Con đường trước mặt yên tĩnh. Những chiếc xe nằm im lặng kế đuôi nhau sát lề từ xa coi thoáng qua như mấy con rắn khổng lồ đương ngủ kỹ sau khi ăn no kềnh bụng. Khung cảnh im ắng của buổi sáng sớm khi mặt trời còn ngủ với một chút sương mù lừng lững quyện trên đầu có sức hấp dẫn kỳ lạ<!>
Già Được chạy xe lòng vòng trên những con đường nhỏ ít xe cộ, cố tìm một chút thư thả để tránh sự bực bội trong lòng khi những suy nghĩ về một quyết định hơi khó khăn lúc tuổi già.
Vùng Garden Grove, Santa Ana, Midway City, Anaheim, trung tâm người Việt của tiểu bang nắng ấm California. Ngó vô những căn nhà mà bên hông hoặc xum xuê những bụi thanh long sai trái, hoặc vài ba cây cam oằn nhánh, hay mấy cây chanh trái lớn bằng nắm tay vàng lườm, hay chắn chắn hơn, một bụi chuối với lá hình phướng quen thuộc quê nhà, già Được biết rằng nơi đó gia đình một người đồng hương đương cư ngụ. Và dĩ nhiên là ông/bà ấy hằng ngày kiếm chút thời giờ giữa hai công việc phải làm để bón gốc, tỉa cành tưới nước cho công trình mình, một chút đỡ nhớ quê cộng với một chút thanh nhàn. Thật ra già Được muốn dời nhà xuống đây lâu rồi, vùng sa mạc đồi núi khô cằn trên kia chỉ thích hợp khi người ta còn có thể lái xe phom phom vững tin mình vẫn còn đủ phong độ trong phản ứng. Bây giờ với số tuổi ngấp nghé tám mươi, lái xe đường xa xuống khu đô hội của người Việt hằng tuần là cả vấn đề. Phải di chuyển thôi, dầu rằng đụng vô chuyện nầy là có bao nhiêu điều phải giải quyết. Bà vợ thường nói là quyết định mau quá, nhà bán đổ bán tháo như đá gà thấy thua trước mắt quăng bắt vớt ăn ba ăn tư giờ chót. Nghĩ tới đó già Được cười cười một mình, liếc qua người ngồi kế bên.
Không gian buổi tinh sương còn đượm mùi thơm nhẹ nhàng của cây cỏ, già Được mở cửa kiếng xe xuống phân nửa, hít thở không khí trong lành. Có chút gì thân mật trong cảnh trí còn đượm lại trong tâm tư lúc còn nhỏ ở Sàigòn hiện ra với khu nhà thương Grall êm đềm của những hàng cây dái ngựa rợp lá, của đám me dốt xanh cành cao vói tới mây xanh gần Sở Thú. Và những con đường chung quanh khu Thi Sách sau tòa nhà Quốc Hội, mang tính cách thanh bình và quý phái nữa!
Ông quay qua nói với vợ:
‘Em coi đường phố sạch sẽ, không có những bảng treo văn hóa, quyết tâm cái cóc khô gì hết mà kiếm đỏ mắt cũng không thấy những đống rác đổ bậy, càng không có những kẻ vạch quần tự nhiên phóng uế ra đường.’‘Xứ văn minh, người ta làm theo luật, công chức công nhơn làm hết bổn phận thì chẳng những đường phố sạch mà những chuyện trái tai ngứa mắt cũng ít xảy ra.’Trí nhớ già Đượcđi ngược về miền xa xôi của tuổi trẻ và chuyện thực tế ông chứng kiến trong kỳ về quê ăn Tết vừa qua. Khắp nơi cờ đảng, cờ nước đỏ đường. Mấy hôm Tết chẳng những đầy mưa sa trên nền cờ đỏ mà đi đâu cũng thấy rác rưới hôi thúi bên dưới tấm biểu ngữ kệch cỡm ‘Mừng Đảng, Mừng Xuân…’.
Mải mê suy nghĩ, già Được để xe mình chạy vô đường cao tốc 22, ông chép miệng lầm bầm ‘kiểu nầy cũng là biểu hiệu của tuổi già tới kế bên chưn, làm mà không có chủ ý’. Xe cộ hơi nhiều tuy rằng hầu hết đều đúng luật và rất thân thiện nhường làn xe khi mình để đèn báo hiệu. Chợt thấy tấm bảng lớn trên lề in hình một tên khỏe mạnh, mặt bậm trợn, đương gồng gân bịt miệng một người ốm yếu, chuyện xảy ra trong một phiên tòa gây nhiều tai tiếng bên nhà,ông buột miệng hỏi vợ:
‘Em biết chuyện ngày trước Cai Nên đánh người rồi bị đánh trả không?’
‘Cách đây cả thế kỷ rồi, hình như ông nầy đánh nhà cách mạng Tạ Thu Thâu hay Phan Văn Hùm gì đó.’
‘Ừa, thằng chết bầm nầy đánh ông Phan Văn Hùm. Chuyện xảy ra năm 1928, ông Hùm đi Bến Lức định diễn thuyết chống thực dân, Cai Nên, tên chó săn của chánh quyền thực dân ngoại quốc lúc đó được lịnh cản mũi cản lái, bị cự cãi, hắn ta tức khí đánh ông Hùm và bị ông đánh lại… Dĩ nhiên là ông Hùm bị bỏ tù vì ‘chống đối người thi hành pháp luật’. Nhưng rồi Cai Nên cũng bị sa thải sau đó không lâu, về nhà đuổi gà cho vợ. Chuyện ruồi bu nầy thì nhiều người biết.’ Với nụ cười nửa miệng thích thú, ông kể thêm. ‘Tức cười là năm nào cách đây gần bảy chục năm, lúc đó anh đâu chừng độ mười tuổi, theo bà con đi về chơi vùng Bà Điểm. Người dân ở đây chỉ cái mả nói là của Cai Nên. Mả không lớn nhưng sạch sẽ, coi ngon lành hơn các mả lạn bên cạnh. Anh len lén lên trên đó đái mỗi ngày vài ba bận. Đái vẽ rồng vẽ rắn mà khoái chí.’
Người đàn bà xẳn xớm: ‘Quậy trời thần dữ he!’
Già Được làm thinh, chăm chú hơn vô tay lái. Những chuyện có vẻ con nít, dơ dáy, thường không được đàn bà hoan nghinh. Ông im lặng suy nghĩ khi nhớ tới hình ảnh những lá cờ máu treo bên trên và người dân đổ rác đầy tràn bên dưới. Chắc cũng là một sự phản đối ngầm được vô thức điều khiển như mình lúc nhỏ, ông đi đến kết luận và mỉm cười với mình.
Người vợ trở về thực tế:
‘ Sống cho có căn nhà khang trang, chết cho có nấm mồ coi được được một chút với người ta!’
‘Ờ có căn nhà khang trang thì được, nhưng không nhứt thiết phải có nấm mồ coi được được. Biết bao nhiêu người chọn thiêu xác, hiến xác. Trước đây trên đường tìm tự do gần triệu người vùi thân thủy mộ… Nhưng mà thôi, nói về chuyện mồ mả buồn lắm!’
Già Được thở dài, ông không muốn mở ra thêm một cuộc tranh luận mới. Tranh luận về dọn nhà hay không, dọn về vùng nào, mua hay mướn, mua thì chừng bao nhiêu tiền, dọn thì lúc nào thuận tiện…cũng đã làm ông nhức đầu rồi. Thêm nữa, đồ đạc những gì cần để, những gì cần bỏ. Bán hay cho, bán thì giá nào, cho thì cho ai. Ôi! Bao nhiêu là vấn đề đặt ra, không dễ dàng gì được đồng thuận.
Có tiếng điện thoại kêu vang. Người bạn mới quen không lâu, chẳng thân thiết chi mấy gọi hướng dẫn cách sống ở đây. Vợ chồng nên làm giấy ly dị, giả tách ra làm hai mới lãnh được tiền già nhiều hơn. Có thể sau nầy xin housing mỗi người một cái, cho thuê lén hay share kiếm thêm. Có địa chỉ rồi thì đi bác sĩ người mình để dễ xin thuốc nầy nọ dư gởi về cho bà con nghèo khổ bên nhà làm phước.
Già Được xin lỗi để tắt máy. Mấy cái vụ mánh mung nầy nghe chói tai mà cứ bị nghe hoài. Bực mình bực mẩy. Một kiểu tham lam lường gạt lòn lách. Bên kia đầu dây cố gắng nói thêm. ‘Anh gần tám chục tuổi dễ xin y tá phụ đến nhà giúp đỡ. Xin được người mình thì điều đình với họ khỏi tới làm, tiền lãnh chia hai. Thiên hạ chơi chiêu nầy đầy trời.’ Già Được tắt máy không vị nể với câu nói xốc hông: ‘Cám ơn anh, anh giỏi quá! Tôi thì chịu thua không làm được chuyện kỳ cục đó!’ Tiếng giỏi quá và chịu thua được Già nhấn mạnh.
Người ta thường thích làm tài khôn dạy cho người khác chuyện phi pháp. Ông nầy xúi giục mình tạo thêm một chút tham lam cuối đời để mang nặng Nghiệp trước khi Về. Đối với người biết an nhiên thì thêm một chút nữa cũng chẳng ích lợi gì. Không hưởng bậy những thứ thêm đó thì đã có ai chết đói đâu?
Ông quay sang hỏi vợ:
‘Em có coi một bài trên internet của một thức giả bên Đức kêu cứu rằng xin đừng làm xấu người Việt Nam không? Bên đó thiên hạ xuất nhiều chiêu gian lận tiền bạc mà còn đem những thói hư tật xấu ra đường như nói lớn tiếng trong điện thoại, ồn ào chen lấn nghinh ngang trên tàu điện, quần áo xốc xếch, phun nhổ bừa bãi, ngoáy tai, móc cứt mũi nơi công cộng…’
‘Có! Bên nầy mấy tật xấu đó tương đối ít hơn hay gần như không có…’. Trầm ngâm một chút người đàn bà nói thêm:
‘Tuần trước đi mua bánh mì ở đây, em bị một bà son phấn lòe loẹt ào ào chạy vô, vẹt mọi người bất câu lớn nhỏ để tới trước quầy kêu người bán hàng bán cho hai ổ, giọng bà ta nghe bắt thấy ‘thương’. ‘Mau lên em ơi, chị đậu xe trước cửa sợ bị phạt…’ Cả đoàn xếp hàng không ai nói gì nhưng chắc là thấy ngán ngẩm chuyện bà ta làm như vậy. May là bữa đó không có người Mỹ nào, nội cái nhìn trố mắt và cái lắc đầu thở đài của họ cũng thấy mắc cở rồi.’
Mỉm cười với vợ, Già Được nói buông xuôi:
‘Thì ai cũng có lý do khi làm chuyện trật chìa. Người bạn hồi nãy thường nói với mọi người là ‘Túng thì phải tính’. Mình làm vậy vì Nghèo. Cái Nghèo được đưa ra làm lý do tế thần để che cái Tham.’
Nghĩ tới chuyện lùm xùm về cấm đoán di dân của ông Tổng Thống đắc cử bằng phiếu của cử tri đoàn, già Được bực bội nói một hơi:
Khi người ta làm chuyện gì đó nghĩ là không được đúng thì cái cớ đưa ra cho mọi người thấy chỉ là cái cớ giả. Thế kỷ trước người Tàu bị cấm vô nước Mỹ vì bị gán cho là dơ dáy, thiếu văn minh. Biết đâu sau nầy vài sắc dân châu Á bị cấm vì gian lận những chương trình lợi ích và gian tham như không đóng thuế khi buôn bán thức ăn, nhà hàng, tiệm nail… tới tuổi gần già thì sang nhượng tài sản lại cho con cái để được hưởng đủ mọi thứ…. Chuyện họ làm như chó ăn vụng bột, ai cũng thấy cũng biết huống gì chánh quyền, tại vì chuyện nầy chuyện kia nên người ta chưa khui ra thôi. Anh ‘xi nẹt’ với anh chàng mau miệng hồi nãy cũng vì lẽ đó. Anh không muốn dân ở đây dán một cái nhãn xấu cho người mình. Bị dán nhãn thì biết bao nhiêu là bất lợi cho người đồng chủng đến sau.
Người vợ gật đầu đồng ý:
‘Vậy đó! Có bao nhiêu ăn bao nhiêu hơn là có khả năng chi tiêu rộng rãi một chút mà lo đau đáu…’
Thấy vợ vui vui anh tấn công luôn về chuyện dời nhà.
‘Em nghĩ sao? Vùng nầy mình vui thú tuổi già được chớ? Hay là mình di chuyển xuống đây, càng sớm càng tốt?’
Người vợ đồng ý nhưng không nói rõ ràng ý của mình:
‘Xuống đây em có thời giờ như nhóm bạn của em, hằng tuần đi thăm người già trong nursing home. Họ tội lắm, thấy người đến thăm là vui mừng lộ ra mặt, có người còn rơi nước mắt. Hát hò cho họ, nói chuyện nầy nọ, cắt móng tay móng chưn cho những ông bà quá yếu khiến họ cứ bịn rịn không cho mình về…’
Già Được chộp dịp nịnh vợ:
‘Em nói như vậy thì Tâm em là Tâm thiện. Tốt lắm. Đúng ý anh. Tâm thiện thì Nghiệp chướng nặng mấy cũng thành nhẹ. Và tâm hồn thì thanh thản.’Ông muốn nói thêm câu mà ông thường tự hào kháo khía với bạn bè: ‘Đàn ông có hồng nhan thì nhiều. Vợ chồng tri kỷ cũng không phải thiếu. Tôi vừa có hồng nhan vừa có tri kỷ. Nhưng thôi, anh sợ những lời khen quá đáng trở thành cái lổ mội trên ghe, sẽ làm cho ghe chìm trong đường dài…’
Trời tưng tửng sáng. Một vài người đi làm sớm đã lái xe ra đường. Bên lề dành cho người đi bộ hai người đàn bà dắt hai con chó đi dạo để khỏi túng chưn túng cẳng. Cặp chó đùa giỡn coi bộ khoái chí.
Già Được lái xe về phía biển Huntington Beach. Chắc phải ra biển hóng gió một chút. Đi bộ trên bờ cát nghe tiếng sóng rì rào, hít cái hương nồng vị mặn của buổi sáng yên bình bên nầy đại đương chắc ‘không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc.’
Già Được kiếm chỗ đậu xe. Hai người xuống cát, đi lần tới cầu cảng. Trời tuy còn sớm, mấy dàn khoan ngoài khơi chưa hiện ra, cả dãi núi phía bên kia vịnh chưa chịu ló mặt nhưng mấy tay câu cũng mấp mé thùng cá ‘chiến lợi phẩm’. Những gương mặt nắng gió lầm lì, không vui không buồn, đa phần là người mình, câu để giải khuây đở nhớ quê nhớ biển vậy thôi, kiếm thêm tô canh chua nấu mẳn hay ơ cá kho quẹt trên mâm cơm thịt thà ê hề đến thừa mứa ở xứ người... Bà vợ hỏi vói một người câu khi anh ta kéo lên con cá bóng láng vẫy vùng tuyệt vọng trên móc. ‘Chia ít cá về ăn anh ơi? Bi nhiêu? Bi nhiêu cũng được mà’. Sự mua bán dấm dúi diễn ta thiệt mau vì người đi câu sợ bị ‘treo cần’ mất cả thú vui khi nhìn sợi dây căng bên dưới lúc cá cắn câu. Ờ mà niềm vui có gì lớn lao lắm đâu trong cuộc sống chập chờn này, những cái được mất đồng thuận với nhau trong lòng bao dung hỉ xả, như người đi rà kim loại trên bãi cát kia, anh ta cứ lầm lũi quơ cái cây có gắn nam châm qua lại trên cát bằng sự kiên nhẫn đến kinh ngạc người bàng quan. Cái máy kêu tít tít và anh xúc lên một cent trong ánh mắt vui, thay vì sự thất vọng cho công khó nhọc của mình... Ở đời mà, biết bao nhiêu cho đủ! Bà vợ giả bộ đi vòng vòng dưới bờ biển, mấy đồng bạc cắc rớt lấp loáng dưới chân, có đáng g ìđâu mà thấy vui trong bụng.
Sóng ầm ì xa xa, biển dâu thay đổi, bên kia trùng trùng là quê hương mình bây giờ đã đổi thay,lạ lẫm đến chua xót. Gió thổi phất phơ mái tóc bạc trắng của cặp vợ chồng già tha hương. Già Được thấy bàn tay mình được đan vô những ngón tay khô nhiều xương của vợ. Chuyện dời nhà xuống vùng nắng ấm này già biết đã được duyệt y, chấp thuận. Ý nghĩ nhà ở đây ủm thủm mà giá cao ngất trời không còn ám ảnh cản trở ai nữa.
‘Biển đẹp thiệt’, già Được nói trong khi xiết mạnh mấy ngón tay.
Nguyễn Văn Sâm (Victorville, CA. Rằm tháng giêng con Gà 2017)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét