Tuy không nổi tiếng bằng những đồng đội- như "lưỡng thủ vạn năng" Phạm Văn Rạng, hay "đầu sói" Đỗ Thới Vinh, tả biên Nguyễn Văn Ngôn ( Ngôn I ) hoặc "bức tường thành" Phạm Huỳnh Tam Lang và những "mũi tên vàng" bao gồm trung phong Nguyễn Văn Chiêu của đội tuyển VNCH vô địch Merdeka 1966; hay Nguyễn Ngọc Thanh của năm 1959 tại giải Vô Địch Túc Cầu Đông Nam Á - nhưng tài nghệ của ông cũng đủ để được tuyển vào đội Thanh Niên Sài Gòn cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Đồng thời, ông cũng được hai ký giả kỳ cựu của làng báo thể thao Sài Gòn là Thiệu Võ trên tờ Đuốc Thiêng và Huyền Vũ, trên tờ tuần báo Nguồn Sống, nêu tên hàng tuần, mỗi khi ông ra sân trong màu áo của đội Thương Khẩu và sau đó là Quan Thuế.
Ông nhận được lời mời gia nhập Đội Tuyển Quốc Gia của Tổng Cục Túc Cầu VNCH, ngay sau khi giúp đội Quan Thuế đoạt Vô Địch Quốc Gia Hạng Danh Dự mùa 1962 - 1963. Nhưng cái duyên của ông với đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa chỉ có được đúng...1 ngày! Vì trước đó không lâu, ông đã nhận lệnh gọi nhập ngũ để thụ huấn Khóa 14 Sĩ Quan Trừ Bị tại Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức. Khóa 14 SQTB/Thủ Đức có tới hơn 2200 SVSQ, bao gồm đủ mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là giới trí thức và quân nhân tái ngũ theo lệnh đôn quân của chính phủ Đệ I Cộng Hòa.
Trong thời gian thụ huấn quân sự, ông đã được Đại Tá Sội - nhà dìu dắt của đội cầu Tổng Tham Mưu - hứa sẽ đưa ông về đá cho Tổng Tham Mưu là đội đương kim vô địch quốc gia ( hạng Danh Dự ) lúc đó. Nhưng do Đại tá Lam Sơn, Chỉ Huy Trưởng đương nhiệm của quân trường Thủ Đức dành nhiều ưu ái cho ông; nên sau khi mãn khóa, ông nhận lời ở lại Trường làm Huấn Luyện Viên khoa Vũ- Tác- Mìn ( Vũ Khí- Tác Xạ - Mìn Bẩy), thuộc Khối Huấn Luyện của Trường Võ Khoa Thủ Đức.
Ngoài thì giờ dành cho việc huấn luyện, ông còn tham gia vào đội túc cầu của quân trường Thủ Đức, lúc đó đang tranh giải vô địch các đội Hạng Nhứt. Vừa khoác áo nhà binh, lại vừa có cơ hội giữ gìn phong độ trong bộ môn thể thao mình ưa thích, mấy ai được như ông?
" Cần gì phải nổi danh mới thấy sung sướng hay khoái trá! Chỉ cần mỗi lần gặp nhau, mấy tay cựu tuyển thủ còn nhớ và gọi ba là 'ông giáo Phát' cũng đủ vui rồi! Đa số trong bọn họ nổi tiếng hơn ba nhiều. Nhưng ba ra sân trước họ. Đặc biệt là ba đã có thành tích không giống ai, mà cũng không ai có được. Đó là được ký giả Huyền Vũ ủng hộ trong việc 'đầu tư' Mẹ của tụi con. Hồi đó ổng cưng Mẹ lắm! Đồng nghiệp của ổng trong đài Phát Thanh Sài Gòn mà! Có trận nào ba ra sân mà thiếu bóng Mẹ tụi con trên khán đài đâu!? Ổng làm công tác trực tiếp truyền thanh các trận túc cầu trên Đài Phát Thanh Sài Gòn, lại thường hay đi lấy tin để tường thuật trên tuần báo Nguồn Sống, nên luôn kéo Mẹ tụi con đi theo để vỗ tay ủng hộ ba!..."
Người Mẹ mà ông đề cập tới, là Xướng Ngôn Viên Song Hạnh của Đài Phát Thanh Sài Gòn, đồng thời cũng là người ( cùng với Xướng Ngôn Viên Đào Hiếu Thảo ) phụ trách trực tiếp truyền thanh cuộc xổ số Kiến Thiết mỗi Thứ Ba hàng tuần tại rạp Thống Nhứt.
Chắc chắn người dân miền Nam vẫn chưa quên giọng đọc như có chất "mật ong"- mà một vị thân hữu kiêm nhà văn đã đặt cho bà- qua những lần đọc tin tức hay trong câu giới thiệu chương trình; cùng những lời gọi mời, như "Sau đây là lô trúng độc đắc 1,000,000 đồng. Lô này sẽ được quay 6 lồng cầu và quay 1 lần. Mời các em ra quay số...". Tiếc thay, vào cuối năm 2012, cơn biến chứng của Parkinson's Disease đã cướp đi người bạn đời của ông, sau đúng 50 năm chia ngọt, xẻ bùi.
Trong những năm cuối đời của bà, một tay ông lo lắng và chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ. Công việc mà ông nhứt định chỉ làm một mình, không cần các con phụ giúp hay mướn người săn sóc, chăm lo. "Tụi con đứa nào cũng có gia đình riêng. Thêm bận bịu để lo cho Mẹ sẽ ảnh hưởng không ít tới sinh hoạt gia đình và công việc. Để ba lo cho mẹ. Ba còn khỏe và biết cách. Chỉ có ba mới hiểu ý và biết rõ bệnh tình của mẹ. Đừng lo cho ba! "
Người ta thường nói "Uyên ương liền cánh như cây liền cành! Cây giờ đã khô và chim cũng "mồ côi". Vì vậy, nỗi cô đơn đã làm ông thấy vô vị trong cuộc sống dù các con nài nỉ ông cứ xoay vòng mà đến ở từng nhà, để sống chung với con cháu. Nhưng vốn cầm tinh "con Chuột đồng", ông thích an nhiên, tự tại và thường nói là "Ba thích tự do sống với thiên nhiên, ruộng rẫy.."
Ông cũng không muốn làm phiền con cái, nên sau khi vượt qua cơn cám dỗ của "tiếng gọi về nguồn", ông chọn qua California, an hưởng tuổi già ở quận Cam; để tha hồ ăn uống và gặp bạn bè, đa số là những đồng đội cũ trên sân cỏ, thay vì về Việt Nam sống cho hết đời như nhiều người cùng hoàn cảnh và tuổi tác như ông đã làm.
Lúc đầu ông định qua quận Cam sống thử chừng một, hai tháng xem sao. Nhưng chỉ mới vài tuần lễ là đã nghe cô chủ của căn nhà mà ông mướn phòng suýt xoa "Ối giời! Ông cụ vui thích lắm! Sáng nào cũng 'đóng thùng' thật bảnh bao với áo gió, kính đen và nón, gậy đường hoàng. Cứ thế mà cụ tà tà qua bên kia đường, ngồi quán cà phê tán chuyện với bạn cho tới trưa. Thần thái cứ như là điệp viên...'00 Thấy' vậy đó!" Tuy nhiên, cô chủ nhà cũng không quên lưu ý con cháu bên miền Đông là "...Ông cụ ăn uống không có giờ giấc nhất định. Lại còn hay ăn vặt lắm! Mà toàn là thứ chiên, xào, nhiều dầu mỡ, cùng với ba mớ bánh kẹo và đồ ngọt không hà!..."
Hậu quả tất yếu của việc ăn uống xả láng, cộng thêm quan niệm "...Ăn gà bỏ da, ăn thịt heo quay không có mỡ thì đâu có ngon miệng?!", là sau đúng 8 tháng tận hưởng hạnh phúc được sống tự do, ăn uống thoải mái; thì cơn suy thận vì tiểu đường, trụy tim vì cao huyết áp và bệnh thống phong ( gout ) đã vật ông ngã cùng một lúc. Khi Ambulance đưa vào bệnh viện thì tim của ông chỉ còn khả năng hoạt động có 5% và thận thì đã hoàn toàn suy sụp. Có nghĩa là ..."đứt bóng" bất cứ lúc nào! Hôm đó là thứ bảy 28/5/2016.
Thận suy ( Acute Kidney Failure ) nên phải lọc máu một tuần 3 lần. Trụy tim ( Congested Heart Failure ) thì có thuốc uống và máy trợ tim tạm thời để bấm nút báo động cho y tá biết mỗi khi tim đập loạn nhịp. Nhờ sự tận tâm của các bác sĩ trong bệnh viện, ông dần dà "khấm khá" trở lại. Cho đến 02/06/2016, khi tim hoạt động được chừng 55% và sức khỏe đã tương đối khả quan, thì Bác Sĩ cho chuyển ông về Dưỡng Đường Convalescent Hospital ở Garden Grove, để được chăm sóc thường xuyên và dài hạn. Chuỗi ngày cô đơn của ông trên giường bệnh bắt đầu!
Niềm vui của ông là những lúc được ngồi trên xe lăn và cùng với những bệnh nhân khác vừa nhâm nhi cà phê, vừa nghe những người yêu thích văn nghệ tình nguyện vào ca hát giúp vui. Họ, những tấm lòng từ ái pha lẫn đam mê nghệ thuật, đã bỏ thì giờ tới các Trung Tâm Điều Dưỡng và Viện Dưỡng Lão; để mang lại chút hào hứng và an ủi tinh thần cho những người "mộ điệu" như ông. Những nghệ sĩ tài tử đó đàn với cả tâm tình và hát bằng trái tim hành thiện, cho dù đa số khán giả trong thính phòng không còn đủ "tỉnh táo" để thưởng thức, mà chỉ lan man giữa hư và thực bởi những bệnh tình của họ.
Xen kẽ với những niềm vui nho nhỏ có được trong Viện Dưỡng Lão đó, là hạnh phúc được xem những trận túc cầu nội địa lẫn quốc tế, được phát hình trên làn sóng TV. Ngoài ra, ông còn được một người quen biết thời thanh niên trên sân cỏ, thường xuyên ghé qua thăm tại phòng, để cùng kể lại cho nhau nghe những trận tranh tài thuở xưa mà hai người từng đối diện trên sân cỏ. " Hồi đó tui giữ gôn. Bị ổng đá lọt lưới hoài... Ổng có cú xỉa chân phải độc đáo lắm!...". Những câu chuyện về bộ môn túc cầu của thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước là liều thuốc an thần mang đến sinh lực nội tại cho ông.
Lời kể của người cựu cầu thủ, một thời giữ khung thành cho đội banh trường Đạt Đức - trước khi tình nguyện nhập ngũ và trở thành thủ môn gạo cội của Khóa 19 VBĐL - làm ông càng thêm nhớ sân cỏ của thuở thanh niên lẫn lúc sau này; khi cùng với những cựu tuyển thủ như Võ Thành Sơn, Quang Kim Phụng, Quang Đức Vĩnh, Nguyễn Văn Ngôn và vài người khác, ra sức huấn luyện hoặc tổ chức các giải vô địch Vùng, Miền cho các đội túc cầu thanh niên, sinh viên- học sinh ở miền Đông và miền Tây Hoa Kỳ.
"Chỉ có khi nào nằm một chỗ, người ta mới có thể dễ dàng nghiền ngẫm lại đời mình. Bằng không thì chỉ biết loay hoay với công việc, với hoàn cảnh; rồi lu bu với sinh hoạt gia đình nên nhiều khi mình chẳng có chút suy nghĩ nào dành cho mình. Nói thật với con, ba không có mơ ước cao xa. Chỉ mong cuối đời có được một miếng đất, hay mảnh vườn đủ rộng để có ao thả cá, có sân trồng cây, bón cảnh. Ba không thực hiện được ước mơ của mình nhưng bù lại, ba có Mẹ, có mấy đứa tụi con. Đứa nào cũng đã ổn định cuộc sống. Vậy cũng đủ gọi là có phước lắm rồi!"
Trong 2 năm đầu gặm nhấm cô đơn trong Garden Grove Convalescent Hospital, thỉnh thoảng ông được một người cháu vợ ghé vào hỏi han, giúp mua vài món ăn ông ưa thích; còn con cái thì vì bận mưu sinh và lo cho các cháu đi học, nên chỉ qua thăm mỗi năm 2 lần vào dịp hè và lúc cuối năm. Gia đình cũng có nhờ vài nhân viên trong Viện Dưỡng Lão, cũng như thân nhân của những bệnh nhân khác, giúp chăm sóc ông lúc ăn uống. Nhưng vì họ cần phải chu toàn bổn phận và trách nhiệm riêng, nên không đủ thời gian cần thiết để đáp ứng được nhu cầu vì ông ăn rất chậm, mà hầu như bữa ăn nào cũng chỉ nuốt được tối đa chừng 40%.
Ăn ít, nên sức khỏe sa sút. Cho dù mỗi ngày được cho thêm sữa đặc trị ( Nepro ) để có sức đi lọc máu, bệnh trạng của ông cũng lần hồi suy giảm trầm trọng. Ông thường bị nhiễm trùng máu và hay sưng phổi nên cứ phải ra vào bệnh viện... "như đi chợ!". Vị bác sĩ Giám Đốc Y Tế của Viện Dưỡng Lão và cả người bác sĩ tim của ông đã nói đùa như vậy, khi cứ cách một, hai tháng là ông phải vào phòng cấp cứu!
Có thể nói ông là bệnh nhân quen thuộc của cả 6 bệnh viện tại quận Cam, mà "thường trực" hơn hết là Garden Grove Hospital! Đến mức mà các Bác Sĩ, Y tá và nhân viên đều quen mặt, biết tên không chỉ một mình ông, mà cả thân nhân từ miền Đông qua nuôi bệnh.
Tháng 10/2018, sau gần 2 tuần bỏ ăn, rồi lần hồi bỏ cả uống sữa Nepro, ông được đưa vào Garden Grove cấp cứu rồi nằm trong phòng săn sóc đặc biệt ( ICU ). Đến lúc đó bác sĩ mới khám phá ra ông bị viêm túi mật, đồng thời ống lọc máu trên cánh tay phải ( Permacath, còn gọi là Central line ) đã bị nghẹt. Bác Sĩ trưởng của khu vực ICU quyết định cho gắn ống lọc máu mới ngay chân phải ( Femoral Catheter ) ngay dưới háng, đồng thời tăng thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng. Ngay khi vừa lọc máu xong, là ông được đưa xuống phòng mổ để cắt túi mật. Quyết định táo bạo nhưng vẫn phải làm, vì phải chạy đua với thời gian do mức độ nhiễm trùng tại túi mật đã khá trầm trọng.
Sau 4 tiếng giải phẫu và nằm chờ hồi sức dưới phòng mổ, ông được đưa trở lên ICU, nhưng không bao lâu sau là tim yếu dần rồi ngưng đập. Mạch không có và hơi thở chỉ là do máy ( ventilator ) trợ giúp. Cả dãy lầu 4, tức khu vực ICU được đặt trong tình trạng báo động ( Code Blue Alert ). Sau 2 lần làm CPR không có kết quả, Bác sĩ quyết định cho dùng máy chập điện ( Defibrillator ) để kích thích cho tim đập trở lại , đồng thời kích động luôn máy trợ tim trong ngực ( Pacemaker ).
Ông được cứu sống, nhưng sức khỏe sa sút trầm trọng và chỉ vài tuần sau là phải trở vào bệnh viện Garden Grove. Lần này cũng là vì bị nhiễm trùng máu và do đó dẫn đến viêm gan ( Liver Abscess ) Ngoài ra còn có một cục bướu 10cm ( cyst ) tích tụ từ máu bầm lúc giải phẫu cắt bỏ túi mật.
Ngần ấy bệnh làm ông thường bị sốt cao và mê hoảng ( confused/ delirious ). Lần này nhóm Bác Sĩ điều trị quyết định đưa ông vào một dưỡng đường chuyên trị về nhiễm trùng. Đó là Kindred Hospital ở Santa Ana. Dưỡng đường này có đầy đủ phương tiện như một bệnh viện với bác sĩ thường trực, phòng tiểu giải phẫu, ngân hàng máu, phòng săn sóc đặc biệt...v/v.... Chỉ khác với bệnh viện, là nơi này không có phòng cấp cứu ( ER ) mà thôi. Việc điều trị bằng kháng sinh được ước tính là 4 tuần lễ, nhưng nhiễm trùng máu rồi sưng phổi cứ tái đi, tái lại hoài nên thay vì 4 tuần, ông đã phải nằm lại Kindred Hospital đúng 4 tháng.
Lúc rời Garden Grove Hospital, tháng 11/2018 để qua Kindred, Bác sĩ chuyên khoa về Thận đã cho biết là ống lọc máu gắn bên đùi trái ( Dialysis Femoral Catheter ) là lần lắp đặt sau cùng vì các nơi trên ngực, trên 2 cánh tay và bên đùi phải đã xài qua cả rồi. Chuyên viên lọc máu rất sợ gắn máy vào ống lọc đặt dưới háng vì nơi đó rất dễ bị nhiễm trùng, nhứt là với những bệnh nhân đã không còn làm chủ được khả năng bài tiết như ông.
Biết vậy, nên bác sĩ Thận của Trung Tâm Kindred đã gắn một ống lọc máu trên ngực phải ( Arteriovenous Graft, còn gọi là Arteriovenous Fistula), nơi mà 2 năm trước đó đã có đặt ống lọc. Nhưng chỉ 2 tháng sau, ống lọc trên ngực bị nghẹt nên lại chuyển xuống đùi phải. Cũng là nơi đã có đặt ống 3 tháng trước đó.
Có thể nói đội ngũ nhân viên y tế của Kindred Hospital- từ Bác Sĩ đến Y tá và nhân viên phục vụ- đều rất tận tâm và yêu nghề. Nhưng họ cũng không làm sao ngăn chặn được sự nhiễm trùng do việc lọc máu một tuần 3 lần, cộng thêm kháng lực trong cơ thể của ông đã mỗi ngày một suy yếu. Sau 4 tháng điều trị, khi thấy tạm ổn, bác sĩ cho ông rời Kindred để trở lại Viện Dưỡng Lão.
Nhưng chỉ được 4 tuần là ông lại phải vào Garden Grove Hospital rồi trở qua Kindred lần nữa cũng vì bị chứng sưng phổi ( Pneumonia ) và hụt đường huyết một cách bất thường; đến mức phải đục thẳng vào xương ống quyển (intraosseous infusion) để lập tức bơm thuốc vào tủy cho kịp hòa tan trong máu. Hôm đó lượng đường trong người ông chỉ còn 26% lúc cấp cứu và 16% khi đang nằm trong phòng ICU của bệnh viện. "Chỉ có thể là phép lạ!" Bác sĩ của ICU đã nói như vậy khi chuyển ông trở lại Kindred Hospital để trị bệnh viêm phổi trong hai tuần lễ.
Sau đúng 3 năm vật vã vì cơn bạo bệnh, ông lần hồi trở nên trầm ngâm, chỉ nhìn mà không nói. Ông không muốn nói, có lẽ vì muốn giữ cho mình những gì sâu lắng nhứt trong tâm khảm. Người ta chỉ cần bị nghẹt mũi, nhức đầu cũng thấy khó chịu. Huống chi ông có cả mấy thứ bệnh "hạng nặng" bắt phải giữ giường triền miên là suy thận, trụy tim, cao máu, thống phong, xơ gan, lở lưng, loét mông.
Mỗi lần đi cầu hay tiểu tiện là cả một cực hình đối với ông. Là người có tánh tự lập, ông không muốn ai phải lo cho mình. Nhưng vì bệnh tình trầm trọng, nên ông phải trân mình chịu đựng cảnh nằm một chỗ; để y tá hoặc y công thay tả, rửa ráy, thay áo quần, cùng những công việc khác liên quan đến việc điều dưỡng.
"Nhiều lúc đau đớn quá, ba muốn chết cho rồi để khỏi làm phiền bất cứ người nào săn sóc mình. Tội nghiệp các con phải bỏ hết mọi chuyện ở bên đó, để qua đây lo cho ba.". Ông thường buồn bã than van với con cái, nhứt là vợ chồng người con gái lớn khi cả hai vợ chồng thay phiên nhau từ Pennsylvania qua túc trực bên giường bệnh. Có họ bên cạnh ông thấy đỡ cô đơn, bớt muộn phiền, nhưng ông cũng biết rõ tình trạng sức khỏe của mình mỗi ngày một suy yếu và chẳng thấy tha thiết với bất cứ một thứ gì, khi lúc nào cũng cảm thấy đau nhức toàn thân và mệt mỏi, bần thần sau mỗi lần lọc máu.
Những câu chuyện trao đổi với bệnh nhân trong viện dưỡng lão, hay với thân nhân của họ cũng dần dà trở nên nhạt nhẽo. Ông càng buồn thêm, khi không còn đủ sức ngồi xe lăn để xem ca nhạc và nhâm nhi cà phê như trước. Cả tờ báo biếu mỗi ngày cũng không được ông ghé mắt tới. Câu đối thoại chỉ quanh quẩn trong vài tiếng "Cám ơn" hay câu trả lời "Tôi thấy khỏe" khi có ai hỏi thăm, an ủi, hoặc sau khi được săn sóc.
Tuy vậy, cũng không thiếu vắng những nụ cười đây đó, khi mấy cô y tá cố ý làm trò cho ông vui, hoặc những lúc có điện thoại Facetime của con cháu từ miền đông gọi qua thăm. Câu nói dài nhứt sau gần 2 tháng "tịnh khẩu" và trước khi vào phòng cấp cứu lần sau cùng là "Trời ơi! Yếu như vậy mà cũng ráng chống gậy vô đây thăm tui!"
Đó là khi vị cựu Huấn Luyện Viên môn Địa Hình ở Thủ Đức và cũng là đơn vị trưởng của Liên Đoàn 1 BĐQ vào thăm, khi ông vừa từ Kindred Hospital trở lại Viện Dưỡng Lão. Vị Đại tá BĐQ này thường vào thăm ông mỗi khi đi tập thể dục ở một phòng Gym gần đó. Nhưng điều làm ông thêm có cảm tình với người thầy kiêm "đồng nghiệp” trong Khối Huấn Luyện này, là ngay ngày đầu tiên, khi vị đại tá ghé thăm, đã tự giới thiệu mình là bạn cùng đơn vị với con rể của ông ấy. Sự khiêm nhường và chân tình của vị Liên Đoàn Trưởng BĐQ càng làm ông thêm cảm động khi Đại Tá Trần Kim Đại luôn ngỏ ý: " Anh cố gắng bớt bệnh để tôi còn mời về nhà ngắm vườn rau và cây trái rồi ăn với tôi một bữa cơm thanh đạm..."
Lời mời ấy đã không có cơ hội trở thành hiện thực, vì sáng ngày thứ Hai 16/9/2019, đang lúc lọc máu thì huyết áp của ông tăng giảm bất thường; rồi tuột xuống tới mức báo động, nên Trung Tâm lọc máu Da Vita ở Westminster cho chuyển ngay vào Orange Coast Hospital. Trong phòng cấp cứu, ông không ngớt " Cám ơn mọi người đã lo lắng cho tôi bấy lâu nay. Ba cám ơn con đã lo cho ba mọi thứ. Có con bên cạnh, ba thấy yên tâm lắm! Cầu Trời, cầu Phật, cầu Chúa cho con lành bệnh. Không thì cho con 'đi' sớm để không còn làm phiền ai nữa!".
Câu nói nghe như được "thâu băng" ở đâu đó trong đầu, nên ông lập đi lập lại liên tục không ngừng nghĩ trong suốt gần 2 tiếng đồng hồ, lúc nằm trong phòng cấp cứu. Câu nói rõ ràng là từ tâm thức, không phải từ một bộ não còn sinh khí phát ra. Sau đó, khi đang nói nửa chừng thì ông tắt tiếng và tim yếu dần, mạch đột nhiên biến mất trên biểu đồ.
Ông lại được chập điện cho tim đập trở lại và đưa ngay lên phòng săn sóc đặc biệt, để tiếp tục cuộc chiến đấu với Tử Thần. Nhưng tất cả đều vô vọng vì cơ thể của ông đã suy sụp hoàn toàn. Hai bịt máu sau cùng để tiếp sức cho ông đều bị cơ thể thải ra ngay lập tức, nên việc lọc máu và khử trùng không thể thực hiện được. Người ông lạnh dần do hoại tử bắt đầu tàn phá cơ thể, đặc biệt là từ dưới chân lạnh dần lên.
Do đó, để giữ cho thân nhiệt được ấm, y tá cho bơm khí ấm vào một loại "áo phao" choàng quanh mình ( Forced air warmer) sau khi những mũi kim và ống truyền dịch, cùng với nước muối ấm ( IV / Foley Catheter/ warm salt water ) đều không được mạch máu tiếp nhận để đưa vào buồng phổi, vùng bụng ( abdominal/ peritoneal cavity ) và bàng quang ( Bladder ).
Mọi phương thức cứu chữa để níu kéo ông đều vô vọng. Sau hơn hai ngày bất động trên giường bệnh và sau những cố gắng chớp mắt, nhướng mày, để hồi đáp lời của người con rể kề tận tai han hỏi, ông lìa đời một cách êm thấm. Phút cuối của ông được ghi nhận bằng những dấu hiệu "vẫy vùng" của chiếc pacemaker - khi nó không nhận được tín hiệu hoạt động từ trái tim đã ngừng đập - và qua những lằn ngang trên biểu đồ ( Monitor ) trước sự chứng kiến của người con rể và cô y tá đồng hương tận tụy với nghề nghiệp và hết lòng với bệnh nhân. Lúc đó là đúng 20 giờ 06 phút ( Pacific Standard Time ) tối thứ Tư 18/9/2019.
HUỲNH VĂN CỦA
Để nhớ Nhạc Phụ TRƯƠNG PHÁT, Pháp Danh THIỆN TẤN.
- Cựu cầu thủ đội Quan Thuế và Thương Khẩu.
- Cựu tuyển thủ Đội Tuyển Thanh Niên Sài Gòn thập niên 1950.
- Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 14 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức ( Khóa Nhân- Trí- Dũng Nguyễn Ngọc Điệp ).
- Cựu Đại Úy, Sĩ Quan Quan Thuế ( Sở Kiểm Nã Toàn Quốc/Tổng Nha Quan Thuế/ Bộ Tài Chánh- Việt Nam Cộng Hòa ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét