Tưởng Niệm Ngày Tang Yên Báy 17-6-1930
KHÔNG AI TRONG SỐ HỌ ĐÃ HÔ “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG MUÔN NĂM”
Ngày 25 tháng 12, 1927 là ngày thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, một tổ chức chính trị quy tụ đông đảo người Việt yêu nước với chủ trương “Làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, để lập nên một nước Việt Nam Độc lập Cộng hòa.” Hội nghị đại biểu toàn quốc ngày 26 tháng 1, 1930 quyết định cuộc khởi nghĩa cả nước sẽ nổ ra vào đêm 9 rạng ngày 10 tháng 2, 1930.
<!>
Tuy nhiên, vì gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức và Pháp có thể đã biết ngày nổi dậy, đảng trưởng Nguyễn Thái Học quyết định dời ngày khởi nghĩa sang đến
15 tháng 2, 1930.
Nhiều nơi không nhận được tin nên vẫn bắt đầu vào đêm 9 tháng 2 hay như trường hợp Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy cuộc khởi nghĩa ở Hưng Hóa và Lâm Thao vẫn quyết định tiến hành.
Khi thất bại, Xứ Nhu tức Nguyễn Khắc Nhu tự sát bằng lựu đạn nhưng không chết. Địch băng bó vết thương và khiêng ông về nhà lao Hưng Hóa. Trên đường giải về nhà lao Nguyễn Khắc Nhu nhảy xuống sông tuẫn tiết nhưng cũng được vớt lên. Ngày 11 tháng 12, 1930, vì tay chân bị xích, Nguyễn Khắc Nhu phải tự sát lần nữa bằng cách đập đầu vào tường, ông vỡ đầu và hy sinh vì dân tộc.
Các nơi khác, nói chung cuộc khởi nghĩa thất bại và nhiều lãnh tụ đảng đã hy sinh, tự sát, hàng trăm người bị kết án chung thân và 62 người bị kết án tử hình.
Trong tác phẩm Vụ Án Việt Nam Quốc Dân Đảng 1929-1930 của tác giả Cẩm Đình, xuất bản năm 1950 viết lại khá đầy đủ chi tiết biên bản các buổi xử án của Hội đồng Đề hình Pháp xử các đảng viên VNQDĐ suốt hai năm từ 1929 đến 1930. Những đảng viên VNQDĐ chống án, nhận án, phủ nhận hay công khai nhận trách nhiệm đều được ghi rõ.
Hầu hết trong số lãnh đạo của Việt Nam Quốc Dân Đảng thời kỳ thành lập đều còn rất trẻ như Nguyễn Thái Học 28 tuổi, Phó Đức Chính 23 tuổi, Nguyễn Ngọc Sơn 27 tuổi, Nguyễn Thế Nghiệp 24 tuổi, Hoàng Phạm Trân tức Nhượng Tống 22 tuổi, Nguyễn Thị Giang tức Cô Giang 24 tuổi, Nguyễn Thị Bắc tức Cô Bắc mới 22 tuổi, Đoàn Trần Nghiệp tức Ký Con cũng chỉ mới 22 tuổi v.v..
Trong suốt thời gian dài xử án, nhiều trường hợp cảm động nói lên tình yêu nước ngay cả lúc đứng trước vành móng ngựa. Nguyễn Thái Học tuyên bố: “Tôi nhận cả trách nhiệm trong những cuộc biến động vừa rồi. Chính tôi đã chủ trương cuộc biến động ở Yên Bái, cũng chính tôi đã chủ tọa cuộc hội nghị ở Lạc Đạo. Chỉ có tôi mới là tay chính trong các cuộc biến động.” Học sinh Trịnh Văn Yên, 16 tuổi, trả lời khẳng khái anh gia nhập VNQDĐ lúc 14 tuổi để “đánh đuổi đế quốc chủ nghĩa Pháp”. Đoàn Thị Ái, khi luật sư Mayet biện hộ rằng bà chỉ theo đảng vì tình cả riêng tư dành cho người yêu vốn đã là đảng viên VNQDĐ, bà đứng lên phủ nhận và cho rằng bà gia nhập đảng chỉ vì “thương nước Việt Nam” chứ không phải vì tình yêu trai gái.
Nhiều người như Nguyễn Xuân Huân, Nguyễn Văn Lân, Nguyễn Tấn Tuất không cho phép các luật sư người Pháp biện hộ giùm.
Tối 16 tháng 6, 1930, chuyến tàu đêm đưa đảng trưởng Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí lên Yên Bái để hành hình.
Theo tác giả Hoàng Văn Đào trong tác phẩm “Từ Yên Bái Đến Các Ngục Thất Hỏa-Lò, Côn-Nôn, Guy-An”: “Trong chuyến xe lửa bí mật, riêng biệt khởi hành từ Hà Nội lên Yên Bái, các tử tù cứ hai người còng làm một, trò chuyện ở toa hạng tư trên một lộ trình dài 4 tiếng đồng hồ. Cùng đi với các tội nhân còn có thanh tra sở mật thám Pháp, hai cố đạo người Âu là
Linh mục Mechet và Dronet. Máy chém di chuyển theo cùng chuyến xe. Đao phủ thủ phụ trách buổi hành quyết là Cai Công. Cuộc hành quyết khởi sự vào lúc 5 giờ kém 5 phút sáng ngày 17.6.1930 trên một bãi cỏ rộng với sự canh phòng cẩn mật của 400 lính bản xứ. Xác chết 13 người chôn chung dưới chân đồi cao, bên cạnh đồi là đền thờ Tuần Quán, cách ga xe lửa độ một cây số.”
Tác giả Louis Roubaud in trong cuốn sách Việt Nam, xuất bản 1931, được trích dẫn khá nhiều, viết về cuộc khởi nghĩa Yên Bái và những diễn biến tại pháp trường. Ngay ở trang đầu Roubaud đã viết: “Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam! 13 lần tôi nghe tiếng hô này trước máy chém ở Yên Bái. 13 người bị kết án tử hình đã lần lượt thét lên như vậy cách đoạn đầu đài hai thước”. Tác giả cũng viết về nhà cách mạng Nguyễn Thái Học: “Anh mỉm miệng cười, cực kỳ bình thản, đưa mắt nhìn đám đông công chúng và cúi đầu chào đồng bào rồi cất giọng đĩnh đạc, trầm hùng mà hô lớn: “Việt Nam vạn tuế”. Cô Giang, vợ chưa cưới của Nguyễn Thái Học, cũng có mặt trong đám đông.”
Vài hôm sau Ngày Tang Yên Báy, ngày 17 tháng Sáu năm 1930, bức hình mười ba chiếc đầu của các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng vừa bị chém còn phơi trên bãi cỏ được đăng trên báo Pháp. Chiếc đầu được đánh dấu tròn được tờ báo ghi chú "đây là đầu của Nguyễn Thái Học."
Đảng trưởng Nguyễn Thái Học và 12 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng đã dành hơi thở cuối cùng của đời mình trên mặt đất này để gọi tên hai tiếng Việt Nam trước khi bị chém.
Như hai tác giả Louis Roubaud và Hoàng Văn Đào viết, không ai trong số họ đã hô “Việt Nam Quốc Dân Đảng muôn năm”.
Đó cũng là điểm khác biệt chính giữa các đảng cách mạng thật sự chiến đấu vì tự do, độc lập của dân tộc và đảng CSVN.
Với những người yêu nước chân chính, đảng cách mạng chỉ là chiếc ghe để đưa dân tộc Việt Nam qua sông trong khi với Đảng Cộng sản chiếc ghe lại chính là dân tộc.
Hôm nay, sở dĩ đảng CS ca ngợi lòng yêu nước của Nguyễn Thái Học chỉ vì ông đã hy sinh, tuy nhiên, nếu ông còn sống và tiếp tục lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng trong giai đoạn 1945, số phận của Nguyễn Thái Học cũng giống như Bùi Quang Chiêu, Trương Tử Anh, Khái Hưng, Phạm Quỳnh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Hồ Văn Ngà, Nguyễn Thế Nghiệp và hàng ngàn người Việt Nam yêu nước bị CS giết mà thôi.
Nguyễn Thái Học khi sống là Đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng nhưng khi chết đã chết như bao nhiêu thanh niên yêu nước khác, thư thái ngâm những vần thơ tuyệt mệnh “Chết vì tổ quốc, chết vinh quang, lòng ta sung sướng, trí ta nhẹ nhàng”.
Chàng thanh niên Việt Nam Nguyễn Thái Học mới 28 tuổi.
Lịch sử mang tính thời đại và tính liên tục. Mỗi thế hệ có một trách nhiệm riêng, nhưng dù hoàn thành hay không, khi bước qua thời đại khác, vẫn phải chuyển giao trách nhiệm sang các thế hệ lớn lên sau.
Sức đẩy để con thuyền dân tộc vượt qua khúc sông hiểm trở hôm nay không đến từ Mỹ, Anh, Pháp hay đâu khác, mà bắt đầu từ bàn tay và khối óc của tuổi trẻ. Lịch sử Việt Nam đã và đang được viết bằng máu của tuổi trẻ Việt Nam.
Dưới đây là bài thơ của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy viết để tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Yên Báy.
NGÀY TANG YÊN BÁY
(Kính tặng hương hồn những liệt sĩ đã bỏ mình trong cuộc khởi nghĩa Yên Báy)
Tác giả: Đằng Phương, GS Nguyễn Ngọc Huy
Việt Nam muôn năm! Việt Nam muôn năm!
Trong bình minh sương lạnh phủ âm thầm.
Mười ba tiếng tung hô bao tráng liệt.
Toan lay tỉnh cả toàn dân nước Việt.
Gió căm hờn rền rĩ tiếng gào than.
Từ lưng trời, sương trắng rủ màn tang.
Ánh mờ nhạt của bình minh rắc nhẹ
Trên Yên Báy âu sầu và lặng lẽ,
Giữa mấy hàng gươm súng toả hào quang,
Mười ba người liệt sĩ Việt hiên ngang
Thong thả tiến đến trước đài Danh Dự:
Trong quần chúng đứng cúi đầu ủ rũ,
Vài cụ già đầu bạc lệ tràn rơi
Ngất người sau tiếng rú: Ối con ơi!
Nét u buồn chợt mơ màng thoáng gợn
Trên khoé mắt đã từng khinh đau đớn
Của những trang anh kiệt sắp lìa đời,
Nhưng chỉ trong giây phút vẻ tươi cười
Lại xuất hiện trên mặt người quắc thước.
Đã là kẻ hiến thân đền nợ nước,
Tình thân yêu quyến thuộc phải xem thường,
Éo le thay! muốn phụng sự quê hương
Phải dẫm nát bao lòng mình kính mến.
Nhưng này đây, phút thiêng liêng đã đến.
Sau cái nhìn chào non nước bi ai,
Họ thản nhiên, lần lượt bước lên đài
Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng.
“Việt Nam muôn năm!” Một đầu rơi rụng,
“Việt Nam muôn năm!” Người kế tiến lên.
Và Tử Thần kính cẩn đứng ghi tên
Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc,
Sau Đức Chính, đây là phiên Thái Học,
Anh nghiêng mình trước xác những anh em,
Rồi mĩm cười, Anh ngảnh mặt nhìn xem
Những kẻ đến quan chiêm đoàn liệt sĩ
Để từ biệt những bạn đồng tâm chí.
Tiếng tung hô bổng nổi, vang trời cao,
Nhưng liền theo Anh đã bị xô vào
Chiếc gươm máy giăng tay chào, lặng lẽ
Đao xuống, đầu rơi, máu đào tung toé.
Người anh hùng nước Việt thôi còn đâu!
Lũ thực dân giám sát đứng nhìn nhau
Như trút sạch hết những đìều lo ngại
Và xoa tay chúng thở dài khoan khoái,
Trong rừng người ứa lệ, Nguyễn Thị Giang
Nén nỗi đau như cắt xé can tràng
Đứng ngơ ngác lặng người bên Hữu Cảnh.
Trong nắng sớm, gió căm hờn quát mạnh
Như thề cùng những tử sĩ anh linh
Vang dội cùng trên đất Việt điêu linh
Những tiếng thét uy hùng vì giống Việt.
Việt Nam muôn năm! Việt Nam muôn năm!
Như tan trong gió mạnh khóc vang rầm
Mười ba tiếng tung hô bao tráng liệt
Cố lay tỉnh cả toàn dân nước Việt.
Thân anh hùng đã nát dưới ngàn cây
Nhưng tiếng hô còn phảng phất đâu đây,
Mười lăm năm sau ngày sầu Yên Báy,
Toàn thể giống Tiên Rồng cùng đứng dậy,
Cố đuổi loài tham bạo khỏi non sông,
Hơn hai năm đất Việt máu pha hồng
Mà chiến sĩ vẫn một lòng cương quyết
Thề tranh đấu đến khi nào nước Việt
Được hoàn toàn độc lập mới ngừng tay.
Thế là dòng máu vọt dưới trời mây
Một buổi sáng mười lăm năm về trước
Đã vẽ được cảnh anh hùng nguyện ước.
Đưa non sông ra khỏi chốn u trầm
Cả toàn dân nước Việt đến muôn năm
Vẫn ghi tạc trong tâm ngày hôm ấy,
Ngày hôm ấy, ôi! ngày tang Yên Báy!
Việt Nam muôn năm! Việt Nam muôn năm!
Xé nát màn sương lạnh phủ âm thầm,
Mười ba tiếng tung hô bao tráng liệt
Đã lay tỉnh cả toàn dân nước Việt.
(Đằng Phương, Hồn Việt, NXB Đuốc Việt, Sài Gòn, 1950)
Trần Trung Đạo
Ảnh pháp trường Yên Báy 17 tháng 6 năm 1930
(Ảnh sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét