Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2023

ĐIỂM TIN 22/06/2023 - Long Đỗ

Nước Mỹ ‘‘trải thảm đỏ’’ đón thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi Lần đầu tiên Hoa Kỳ đón tiếp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với nghi thức cấp Nhà nước, kể từ khi ông lên cầm quyền năm 2014. Thủ tướng Ấn Độ là vị khách thứ ba được chính quyền Joe Biden đón tiếp với nghi thức long trọng nhất, sau tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Tổng thống Joe Biden và đệ nhất phu nhân Jill Biden đón tiếp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng ngày 21/06/2023. AP - Evan Vucci Trọng Thành
<!>
Hôm qua, 21/06/2023, thủ tướng Ấn Độ đã có bữa ăn tối riêng với tổng thống Joe Biden cùng phu nhân Jill Biden. Hôm nay, 22/06, lãnh đạo Ấn Độ sẽ phát biểu tại Quốc Hội Mỹ, trước buổi dạ tiệc trọng thể. Cho đến nay, chỉ có các nguyên thủ quốc gia mới được nước Mỹ tiếp đón như vậy. Nhà Trắng đã phải phá lệ, tạo ra một thể thức chưa từng có, ‘‘công du chính thức cấp nhà nước’’, để có thể tiếp thủ tướng Ấn Độ, chỉ là người đứng đầu chính phủ, với nghi thức long trọng nhất này.

Chính quyền Mỹ đặt rất nhiều hy vọng vào hợp tác Ấn Độ - Hoa Kỳ. Theo AFP, người phát ngôn của Nhà Trắng John Kirby hôm 20//06 đã nhấn mạnh : ‘‘Mối quan hệ song phương này, mà theo chúng tôi sẽ là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất với tương lai của thế giới, có một tiềm năng vô cùng lớn’’. Với chuyến công du của thủ tướng Modi, chính quyền Mỹ muốn tăng cường các quan hệ thương mại, công nghệ và quân sự với Ấn Độ. Trong dịp này, dự kiến Washington sẽ chính thức thông báo cấp phép cho tập đoàn Mỹ General Electric sản xuất các động cơ phản lực của chiến đấu cơ tại Ấn Độ.

Quyết định nói trên đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ Ấn - Mỹ, đáp ứng nhu cầu của Ấn Độ phát triển nền công nghiệp quốc phòng trong nước, và chủ trương của Washington muốn siết chặt quan hệ với New Delhi, để Ấn Độ giảm lệ thuộc vào Nga về quân sự. Theo chuyên gia Richard Rossow, Center for Strategic and International Studies (CSIS), đối mặt với các đe dọa từ Trung Quốc, Ấn Độ sẵn sàng ‘‘tăng cường hợp tác quân sự’’ với Hoa Kỳ.

Trong chuyến công du Hoa Kỳ lần này, thủ tướng Modi cũng có quyết định hiếm có: Trả lời báo giới cùng lãnh đạo nước chủ nhà. Theo Reuters, kể từ khi lên nắm quyền, thủ tướng Modi chưa bao giờ họp báo, ngoại trừ một lần vào năm 2019. Các chính trị gia đảng Dân Chủ hy vọng tổng thống Joe Biden nhân dịp này sẽ công khai chỉ trích thủ tướng Modi về những vi phạm nhân quyền tại Ấn Độ. Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền đã lên án việc chính quyền Biden đón tiếp long trọng nhà lãnh đạo Ấn Độ, trong lúc chính quyền Modi bị lên án về nhiều vụ đàn áp người theo đạo Hồi tại vùng Cachemire, cũng như các ‘‘áp lực’’ nhắm vào các đối thủ chính trị và giới truyền thông.

Phương Tây hứa viện trợ hàng chục tỷ đô la để tái thiết Ukraina, nhưng sẽ buộc Nga gánh chịu chi phí
Hôm nay 22/06/2023, hội nghị về tái thiết Ukraina tại Luân Đôn bước qua ngày thứ 2, với sự tham gia của khoảng 1000 đại biểu, đại diện cho 60 quốc gia và 400 doanh nghiệp. Ngay trong ngày đầu tiên, hàng chục tỷ đô la đã được phương Tây cam kết để giúp Kiev xây dựng lại đất nước Ukraina một khi chiến tranh kết thúc.


Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Hội nghị tái thiết Ukraina, Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 21/06/2023. via REUTERS - POOL
Trọng Nghĩa
Sau Liên Hiệp Châu Âu, vốn đã loan báo dự định trợ giúp cho Ukraina một khoản tiền lên đến 50 tỉ euro trong vòng 4 năm, hôm qua đến lượt Hoa Kỳ cho biết sẽ cấp thêm cho Ukraina hơn 1,3 tỷ đô la để phục hồi và xây dựng lại mạng lưới năng lượng, cũng như hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng quan trọng khác.

Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI Emeline Vin tại Anh Quốc, ngoài vấn đề tài chính, hội nghị tái thiết Ukraina còn có những mục tiêu khác:

“Kiev đã nhận được những kết quả cụ thể nhân ngày đầu tiên của hội nghị: Hơn một tỷ đô la viện trợ của Mỹ, 3 tỷ đô la bảo lãnh khoản vay của Anh, cơ chế bảo hiểm của Pháp ... Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tuyên bố: “Qua việc tái thiết Ukraina, chúng tôi sẽ xây dựng lại tự do”.

Mục tiêu khác của hội nghị, khó đo lường hơn, là thuyết phục các công ty và nhà đầu tư quay trở lại Ukraina. Về vấn đề này, thủ tướng Anh nhắc lại rằng vào trước chiến tranh, Ukraina đang trên đà trở thành một điểm đến kinh tế được ưa chuộng, đặc biệt là trong lãnh vực công nghệ.

Bên lề hội nghị Luân Đôn, vấn đề kết nạp Ukraina vào NATO đã được đề cập đến. Ngoại trưởng Anh tiết lộ rằng các thành viên của liên minh sẽ ủng hộ việc nhanh chóng kết nạp Ukraina. Kiev tuyên bố họ mong sẽ “được mời gia nhập” nhân thượng đỉnh NATO vào tháng tới. Tuy nhiên, ngoại trưởng Pháp vẫn tỏ ra thận trọng khi cho biết việc mời Ukraina gia nhập chỉ diễn ra sau khi chiến tranh kết thúc.

Hội nghị Luân Đôn tiếp tục vào hôm nay, với các cuộc thảo luận bàn tròn về kỹ thuật số và về việc đẩy nhanh tốc độ tháo gỡ bom mìn.”

Phương Tây sẽ buộc Nga trả chi phí tái thiết Ukraina
Nhân Hội Nghị Tái Thiết Ukraina, các đồng minh phương Tây của Kiev đã cảnh báo Matxcơva rằng Nga sẽ phải gánh vác chi phí tái thiết đất nước mà họ xâm lược, cho tới nay được ước tính là 411 tỷ đô la, theo một nghiên cứu của Ngân Hàng Thế Giới, Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và chính phủ Ukraina. Khoản tiền dự kiến sẽ tăng lên nếu xung đột tiếp diễn.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua khẳng định : “Hãy nói cho rõ ràng : Nga đứng sau sự tàn phá Ukraina. Và Nga cuối cùng sẽ phải gánh vác chi phí tái thiết Ukraina". Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng nhấn mạnh: “Kẻ gây hấn phải chịu trách nhiệm”.

Về phần mình, thủ tướng Anh Rishi Sunak giải thích: “Rõ ràng là Nga phải trả giá cho sự tàn phá mà họ đã gây ra. Đây là lý do tại sao chúng tôi đang hợp tác với các đồng minh để tìm kiếm phương cách hợp pháp cho việc sử dụng tài sản của Nga”.

Hội nghị quốc tế Paris chống đói nghèo và tác động từ biến đổi khí hậu

Chống nghèo khó và khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu là hai trọng tâm của « Hội nghị vì một hiệp ước tài chính mới cho thế giới » trong hai ngày 22 và 23/06/2023 tại Paris. Khai mạc hội nghị, tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cương vị chủ nhà kêu gọi cộng đồng quốc tế, kể cả khu vực tư nhân, « đảm nhận trách nhiệm về tài chính » giúp các quốc gia chậm phát triển vượt qua khủng hoảng về khí hậu và chống nghèo khó.


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Nam Phi Cyril Ramaphosa tại hội nghị Paris về một « Hiệp ước mới về tài chính cho thế giới» để chống đói nghèo và khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu, ngày 22/06/2023. © AP/Ludovic Marin
Thanh Hà
Hơn 40 nguyên thủ quốc gia, thủ tướng hưởng ứng sáng kiến của tổng thống Pháp Macron đến dự hội nghị Paris. Trong số này có tổng thống Brazil, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, thủ tướng Đức, thủ tướng Trung Quốc, bộ trưởng Tài Chính Mỹ và khoảng 20 đại diện cấp cao nhất từ châu Phi.

Hội nghị quốc tế Paris hướng đến việc « cải tổ cơ cấu tài chính toàn cầu hiện hành kể từ thỏa thuận Bretton Woods năm 1944, với việc hình thành các định chế tài chính đa quốc gia như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới ». Lý do là mô hình đó bị đánh giá « không còn phù hợp » trước những nhu cầu vô cùng lớn của các nước nghèo hiện phải đối mặt với hiện tượng thời tiết càng lúc càng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu.

Pháp đã phối hợp với đảo Barbados trong vùng biển Caribê đề xuất những phương án nhằm « giúp các nước chậm phát triển thoát khỏi đói nghèo, bớt lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch và góp phần bảo vệ thiên nhiên », giúp các quốc gia này đối mặt với thiên tai.

Paris cũng như Washington đòi cho các nước chậm phát triển được quyền « đàm phán lại với các chủ nợ ». Đại diện Hoa Kỳ gián tiếp nhắm tới Bắc Kinh, do Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của nhiều nước đang phát triển, chủ yếu là tại châu Phi và một số nước ở châu Á.

Trong hai ngày họp, các bên sẽ đề ra một lộ trình giúp đỡ các nước nghèo và thảo luận về một số phương án, chẳng hạn đánh thuế các công ty giao thông hàng hải, các giao dịch tài chính, xóa hoặc tái cơ cấu nợ cho các nước nghèo khi xảy ra thiên tai …

Các nước giàu từng cam kết mỗi năm tài trợ 100 tỷ đô la giúp các nước chậm phát triển khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu. Trước mắt, đây vẫn chỉ là những hứa hẹn, làm sói mòn niềm tin của các nước nghèo vào lòng hảo tâm của những nền công nghiệp gây ô nhiễm nhiều nhất trên thế giới, như Trung Quốc, Mỹ hay các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa …

Một ngày trước hội nghị Paris, hôm qua 21/06/2023, Câu Lạc Bộ Paris - một tổ chức không chính thức quy tụ các chủ nợ, đã đạt đồng thuận « tái cơ cấu nợ cho Zambia và Sri Lanka ». Trung Quốc hiện là chủ nợ chính của hai quốc gia này, nhưng không là thành viên của Câu Lạc Bộ Paris.

Cũng trong khuôn khổ « Hội nghị vì một hiệp ước tài chính mới cho thế giới », ngày 23/06, tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ dành một buổi nói chuyện đặc biệt trên đài phát thanh RFI, đài truyền hình France 24 và kênh FranceInfo.

Tên lửa Ukraina đánh trúng một cây cầu ‘‘chiến lược’’ bắc sang bán đảo Crimée

Cầu Chonhar, một trong số vài cầu nối từ bán đảo Crimée sang tỉnh Kherson, miền nam Ukraina, đã bị tấn công trong đêm hôm qua, rạng sáng hôm nay 22/06/2023, theo một số giới chức của lực lượng chiếm đóng Nga.


Cầu Chonhar, nối từ vùng Kherson tới bán đảo Crimée, bị hư hại sau một vụ tấn công mà phía Nga cho là do các lực lượng Ukraina tiến hành, ngày 22/06/2023. via REUTERS - VLADIMIR SALDO VIA TELEGRAM
Trọng Thành
‘‘Tỉnh trưởng’’ tỉnh Kherson, do Matxcơva bổ nhiệm, Vladimer Saldo khẳng định cầu bị trúng nhiều tên lửa Storm Shadow của Anh, nhưng không có nạn nhân nào được ghi nhận. Hiện tại, theo Reuteurs, chưa có các kiểm chứng độc lập về những thông tin nói trên.

Cây cầu được thông báo bị tấn công, còn được gọi là ‘‘cầu Crimée’’, là một trong các tuyến đường chính nối liền bán đảo Crimée và nhiều khu vực do Nga kiểm soát thuộc tỉnh Kherson. Theo Reuters, đối với Ukraina, phá hủy được cây cầu này sẽ mang lại thêm một lợi thế trong kế hoạch phản công giành lại bán đảo, và có thể là một thế mạnh trong các thương lượng tương lai.

TT Ukraina thừa nhận phản công ‘‘chậm hơn mong đợi’’
Hãng tin Reuters cho hay, trong bài trả lời phỏng vấn của truyền thông Anh, được phát hôm qua, 21/06/2023, tổng thống Ukraina Volodimir Zelensky khẳng định cuộc phản công ‘‘không phải là một bộ phim Hollywood’’, không thể trông đợi các kết quả ‘‘ngay tức khắc’’. Nguyên thủ Ukraina nhấn mạnh, quân đội Ukraina sẽ tiếp tục tiến đánh ‘‘theo cách mà chúng tôi thấy là tốt nhất’’.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn, được BBC trích lại, tổng thống Ukraina cho biết một nguyên nhân chính khiến cuộc phản công gặp nhiều khó khăn là việc quân Nga gài mìn trên tổng cộng ‘‘200.000 km2’’ lãnh thổ Ukraina. Diện tích được nêu gây ngạc nhiên cho nhiều nhà quan sát, vì toàn bộ lãnh thổ của Ukraina chỉ là hơn 600.000 km².

Tập trận ở châu Âu: Mỹ triển khai lực lượng không quân hùng hậu nhất từ thời Chiến Tranh Lạnh

Mở ra từ ngày 12/06/2023, cuộc tập trận không quân rầm rộ nhất trong lịch sử Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO mang tên Air Defender 23 (Bảo Vệ Bầu Trời 23) - với 250 máy bay quân sự thuộc 25 quốc gia thành viên NATO - sẽ kết thúc vào ngày mai, 23/06. Dù được lên kế hoạch từ cách nay 5 năm, cuộc tập trận lần này tại châu Âu của NATO mang ý nghĩa răn đe rất lớn đối với Nga trong bối cảnh cuộc chiến Ukraina đang diễn ra ác liệt.


Chiến đấu cơ F-16 của Không quân Mỹ tham gia đợt tập trận Air Defender 23 tại một sân bay quân sự ở Jagel, miền bắc nước Đức, ngày 09/06/2023. via REUTERS - POOL
Trọng Nghĩa
Trong những ngày qua, ngoài các bài tập huấn trên không phận nước Đức, nhiều cuộc diễn tập xuất kích cũng được tiến hành theo nội dung bảo vệ biên giới phía đông của khối NATO, tức là chống lại Nga.

Điểm nổi bật trong cuộc tập trận lần này của khối NATO là Hoa Kỳ đã triển khai sang châu Âu một lực lượng không quân hùng hậu nhất từ thời Chiến Tranh Lạnh đến nay:

Đặc phái viên RFI Pierre Benazet đã đến theo dõi cuộc tập trận tại căn cứ không quân Đức Wunstorf gần Hanover và gởi về bài tường trình:

Lực lượng lớn nhất tham gia các cuộc diễn tập không quân rầm rộ này là khoảng một trăm máy bay chiến đấu và vận tải trực tiếp đến từ Mỹ. Phi cơ thuộc Lực Lượng Vệ Binh Không Quân Quốc Gia đã được tung ra trong một chiến dịch triển khai không lực lớn nhất của Hoa Kỳ kể từ Chiến Tranh Lạnh.

Đại tá Rusty Ballard, chỉ huy Phi Đội Vận Tải Hậu Cần bang Illinois, giải thích: “Chúng tôi đã có 20 năm kinh nghiêm triển khai trong cuộc chiến chống khủng bố, chúng tôi đã làm việc cùng với những đơn vị bạn ở những nơi đó. “Năng lực tương tác” này là điều chúng tôi đang cố gắng xây dựng cũng như duy trì. Chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều trong cuộc tập trận này, đặc biệt là đối với lực lượng Vệ Binh Không Quân Quốc Gia chúng tôi, vốn có đến 10 tiểu bang tham gia cuộc tập trận cùng với các biến thể khác nhau của loại phi cơ vận tải quân sự C130 Hercules. Đây là lần đầu tiên tôi thấy Lực Lượng Vệ Binh Không Quân Quốc Gia được triển khai thẳng từ Hoa Kỳ đi tham gia diễn tập ở nước ngoài, và chỉ riêng điều đó thôi đã thực sự độc đáo.”

Đối với Hoa Kỳ, mục tiêu của việc triển khai lực lượng vượt Đại Tây Dương qua châu Âu cũng là nhằm chứng minh an ninh bầu trời của đồng minh châu Âu được đảm bảo hơn bao giờ hết.

Nhìn rộng ra toàn khối NATO, đó là một sự đảm bảo về việc các lực lượng sẵn sàng được tung ra nhanh chóng, vì các cuộc diễn tập này là một cuộc tập trận trong khuôn khổ Điều 5 của Hiến Chương NATO, quy định nguyên tắc phòng thủ tập thể, có nghĩa là một cuộc tấn công chống lại một thành viên được coi là một cuộc tấn công vào toàn khối NATO.

Thêm vào đó, đối với Nga, tất nhiên đó cũng là một hành động biểu dương uy lực, thậm chí là uy thế trên không gần như là tuyệt đối ở châu Âu.

Không có nhận xét nào: