Chiến sự vẫn ác liệt ở miền Đông Ukraina
Tình hình Đông Ukraina vẫn rất căng thẳng, các cuộc xung đột tiếp diễn ở nhiều nơi dọc chiến tuyến. Một thủ lĩnh quân sự của lực lượng nổi dậy ở Donetsk bị ám sát càng làm cho ngọn lửa nội chiến khó dập tắt. Giới quan sát đều bi quan về một lối thoát ở vùng này.<!>
Đặc phái viên RFI Sébastien Gobert tại Kramatorsk, tường thuật :
Tiếng đại bác vang vọng được nghe thấy hàng ngày ở Donbass. Vũ khí nặng đã tái xuất ở những vùng trên nguyên tắc được phi quân sự hóa. Các quan sát viên của tổ chức OSCE không che giấu nỗi lo ngại là chiến sự leo thang sau những trận đánh dữ dội mấy tuần qua.
Oanh kích gia tăng nhưng chiến tuyến không lay động, bên này hay bên kia. Người ta lo ngại lực lượng Nga và thân Nga tiến đánh ồ ạt như năm 2014. Hiện giờ nỗi lo này đã phần nào lắng xuống, như phó thống đốc vùng Donetsk, Yevhen Vilinsky, giải thích : « Quân đội Ukraina giờ đã khác rất nhiều so với 2014. Được huấn luyện kỹ càng hơn và trang bị tốt hơn. Sẽ không còn bị thất bại như cách đây hơn hai năm. »
Cho dù lính hai bên có thâm nhập qua chiến tuyến khoảng vài trăm mét, nhưng các lằn ranh phòng vệ vẫn vững chắc và những đợt tấn công đã thất bại.
Đối với nhiều nhà quan sát, cuộc chiến này ở Ukraina ngày càng giống chiến tranh hào lũy trong Thế Chiến Thứ Nhất. Không bên nào thất bại hay chiến thắng được bằng phương thức quân sự. Các cuộc đàm phán hòa bình thì bị đóng băng.
Cuộc đọ sức bằng trọng pháo gây thiệt hại nhân mạng ngày nghiêm trọng thêm : số tử vong và bị thương lên cao hàng tuần, nhưng không làm tình hình cuộc chiến ở đây thay đổi gì nhiều. - RFI
2.
TQ lấy dấu vân tay khách nước ngoài để tăng kiểm soát an ninh
Trung Quốc sẽ bắt đầu lấy dấu vân tay tất cả khách nước ngoài nhằm tăng cường an ninh biên giới, Bộ An ninh Trung Quốc nói hôm thứ Năm 9/2.
Việc lấy dấu vân tay người nước ngoài sẽ bắt đầu thực hiện ở sân bay Thâm Quyến, thành phố phía Nam Trung Quốc giáp với Hong Kong, từ thứ Sáu ngày 10/2, và sau đó sẽ dần được áp dụng trên các cửa khẩu trên toàn Trung Quốc, bộ này viết trong một thông cáo.
Thông cáo này nói Bộ An ninh sẽ lấy dấu vân tay tất cả những người mang hộ chiếu nước ngoài ở độ tuổi 14 đến 70, nhưng không nói rõ họ còn thu thập những số liệu sinh trắc nào khác nữa.
Bộ An ninh nói yêu cầu lấy dấu vân tay là "một biện pháp quan trọng để tăng quản lý xuất nhập cảnh" tương tự như chính sách của nhiều nước khác, hãng AP cho hay.
Các nước như Mỹ, Nhật, Đài Loan và Campuchia cũng dùng biện pháp tương tự.
Dù các cửa khẩu Trung Quốc nhìn chung không có các thủ tục xuất nhập cảnh quá khắt khe, hầu hết du khách vẫn cần xin visa vào Trung Quốc. Tuy vậy, nhiều thành phố Trung Quốc có thỏa thuận miễn visa cho khách du lịch thăm thành phố trong ít ngày trong nỗ lực đẩy mạnh du lịch.
Năm ngoái, chính quyền Trung Quốc ước tính có hơn 76 triệu người nước ngoài nhập cảnh và xuất cảnh Trung Quốc. Phần đông du khách đến từ Nam Hàn, Nhật, Mỹ và Nga. - BBC
3.
Biển Đông: Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ rất cứng rắn đối với Trung Quốc? --- Trung Quốc nâng cấp các cơ sở quân sự ở Hoàng Sa --- Việt Nam phản đối Trung Quốc lập ngân hàng ở Hoàng Sa
Nhân chuyến công du Nhật Bản vừa qua, trong các phát biểu công khai, tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã có những tuyên bố rất ôn hòa về Biển Đông, nhấn mạnh đến các phương pháp « ngoại giao », chống lại các « động thái quân sự rầm rộ », của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo tạp chí Nhật Bản Nikkei Asian Review ngày 08/02/2017, trong những cuộc tiếp xúc riêng với các quan chức Nhật Bản, bộ trưởng Quốc Phòng đã thể hiện những quan điểm cực kỳ cứng rắn đối với Trung Quốc.
Theo nguồn tin trên, ông James Mattis đã so sánh các hành vi quyết đoán của Trung Quốc hiện nay nhằm áp đặt quyền khống chế trong khu vực, với việc đế quốc Minh của Trung Hoa thời xưa, áp đặt ách thống trị đối với các láng giềng bị biến thành chư hầu.
Đối với ông Mattis, các hành động đó không thể chấp nhận được trong thời đại ngày nay.
Tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ dường như đã nói rằng Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận các hành vi khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông nữa. Hoa Kỳ sẽ không chỉ đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ tự do hàng hải, mà lại còn tích cực hơn so với chính quyền Obama trước đây trong việc ngăn chặn đà quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực.
Một cách cụ thể, ông Mattis cho biết là với tân chính quyền Mỹ, tần số các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải của Hoa Kỳ ở Biển Đông sẽ gia tăng. Lời khẳng định này đã minh họa cho tuyên bố công khai của ông trong buổi họp báo chung với đồng nhiệm Nhật Bản Tomomi Inada tại Tokyo vào tuần trước, theo đó quyền tự do hàng hải mang tính tuyệt đối, và tàu thuyền Mỹ vẫn hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. - RFI
***
Các ảnh vệ tinh của Mỹ cho thấy là Trung Quốc đã nâng cấp các hạ tầng cơ sở quân sự ở khu vực phía bắc của Biển Đông, chung quanh quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp.
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á AMTI, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS tại Washington, hôm qua, 08/02/2017, cho biết là Trung Quốc hiện đang nắm 20 tiền đồn trên quần đảo Hoàng Sa và đã mở rộng các cơ sở quân sự trên 8 đảo.
Ba trong số 8 đảo đó hiện đã có những hải cảng lớn có thể tiếp nhận nhiều tàu hải quân và tàu dân sự. Bốn đảo kia có những hải cảng nhỏ hơn, còn một cảng thứ 5 đang được xây dựng trên đảo Duy Mộng ( Drummond Island ).
Cũng theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, trên đảo lớn nhất của Hoàng Sa, đảo Phú Lâm, Trung Quốc hiện có một phi đạo, các nhà chứa máy bay, đồng thời đã triển khai các dàn tên lửa địa đối không HQ-9. AMTI dự đoán là Trung Quốc sẽ mở rộng hơn nữa các cơ sở quân sự ở Hoàng Sa và điều này sẽ giúp Bắc Kinh củng cố sự hiện diện ở Biển Đông, đồng thời gia tăng khả năng của Trung Quốc tung lực lượng ra ở vùng biển này.
Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn thường xuyên cam kết sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ xây dựng ở Biển Đông, khẳng định rằng những vũ khí, thiết bị quân sự mà họ đặt trên các đảo này chỉ nhằm mục đích tự vệ. - RFI
***
Việt Nam phản đối Trung Quốc lập chi nhánh ngân hàng tại thành phố Tam Sa quản lý hành chính hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
Trong cuộc họp báo hôm nay ở Hà Nội, phát ngôn nhân Lê Hải Bình của Bộ Ngoại Giao Việt Nam nhắc lại khẳng định Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mọi hoạt động không được Việt Nam cho phép đều là bất hợp pháp.
Vừa qua, phía Bắc Kinh cho khai trương chi nhánh Ngân Hàng Nhân Dân Trung Quốc BOC hôm 6 tháng Hai tại thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa.
Thành phố Tam Sa do Trung Quốc lâp nên tên từ tháng 7 năm 2012. Đây là đơn vị hành chính quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và bãi Macclesfield tại Biển Đông. Phía Trung Quốc gọi Hoàng Sa là Tây Sa, bãi Maccklesfield là Trung Sa và Trường Sa là Nam Sa.
Bất chấp mọi phản ứng khá gay gắt lâu nay của Hà Nội, Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng cũng như tiến hành các hoạt động bị cho là phi pháp trên khu vực gọi là Tam Sa vì Hà Nội cáo buộc xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam.
Trung Quốc tiếp tục xây dựng hạ tầng tại Hoàng Sa
Mặt khác, hình ảnh chụp từ vệ tinh mới đây nhất cho thấy Trung Quốc tiếp tục xây dựng thêm cơ sở hạ tầng quân sự trên vùng đảo Hoàng Sa.
Theo báo cáo của tổ chức mang tên Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Chiến Lược Và Quốc Tế ở Washington, được báo South Morning Post hôm nay trích dẫn lại, thì Trung Quốc đang chiếm giữ 20 tiền đồn thuộc quần đảo Hoàng Sa cũng như đã mở rộng những cơ sở quân sự trên 8 hòn đảo trong vùng Hoàng Sa.
Báo cáo của Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á cũng cho biết 3 trong số những cảng mà Trung Quốc đang quản lý có thể chứa một số lượng lớn tàu hải quân và tàu dân sự.
Ngoài ra, vẫn theo báo cáo vừa nêu, 5 đảo đã có bãi đáp cho trực thăng, trong đó có đảo Quang Hòa thuộc Hoàng Sa. Riêng Phú Lâm là hòn đảo lớn nhất trong Hoàng Sa thì được trang bị đường băng với một khu chứa máy bay và tên lửa chiến lược đất đối không HQ-9.
Theo các chuyên gia Hoa Kỳ, không phài hầu hết những khu bị Trung Quốc chiếm trên vùng đảo Hoàng Sa đều có những cơ sở quân sự quan trọng, thế nhưng hình ảnh các tòa nhà và những vật liệu xây cất dẫn tới quan ngại là Trung Quốc đang chuẩn bị mở rộng thêm những hạ tầng cơ sở trong thời gian tới. - RFA
4.
TQ ‘trả đũa’ Hàn Quốc về vụ phi đạn THAAD
Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc cho hay chính quyền Trung Quốc đã đình chỉ thi công của dự án bất động sản trị giá nhiều tỷ đô la sau một cuộc kiểm tra an toàn, giữa những quan ngại của Seoul rằng Bắc Kinh đang ‘trả thù’ kế hoạch của Hàn Quốc cho Mỹ đặt hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD.
Tại Hàn Quốc, nhiều người tin rằng Bắc Kinh đang phân biệt đối xử với các công ty Hàn Quốc cũng như hủy bỏ các buổi trình diễn của nghệ sĩ Hàn mà không giải thích lý do.
Truyền thông Hàn Quốc mô tả loạt kiểm tra an toàn tại Lotte là hành động trả đũa quyết định của Hàn Quốc cho thiết đặt THAAD trên khu đất hiện là một phần sân golf do Lotte làm chủ.
Từ tháng 12, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra an toàn chữa cháy , thanh tra cơ sở, điều tra thuế tại hầu hết các địa điểm của Lotte ở Trung Quốc bao gồm khoảng 120 cửa hàng bán lẻ, một nguồn thạo tin cho Reuters biết.
Hệ thống radar của THAAD có khả năng vươn tới lãnh thổ Trung Quốc và Bắc Kinh đã từng tuyên bố rằng THAAD đe dọa an ninh Trung Quốc chứ không giúp ích gì trong việc xoa dịu căng thẳng bán đảo Triều Tiên.
Phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng, từ chối trả lời thẳng câu hỏi liệu THAAD có ảnh hưởng gì tới dự án của Lotte ở Trung Quốc hay không. Thay vào đó, ông Lục nói Trung Quốc hoan nghênh đầu tư nước ngoài nhưng các công ty hoạt động ở Trung Quốc phải tuân thủ luật lệ.
Ông Lục cũng nhắc lại rằng quan điểm của Trung Quốc về việc bố trí THAAD đã rất rõ ràng.
Công trình thi công của Lotte bao phủ diện tích 1.45 triệu mét vuông trong đó có một siêu thị và một rạp chiếu phim đã khai trương. Lotte dự định xây dựng các khu cư dân và một công viên giải trí. - VOA
Tin Hoa Kỳ
5.
TT Trump gửi thư cho Chủ tịch Trung Quốc --- Trung Quốc không vội điện đàm với ông Trump vì sợ ‘mất mặt’?
Tòa Bạch Ốc vừa công bố bức thư của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gửi cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay, thứ Tư 9/2. Trong lá thư, ông Trump chúc nhà lãnh đạo Trung Quốc một năm mới hạnh phúc và nói ông mong muốn phát triển “mối quan hệ mang tính xây dựng và có lợi cho cả Hoa Kỳ và Trung Quốc”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có phản ứng tích cực với thông điệp trên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm thứ Năm nói Trung Quốc đánh giá cao bức thư của ông Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình trông đợi được làm việc với tân chính phủ Mỹ. Ông Lục Khảng phát biểu:
“Chúng tôi đánh giá cao những lời chúc Tết của Tổng thống Trump gửi đến Chủ tịch Tập Cận Bình và nhân dân Trung Quốc. Trung Quốc coi trọng sự phát triển của mối quan hệ Trung-Mỹ. Như Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ ra, Trung Quốc và Hoa Kỳ có trách nhiệm đặc biệt trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định của thế giới và thúc đẩy sự thịnh vượng toàn cầu, Trung Quốc và Hoa Kỳ có trách nhiệm đặc biệt và chia sẻ các lợi ích chung. Sự hợp tác giữa 2 nước chúng ta là lựa chọn đúng đắn duy nhất. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ trên căn bản tôn trọng các nguyên tắc không đối đầu, tương kính và cùng có lợi để thúc đẩy hợp tác và kiểm soát tranh chấp”.
Hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc chưa từng nói chuyện với nhau kể từ khi ông Trump trở thành tổng thống. Nhưng phát ngôn viên Trung Quốc Lục Khảng cho biết là hai nước vẫn duy trì các kênh “liên lạc chặt chẽ” với nhau.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump thường xuyên chỉ trích Trung Quốc, đặc biệt về vấn đề thương mại. Ông cũng làm giới lãnh đạo Trung Quốc phẫn nộ khi ông điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và đặt nghi vấn về chính sách “Một Trung Quốc”.
Kể từ năm 1979, Hoa Kỳ công nhận lập trường chính thức của Trung Quốc, theo chính sách “Một Trung Quốc” cho rằng Đài Loan là một phần thuộc lãnh thổ Trung Quốc. - VOA
***
Hôm thứ Năm, Trung Quốc nói nước này coi trọng mối quan hệ Trung-Mỹ, sau khi xác nhận đã nhận được lá thư của Tổng Hoa Kỳ Donald Trump.
Tại cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói:
“Chúng tôi đánh giá cao lời chúc Tết của Tổng thống Trump gửi tới Chủ tịch Tập Cận Bình và nhân dân Trung Quốc”.
Khi được hỏi liệu đây có phải là một cử chỉ cố ý tỏ ra lạnh nhạt hay không khi ông Trump điện đàm với nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác sau khi lên làm tổng thống, nhưng lại không gọi điện thoại cho ông Tập, ông Lục trả lời: “Đây là một nhận xét vô nghĩa”.
Ông lặp lại rằng Trung Quốc và Mỹ đã duy trì “liên lạc chặt chẽ” kể từ khi ông Trump nhậm chức và sự hợp tác giữa hai bên là “chọn lựa đúng đắn duy nhất”.
Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao tại Bắc Kinh cho biết Trung Quốc rất lo lắng về việc ông Tập bị mất thể diện nếu cuộc điện đàm không suôn sẻ diễn ra với ông Trump và các chi tiết của cuộc đối thoại được tiết lộ cho giới truyền thông Mỹ.
Tuần trước, quan hệ giữa Mỹ với đồng minh Úc trở nên căng thẳng sau khi Washington Post công bố chi tiết về một cuộc điện đàm gay gắt giữa ông Trump và Thủ tướng Malcolm Turnbull.
“Đó là điều Trung Quốc không muốn xảy ra”, một nguồn tin thông thạo về quan hệ Trung-Mỹ nhận xét với Reuters. “Đây là điều gây nhiều bối rối đối với Chủ tịch Tập và người Trung Quốc, vốn đặt nặng vấn đề thể diện”.
Một nhà ngoại giao cấp cao phương Tây khác nói có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không vội vàng lên kế hoạch cho một cuộc điện đàm như vậy. Nhà ngoại giao này nói:
“Những điều này cần diễn ra trong các điều kiện có thể kiểm soát được đối với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không thể đảm bảo điều này đối với một nhân vật khó có thể đoán trước như ông Trump”.
Nhà ngoại giao này nhận định thêm:
“Ông Trump có vẻ như đang quá phân tâm với những vấn đề khác trong lúc này nên không chú ý mấy tới Trung Quốc”. - VOA
6.
Quốc hội Mỹ cân nhắc 30 tỷ đô la thúc đẩy quốc phòng
Với cam kết của tân Tổng thống Donald Trump về kiến thiết lực lượng võ trang Mỹ, các quan chức cao cấp trong Ngũ Giác Đài vừa trao cho Quốc hội các kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng hơn 30 tỷ đô la để tậu thêm các máy bay chiến đấu và xe bọc thép mới, cải thiện huấn luyện và nhiều lĩnh vực khác nữa.
Các đề nghị không chính thức mà hãng tin AP nắm được chứng tỏ nỗ lực đầu tiên của Bộ Quốc phòng dưới thời Tổng thống Trump trong việc ngăn không để cho tính sẵn sàng tác chiến của quân đội Mỹ bị xói mòn.
Các phần của kế hoạch này có phần chắc sẽ được đưa vào ngân sách bổ sung chính thức cho năm nay mà chính quyền Trump sắp gửi cho Quốc hội.
Theo kế hoạch, các quan chức hàng đầu trong Bộ Quốc phòng sẽ điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện vào thứ ba tuần sau. - VOA
7.
Thượng nghị sĩ đề nghị cắt giảm số di dân vào Mỹ
Hai Thượng nghị sĩ bên đảng Cộng Hòa ngày 7/2 đề xuất dự luật cắt giảm một nửa số di dân hợp pháp tới Mỹ, chuyển hướng cuộc tranh luận giữa lúc Tổng thống Donald Trump đặt trọng tâm nhiều hơn vào việc hạn chế di dân bất hợp pháp.
Dự luật của Thượng Nghị Sĩ Tom Cotton (bang Arkansas) và David Perdue (bang Georgia) sẽ giảm số thẻ xanh được cấp hàng năm từ 1 triệu xuống còn 500 ngàn.
Ông Cotton lập luận rằng những vấn đề như nhập cư bất hợp pháp, an ninh biên giới và thực thi di trú rất quan trọng nhưng nước Mỹ cũng phải lưu ý đến ảnh hưởng của các di dân hợp pháp đối với người lao động Mỹ.
Dự luật Cải cách Di trú Mỹ vì Công ăn việc làm vững mạnh, gọi tắt là RAISE, sẽ giảm số thẻ xanh (cho thường trú nhân hợp pháp) bằng cách hạn chế các diện thân nhân được công dân Mỹ bảo lãnh, chấm dứt chương trình Sổ xố Thị thực Đa dạng mà Mỹ lâu nay dành cho các nước có ít di dân nhập cư Mỹ, và cắt lượng người tị nạn được phép vào Mỹ.
Thượng Nghị Sĩ Đảng Dân Chủ Jeanne Shaheen gọi dự luật này là “vô nghĩa” và “sát thủ việc làm.”
Mặc dù Tòa Bạch Ốc chưa cân nhắc về dự luật này, nhưng Thượng nghị sĩ Cotton cho báo giới biết ông đã thảo luận ý tưởng với Tổng thống Trump và ông Trump “ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng chung đưa hệ thống di trú hợp pháp của chúng ta trở thành một hệ thống dựa trên tính thích đáng.”
Thượng nghị sĩ Cotton bác các quan ngại về việc hạn chế các gia đình đoàn tụ tại Mỹ. Theo lập luận của ông, quan tâm rằng dự luật này làm cho các gia đình bị chia cắt là ‘nhìn sai hướng’, ‘nhìn về hướng có lợi cho người nước ngoài chứ không phải là về hướng có lợi cho công dân Mỹ.’ - VOA
8.
Việc Trump tấn công thẩm phán 'làm nản lòng'
Người được tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử vào Tòa Tối cao mô tả các cuộc tấn công của ông Trump nhắm vào ngành tư pháp "làm nản lòng" và "mất tự tin".
Ông Neil Gorsuch đưa ra bình luận này với một thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và được phát ngôn viên của ông xác nhận.
Tổng thống trước đó đã gọi vị thẩm phán, người chặn lệnh cấm đi lại gây tranh cãi của ông là "người mang danh thẩm phán", và nói rằng bất kỳ cuộc tấn công khủng bố xảy ra trên đất Mỹ sẽ là lỗi của ông ta.
Lệnh cấm nhập cảnh những người đến từ bảy quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo đang được tòa phúc thẩm xem xét.
Thẩm phán James Robart tuần trước chặn đứng sắc lệnh của tổng thống và lập luận đó là vi hiến.
Ông Trump phản ứng lại trên Twitter: "Quan điểm của người mang danh thẩm phán đó thật nực cười!"
Ông cũng tấn công vị thẩm phán này nhiều lần vào cuối tuần qua.
Những người thuộc đảng Dân chủ và các nhà phê bình cho rằng bình luận của ông Trump về bộ máy tư pháp làm suy yếu nguyên tắc cốt lõi của nền dân chủ Mỹ mà theo đó tòa án phải hoạt động độc lập.
'Tiến thoái lưỡng nan'
Anthony Zurcher, phóng viên BBC tại Washington bình luận: "Donald Trump bổ nhiệm trọn đời ông Neil Gorsuch vào ghế trống của Tòa Tối cao Mỹ.
Tòa Tối cao có quyền tối thượng về pháp luật liên quan các vấn đề nhạy cảm nhất như phá thai, kiểm soát súng.
Tại nơi này, vị thẩm phán 49 tuổi được trao cơ hội tạo dấu ấn.
Ông Gorsuch, người được đánh giá cao hiện có vẻ không thoải mái khi giải thích lý do tại sao tổng thống, người đề cử ông, dường như có ý định làm xói mòn quyền lực của bộ máy tư pháp.
Với việc gọi một người "mang danh thẩm phán" và cảnh báo sẽ đổ lỗi cho thẩm phán về các cuộc tấn công khủng bố trong tương lai, ông Trump đã gây nên mối bất đồng.
Có chứng cứ cho thấy ông Gorsuch có thể không giữ mồm giữ miệng và đóng vai chiến binh trung thành. Ông có danh tiếng để bảo vệ.
Đây là thế tiến thoái lưỡng nan với những người bảo thủ.
Tổng thống trao cơ hội cho những người đảng Cộng hòa để đạt được những mục tiêu đã bị trì hoãn sau tám năm cầm quyền của đảng Dân chủ. Tuy vậy, họ có thể không tận hưởng cuộc hành trình mà tổng thống đưa họ theo để đạt được điều đó". - BBC
9.
Thượng viện Mỹ phê chuẩn tân bộ trưởng tư pháp
Thượng viện Mỹ phê chuẩn đề cử của Tổng thống Donald Trump cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp, Thượng nghị sĩ bang Alabama Jeff Sessions, với 52 phiếu thuận, 47 phiếu chống.
Việc phê thuận diễn ra sau một loạt cuộc điều trần gây chia rẽ. Các thành viên đảng Dân chủ tấn công ông Sessions về quá khứ liên quan đến dân quyền.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren gợi lại những lời cáo buộc ông Sessions phân biệt chủng tộc.
Việc đề cử Thượng nghị sĩ Alabama là một trong những quyết định gây tranh cãi nhất của ông Trump.
Chỉ một Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ - Joe Manchin - bỏ phiếu ủng hộ ông Sessions.
Từ bây giờ, ông Sessions sẽ chịu trách nhiệm gánh vác Bộ Tư pháp và điều hành 113.000 nhân viên.
Sau cuộc bỏ phiếu, ông Sessions phát biểu: "Không có vinh dự nào lớn hơn khi được đại diện cho người dân Alabama tại Thượng viện."
"Tôi đánh giá cao cuộc tranh luận và cảm ơn những người sau đó đủ tự tin để bỏ phiếu phê duyệt tôi vào vị trí tân bộ trưởng tư pháp."
"Tôi thấu hiểu được trách nhiệm lớn lao của vị trí này."
Tuy nhiên, ông Sessions nói thêm rằng "việc gièm pha những người không nhất trí với chúng ta là không tốt cho nền chính trị của chúng ta".
Trong cuộc tranh luận trước khi bỏ phiếu, bà Warren và các thượng nghị sĩ Dân chủ khác gợi lại những lời chỉ trích ông Sessions từ phía góa phụ của Martin Luther King, người phản đối ông làm thẩm phán liên bang năm 1986 và cáo buộc ông dọa nạt cử tri da đen.
David Duke, cựu thủ lĩnh của KKK, hoan nghênh việc phê chuẩn và viết trên Twitter: "Việc ông Trump bổ nhiệm Bannon, Flynn và Sessions là những bước đầu tiên trong công cuộc đưa nước Mỹ trở lại" - BBC
Tin Việt Nam
10.
Trung Quốc giải cứu 32 cô dâu Việt
Trung Quốc đã giải cứu 32 phụ nữ Việt Nam bị bán sang nước này để làm vợ cho các nông dân địa phương, AFP dẫn lời cảnh sát cho biết hôm 9/2.
Chính quyền cũng bắt 75 nghi can được coi thuộc một đường dây buôn người, dụ dỗ các phụ nữ Việt Nam tới tỉnh Vân Nam làm việc.
Hãng truyền hình nhà nước CCTV đưa tin rằng các nạn nhân bị giữ tại các khu vực núi non, hẻo lánh, gần biên giới Việt Nam, trước khi được bán cho người mua ở 6 tỉnh miền đông và miền trung Trung Quốc.
Một nạn nhân cho biết bà đã bị “đánh bằng ống thép” khi tìm cách bỏ trốn, cũng như bị đe dọa khi từ chối làm vợ người mua.
Đây không phải là lần đầu tiên các phụ nữ Việt Nam được giải cứu sau khi bị bán sang Trung Quốc.
Tình trạng mua bán phụ nữ để làm vợ là một vấn nạn lớn ở Trung Quốc do sự mất cân bằng giới tính. Tội buôn người ở quốc gia đông dân nhất thế giới có thể đối mặt với án tử hình.
Nhiều thập kỷ qua, chính sách một con của nước này đã khiến nhiều gia đình chuộng con trai hơn con gái.
Mới đây, hồi cuối tháng trước, báo chí trong nước đưa tin rằng Việt Nam triệt phá đường dây lừa hàng chục phụ nữ ở nhiều tỉnh, thành bán sang Trung Quốc.
Có 16 nạn nhân trú tại 3 tỉnh Bình Định, Bình Thuận và Kiên Giang đã bị lừa bán sang Trung Quốc để lấy chồng hoặc bị ép bán dâm. Mỗi cô gái bị lừa bán với giá trên 300 triệu đồng/người. - VOA
11.
Thêm một năm trắng tay của các chủ nhà hàng Hà Tĩnh
Vụ Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường tiếp tục đưa đến hàng loạt hệ lụy khôn lường trong đời sống cộng đồng.
Từ ngày Formosa xả thải làm cá biển chết hàng loạt cho đến nay, hàng loạt nhà hàng ven biển Hà Tĩnh không còn một bóng khách. Sáng ngày 8 tháng 2 năm 2017, có tin Bộ tài chính vừa cấp thêm 1.680 tỷ đồng tiền bồi thường thiệt hại của Formosa. Tuy nhiên, trong số nhận bồi thường đó không có chủ của những nhà hàng đã phá sản vì Formosa.
Bà Nguyễn Thị Thương, chủ nhà hàng nơi đây than rằng coi như lại thêm một năm nữa sẽ trắng tay: “Cuộc sống của cô hiện tại bây giờ là sang cái năm nay, từ đợt xảy ra sự cố đến giờ là rất khó khăn, khó khăn từ vật chất, từ tinh thần, khó khăn từ mọi điều kiện làm ăn. Thế còn bây giờ, muốn khắc phục trở lại đây để mà làm ăn, lấy hàng chất lượng, lấy hàng của hồ mình nuôi, hoặc lấy hàng của hồ lòng bè mình làm, họ cũng không ai tin tưởng đến mà ăn. Là vì chưa được 100% người là tin tưởng về an toàn hải sản”.
Không quá lời khi nói rằng giờ đây xứ biển Hà Tĩnh đang là vùng đất chết đối với giới kinh doanh nhà hàng hải sản. Không có khách ngay từ sau vụ xả thải hủy diệt môi trường biển của Formosa, những ông bà chủ nhà hàng nơi đây ráng cầm cự, nhưng rồi cứ mãi kéo dài chuyện ô nhiễm khiến nhiều nhà hàng đã giở bỏ cơ ngơi, kiếm kế sinh nhai khác.
Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Thương, trước đây mỗi năm bà tiêu thụ hàng chục tấn hải sản, và có thể giúp cả họ cùng làm giàu: “Cô ra đây được 7, 8 năm rồi. Buôn bán của cô thuận tiện. Trừ trường hợp bão gió thì mình tu sửa lại một vài ba ngày gì đó thôi, chứ buôn bán thuận tiện. Gia đình cô, cả con cái sinh sống đây cả đó. Mình làm ăn được. Bây giờ thì một năm nay là mình trắng tay. Một năm nay là đóng quán, giữ quán, coi quán và dọn vệ sinh. Có ai quen biết đến hỗ trợ thì mình được một vài mâm, còn hổng có thì mình chấp nhận.”
Giờ đây, những người như bà Thương đang cố níu giữ cơ ngơi đầu tư bạc tỷ này để mong ngày biển miền Trung thật sự hồi sinh, để hàng quán nơi đây có lại cảnh tấp nập như trước khi xảy ra vụ xả thải hủy diệt của Formosa. Tuy nhiên, niềm tin này ngày càng cạn dần, khi mà còn nhiều nơi khác cũng bị thiệt hại từ chuyện xả thải của Formosa. Họ đã phải xuống đường đòi đền bù nhưng rồi chỉ nhận được những lời hứa hẹn từ nhà chức trách.
Sẽ là một năm Đinh Dậu thật dài đối với những ông bà chủ nhà hàng ở ven biển Hà Tĩnh. - VOA
12
Tân Sơn Nhất: ‘sẽ đề nghị Bộ Quốc phòng giao đất’
Một cuộc họp của Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đã bàn đến phương án phát triển và cải tạo phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất đồng thời nêu đề nghị để Bộ Quốc phòng "Bộ Quốc phòng sớm giao đất để triển khai xây dựng thêm nhà ga T3, T4".
Hiện chưa rõ kế hoạch này có nói đến việc thu hồi hoặc tận dụng mặt bằng của sân goft do quân đội kiểm soát hay không.
Cuộc họp hôm 6/2/2017 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa chủ trì diễn ra trong lúc nhiều ý kiến trong dư luận đặt câu hỏi về chuyện sân bay Tân Sơn Nhất thiếu mặt bằng mà lại có một sân golf của công ty quân đội nằm ngay cạnh đường băng.
Tuy nhiên, ông Trương Quang Nghĩa chỉ nói là "sẽ tiếp tục đề nghị Bộ Quốc phòng sớm giao đất" trong một phương án có sử dụng quỹ đất đã có của quân đội.
Ngoài ra, trang Giáo dục Việt Nam đăng tin này cũng cho hay:
"Phương án này chỉ sử dụng đất của phòng không không quân với thời gian xây dựng nhanh trong vòng 2 - 3 năm và có thể nâng công suất lên tới 42 - 43 triệu khách/năm với tổng vốn đầu tư vào khoảng 19.700 tỉ đồng."
Ba phương án mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất do đơn vị ADCC thuộc Quân chủng Phòng không Không quân đưa ra đã được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đem ra bàn thảo ngày 20/1/2017, theo các báo Việt Nam.
Một trong số các phương án đó nói đến khả năng "xây dựng mới toàn bộ hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà ga và các công trình phụ trợ trên diện tích khu vực sân golf phía bắc Cảng hàng không và giải phóng thêm các khu vực dân cư xung quanh để đảm bảo khai thác".
Nhưng cuối cùng thì phương án này không được chấp nhận và theo trang Zing hôm 20/01 thì chính phủ "Không chọn phương án làm nhà ga ở sân golf Tân Sơn Nhất".
Trang Alegolf.com giới thiệu đây là "sân golf đẳng cấp giữa lòng Sài Gòn".
Quá tải cần nhiều giải pháp
Cuộc họp của Bộ Giao thông Vận tải cũng nhận định tại Tân Sơn Nhất, "khu bay đã tới giới hạn, sân đỗ thiếu và nhà ga hành khách đã quá tải trầm trọng nên cần phải cấp bách đầu tư".
Cũng báo Giáo dục Việt Nam viết, chỉ trong năm 2017 "Tân Sơn Nhất có thể đón 35 triệu hành khách và con số này trong các năm 2018, 2020 sẽ là 45 và 49 triệu khách".
Sân golf của quân đội cạnh đường băng Tân Sơn Nhất đang trở thành biểu tượng cho sự mâu thuẫn lợi ích giữa lực lượng này và công chúng, theo Mike Ives, từ hãng thông tấn AP, trong một bài viết hồi tháng 5/2015.
Tác giả này cũng nói:
"Sân bay bận rộn nhất của Việt Nam, nơi từng đón hàng nghìn lính Mỹ đến tham chiến, giờ đây là tâm điểm của một vụ việc gây tranh cãi liên quan đến quyền lực của quân đội trong lĩnh vực thương mại.
Để giải quyết tình trạng quá tải tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất ở TP.HCM, các lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản đã đề xuất xây một sân bay trị giá 15,8 tỷ đôla, cách đó khoảng 40km."
"Tuy nhiên một số cư dân thành phố và các chuyên gia hàng không nói việc mở rộng sân bay sang khu đất kế đó, vốn do quân đội quản lý, là điều hợp lý hơn."
Theo Mike Ives, dư luận Việt Nam cũng không khỏi thắc mắc là vì sao nơi này lại được sử dụng để xây dựng sân golf.
Theo thống kê của chính phủ, các doanh nghiệp quân đội có lợi nhuận trước thuế là 46 nghìn tỷ đồng (2,14 tỷ đôla) trong năm 2014, tác giả này viết.
Từ đó đến nay, tại Việt Nam đã có nhiều cuộc họp chính thức bàn về việc giải quyết ách tắc giao thông hàng không, đường bộ, nạn ngập nước tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Một giải pháp được nêu gần đây là "xây cáp treo" hoặc đường trên cao ra vào sân bay này.
Được biết một số phi cơ được ngành hàng không cho đi "trú đêm' ở Cần Thơ vì Tân Sơn Nhất quá tải.
Dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, số Việt kiều về quê và người thân ra đón họ tại Tân Sơn Nhất lại làm giao thông quanh phi trường này tắc nghẽn nghiêm trọng. - BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét