Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2023

ĐIỂM TIN 13/06/2023 - Đỗ Hữu Long


Quân Ukraina giành thêm được ba ngôi làng ở miền đông nam
Bộ Quốc Phòng Ukraina hôm qua, 12/06/2023, thông báo đã giành thêm được ‘‘ba ngôi làng ở miền đông nam’’ tiếp theo các chiến thắng ở miền đông. Tổng cộng quân đội Ukraina đã chiếm được 7 làng kể từ đầu cuộc phản công. Bốn ngôi làng chiếm được trước đó thuộc tỉnh miền đông Donetsk. Lính Ukraina trước một tòa nhà có treo quốc kỳ Ukraina trong một chiến dịch nhằm giải phóng làng đầu tiên trong cuộc phản công tại Blahodatne, vùng Donetsk, Ukraina. Ảnh được công bố ngày 11/06/2023. via REUTERS - 68TH SEPARATE HUNTING BRIGADE 'O - Trọng Thành
<!>
Theo hãng tin Anh Reuters, trên mạng Telegram, thứ trưởng Quốc Phòng Ukraina Hanna Maliar hôm qua, 12/06/2023, cho biết ba làng mà họ mới chiếm lại nằm dọc chiến tuyến dài khoảng 100 cây số, phía nam thành phố Zaporijjia, thủ phủ tỉnh Zaporijjia. Trong phát biểu hàng ngày vào tối hôm qua, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky khẳng định chiến dịch phản công đẩy lùi quân Nga là ‘‘khó khăn’’, nhưng ‘‘đang tiến triển’’.

Phóng sự của Julien Chavanne và Jad El Khoury từ Kiev :
Một người đàn ông tên Sacha nói : ‘‘Binh sĩ của chúng tôi đã sẵn sàng 100%’’. Sacha tin tưởng hoàn toàn là chiến dịch được bắt đầu từ mấy ngày nay để đẩy lùi quân Nga sẽ đạt kết quả. Người đàn ông về hưu này không thể hình dung một viễn cảnh nào khác hơn là chiến thắng. Ông nói : ‘‘Tôi tin tưởng 100%. Tôi đã nghe tổng thống Zelensky khẳng định là chiến dịch đã bắt đầu, và không có đường lui’’.

Trong khi đó, Yulia, phóng viên của một tờ báo mạng, cảnh báo về tâm lý tin tưởng quá mức. Nữ phóng viên này tỏ ra thận trọng : ‘‘Không nên ăn mừng chiến thắng quá sớm. Tất cả mọi người đều biết chiến dịch phản công sẽ diễn ra. Giờ đây chúng tôi chỉ biết chờ quân đội chính thức thông báo các chiến công. Như chúng ta đã thấy, khi Kherson được giải phóng, ai cũng đều trào nước mắt. Nhưng phải đợi thông báo chính thức của quân đội’’.

Đối đầu với cuộc phản công, quân đội Nga lần này đã có thời gian chuẩn bị và đây là điều khiến Arthur - một quân nhân tình nguyện thuộc binh đoàn quốc tế bảo vệ Ukraina - lo ngại. Súng lục đeo trên thắt lưng, trong bộ quân phục ngụy trang, Arthur cho biết: ‘‘Tại vùng Donestk, quân Nga đã chiếm được nhiều vị trí chiến lược và về phía Zaporijjia, họ đã có thời gian để củng cố chiến tuyến, đào giao thông hào. Họ đã có thời gian chuẩn bị, họ đã sử dụng tốt khoảng thời gian này. Họ cũng đã có một chiến lược tốt, nhưng tôi không nghĩ rằng điều này sẽ giúp họ’’.

Quân đội Ukraina đang tiến hành nhiều cuộc đột kích, đặc biệt là nhằm xác định được các điểm yếu của phía Nga. Về phần mình, Nga khẳng định đã ‘‘đẩy lùi’’ nhiều đợt tấn công của các lực lượng Ukraina’’.

Trong khi đó, quân Nga đã oanh kích vào một khu chung cư ở Kryvyï Rig, tỉnh Dnipropetrovsk, miền trung Ukraina. Ít nhất 6 người chết, 25 người bị thương, và 7 người khác ‘‘có thể đang bị vùi trong các đống đổ nát’’, theo thông báo của chính quyền địa phương hôm nay, 13/06/2023. Kryvyï Rig, với khoảng 600 nghìn dân trước chiến tranh, là thành phố quê hương của tổng thống Ukraina Zelensky.

Pháp, Đức, Ba Lan họp bàn phối hợp tăng cường hỗ trợ Kiev
Lãnh đạo ba nước Pháp, Đức và Ba Lan đã có cuộc họp hôm qua, 12/06/2023, tại điện Elysée, bàn về việc ‘‘thúc đẩy sự phối hợp của châu Âu’’ nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn Ukraina trong cuộc phản công và bàn về ‘‘các bảo đảm an ninh lâu dài’’ cho Ukraina.

Theo Reuters, trong cuộc họp báo chung với hai lãnh đạo Đức và Ba Lan, tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh Paris ‘‘làm tất cả’’ để có thể trợ giúp Kiev trong cuộc phản công ‘‘dự kiến kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng này’’. Về phần mình thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định Ukraina ‘‘sẽ được hậu thuẫn cho đến khi nào vẫn còn cần" về xe tăng, đại pháo, cũng như về hệ thống phòng không.

Riêng tổng thống Ba Lan, Andrzej Duda, đòi hỏi các nước châu Âu ‘‘gửi một thông điệp rõ ràng’’ về triển vọng của Ukraina gia nhập NATO tại thượng đỉnh ngày 11 và 12/07, ở Vilnius, Litva.

Theo báo chí Pháp, cuộc họp theo công thức ‘‘Tam giác Weimar’’ – tức cơ chế hợp tác phi chính thức Pháp, Đức, Ba Lan - có mục tiêu chủ yếu là tìm cách thu hẹp các bất đồng, hiện đang còn rất lớn, giữa các nước châu Âu trong vấn đề ‘‘bảo đảm an ninh lâu dài’’ cho Ukraina. Trong khi chờ đợi NATO kết nạp Ukraina, tổng thống Pháp hôm 31/05, trong một hội nghị tại Bratislava, Slovakia, đã đề xuất các bảo đảm an ninh ‘‘lâu dài’’ cho Kiev nhằm răn đe mọi mưu toan xâm lược mới của Nga.

Vụ vỡ đập Kakhovka :Thành phố công nghiệp Nikopol thiếu nước sinh hoạt

Thiệt hại nhân mạng do vụ vỡ đập Kakhovka ở miền nam Ukraina hôm 06/06/2023 vẫn không ngừng tăng. Bộ trưởng Nội Vụ Ukraina Igor Klymenko ngày 12/06 thông báo số tử vong nay đã lên đến 10 người và hiện giờ vẫn còn 41 người ở vùng Kherson mất tích. Không chỉ gây thiệt hại nhân mạng, vụ vỡ đập Kakhovka còn là một thảm họa môi trường.

Dân làng được phân phối nước sau khi đập Kakhovka bi vỡ. Ảnh chụp tại một khu vực gần thành phố Nikopol, vùng Dnipropetrovsk, Ukraina ngày 09/06/2023. © REUTERS - STRINGE
Thùy Dương
Ở khu vực thượng nguồn của đập Kakhovka, mực nước trong hồ chứa Dniepr tiếp tục giảm. Tại thành phố công nghiệp Nikopol bên bờ sông Dniepr, người dân hiện thiếu nước sinh hoạt.
Từ Nikopol, đặc phái viên Stéphane Siohan gửi về bài phóng sự :

Sau vụ nổ đập trên sông Dniepr cách nay 1 tuần, mực nước trong hồ chứa ở thượng nguồn tiếp tục giảm xuống. Đến ngày thứ Bảy (10/06), các vòi nước ở thành phố Nikopol cũng ngừng chảy. Kể từ hôm đó, ông Oleg, 57 tuổi, chủ một doanh nghiệp trong ngành xây dựng, hàng ngày mang thùng đi lấy nước tại 1 trong 24 điểm phân phối nước sạch trong thành phố.

Ông kể lại : « Mấy ngày qua không có nước và chúng tôi phải đứng xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ để được tiếp tế nước. Và khi không còn nước nữa thì chúng tôi lại phải chờ xe bồn chở nước đến. Nhưng thôi, không sao, chúng tôi đã không có điện mà vẫn tồn tại được, vì vậy chúng tôi cũng sẽ sống sót. Chúng tôi là như thế, đã quen với mọi thứ và vẫn sống sót được. Đối với chúng tôi, hoàn toàn không có vấn đề gì ».

Chính quyền hứa sẽ sửa chữa mạng lưới, nhưng thị trưởng Nikopol, Oleksandr Sayuk, lo lắng về những hậu quả lâu dài. Ông nói : « Tình hình hồ chứa nước phụ thuộc vào việc mực nước hạ xuống đến đâu. Tất cả các địa phương nằm bên bờ hồ chứa nước Kakhovka đều được cấp nước, vì thế nếu không còn hồ chứa nước này thì cũng sẽ không còn nước sinh hoạt ».

Tác động có thể sẽ rất tai hại đối với hoạt động của các ngành công nghiệp và việc tưới tiêu cho đất canh tác. Nhưng còn một nguy cơ khác đối với thành phố Nikopol, đó là nhà máy điện hạt nhân Enerhodar, nằm ngay phía bên kia sông, bởi việc làm mát các lò hạt nhân phụ thuộc vào nước trong hồ chứa. Thị trưởng Oleksandr Sayuk nói tiếp : « Tôi nghĩ không chỉ có chúng tôi lo lắng, mà ai cũng thấy sợ, và không phải là chỉ ở Ukraina. Nhưng rất tiếc là tình hình không còn phụ thuộc vào chúng tôi nữa, bởi vì Ukraina không tiếp cận được nhà máy điện hạt nhân ».
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã cử một phái đoàn thanh tra đến địa điểm đặt nhà máy điện, nhưng nhiều người ở Nikopol đang lo không biết Nga có thể còn làm những gì nữa ».

Theo AFP, tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA), Rafael Grossi, hôm nay sau khi thăm Kiev sẽ đến nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia, hiện đang có nguy cơ thiếu nước để làm mát lò hạt nhân, do tác động từ vụ vỡ đập Kakhovka trên sông Dniepr khiến mực nước trong hồ chứa nước Kakhovka giảm mạnh. Ngay cả khi 6 lò phản ứng hạt nhân của nhà máy Zaporijjia đã ngừng hoạt động trong suốt nhiều tháng qua, tâm lò vẫn phải được làm mát liên tục bằng nước lấy từ hồ chứa nước Kakhovka để tránh tai nạn.

Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở biển Hoa Đông, phía bắc Đài Loan

Trung Quốc hôm nay, 13/06/2023, bắt đầu các cuộc luyện tập quân sự ở biển Hoa Đông hướng đến phía bắc Đài Loan, bao gồm cả các cuộc tập trận bắn đạn thật từ tàu chiến, trong bối cảnh Hoa Kỳ và các đồng minh vừa tập trận ở khu vực tây Thái Bình Dương.


Ảnh minh họa: Một chiến hạm của Trung Quốc tham gia tập trận chung với các chiến hạm Nga tại vùng Biển Hoa Đông ngày 27/12/2022. © AP - Xu Wei
Thùy Dương
Reuters nhắc lại Trung Quốc thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận dọc theo bờ biển của nước này, nhưng các cuộc tập trận gần Đài Loan thường thu hút chú ý nhất. Hôm nay, các cuộc tập trận của Trung Quốc diễn ra gần quần đảo Dachen mà Đài Loan từng kiểm soát cho đến năm 1955, sau khi đảo này và nhiều đảo lân cận khác bị các lực lượng Trung Quốc chiếm giữ sau một trận chiến đẫm máu.

Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc hôm nay 13/06 đã phát đi cảnh báo cấm tàu thuyền lưu thông từ cuối buổi sáng đến giữa buổi chiều ở khu vực ngoài khơi thành phố Thái Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, do có tập trận bắn đạn thật từ tàu chiến. Các cuộc tập trận khác trong cùng khu vực kéo dài đến tối nay. Cục An toàn Hàng hải cũng cho biết Trung Quốc sẽ tổ chức các cuộc tập trận khác ở một vùng phía bắc biển Hoa Đông cho đến chiều mai.

Hải quân Nhật - Mỹ - Pháp thao dượt chung ở Thái Bình Dương và biển Hoa Đông
Theo đài NHK, lực lượng phòng vệ của Nhật hôm nay thông báo đã tham gia thao dượt đa phương với Hải quân Mỹ và Pháp tại Thái Bình Dương và biển Hoa Đông từ ngày 7 đến 10/06. Cuộc thao dượt có sự tham gia của 9 tàu chiến, trong đó có 2 tàu khu trục của Nhật, 2 tàu sân bay của Mỹ và 1 tàu chiến của Pháp.

Máy bay của Lực lượng phòng không Nhật và oanh tạc cơ của Không quân Mỹ cũng tham gia diễn tập để cải thiện khả năng chiến thuật và tăng cường hợp tác giữa các bên tham gia. Theo NHK, đây là lần thứ 6 ba nước tổ chức diễn tập chung, nhưng là lần đầu tiên các tàu sân bay của Mỹ được triển khai.

Biển Đông : Trung Quốc cử tàu tuần tra mới Haixun 03 đến vùng biển có tranh chấp chủ quyền

Còn tại vùng Biển Đông, theo South China Morning Post, Trung Quốc đã cử tàu tuần tra mới Haixun 03 đến quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp ở Biển Đông để củng cố yêu sách của Bắc Kinh đối đối với khu vực. Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm qua 12/06 đưa tin là tàu Haixun 03 đã đến Đảo Phú Lâm (mà Trung Quốc gọi là Yongxing) và sẽ tuần tra vùng biển xung quanh đảo này cho đến đầu tháng 07/2023.

Thái Lan : Ủy ban bầu cử mở điều tra lãnh đạo đảng thắng cử

Hôm qua, 12/06/2023, chủ tịch Ủy ban bầu cử Ittiporn Boonprakong thông báo mở cuộc điều tra nhắm vào Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Move Forward, một chính đảng ủng hộ dân chủ. Lý do được nêu ra là có những nghi ngờ bất thường trong cuộc bầu cử hồi tháng 5/2023, mà đảng này đã giành được thắng lợi lớn.


Lãnh đạo đảng Move Forward Pita Limjaroenrat vẫy tay chào các ủng hộ viên trong một cuộc tranh luận trên kênh truyền hình Channel 3 ở Bangkok, Thái Lan, ngày 11/05/2023. AP - Sakchai Lalit
Minh Anh
Theo AFP, định chế này phải xác định xem vị lãnh đạo trẻ 42 tuổi này có quyền ra ứng cử hay không vì ông nắm giữ một số cổ phiếu của một hãng truyền thông. Với thắng lợi bầu cử hồi tháng 5/2023, Pita Limjaroenrat, được cho là có nhiều khả năng trở thành thủ tướng vào mùa hè này.

Từ Bangkok, thông tín viên đài RFI, Carole Isoux tường trình :

« Pita Limjaroenrat, 42 tuổi, lãnh đạo đảng Tiến Bước, người đề nghị tiến hành những cải cách sâu rộng xã hội Thái Lan, bị cáo buộc là đã ra ứng cử dù vẫn biết rằng ông không đủ tư cách vì có cổ phần trong một hãng truyền thông, không còn hoạt động từ năm 2014.

Đây chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều các cáo buộc và thủ tục tố tụng mà Pita Limjaroenrat, người đang nhắm đến chức thủ tướng, phải đối mặt. Đảng của ông đã giành được thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Quốc Hội nhưng chương trình hành động của ông lại đe dọa trực tiếp đến quyền lực truyền thống ở Thái Lan, và đặc biệt là quyền lực của quân đội.

Trong hậu trường, ván cờ liên minh chính trị đang diễn ra sôi nổi. Nhiều người kêu gọi Pita từ bỏ tham vọng ra làm thủ tướng và hỗ trợ các đảng khác để thoát khỏi bế tắc chính trị. Bằng không, đảng của ông có thể bị cơ quan tư pháp cho giải thể, có nguy cơ gây ra tình trạng bất ổn mới cho đất nước. »

Mỹ trở lại UNESCO để chống đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc

Sau hơn 4 năm vắng bóng tại UNESCO, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc, nước Mỹ đã quyết định quay trở lại tổ chức này kể từ tháng 07/2023, với « một kế hoạch tài chính cụ thể ». Tổng giám đốc UNESCO, Audrey Azoulay, hôm qua, 12/06/2023, đã tổ chức họp và thông báo chính thức cho đại diện 193 nước thành viên về quyết định của Washington.


Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay thông báo quyết định của Hoa Kỳ tái gia nhập tổ chức này. Tại trụ sở UNESCO, Paris, Pháp, ngày 12/06/2023. AFP - ALAIN JOCARD
Thùy Dương
Đây được xem là biện pháp của chính quyền Biden nhằm đối phó với đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Trên đài RFI, bà Annick Cizel, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ, Đại học Sorbonne Nouvelle của Pháp, nhấn mạnh :

« Hoa Kỳ đang dùng quyền lực mềm về giáo dục và thông tin để đáp trả quyền lực mềm của Trung Quốc về công nghệ và thương mại trải rộng từ Liên Hiệp Châu Phi đến Liên Đoàn Ả Rập. Hiện nay, Ả Rập Xê Út và các thành viên khác của Liên Đoàn Ả Rập không chỉ mở cửa về ngoại giao và thương mại với Trung Quốc mà còn chơi trò tăng giá dầu có lợi cho nước Nga và rất bất lợi cho phương Tây nói chung và Hoa Kỳ nói riêng.

Theo tôi, lý do lưỡng đảng Mỹ ủng hộ quyết định này chính là, đối với Hoa Kỳ, cuộc đọ sức này đòi hỏi việc trở lại UNESCO, đòi hỏi Mỹ phải đáp trả từng bước, từng bước, với mọi lợi thế tương ứng của họ và ở cấp độ giáo dục. Chúng ta đều biết là các trường đại học Mỹ thu hút cả thế giới như thế nào. Giới trẻ toàn cầu, trong đó có giới trẻ Trung Quốc, là những thực thể cấu thành các xã hội dân sự, là những công dân của thế giới mang tính quốc tế ngày nay. Và UNESCO chính là lò luyện và là tấm gương phản chiếu sức mạnh của quyền lực mềm của Mỹ ở quy mô đa phương ».

Vào năm 2017, dưới thời tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã rút khỏi UNESCO với lý do tổ chức này thiên vị, chống Israel. Quyết định của Mỹ chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2018. Israel khi đó cũng tuyên bố rút khỏi UNESCO.

Không có nhận xét nào: