Hơn 60 nước tham gia Hội nghị tái thiết Ukraina khai mạc tại Luân Đôn Hội nghị tái thiết Ukraina khai mạc hôm nay 21/06/2023 tại Luân Đôn, Anh Quốc. Đây là năm thứ hai hội nghị được tổ chức, năm ngoái là tại Logano, Thụy Sỹ. Hội nghị lần này diễn ra trong hai ngày 21 và 22/06, với sự tham gia của đại diện các chính phủ, doanh nghiệp đến từ hơn 60 quốc gia và nhiều định chế tài chính quốc tế. Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị Tái thiết Ukraina, Luân Đôn, ngày 21/06/2023. via REUTERS - POOL Thùy Dương
<!>
Từ Luân Đôn, thông tín viên Emeline Vin gửi về bài tường trình : « Dự kiến sẽ có hơn một nghìn người tham gia hội nghị ở Luân Đôn, trực tiếp hoặc qua video hội nghị. Đó là đại diện của khoảng 60 chính phủ, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà đầu tư … Trong hai ngày, họ suy tính cho tương lai kinh tế của Ukraina, để chuẩn bị cho thời kỳ hậu chiến.
Luân Đôn giải thích rằng đây không phải là hội nghị của các nhà tài trợ, mà là nhằm thúc đẩy các tác nhân kinh tế có mong muốn tái đầu tư vào Ukraina. Đặt mình ở vị trí là một trong những nước chính ủng hộ Ukraina kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraina, chính phủ Anh sẽ triển khai nền tảng « thiết lập liên lạc » cho các doanh nghiệp và cũng sẽ thông báo một quỹ « năng lượng xanh » trị giá 110 triệu euro.
Ngân Hàng Thế Giới ước tính chi phí tái thiết và phục hồi Ukraina trong 10 năm tới là hơn 400 tỷ đô la, con số này chắc chắn sẽ còn tăng chừng nào chiến tranh vẫn tiếp diễn, và điều này khiến Kiev phụ thuộc vào tình đoàn kết trợ của quốc tế.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky sẽ có phát biểu trực tuyến tại Hội nghị. Thủ tướng Ukraina dự kiến có bài phát biểu phê phán khá gay gắt các biện pháp trừng phạt của Anh nhắm vào Nga. »
Một ngày trước khi hội nghị tái thiết Ukraina khai mạc, Liên Hiệp Châu Âu hôm qua 20/06 dự kiến hỗ trợ cho Kiev 50 tỉeuro trong vòng 4 năm, dưới dạng các khoản cho vay và tài trợ.
Ủy Ban Châu Âu đề xuất chiến lược bảo đảm an ninh kinh tế
Vào đúng ngày thủ tướng Đức Olaf Scholz tiếp đồng nhiệm Trung Quốc Lý Cường tại Berlin, hôm nay 20/06/2023, Ủy Ban Châu Âu công bố dự thảo chiến lược bảo đảm an ninh kinh tế, với Bắc Kinh trong tầm nhắm.
Ảnh minh họa: Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trước Nghị Viện Châu Âu, Strasbourg, Pháp, ngày 15/09/2021. AFP - YVES HERMAN
Thùy Dương
Liên Âu muốn rút ra các bài học từ vụ Nga xâm lăng Ukraina, vốn cho thấy Liên Hiệp Châu Âu đã quá lệ thuộc vào dầu lửa, khí đốt và than đá của Nga.
Chiến lược được giới thiệu vào hôm nay, mà Ủy Ban Châu Âu không nói rõ là nhằm đáp trả Trung Quốc, sẽ xác định các nguy cơ kinh tế mà Liên Âu phải đối mặt và các giải pháp có thể để giải quyết. Kế hoạch này, khác với cách tiếp cận tự do mậu dịch của Liên Hiệp, vốn rất cởi mở với cạnh tranh toàn cầu, đã làm dấy lên lo ngại giữa một số quốc gia thành viên về sự phát triển của chủ nghĩa bảo hộ.
Một nguồn tin ngoại giao châu Âu cho AFP biết một số đề xuất, như tăng cường sàng lọc các khoản đầu tư nước ngoài vào Liên Âu, kiểm soát các hoạt động xuất khẩu nhạy cảm và các khoản đầu tư ra ngoài Liên Âu có nguy cơ gây rò rỉ công nghệ.
Liên đoàn doanh nghiệp Châu Âu, BusinessEurope, kêu gọi Bruxelles xem xét « cẩn thận » các lợi ích và khả năng cạnh tranh của châu Âu « trước khi đưa ra các hạn chế bổ sung về xuất khẩu hàng hóa và công nghệ, cũng như về đầu tư (…) Liên Âu phải tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa bảo vệ các lợi ích về an ninh và duy trì một môi trường thuận lợi cho thương mại và đầu tư ».
Các nhà lãnh đạo Liên Âu sẽ thảo luận về các dự án này tại thượng đỉnh ở Bruxelles vào tuần tới.
Hồi tháng 03, trong một bài phát biểu về quan hệ giữa Liên Âu và Trung Quốc, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, đã đề cập đến khả năng đưa ra những hạn chế đối với một số khoản đầu tư hoặc xuất khẩu được xem là nhạy cảm. Nhiều biện pháp đã được thông qua. Vào đầu tháng 06, Liên Âu đã thông qua việc tạo ra một công cụ chung nhằm trừng phạt bất kỳ quốc gia nào sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế để gây áp lực đối với một trong các nước thành viên Liên Hiệp, như Trung Quốc đã làm với Litva.
13 nguyên thủ, lãnh đạo cam kết có biện pháp cụ thể để đạt tiến bộ về chuyển đổi sinh thái
Hôm nay 21/06/2023, trên diễn đàn của nhật báo Pháp Le Monde, 13 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ và lãnh đạo chính trị, trong đó có tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Mỹ Joe Biden, cam kết tiến lên phía trước với « các biện pháp cụ thể » vì một « sự chuyển đổi sinh thái đúng đắn và vững chắc ».
Giới hoạt động môi trường trương biểu ngữ cổ vũ năng lượng tái tạo, chấm dứt năng lượng hóa thạch, nhân dịp hội nghị về Hiệp ước Tài chính Toàn cầu Mới, tại Quảng trường Trocadero, Paris, 21/06/2023. REUTERS - GONZALO FUENTES
Thùy Dương
Theo AFP, trong số các nhà lãnh đạo ký tên trên diễn đàn vận động ủng hộ « sự chuyển đổi sang một thế giới có mức phát thải trung hòa hoàn toàn CO2 », còn có chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, thủ tướng Đức Olaf Scholz, đồng nhiệm Anh Rishi Sunak, đồng nhiệm Nhật Bản Kishida, tổng thống Brazil Lula Da Silva …
Báo động về « nguy cơ sống còn đối với các xã hội và nền kinh tế » do các thảm họa do biến đổi khí hậu gây nên, các nhà lãnh đạo cam kết đạt tiến bộ về những biện pháp cụ thể nhằm thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững.
Cam kết của các nhà lãnh đạo về việc khẩn cấp hành động vì hành tinh và người dân được công bố trong bối cảnh ngày mai khai mạc 22/06 hội nghị Paris về một « Công ước mới về tài chính » cho thế giới để chống đói nghèo và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và sự mất mát của hệ sinh thái.
Hội nghị Paris kéo dài đến ngày 23/06 với sự tham gia của đại diện khoảng 100 nước, trong đó có khoảng 50 nguyên thủ Nhà nước và người đứng đầu chính phủ. Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của tổng thống Pháp Macron để phát triển một hệ thống tài chính thế giới mới, giảm gánh nặng về nợ cho các nước có thu nhập thấp và có thêm nguồn tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Biển Đông : ASEAN dời diễn tập chung ra ngoài vùng biển có tranh chấp với Trung Quốc
Hãng tin Pháp AFP dẫn thông báo của quân đội Indonesia ngày 20/06/2023 cho biết Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á - ASEAN đã quyết định chuyển địa điểm cuộc diễn tập chung đầu tiên của khối ra xa vùng biển có tranh chấp với Trung Quốc.
Đô đốc Indonesia, Yudo Margono (G) vớimột số tướng lĩnh các quốc gia Đông Nam Á, bên lề cuộc họp tại Nusa Dua, Bali, Indonesia, ngày 07/06/2023. © AP
Anh Vũ
Thông cáo của quân đội Indonesia cho hay, cuộc diễn tập chung của hải quân các nước ASEAN từ ngày 18 đến 25/09 tới đây sẽ diễn ra trong vùng biển phía nam quần đảo Natuna, tránh xa khu vực đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Cuộc tập trận chung đầu tiên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ban đầu dự kiến diễn ra trong vùng biển phía bắc đảo quần Natuna, nơi đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Indonesia và Trung Quốc.
Jakarta vẫn coi vùng biển phía bắc quần đảo này thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhưng Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền, thỉnh thoảng vẫn đưa tàu tuần tra vào vùng biển này bất chấp sự phản đối của Indonesia.
Với bản đồ “đường 9 đoạn” riêng của mình, Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền gần như toàn bộ vùng Biển Đông, tạo ra những tranh chấp chủ quyền với nhiều nước khu vực Đông Nam Á, đặc biệt với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia.
Sau cuộc họp bộ trưởng Quốc Phòng của ASEAN hôm 08/06, quân đội Indonesia đã thông báo tổ chức cuộc diễn tập của hải quân các nước thành viên trên Biển Đông. Sáng kiến được các nước có biển trong ASEAN hưởng ứng, duy nhất chỉ Cam Bốt từ chối xác nhận có tham gia hay không.
Trong thông cáo ra hôm qua, quân đội Indonesia cho biết các chỉ huy quân sự cấp cao của 10 nước ASEAN sẽ tham dự cuộc tập trận này. Trước đó, đô đốc Indonesia, Yudo Margono đã cho báo chí biết, cuộc diễn tập sắp tới sẽ tập trung vào các bài tập về an ninh hàng hải và cứu hộ, sẽ không có thao tác chiến đấu.
Một số nước thành viên ASEAN vẫn tham gia các cuộc tập trận hoặc tuần tra chung với hải quân Hoa Kỳ trong vùng Biển Đông, nhưng chưa bao giờ tổ chức một cuộc diễn tập riêng của khối.
Gọi Tập Cận Bình là nhà độc tài, TT Mỹ Biden bị Bắc Kinh lên án là vô trách nhiệm
Chỉ hai ngày sau chuyến công du Trung Quốc của ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken để tìm cách hạ nhiệt quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, quan hệ Mỹ - Trung lại có dấu hiệu căng thẳng trở lại. Bắc Kinh hôm nay 21/06/2023 lên án tổng thống Mỹ Biden về những phát biểu « cực kỳ phi lý » và « vô trách nhiệm » sau khi ông Biden hôm thứ Ba gọi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nhà độc tài.
Ảnh minh họa : Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc nói chuyện trực tuyến với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từ Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 15/11/2021. REUTERS - JONATHAN ERNST
Thùy Dương
Theo Reuters, trong cuộc họp báo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Mao Ninh, gọi đó là « sự khiêu khích chính trị » rõ ràng. Điện Kremlin nhân dịp này cũng nhận định là những bình luận của Biden về ông Tập Cận Bình minh họa cho những sự trái ngược và khó đoán trong chính sách ngoại giao của Washington.
Từ Washington, thông tín viên Guillaumne Naudin cho biết cụ thể về bối cảnh phát biểu gây căng thẳng của tổng thống Mỹ Biden :
« Ở Pháp, người ta sẽ gọi đó là những phát biểu hô hào, mỵ dân. Vào cuối ngày thứ hai của chuyến đi tới California, tổng thống Mỹ Joe Biden đã dành cả buổi tối với những người ủng hộ ông để gây quỹ cho chiến dịch tái tranh cử tổng thống.
Khi ngồi cùng bạn bè, người ta thường có thể nói chuyện không cần giữ gìn. Và đó rõ ràng là những gì đã xảy ra với ông Biden. Trong bài diễn văn khích lệ cử tọa đóng góp tiền, Joe Biden giải thích rằng khi ông ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc hồi tháng 02 vừa rồi, điều khiến Tập Cận Bình thực sự tức giận, thì chủ tịch Trung Quốc khi đó không biết rằng khinh khí cầu chở theo thiết bị để thu thập thông tin tình báo lại ở đó.
Và tổng thống Mỹ nói thêm rằng thật là khó xử đối với các nhà độc tài nếu họ không biết chuyện gì đang diễn ra. Mọi người đều có ý kiến riêng về việc chính quyền Trung Quốc có dân chủ hay không. Nhưng những tuyên bố này được đưa ra chỉ 2 ngày sau chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tới Bắc Kinh để tìm cách khôi phục liên lạc giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng do tác động từ vụ khinh khí cầu do thám.
Joe Biden từng nói chuyến thăm của Blinken đã đưa mối quan hệ Mỹ - Trung trở lại đúng hướng. Nhưng không chắc là những phát biểu vừa rồi (gọi Tập Cận Bình là nhà độc tài) sẽ giúp duy trì quan hệ hai nước ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét