Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2023

Nữ giám đốc gốc Việt từng ‘chết hụt’ khi vượt biển viết nên câu chuyện thành công ở Mỹ - VOA

 Bà Trương Thị Túy Ngọc, tên tiếng Anh là Mary Truong, hiện là giám đốc điều hành một cơ quan đặc trách người tị nạn và di dân của chính quyền tiểu bang Massachusetts ở miền đông Hoa Kỳ, chuyên hỗ trợ những người này thích nghi với cuộc sống tái định cư và quá trình nhập tịch. Chắt chiu dành dụm và nỗ lực không ngừng để cải thiện cuộc sống, gia đình dần dần vươn tới ước mơ Mỹ. Bà và tất cả anh chị em đều đi học đại học, và bảy người lấy bằng cao học — một người là luật sư, một người là nhà khoa học cho Lục quân Hoa Kỳ, 

<!>

Một người là giám đốc điều hành của một công ty công nghệ sinh học, hai người là công chức làm việc cho chính quyền cấp quận hạt và cấp tiểu bang, và một người là giáo viên đã về hưu.

Về phần mình, bà Ngọc cho biết trước đây bà từng làm việc trong lĩnh vực ngân hàng và y tế trong gần 20 năm. Năm 2015, bà được Thống đốc Massachusetts Charlie Baker bổ nhiệm làm Giám đốc Điều hành Văn phòng Người tị nạn và Người nhập cư Massachusetts, với nhiệm vụ chính là điều phối ngân khoản của chính quyền liên bang cho việc tái định cư người tị nạn trong tiểu bang.

“Tôi có một đội ngũ hiện tại có 15 người,” bà giải thích. “Chúng tôi giúp sử dụng tiền mà Văn phòng Tái định cư Người tị nạn (thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ) cấp để giúp người tị nạn, thông qua bảo hiểm sức khỏe, qua những chương trình để giúp họ có thể hội nhập dễ dàng ví dụ như là cho họ đi học tiếng Anh, rồi kiếm việc làm giúp họ, nhập quốc tịch. Có rất nhiều những chương trình giúp từ những người trẻ cho đến những người già. Có chương trình giúp cho những người qua mà không có cha mẹ nữa.”

“Chúng tôi không làm dịch vụ trực tiếp, tức là không phải là cá nhân mình đi ra để giúp người tị nạn mà chúng tôi phối hợp với những cơ quan (phi lợi nhuận) giúp người tị nạn để họ làm những việc đó. Chúng tôi có hợp đồng với gần hay là trên 40 cơ quan trong toàn tiểu bang để giúp về những mục đích khác nhau.”

Biến đau thương thành ích lợi

Bà Ngọc cho biết trong thời gian bà làm lãnh đạo cơ quan này, bà đã khởi xướng một chương trình mới để dạy những di dân biết cách sử dụng và quản lý tài chính sao cho phù hợp với nhu cầu của mình. Ý tưởng xuất phát từ kinh nghiệm đau thương của chính gia đình bà.

Năm 1988, căn nhà mà gia đình 11 người của bà sống bị cháy vì một sự bất cẩn của bà ngoại trong khi dùng nến để thắp sáng. Vụ hỏa hoạn làm hư hại khoảng 40% căn nhà và cũng làm cháy sém nhiều tờ tiền mà bà ngoại cất giấu đằng sau những khung hình thay vì gửi trong ngân hàng, bà kể.

Trong một sự việc đáng tiếc khác, bà Ngọc cho biết bà đã vô tình vứt đi những kỉ vật của mẹ bà vốn được bà ngoại giữ gìn cẩn thận. Bà cụ đã âm thầm giấu những món đồ có giá trị tinh thần này dưới đáy thùng rác thay vì gửi vào ngân hàng.

“Bà ngoại tôi giận, khóc không ngủ được suốt mấy tháng trời bởi vì ngoại tôi cắt nghĩa đó là gia tài duy nhất còn lại mà bà cụ hứa với mẹ chúng tôi để sau này chúng tôi còn có một tí kỉ niệm từ mẹ, nhưng mà không ngờ tôi lại đánh mất đi hết,” bà Ngọc kể.

“Vì vậy tôi nghĩ đến kinh nghiệm đó của bà cụ. Cũng giống như những người di dân khác, người ta hay giấu tiền ở dưới cái tấm nệm hoặc là giấu ở đâu đó. Tại sao mình phải làm vậy? Có ngân hàng để làm chi? Nếu mà mình không cho ngân hàng biết mình có bao nhiêu tiền thì nó cũng có cái hộp tủ sắt an toàn, mình có thể giấu trong đó.”

Bà Ngọc cho biết trong sáu năm kể từ khi đi vào hoạt động, chương trình dạy về quản lý tài chính của bà đã trang bị kiến thức và kĩ năng cho khoảng trên 2.000 di dân. Hiện tại văn phòng của bà có hợp đồng với 14 cơ quan để thực hiện chương trình này và bà vẫn đang tìm kiếm thêm đối tác để mở rộng quy mô, bà nói.

Bà cho biết thêm sắp tới bà sẽ chuyển sang vai trò mới, tập trung nhiều hơn vào việc phát triển chương trình kĩ năng tài chính này và dạy tiếng Anh cho di dân.

“Khi tôi làm việc cho văn phòng tị nạn thì tôi phải dùng kinh nghiệm cá nhân cũng như là cái gì mình học hỏi từ ngân hàng để mà giúp những người mới qua,” bà nói. “Bởi vì đối với mình cái đó là cái căn bản rất là cần thiết. Nhưng mà chủ yếu vẫn là học tiếng Anh và phải biết làm sao để mình hội nhập tốt. Phải học hỏi về vấn đề tài chánh thì cuộc sống của mình mới khá hơn được.”


Bà Ngọc (thứ năm từ phải sang) chụp ảnh với những người nhập cư đã "tốt nghiệp" khóa học kĩ năng tài chính mà bà đã lập ra để dạy họ cách quản lý ngân sách, ở Massachusetts, ngày 20 tháng 5 năm 2023.Bài học cuộc đờiNhìn lại cuộc đời của mình, nữ giám đốc này nói địa vị hiện thời của bà là kết quả của sự lao động “chăm chỉ.”

Tinh thần tự túc được hun đúc trong những ngày tháng khó khăn khi gia đình bà mới đặt chân đến Mỹ. Mọi người hiểu rằng ai cũng cần phải nỗ lực tùy theo sức của mình để nuôi 11 miệng ăn và để dành dụm cho một tương lai sung túc hơn.

“Nếu mà mình không làm chăm chỉ người ta không biết tới mình, người ta đánh giá mình thấp thì người ta cũng sẽ không có giúp mình rồi mình cũng sẽ không có tiến thân được,” bà đúc kết kinh nghiệm.

“Tôi thấy có người có tính ỷ lại, thí dụ như họ nghĩ là qua đây thì sẽ được trợ giúp, mình cứ tà tà. Tôi thấy nghĩ như vậy là sai, mình không thể nào tà tà được. Mình phải cố gắng để mình vượt lên. Đó là phải học tiếng Anh, phải làm việc, rồi phải đóng góp trong xã hội.”

Một lời khuyên nữa bà dành cho những di dân: hãy xả thân giúp đỡ rồi cơ hội sẽ đến.

“Hồi xưa tôi làm ngân hàng, tôi cũng tham gia trong ban bệ của nhà thương. Đâu có ai ngờ ngân hàng cho tôi nghỉ việc thì là bên nhà thương này họ tạo việc làm mới cho tôi, tại vì tôi đã đóng góp, tôi đã làm thiện nguyện. Thật ra là làm cái này, nó giúp mình đẩy qua cái khác mình không biết được. Mình cứ xả thân mình giúp,” bà nói.

“Đó là điều đối với tôi rất là may mắn. Nếu mà người ta không có giúp mình, mình không có được ngày hôm nay; thì đó là trách nhiệm của mình, mình phải tiếp tục giúp lại người khác. Có vậy thôi.

Không có nhận xét nào: