Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

Từ "Vườn Xuân" Đến "Sông Xuân" - Cao Minh Hưng



Demtrang2
                                                                                                               


Từ khi nhận lời tham gia vào quyển sách có chủ đề "Mừng Thinh Quang 90 Tuổi", tôi đã phân vân rất lâu khi quyết định sẽ lựa chọn đề tài nào để viết về vị Giáo Sư khả kính, vừa là nhà văn, nhà báo kiêm thi sĩ này.
<!>Trong khi thực hiện quyển sách về nhà văn Thinh Quang,chúng tôi đã nhận được rất nhiều bài viết của những nhà văn tên tuổi, những nhà biên khảo,  những bạn bè thân hữu của nhà văn Thinh Quang viết về cuộc đời hoạt động không mỏi mệt cống hiến cho nền văn học Việt Nam của ông từ trong nước ra đến hải ngoại.  Tôi nghĩ thật khó mà viết về một đề tài nào đó mà sẽ không bị trùng lập với những tư tưởng của những bài viết về ông của rất nhiều tác giả trước đây. 
Chúng tôi được biết về nhà văn Thinh Quang qua Tuyển Tập Văn Học Nghệ Thuật Hải Ngoại đầu tay do Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ chủ trương thực hiện với tựa đề "Vườn Xuân".  Trong khoảng thời gian hơn ba tháng khi Ban Biên Tập của chúng tôi cùng làm việc ngày đêm cho quyển sách này được hoàn tất trước ngày lễ kỷ niệm 2 năm thành lập Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ vào tháng 4 năm 2012,  chúng tôi nhận được rất nhiều bài vở của nhiều tác giả ở khắp nơi gửi về.  Chúng tôi rất hân hạnh khi nhận được một bài viết trong số những tác giả gửi về là bài "Từ Đông Sang Tây Nói Chuyện Các Món Ngon Vật Lạ" của nhà văn Thinh Quang. Một bài viết rất thú vị như tựa đề của bài viết, về nét đặc trưng của một số món ăn đặc sản của một số quốc gia từ Đông sang Tây, qua lời kể của một người bạn của tác giả là ông R.V. Ellis.

 Trong Tuyển Tập "Vườn Xuân", ngay trước trang "Lời Ngỏ" của Ban Chủ Trương, chúng tôi dành ra một trang trống với ý định sẽ dành đăng một hình ảnh hay một trích đoạn gì đó thật trang trọng như là một tiêu đề cho mục đích thực hiện quyển Tuyển Tập "Vườn Xuân" này. Sau khi Ban Biên Tập bàn thảo với nhau, chúng tôi cùng đồng ý sẽ mời một vị thi sĩ tiền bối thảo ra 4 câu thơ để đăng vào trang này.  Một người mà chúng tôi nghĩ thật xứng đáng để làm điều này không ai khác hơn chính là vị Giáo Sư, nhà văn, nhà báo và người thi nhân đã dành gần trọn cuộc đời mình cho nền văn học Việt Nam: Giáo Sư, Nhà văn, Thi sĩ Thinh Quang.  Vì là người phụ trách tổng quát cho quyển Tuyển Tập, tôi được hân hạnh giao cho trách nhiệm liên lạc nhà văn Thinh Quang để nói lên ý định của Ban Chủ Trương và Ban Biên Tập.  Tôi rất vui mừng khi thấy nhà văn Thinh Quang vui vẻ nhận lời và qua những email trao đổi với ông,  tôi rất khâm phục ông ở đức tính khiêm nhượng dù là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, nhưng đối với một người thuộc thế hệ con cháu của ông, ông vẫn tỏ ra rất chân tình và thân mật.  Chỉ một vài ngày sau, tôi nhận được một lúc 2 bài thơ của nhà văn Thinh Quang gửi đến và sau khi chuyển sang cho Ban Biên Tập, chúng tôi cùng đồng ý chọn 4 câu thơ mà ông sáng tác dành cho Tuyển Tập này.  Tôi xin phép được ghi lại bốn câu thơ đó nơi đây:
Trở mình theo giấc chiêm bao

Trăng sao nở rộ lạc vào vườn Xuân
Non tiên quẳng gánh phong trần
Giấy hoa tiên trải bút thần đề thi 
(Tuyển tập "Vườn Xuân", trang số 6)

nhavanThinhQuang

Trở lại với việc tìm đề tài để viết về nhà văn mà tôi vốn rất kính trọng này, trong lúc loay hoay tìm đọc những bài thơ của ông sáng tác trước đây, tôi vô tình tìm được bài thơ có tựa đề "Đêm Trăng Trên Dòng Sông Xuân".  Tôi đã đọc đi đọc lại bài thơ nhiều lần, với một cảm xúc thật lạ như bắt gặp một điều gì đó vừa huyền bí, vừa thanh tao, vừa lãng mạn và đầy thi vị qua những hình ảnh mà tác giả đã ghi lại trong bài thơ này.  Bài thơ bắt đầu với một hình ảnh sông và biển rất nên thơ trong một đêm trăng mùa Xuân:

Sông biển liền nhau nước nhẩy Xuân
Trăng lên cùng lúc dậy triều dâng
Đường xa muôn dặm trăng theo nước
Hỏi biển sông nào lại chẳng trăng?
Tôi nảy ra ý định phổ nhạc bài thơ này và gửi email hỏi ý kiến nhà văn Thinh Quang.  Ông rất vui mừng cho tôi biết đây là một bài thơ ông rất yêu thích và đang có ý tìm lại, nhưng không thấy cho đến khi tôi gửi đến cho ông.  "Thừa thắng xông lên", tôi gửi tiếp email cho ông để hỏi thăm thêm về xuất xứ cũng như những gì liên quan đến bài thơ.  Đối với tôi, khi chọn phổ nhạc bài thơ nào, tôi thường cố gắng liên lạc với tác giả để nắm được "cái hồn thơ", tức là những cảm xúc, những điều liên quan ẩn nấp  đằng sau những ý thơ, để mong rằng những nốt nhạc khi tôi mang vào có thể diễn tả được trọn vẹn cảm xúc của tác giả bài thơ. 
Cũng như lần trước khi tôi có dịp tiếp xúc với nhà văn Thinh Quang khi thực hiện Tuyển tập "Vườn Xuân", lần này tôi được biết sức khoẻ của ông bắt đầu sút kém, nhưng ông vẫn "tiếp đãi" tôi một cách rất ân cần và niềm nở qua email.  Ông cho biết "Đây là bài thơ kỷ niệm cuối cùng giữa chị Tuệ Mai nữ sĩ, tôi và nhà thơ nổi tiếng Vũ Hoàng Chương tại Sài Gòn.  Bài này được nhà thơ Vũ Hoàng Chương cũng như nữ sĩ Tuệ Mai lưu ý và tán thưởng một số danh từ thật bình dân như  "trắng toát", hay "năm lại năm hoài" hay "phăng phăng", v.v..." và ông cũng cho biết nếu bài thơ được phổ nhạc thì 'không gì cảm kích bằng". Tôi thật xúc động khi đọc được những lời chia sẻ của ông và hứa với lòng sẽ cố gắng với khả năng của mình để phổ bài thơ thành môt bản nhạc thật hay như món quà mừng tuổi cho ông.
Giòng sông nương khúc rừng thơm ngát
Bàng bạc trăng vàng trắng toát bông.
Sương chẳng trên không màn phủ lợp
Cát phau phau trắng tưởng chừng không.
Những hình ảnh thật đẹp như một bức tranh thuỷ mạc mà theo tôi thiết nghĩ, chỉ có dưới cái lăng kính của người thi sĩ có óc hội hoạ, mới có thể thêu dệt thành một bức tranh tuyệt đẹp đến mê hoặc hồn người như vậy.  Thảo nào như ông cho biết, ngay cả hai thi sĩ nổi tiếng cùng thời với ông là nữ sĩ Tuệ Mai và thi sĩ Vũ Hoàng Chương phải khen ngợi.  
Khi đọc bài thơ vài lần, tôi đã có khái niệm về melody mà tôi sẽ dùng cho bài hát và khi ngồi lướt những ngón tay trên phím đàn, điệu nhạc tango cứ tự nhiên quyện theo từng câu thơ và tôi như chìm đắm trong cái vô thường, cái tỉnh mịch trong không gian tưởng chừng như vô tận:
Người sinh kiếp kiếp khôn cùng tận
Năm lại năm hoài trăng vẫn trăng
Phải thú thật đây là lần đầu tiên tôi phổ một bản nhạc có nét thiền ca, với nhiều từ ngữ Hán, Nôm, mà thế hệ của chúng tôi không còn được nghe đến nhiều.  Tôi xin phép nhà văn Thinh Quang cho phép tôi được thay đổi một vài chữ từ bài thơ nguyên thuỷ cho phù hợp với tiết tấu của bài hát và ông đã khuyến khích tôi cứ tự nhiên.  Đó là đức tính rất đáng quý của một nhà văn bậc lão thành nhưng luôn khiêm cung mà tôi đã bắt gặp ngay trong ý thơ của ông trong bài thơ này:
Bụi trần vô nhiễm, sông cùng sắc
Vằng vặc trăng soi ở giữa trời
Tâm hồn ông thật thanh khiết, không nhiễm bụi trần đời và như ánh trăng soi thanh tịnh.  Đó là lý do mà tôi đã chọn đoạn thơ này làm điệp khúc của bài hát, với nhịp điệu chậm lại với những nốt nhạc trắng khoan thai, để diễn tả cái thanh thoát, tính thiền định trong ý tưởng của ông.
Một mảng mây bồng trôi bạc phếu
Cùng rừng phong lạnh gợi sầu đau
Thuyền ai lơ lững đêm thâu đó?
Chốn nguyệt lâu nào để nhớ nhau?
Khi đọc đến bốn câu thơ này, chắc chắn người đọc đã linh cảm thấy được sự chia cách của một mối tình, đúng như lời nhà văn Thinh Quang cho biết "đây là hình ảnh của cảnh vật của thuở nguyên sơ, thật ra, nó tiêu biểu của thuở ban đầu của ước mơ thầm kín..."  Thật là đẹp với những kỷ niệm của một mối tình thầm kín dưới ánh trăng, trên dòng sông, mảng mây trôi bồng bềnh, cánh rừng phong và con thuyền lơ lững giữa dòng sông Xuân... 
Cuộc đời là những duyên định.  Tôi đã hân hạnh được quen biết nhà văn Thinh Quang từ bốn câu thơ đề trong "Vườn Xuân" và hôm nay, trên giòng "sông Xuân", tôi lại được dịp biết thêm về ông qua bài thơ mà tôi được dịp phổ nhạc này.  Mong cho mùa Xuân với những "trăng sao nở rộ" và "nương khúc rừng thơm ngát" mãi mãi đọng lại trong tâm hồn thanh cao của nhà văn Thinh Quang.
Cao Minh Hưng

Không có nhận xét nào: