Tôi là con gái Bắc kỳ chính cống, nhưng lại lớn lên ở Sàigòn, nên Sàigòn đối với tôi là một ‘quê nhà’ thắm thiết vô cùng. Tôi đến với Sàigòn, thuở Sàigòn còn là một thành phố với những hình ảnh mộc mạc thanh khiết.<!>Gái Sàigòn đơn giản hiền hòa với áo bà ba trắng, với quần đen ống thật rộng, với đôi guốc mộc nhẹ tênh hình cái thuyền, với mái tóc dài ôm trọn khuôn mặt không chút phấn son.
Hồi mới tới Sàigòn, gia đình tôi tạm trú tại nhà bà dì ở đường Quai de Belgique, sau này đổi thành bến Chương Dương. Ðứng ở trên lầu, tôi có thể nhìn thấy quang cảnh thuyền bè đi lại tấp nập. Những chiếc thuyền chở đầy những buồng chuối vàng au, những lồng gà, lồng vịt, những chùm dừa xiêm còn nguyên cả cành nằm chen chúc nhau, khoe cái vỏ xanh láng mướt. Tất cả tượng trưng cho sự trù phú của miền Nam.
Nhà dì tôi ở gần chợ Cầu Kho nên ngày đầu tiên chúng tôi đã được một ông chú họ dẫn đi chợ. Tôi mê nhất là gian hàng trái cây bởi vì có nhiều thứ ngoài Bắc không có. Tôi còn đang trố mắt ngó những trái to tròn như trái banh có hai mầu khác nhau, trái xanh mướt như ngọc, trái tím thẫm như mầu trái bồ quân thì cô bán hàng đã đon đả nhìn ông chú tôi:
- Mua ‘dú sữa’ đi thầy hai. ‘Dú sữa’ của em đặc biệt ‘giường nhà’ ngọt lắm đó.
Thì ra mấy trái mà tôi đang ngó là mấy trái vú sữa ở vườn nhà cô ta. Hồi đó tôi mới có 12 tuổi, còn ngây ngô chưa biết nói tiếu lâm nên hơi ngạc nhiên khi thấy ông chú tôi nhìn cô ta cười tủm tỉm với đôi mắt tinh nghịch:
-Vú sữa của cô ngon thiệt hả?
Cô ta gật đầu lia lịa:
- Ngon thiệt mà thầy hai.
Chú tôi chọn mua một chục trái, cô ta đưa thêm 4 trái và nói:
-Thường một chục có 12 trái thôi nhưng là của ‘giường nhà’ nên một chục em tính 14 trái lận.
Chú tôi đưa tiền trả, thay vì phải thối lại 50 xu, cô ta cầm tờ 1$ xé toạc ra làm đôi, đưa chú tôi một nửa. Chúng tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Ngày đầu tiên đã học được hai cái đặc biệt của Sàigòn. Một chục là 12 hoặc 14, nửa tờ giấy 1$ là 50 xu.
Phải công nhận người miền Nam rộng rãi và đơn giản. Một chục mà cho thêm thành 12 tới 14 và thay vì mất công đi tìm tiền xu thì cứ việc cầm tờ giấy 1$ xé béng ra làm 2 là xong ngay. Giản dị và tiện lợi biết bao.
Sàigòn đã thu phục tình cảm của tôi một cách nhanh chóng. Hai mươi mốt năm sau, khi rời bỏ Sàigòn tôi đã khóc như phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn. Sàigòn đã trở thành một nơi chốn thân thiết vô cùng. Không yêu Sàigòn sao được khi Sàigòn là nơi chứng kiến tất cả kỷ niệm vàng son của thời con gái. Sàigòn với ngôi trường Trưng Vương yêu dấu, nơi đã cho tôi biết bao nhiêu người thầy đáng kính, bao nhiêu người bạn dễ thương, bao nhiêu tình cảm quí mến chân thành. Làm sao quên được con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm rợp lá me bay, những chiều tan học, tràn ngập những tà áo trắng quấn quít gót chân son. Thảo cầm viên đã được nghe không biết bao nhiêu lời thì thầm tâm sự của các nàng Trưng Vương, những giờ nghỉ học, vừa chuyện trò, vừa lang thang hái trộm những cánh hoa mầu tím, ép vào những trang sách học trò. Con đường Thống Nhất rộng thênh thang đưa tới rạp Norodom tưng bừng rộn rã của những ngày Đại hội Văn nghệ học sinh. Tôi như vẫn còn mường tượng thấy khung cảnh rộn ràng trong hậu trường sân khấu. Tuy bận rộn sửa soạn cho những màn trình diễn, nhưng các chàng Chu Văn An vẫn không bao giờ quên gửi đến các nàng Trưng Vương những ánh nhìn say đắm. Chỉ một cái nhìn thật nhanh, thật nhẹ mà sao cũng đủ làm cho ai kia má phải ửng hồng.
Vòng ra bờ sông là bến tàu lộng gió của những sáng đón đưa, những chiều hò hẹn. Con đường Lê Lợi với những chiều thứ bẩy đẹp trời cùng bạn bè dạo phố. Mỗi lần đi qua tiệm Kim Sơn ở góc đường, chúng tôi luôn luôn phải vờ chăm chú ngó mấy món hàng linh tinh bầy bán lề đường, để tránh những cặp mắt nhìn hau háu của mấy ‘ông nội’ ngồi ‘pẹc mơ năng’ ở ngoài hiên giống như mấy ‘Side-walk café’. Tiệm sách Khai Trí là nơi hấp dẫn nhất. Luôn luôn làm chúng tôi mê mẩn trước những cuốn tiểu thuyết còn thơm mùi mực mới.
Màn cuối cùng của buổi dạo phố thường thường là góp tiền lại, rủ nhau vào một tiệm kem. Vừa nhấm nháp những thìa kem dâu, kem dừa mát rượi, vừa nghe những bản nhạc ngoại quốc nổi tiếng thịnh hành mà chúng tôi thay phiên nhau yêu cầu nhà hàng để dĩa hát, như A Certain Smile, You’re My Destiny, I Went to Your Wedding, Diana v.v...
Hôm nào có phim hay cả bọn lại rủ nhau chui vào một trong hai rạp ciné permanent Lê Lợi hay Vĩnh Lợi. Mỗi lần vào đây là chúng tôi phải đề cao cảnh giác. Vì luôn luôn có một số các chàng thanh niên hay lợi dụng sự đông đúc chen lấn để dở trò ba mươi lăm. Một hôm có một chàng làm bộ đứng sát sau lưng, tôi bèn làm như vô tình quay ngang người lại hích cho chàng một cái cùi chỏ nên thân. Tan ciné, tôi kể chuyện cho lũ bạn nghe, chúng cười hi hí có vẻ khoái chí lắm. Từ đó các bạn tôi học được màn hích cùi chỏ để trừng trị các chàng gian manh. Sau khi xem ciné, nếu còn đủ tiền rủng rỉnh trong túi, chúng tôi rủ nhau vào hẻm Casino làm một chầu bánh tôm, bún chả. Nếu chỉ còn ít tiền, thì ra góc Viễn Ðông. Ðứng ở lề đường ăn phá lấu với thịt bò khô. Ăn xong, ớt còn cay xè trong miệng mà vẫn đủ tiền uống một ly nước mía cốt vắt thêm miếng chanh nhỏ xíu, hoặc sang hơn, vắt nguyên nửa quả quít thì còn gì sướng hơn nữa. Có hôm thay vì ăn ở góc Viễn Ðông, chúng tôi lại đi ngược chiều ra góc chợ Bến Thành. Nơi có hàng bò viên nóng hổi, thơm phức mùi tiêu với hành ngò. Sau đó, tráng miệng bằng một ly đậu đỏ bánh lọt. Hoặc rủ nhau vào quán Bà Ba Bủng ở đường Thủ Khoa Huân, sau chợ Bến Thành, ăn bún riêu, bánh cuốn. Sàigòn có không biết bao nhiêu món ngon, hấp dẫn những cái miệng thích ăn quà vặt của các nàng Trưng Vương thuở đó.
Mùa Giáng Sinh tới. Sàigòn tưng bừng như mở hội. Người ta không phải bận tâm lo mua quà tặng nhau như ở xứ Mỹ. Ðêm Noel, có đạo hay không, mọi người cũng thích rủ nhau đi dạo trên đường Tự Do. Trai thanh, gái lịch, quần áo lượt là, chen vai, thích cánh, suốt dọc hè phố từ nhà Quốc Hội đến nhà thờ Ðức Bà. Người trẻ đi để ngắm nhau. Người lớn tuổi đi tìm không khí Noel, cái không khí mà suốt 26 năm sống trên đất Mỹ tôi không làm sao tìm lại được. Hầu như tất cả dân ‘chịu ăn chịu chơi’ của Sàigòn đều có mặt trên đường Tự Do. Ði dạo mỏi chân, mọi người lại rủ nhau vào ngồi trong Givral, La Pagode, Continental hay ngồi ở công viên rộng lớn trước nhà Quốc Hội hoặc trước tòa Ðô chánh để chờ nghe tiếng chuông đổ hồi rền rã của nhà thờ Ðức Bà báo hiệu lễ nửa đêm mừng Chúa ra đời.
Sau lễ, mọi người về nhà ăn Réveillon. Nồi cháo gà nóng hổi, khói lên nghi ngút, là món không thể thiếu trong bữa tiệc mừng Giáng Sinh đặc biệt này. Noel của Sàigòn thật vui, thật đầm ấm, thật nhẹ nhàng, thoải mái. Không có quá nhiều lo nghĩ về vấn đề tài chánh phải chi tiêu cho quà cáp. Không khí Noel ở đất Mỹ mang tính cách thương mại nhiều hơn là không khí thiêng liêng đặt biệt của ngày lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Trước Noel cả mấy tháng người ta đã trưng bầy cây Noel để bán. Bắt mọi người phải nhìn ngắm mãi đâm nhàm chán. Gần sát ngày lễ Noel ai cũng tất bật lo chuyện mua quà, gói ghém cho kịp giờ mở quà đêm mừng Chúa ra đời. Tất cả chỉ có vậy. Ðêm Noel người ta chỉ thấy quá mệt mỏi. Rộn ràng được một chút lúc mở quà. Sau đó là hết. Trống vắng buồn tênh. Thời tiết lạnh lẽo. Nhà thờ Việt Nam thì ở xa. Kiếm được chỗ đậu xe không phải là dễ. Mùa đông buốt giá, chưa kể nếu có tuyết, đường trơn trượt nguy hiểm. Do đó ít ai nghĩ đến chuyện đi lễ nửa đêm. Bởi vậy cứ mỗi lần mùa Giáng Sinh tới là tôi lại nhớ Sàigòn da diết. Nhớ thánh lễ nửa đêm thật tưng bừng ở nhà thờ Ðức Bà. Nhớ con đường Tự Do tràn ngập người đi của những đêm Noel đầm ấm năm xưa.
Tết đến còn vui hơn nữa. Xung quanh chợ Bến Thành những gian hàng bán bánh mứt được dựng lên san sát với nhau. Tiếng rao hàng của những lao phóng thanh vang lên rộn rã. Người đi mua sắm tấp nập. Ai cũng tay sách nách mang. Ngày Tết không nhà nào là không có đủ thứ mứt, hạt dưa, bánh chưng, dò chả.
Nhắc đến Tết ở Sàigòn là ai cũng phải nhớ ngay đến chợ hoa ở đường Nguyễn Huệ với những cành đào, cành mai tươi thắm. Những chậu cúc, chậu thược dược đủ màu đua nhau khoe sắc. Những chậu quất trĩu quả vàng tươi. Những bát thủy tiên toả hương thơm thật dịu dàng, thanh khiết. Nhưng có một thứ hoa đẹp nhất làm chợ rực rỡ hẳn lên đó là hoa biết nói. Các nàng thiếu nữ yểu điệu trong những tà áo dài đủ mầu tha thướt đi dạo trong chợ hoa là hình ảnh đẹp nhất của ngày Tết ở Sàigòn.
Tôi còn nhớ thời con gái, cứ 23, 24 Tết là chúng tôi đã nôn nao sửa soạn quần áo để rủ nhau đi chợ hoa. Dạo chợ hoa là một náo nức không thể thiếu của các nàng thiếu nữ mỗi lần Tết đến. Cũng như đi chợ hoa để ngắm người đẹp là một điều bắt buộc, không thể nào quên của các chàng trai.
Chợ hoa ở đây sao tẻ nhạt quá. Có lẽ vì hoa không đủ thắm, lại chỉ có lưa thưa, bầy bán rải rác nên không hấp dẫn được người đi. Vả lại các chàng nếu có muốn đi chợ hoa để ngắm người đẹp, thì cũng chỉ tìm thấy những áo ‘cốt’ dầy cồm cộm, to xù xù di động. Chứ làm sao có thể tìm lại được những bóng dáng yêu kiều trong tà áo dài lả lướt của chợ hoa Nguyễn Huệ năm xưa. Thời tiết lạnh lẽo quá, ít ai ở đây còn nghĩ đến chuyện mặc áo dài đi chợ Tết, nên hình ảnh chiếc áo dài trở nên hiếm quí vô cùng. Thật tội nghiệp cho những người Việt Nam xa xứ. Phải cố gắng tưởng tượng mùa xuân trong cái giá buốt của mùa đông. Hoa tuyết rơi mà phải tưởng tượng là hoa đào nở, gió đông lạnh lẽo mà cứ cố nhắm mắt lại để mơ tưởng đến ánh xuân nồng. Tết năm nào tôi cũng cố gắng tìm cho được một cành hoa forsythia để trang hoàng nhà cửa. Ðể tự đánh lừa mình là nhà ta cũng có mai vàng.
Tết nhất đến nơi mà sao giọng Don Hồ cứ buồn não nuột, anh chàng đang hát một bài mà tôi rất thích của nhạc sĩ Ðức Huy:
...’Tôi hay nhớ về quê nhà vào buổi chiều. Nhất là những buổi chiều hay mưa. Cũng may Cali trời mưa ít không như Sàigòn. Nếu không, tôi đã khóc một giòng sông...’
Ngoài cửa sổ, chiều nay trời thật đẹp. Những giải nắng vàng còn vương vấn trên mấy ngọn cây cao. Mấy hôm nay trời tạnh ráo, không có lấy một giọt mưa nhỏ. Vậy mà không hiểu sao bỗng nhiên lòng tôi chùng hẳn xuống và hình như hồn tôi đang ‘Khóc một giòng sông..’
Hồng Thủy, WDC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét