuyền nhân.
Từ Athens, thông tín viên RFI Eric de Lavarène cập nhật thông tin về công cuộc điều tra vụ đắm tàu thảm khốc nhất tại Hy Lạp từ 2016 tới nay:
“Tàu đánh cá được cho là đã khởi hành từ Ai Cập, không có hành khách. Tàu cập cảng Tobrouk, miền Đông Libya. Tại đây hàng trăm người nhập cư lên tàu. Đa số các thuyền nhân là người Syria, Ai Cập hay Pakistan. Mọi người cho rằng có tất cả 750 người tị nạn, trong đó có ít nhất là một trăm phụ nữ và trẻ em. Các thuyền nhân ở cả dưới hầm khi tàu bị đắm.
Những người sống sót cho biết họ đã bắt được liên lạc với những đường dây buôn người qua mạng xã hội, phải trả từ 4 đến 6 ngàn Euro với hứa hẹn được ở trong các ca-bin trên tàu, cho đến khi phát giác rằng họ sẽ phải vượt biển trên một chiếc tàu đánh cá cũ kỹ. Nhưng đã quá trễ. Sau bốn ngày lênh đênh trên biển, họ không còn lương thực và nước uống.
Thuyền trưởng bỏ tàu ngay khi đầu máy bị hỏng nhưng trước khi tàu bị đắm. Từ thứ Ba vừa qua, lực lượng biên phòng Frontex của Âu Châu đã phát giác chiếc tàu, nhưng nhân viên Âu Châu khẳng định là các thuyền viên từ chối được giúp đỡ. Theo các tổ chức phi chính phủ, với chiếc tàu rệu rã như vậy, nhẽ ra phải can thiệp ngay để tránh xảy ra thảm họa”.
Gần 100 Người Chết Trong Đợt Nắng Nóng Nghiêm Trọng ở Ấn Độ
(Hình: Nắng hạn ở Ấn Độ.)
-Hôm 18/6/2023, các viên chức cho biết rằng ít nhất 96 người đã chết ở hai tiểu bang đông dân nhất của Ấn Độ trong vài ngày qua trong khi các khu vực của nước này đang quay cuồng vì một đợt nắng nóng nghiêm trọng.
Các vụ tử vong được ghi nhận ở tiểu bang Uttar Pradesh ở miền Bắc và Bihar ở phía Đông, nơi chính quyền cảnh báo cư dân trên 60 tuổi và những người mắc bệnh nên ở trong nhà vào ban ngày.
Tất cả các trường hợp tử vong ở Uttar Pradesh, tổng cộng là 54 người, được báo cáo ở quận Ballia, cách Lucknow, thủ phủ tiểu bang khoảng 300 cây số về phía Đông-Nam. Chính quyền cho biết, hầu hết những người qua đời đều trên 60 tuổi và có tiền sử bệnh, nên có lẽ nắng nóng khiến tình trạng của họ nghiêm trọng hơn.
S. K. Yadav, viên chức y tế ở Ballia, cho biết rằng trong 3 ngày qua, khoảng 300 bệnh nhân đã được đưa vào bệnh viện huyện vì nhiều bệnh khác nhau do nắng nóng.
Do tình hình nghiêm trọng, chính quyền đã hủy đơn xin nghỉ phép của nhân viên y tế ở Ballia và cung cấp thêm giường bệnh trong khu cấp cứu để đáp ứng số lượng bệnh nhân ngày càng đông.
Các viên chức cho biết hầu hết các bệnh nhân nhập viện đều từ 60 tuổi trở lên, có các triệu chứng sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy, khó thở và các vấn đề liên quan đến tim.
R.S. Pathak, một cư dân của Ballia, người vừa mất cha hôm 17/6, nói rằng anh đã chứng kiến số lượng bệnh nhân đến khoa cấp cứu của bệnh viện ngày càng đông khi đang chăm sóc cha mình.
“Điều này chưa từng xảy ra ở Ballia. Tôi chưa từng thấy người chết vì nắng nóng với số lượng lớn như vậy”, anh nói. “Mọi người sợ khi ra ngoài. Đường sá và chợ hầu như vắng tanh”.
Hàng Ngàn Người ở Ấn Độ Bắt Đầu Trở Về Nhà Khi Bão Xoáy Biparjoy Suy Yếu
(Hình: Một người đàn ông lội trong nước lũ sau khi Bão Biparjoy đổ bộ vào Jakhau ở quận Kutch, tiểu bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ, ngày 17/6/2023.)
-Hơn 100.000 người trú ẩn tránh Bão Biparjoy trong các trại cứu trợ ở miền Tây Ấn Độ đã bắt đầu trở về nhà, sau khi cơn bão suy yếu và tiến về phía Pakistan, nhà chức trách cho biết ngày thứ Bảy (17/6/2023).
Tại ngôi làng Jakhau ven biển, nơi cơn bão đổ bộ vào tiểu bang Gujarat của Ấn Độ hôm thứ Năm (15/6), hơn 130 người đã trở về nhà từ một nơi trú ẩn do chính phủ điều hành vào giữa ngày thứ Bảy.
Các viên chức cho biết điện đã được khôi phục ở nhiều ngôi làng nhưng một số vẫn bị mất điện. Sau khi đổ bộ, bão xoáy đã làm bật gốc cây cối và cột điện ở hàng trăm ngôi làng dọc theo các vùng ven biển của tiểu bang Gujarat.
Cơn bão có vận tốc gió 85 cây số/giờ và giật tới 105 cây số/giờ.
Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết vào sáng ngày thứ Bảy rằng cơn bão đã suy yếu thành áp thấp sâu và dự kiến sẽ suy yếu hơn nữa trong 12 tiếng đồng hồ tới.
Hiện chưa rõ mức độ thiệt hại toàn bộ ở Gujarat. Một người đàn ông và con trai của ông đã chết hôm thứ Năm khi họ cố gắng cứu gia súc của mình ở Gujarat, theo hãng tin Press Trust of India. Ngoài ra, 23 người bị thương ở những khu vực khác, giới hữu trách cho biết.
Chính phủ Gujarat nói họ đã điều 184 toán ứng phó nhanh để giải cứu động vật hoang dã và dọn sạch cây đổ ở Công viên Quốc gia Gir, nơi sinh sống của gần 700 con sư tử Á Châu.
Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy tần suất, thời gian và cường độ của các cơn bão xoáy ở Biển Ả-rập đã tăng lên đáng kể từ năm 1982 đến năm 2019, và các chuyên gia cho rằng sự gia tăng này sẽ tiếp tục, khiến việc chuẩn bị ứng phó thiên tai trở nên cấp bách hơn.
Nam Hàn Đưa AI Vào Chương Trình Giảng Dậy
- “Dậy trẻ từ thuở còn thơ …”: Trong tuần, Bộ Giáo dục Nam Hàn thông báo kế hoạch đưa bộ môn AI vào giáo khoa nhà trường, ngay từ Tiểu học đến hết Trung học cấp ba.
Chương trình sẽ bắt đầu được áp dụng từ mùa khai giảng 2025. Từ nay đến đó là thời gian cần thiết để đào tạo cho các giáo viên. Thông tín viên RFI từ Hán Thành, Célio Fioretti cho biết:
““Ngành giáo dục của Nam Hàn phải bắt nhịp cùng thế kỷ 21”. Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju Ho đã tuyên bố như trên. Vào lúc mà chính phủ cắt giảm số giáo viên do tình trạng dân số giảm sụt, nhân viên trong ngành giáo dục Nam Hàn tự hỏi thông báo này có lợi ích gì hay không.
Phát ngôn viên phong trào công đoàn các giáo viên Nam Hàn Hyung Min Lee giải thích: “Chúng tôi không phủ nhận chỗ đứng của kỹ thuật số trong các chương trình giảng dậy. Đây là một sự lựa chọn tất nhiên thôi. Từ khi đại dịch y tế bùng phát các trường học đã được trang bị rất nhiều các công cụ và thiết bị kỹ thuật số nhưng điều thú vị ở đây đối với học trò, là các em phải được thầy cô giáo hướng dẫn. Chúng tôi không phản đối việc sử dụng sách vở trong lĩnh vực này, nhưng xem đây là tương lai của ngành giáo dục thì đó quả là một vấn đề”.
Ông Hyung giải thích thêm: “Hơn nữa, một trong những thách thức của AI là những thiing tin rất nhậy cảm về các học sinh có thể bị thất thoát, rơi vào tay những công ty phát triển trí thông minh nhân tạo. Ở đây đặt ra vấn đề bảo mật thông tin cá nhân cho các em học trò. Đây cũng là một mối quan tâm của chúng tôi. Nếu thực sự Bộ Giáo dục muốn tiến hành cải tổ thì cần nhắc lại trường học, không chỉ là nơi để truyền đạt kiến thức, mà nhà trường còn có trách nhiệm với xã hội, các thầy cô giáo có trách nhiệm đối với các em nhỏ”.
Phải đợi đến năm 2025 dự án này mới được khai triển. Nam Hàn sẽ là quốc gia đầu tiên đưa trí thông minh nhân tạo vào chương trình giáo dục”.
Ngoại trưởng Mỹ Công Du Trung Quốc, Bắc Kinh Tiếp Đón Lạnh Nhạt
-Ngoại trưởng Antony Blinken đã đến Bắc Kinh vào hôm 18/6/2023 là nhà ngoại giao cấp cao đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm Trung Quốc kể từ năm 2018 đến nay. Bốn tháng sau chuyến công du bị hoãn vì vụ khinh khí cầu do thám Trung Quốc trên đất Mỹ, Ngoại trưởng Blinken muốn xoa dịu quan hệ căng thẳng giữa hai nước, nhưng theo giới quan sát, chuyến thăm này khó mang lại những đột phá cụ thể.
Theo ghi nhận của thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh, chuyên cơ chở Ngoại trưởng Mỹ đã hạ cánh xuống thủ đô Trung Quốc ngay từ sáng nay. Ra đón ông tại phi trường là một phái đoàn bao gồm Ðại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns và ông Dương Đào (Yang Tao), Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ và Châu Đại Dương, Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Theo Stéphane Lagarde, Bắc Kinh không chỉ thể hiện thái độ “lạnh nhạt” khi đón tiếp Ngoại trưởng Mỹ mà còn không ngần ngại tung tín hiệu cảnh cáo hướng về phía Hoa Thịnh Ðốn ngay trước khi ông Blinken đến thủ đô Trung Quốc:
“Không có thảm đỏ ở dưới chân cầu thang máy bay của Ngoại trưởng Mỹ sáng nay ở Bắc Kinh. Hoa Thịnh Ðốn đã tự đứng ra cùng tổ chức chuyến thăm này mà theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, không phải là theo lời mời của Bắc Kinh, mà là do “sự sắp xếp giữa hai bên”.
Kể từ sau vụ khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị bắn hạ trên bầu trời Hoa Kỳ, quan hệ giữa hai nước đã nguội lạnh thêm. Hai bên đã đàm phán căng thẳng về mặt ngoại giao và phía Mỹ như đã phải nhượng bộ: Giảm bớt các biện pháp trừng phạt và đặc biệt là các tiết lộ liên quan đến hoạt động gián điệp của Trung Quốc.
Cuộc điện đàm nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức này giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương đã bộc lộ những bất đồng lớn, và truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng “Hoa Kỳ không nên có ảo tưởng là xử sự được với Trung Quốc trong thế mạnh”. Đây cũng là những lời lẽ phi ngoại giao mà chúng ta đã nghe cách đây 2 năm, khi hai cường quốc đầu tiên công khi tiết lộ những bất đồng của họ ở cuộc họp tại Anchorage.
Quan hệ Mỹ-Trung hiện bị vướng mắc trên nhiều vấn đề. Đầu tiên hết là vấn đề Đài Loan, Trung Quốc cho rằng việc chiến hạm Mỹ đi qua eo biển hoặc các chuyến thăm của các viên chức Mỹ tới Đài Loan là những hành động khiêu khích. Một bình luận trên tờ báo dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc Hoàn Cầu Thời Báo khẳng định là nếu không có tiến bộ về vấn đề Đài Loan, chuyến thăm này sẽ chẳng ích lợi gì.
Ngoài ra hai bên cũng bất đồng trên các hồ sơ Ukraine, với việc Bắc Kinh ủng hộ Mạc Tư Khoa, cũng như các căng thẳng liên quan đến Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Tóm lại, chúng ta phải xem hai bên sẽ nói gì với nhau trong những cuộc họp kín, nhưng rõ ràng là mục tiêu chuyến thăm này trước hết là để tái lập đối thoại và mở đường cho các cuộc gặp song phương khác trong những tháng tới”.
Ngoại trưởng Blinken Ủng Hộ Trung Quốc và Nam Hàn Cải Thiện Quan Hệ
(Hình: Ngoại trưởng Nam Hàn và Mỹ trong một cuộc gặp.)
-Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng ông ủng hộ các nỗ lực của Nam Hàn nhằm phát triển mối quan hệ hợp tác “lành mạnh và toàn diện” với Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Nam Hàn nói hôm 17/6/2023.
Ông Blinken, người đến Bắc Kinh hôm 18/6 trong chuyến thăm cấp cao nhất của một viên chức trong chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, đã thảo luận về quan hệ song phương, quan hệ giữa Trung Quốc và Nam Hàn, và Bắc Hàn trong một cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nam Hàn Park Jin. Bộ cho biết hôm 17/6 trong một tuyên bố.
Ông Blinken và ông Park lên án mạnh mẽ điều mà họ coi là những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Bắc Hàn, Bộ này cho biết, đồng thời nhất trí rằng Mỹ, Nam Hàn và Nhật Bản nên tiếp tục thúc giục Trung Quốc đóng vai trò mang tính xây dựng tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về phi nguyên tử hóa. Tuyên bố không nói rõ.
Các viên chức Hoa Kỳ nói rằng họ không mong đợi chuyến đi của ông Blinken tới Trung Quốc, chuyến đi đầu tiên của một Ngoại trưởng trong 5 năm, sẽ mang lại một bước đột phá trong cách thức Hoa Thịnh Ðốn và Bắc Kinh làm việc với nhau.
Ông Blinken nói hôm thứ Sáu tuần trước rằng chuyến đi nhằm mục đích thiết lập thông tin liên lạc “cởi mở và mạnh mẽ”.
Trước Nguy Cơ Trung Quốc, Nam Dương Trang Bị Radar Tối Tân của Pháp Để Giám Sát Không Phận
-Không lâu sau thông báo mua của Qatar 12 chiến đấu cơ Pháp Mirage 2000 đã qua sử dụng, Nam Dương đặt mua 13 radar quân sự tầm xa của tập đoàn Pháp Thales. Ngày 18/6/2023, Thales và doanh nghiệp Nhà nước Nam Dương PT Len Industri cho biết số thiết bị mới này nhằm đổi mới các phương tiện giám sát không phận của quần đảo rộng lớn gồm 17.000 hòn đảo.
Theo thông cáo, radar được mua là loại Ground Master 400 alpha (GM400α), được lắp trên khắp lãnh thổ, sẽ giúp quân đội Nam Dương “có được hình ảnh trên không có một không hai, bao gồm cả việc phát giác tất cả các kiểu đe dọa, cho dù là máy bay phản lực, phi đạn, trực thăng đang bay hạ cánh hoặc drone”.
Hợp đồng kéo dài nhiều năm, tập đoàn Pháp Thales chịu trách nhiệm lắp ráp radar và hệ thống tin học giải quyết thông tin thu được từ radar. Công ty PT Len chịu trách nhiệm xây trạm lắp đặt radar. Tổng trị giá không được tiết lộ nhưng mỗi radar có giá vài chục triệu Mỹ kim.
Chủ tịch tập đoàn Thales International Pascale Sourisse cho thông tấn xã AFP biết GM400α là radar di động có tầm hoạt động 515 cây số, “kết hợp năng lực trí tuệ nhân tạo để giải quyết lượng dữ liệu khổng lồ” nhận được. Bà cho rằng hợp đồng mua 13 radar đời mới nhất “cho thấy Nam Dương đặt trọng tâm vào việc giám sát không phận quanh nước này và liên quan trực tiếp đến tình hình ở Ấn Độ-Thái Bình Dương”, nơi Trung Quốc không ngừng thể hiện tham vọng.
Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông trong phạm vi đường 9 đoạn và chồng lấn với vùng biển Natuna của Nam Dương. Tàu thuyền của Trung Quốc liên tục theo dõi, hăm dọa tàu thuyền các nước có tranh chấp trong khu vực. Trang ABS-CBN trích thông tin ngày 17/6 của Lực lượng Hải cảnh Phi Luật Tân (PCG) cho biết một tàu Hải quân Trung Quốc đã bám theo tàu BRP Francisco Dagohoy đến tiếp viện cho cư dân trên đảo Thị Tứ (Phi Luật Tân gọi là đảo Pag-asa) trên đường trở về Palawan hôm 16/6. Tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực sau khi phát sóng radio cảnh cáo. Trước đó, Manila tố cáo Trung Quốc suýt gây va chạm với một tàu hải cảnh Phi Luật Tân và chiếu tia laser vào một tàu khác.
Phà Chở 120 Người Bốc Cháy ở Phi Luật Tân, Tất Cả An Toàn
(Hình: Phà M/V Esperanza Star hôm 18/6/2023.)
-Lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân cho biết, toàn bộ 65 hành khách và 55 nhân viên trên phà bốc cháy hôm 18/6/2023 đã được giải cứu.
Một đám cháy bùng lên trên phà có tên gọi M/V Esperanza Star sau khi rời Cảng Lazi ở Siquijor, trên đường đến Cảng Tagbilaran ở Bohol.
Lực lượng tuần duyên đã được khai triển để giải cứu các hành khách và dập tắt ngọn lửa.
Phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Joy Gumatay cho biết trong một tuyên bố: “Tất cả mọi người trên phà đều an toàn”.
Nam Dương Mua 12 Chiến Đấu Cơ Mirage 2000 Cũ, Trong Khi Chờ Nhận Rafale của Pháp
-Nam Dương mua của Qatar 12 chiến đấu cơ Mirage 2000 do Pháp chế tạo và đã qua sử dụng với giá 730 triệu Euro. Đối với Không quân Nam Dương, đây là một giải pháp tạm thời, trong khi chờ đợi những chiến đấu cơ Rafale mà Nam Dương đã đặt mua của Pháp vào năm 2022. Theo kế hoạch, những phi cơ Rafale đầu tiên sẽ được chuyển giao vào đầu năm 2026.
Theo thông tấn xã AFP, thông báo mua 12 chiến đấu cơ Mirage 2000 được Bộ trưởng Quốc phòng Nam Dương, Prabowo Subianto đưa ra hôm 16/6/2023, để “củng cố quốc phòng” và khả năng “răn đe”, bởi hiện giờ các chiến đấu cơ của nước này “đã cũ và cần được hiện đại hóa”.
Chiến đấu cơ Mirage 2000-5 của Pháp đã được đưa vào sử dụng từ năm 1999. Ban đầu, những chiến đấu cơ này đã được bán cho Qatar, nay Nam Dương mua lại. Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Nam Dương, đó là nhằm khắc phục sự suy yếu khả năng của Không quân Nam Dương, đang cần các máy bay chiến đấu được chuyển giao càng sớm càng tốt.
Kho vũ khí của Nam Dương hiện gồm có chiến đấu cơ F-16 của Mỹ, Hawk của Anh và Sukhoi của Nga. Năm 2022, Nam Dương tuyên bố muốn mua 42 máy bay Rafale với giá 8,1 tỉ Mỹ kim. Jakarta đã ký hợp đồng đầu tiên mua 6 phi cơ, sẽ được giao vào tháng 1/2026.
Hồi năm 2018, Jakarta từng ký đơn đặt hàng 11 chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 của Nga, nhưng sau đó hợp đồng không được thực hiện do đạo luật Caatsa của Mỹ quy định các biện pháp trừng phạt tự động khi một quốc gia ký kết “giao dịch quan trọng” với Nga về vũ khí. Jakarta cũng đang đàm phán mua khoảng 30 máy bay chiến đấu F-15 của Mỹ và đang tham gia vào một dự án nghiên cứu và phát triển máy bay chiến đấu KF-21 với Nam Hàn.
Tay Súng Bị Kết Tội Trong Vụ Tấn Công Đẫm Máu Nhất Nhắm Vào Người Do Thái Trong Lịch Sử Mỹ
(Hình: Giáo đường Do Thái Tree of Life ở thành phố Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, ngày 2/12/2018.)
-Ngày thứ Sáu (16/6/2023), một tài xế xe vận tải có tư tưởng thù ghét người Do Thái bị kết tội vì xông vào một giáo đường Do Thái ở thành phố Pittsburgh và xả súng vào bất cứ ai mà ông ta gặp phải hồi năm 2018, giết chết 11 giáo dân trong một hành động khủng bố bài Do Thái mà ông ta có thể bị tuyên án tử hình.
Phán quyết có tội là điều chắc chắn sau khi các Luật sư của Robert Bowers thừa nhận ngay từ đầu phiên tòa xét xử rằng ông ta đã tấn công và giết chết những người thờ phượng tại giáo đường Tree of Life vào ngày 27 tháng 10 năm 2018, trong vụ tấn công đẫm máu nhất nhắm vào người Do Thái trong lịch sử Mỹ. Bồi thẩm đoàn giờ phải quyết định xem liệu người đàn ông 50 tuổi này nên bị tuyên án tử hình hay tù chung thân không ân xá, khi phiên tòa liên bang chuyển sang giai đoạn hình phạt dự kiến kéo dài vài tuần.
Ông Bowers bị tuyên có tội với tất cả 63 tội danh mà ông ta đối mặt, bao gồm tội thù hận dẫn đến cái chết và cản trở việc tự do thực hành tôn giáo dẫn đến cái chết. Các Luật sư của ông ta đã đề nghị cho ông ta nhận tội để đổi lấy án tù chung thân, nhưng các Công tố viên từ chối, thay vào đó chọn đưa vụ án ra xét xử và truy cầu án tử hình. Hầu hết các gia đình nạn nhân đều ủng hộ quyết định đó.
Các Công tố viên đưa ra bằng chứng về sự thù hận sâu xa của ông Bowers đối với người Do Thái và người nhập cư. Trong 11 ngày khai chứng, bồi thẩm đoàn biết được rằng ông ta đã đăng, chia sẻ hoặc thích nhiều nội dung bài Do Thái và thượng đẳng da trắng trên Gab, một nền tảng mạng xã hội được phe cực hữu sử dụng nhiều, và ca ngợi Hitler và cuộc diệt chủng Do Thái Holocaust. Ông Bowers nói với cảnh sát rằng “tất cả những kẻ Do Thái này phải chết”, Công tố viên Mary Hahn nói.
Các thành viên của cộng đồng người Do Thái đang chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của phiên xét xử, sẽ xác định xem ông Bowers có đủ điều kiện và có nên nhận án tử hình hay không. Giai đoạn hình phạt dự kiến bắt đầu vào ngày 26 tháng 6.
Tin Việt Nam Hôm Nay
Vụ Nổ Súng ở Đắc Lắc: Bắt Giữ Hơn 50 Người
(Hình: Công an được huy động để truy bắt những người tình nghi sau vụ nổ súng ở Đắc Lắc.)
-Vào sáng ngày 16/6/2023, báo Nhà nước dẫn thông tin từ đại diện Bộ Công an cho biết công an đã bắt giữ hơn 50 người liên quan đến vụ nổ súng gây chết người tại hai trụ sở xã ở huyện Cư Kui, tỉnh Đắc Lắc, hôm 11/6 vừa qua, bao gồm hầu hết số cầm đầu.
Theo thông tin được Bộ Công an cung cấp, vào sáng sớm ngày 11/6, có hai nhóm đối tượng gồm khoảng 40 người có trang bị súng đạn, dao tấn công và trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur. Vụ tấn công đã khiến 9 người thiệt mạng, bao gồm 4 công an, 2 cán bộ xã và 3 người dân. Ngoài ra, còn có 3 người dân bị bắt làm con tin, một người trong số này tự giải thoát, 2 người còn lại được giải thoát sau đó.
Bộ Công an cho báo chí biết, trước khi tấn công trụ sở xã, nhóm người này đã từng đột nhập Lữ đoàn đặc công 198 đóng tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc để cướp vũ khí. Nhưng thấy có người mở cửa, bật điện sáng nên nhóm này sợ bại lộ, liền rút lui.
Bộ Công an khẳng định sẽ “áp dụng mọi biện pháp cần thiết” để truy bắt hết số nghi phạm đang lẩn trốn, thu giữ toàn bộ vũ khí, vật liệu nổ.
Tại Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 6/2023 diễn ra vào sáng ngày 16/6, Bộ Công an cho biết những người liên quan đến vụ nổ súng đều cư trú tại địa bàn tỉnh Đắc Lắc và là những người trẻ có lối sống ảo tưởng, cực đoan, bị các đối tượng cầm đầu xúi giục, kích động qua không gian mạng. Những người này khai nhận, mục đích tấn công trụ sở Ủy ban Nhân dân xã nhằm xâm nhập phòng làm việc của dân quân xã đội và Công an xã để cướp vũ khí, nhằm gây tiếng vang, ảo tưởng được ra ngoại quốc. Thông tin từ Bộ Công an không cho biết ai hay tổ chức nào đã xúi giục, kích động những người này.
Một số thông tin được đăng tải trên báo Nhà nước và truyền hình Việt Nam cho thấy những người bị bắt là người Thượng.
Những tổ chức người Thượng được RFA phỏng vấn sau vụ tấn công đều khẳng định họ không có liên quan đến vụ tấn công, thậm chí lên án bạo lực.
Hai Người Dân Bị Xử Phạt Vì Đăng Tải Thông Tin Về Vụ Nổ Súng ở Đắc Lắc Lên Mạng Xã Hội
(Hình: Công an xử phạt thanh niên đưa tin về vụ nổ súng ở Đắc Lắc lên TikTok.)
-Hai người dân ở Sài Gòn và tỉnh Đắc Lắc vừa bị công an xử phạt tiền vì đăng tải thông tin về vụ nổ súng ở Đắc Lắc lên mạng xã hội bị cho là không đúng sự thật.
Truyền thông nhà nước hôm 16/6/2023 cho biết, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng kỹ thuật cao Công an Tp. HCM vào cùng ngày đã xử phạt Facebooker là chủ tài khoản Facebook Dung Dinh số tiền 7,5 triệu đồng vì đăng bài không đúng sự thật, cho rằng nguyên nhân vụ tấn công hai trụ sở xã ở Đắc Lắc là “tranh chấp đất đai”.
Truyền thông nhà nước dẫn thông tin từ công an cho biết, Facebooker này khai có “bất bình vấn đề cá nhân” nên khi thấy nhiều người lan truyền thông tin nhóm vũ trang tấn công trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin) đã đăng bài lên Facebook, cho rằng nguyên nhân sự việc là “tranh chấp đất đai giữa người dân với chính quyền địa phương”.
Cơ quan điều tra xác định đây là thông tin xuyên tạc, nhằm hướng dư luận vào vấn đề sai sự thật; yêu cầu ông này gỡ bỏ những nội dung vi phạm và phải làm cam kết không tái phạm.
Theo báo Nhà nước, cũng trong ngày 16/6, một nam thanh niên ở xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắc Lắc, bị công an huyện xử phạt năm triệu đồng và yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm, cam kết không tái phạm. Người này trước đó đã đăng tải trên TikTok các video, viết tiêu đề về vụ tấn công hai trụ sở Ủy ban Nhân dân xã ở huyện Cư Kuin.
Công an huyện Ea H’leo xác định đây là hành vi lợi dụng mạng xã hội cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.
Trước đó, đã có ít nhất năm người dân khác bao gồm một ở Nhà Trang, ba người ở Hà Tĩnh và một người ở Quảng Nam bị phạt vì bình luận trên mạng xã hội liên quan đến vụ tấn công và hai trụ sở xã ở Đắc Lắc.
Một số người dân ở trong nước cho Đài Á Châu Tự Do biết sau khi vụ nổ súng xảy ra vào ngày 11/6, và công an tiến hành bắt giữ những người tình nghi, rằng họ đã đăng tải các hình ảnh và video quay lại tại hiện trường lên mạng xã hội nhưng đã bị chính quyền địa phương yêu cầu gỡ xuống.
Tại Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 6/2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương Tổ chức vào ngày 16/6, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an đề nghị các báo cáo viên “tích cực tuyên truyền để nhân dân hiểu đúng bản chất sự việc; chia sẻ những khó khăn, vất vả của lực lượng Công an nhân dân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, phức tạp; đồng thời, nâng cao cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn chống phá, kích động gây chia rẽ khối đạt đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, phản động, nhất là nêu cao cảnh giác trước các thông tin xuyên tạc của thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng”.
Chính Phủ Yêu Cầu PVN, EVN Giải Quyết Dứt Điểm Thiếu Điện Trong Tháng 6
(Hình: Công nhân Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang kiểm tra đồng hồ điện.)
-Trước tình trạng thiếu điện nghiêm trọng kéo dài từ giữa tháng 5 đến nay, gây xáo trộn sinh hoạt và kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, Thường trực Chính phủ hôm 16/6/2023 yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo Tập đoàn dầu khí Việt Nam và tập đoàn Điện lực Việt Nam phải giải quyết dứt điểm việc thiếu điện trong tháng 6.
Đó là nội dung từ văn bản thông báo kết luận của Thường trực chính phủ được Văn phòng chính phủ ban hành và truyền thông loan trong cùng ngày.
Theo nội dung kết luận, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, có chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể bảo đảm đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng. Bộ này cũng được giao khai triển Quy hoạch điện VIII, đẩy nhanh tiến độ Nhà máy điện Quảng Trạch II; phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức khai triển dự án truyền tải 500kV từ miền Trung ra miền Bắc.
Chính phủ cũng giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nội vụ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thiện thủ tục điều chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống Điện quốc gia về Bộ Công thương trong tháng 6 năm 2023.
Ngoài ra, Chính phủ yêu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải quyết dứt điểm việc thiếu điện trong tháng 6 năm 2023; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trong giải quyết các vướng mắc phát sinh.
Việc mất điện, cắt điện luân phiên vẫn đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Hôm 14/6, Foxconn-hãng chuyên sản xuất cho Apple tại Việt Nam bị yêu cầu phải ngưng sản xuất nhiều ngày do thiếu điện. Hồi đầu tháng 6/2023, thông tấn xã Reuters dẫn lời của các giới chức đầu tư ở các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang nơi có các nhà máy của Foxconn và Samsung cho biết, một số khu công nghiệp ở hai tỉnh này đang phải đối mặt với tình trạng mất điện toàn bộ. Giới chức tỉnh Bắc Giang khi đó cũng đã cảnh báo tình trạng thiếu điện gay gắt và lên kế hoạch cắt điện luân phiên giữa điện phục vụ dân sinh và điện dành cho sản xuất từ nay đến cuối tháng 6.
Cựu Tổng Giám đốc Cienco 1 Lĩnh 7 năm Tù Trong Vụ Gây Thất Thoát 240 Tỉ đồng
(Hình: Các bị cáo tại phiên tòa.)
-Ông Cấn Hồng Lai, cựu Tổng Giám đốc Cienco 1, cùng các đồng phạm bị tuyên án tù liên quan sai phạm trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp gây thất thoát tài sản Nhà nước gần 240 tỉ đồng.
Truyền thông nhà nước cho biết, trong ngày 16/6/2024, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt ông Cấn Hồng Lai (68 tuổi) 7 năm tù; ông Phạm Dũng (62 tuổi) - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên 6 năm tù về cùng tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát lãng phí”.
Cùng tội danh trên, các ông Lê Văn Long - cựu Kế toán trưởng nhận 4 năm tù; Nguyễn Mạnh Tiến - cựu Trưởng phòng Kế hoạch thị trường và bà Nguyễn Thị Bích Hạnh - cựu Phó phòng Tài chánh kế toán cùng 3 năm tù/mỗi người…
Hội đồng Xét xử nhận định, ông Cấn Hồng Lai là người chịu trách nhiệm xuyên suốt quá trình cổ phần hóa, việc loại bỏ các khoản nợ làm giảm thiệt hại giá trị Nhà nước khi cổ phần hóa. Hành vi của ông Lai bị cho, gây thiệt hại đặc biệt lớn. Đối với ông Phạm Dũng, Hội đồng Xét xử nhận xét ông này có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhiều huân chương, huy chương…
Theo cáo trạng, quá trình cổ phần hóa Cienco1, các bị cáo đã làm sai quy định về giải quyết các khoản nợ quá hạn, chuyển 180 tỉ đồng nợ quá hạn thành nợ không thể thu hồi và không bàn giao cho DATC. Đồng thời, các bị cáo cũng định giá bốn lô đất hơn 18.000 mét vuông thành tài sản cố định vô hình, làm giảm giá trị. Hai hành vi này gây thiệt hại cho Nhà nước tổng cộng 239 tỉ đồng.
Thanh Hoá: Hai Nguyên Bí thư Tỉnh Vi Phạm Nghiêm Trọng Liên Quan Đến FLC, AIC
(Hình: Dự án khu công nghiệp của Tập đoàn FLC ở Thanh Hóa.)
-Hai nguyên Bí thư tỉnh Thanh Hóa cùng nhiều cán bộ đã có những vi phạm nghiêm trọng liên quan đến các dự án do Công ty Tập đoàn FLC và Công ty Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện.
Truyền thông nhà nước loan tin cho hay Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về vi phạm như trên tại kỳ họp thứ 29 diễn ra hôm 15/6/2023 đối với Ban Thường vụ tỉnh uỷ Thanh Hóa, trong đó có hai nguyên Bí thư Tỉnh uỷ ông Trịnh Văn Chiến, Mai Văn Ninh cùng nhiều cán bộ lãnh đạo khác.
Hai tập đoàn FLC và AIC hiện đều đang bị vướng vào những điều tra vì lãnh đạo các tập đoàn này bị cáo buộc vi phạm pháp luật. Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đang bị tạm giam để điều tra về cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán. Một loạt các dự án bất động sản của tập đoàn này ở các tỉnh thành bị xác định có sai phạm bao gồm bảy dự án ở tỉnh Thanh Hóa. Bà Chủ tịch AIC là Nguyễn Thị Thanh Nhàn hồi đầu năm nay bị tuyên án 30 năm tù trong vụ án vi phạm quy định đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Đảng đoàn Hội đồng nhân dân - HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân - Ủy ban Nhân dân tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc chấp thuận chủ trương, trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, trong giao đất, cấp giấy chứng nhận và tính tiền sử dụng đất, trong phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách cho một số dự án, trong đó có các dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, AIC thực hiện.
Ngoài ra, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ một số cán bộ, đảng viên kê khai tài sản cá nhân thiếu trung thực, không đầy đủ, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; một số cán bộ, đảng viên bị xử phạt kỷ luật, xử phạt hình sự.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn tiền, tài sản Nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử phạt kỷ luật.
Cựu Viên Chức Sở Giáo Dục Tỉnh Quảng Ninh Bị Đề Nghị Truy Tố Tội Nhận Hối Lộ
(Hình: Cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vũ Liên Oanh (trái) và ông Ngô Vui bị đề nghị truy tố thêm tội nhận hối lộ.)
-Ngày 17/6/2023, Cơ quan điều tra-Bộ Công an đề nghị truy tố bổ sung tội nhận hối lộ đối với các cựu viên chức Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh bao gồm bà cựu Giám đốc sở là Vũ Liên Oanh.
Theo báo Nhà nước, đề nghị này được Cơ quan điều tra Bộ Công an đưa ra vào khi ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, đưa và nhận hối lộ, nâng khống giá thiết bị giáo dục tại tỉnh Quảng Ninh.
Trước đó, những người này bị đề nghị truy tố tội “Vii phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Kết quả điều tra bổ sung xác định số tiền 30 tỉ mà nữ doanh nhân Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Chủ tịch Công ty NSJ Group) đưa cho viên chức giáo dục Quảng Ninh là tiền đưa và nhận hối lộ. Do đó cơ quan điều tra đề nghị truy tố bổ sung tội đưa hối lộ với bà Nga.
Cơ quan điều tra xác định cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh cùng thuộc cấp đã nhận hối lộ 30 tỉ đồng để thông thầu với doanh nghiệp chứ không đơn thuần là “nhận quà cảm ơn”.
Vì vậy, Cơ quan điều tra đề nghị truy tố bổ sung tội “Nhận hối lộ” với bà Vũ Liên Oanh - cựu Giám đốc Sở GD-ĐT, ông Ngô Vui - cựu Trưởng phòng kế hoạch tài chánh Sở Giáo dục và Đào tạo; Hà Huy Long - cựu Phó phòng.
Ngoài ra, cơ quan điều tra còn đề nghị truy tố thêm hai bị can là Trần Phú Hưng - nguyên Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và định giá AIC - Việt Nam và Nguyễn Anh Tuấn - Thẩm định viên của công ty này.
Kết luận điều tra của công an được báo Nhà nước trích đăng co thấy bà Oanh đã bốn lần nhận hối lộ với số tiền lên đến 14 tỉ đồng từ năm 2016-2019 từ bà Nga để giúp công ty của bà Nga trúng các gói thầu sáu dự án mua sắm trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học ở tỉnh Quảng Ninh.
Cấp dưới của bà Oanh là ông Ngô Vui khai đã nhận tiền “cảm ơn” từ bà Nga với tổng cộng số tiền là 14,8 tỉ đồng. Ông Vui đã nộp lại toàn bộ số tiền để khắc phục hậu quả.
Cựu Phó phòng kế hoạch và tài chánh Hà Huy Long cũng được bà Nga cảm ơn 4 lần, tổng cộng 1,3 tỉ đồng và 20.000 Mỹ kim.
Truy Tố 9 Người Có Sai Phạm Trong Bồi Thường Giải Phóng Mặt Bằng Phi trường Điện Biên
(Hình: Cựu Phó Chủ tịch thành phố Điện Biên Phủ bị bắt tạm giam hồi tháng 9/2022.)
-Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Điện Biên vừa ban hành cáo trạng truy tố 9 người liên quan đến Dự án Mở rộng Phi trường Điện Biên, vì đã có những sai phạm trong giải phóng mặt bằng và đền bù, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 13 tỉ đồng.
Truyền thông nhà nước hôm 17/6/2023 cho biết, trong số chín người bị truy tố có cựu Phó Chủ tịch thành phố Điện Biên Phủ là ông Nguyễn Tuấn Anh. Những người còn lại là các giới chức phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài chánh kế hoạch, Trung tâm Quản lý đất đai thành phố Điện Biên Phủ.
Những người này bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Tuấn Anh và các bị can khác đã lập phương án, phê duyệt và chi trả bồi thường trái quy định khi thu hồi đất để thực hiện Dự án mở rộng phi trường Điện Biên, gây thiệt hại hơn 13 tỉ đồng.
Việc chi trả bồi thường trái quy định gồm các khoản bồi thường hỗ trợ hoa màu cây cối, hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho công nhân, bồi thường chi phí đầu tư vào đất.
Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để nâng cấp phi trường Điện Biên được Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên phê duyệt vào tháng 4/2020.
Theo đó, thành phố Điện Biên Phủ giao Trung tâm Quản lý đất đai chủ trì thực hiện công tác đo đạc, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng.
Những sai phạm được phát giác theo cáo trạng liên quan đến việc thu hồi hơn 232.000 mét vuông đất của Công ty cổ phần Chế biến nông sản Điện Biên. Theo đó, ông Nguyễn Tuấn Anh đã ký ban hành quyết định phê duyệt phương án dự toán kinh phí bồi thường hỗ trợ gồm có bồi thường hỗ trợ hoa màu cây cối và hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho công nhân.
Tuy nhiên, quá trình ký quyết định của ông Nguyễn Tuấn Anh bị Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định là chưa đúng quy định pháp luật.
Việc bồi thường cây cối hoa màu, hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất cho người dân cũng bị xác định là không đúng quy định.
Ông Nguyễn Tuấn Anh bị khởi tố và bắt tạm giam vào tháng 9 năm 2022. Theo thông tin điều tra của công an vào lúc ông Tuấn Anh bị bắt giam, ông Nguyễn Tuấn Anh đã chỉ đạo việc lập, ký phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đợt 31 và đợt 66 với diện tích đất bị thu hồi của Công ty cổ phần chế biến Nông sản Điện Biên, vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét