Tôi được sinh ra năm 1944 tại Bảo Sanh Viện Từ Dũ thuộc quận nhì Sài Gòn trước năm 1975. Nhà mẹ tôi ở trong xóm đạothuộc họ Chợ Đũi. Họ đạo này trực thuộc nhà thờ Huyện Sĩ,t ọa lạc trên góc đường Bùi Chu và Võ Tánh, sau 1975 đổi tên là đường Tôn Thất Tùng và Nguyễn Trải. Xóm đạo này được bao bọc bằng 3 đoạn của 3 con đường là Bùi Chu (Tôn Thất Tùng), BùiThị Xuân và Hồng Thập Tự (nay là Xô Viết Nghệ Tỉnh) Một đoạn đường rầy xe lửa chạy dài từ đường Bùi Thị Xuân đến Hồng Thập Tự ( Xô Viết Ngệ Tỉnh) là một mặt sau của xóm. Tên là xóm đạo nên nhiều người lầm tưởng trong xóm hầu hết những gia đình đều theo đạo Thiên Chúa.
<!>
Thực tế trong xóm người đạo Công Giáo và Phật giáo hầu như ngang nhau, nhà mẹ tôi và một số nhà chung quanh theo Phật Giáo. Khu đất này thuộc sở hữu họ đạo Chợ Đũi, liên hệ với nhà thờ Công Giáo Huyện Sĩ nên được gọi là xóm đạo, những gia đình có nhà trong xóm này mổi tháng đều phải đóng tiền thuê đất cho họ đạo Chợ Đũi và được cấp biên nhận.
Năm 1954, lúc tôi được 10 tuổi, tôi học lớp nhất trường tiểu học Trương Minh Ký. Ngôi trường này ở trên đường Nguyễn Thái Học, gần chợ Cầu Ông Lãnh. Vào lứa tuổi này, tôi đã nhận thức được những gì xảy ra trong gia đình và ngoài xã hội.
Trước năm 1954, quốc gia VN còn đang bị nước Pháp đô hộ. Các con đường đều mang tên Pháp. Trường học ngoài tiếng Việt còn dạy thêm môn tiếng Pháp. Sau khi chính quyền đệ nhất Cộng Hoà do cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm thành lập sau năm 1954, môn học tiếng Anh được thêm vào, học sinh được học hai sinh ngữ là Anh và Pháp và được chọn sinh ngữ nào là môn học chính và môn nào là phụ. Tôi chọn tiếng Pháp là chính và tiếng Anh là phụ.
Khi các cố vấn Mỹ và các đơn vị quân đội Mỹ vào VN sau 1960, tiếng Pháp hết thời, tiếng Anh lên ngôi. Sách dạy tiếng Anh từ từ tràn ngập miền Nam VN. Bộ sách dạy tiếng Anh phổ biến nhất là của giáo sư Lê Bá Kông, Lê Bá Khanh. Tôi còn nhớ giáo sư dạy tôi học tiếng Anh năm đệ lục trường Nguyễn Bá Tòng là giáo sư Hoàng Châu.
Đoạn viết này tôi xin được viết những tên đường chung quanh xóm đạo bằng tiếng Pháp trước khi đổi sang tiếng Việt sau 1954 và 1975. Những tên đường này tôi xin gửi đến những người cùng sống với tôi trong xóm đạo từ thời thơ ấu nay mà đến nay đã 80 tuổi và đã rời xóm đạo như anh Trần Bá Tùng hiện đang ở Canada, anh Võ Đức Xuân, chị Yến đang ở California, anh Bùi văn Minh Trứ đang ở Pháp, anh Võ Bữu Khai đang ở Úc, anh Hoàng Trọng Đại Mạch đang ở Việt Nam để cùng nhau nhớ về Xóm đạo, một thời đã sống, đã vui chơi và hiện nay là một trời để nhớ.
Trở lại những năm học tiểu học tại trường Trương Minh Ký, hằng ngày từ nhà mẹ tôi trong xóm đạo, tôi đi theo con hẻm trổ ra đường Duranton (sau 1975 là Bùi Thị Xuân), quẹo phải đến đường rầy xe lửa, quẹo trái, men theo vách tường của nhà thờ Huyện Sĩ (nay là đường Lương hữu Khánh), gặp đường Frere Louis (đổi thành Võ Tánh sau 1954 và Nguyễn Trải sau 1975), quẹo trái qua chợ Thái Bình gặp đường Colonel Grimau,(sau 1954 và 1975 là Phạm Ngũ Lão), quẹo trái đi thẳng gặp Boulevard Kitchener,(sau 1975 là Nguyễn Thái Học), băng qua Boulevard Gallieni( nay là Trần Hưng Đạo) sẽ đến trường Trường Minh Ký bên tay trái. Không biết những người bạn tôi hiện đang sống ở Canada, California, Úc, Pháp, Việt Nam còn nhớ những tên đường tiếng Pháp này không?
Tôi cũng còn nhớ những con đường chung quanh xóm đạo như Chaseloud Loubart (đổi thành Hồng Thập Tự và hiện nay là Xô Viết Nghệ Tĩnh), Leoncomb( Sương Nguyệt Anh), D’Âras ( Cống Quỳnh), Verdun ( Lê văn Duyệt). Riêng đường Bonard ( Lê Lợi) và Catinat ( đường Tự Do,sau 1975 là Đồng Khởi),Charner (Nguyễn Huệ)thi ai sinh sống lâu đời ở Sài Gòn trước 1975 đều biết tên 3 con đường nổi tiếng này, nhất là đường Nguyễn Huệ trước 1975 đều có chợ hoa vào những ngày trước Tết.
Những âm thanh gắn liền với tuổi thơ của tôi.
TIẾNG CÒI XE LỬA
Nhà mẹ tôi trong xóm đạo nằm ở cuối con hẻm đối diện với đường Sương Nguyệt Ánh. Cuối con hẻm là đường rầy xe lửa. Mỗi ngày vào sáng sớm và chiều, tiếng còi và động cơ xe lửa vang đội khi chạy ngang khu xóm đạo. Thời điểm 1950-1960, xe lửa còn chạy bằng sức nóng hơi nước được đốt bằng than đá, mỗi khi hụ còi, khói đen tuôn mù mịt
Khoảng 4 giờ chiều mỗi ngày, đoàn tàu từ miền Trung VN về ga Sài Gòn kế bên chợ Bến Thành còn được gọi là chợ Sài Gòn. Trước khi đoàn tàu chạy qua khu xóm, tôi và các bạn đem mấy cái nắp khoén ( mấy cái nắp chai nước ngọt) được đập bẹp sơ qua, đặt lên trên đường ray xe lửa,sau khi xe chạy ngang qua, cán lên mấy cái nút khoén, dưới sức nặng của con tàu, nút khoét được cán phẳng lì, nhìn rất đẹp.
TIẾNG CHUÔNG NHÀ THỜ
Xóm đạo chỉ cách nhà thờ Huyện Sĩ khoảng 500m, nhà mẹ tôi tính theo đường chim bay khoảng 700 m. Mỗi ngày, khoảng 5 giờ sáng, chuông nhà thờ vang lên báo giờ dự lễ buổi sáng cho giáo dân quanh khu vực nhà thờ. Tiếng chuông nhà thờ nghe rất rõ vì mới rạng sáng,đường phố còn thưa thớt. Tuy gia đình tôi theo đạo Phật, nhưng đã cư ngụ trong xóm đạo từ 1941 cho đến 2015, mẹ tôi bán nhà mới rời khỏi xóm. Tiếng còi xe lửa không còn vì trước 1975, ga xe lửa Sài Gòn đời về ga Hoà Hưng, nhưng tiếng chuông nhà thờ thì vẫn còn vang lên cho đến hiện nay 2023.
TIẾNG VE SẦU TRÊN ĐƯỜNG SƯƠNG NGUYỆT ÁNH
Con đường này hiện nay nằm giửa đường Tôn Thất Tùng và Cách mạng Tháng 8 ( đường Bùi Chu và Lê văn Duyệt trước 1975).
Trước 1960, mổi khi mùa Hè đến, tiếng ve kêu vang trên những cây dầu rái mọc dài hai bên đường. Khi trái dầu rụng xuống quay tròn như chong chóng, tôi thường lượm và tung lên trên cao để cho nó rơi xuống.
Khoảng thời gian sau 1965, tiếng ve sầu vang lên vào mùa Hè không còn nữa, có lẽ do sự phát triển của đô thị Sài Gòn và không khi bị ô nhiễm nên ve sầu rời thành phố.
TIẾNG RAO BÁN HÀNG RONG
Tiếng còi xe lửa sáng,chiều cũng như tiếng chuông nhà thờ báo hiệu giờ xe chạy và giờ đi lễ sáng.Không cần coi đồng hồ,mọi người đều biết là giờ nào trong ngày.
Sau tiếng còi xe lửa và tiếng chuông nhà thờ là tiếng rao hàng của những người bán dạo như: Bánh mì nóng giòn, bánh giò, xôi khúc…vào từng ngỏ ngách trong xóm để bán hàng.
Buổi trưa là tiếng chuông lắc leng keng của những người bán cà REM cây.
Buổi tối với những tiếng gõ vào miếng tre của người bán hủ tiếu mì ban đêm. Đặc biệt có những tiếng rao hàng đã được biến tấu thành những lời rao khôi hài mà tác giả không biết là ai như câu rao bán chè :” Ai Chè bột khoai nước dừa đường cát hông” thành câu “ Ai bộp tai té xuống đường nằm sát không “. Câu “ Ai hột vịt lộn hông “ thành câu “ Ai vật lộn không “.
Âm thanh tuổi thơ của lứa tuổi ngày xưa là tiếng dế gáy trong những trận chiến giữa dế than, dế lửa., tiếng vó ngựa lọc cọc vào những buổi sáng sớm của những chiếc xe ngựa chở hàng hoá từ ngoại ô vào chợ Cầu Ông Lãnh.
Âm thanh của tuồi thơ tôi còn là tiếng mưa rơi trên nóc nhà mái ngói, tiếng pháo nổ trong những ngày Tết, tiếng máy xe xích lô máy, xe lambretta ba bánh nổ giòn giã trên đường phố.
Âm thanh ngày xưa còn là tiếng mẹ gọi thức dậy để đi học, tiếng mẹ la rầy khi phạm lỗi.
Những âm thanh của tuổi thơ ngày xưa còn nhiều lắm. Các bạn nào cùng lứa tuổi 80 như tôi, xin góp thêm vào những âm thanh của ngày tháng còn trong vòng tay của cha, mẹ, để chúng ta cùng trở về một thời đã sống, đã yêu và bây giờ là một thời để nhớ.
Thân chúc các bạn sức khỏe, bình an.
TD 6-12-2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét