Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 14 tháng 6, 2023

ĐIỂM TIN 14/06/2023 - ĐHL


Tổng thống Macron thông báo kế hoạch đưa sản xuất dược phẩm thiết yếu trở lại Pháp Trong chuyến thăm một nhà máy sản xuất thuốc tại tỉnh Ardèche, miền nam Pháp, ngày 13/06/2023, tổng thống Emmanuel Macronđã thông báo các mục tiêu và một kế hoạch tái sản xuất các loại dược phẩm thiết yếu ngay trong nước. Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu về chủ đề tái sản xuất dược phẩm thiết yếu ngay trong nước, Champagne, ngày 13/06/2023. AFP - ERIC GAILLARD Anh Vũ
<!>
Tổng thống Emmanuel Macron đã đặt ra ba mục tiêu chủ yếu từ nay đến hết nhiệm kỳ của ông : « Tái công nghiệp hóa, lấy lại quyền tự chủ và từ bỏ dần việc dùng năng lượng hóa thạch ». Phát biểu tại Ardèchehôm qua, ông Macron chủ yếu đề cập đến kế hoạch đưa sản xuất thuốc trở lại nước Pháp sau khi nhận thấy tình trạng căng thẳng về cung ứng thuốc do bị lệ thuộc vào sản xuất ở nước ngoài.

Tổng thống Pháp cho biết có khoảng năm chục loại thuốc mà nước Pháp phải nhập khẩu từ nguồn ngoài châu Âu cần phải được đưa trở lại bào chế trong nước. Trong đó bao gồm cả những loại dược phẩm được sản xuất ở nước ngoài và những loại thuốc đã được bào chế ở trong nước nhưng đang trong tình trạng thiếu.

Để thực hiện kế hoạch, tổng thống Pháp hứa hẹn chính phủ sẽ dành một ngân sách ban đầu 50 triệu euros. Ông Macron nhân mạnh Pháp cần phải bảo đảm an toàn cho chuỗi cung ứng thuốc hoặc bằng các táidịch chuyển sản xuất, hoặc đa dạng hóa và tiếp tục cải tiến.

Sau nhà máy bào chế dược phẩm, tổng thống Emmanuel Macron tới thăm nhà máy đóng giày thể thao Chamatex, nhằm khuyến khích thúc đẩy chương trình tái công nghiệp hóa.

Cố vấn an ninh Mỹ Nhật Philippines lần đầu tiên họp ba bên

Nhà Trắng ngày 13/06/2023 ra thông cáo cho biết, tổng thống Mỹ Joe Biden cử cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đến Tokyo gặp các đồng cấp Nhật, Hàn Quốc và Philippines trong tuần này. Thông cáo của Nhà Trắng còn cho biết thêm ông Sullivan sẽ dự cuộc họp « các cố vấn an ninh ba bên Mỹ - Nhật – Philippines đầu tiên ».


Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Washington, ngày 24/02/2019. AP - Manuel Balce Ceneta
Minh Anh
Tuy nhiên, Nhà Trắng cung cấp rất ít chi tiết về chuyến đi Tokyo hai ngày của ông Sullivan bắt đầu từ thứ Năm 15/6, và chỉ cho biết rằng cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng cùng các đồng cấp « sẽ thảo luận cách thức thắt chặt quan hệ hợp tác trong nhiều vấn đề chủ chốt của khu vực và toàn cầu ».

Chuyến thăm Tokyo của Jake Sullivan diễn ra không lâu sau cuộc thao dợt tuần duyên giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines gần vùng Biển Đông có tranh chấp, được tổ chức vào đầu tháng Sáu này. Theo hãng tin Mỹ AP, Washington đang gia tăng nỗ lực củng cố các liên minh tại châu Á trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt với Bắc Kinh.

Quan hệ Mỹ - Trung đã xuống cấp nghiêm trọng trong nhiệm kỳ tổng thống Biden. Đôi bên căng thẳng trong nhiều vấn đề từ tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, hồ sơ Đài Loan, hoạt động gián điệp của Trung Quốc trên lãnh thổ Mỹ và tại Cuba.

Theo AP, hiện cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đang có mặt tại Ấn Độ, gặp người đồng cấp Ajit Doval, để chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của thủ tướng Narendra Modi đến Washington vào ngày 22/6. Trong cuộc gặp ngày hôm qua, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - Ấn đã thảo luận về khả năng hợp tác giữa đôi bên trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và quốc phòng, theo như thông báo từ bộ Ngoại Giao Ấn Độ.

Gia nhập NATO : Thổ Nhĩ Kỳ muốn Thụy Điển tỏ nhiều thiện chí hơn

Hôm nay, 14/06/2023, các quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Phần Lan và khối NATO – Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương gặp nhau tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, để tiếp tục đàm phán về việc Thụy Điển xin gia nhập NATO.


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (Giữa) bắt tay ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde (Phải) trong một cuộc họp của NATO ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 28/05/2022. © Bernat Armangue/AP
Minh Anh
Từ 13 tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn đề nghị của Thụy Điển với lý do chính quyền Stockholm đã có thái độ dung túng đối với những cá nhân và các nhóm mà Ankara coi là khủng bố.

Thụy Điển hôm thứ Hai, 12/6, đã thông báo cho dẫn độ sang Thổ Nhĩ Kỳ một thành viên ủng hộ Đảng Lao Động Kurdistan (PKK), bị kết án ở Thụy Điển vì tội buôn thuốc phiện. Một đạo luật khác siết chặt quy định chống khủng bố đã có hiệu lực từ ngày 01/6. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn trông chờ Thụy Điển có nhiều cử chỉ thiện chí hơn.

Từ Istanbul, thông tín viên Anne Lauder, gửi về bài tường trình ::

« Ankara xem những nỗ lực gần đây của Thụy Điển như là "những cử chỉ tích cực". Dù vậy, Ankara cho là vẫn chưa đủ để chấp thuận cho nước này gia nhập NATO, hơn nữa, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ không vội và cũng không chịu áp lực nào để thay đổi ý kiến trước kỳ họp thượng đỉnh của Liên minh Quân sự ở Vilnius ngày 11 và 12/7.

Recep Tayyip Erdogan, người quyết định duy nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ, muốn nhiều hơn nữa. Ông đòi Thụy Điển cho dẫn độ hàng chục công dân Thổ Nhĩ Kỳ, chí ít là một số nhân vật biểu tượng có liên hệ với Đảng Lao Động Kurdistan và Fethullah Gulen, nhà thuyết giáo bị cáo buộc đã chỉ đạo cuộc đảo chính hụt tháng 7/2016.

Yêu cầu này không những được các cử tri của tổng thống ủng hộ, mà cả một số đảng đối lập, vốn dĩ cũng xem PKK và ông Fethullah Gulen như là những kẻ thù chính của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, phần lớn các nhà quan sát nhận định rằng ông Erdogan không phải đang đàm phán với Thụy Điển, mà thực ra là với Hoa Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ muốn trang bị khoảng 40 chiếc chiến đấu cơ F-16. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắn tiếng với Recep Tayyip Erdogan rằng việc giao số máy bay này tùy thuộc vào quyết định của Erdogan liên quan đến hồ sơ Thụy Điển. »

Lần đầu tiên Đức công bố Chiến lược an ninh quốc gia

Đức công bố Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên trong lịch sử nước này, hôm nay, 14/06/2023, trình bày tổng quan về chính sách đối ngoại của Berlin và bảo đảm sự phối hợp giữa các bộ trong lĩnh vực an ninh. Đây là kết quả của ý tưởng được các chính đảng trong liên minh cầm quyền của thủ tướng Olaf Scholz nhất trí vào tháng 11/2021, và được củng cố sau khi Nga tấn công Ukraina vào tháng 02/2022.


Thủ tướng Đức Olaf Scholz (G) cùng các thành viên chính phủ trong buổi họp báo trình bày Chiến lược an ninh quốc gia tại Berlin, Đức, ngày 14/06/2023. REUTERS - FABRIZIO BENSCH
Thu Hằng
Sau nhiều năm do dự, Đức chính thức dành 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng theo kêu gọi của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), thay vì 1,5% như hiện nay. Việc Nga xâm lược Ukraina đã buộc thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố là Đức phải đặt an ninh lên hàng đầu và phân bổ ngân sách lớn hơn cho quốc phòng. Tuy nhiên, ý tưởng thành lập một Hội đồng An ninh Quốc gia đã bị từ bỏ, do bất đồng giữa các thành viên của liên minh cầm quyền về cơ quan chủ quản.

Reuters nhắc lại, trước đây Đức đã có nhiều tài liệu về quốc phòng. Tuy nhiên vào tháng 11/2021, chính phủ hiện nay đã nhất trí lập ra một chiến lược toàn diện hơn, đặc biệt do cuộc chiến của Nga ở Ukraina, cho thấy những điểm yếu của quân đội Đức, cũng như sự phụ thuộc nặng nề về năng lượng vào Nga.

Để tăng cường sức mạnh quốc phòng và « thích nghi với thời cuộc », Đức muốn giải ngân 3,99 tỉ euro để mua một hệ thống chống tên lửa do Israel sản xuất, gồm các radar, bệ phóng tên lửa và tên lửa dẫn đường loại Arrow 3 có thể phá hủy các mục tiêu ngoài bầu khí quyển.

Bước đầu Ủy ban Ngân sách Hạ Viện Đức giải ngân 560 triệu euro, ngay trong ngày 14/06, để ký cam kết với Israel trong khi chờ đúc kết hợp đồng từ nay đến cuối năm. Trong tài liệu gửi đến Ủy ban Ngân sách Hạ Viện mà AFP tham khảo được, bộ Tài Chính Đức nhấn mạnh, hệ thống phòng không nói trên « góp phần bảo vệ Đức, người dân và các công trình hạ tầng trọng yếu khỏi các tên lửa đạn đạo ». Hệ thống dự kiến được giao cho Đức vào cuối năm 2025.

Ngoại trưởng Trung-Mỹ điện đàm tỏ ý muốn giảm căng thẳng quan hệ song phương

Trước chuyến công du Bắc Kinh nhằm hạ nhiệt căng thẳng quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc đã có cuộc điện đàm vào tối qua 13/06/2023. Nội dung chủ yếu cuộc nói chuyện được hai bên công bố, thừa nhận có những khó khăn trong quan hệ hai nước.


Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoãn chuyến công du Bắc Kinh sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc thâm nhập không phận Mỹ. Ảnh minh họa : ngoại trưởng Mỹ tại Nusa Dua, Bali, Indonesia, ngày 09/07/2022. AP - Stefani Reynolds
Anh Vũ
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thông báo về cuộc nói chuyện với đồng nhiệm Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) trên Twitter hôm nay.

Theo AFP, bộ Ngoại Giao Trung Quốc ra thông cáo về cuộc điện đàm này, theo đó ông Tần Cương ghi nhận « từ đầu năm nay, quan hệ Trung-Mỹ đang đối mặt với những khó khăn và thách thức. Trách nhiệm thuộc về ai thì đã rõ ». Thông cáo nhấn mạnh, ngoại trưởng Tần Cương đã « bày tỏ rõ lập trường kiên quyết của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan », điểm bất hòa chủ yếu giữa hai cường quốc, cũng như về những « mối quan tâm chủ chốt khác » của Bắc Kinh.

Thông cáo của Bắc Kinh cũng cho biết, ông Tần Cương nhấn mạnh « Hoa kỳ phải tôn trọng những quan tâm của Trung Quốc, chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và chấm dứt nhân danh cạnh tranh, gây phương hại đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh và các lợi ích phát triển của Trung Quốc ». Tuy nhiên ngoại trưởng Trung Quốc hy vọng Washington sẽ làm việc với Bắc Kinh để xử lý có hiệu quả những bất đồng, thúc đẩy trao đổi và hợp tác ổn định quan hệ Mỹ -Trung để hai nước cùng phát triển.

Về phía Washington, phát ngôn viên ngoại giao Hoa Kỳ, Matthew Miller trong một thông cáo cho biết, ngoại trưởng Antony Blinken đã đề cập đến « tầm quan trọng duy trì các đường liên lạc mở để xử lý có trách nhiệm quan hệ Trung -Mỹ nhằm tránh các tính toán sai lầm và xung đột ».

Theo một số quan chức Mỹ ẩn danh, ông Antony Blinke dự kiến tới Bắc Kinh vào Chủ nhật 18/06. Tuy nhiên bộ Ngoại Giao của hai nước chưa có thông báo chính thức. Gần đây có nhiều dấu hiệu hai bên muốn hạ nhiệt căng thẳng. Hồi tháng 5 vừa qua, tại Vienna, Áo, cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, Jake Sullivan đã có cuộc họp với ông Vương Nghị, lãnh đạo cao nhất ngành ngoại giao của chế độ Bắc Kinh.

Nếu chuyến đi Bắc Kinh của ông Blinken diễn ra vào cuối tuần, thì đây sẽ là chuyến công du đầu tiên của ngoại trưởng Mỹ đến Trung Quốc kể từ sau chuyến thăm của ngoại trưởng Mike Pompeo vào tháng 10/2018.

Quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức xấu nhất từ trước tới nay vì những xung khắc trên nhiều hồ sơ, từ quan hệ của Hoa Kỳ với Đài Loan, cạnh tranh công nghệ, thương mại cho đến như những yêu sách về lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc luôn coi Đài loan là một tỉnh ly khai, chỉ chờ có cơ hội để thống nhất. Bắc Kinh phản đối mọi quan hệ chính thức của các nước với chính quyền Đài Bắc. Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ vẫn quan hệ với Đài Loan bất chấp các cam kết trước đây.

Chiến tranh: Nga tuyên bố Ukraina hứng chịu tổn thất « thảm khốc », Kiev khẳng định « đà tiến »

Lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần, đích thân tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm 13/06/2023, khẳng định Ukraina chịu tổn thất « thảm khốc » và quân Nga đè bẹp cuộc phản công mà Kiev chuẩn bị từ nhiều tháng qua. Tuy nhiên, phía Ukraina tuyên bố ngược lại, khẳng định đà tiến của cuộc phản công.


Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo tại điện Kremlin, Matxcơva, ngày 13/06/2023. AP - Gavriil Grigorov
Thu Hằng
Phát biểu trong cuộc gặp với phóng viên chiến trường, được tường thuật trên truyền hình, ông Putin khẳng định « thiệt hại (của Ukraina) gần chạm đến mức có thể coi là thảm khốc », còn thiệt hại phía Nga « ít hơn 10 lần ». Cụ thể, Kiev đã mất « khoảng 25%, thậm chí là 30% trang thiết bị » do các nước phương Tây cung cấp. Theo AFP, những số liệu này chưa được các nguồn tin độc lập kiểm chứng.

Để thuyết phục hơn, nguyên thủ Nga nêu con số 160 xe tăng và hơn 360 xe bọc thép của Ukraina đã bị phá hủy, trong khi phía Nga chỉ bị thiệt hại 54 xe tăng nhưng nhiều xe sửa chữa được. Matxcơva cũng khẳng định lần đầu tiên hôm 13/06, đã thu được nhiều xe tăng Đức Leopard và xe bọc thép Mỹ Bradley. Ông Putin cũng nhấn mạnh « cuộc phản công quy mô lớn » từ ngày 04/06 của Ukraina trên nhiều mặt trận, nhưng « kẻ thù đã không thành công ở bất kỳ vùng nào ».

Cùng lúc, phía Ukraina đưa ra những thông tin ngược lại. Tối 12/06, tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định là cuộc phản công ở miền nam và miền đông nhằm giải phóng các vùng lãnh thổ Ukraina bị Nga chiếm đóng gặp « khó khăn » nhưng tiến triển. Quân đội Ukraina chiếm lại được 7 ngôi làng ở miền đông và miền nam, và duy trì đà tiến quanh thành phố Bakhmut ở miền đông. Tổng tư lệnh quân đội Ukraina Valery Zaluzhnyi cũng xác nhận trên các mạng xã hội là « các cuộc giao tranh dữ dội diễn ra ở miền đông và miền nam đất nước » và quân đội Ukraina đã giành được một số thắng lợi.

Ngoài đối đầu trên chiến trường, Nga tiếp tục các cuộc oanh kích trong đêm. Bốn tên lửa hành trình Kalibr đã được phóng đi từ một chiến hạm ở Biển Đen sáng sớm 14/06 nhắm vào thành phố cảng Odessa, miền nam Ukraina, khiến 3 người thiệt mạng, 13 người bị thương và phá hủy hơn 1.000 m2 kho bãi. Sáu tên lửa hành trình X-22 được bắn từ vùng Rostov trên sông Đông nhắm vào vùng Donetsk ở miền đông khiến 3 người thiệt mạng và 6 người bị thương.

Viva Tech Paris 2023 : Khi trí tuệ nhân tạo lên ngôi

Hôm nay, 14/06/2023, triển lãm công nghệ Viva Tech lần thứ 7 khai mạc tại Paris và sẽ kéo dài 4 ngày. Đây là triển lãm công nghệ lớn nhất châu Âu, với nhiều ứng dụng mới của trí tuệ nhân tạo được giới thiệu, cho thấy công nghệ này ngày càng đi sâu vào đời sống thường ngày của nhân loại.


Khách tham quan Hội chợ khởi nghiệp công nghệ Vivatech tại Paris, ngày 14/6/2023. © AFP - LUDOVIC MARIN
Thanh Phương
Từ Porte de Versailles, Paris, nơi diễn ra triển lãm, Thanh Phương gởi về bài tường trình:

« Với khoảng 2.200 nhà triển lãm từ 34 quốc gia, trong đó có khách mời danh dự năm nay là Hàn Quốc, có thể nói Viva Tech là Liên hoan Cannes của ngành công nghệ số. Đặc biệt, với sự bùng nổ của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, gọi là trí tuệ nhân tạo tạo sinh ( generative ), như ChatGPT, công nghệ này năm nay áp đảo các công nghệ khác. Phần lớn trong số hơn 10.000 công ty khởi nghiệp ( start-up ) cử đại diện đến Viva Tech là những công ty trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Một trong những tập đoàn đi hàng đầu trong lĩnh vực này là Google, chiếm một gian rất lớn tại Viva Tech năm nay. Đây là dịp để công cụ tìm kiếm nổi tiếng này quảng bá ứng dụng trí tuệ nhân tạo Google Bard ( hiện vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm ), cạnh tranh với ChatGPT. Tại Viva Tech, lần đầu tiên trên thế giới, công ty Enchanted Tools giới thiệu Miroka, một loại robot được trang bị trí tuệ nhân tạo để hành xử gần giống như người thật. Cũng lần đầu tiên có mặt ở Pháp, công ty Mỹ Hour One giới thiệu một ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh ( generative ) có khả năng tạo ra các nội dung video với những con người ảo chỉ trong vòng vài phút và bằng mọi thứ tiếng.

Nhưng trí tuệ nhân tạo còn được sử dụng ngày càng nhiều trong các lĩnh vực khác nhau như y tế, chẳng hạn như tập đoàn dược phẩm Sanofi ( có mặt tại Viva Tech gần như ngay từ đầu ) từ lâu đã sử dụng công nghệ này trong nghiên cứu, sản xuất, phân phối… Thậm chí trong ngành bưu điện, trí tuệ nhân tạo cũng được sử dụng nhằm bảo vệ sức khỏe cho nhân viên. Cụ thể, tại Viva Tech, tập đoàn La Poste giới thiệu một ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích tư thế của một nhân viên chuyển phát bưu kiện khi cúi xuống khiêng một kiện hàng, để nếu cần, giúp điều chỉnh tư thế của người này nhằm ngăn ngừa nguy cơ các bệnh cơ xương khớp.

Trong ngày đầu tiên của Viva Tech, tổng thống Emmanuel Macron vào cuối buổi chiều sẽ đến cuộc triển lãm để thông báo những hỗ trợ mới cho các công ty Pháp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Nhân dịp này nguyên thủ quốc gia Pháp cũng sẽ đưa ra những đề nghị về các quy định luật lệ cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Pháp, không chờ đến khi có các quy định luật lệ chung của châu Âu, sẽ mất rất nhiều thời gian.

Năm nay, khách mời mà mọi người trông đợi nhất tại Viva Tech chính là Elon Musk, chủ nhân của Tesla, SpaceX và Twitter. Gần như chắc chắn một trong những chủ đề mà ông sẽ đề cập đến tại Viva Tech hôm thứ sáu 16/ 06 chính là trí tuệ nhân tạo. »

Không có nhận xét nào: