Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2023

Nóng! Putin Có Thể Bị Lật Đổ! Trong Vòng 24 Giờ Sắp Tới! và Kính Chuyển Tin Thế Giới & Việt Nam Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Nóng như trên chảo lửa! 24 giờ tới, rất quan trọng, quyết định Putin có bị lật đổ hay không? -Tổng thống Nga đang đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với việc nắm giữ quyền lực trong suốt 23 năm ông điều hành nhà nước hạt nhân. Và thật đáng kinh ngạc khi chứng kiến sự chuyên quyền mà Putin đã duy trì trong suốt thời gian qua có nguy cơ sụp đổ chỉ sau một đêm.
<!>


Lâu nay, những người chỉ trích Putin chỉ đơn giản là biến mất, hoặc rơi ra khỏi cửa sổ, hoặc bị đầu độc một cách dã man. Tuy nhiên, giờ đây, quân đội lớn thứ năm trên thế giới đang phải đối mặt với một ngày cuối tuần mà có binh biến từ bên trong, với việc một tập đoàn lính đánh thuê quay súng vào Bộ Quốc phòng.

Chúng ta đã quá quen với việc coi Putin là một nhà chiến thuật bậc thầy, đến nỗi những phát súng mở đầu về sự bất tuân của thủ lĩnh Wagner, Yevgeny Prigozhin, đôi khi bị đánh giá là một đòn nhử – một nỗ lực của Putin để giữ các tướng lĩnh cảnh giác với những lời chỉ trích.

Nhưng những gì chúng ta đang chứng kiến hôm 24/6 – với việc Putin buộc phải thừa nhận rằng Rostov-on-Don, trung tâm quân sự đã nằm ngoài tầm kiểm soát của ông.

Có khả năng các đơn vị của Wagner đã lên kế hoạch cho việc này trong một thời gian.

Một cuộc không kích nhắm vào doanh trại Wagner trong rừng, được cho là do Bộ Quốc phòng Nga gây ra chỉ vài giờ sau khi Prigozhin mổ xẻ nguyên nhân của cuộc chiến Ukraine.

Ông Prigozhin nói lên một phần sự thật: Nga không bị NATO đe dọa tấn công và người Nga không có nguy cơ bị khủng bố. Sự lừa dối duy nhất mà ông cho là ám chỉ quan chức quốc phòng Nga đứng sau kế hoạch xâm lược chứ không phải bản thân Putin.

Sau đó, lực lượng của Wagner đã tập hợp lại rất nhanh và nhanh chóng tiến vào Rostov. Điều đó khó có thể thực hiện một cách tự phát trong một sớm một chiều.

Có lẽ Prigozhin từng mơ tưởng rằng mình có thể tạo áp lực Putin phải thay ghế bộ trưởng quốc phòng của Sergei Shoigu, người bị Wagner công khai chỉ trích trong nhiều tháng.

Nhưng bài phát biểu của Putin vào sáng 24/6 đã xóa bỏ viễn cảnh đó. Đây hiện là một sự lựa chọn hiện sinh cho giới tinh hoa của Nga – giữa chế độ không còn vững chãi và trùm lính đánh thuê quyết lật tẩy chủ nhân của mình.

Đó cũng là thời điểm then chốt đối với quân đội Nga. Vài năm trước, những lời chỉ trích nhẹ nhàng của Prigozhin đã khiến ông bị đuổi đi.

Nhưng bây giờ ông đang tiến tới mà không có ai ngăn cản, thậm chí đặt mục tiêu công khai là hành quân đến Moscow. Lực lượng đặc nhiệm của Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) đang ở đâu? Bị thiệt hại bởi chiến tranh, hay không muốn đối đầu với những đồng đội có vũ trang và kinh nghiệm của Wagner?

Đây không phải là lần đầu tiên trong mùa xuân này, chúng ta thấy Moscow có vẻ yếu ớt.

Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Điện Kremlin hồi tháng 5 hẳn đã khiến giới tinh hoa xung quanh Putin đặt câu hỏi làm thế quái nào mà hệ thống phòng thủ của Moscow lại yếu ớt đến vậy.

Vài ngày sau, vùng ven Moscow đã trở thành mục tiêu của nhiều máy bay không người lái hơn.

Đối với giới tài phiệt ở Nga, sự kiện binh biến sẽ loại bỏ bất kỳ câu hỏi nào về việc liệu họ có nên nghi ngờ về khả năng tại vị của Putin hay không.

Ukraine trước mắt có thể sẽ ăn mừng trước các diễn biến của cuộc nổi dậy này ở Nga. Chí ít thì nó có thể sẽ thay đổi cục diện cuộc chiến theo hướng có lợi cho Kiev.


Xung quanh vụ trùm Wagner ‘nổi loạn, ‘quay lưng’ với Putin!

-Lâu nay đã bất hòa với giới chức quân sự Nga về cuộc chiến ở Ukraine, Prigozhin, người đứng đầu tập đoàn Wagner, đưa mối thù lên một tầm cao mới khi ông cáo buộc rằng các chiến binh của mình bị lực lượng Nga tấn công và thề sẽ trả thù.


(Hình: Yevgeny Prigozhin, chủ công ty lính đánh thuê Wagner)

Lời đe dọa, được đưa ra trên kênh Telegram chính thức của Prigozhin đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng ở Nga.

Cơ quan an ninh Nga FSB lập tức phát lệnh cáo buộc các chiến binh Wagner từ chối mệnh lệnh và bắt giữ Prigozhin, đồng thời mở cuộc điều tra hình sự về tội “tổ chức nổi loạn vũ trang, văn phòng tổng công tố cho biết.

Tướng Nga Vladimir Alekseev gọi đó là “cú đâm sau lưng” và “một cuộc đảo chính.”

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Putin đã được thông báo và “các biện pháp cần thiết đang được thực hiện”.

Prigozhin từng được Putin tin cẩn. Được Nga gọi là “công ty quân sự tư nhân”, Tập đoàn Wagner được các quan chức Hoa Kỳ gọi là lực lượng ủy nhiệm, trong khi các bên khác gọi đây là nhóm lính đánh thuê.

Wagner được thành lập vào năm 2014 và thuộc sở hữu của Prigozhin, 61 tuổi, người trước đây được biết đến với biệt danh “đầu bếp của Putin”, chuyên phục vụ yến tiệc cho các sự kiện cấp nhà nước của Điện Kremlin.

Vào tháng 12, Hoa Kỳ tin rằng Tập đoàn Wagner có khoảng 50.000 lính đánh thuê tại Ukraine, trong số này có 40.000 tù nhân từ các nhà tù Nga, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby cho biết.

Nga phủ nhận sự liên quan của Tập đoàn Wagner trong các hoạt động quân sự, nhưng Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington cho biết nhóm này có liên hệ trực tiếp với nhà nước Nga.

Wagner được cho là đóng một vai trò trong các hoạt động của Nga ở Ukraine vào năm 2014 và 2015, hoạt động như một “tổ chức ủy nhiệm”.

Tập đoàn này cũng đã tham chiến tại các khu vực khác trên thế giới, bao gồm cả châu Phi.

Wagner đã hoạt động trong cuộc xung đột dân sự ở Libya và Nga đã gửi cho tập đoàn này các thiết bị quân sự bao gồm chiến đấu cơ và xe bọc thép để Nga giành chỗ đứng tại quốc gia này, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết vào năm 2020.

Tập đoàn này cũng được cử đến cuộc nội chiến tại Trung Phi, nơi nhóm này bị buộc tội hành quyết thường dân, tấn công lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và nhắm mục tiêu vào các cộng đồng chủ yếu là người Hồi giáo.

Các nhà ngoại giao cấp cao của phương Tây nói rằng Tập đoàn Wagner đã nắm quyền kiểm soát một mỏ vàng ở đó. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết tập đoàn Wagner gây ra những hành động tàn bạo, bao gồm cả việc hành quyết những người không vũ trang.

Hồi tháng 1/2023, Hoa Kỳ cáo buộc Wagner là một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Tại Châu Phi, tập đoàn này gây bất ổn cho các quốc gia và “vi phạm nhân quyền trên diện rộng, bòn rút tài nguyên thiên nhiên”, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết khi áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào Wagner.

Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết cuộc chiến ở Ukraine đã giúp Tập đoàn Wagner gia tăng ảnh hưởng.

“Ảnh hưởng của Prigozhin đang mở rộng. Sự độc lập của Wagner với Bộ Quốc phòng Nga được tăng lên và nâng cao trong suốt 10 tháng của cuộc chiến này,” Kirby cho biết tại cuộc họp diễn ra hồi tháng 12/2022.

Ông nói, quân đội Nga đã dựa vào các chiến binh của Wagner ở Ukraine và trong một số trường hợp, các quan chức quân sự của Nga đã phục tùng các chỉ huy của tập đoàn Wagner.

Prigozhin gần đây liên tiếp mạnh miệng cáo buộc giới lãnh đạo quân sự của Nga “bất tài, vô dụng” ở Ukraine. Hôm 23/6, ông công khai cáo buộc giới lãnh đạo quân sự của Nga tấn công lực lượng Wagner. Ông tuyên bố đã có một cuộc tấn công tên lửa vào các doanh trại của tập đoàn.

Prigozhin cho biết, giới lãnh đạo quân sự Nga phải chịu trách nhiệm về cái chết của 2.000 chiến binh Wagner.

“Những kẻ đã tiêu diệt các chiến binh Wagner, những kẻ đã hủy hoại mạng sống của hàng vạn binh sĩ Nga, sẽ bị trừng phạt,” Prigozhin cho biết.


Căng thẳng chưa bao giờ thấy! Putin lên truyền hình gọi Prigozhin là ‘phản quốc!’


-Một chiến binh thuộc nhóm lính đánh thuê tư nhân Wagner tuần tra trên một con phố gần trụ sở của Quân khu phía Nam ở thành phố Rostov-on-Don

Trong bài phát biểu trên truyền hình, Putin tuyên bố rằng cuộc nổi loạn của Wagner là một “cú đâm sau lưng” đối với Nga.

Trong bài phát biểu khẩn cấp trên truyền hình hôm 24/6, Putin nói rằng một “cuộc binh biến vũ trang” của lực lượng lính đánh thuê tập đoàn Wagner là “phản quốc” và bất kỳ ai cầm vũ khí chống lại quân đội Nga “đều sẽ bị trừng phạt”.

Putin nói sẽ làm mọi thứ để bảo vệ nước Nga, và “hành động quyết định” sẽ được thực hiện để ổn định tình hình ở Rostov-on-Don, thành phố phía Nam nơi thủ lĩnh Wagner Yevgeny Prigozhin cho biết lực lượng của ông đã kiểm soát tất cả các cơ sở quân sự.

Putin cũng đe dọa những người đã tổ chức một cuộc nổi loạn vũ trang “sẽ phải chịu trách nhiệm”.



Prigozhin công khai bất tuân Putin!

Putin nói thêm rằng nước Nga “cần sự đoàn kết của tất cả các lực lượng” và thừa nhận quân Nga đang chiến đấu trong “trận chiến khó khăn nhất”.

“Lợi ích cá nhân đã dẫn đến sự phản bội đất nước của chúng ta và chính nghĩa mà các lực lượng vũ trang của chúng ta đang chiến đấu,” Putin công kích Prigozhin.

Prigozhin tuyên bố lực lượng của ông đã kiểm soát tất cả các địa điểm quân sự ở thành phố Rostov-on-Don của Nga.

Cùng thời điểm, lực lượng không quân Ukraine cho biết họ đã phá hủy 41 hỏa tiễn và 2 máy bay không người lái của Nga trong một cuộc không kích trong đêm.


Bất ngờ, biến chuyển thời cuộc! Lính đánh thuê Nga, từng đoàn nổi loạn tiến về Moscow!


-Một đoàn xe quân sự của đoàn quân đánh thuê tư nhân Wagner đi trên đường cao tốc M-4, nối thủ đô Moscow với các thành phố phía nam của Nga, gần Voronezh, Nga, ngày 24 tháng 6năm 2023.

Các chiến binh đánh thuê Nga nổi loạn tiến về hướng Moscow ngày thứ Bảy sau khi chiếm giữ một thành phố ở phía nam trong đêm, trong khi quân đội Nga nã súng vào họ từ trên không nhưng dường như không thể làm chậm bước tiến chớp nhoáng của họ.

Đối mặt với thách thức nghiêm trọng đầu tiên đối với quyền lực của mình trong 23 năm cầm quyền, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố sẽ đập tan cuộc binh biến vũ trang mà ông so sánh với Nội chiến Nga một thế kỉ trước.

Các chiến binh của đạo quân tư nhân Wagner do cựu đồng minh của ông Putin là Yevgeny Prigozhin điều hành đã đi hơn nửa đường đến thủ đô, sau khi chiếm được thành phố Rostov trên sông Don và bắt đầu hành trình 1.100 km tới Moscow.

Reuters nhìn thấy các xe chở quân và một chiếc xe tải sàn phẳng chở một chiếc xe tăng chạy qua thành phố Voronezh cách Moscow hơn nửa đường, nơi một máy bay trực thăng bắn vào họ. Nhưng không có báo cáo nào về việc phiến quân gặp phải bất cứ sự kháng cự đáng kể nào trên đường cao tốc. Tòa Đại Sứ Việt Cộng ở Nga ra khuyến cáo công dân, kêu gọi ‘không bình phẩm’ về binh biến

Nhân viên cứu hỏa cố gắng dập lửa tại một thùng nhiên liệu đang bốc cháy của một kho chứa dầu ở Voronezh, Nga, ngày 24 tháng 6 năm 2023.



Tòa Đại Sứ Việt Cộng ở Nga, vội vàng ra khuyến cáo công dân, kêu gọi ‘không bình phẩm’ về binh biến!



-Công dân Việt Nam tại Nga được khuyến cáo hạn chế ra khỏi nhà và “không trao đổi, bình phẩm” về cuộc binh biến đang diễn ra ở nước này, Đại sứ quán Việt Nam ở Moscow nói, trong lúc các chiến binh nổi loạn đang tiến về hướng thủ đô của Nga sau khi chiếm giữ một thành phố ở phía nam trong đêm.

Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh đoàn quân đánh thuê Nga Wagner đang thực hiện cuộc nổi loạn, nói binh lính của ông đang "hành quân vì công lý" để loại bỏ những chỉ huy nhũng lạm và bất tài mà ông cho là đã làm hỏng cuộc chiến ở Ukraine.

Tổng thống Vladimir Putin, trong một bài diễn văn trên truyền hình từ Điện Kremlin, ngày thứ Bảy nói sự tồn tại của nước Nga đang bị đe dọa và tuyên bố sẽ đập tan cuộc binh biến vũ trang mà ông so sánh với Nội chiến Nga một thế kỉ trước.

Trong một bản tin bảo hộ công dân đăng ngày thứ Bảy, Đại sứ quán Việt Nam nói tình hình an ninh tại một số tỉnh vùng của Nga “có một số diễn biến bất ổn” có thể lan sang khu vực khác, cho biết thêm rằng nhà chức trách Nga đã áp dụng các biện pháp “chống khủng bố.”

Đại sứ quán đưa ra các khuyến cáo cho công dân Việt Nam hiện đang ở Nga, yêu cầu họ không đến tỉnh Rostov, tỉnh Voronezh và các tỉnh thành khác dọc biên giới phía tây và tây nam của Nga. Họ cũng được yêu cầu hạn chế ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, và khi đi ra ngoài nhất thiết phải mang theo giấy tờ tuỳ thân và giấy tờ chứng minh cư trú hợp pháp tại Nga.

“Không trao đổi, bình phẩm về tình hình hiện nay trên điện thoại di động và mạng xã hội,” bản tin bảo hộ công dân cảnh báo.

Đại sứ quán cung cấp các số điện thoại dường dây nóng để công dân có thể liên lạc để được hướng dẫn, hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp hoặc gặp sự cố về an ninh trật tự, nguy cơ mất an toàn tính mạng.


Các chiến binh đánh thuê Nga nổi loạn đã đi được hơn nửa đường về hướng Moscow sau khi chiếm giữ thành phố Rostov trên sông Don trong đêm. Máy bay trực thăng của quân đội Nga nã súng vào họ từ trên không nhưng dường như không thể làm chậm bước tiến chớp nhoáng của họ.

Truyền thông Nga đăng tải hình ảnh cho thấy các nhóm cảnh sát nhỏ nắm giữ các vị trí súng máy ở ngoại ô phía nam Moscow.

Hơn 100 lính cứu hỏa đã dập lửa tại một kho nhiên liệu bốc cháy ở Voronezh. Đoạn video mà Reuters có được cho thấy nó nổ tung thành một quả cầu lửa ngay sau khi một chiếc máy bay trực thăng bay ngang qua. Ông Prigozhin cáo buộc quân đội Nga tấn công các mục tiêu dân sự từ trên không khi họ tìm cách làm chậm bước tiến của đoàn xe.


Tin Quốc Tế Đó Đây

Hội Nghị Quốc Tế Paris Chống Đói Nghèo và Tác Động Từ Biến Đổi Khí Hậu

-Chống nghèo khó và khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu là 2 trọng tâm của "Hội nghị vì một Hiệp ước tài chánh mới cho thế giới" trong hai ngày 22 và 23/6/2023 tại Paris. Khai mạc hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cương vị chủ nhà kêu gọi cộng đồng quốc tế, kể cả khu vực tư nhân, "đảm nhận trách nhiệm về tài chánh" giúp các quốc gia chậm phát triển vượt qua khủng hoảng về khí hậu và chống nghèo khó.

Hơn 40 nguyên thủ quốc gia, Thủ tướng hưởng ứng sáng kiến của Tổng thống Pháp Macron đến dự hội nghị Paris. Trong số này có Tổng thống Ba Tây, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng Đức, Thủ tướng Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chánh Mỹ và khoảng 20 đại diện cấp cao nhất từ Phi Châu.

Hội nghị quốc tế Paris hướng đến việc "cải tổ cơ cấu tài chánh toàn cầu hiện hành kể từ thỏa thuận Bretton Woods năm 1944, với việc hình thành các định chế tài chánh đa quốc gia như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân Hàng Thế Giới". Lý do là mô hình đó bị đánh giá "không còn phù hợp" trước những nhu cầu vô cùng lớn của các nước nghèo hiện phải đối mặt với hiện tượng thời tiết càng lúc càng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu.

Pháp đã phối hợp với đảo Barbados trong vùng biển Caribê đề xuất những phương án nhằm "giúp các nước chậm phát triển thoát khỏi đói nghèo, bớt lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch và góp phần bảo vệ thiên nhiên", giúp các quốc gia này đối mặt với thiên tai.

Paris cũng như Hoa Thịnh Ðốn đòi cho các nước chậm phát triển được quyền "đàm phán lại với các chủ nợ". Đại diện Hoa Kỳ gián tiếp nhắm tới Bắc Kinh, do Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của nhiều nước đang phát triển, chủ yếu là tại Phi Châu và một số nước ở Á Châu.

Trong hai ngày họp, các bên sẽ đề ra một lộ trình giúp đỡ các nước nghèo và thảo luận về một số phương án, chẳng hạn đánh thuế các công ty giao thông hàng hải, các giao dịch tài chánh, xóa hoặc tái cơ cấu nợ cho các nước nghèo khi xảy ra thiên tai….

Các nước giàu từng cam kết mỗi năm tài trợ 100 tỉ Mỹ kim giúp các nước chậm phát triển khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu. Trước mắt, đây vẫn chỉ là những hứa hẹn, làm sói mòn niềm tin của các nước nghèo vào lòng hảo tâm của những nền công nghiệp gây ô nhiễm nhiều nhất trên thế giới, như Trung Quốc, Mỹ hay các quốc gia xuất cảng dầu hỏa….

Một ngày trước hội nghị Paris, hôm 21/6, Câu Lạc Bộ Paris - một tổ chức không chính thức quy tụ các chủ nợ, đã đạt đồng thuận "tái cơ cấu nợ cho Zambia và Sri Lanka". Trung Quốc hiện là chủ nợ chính của hai quốc gia này, nhưng không là thành viên của Câu Lạc Bộ Paris.

Cũng trong khuôn khổ "Hội nghị vì một Hiệp ước tài chánh mới cho thế giới", ngày 23/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ dành một buổi nói chuyện đặc biệt trên đài phát thanh RFI, đài truyền hình France 24 và kênh FranceInfo.


Chống Nghèo Đói: Pháp Kêu Gọi Quốc Tế Áp Dụng Các Biện Pháp Đánh Thuế Toàn Cầu

-Vài giờ trước khi bế mạc hội nghị Paris "vì một Hiệp ước tài chánh mới cho thế giới", hôm 23/6/2023, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: "Không một quốc gia nào phải chọn lựa giữa hai mục tiêu giảm nghèo khó và bảo vệ môi trường", bởi đó là hai vế không thể tách rời. Để đạt được mục tiêu này, cộng đồng quốc tế cần đồng loạt đánh thuế trên những nguồn gây ô nhiễm và dùng khoản tài chánh đó giúp các nước nghèo.

Trả lời phỏng vấn độc quyền với đài RFI – France24 và FranceInfo, sáng 23/6, Tổng thống Macron một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng hành động, vì theo ông, công cuộc chống biến đổi khí hậu, chống nghèo đói chỉ có thể mang lại hiệu quả nếu được áp dụng ở cấp toàn cầu cùng với những nỗ lực của lĩnh vực tư nhân:

"Hãy giúp chúng tôi huy động tất cả những quốc gia nào mà đến nay chưa áp dụng biện pháp đánh thuế vào các giao dịch tài chánh, chưa thu thuế trên mỗi vé máy bay. Hãy giúp chúng tôi vận động Tổ Chức Hàng Hải Quốc Tế để vào tháng 7 này các bên đồng ý đánh thuế các hoạt động giao thông hàng hải, mà trong đó có cả Trung Quốc. Bởi vì nếu các biện pháp thuế đó chỉ áp dụng tại một quốc gia, thì đó là một biện pháp gây thiệt hại cho các hãng của quốc gia đó mà thôi.

Một điểm quan trọng khác là những khoản thuế phụ trội đó phải được san sẻ cho những quốc gia đang cần. Không thể chọn lựa giữa mục tiêu chống biến đổi khí hậu và chống đói nghèo. Cần phải tôn trọng con đường mà mỗi quốc gia chọn lựa, nhưng phải huy động thêm vốn từ các định chế công và cả các nguồn tài chánh tư nhân nữa.

Đây là những kết luận chính từ hội nghị Paris và kèm theo đó là những đề xuất rất cụ thể. Để đạt được những mục tiêu này, chúng ta cần đến Hoa Kỳ, cần đến Trung Quốc, cần khối G20 tham gia, cần có tiếng nói của nhóm 77 nước đang phát triển. Chủ tịch Cuba đã phát biểu chiều qua, Cuba đang giữ chức Chủ tịch luân phiên nhóm G77. Trung Quốc, một thành viên quan trọng trong nhóm các nền kinh tế đang trỗi dậy, đã đến dự hội nghị Paris, nhưng Nga thì không. Hội nghị lần này cho thấy thế cô lập của Nga".


Phương Tây Hứa Giúp Hàng Chục Tỉ Mỹ kim Để Tái Thiết Ukraine, Đòi Nga Gánh Chịu Chi Phí

-Hôm 22/6/2023, hội nghị về tái thiết Ukraine tại Luân Đôn bước qua ngày thứ 2, với sự tham gia của khoảng 1.000 đại biểu, đại diện cho 60 quốc gia và 400 doanh nghiệp. Ngay trong ngày đầu tiên, hàng chục tỉ Mỹ kim đã được phương Tây cam kết để giúp Kyiv xây dựng lại đất nước Ukraine một khi chiến tranh kết thúc.

Sau Liên Hiệp Âu Châu, vốn đã loan báo dự định trợ giúp cho Ukraine một khoản tiền lên đến 50 tỉ Euro trong vòng 4 năm, hôm 21/6 đến lượt Hoa Kỳ cho biết sẽ cấp thêm cho Ukraine hơn 1,3 tỉ Mỹ kim để phục hồi và xây dựng lại mạng lưới năng lượng, cũng như hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng quan trọng khác.

Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI Emeline Vin tại Anh Quốc, ngoài vấn đề tài chánh, hội nghị tái thiết Ukraine còn có những mục tiêu khác:

"Kyiv đã nhận được những kết quả cụ thể nhân ngày đầu tiên của hội nghị: Hơn một tỉ Mỹ kim viện trợ của Mỹ, 3 tỉ Mỹ kim bảo lãnh khoản vay của Anh, cơ chế bảo hiểm của Pháp.... Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố: "Qua việc tái thiết Ukraine, chúng tôi sẽ xây dựng lại tự do".

Mục tiêu khác của hội nghị, khó đo lường hơn, là thuyết phục các công ty và nhà đầu tư quay trở lại Ukraine. Về vấn đề này, Thủ tướng Anh nhắc lại rằng vào trước chiến tranh, Ukraine đang trên đà trở thành một điểm đến kinh tế được ưa chuộng, đặc biệt là trong lãnh vực kỹ thuật.

Bên lề hội nghị Luân Đôn, vấn đề kết nạp Ukraine vào Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) đã được đề cập đến. Ngoại trưởng Anh tiết lộ rằng các thành viên của liên minh sẽ ủng hộ việc nhanh chóng kết nạp Ukraine. Kyiv tuyên bố họ mong sẽ "được mời gia nhập" nhân thượng đỉnh NATO vào tháng tới. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pháp vẫn tỏ ra thận trọng khi cho biết việc mời Ukraine gia nhập chỉ diễn ra sau khi chiến tranh kết thúc.

Hội nghị Luân Đôn tiếp tục vào hôm nay, với các cuộc thảo luận bàn tròn về kỹ thuật số và về việc đẩy nhanh tốc độ tháo gỡ bom mìn".

Nhân Hội nghị Tái thiết Ukraine, các đồng minh phương Tây của Kyiv đã cảnh báo Mạc Tư Khoa rằng Nga sẽ phải gánh vác chi phí tái thiết đất nước mà họ xâm lược, cho tới nay được ước tính là 411 tỉ Mỹ kim, theo một nghiên cứu của Ngân Hàng Thế Giới, Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu Châu và chính phủ Ukraine. Khoản tiền dự kiến sẽ tăng lên nếu xung đột tiếp diễn.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 21/6 khẳng định: "Hãy nói cho rõ ràng: Nga đứng sau sự tàn phá Ukraine. Và Nga cuối cùng sẽ phải gánh vác chi phí tái thiết Ukraine". Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cũng nhấn mạnh: "Kẻ gây hấn phải chịu trách nhiệm".

Về phần mình, Thủ tướng Anh Rishi Sunak giải thích: "Rõ ràng là Nga phải trả giá cho sự tàn phá mà họ đã gây ra. Đây là lý do tại sao chúng tôi đang hợp tác với các đồng minh để tìm kiếm phương cách hợp pháp cho việc sử dụng tài sản của Nga".


Một Số Nước Đông Ấu Có Thể Tự Ý Gởi Quân Sang Giúp Kyiv

-Trước sự ngần ngại của phương Tây về việc Ukraine gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO), một số nước nhất là Đông Âu còn muốn gởi bộ binh sang giúp nếu Kyiv phải đứng ngoài Liên minh.

Cựu Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen không loại trừ khả năng Ba Lan và tiếp theo là các nước Baltic tự ý gởi viện binh sang Ukraine dưới hình thức "liên minh những người tình nguyện" để tránh tiếng can thiệp.

Trên trang Ý kiến của Le Monde, tác giả Pierre Haroche, Đại học Queen Mary ở Luân Đôn cũng cho rằng "Kết nạp Ukraine vào NATO là thuận chiều lịch sử". Theo ông Haroche, có ba lý do để Paris ủng hộ Kyiv. Thứ nhất, với việc Ukraine không chỉ được đồng minh vũ trang, huấn luyện và sẽ được bảo đảm an ninh, thì sẽ vô nghĩa nếu từ chối tư cách thành viên, vốn chỉ hợp thức hóa một thực tế có sẵn. Tỏ ra nhập nhằng sẽ là nguy hiểm vì chỉ thúc đẩy Mạc Tư Khoa trắc nghiệm giới hạn của sự ủng hộ Kyiv. Trước sau gì Ukraine cũng sẽ được gia nhập, Pháp sẽ có lợi khi tạo điều kiện cho việc này.

Thứ hai, một Ukraine là thành viên NATO là cơ hội cho tầm nhìn về an ninh Âu Châu của Pháp. Nhiều nhà lãnh đạo Âu Châu vẫn cho rằng châu lục không thể tự vệ nếu không có Mỹ, tuy nhiên Ukraine đã chứng tỏ một quốc gia Âu Châu dù trang bị kém lúc ban đầu và được viện trợ nhỏ giọt, vẫn đối đầu được với quân xâm lăng Nga.

Thứ ba, đóng lại cánh cửa NATO trước Kyiv không phải là không nguy hiểm. Một số quốc gia Trung Âu và Đông Âu coi việc bảo vệ Ukraine là sự bảo đảm cho an ninh của chính họ. Câu trả lời gây thất vọng của NATO trước khát khao của Kyiv có nguy cơ tạo căng thẳng, dẫn đến sự tách biệt chiến lược giữa Đông và Tây Âu. Quân đội Ukraine đang trong cuộc phản công đầy dũng cảm để chống xâm lược. Như trong mọi cuộc chiến tranh, niềm hy vọng và cảm giác được cộng đồng rộng lớn ủng hộ là nguồn cổ vũ quý giá cho những người lính chiến.


Quân Đội Ukraine Phản Công Khó Khăn Trước Sức Kháng Cự Mạnh của Nga

-Tại Ukraine, chiến dịch phản công của Kyiv đã diễn ra được hơn 2 tuần qua. Quân đội Ukraine cho đến lúc này chỉ mới giành lại được khoảng một chục vị trí nhỏ lẻ dọc chiến tuyến. Đà tiến chậm chạp của Ukraine đang đặt ra những câu hỏi về tính hiệu quả của cuộc phản công.

Thông tín viên RFI tại Kyiv, Stéphane Siohan tường trình:

"Một số người cứ nghĩ như là phim của Hollywood và đợi có kết quả ngay, thế nhưng không phải thế". Tổng thống Volodymyr Zelensky đã bình luận về các nỗ lực phản công như vậy, trong khi mà một bộ phận dư luận phương Tây đang báo động chiến dịch phản công của Ukraine thiếu hiệu quả tức thì.

Thực ra, cuộc tấn công của quân đội Ukraine đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của quân Nga, nhất là ở phía Nam, tại vùng Zaporijjia.

Cũng nên nhớ là các chiến dịch giành lại các vùng lãnh thổ ở Kherson và Kharkov bắt đầu từ mùa Hè 2022 đã phải kéo dài nhiều tháng cùng với nhiều bất trắc và phía Ukraine cũng đã phải chịu những tổn thất.

Hiện tại, quân đội Ukraine, trong hoàn cảnh chắc còn khó khăn hơn, một lần nữa đang cố gắng đánh vào cơ sở hậu cần của Nga ở phía sau mặt trận.

Mùa Hè và áp lực của phương Tây đang hối thúc Kyiv tấn công mạnh, nhưng gần như chắc chắn là Ukraine đang kéo dài thời gian, chờ nhận được máy bay của các đồng minh phương Tây để có thể tung ra đòn đánh quyết định.

Trên chiến tuyến, các mũi tấn công của Ukraine có vẻ như giậm chân tại chỗ vì vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của quân Nga. Cùng với nỗ lực phản công trên mặt trận, Kyiv đang phải lo phòng thủ trước các đợt oanh kích liên tục của Nga ở khắp mọi nơi. Theo AFP, hôm 23/6, quân đội Ukraine thông báo trong đêm qua đã bắn hạ 13 phi đạn liên lục địa của Nga nhắm vào một phi trường quân sự ở miền Tây Ukraine.

Kyiv cũng cho biết quân đội Ukraine đã tiến được ở một số điểm trên mặt trận phía Nam. Theo phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Ukraine, Andrii Kovaliov, tại miền Đông, các trận chiến đang tiếp diễn hết sức khó khăn, tuy nhiên, các lực lượng của Ukraine đã chặn được nhiều cuộc tấn công của Nga tại Koupiansk và Lyman.


Tập Trận ở Âu Châu: Mỹ Khai Triển Lực Lượng Không Quân Hùng Hậu Nhất Từ Thời Chiến tranh Lạnh

-Mở ra từ ngày 12/6/2023, cuộc tập trận không quân rầm rộ nhất trong lịch sử Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) mang tên Air Defender 23 (Bảo Vệ Bầu Trời 23) - với 250 máy bay quân sự thuộc 25 quốc gia thành viên NATO - sẽ kết thúc vào ngày 23/6. Dù được lên kế hoạch từ cách nay 5 năm, cuộc tập trận lần này tại Âu Châu của NATO mang ý nghĩa răn đe rất lớn đối với Nga trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine đang diễn ra ác liệt.

Trong những ngày qua, ngoài các bài tập huấn trên không phận nước Đức, nhiều cuộc diễn tập xuất kích cũng được tiến hành theo nội dung bảo vệ biên giới phía Đông của khối NATO, tức là chống lại Nga.

Điểm nổi bật trong cuộc tập trận lần này của khối NATO là Hoa Kỳ đã khai triển sang Âu Châu một lực lượng không quân hùng hậu nhất từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay:

Đặc phái viên RFI Pierre Benazet đã đến theo dõi cuộc tập trận tại căn cứ không quân Đức Wunstorf gần Hanover và gởi về bài tường trình:

Lực lượng lớn nhất tham gia các cuộc diễn tập không quân rầm rộ này là khoảng một trăm máy bay chiến đấu và vận tải trực tiếp đến từ Mỹ. Phi cơ thuộc Lực lượng Vệ binh Không quân Quốc gia đã được tung ra trong một chiến dịch khai triển không lực lớn nhất của Hoa Kỳ kể từ Chiến tranh Lạnh.

Đại tá Rusty Ballard, chỉ huy Phi Đội Vận Tải Hậu Cần tiểu bang Illinois, giải thích: "Chúng tôi đã có 20 năm kinh nghiêm khai triển trong cuộc chiến chống khủng bố, chúng tôi đã làm việc cùng với những đơn vị bạn ở những nơi đó. "Năng lực tương tác" này là điều chúng tôi đang cố gắng xây dựng cũng như duy trì. Chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều trong cuộc tập trận này, đặc biệt là đối với lực lượng Vệ Binh Không Quân Quốc Gia chúng tôi, vốn có đến 10 tiểu bang tham gia cuộc tập trận cùng với các biến thể khác nhau của loại phi cơ vận tải quân sự C130 Hercules. Đây là lần đầu tiên tôi thấy Lực Lượng Vệ Binh Không Quân Quốc Gia được khai triển thẳng từ Hoa Kỳ đi tham gia diễn tập ở ngoại quốc, và chỉ riêng điều đó thôi đã thực sự độc đáo".

Đối với Hoa Kỳ, mục tiêu của việc khai triển lực lượng vượt Đại Tây Dương qua Âu Châu cũng là nhằm chứng minh an ninh bầu trời của đồng minh Âu Châu được bảo đảm hơn bao giờ hết.

Nhìn rộng ra toàn khối NATO, đó là một sự bảo đảm về việc các lực lượng sẵn sàng được tung ra nhanh chóng, vì các cuộc diễn tập này là một cuộc tập trận trong khuôn khổ Điều 5 của Hiến Chương NATO, quy định nguyên tắc phòng thủ tập thể, có nghĩa là một cuộc tấn công chống lại một thành viên được coi là một cuộc tấn công vào toàn khối NATO.

Thêm vào đó, đối với Nga, tất nhiên đó cũng là một hành động biểu dương uy lực, thậm chí là uy thế trên không gần như là tuyệt đối ở Âu Châu.


Nga Sẽ Không Cho Mỹ Biết Số Lượng Đầu Đạn Nguyên tử ở Belarus


(Hình: Nga phóng thử phi đạn Iskander K hồi ngày 19/2/2022.)

-Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho hay Nga sẽ không thông báo với Mỹ về số lượng đầu đạn nguyên tử mà nước này đang đặt ở Belarus hoặc về các cuộc thử nghiệm ngư lôi Poseidon có khả năng mang đầu đạn nguyên tử.

Mạc Tư Khoa và Minsk cho biết Belarus đã bắt đầu nhận vũ khí nguyên tử chiến thuật, còn gọi là vũ khí nguyên tử tầm gần, của Nga mà Tổng thống Vladimir Putin từng nói công khai sẽ khai triển ở đó, trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây gia tăng sau cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.

"Tôi hầu như chắc chắn rằng chủ đề này sẽ không được thảo luận công khai hay được tiết lộ từ phía chúng tôi", ông Ryabkov được trích lời khi nói với các phóng viên ở thị trấn Sochi, miền Nam nước Nga.

"Trong nhiều thập kỷ, Hoa Kỳ đã đặt vũ khí nguyên tử chiến thuật của họ trên lãnh thổ của một số quốc gia Âu Châu và họ không bao giờ đưa ra con số chính xác", vẫn lời ông.

Vũ khí tầm gần không thuộc các điều khoản của Hiệp ước New Start, là Hiệp ước kiểm soát vũ khí Mỹ-Nga cuối cùng còn lại, đặt ra giới hạn về kho vũ khí nguyên tử chiến lược của hai quốc gia. Ông Putin đã đình chỉ việc Nga tham gia Hiệp ước, mặc dù cả hai bên đều cam kết tiếp tục tôn trọng các mức giới hạn mà Hiệp ước quy định.

Cũng không có Hiệp ước hoặc cơ chế xác minh nào về ngư lôi hoạt động độc lập chạy bằng năng lượng nguyên tử và có khả năng mang đầu đạn nguyên tử như Poseidon, và ông Ryabkov nói rằng vì thế Nga không có kế hoạch thông báo cho Hoa Kỳ về các cuộc thử nghiệm hệ thống vũ khí này.

Các viên chức Hoa Kỳ và Nga đều mô tả Poseidon là một loại vũ khí đánh trả mới, là sự kết hợp giữa ngư lôi và phương tiện bơi dưới nước được điều khiển từ xa, có khả năng gây ra các đợt sóng biển nhiễm phóng xạ để tấn công các nhóm tác chiến hải quân hoặc khiến các thành phố ven biển không thể sinh sống được.

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS hồi tháng 1 đưa tin, trích dẫn một nguồn tin quốc phòng không nêu danh tính, nói rằng Nga đã sản xuất lô ngư lôi Poseidon đầu tiên để khai triển trên tiềm thủy đĩnh chạy bằng năng lượng nguyên tử Belgorod.

Vào tháng 4, TASS cho hay Nga có kế hoạch thành lập sư đoàn tiềm thủy đĩnh đặc dụng mang ngư lôi Poseidon và nằm trong Hạm đội Thái Bình Dương vào cuối năm 2024 hoặc nửa đầu năm 2025.


Ba Tây Xử Cựu Tổng Thống Bolsonaro Về Cáo Buộc "Gian Lận Bầu Cử"

-Sáu tháng sau khi rời phủ Tổng thống, Jair Bolsonaro phải đối mặt với tư pháp Ba Tây. Trong phiên tòa đầu tiên mở ra tại Brasilia hôm 22/6/2023, cựu Tổng thống cực hữu phải trả lời về những cáo buộc "lạm dụng quyền lực chính trị và kinh tế" để tái tranh cử và nhất là sau khi thất cử, ông lại cáo buộc rằng "gian lận bầu cử" đã giúp đối thủ cánh tả Luiz Inacio Da Silva trở lại cầm quyền.

Jair Bolsonaro vắng mặt trong phiên xử hôm 22/6 trong lúc phe ủng hộ ông chuẩn bị tinh thần cho kịch bản bất lợi nhất, có nghĩa là cựu lãnh đạo Ba Tây có thể bị truất quyền ra ứng cử Tổng thống năm 2026. Thông tín viên Sarah Cozzolino từ Brasilia tường thuật:

"Người hùng Messi của chúng tôi đang phải chịu hy sinh". Đây là quan điểm của những cử tri trung thành với Jair Bolsonaro, như ông Luciano Pereira. Ông này nói: "Tổng thống không vi phạm bất kỳ điều gì, nếu như Tòa Án Bầu Cử tước quyền ra ứng cử của ông ấy thì tòa sẽ phải xấu hổ. Đây sẽ là một bằng chứng cho thấy họ muốn truy bức Bolsonaro và các quan tòa chẳng khác gì những nhà hoạt động".

Khi còn là Tổng thống và chuẩn bị ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ, trước các Ðại sứ và ống kính truyền hình nhà nước, Jair Bolsonaro đã chỉ trích thể thức bầu cử qua máy điện toán điện tử. Những người bênh vực cựu Tổng thống Ba Tây cho rằng những tuyên bố đó thuộc về quyền tự do ngôn luận. Có điều chính lập trường ấy đã khuyến khích một số người tấn công vào trụ sở của các cơ quan Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp tại Ba Tây hôm 8/1/2023. Trong số những tài liệu được bổ sung cho hồ sơ pháp lý trong phiên xử hôm nay, có một văn bản dự trù một cuộc đảo chính với chữ ký của cựu Bộ trưởng Tư pháp.

Ngay cả trong trường hợp ông Bolsonaro bị tước quyền ra tranh cử trong 8 năm, những người ủng hộ ông, như Luciano, vẫn tin tưởng sẽ có "hàng ngàn và hàng ngàn Bolsonaro khác tiếp bước. Ở phía bên kia, đảng Lao Động không có mấy ai…". Tuy nhiên, cánh hữu chưa tìm ra được một ứng viên nào được tín nhiệm như Bolsonaro. Cựu Tổng thống Ba Tây sẽ còn phải đối mặt với hơn một chục phiên xử khác trước Tòa Án Bầu Cử và 5 vụ khác nữa trước Tòa Án Tối Cao, đặc biệt là Bolsonaro sẽ phải trả lời về vai trò của ông trong các cuộc tấn công hôm 8/1/2023".


Tàu Lặn Titan Bị Nổ Vỡ Vụn, Tất Cả Hành Khách Tử Nạn!

-Năm hành khách trên tàu lặn Titan bị mất tích trong vùng biển Đại Tây Dương, đã tử nạn sau "vụ nổ thảm khốc" trong con tàu thám hiểm khoa học. Lực lượng tuần duyên Mỹ và công ty tổ chức chuyến thám hiểm xác con tàu đắm Titanic thông báo tin trên vào hôm 22/6/2023.

AFP dẫn thông cáo của công ty Mỹ OceanGate Expeditions cho biết chiếc tàu lặn đã bị nổ và tất cả 5 hành khách thám hiểm khoa học trên con tàu đã tử nạn sau 4 ngày tìm kiếm.

Chuẩn Đô đốc John Mauger của lực lượng tuần duyên Mỹ cho hay, một thiết bị lặn robot đã được khai triển từ một tàu của Gia Nã Ðại và phát giác bãi mảnh vụn từ tàu lặn Titan vào sáng ngày 22/6 dưới đáy biển cách mũi tàu Titanic khoảng 488m, ở độ sâu 4.000m. Những mảnh vỡ này chỉ có thể là do "một vụ nổ thảm khốc".

Năm nạn nhân gồm có chủ nhân của OceanGate, đồng thời là người điều khiển tàu, ông Stockton Rush, tỉ phú người Anh, Hamish Harding (58 tuổi), nhà nghiên cứu Pháp Paul-Henri Nargeolet (77 tuổi), nhà tài phiệt người Anh gốc Pakistan Shahzada Dawood (48 tuổi) cùng con trai ông Suleman (19 tuổi). Để có chuyến tham quan xác tàu đắm Titanic, mỗi hành khách đã phải trả 250 ngàn Mỹ kim.

Con tàu Titan dài khoảng 6,5 mét hôm Chủ Nhật vừa qua đã chở 5 du khách trên lặn xuống thám hiểm xác chiếc tàu đắm Titanic. Dự kiến, tàu sẽ nổi trở lại mặt nước sau 7 giờ, nhưng chỉ 2 giờ sau khi lặn, tàu bị mất liên lạc. Quân đội Mỹ và nhiều nước ngay lập tức đã huy động nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại để tìm dấu vết chiếc tàu lặn trên một diện tích rộng 20 ngàn cây số vuông.

Các hoạt động tìm kiếm thu hồi mảnh vỡ tàu Titan vẫn tiếp tục để xác định chính xác hoàn cảnh tàu bị nổ.


Pháp: Ủy Ban Tổ Chức Thế Vận Hội Paris 2024 Công Bố Hành Trình Rước Đuốc Olympic

-Sau nhiều tháng tính toán, tranh luận, hôm 23/6/2023, các nhà tổ chức Thế Vận hội mùa Hè Paris 2024 đã chính thức công bố hành trình rước đuốc Olympic trên lãnh thổ Pháp.

Theo truyền thống, đuốc Olympic được châm từ lửa thiêng của ngôi đền Olympia, Hy Lạp, được chuyển qua đường biển trên chiếc thuyền buồm Bélem tới cảng Marseille (miền Nam Pháp) ngày 08/05/2024, để bắt đầu hành trình rước đuốc chính thức. Ngọn đuốc Thế Vận hội sẽ được rước qua 64 tỉnh thành và vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp, để kết thúc hành trình ngày 26/07/2024 tại lễ khai mạc Thế Vận hội ở Paris.

Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Thế Vận hội Paris 2024 (COJO) cho biết hiện tại vẫn chưa có quyết định về vị trí châm đuốc lên đài lửa Thế Vận hội, nhưng chắc chắn sẽ không phải là tháp Eiffel.

Sẽ có khoảng 10 ngàn người tham gia tiếp đuốc, trong đó có 3.000 người trong các chặng tiếp đuốc tập thể, đại diện cho các liên đoàn, hiệp hội thể thao. Những người được tham gia rước đuốc được lựa chọn bởi Ủy ban tổ chức Thế Vận hội, hiệp hội thể thao, các nhà tài trợ, đối tác của Thế Vận hội và chính quyền địa phương nơi đuốc được rước qua. Mỗi cá nhân được rước đuốc trong khoảng 4 phút trên quãng đường 200 mét.

Sự kiện diễn ra trên hàng ngàn cây số, vì thế, bảo đảm an ninh cho ngọn đuốc cũng như cho những người tham gia tiếp đuốc là vấn đề được bàn luận hết sức kỹ lưỡng từ nhiều tháng qua. Đặc biệt là tình hình xã hội Pháp gần đây đang căng thẳng vì cuộc cải cách hưu trí, nhiều tổ chức, hội đoàn gần đây kêu gọi gây rối phá hỏng lễ rước đuốc. Các nhà tổ chức và chính quyền các địa phương sẽ phải huy động một lực lượng lớn giữ trật tự dọc hành trình rước đuốc.


Thủ Tướng Đức Scholz: 'Tôi Đã Cảnh Báo Trung Quốc Về Việc Sử Dụng Vũ Lực Đối Với Đài Loan'


(Hình: Thủ tướng Đức Olaf Scholz.)

-Thông tấn xã Reuters đưa tin cho hay hôm thứ Năm (22/6/2023), Thủ tướng Olaf Scholz nói với Quốc hội Đức rằng ông đã cảnh báo Trung Quốc trong các cuộc nói chuyện hồi đầu tuần về việc sử dụng vũ lực để đạt được những thay đổi lãnh thổ, đặc biệt là để chiếm Đài Loan.

Ông Scholz vừa tiếp đón một phái đoàn lớn của Trung Quốc do Thủ tướng Lý Cường dẫn đầu trong hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên kể từ sau đại dịch vào tuần này, vào thời điểm căng thẳng địa-chính trị gia tăng giữa phương Tây và Trung Quốc.

"Chúng tôi kiên quyết bác bỏ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông bằng vũ lực hoặc cưỡng ép. Điều này đặc biệt đúng đối với Đài Loan", ông Scholz nói, theo bài phát biểu đã soạn sẵn.

"Chúng tôi cũng lo ngại về tình hình nhân quyền và vấn đề thượng tôn pháp luật ở Trung Quốc", ông nói thêm.

Trung Quốc, vốn chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan, đã đẩy mạnh các hoạt động quân sự gần hòn đảo để buộc Đài Loan phải chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc.

Đài Loan phản đối mạnh mẽ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh và quyết tâm sẽ tự vệ mình nếu bị tấn công.

Phát biểu trước các nhà lập pháp, ông Scholz cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ mở đường cho Thụy Điển trở thành thành viên của liên minh NATO và cho biết Thụy Điển nên có một ghế trong hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của NATO.


Đấu Khẩu Mỹ-Trung Tiếp Diễn Sau Vụ Biden Gọi Tập Cận Bình Là "Nhà Độc Tài"

-Ngay sau khi Bắc Kinh lên tiếng cực lực đả kích việc Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nhà độc tài, cho đấy là một hành động "vô trách nhiệm", bộ Ngoại Giao Mỹ đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc.

Theo hãng tin Mỹ AP, phát biểu với các nhà báo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Vedant Patel khẳng định Tổng thống Mỹ Biden, cũng như Ngoại trưởng Blinken, đều đã nói rõ rằng Hoa Kỳ "sẽ tiếp tục quản lý quan hệ với Trung Quốc một cách có trách nhiệm, duy trì các đường dây liên lạc cởi mở với CHND Trung Hoa (tên chính thức của Trung Quốc)".

Tuy nhiên, phát ngôn viên Mỹ nói tiếp: "Điều đó tất nhiên không có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ không nói thẳng thắn về những khác biệt", kể cả những khác biệt giữa các nền dân chủ và chế độ chuyên chế.

Theo hãng thông tấn AP, nhận xét trên hàm ý nhắc đến việc Tổng thống Mỹ Biden ngày 20/6 gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nhà độc tài, đồng thời báo hiệu rằng Biden không có ý định rút lại các bình luận của ông.

Nhưng hôm qua Tòa Bạch Ốc đã tìm cách làm dịu căng thẳng khi tuyên bố Ngoại trưởng Blinken "đã đạt được một số tiến bộ" trong chuyến đi thăm Trung Quốc và Hoa Thịnh Ðốn vẫn hy vọng phát huy được tiến bộ đó.

Theo hãng tin Anh Reuters, ông Biden, với tư cách là Tổng thống Mỹ, đã từng đánh giá Trung Quốc "về cơ bản" là một chế độ độc tài và là "nơi dành cho kẻ chuyên quyền, kẻ độc tài". Tuy nhiên, những nhận xét hôm thứ Ba về nhà lãnh đạo Trung Quốc là một trong những nhận xét trực tiếp nhất của ông.

Tuy nhiên, giới phân tích chính trị cho rằng tuyên bố đó sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến quan hệ Mỹ - Trung vì Bắc Kinh sẽ tránh thổi phồng sự việc, đặc biệt trong bối cảnh hai ông Joe Biden và Tập Cận Bình có thể họp song phương nhân thượng đỉnh APEC vào tháng 11/2023 tại Hoa Kỳ.


Thủ Tướng Tân Tây Lan Nói Ông Tập Cận Bình Không Phải Là Nhà 'Độc Tài'


(Hình: Thủ tướng Tân Tây Lan Chris Hipkins.)

-Thủ tướng Tân Tây Lan Chris Hipkins, người dự kiến có chuyến công du chính thức tới Trung Quốc vào cuối tháng này, hôm thứ Năm (22/6/2023) cho biết ông không đồng ý với nhận xét của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là một nhà độc tài, theo thông tấn xã Reuters.

"Không đồng ý, và thể thức chính phủ mà Trung Quốc có là vấn đề của người dân Trung Quốc", ông Hipkins nói với các phóng viên.

Khi được một phóng viên hỏi liệu người dân Trung Quốc có tiếng nói trong thể thức chính phủ đó hay không, ông Hipkins nói: "Nếu họ muốn thay đổi hệ thống chính phủ của mình, thì đó là vấn đề của họ".

Ông Hipkins dự kiến thăm Trung Quốc từ ngày 25 đến 30 tháng 6, dẫn đầu một phái đoàn thương mại bao gồm một số công ty lớn nhất của Tân Tây Lan. Ông sẽ gặp ông Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Cường, và Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, Triệu Lạc Tế.

Trung Quốc vừa đáp trả hôm thứ Tư (21/6) sau khi ông Biden gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là "nhà độc tài", nói rằng nhận xét đó là vô lý và là một sự khiêu khích, một sự bùng phát bất ngờ sau những nỗ lực của cả hai bên nhằm giảm xích mích.


Nước Mỹ "Trải Thảm Đỏ" Đón Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi

-Lần đầu tiên Hoa Kỳ đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với nghi thức cấp Nhà nước, kể từ khi ông lên cầm quyền năm 2014. Thủ tướng Ấn Độ là vị khách thứ ba được chính quyền Joe Biden đón tiếp với nghi thức long trọng nhất, sau Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol.

Hôm 21/6/2023, Thủ tướng Ấn Độ đã có bữa ăn tối riêng với Tổng thống Joe Biden cùng phu nhân Jill Biden. Hôm 22/6, lãnh đạo Ấn Độ sẽ phát biểu tại Quốc hội Mỹ, trước buổi dạ tiệc trọng thể. Cho đến nay, chỉ có các nguyên thủ quốc gia mới được nước Mỹ tiếp đón như vậy. Tòa Bạch Ốc đã phải phá lệ, tạo ra một thể thức chưa từng có, "công du chính thức cấp nhà nước", để có thể tiếp Thủ tướng Ấn Độ, chỉ là người đứng đầu chính phủ, với nghi thức long trọng nhất này.

Chính quyền Mỹ đặt rất nhiều hy vọng vào hợp tác Ấn Độ-Hoa Kỳ. Theo thông tấn xã AFP, phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc John Kirby hôm 20//6 đã nhấn mạnh: "Mối quan hệ song phương này, mà theo chúng tôi sẽ là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất với tương lai của thế giới, có một tiềm năng vô cùng lớn". Với chuyến công du của Thủ tướng Modi, chính quyền Mỹ muốn tăng cường các quan hệ thương mại, kỹ thuật và quân sự với Ấn Độ. Trong dịp này, dự kiến Hoa Thịnh Ðốn sẽ chính thức thông báo cấp phép cho tập đoàn Mỹ General Electric sản xuất các động cơ phản lực của chiến đấu cơ tại Ấn Độ.

Quyết định nói trên đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ Ấn-Mỹ, đáp ứng nhu cầu của Ấn Độ phát triển nền công nghiệp quốc phòng trong nước, và chủ trương của Hoa Thịnh Ðốn muốn siết chặt quan hệ với Tân Ðề Ly, để Ấn Độ giảm lệ thuộc vào Nga về quân sự. Theo chuyên gia Richard Rossow, Center for Strategic and International Studies (CSIS), đối mặt với các đe dọa từ Trung Quốc, Ấn Độ sẵn sàng "tăng cường hợp tác quân sự" với Hoa Kỳ.

Trong chuyến công du Hoa Kỳ lần này, Thủ tướng Modi cũng có quyết định hiếm có: Trả lời báo giới cùng lãnh đạo nước chủ nhà. Theo thông tấn xã Reuters, kể từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Modi chưa bao giờ họp báo, ngoại trừ một lần vào năm 2019. Các chính trị gia đảng Dân chủ hy vọng Tổng thống Joe Biden nhân dịp này sẽ công khai chỉ trích Thủ tướng Modi về những vi phạm nhân quyền tại Ấn Độ. Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền đã lên án việc chính quyền Biden đón tiếp long trọng nhà lãnh đạo Ấn Độ, trong lúc chính quyền Modi bị lên án về nhiều vụ đàn áp người theo đạo Hồi tại vùng Cachemire, cũng như các "áp lực" nhắm vào các đối thủ chính trị và giới truyền thông.


Tin Việt Nam Đó Đây

Các Nhà Hoạt Động Xã Hội Tân Tây Lan Kêu Gọi Trả Tự Do Cho Nhà Hoạt Động Hoàng Thị Minh Hồng


(Hình: Những người phản đối việc bắt giữ bà Hoàng Thị Minh Hồng gửi thông báo phản đối đến Tòa Ðại sứ Việt Nam ở Tân Tây Lan hôm 22/6/2023.)

-Các nhà hoạt động xã hội bao gồm các đồng nghiệp cũ của nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng hôm 22/6/2023 đã tập trung trước Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Tân Tây Lan và trao tuyên bố phản đối việc bắt giữ nhà hoạt động này. Một thông cáo báo chí của những người tham gia biểu tình cho biết như vậy vào cùng ngày.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng (51 tuổi), người sáng lập tổ chức CHANGE tại Việt Nam chuyên về môi trường, bị chính quyền Việt Nam bắt giữ hôm 30/5 cùng với chồng và hai nhân viên của tổ chức CHANGE với cáo buộc tội trốn thuế.

Báo Nhà nước dẫn nguồn tin từ Công an Tp. HCM cáo buộc bà Hồng trốn thuế với số tiền lên đến 5,2 tỉ đồng.

Những người biểu tình ở Tân Tây Lan kêu gọi chính phủ nước này nên theo bước chính phủ các nước Mỹ và Đức ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về việc bắt giữ bà Hồng.

Chính phủ các nước Mỹ, Đức, Anh và Liên Hiệp Quốc đều đã lên tiếng phản đối vụ bắt giữ và kêu gọi Việt Nam phải tôn trọng quyền của bà Hồng, quyền tự do lập hội của người dân.

Một đồng nghiệp cũ của bà Hồng tham gia cuộc phản đối tại Tòa Ðại sứ Việt Nam ở Tân Tây Lan là ông Aaron Packard nói được trích lời trong thông cáo báo chí nói: "Chúng tôi kêu gọi chính phủ Tân Tây Lan phải lên tiếng cùng các nước khác bao gồm Mỹ và Đức để bày tỏ quan ngại sâu sắc về những vụ bắt giữ và kêu gọi trả tự do cho bà Hồng cùng các đồng sự. Bà Hồng và những nhà hoạt động bảo vệ môi trường khác có vai trò lãnh đạo đáng kể cho con đường hướng tới công lý khí hậu. Chúng tôi thúc giục việc trả tự do cho những nhà hoạt động khác bao gồm: Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức, và Đặng Đình Bách".

Bà Hồng là nhà hoạt động môi trường thứ năm bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt giữ trong hai năm qua với cáo buộc tội trốn thuế. Các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án các vụ bắt giữ này và cho rằng các vụ bắt giữ nằm trong xu hướng trấn áp quyền tự do bày tỏ ý kiến ở Việt Nam.


Giảng Viên Âm Nhạc Đặng Đăng Phước Kháng Cáo Toàn Bộ Bản Án Sơ thẩm


(Hình: Nhà hoạt động Đặng Đăng Phước.)

-Nhà hoạt động Đặng Đăng Phước, cựu giảng viên âm nhạc của Cao đẳng Sư phạm Đắc Lắc, đã kháng cáo bản án 8 năm tù giam và bốn năm quản chế mà Toà án Nhân dân tỉnh Đắc Lắc đã tuyên trong phiên Sơ thẩm ngày 6/6 vừa qua.

Ông Phước (61 tuổi) bị bắt ngày 8/9/2022 về cáo buộc "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Bà Lê Thị Hà, vợ của ông Phước, nói về thông tin ông Phước kháng cáo với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào ngày 22/6 qua tin nhắn như sau:

"Ngày 21/6, Toà án tỉnh Đắc Lắc gởi thông báo cho tôi với nội dung anh Phước kháng cáo. Theo thông báo, anh viết đơn vào ngày 13/6, một tuần sau khi họ kết tội anh.

Với bản án tám năm tù giam và bốn năm quản chế đầy oan ức nên anh đã kháng cáo toàn bộ bản án Sơ thẩm lên Toà án Đắc Lắc".

Trong phiên toà Sơ thẩm, ông Phước bị cho là có hành vi "viết hoặc tải từ mạng Internet nhiều bài viết có nội dung không khách quan, không đúng sự thật; vu khống, xúc phạm, bôi nhọ uy tín, danh dự Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân... gây kích động, hoang mang trong nhân dân, gây mất trật tự, an toàn xã hội".

Các bài viết mà cáo trạng nêu tên đề cập đến sự kiện đàn áp Đồng Tâm, hoà hợp dân tộc, chống tham nhũng, phê phán chính sách đối phó với đại dịch COVID…

Ông còn bị cho là sử dụng thư điện tử để gửi nhiều bài viết có nội dung nêu trên đến nhiều cơ quan, tổ chức, và cá nhân trong và ngoài nước cũng như ký tên vào 20 kiến nghị, kháng thư, và tuyên bố của các nhân sĩ trí thức đề nghị sửa đổi Hiến pháp, phản đối Trung Quốc, bãi bỏ Điều 258 "lợi dụng quyền tự do dân chủ" của Bộ luật Hình sự 1999….

Ông cũng bị cáo buộc trực tiếp hát và đánh đàn cho người khác hát nhiều bài hát với nội dung "gây chiến tranh tâm lý nhằm mục đích chống Nhà nước và lôi kéo người nhẹ dạ để diễn biến hoà bình".

Ngay sau phiên toà, Luật sư Lê Văn Luân, người tham gia bào chữa cho ông Phước trong phiên Sơ thẩm, cho RFA biết cáo buộc từ Viện Kiểm sát không dựa trên căn cứ cụ thể và mức án mà toà đưa ra là quá nặng nề so với những gì mà ông Phước đã làm.

Trước và sau phiên toà, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Hà Nội trả tự do cho ông, nói rằng ông không có tội mà chỉ thực hành quyền tự do ngôn luận được quy định bởi Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế mà nhà nước độc đảng đã ký kết và phê chuẩn.


Việt Nam Lên Tiếng Về Báo Cáo Buôn Người của Hoa Kỳ


(Hình: Một poster trên đường phố ở Sài Gòn kêu gọi mọi người cảnh giác và ngăn chặn tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em.)

-Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng hôm 22/6 nói rằng "Việt Nam ghi nhận phía Mỹ đã có đánh giá tích cực hơn" trong báo cáo năm 2023 về tình hình mua bán người trên thế giới.

Theo báo Tuổi Trẻ, trong cuộc họp báo thường kỳ, bà Hằng nói tiếp rằng Việt Nam "mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới, để phía Mỹ có đánh giá khách quan, chính xác, toàn diện hơn nữa về tình hình, nỗ lực thực chất của Việt Nam".

"Việt Nam cũng sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ cũng như các bên liên quan về những vấn đề hợp tác cụ thể để cùng triển khai hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người", bà Hằng nói, theo báo Tuổi Trẻ.

Phát ngôn viên này cũng được báo chí trong nước dẫn lời nói rằng Việt Nam "chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng, chống di cư trái phép, đưa người di cư trái phép và buôn người".

Trong bản báo cáo về tình trạng buôn người trên thế giới hôm 15/6, Việt Nam đã được đưa từ hạng ba (tức hạng cuối) lên hạng hai nhưng vẫn nằm trong danh sách cần phải theo dõi.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, các nước thuộc hạng hai và trong danh sách cần theo dõi "có chính phủ không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu của Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân Buôn người [của Mỹ] nhưng đang có những nỗ lực đáng kể để tuân thủ các tiêu chuẩn đó".

Phía Hoa Kỳ nói rằng phía Việt Nam đã có các nỗ lực như "bắt đầu nhiều cuộc điều tra hơn, truy tố và kết án nhiều kẻ buôn người hơn, tăng cường hợp tác thực thi pháp luật quốc tế và bắt đầu thủ tục tố tụng hình sự đối với các viên chức bị cáo buộc đồng lõa".

"Chính phủ cũng xác định và hỗ trợ nhiều nạn nhân hơn và thực hiện các biện pháp bảo vệ cho người lao động ở ngoại quốc", Bộ Ngoại giao Mỹ viết trong báo cáo.


Đường Dây của "Trùm Ma Tuý" Oanh Hà "Tuồn" Trên 1,6 Tấn Ma Tuý Vào Việt Nam


(Hình: Oanh Hà và Phan Công Giản tại cơ quan công an.)

-Hôm 22/6/2023, Bộ Công an Việt Nam cho báo chí biết, đường dây buôn ma tuý của "trùm ma tuý" Vũ Hoàng Anh (Oanh Hà) đã vận chuyển, mua bán, tiêu thụ trên 1,6 tấn gồm heroin, ketamin, methamphethamine từ Cam Bốt về Việt Nam tiêu thụ trong nước và vận chuyển ra ngoại quốc. Gần 40 người trong đường dây này đã bị bắt giữ, theo thông tin từ Bộ Công an. Tuy nhiên "bà trùm" Oanh Hà vẫn đang bỏ trốn.

Người bị công an bắt mới nhất trong đường dây này là Phạm Công Giản, 65 tuổi, anh chồng và là người giúp sức đắc lực của "bà trùm".

Oanh Hà (65 tuổi) nổi tiếng là chị gái của một "bà trùm" giang hồ nổi tiếng đất Hải Phòng khác là Dung Hà (Vũ Hoàng Dung), người đã bị đàn em của trùm xã hội đen Năm Cam (Trương Văn Cam) bắn chết ngay trên đường phố Tp. HCM hồi năm 2000.

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), trong sáu tháng đầu năm 2023, tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp ở khu vực Đông Nam Á vẫn đang diễn ra nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng.

Tuy nhiên cũng trong gần 6 tháng qua, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp các lực lượng chức năng khám phá thành công hơn 13.000 vụ, bắt giữ hơn 20.000 nghi phạm, thu giữ hơn 312kg heroin, hơn 1,6 tấn và gần 828.000 viên ma túy tổng hợp…

Đã khởi tố hơn 11.000 vụ, hơn 16.000 bị can. Bắt, vận động đầu thú, thanh loại 186 đối tượng truy nã về ma túy.

Hôm cuối tháng 5/2023, Công an Tp. HCM cho biết trong vụ năm tiếp viên Hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) xách ma túy về nước, đến thời điểm trên, cơ quan điều tra đã khởi tố 57 vụ án và 129 bị can theo các tội "Mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy" và "Không tố giác tội phạm. Ngoài số bị khởi tố, cơ quan chức năng còn giải quyết hành chính 37 người. Số ma túy thu được là gần 60 kilogram, hai khẩu súng và nhiều tang vật liên quan.

Trung tướng Tô Ân Xô, phát ngôn viên Bộ Công An hôm 3/6/2023 phát biểu tại cuộc họp Chính phủ rằng, sau khi có vụ tiếp viên hàng không xảy ra, Bộ Công an đã truy xét và lật lại các manh mối, bắt giữ được khoảng 200 đối tượng liên quan, việc này sẽ tiếp tục mở rộng. Vận chuyển ma túy qua đường hàng không đang khá là phức tạp.


Việt Nam Tăng Tuổi Nghỉ Hưu Công An; Bổ Sung Thêm Sáu Vị Trí Cấp Tướng


(Hình: Quốc hội chốt bổ sung 6 vị trí cấp tướng cho công an.)

-Quốc hội Việt Nam đồng ý bổ sung sáu vị trí của ngành công an có cấp hàm cao nhất là cấp tướng, đồng thời tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan, hạ sĩ quan công an.

Truyền thông nhà nước trong ngày 22/6/2023 cho biết hai chính sách lớn trong Dự luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công an Nhân dân, đã được Quốc hội thông qua là bổ sung vị trí có cấp hàm tướng (gồm một Thượng tướng và năm thiếu tướng) đồng thời tăng hạn tuổi phục vụ (tuổi nghỉ hưu) trong lực lượng công an.

Theo đó, một vị trí hàm Thượng tướng là công an biệt phái sang Quốc hội giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh. Với năm cấp hàm thiếu tướng, dự thảo luật đề xuất dành cho các chức danh: Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân; hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân; Phụ tá Bộ trưởng Bộ Công an; hai Cục phó và tương đương của hai đơn vị trực thuộc Bộ Công an.

Về tăng tuổi nghỉ hưu của công an, Quốc hội cũng đồng ý thông qua dự thảo luật trong đó quy định tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan, hạ sĩ quan công an thêm hai tuổi so với hiện hành.

Riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi; nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi; nữ sĩ quan cấp tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi.

Với những trường hợp đặc biệt, sĩ quan có thể được kéo dài tuổi phục vụ hơn 62 đối với nam và hơn 60 đối với nữ theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công an nhân dân có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.


Dự Báo Tăng Trưởng Kinh Tế của Việt Nam Thấp Trong Năm 2023


(Hình: Một công nhân chở một thùng nước trên xe máy tại Hà Nội hôm 21/6/2023.)

-Các chuyên gia kinh tế ở Việt Nam dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 sẽ chỉ ở mức từ 5,5% - 6,5%, thấp hơn so với các dự báo trước đó của các tổ chức quốc tế khác.

Trong Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023 vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố ngày 22/6, các chuyên gia kinh tế dự báo, ở kịch bản thấp, tốc độ tăng GDP của Việt Nam năm 2023 chỉ đạt mức 5,5%. Ở kịch bản cơ sở, tốc độ tăng GDP sẽ là 6%. Còn với kịch bản cao, tốc độ tăng GDP năm 2023 sẽ là 6,5%.

Hồi tháng Ba năm nay, Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay sẽ dạt 6,3%, thấp hơn con số 8% của năm 2022.

Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) cũng dự đoán mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay là 6,5%.

Tuy nhiên, theo phân tích trong báo cáo mới, kinh tế Việt Nam trong năm nay sẽ gặp khó khăn do áp lực từ lạm phát toàn cầu và giá nguyên liệu đầu vào tăng, lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức cao dù đã có xu hướng hạ nhiệt.

Theo báo cáo, lạm phát cơ bản tăng 4,54% chính là ẩn số cho việc điều hành ổn định vĩ mô của Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2023.

Ngoài ra, kinh tế Việt Nam cũng gặp phải các khó khăn như cuộc chiến Nga - Ukraine đang tiếp diễn, gánh nặng lãi vay của doanh nghiệp, xuất cảng phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc (FDI).

Việc đồng Mỹ kim giảm giá mạnh trên thị trường Mỹ và quốc tế cũng ảnh hưởng đến xuất cảng của Việt Nam.


Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan Sắp Thăm Việt Nam


(Hình: Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan (CVN-76) của Hải quân Hoa Kỳ.)

-Báo chí trong nước đưa tin, dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao, cho hay từ ngày 25/6/2023, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Hoa Kỳ sẽ thăm Đà Nẵng.

Theo VnExpress, trong buổi họp báo thường kỳ hôm 22/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết rằng chuyến thăm của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan sẽ kéo dài tới ngày 30/6.

Bà Hằng được báo điện tử này dẫn lời nói thêm rằng "vừa qua, Việt Nam đã đón các chuyến thăm của tàu hải quân các nước và dịp này là tàu USS Ronald Reagan".

"Đây là hoạt động giao lưu, hữu nghị thông thường, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực cũng như thế giới", bà Hằng nói, theo VnExpress.

Theo quan sát của VOA tiếng Việt, hiện phía Hoa Kỳ chưa có thông báo chính thức về chuyến thăm này.


(Hình: Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan trong một cuộc tập trận chung với Hải quân Nam Hàn hôm 29/9/2022.)

Nếu chuyến thăm của USS Ronald Reagan diễn ra theo đúng kế hoạch, đây sẽ là lần thứ ba hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ thăm Đà Nẵng. Chuyến thăm đầu tiên diễn ra vào tháng Ba năm 2018 với hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và gần nhất là USS Theodore Roosevelt vào tháng Ba năm 2020.

Cũng trong cuộc họp báo, theo VOV, bà Hằng cũng xác nhận tàu hải quân Nhật Bản đang ở thăm Việt Nam.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, hai khu trục hạm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản là Izumo và Samidare hôm 20/6 đã cập cảng Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới 23/6.

Tin từ NHK cho hay, trước khi ghé Việt Nam, tàu Izumo đã diễn tập chung với hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ và các tàu khác ở Biển Đông từ ngày 10/6 đến 14/6.


Nam Dương Dời Địa Điểm Diễn Tập Quân Sự ASEAN Ra Khỏi Biển Đông


(Hình: Các nhà lãnh đạo quân sự ASEAN gặp nhau ở Bali, Nam Dương, ngày 7/6/2023.)

-Nam Dương đổi địa điểm tổ chức cuộc tập trận quân sự chung lần đầu tiên của ASEAN sang một địa điểm cách xa Biển Đông, thông tấn xã Reuters dẫn lời quân đội nước này cho biết hôm 22/6/2023.

Các cuộc diễn tập phi chiến đấu dành cho các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ban đầu được dự định diễn ra tại vùng cực nam của Biển Đông, nơi Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.

Phát ngôn viên quân đội Nam Dương Julius Widjojono cho biết cuộc tập trận từ ngày 18-25/9 sẽ được chuyển hoàn toàn ra khỏi tuyến đường thủy chiến lược tới Biển Nam Natuna trong hải phận của Nam Dương.

"Cuộc tập trận này không tập trung vào chiến đấu, vì vậy nó phù hợp nhất với miền Nam, nơi tiếp xúc trực tiếp với người dân", ông nói và cho biết thêm cuộc tập trận sẽ được tổ chức trong và xung quanh đảo Batam ở cửa eo biển Malacca.

Sự đoàn kết của ASEAN trong nhiều năm đã bị thử thách bởi sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang diễn ra ở Biển Đông, một tuyến đường vận chuyển khoảng 3,5 ngàn tỉ Mỹ kim thương mại hàng năm bằng tàu biển.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này bằng 'đường chín đoạn' mở rộng dựa trên các bản đồ lịch sử của họ mà một tòa án trọng tài quốc tế năm 2016 đã phán quyết là không có cơ sở pháp lý.

ASEAN đã và đang thúc đẩy hoàn thành bộ quy tắc ứng xử hàng hải được chờ đợi từ lâu với Trung Quốc, và một số thành viên của khối đã có xung đột với Bắc Kinh trong những tháng gần đây.

Quân đội Nam Dương, nước Chủ tịch luân phiênASEAN năm nay, cho biết quyết định di chuyển địa điểm là một quyết định độc lập và "không có sự can thiệp" từ các quốc gia khác.

Quân đội Nam Dương cũng cho biết Cam Bốt và Miến Ðiện không phản hồi lời mời tham dự một cuộc họp chuẩn bị cho cuộc tập trận giữa các nước ASEAN. Cả hai nhà lãnh đạo chính quyền của Miến Ðiện và Cam Bốt đều có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.

Không có nhận xét nào: