Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

Lá Thư Úc Châu Trang Thơ Nhạc Xuân Đinh Dậu (III) - TS Nguyễn Nam Sơn

Nhạc Xuân:
1. Ai Lên Xứ Hoa Đào: Hoàng Nguyên -  Mai Thiên Vân - Quang Lê
<!>
2.  Cô Lái Đò: Nguyễn Đình Phúc - Ngọc Bảo
3.  Mùa Xuân Đi Qua: Trầm Tử Thiêng - Băng Châu
4.  Ngày Xuân Thăm Nhau: Hoài An - Hương Lan - Duy Khánh
Tình thân,
NNS
.............................. .............................. .............................. ...............
I. Chuyện Thời sự & Xã hội

(i) Phạm Viết Đào: Ngậm ngùi Tất niên năm "con Khỉ" - 4 Sự kiện trong cuối năm, tháng 1/2017
Liêp tiếp 4 sự kiện nổ ra một cách không ngẫu nhiên trong tháng 1/2017; những sự kiện này nhìn qua tưởng như không liên quan gì với nhau; Thế nhưng, với ai am tường, hiểu sâu thế sự Việt Nam trong giai đoạn hiện này thì sẽ lờ mờ nhận thấy chúng liên quan mật thiết với nhau.
Những sự kiện này đã được lập trình cẩn thận, tính toán chi ly quy ra bằng “tiền tươi thóc thật”; những sự kiện này không là những thao tác chính trị ngẫu nhiên, ngẫu hứng…diễn ra dồn dập vào thời điểm năm cùng tháng tận của năm con Khỉ chuyển qua năm con Gà !
Xin được nêu 4 sự kiện này:
1. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc từ ngày 12-15/1/2017
2. Chính phủ Việt Nam cho biết trên website của mình rằng Thỏa thuận khung Phát triển dự án và Hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh vừa được ký hôm 13/1 giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và Công ty TNHH Thăm dò Khai thác Dầu khí ExxonMobil Việt Nam (ExxonMobil).
Dự án khai thác và mua bán khí đốt lấy từ mỏ Cá Voi Xanh nằm ngoài khơi Quảng Ngãi là dự án khí lớn nhất Việt Nam cho tới nay, được trông đợi đạt dòng khí đầu tiên vào năm 2023.
3. 23/1/2017, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh công năng, quy mô, quy hoạch của Khu bến cảng Cà Ná thuộc Cảng biển Ninh Thuận, tỉnh Ninh Thuận.
4. Bắt giam 2 nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Oai và Trần Thị Nga…
- Ngày 19.01.2017, anh Nguyễn Văn Oai đang đi trên đường 36 thuộc Xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, thì bị một nhóm người được phục kích và bắt giữ.
- Ngày 21/1/2017 bắt chị Trần Thị Nga tại nhà riêng Phủ Lý- Hà Nam…
Về sự kiện thứ 2:
Như thông tin  báo chí đã đưa: Đây là một bước phát triển cụ thể, rõ ràng trong quan hệ Việt-Mỹ thông qua hành động thực tế, có tính toán.
Hoa Kỳ không chỉ tuyên bố chung chung mà bằng việc tham gia đầu tư khai thác mỏ khí đốt Cá Voi Xanh ở ngoài khơi Quảng Ngãi, rất gần với khu vực Trung Quốc xây đảo Gạc Ma.
Sự có mặt của Tập đoàn ExxonMobil cho thấy quyền lợi của Hoa Kỳ liên quan tới Biển Đông không chỉ trên phương diện luật pháp hàng hải mà có “ quả thực” cụ thể được Việt Nam chủ động ký kết…
Sự có mặt của một công ty hàng đầu của Hoa Kỳ tại vùng biển Quảng Ngãi cho thấy Hoa kỳ sẵn sàng đối mặt với những uy hiếp, thách thức từ phía Trung Quốc trên Biển Đông.
Một điều đáng lưu ý: Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã bổ nhiệm ông Rex Tillerson, giám đốc tập đoàn dầu khí đa quốc gia Exxon Mobil, đảm nhận chiếc ghế Ngoại trưởng. Trước khi nhậm chức, ông này đã có những tuyên bố khá cứng rắn với Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông…
Qua sự bổ nhiệm này cho thấy đường lối đối ngoại mới của Chỉnh phủ Hoa Kỳ: quyết tâm can dự và ra tay bảo vệ những “ quả thực “ của mình ở Biển Đông và “ quả thực “ này đã có địa chỉ…
Về sự kiện thứ 3:
Mặc dù dự luận đang choáng váng sau sự cố Formosa, nhiều chuyên gia lên tiếng phản biện về Dự án Thép Cà Ná do chủ Đầu tư là Tập đoàn Hoa Sen đề xuất; nhưng Thủ tướng Chính phủ vẫn ký quyết định đồng ý điều chỉnh công năng, quy mô, quy hoạch của Khu bến cảng Cà Ná thuộc Cảng biển Ninh Thuận, tỉnh Ninh Thuận? Mọi người đều biết: Dự án xây dựng nhà máy luyện thép này chắc chắn có yếu tố Trung Quốc, có bàn tay, vốn liếng của các nhà đầu tư Trung Quốc ?
Và theo một số nguồn thạo tin: Khu bến cảng này được điều chỉnh lên 1500 ha và nhận được một ưu tiên đặc biệt: miễn tiền thuế thuê đất trong cả đời dự án ? Đây là một dự án được gấp rút bổ sung quy hoạch sau chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Viêc điều chính và mở rộng quy hoạch cảng Cà Ná này tạo điều kiện và bật đèn xanh cho các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam như tuyên bố của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Trung Quốc trước đó…
Như vậy, có khả năng chuyến thăm Trung Quốc của TBT Nguyễn Phú Trọng đã khớp nối các thao tác kinh tế- ngoại giao nhằm mục đích phân chia, cân bằng 2 thế lực đang gầm ghè nhau “miếng bánh” Biển Đông: Việt Nam chia phần, hợp tác với cả hai…
Đây là một hình thái ngoại giao: Đưa người cửa trước rước người cửa sau...
Sự kiện kiện thứ 4 có liên quan gì ?
Việc cấp tốc bắt giam 2 nhà hoạt động bất đồng chính kiến đó là anh Nguyễn Văn Oai, vừa mới mãn hạn tù năm 2015 và chị Trần Thị Nga ở Phủ Lý Hà Nam vào dịp này là tín hiệu,“ 2 nắm đấm” mà nhà cầm quyền Việt Nam dứ ra để “bảo hiểm” cho chính sách “ đu dây” của mình…
Dư luận lâu nay vẫn cho rằng: “Lệ thuộc Trung Quốc thì mất nước; bắt tay với Hoa Kỳ thì mất Đảng”… Để tránh bị rơi vào “ tử lộ” của những thái cực quan hệ kể trên; để “bảo hiểm” cho chính sách “ đu dây”: Bên cạnh việc tăng cường mua sắm vũ khí, củng cố các liên minh với các nước có tranh chấp với Trung Quốc như Nhật, Ấn Độ; Việt Nam đã chìa tay với Trung Quốc để tránh không bị Trung Quốc gây ra những khó dễ nhãn tiền, còn lâu dài thì tính sau, chia nhau chịu đựng; đồng ý chấp nhận cho Trung Quốc vào đầu tư một số dự án ở những khu vực then chốt như Formosa, Cà Ná-Ninh Thuận…Thao tác này được triển khai đồng hành với thao tác mời Mỹ vào vùng biển Quảng Ngãi để khai thác mỏ khí đốt Cá Voi Xanh, một mỏ khí lớn…
Để đề phòng việc “Chú Sam” ( Hoa Kỳ) cùng với việc mang tiền, thiết bị sang đầu tư làm ăn tại Việt Nam, mang theo cả “món hàng” dân chủ là thứ rất nhó nhằn, rất là “dị ứng” với “ cơ địa” của chính quyền Việt Nam cộng sản. Để dằn mặt những kẻ kinh doanh mặt hàng này, Việt Nam tăng cường bắt bớ những nhà bất đồng chính kiến để phát tín hiệu cảnh báo răn đe…để chứng tỏ các nhóm lợi ích của Đảng vẫn mạnh tay, mạnh cánh…
Qua 4 sự kiện nay cho thấy số phận đắng cay, “ trăm dâu đổ đầu tằm” của con dân đất Việt trước những biến thiên của thời cuộc, đất nước; trước những rủi ro tiềm ẩn của những cú " đu dây"…Họ thường hưởng những phần quà nhỏ nhất nhưng lại gánh những gánh nặng nhất của số phận, đất nước. Trăm họ con dân đất Việt lại phải chịu bao nhiêu hệ lụy không chỉ chi riêng đời họ và con cháu nhiều đời mai sau bởi họ đang sụn lưng vì: phải gánh cõng trên vai mình những toan tính của biết bao thế lực cường bạo!

(ii) Song Chi: Người Việt với T.T. Donald Trump
Kể từ khi Donald Trump trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Cộng hòa rồi Donald Trump đắc cử trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, tôi đã nói chuyện với rất nhiều người châu Âu khác nhau ở Na Uy và một vài nơi khác, từ người Na Uy, người Ý, Tây Ban Nha, Đức, Anh, kể cả người Mỹ nhưng đang sống và làm việc ở Na Uy… tôi chưa hề thấy ai thích Trump cả!
Trong khi đó, có rất nhiều người Việt đang sống ở nước Mỹ hay đang ở trong nước lại ủng hộ Trump, bênh vực Trump một cách khác thường! Ủng hộ một ứng cử viên hay một Tổng thống nào đó là chuyện bình thường nhưng khi ủng hộ đến mức bất cứ ai viết gì, nói gì là vào cãi bất chấp lý lẽ, bất chấp những dữ liệu, bằng chứng mà người khác đưa ra, thậm chí thóa mạ, miệt thị người khác vì không đồng quan điểm với mình, thì đó là bất bình thường.
Tôi đã thấy trên facebook mỗi khi một ai đó viết bài chỉ trích Trump thì rất nhiều người vào ném đá, thóa mạ…Họ không phân tích tại sao bài viết đó đúng sai chỗ nào, họ chỉ tấn công cá nhân bằng đủ thứ từ ngữ. Kinh hoàng thật. Nếu những phản ứng như vậy là từ những người bênh chế độ cộng sản, đám dư luận viên khi ai đó động đến nhà cầm quyền VN, đến ông Hồ thì còn hiểu được, đằng này là Donald Trump-Tổng thống Mỹ. Tại sao thế nhỉ.
(Nói như vậy không có nghĩa là người Mỹ giữa hai phe anti-Trump và pro-Trump không có những biểu hiện quá khích, thậm chí đánh nhau lỗ máu, nhưng bên cạnh đó, như vừa kể trên, vẫn còn có đông đảo những người Mỹ hành động vì lẽ phải, vì Hiến pháp)
Có phải vì đa số người Việt không giỏi tiếng Anh nên không đọc được những nguồn thông tin chính thức, không đối chiếu, fact-check được những thông tin báo này nguồn kia đưa ra? Cũng không hẳn. Có những người ở lâu trên đất Mỹ, sử dụng tiếng Anh không khác gì người bản xứ kia mà. Sự khác biệt ở đây có lẽ vì phần lớn dân châu Âu vốn quen sống trong một môi trường xã hội tự do dân chủ, tôn trọng phụ nữ, tôn trọng nhân quyền, tôn trọng tự do ngôn luận, tự do báo chí, tôn trọng sự khác biệt về chủng tộc, tôn giáo, đa văn hóa, đề cao sự trung thực, dị ứng mọi biểu hiện của sự độc tài… nên khó có thể chịu được một lãnh đạo quốc gia đang đi ngược lại tất cả những giá trị trên như Donald Trump. Đặc biệt khi Trump lại là người đứng đầu một cường quốc vốn được ngưỡng mộ vì những sức mạnh mềm và những giá trị làm nên một nước Mỹ tự do, dân chủ, công bằng, đa văn hóa, đa chủng tộc. Còn đối với người Việt? Có lẽ, những giá trị trên còn chưa thấm vào đa số người Việt. Chẳng hạn,nhiều người Việt vẫn chưa có thói quen tôn trọng tự do ngôn luận, thói quen tranh luận một cách tử tế.
Người Việt ở trong nước thì chưa trải nghiệm sự cọ xát, va chạm, xung đột đề rồi biết chung sống hòa bình, vị tha giữa các chủng tộc, tôn giáo, văn hóa khác nhau; còn nhiều người Việt dù ra bên ngoài sống một thời gian nhưng lại có đầu óc, tư tưởng rất kỳ thị chủng tộc, gọi dân da đen (kể cả Cựu Tổng thống Barack Obama) là dân nhọ, giống khỉ hơn người, gọi người Pakitan là “bọn ba khía”, dân Ả Rập là “bọn rệp”, dân Mexico là “bọn Mễ”, dân Hồi giáo là “bọn khủng bố’ nói chung…
Nhiều người khi có quốc tịch Mỹ thì lại suy nghĩ như mình là người Mỹ trắng mà quên rằng mình cũng là di dân và nếu trước đây chính phủ Mỹ khó khăn, hẹp hòi trong chính sách di dân-một điều mà chính phủ của Tổng Thống Donald Trump đang dần dần áp dụng-thì làm gì có cộng đồng VN đông đúc và khá thành đạt hiện nay như nhiều cộng đồng khác trên đất Mỹ?
Người Việt lại từng quá quen với những nhân vật lãnh đạo nói dối, nói mà không đưa ra bất cứ bằng chứng nào, quá quen với một chế độ độc tài nên những nét tính cách, những biểu hiện trên ở Trump đâu có mùi mẽ gì! Có lẽ lý do lớn nhất mà nhiều người Việt trong hay ngoài nước ủng hộ Trump là vì tin/mong rằng Trump sẽ đánh bại Trung Cộng giùm VN trong khi Obama theo họ là quá yếu mềm với Bắc Kinh, bị Bắc Kinh coi thường? Nhưng với quan điểm “America first”, nếu Donald Trump có làm gì đó như bao vây Trung Cộng về kinh tế (chứ còn chiến tranh giữa hai quốc gia thì rất ít có khả năng xảy ra); hay ngược lại, Donald Trump và Bắc Kinh tìm được cách thương lượng với nhau rồi Trump lại quay sang chơi với Bắc Kinh thì cũng là vì quyền lợi của nước Mỹ (đừng quên đầu óc, tư duy của Trump là của một người làm kinh doanh, thực dụng), VN chả đáng một milligram nào ở đây cả. Vả chăng, chuyện của nước mình mà mình không tự lo lại đi chờ nước khác lo giùm thì khác nào chờ sung rụng?
Điều đáng nói là trong khi tranh luận lại những ý kiến khác mình, có những lập luận thường được những người ủng hộ Donald Trump đưa ra là “nước Mỹ bao giờ cũng đúng”, “dân trí Mỹ rất cao, nên họ đã bầu ai làm Tổng thống là người đó phải giỏi”, hoặc Donald Trump không giỏi sao là một nhà kinh doanh “thành đạt”, là tỷ phú Mỹ được? Đó là một tâm lý đáng buồn của những người dân một nước nhỏ và quen sống trong một xã hội độc tài, cái gì của Mỹ cũng là nhất, và một khi đã là Tổng Thống Mỹ thì không thể có gì khiếm khuyết để mà chỉ trích!
Những cái tâm lý kiểu ấy không có trong phần lớn những người dân châu Âu, Úc, Canada…, hay trong chính người dân Mỹ bởi như đã nói ở trên, Tổng thống hay Thủ tướng, Ngoại trưởng, Chánh Án tối cao gì thì cũng là con người, có khiếm khuyết, có sai lầm, người dân có quyền chỉ trích, biểu tình phản đối, kể cả đòi truất phế nếu cần.
Một lập luận thứ hai dành cho những ai đang sống ở VN hoặc đang sống ở nước khác mà nói về Trump là “lo chuyện nước mình đi, đừng xía vào chuyện nước khác”, hoặc “biết gì về nước Mỹ mà nói”. Nói như vậy tức là không hiểu rằng không chỉ riêng người Việt, mà cả thế giới đều quan tâm theo dõi ai là Tổng Thống Mỹ và những diễn biến trên nước Mỹ. Bởi vì Hoa Kỳ là một cường quốc, đóng một vai trò đầu tàu của thế giới tự do, mỗi một hành động, chính sách của Tổng thống Mỹ, và của nước Mỹ nói chung sẽ ảnh hưởng tới cả thế giới. Nói người khác đừng quan tâm chuyện nước Mỹ cũng không khác mấy với luận điệu của nhà nước VN bảo người dân đừng quan tâm đến chính trị vậy.
Chúng ta đang sống trong một mái nhà chung là Trái Đất, và thời đại này không một quốc gia nào có thể hoàn toàn biệt lập với thế giới. Tất cả đều sẽ ảnh hưởng đến nhau.
Và ơn trời, thời đại này cũng không phải dễ gì cho những cường quốc định theo đuổi con đường hung hăng bá đạo kiểu Trung Cộng hay chủ nghĩa dân túy, phát xít kiểu mới như Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump.
Chỉ buồn là qua những chuyện tranh cãi như cờ vàng cờ đỏ hay Trump, càng thấy người Việt mình còn lâu mới bao dung, dân chủ, còn lâu mới tập tôn trọng sự khác biệt hay biết nghĩ chung cho đồng loại, thay vì chỉ nghĩ đến ai làm lợi cho VN thì ủng hộ bất chấp dù người đó có ra sao, có gây hại gì cho những giá trị chung của nước Mỹ hay của nhân loại.

(iii) Thạch Đạt Lang: Donald Trump và bệnh vĩ cuồng của một số người Việt hải ngoại
Cuối tuần vừa qua, ngày 27.01.2017, tân tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra sắc lệnh cấm nhập cảnh tất cả người Hồi giáo từ 7 nước Syria, Soudan, Somali, Iran, Iraq, Jemen, Libya, đã gây ra những xáo trộn lớn cho tình hình chính trị nước Mỹ.
Đạo diễn Edward Zwick khi quay cuốn phim The Siege năm 1998 với các tài tử Denzel Washington, Bruce Willis, Annette Bening… chắc không bao giờ tiên đoán được tình trạng tương tự, tuy chưa căng thẳng, khốc liệt như được mô tả trong phim, nhưng đã nói lên tâm trạng bất ổn, lo lắng của người Hồi giáo hiện nay trên nước Mỹ.
Nhiều cuộc biểu tình nổ ra ngay tại các sân bay, nơi hàng trăm người thuộc 7 nước nói trên bị giữ lại tại sân bay, chờ trục xuất, cho dù họ có visa nhập cảnh hoặc thẻ thường trú (green card) của Mỹ.
Không bàn đến việc sắc lệnh của ông Trump gây ra sự phản đối, biểu tình khắp nơi, từ các tỉ phú, chủ tịch hội đồng quản trị các tổ hợp lớn nhất nước Mỹ như Mark Zuckerberg, Bill Gates, Warren Buffet, đến việc một chánh án liên bang ở New York, bà Ann Donnelley đã chận sắc luật này lại. Bài viết này chỉ nói đến thái độ vĩ cuồng của một số người Việt hải ngoại đối với ông Donald Trump.
Thái độ vĩ cuồng vì Donald Trump chẳng có gì khó hiểu, những người này hy vọng Trump sẽ tấn công quân sự hoặc trừng phạt kinh tế Trung Cộng, từ đó sẽ dẫn đến chiến tranh Trung – Mỹ hoặc Trung Cộng sẽ kiệt quệ vì kinh tế bị bao vây hay vì chạy đua vũ trang với Mỹ. Khi cộng sản Trung Hoa sụp đổ thì Việt cộng cũng (đương nhiên) chết theo. Họ tin tưởng vào những lời nói, những chính sách đối ngoại cứng rắn mà nội các Trump sẽ thi hành.
Từ niềm tin đó, bất cứ một lời nói, một bài viết của truyền thông, báo chí bất kể là Mỹ hay Việt chỉ trích, phê bình sự mâu thuẫn giữa lời nói, việc làm, những mờ ám trong việc kinh doanh, vi phạm hiến pháp của Donald Trump với những bằng chứng rõ ràng, cũng đều bị ném đá, chụp mũ tới tấp, bị cho là của đảng Dân Chủ, cay cú vì thua trong bầu cử, hay là của truyền thông cánh tả, của Trung Cộng, Việt Cộng… cố tình dèm xiểm hạ uy tín của Donald Trump, tìm cách bài bác, thậm chí là phá hoại, ngăn trở các kế hoạch, sắc lệnh của ông Trump. Có người ở Little Sàigòn còn kêu gọi thành lập ủy ban yểm trợ Donald Trump (Vietnamese Committee to Support Donald Trump).
Những fan Việt cuồng Trump bịt mắt, bịt tai để khỏi thấy cách hành xử bất chấp nguyên tắc, đạo đức, vi phạm hiến pháp, khẩu chiến với truyền thông, báo chí như một bà già mất gà, cũng như không cần đếm xỉa gì đến những cuộc biểu tình chống đối Trump đã và đang diễn ra trên khắp nước Mỹ chỉ một ngày sau khi ông ta nhậm chức. Họ không thấy rằng làn sóng chống đối Trump càng ngày càng lan rộng khắp nơi, từ thương gia đến chính trị gia, từ tỉ phú, chủ tịch các tập đoàn lớn nhất nhì nước Mỹ đến các thượng nghị sĩ của cả 2 đảng Cộng Hòa lẫn Dân Chủ, chánh án, tổng biện lý….
Được biết, hàng trăm luật sư Mỹ lo về di trú tự nguyện không nhận thù lao, đến các phi trường, đề nghị đại diện cho những người Hồi giáo, tranh đấu cho quyền nhập cảnh của họ. Không biết có luật sư VN nào tình nguyện đi làm chuyện này không nhỉ? Có thể có ở đâu đó, nhưng không thấy báo chí đưa tin.
Lệnh cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ cũng khiến nhiều người nhớ đến chuyện tổng thống Franklin D Roosevelt giam lỏng tất cả người Nhật vào các trại tập trung trong thời thế chiến thứ hai. Những người này chỉ được thả ra sau khi chiến tranh chấm dứt. Vậy giả sử rằng, nếu chiến tranh Mỹ – Trung bùng nổ, Việt Cộng ngã theo Trung Cộng và Việt Nam trở thành quốc gia thù địch với Mỹ, liệu người Việt Nam ở Mỹ có bị giam lỏng, bị đưa vào các trại tập trung không? Ai dám bảo đảm rằng viễn ảnh này sẽ không thể xẩy ra vì đại đa số người Việt Hải ngoại đã có quốc tịch và nguồn gốc tị nạn CS? Đừng quên rằng trong số hơn 140.000 người Nhật bị tập trung trong thế chiến thứ II, có những người thuộc thế hệ thứ 2-3 sinh đẻ ở Mỹ.
Đã có nguồn tin nói rằng sắc lệnh cấm người Hồi giáo ở 7 nước kể trên nhập cảnh vào Mỹ có thể mở rộng sang nhiều nước khác. Chương trình  ESTA (Electronic System for Travel Authorization) tức nhập cảnh vào Mỹ không cần Visa, dành cho công dân các nước Liên Âu như Pháp, Đức, Ý, Anh, Hy Lạp… có thể sẽ bị hủy bỏ. Thay vào đó, người dân các nước này sẽ phải làm đơn xin Visa như trước.
Tin mới nhất về sắc luật cấm người Hồi giáo vào Mỹ cho biết, ông Trump vừa cách chức quyền Bộ trưởng Tư pháp (Attorney General) là bà Sally Yates vào tối thứ hai 30.01.2017. Ký giả Anthony Zurcher của đài BBC đã đưa tin vụ cách chức này, gọi đó là Thảm sát tối thứ hai với một dấu hỏi. Chuyện này khiến nhiều người dân Mỹ nhớ lại việc tổng thống Richard Nixon phải từ chức trong vụ bê bối Watergate. Ngày 20.10.1973, chỉ trong một đêm Nixon cách chức bộ trưởng tư pháp William Ruckelshaus sau khi vừa bổ nhiệm ông này chỉ vì Ruckelshaus từ chối không thi hành lệnh của Nixon, trước đó người tiền nhiệm của Ruckelshaus cũng từ chức, phản đối lệnh của Nixon là phải sa thải ủy viên đặc nhiệm, GS Archibald Cox.  Nhưng chỉ ít tháng sau, Nixon phải từ chức để khỏi bị truất phế nhục nhã.
Nhận định về chuyện này, một người bạn của tôi nói rằng, rất thích ông Donald Trump vì đây là một tổng thống dám nói, dám làm, không xìu xìu, ển ển như Barack Obama, luôn hành động dứt khoát, không làm theo lệnh là sa thải ngay, tổng tư lệnh quân đội thì phải như thế mới xứng đáng. Tôi nhắc nhở anh bạn rằng, trong thời chiến thì tổng thống Mỹ đúng là tổng tư lệnh quân đội, nhưng trong thời bình thì không, nước Mỹ không phải là một trại lính, hơn nữa, 340 triệu người dân Mỹ không phải là lính. Anh bạn tôi dường như cũng không biết gì về Nixon và vụ Watergate. Bạn ơi! Hãy coi phim  The Siege để nhìn lại thân phận của mình.

(iv)  Đằng Giao & Khoa Lại (NV): Ảnh hưởng của sắc lệnh di trú đối với người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Thứ Sáu tuần rồi, Tổng Thống Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp tạm ngưng nhận di dân từ bảy quốc gia Hồi Giáo trong 90 ngày, và đình hoãn chương trình nhận người tị nạn trong 120 ngày. Ngoài ra, sắc lệnh cũng ngưng nhận người tị nạn Syria vô thời hạn. Bảy quốc gia mà Sở Di Trú Hoa Kỳ sẽ không cấp visa cho công dân của họ trong lúc này là Iraq, Iran, Syria, Somalia, Sudan, Libya, và Yemen. Sau khi sắc lệnh được ban hành, có nhiều lộn xộn và hiểu lầm xảy ra, đặc biệt với một số thường trú nhân, tức là người có “green card,” qua việc xuất nhập cảnh tại các phi cảng quốc tế của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, một số luật sư có những lời khuyên nhủ khác nhau gởi đến cộng đồng:
- Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên, có văn phòng tại San Jose, nói: “Đây là biện pháp của ông Trump để đối phó với những nước mà ông cho là có thể là mối đe dọa trực tiếp đến nền an ninh của Hoa Kỳ. Hiện giờ, những người muốn về thăm Việt Nam chưa có gì phải quan tâm cả.”. “Luật di trú của Mỹ là một bộ luật hết sức phức tạp cho nên không ai có thể thay đổi, một sớm, một chiều được,” ông trấn an.
- Luật sư Darren Nguyễn Ngọc Chương, chuyên trách về di trú, có văn phòng tại Irvine, nói: “Tôi chưa thấy sắc lệnh này của ông Trump có ảnh hưởng gì đến người Việt tại Hoa Kỳ cả. Tuy vậy, vì ông Trump có lập trường rất hà khắc với những người có tiền án nên tôi khuyên những ai từng lôi thôi với pháp luật thì không nên rời khỏi nước Mỹ lúc này. Nếu có việc phải đi thì nên tham khảo cẩn thận với luật sư, xin giấy tờ quay lại Mỹ rõ ràng rồi mới đi.”
- Luật Sư Huy Nguyễn, có văn phòng tại Philadelphia, cho hay: “Ngay lúc này, sắc lệnh của ông Trump không trực tiếp nói gì về những người gốc Việt cả. Nhưng đừng vì thế mà tin chắc rằng ngày mai, ngày mốt, mình sẽ không sao. Tôi khuyên cộng đồng chúng ta nên tham gia biểu tình chống lại sắc lệnh này của ông Trump, bởi vì không ai tiên liệu được hành động của ông ấy.”
- Luật Sư Steven Tuấn Phạm, có văn phòng tại Houston, nói: “Sắc lệnh này của ông Trump không nhắm vào người gốc Việt. Tôi vẫn khuyên những người Việt nào đang ở trong bảy quốc gia Hồi Giáo bị cấm cửa, mà muốn vào Mỹ, nên qua nước khác hoặc quay về Việt Nam xin visa.”
Cũng trong mấy ngày qua, trên một số trang mạng xã hội, có người đưa lên mẫu đơn I-407, làm một số người không hiểu gì cả và bàn tán xôn xao. Về việc này, Luật Sư Steven Tuấn Phạm giải thích: “I-407 là một tờ đơn của Sở Di Trú, mà nhân viên hàng không có thể phát cho hành khách có Thẻ Xanh, để hỏi những người này có muốn từ bỏ Thẻ Xanh hay không, nhất là đối với những người rời khỏi nước Mỹ hơn một năm. Dĩ nhiên là không nên ký tên vào mẫu đơn này. Bởi vì, khi ký vào, có nghĩa là tình nguyện từ bỏ Thẻ Xanh của mình. Nhưng nếu lỡ ký thì phải nhờ luật sư di trú xin khiếu nại ngay.”
Về điều khoản tạm ngưng tất cả các chương trình tị nạn trong 120 ngày của sắc lệnh, một số người Việt xin tị nạn, đang chờ cấp visa, chắc chắn bị ảnh hưởng vào lúc này.
- Luật Sư Trịnh Hội, giám đốc điều hành tổ chức VOICE, kể: “Tôi biết một gia đình người Việt Nam gồm ba người, đang ở Thái Lan, đã được chính phủ Mỹ công nhận tư cách tị nạn cách đây bốn năm, sau khi đã được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) công nhận.” .“Họ đã làm xong xuôi hết tất cả các thủ tục ở Thái Lan, đã được một gia đình bên Mỹ bảo trợ. Họ cũng đã đặt xong vé máy bay và chỉ còn chờ ngày 22 Tháng Hai là lên đường đi Mỹ. Thế nhưng bây giờ, vì sắc lệnh của Tổng Thống Trump mà chuyến bay của họ phải đình lại, không biết đến bao giờ,” Luật Sư Hội nói tiếp. Ông nói thêm: “Ông Trump cách chức Sally Yates, quyền bộ trưởng tư pháp, vì bà không bênh vực sắc lệnh này của ông.”.  Bà Yates cho rằng, sắc lệnh này vi hiến, nên bà không bênh vực.
Theo điều khoản số 5 trong sắc lệnh, ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ hoãn chương trình tị nạn (USRAP) 120 ngày để phối hợp với Bộ Nội An và giám đốc Tình Báo Quốc Gia thẩm định tình hình và đề nghị những thủ tục cần thiết để bảo đảm người tị nạn không gây nguy hại cho nước Mỹ. Luật Sư Steven nói: “Riêng về việc này, ông Trump chỉ làm rùm beng mà thôi. Dưới quyền những tổng thống khác, thời gian 120 ngày để thẩm định này vẫn được áp dụng. Chỉ có khác là lúc trước người tị nạn được nhận trước, thẩm định sau. Bây giờ ngược lại, thế thôi.”
Luật Sư Hội nhận xét: “Trước đây, nước Mỹ nhận người tị nạn nếu họ chứng minh được là bị ngược đãi tại quê hương mình. Bây giờ, một người tị nạn, trước khi được vào Mỹ, phải chứng minh rằng mình sẽ đem lại lợi ích cho Mỹ.” Ông nói một cách bực tức: “Đã bị đàn áp, phải bỏ nước ra đi, làm sao có thể chứng minh mình sẽ đem được lợi ích cho Mỹ? Điều này vi phạm Công Ước Liên Hiệp Quốc về dân tị nạn mà chính nước Mỹ đã ký kết.” Những năm trước, mỗi năm có tới 90,000 người tị nạn được nhận vào Mỹ. Năm nay, sẽ có khoảng 50,000 người thôi, theo Luật Sư Trịnh Hội. Ông lo âu: “Người Việt tị nạn còn quá nhiều, mà ông Trump đang khép cánh cửa cho chúng ta hết phân nửa rồi.” Với giọng cương quyết, ông Hội nói: “Là con của người tị nạn Việt Nam, tôi mong cộng đồng chúng ta, cộng đồng của những người tị nạn, phải có tiếng nói để bênh vực quyền lợi cho những người tị nạn đến sau chúng ta.”
Chú thích thêm: 
Cát Linh (RFA): Nếu khách quan để nói về chính sách di dân mới này đối với tất cả những cá nhân thuộc các quốc gia bị ảnh hưởng thì anh có nhận định thế nào?
Ls Trịnh Hội: Cũng khó nói là khách quan vì mình là con của một người Việt tị nạn, của một thuyền nhân Việt Nam. Ông Trump là một ông tỷ phú người da trắng. Cái nhìn của Trịnh Hội với cái nhìn của ổng chắc chắn là khác nhau rồi. Điều mà Trịnh Hội đáng tiếc là có một số người Việt tị nạn trước đây được sang Mỹ định cư và bây giờ trở thành người Mỹ và họ ủng hộ quyết định của ông Trump. Nói thật lòng, nếu như vào thời điểm mà họ là những thuyền nhân sống lây lất ở các trại tị nạn, và nếu như lúc đó ông Trump lên làm tổng thống thì chắc chắn một điều, việc mà họ đến Mỹ sẽ dài hơn, lâu hơn, nếu không muốn nói là không được vô. Nhưng, đời nó là như vậy. Trịnh Hội biết vẫn có rất nhiều người Việt Nam hiẹn giờ chống lại chính sách rất hà khắc, khắc khe với người tị nạn. Trịnh Hội là một người Việt tị nạn, con của một thuyền nhân Việt Nam. Vì vậy sẽ luôn luôn ủng hộ quyền và những gì người tị nạn cần phải được hưởng, bất kể họ là người Việt Nam hay những người tị nạn khác.

(v) Ts Nguyễn Thị Từ Huy: Quyền lực lãnh đạo đối diện quyền lực của nhân dân
Tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ lên nhậm chức khiến cho một bộ phận lớn người Mỹ lo lắng, Châu Âu cũng đã bộc lộ sự lo lắng trên mặt báo và trong các cuộc hội thoại hàng ngày. Nhiều lý do khiến Châu Âu phải lo lắng, trong đó có việc một số phát ngôn của Trump trong chiến dịch tranh cử và những quyết định của Trump trong những ngày đầu nhậm chức đi ngược lại với các giá trị mà Châu Âu muốn bảo vệ.
Việc Trump thắng cử được một số nhà phân tích nhìn nhận như là một bằng chứng cho sự thiếu hoàn hảo hay là sự bất cập của các nền dân chủ trên thế giới (người ta ngay lập tức nhớ lại rằng Hitler lên nắm quyền cũng là nhờ cơ chế bầu cử dân chủ). Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa một nền chính trị dân chủ và một nền chính trị độc tài là ở chỗ : Trump không thể bịt miệng dân chúng (như ở các nước độc tài) để muốn nói gì thì nói và muốn làm gì thì làm. Điều đã xảy ra và sẽ xảy ra : người Mỹ không im lặng để cho Trump phát ngôn hay hành động một cách vô tội vạ. Họ đã và sẽ phản ứng. Và chúng ta còn chưa biết phản ứng sẽ đi tới đâu.
Ngay sau khi Trump trúng cử, các cuộc biểu tình chống Trump đã nổ ra. Và ngay sau ngày Trump nhậm chức, khoảng 600 cuộc biểu tình chống Trump đã diễn ra trên nước Mỹ và khắp thế giới. Pháp lệnh cấm di trú của Trump vừa ban hành thì cũng ngay lập tức các cuộc biểu tình bùng phát trên các sân bay của nước Mỹ. Báo chí hôm 30/1/2017 cho biết đã có hơn một triệu người Anh ký kháng thư chống lại chuyến viếng thăm của Trump tới nước Anh.
Sau hai tuần Trump nhậm chức, điều mà hiện nay ta có thể ghi nhận là các chính sách mang tính cưỡng bức và cấm đoán (xây tường, pháp lệnh cấm di trú…) của Trump đã gây ra những phản ứng chống đối mạnh mẽ của người dân Mỹ nói riêng và người dân ở các nước dân chủ nói chung. Và để chống lại sự phản ứng đó thì các chính sách của Trump càng ngày càng nhất quán hơn với đường lối cưỡng bức và cấm đoán của ông ta. Chính trường Mỹ và xã hội Mỹ đang là nơi đụng độ của hai ý muốn, hai khuynh hướng rất khác nhau. Nhiều người không phải không có lý khi cho rằng Trump là vị tổng thống gây chia rẽ và gây bất ổn cho nước Mỹ và cho thế giới.
Và một điều nữa mà ta cũng có thể ghi nhận : dù Trump (một người có khuynh hướng quản trị và giải quyết vấn đề bằng cấm đoán) được bầu lên làm tổng thống, thì không thể phủ nhận rằng nền chính trị Mỹ là một nền chính trị dân chủ. Sự cấm đoán của Trump đang gợi lên một làn sóng phản kháng khắp nơi. Người dân Mỹ đang chứng tỏ quyền lực của họ bằng những cuộc xuống đường liên tục, báo chí Mỹ cũng đang chứng tỏ quyền lực của mình bằng cách đề cập một cách trực diện tất cả mọi bình luận và phân tích về tổng thống. Các chính sách mang tính cưỡng bức của Trump đang khơi dậy động năng của xã hội Mỹ.
Trump không thể lãnh đạo nước Mỹ một cách dễ dàng như có lẽ ông ta vẫn tưởng. Cuộc đụng độ giữa quyền lực lãnh đạo và quyền lực nhân dân vẫn đang diễn ra trên nước Mỹ. Và thế giới sẽ còn chứng kiến nhiều điều thú vị từ nay cho đến khi cuộc đụng độ đó kết thúc, dù ta chưa biết nó sẽ kết thúc dưới hình thái nào. (Paris, 31/1/2017)

*** Huy Đức: Bằng tư tưởng của Lenin, Trump sẽ làm cho nước Mỹ "Vĩ đại trở lại"
Cố vấn chiến lược của Trump – người có mặt trong các cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) trong khi Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng và giám đốc cơ quan tình báo quốc gia (DNI) bị loại – Steve Bannon, theo bài báo này, tự hào nhận mình là một “Leninist”, cha đẻ của nên “dân chủ tập trung”. Bannon nói rằng, ông ta thích ý tưởng “thủ tiêu nhà nước” của Lenin; muốn nghiền nát tất cả, phá hủy tất cả những nền tảng, thiết chế (nhà nước) hiện có.
Các thiết chế quyền lực của Mỹ (không chỉ tư pháp, lập pháp mà cả xã hội dân sự…) đã bị dựng dậy trong mấy ngày qua trướcthách thức của Trump và Bannon (người được nói là tác giả của sắc lệnh gây tranh cãi nhất). Đây không phải là một cuộc chiến đơn thuần về quyền lực, đây là cuộc chiến để người Mỹ bảo vệ các giá trị mà họ xây đắp suốt hơn 240 năm qua.
Như Đức Giáo hoàng nói, “Hitler không cướp chính quyền, ông ta đuợc công dân bầu và ông ta phá hoại dân tộc của mình”. Trump cũng được bầu lên, vấn đề là người Mỹ có để cho lịch sử lặp lại, người Mỹ có để Trump đủ sức “phá hoại nền dân chủ” của mình không.
Tôi rất thích nhận định của nhà báo Nguyen Qui Duc, có thể Trump chính là người sẽ giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại, không phải bằng cách thực hiện những gì mà Trump đã hứa mà bằng sự đe dọa của chính ông ấy. Nước Mỹ sẽ không bị ru ngủ trong các giá trị tưởng như bất khả xâm phạm nữa, người Mỹ đã đứng dậy, các thiết chế của nền dân chủ Mỹ đã được báo động, đang vận hành để ngăn chặn sự lũng đoạn của Trump.

II. Văn Nghệ
(i) Trần Khải Thanh Thủy: Ố là là
Sáng nay đi học, gặp một người quen từ cả chục năm trước tại Việt Nam. Ngạc nhiên qúa vì thấy chị ta cũng chung một trường cao đẳng với mình( Cosumnes River College), liền hỏi: - Ôi! Chị ở đây à? Sang lâu chưa? Không ngờ trái đất tròn nhỉ?
Chị cười , nhắc lại: - Lần đầu gặp chị ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng Hà Nội, mình xin điện thoại, xin địa chỉ của bà con để đến nhà chị. Đang còn ngỡ ngàng chưa biết giới thiệu làm quen thế nào thì chị đã bảo: “Ồ hay nhỉ, thế là cả thế giới quen biết nhau rồi”. Hôm nay không ngờ “cả thế giới lại gặp nhau” ở đây.
Trả lời câu hỏi của mình, chị bảo: - Mình sang được hơn một năm nên mới chân ướt chân ráo đến trường được vài hôm, còn chị học đến đâu rồi?. 
- Ồ! Mình trả lời cho qua: -Học để mỗi tháng có 500 USD của chính phủ ấy mà, còn chữ nghĩa rơi táo tác dọc đường về hết cả , có ăn thua gì đâu .
Chị bảo:- Còn mình ngược lại, chỉ mong đủ một năm để được đến trường, kiếm chữ bỏ bụng, dù là chữ...Mỹ đánh chữ Việt cũng được, kẻo làm ở tiệm Nail mà biết không qúa vài chục chữ, quanh đi quẩn lại chỉ: “Yes, No, Hi, I am sorry, Hello, Good morning, Good afternoon... Nhiều khi bị bọn trẻ lừa, dạy cho mấy câu: “No star where”(không sao đâu), Like is afternoon”(Thích thì chiều) “Umbrella- tomorrow” ( Ô mai) cứ tưởng thật, bị chủ đuổi thẳng cánh cò bay... Giờ một tuần đi học bốn ngày, ba ngày cuối tuần đi làm để có tiền trả tiền nhà, tiền ăn hàng tháng...
- Ô! Mình ngạc nhiên: - Ông xã và các cháu đâu? Sao lại “đơn thương độc mã” ở xứ Người thế này?
Chị tâm sự: - Ông xã cũng thích sang, nhưng lạc đường nên sang hẳn ...thế giới bên kia từ vài chục năm nay rồi chị à. Bốn đứa con gái lớn cả, theo chồng bỏ cuộc chơi, bỏ mẹ già lủi thủi một mình. Nên nghe người nọ người kia mách, mình bèn túm lấy một ông Việt Kiều già để kết hôn
- Ồ! mình thốt lên: - Đi bằng chân chồng, làm “phi nhân” ** thì tốt qúa rồi.
Chị nhíu mày, vài nếp nhăn dựng đứng như một dấu gạch trên vầng trán phẳng, mịn : - Phải bán cả cái nhà hơn một tỷ, mới gom đủ 40 nghìn USD để mua chồng đấy chị à...
- À! Hóa ra là kết hôn giả à?
-Vâng, cũng tại câu đùa của chị từ ngày xưa thôi:
“Giá bao nhiêu một tấm chồng
Thì em cũng bỏ đủ đồng ra mua” **
Ngắm chị súng sính trong bộ quần áo mới, mình an ủi: - Thôi! Được sang Mỹ là may rồi. Nhiều người muốn “đuổi Mỹ quá đà” như chị em mình mà còn không được kia.
- Đúng rồi đấy! Chị kể: - Mấy cô ham chồng ngoại, yêu nhau qua mạng ảo, bị lừa cả tỷ đồng mà chỉ biết lên đồn công an mếu méo: “Biết thế này thà em bỏ cả tỷ đồng vào việc xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội còn hơn”
...Cũng may cả hai chị em “phi nhân” nhà mình cùng trống tiết nên kéo nhau vào căng tin của trường "củng cố dạ dày" rồi chuyện tràn cung mây luôn. Mình hỏi : - “New husband” thế nào, có dễ thương như ông “Ex- husband” không?
-Ôi! chị bảo: - Con cá đã mất bao giờ chả lá cá to hả chị? Mình bây giờ vẫn vậy thôi. Tất nhiên trên danh nghĩa là vợ chồng, nhưng ông ấy chỉ thuê giúp mình một phòng để có địa chỉ chứng minh với chính phủ thôi. Còn tiền thì mình phải trả, ăn uống cũng tự lo. Một tuần ông ấy qua lại vài lần gọi là có bóng chồng trong nhà để mọi người khỏi nghi ngờ, dị nghị ấy mà.
- Thế ông ấy có con cái gì không?
- Có chị ạ, nhưng là hôn nhân giả, lại bị mẹ chúng nó bỏ từ chục năm trước nên ông ấy làm gì có nhà cửa, tài sản gì? Chẳng qua không muốn thành homeless, hay vào nhà “giữ lão” nên phải bán mình lấy 40 nghìn USD thôi
“Hay thật! Tôi giật mình thán phục trước cách dùng từ của chị, không phải nhà dưỡng lão mà là nhà “giữ lão”, như trẻ con nhỏ tuổi , người ta gọi là nhà trông trẻ hoặc nhà giữ trẻ, chứ có gọi là nhà... dưỡng trẻ đâu? Ở Mỹ dù hệ thống y tế, giáo dục nhất nhì thế giới, nhưng vẫn buồn thảm thiết. Đồ đạc tiện nghi, thiết bị y tế sang trọng, bóng lộn, nhưng ai bước vào cũng phải...giật mình sợ hãi trước tương lai, vì một khi đã “chống gậy khươ vào hoàng hôn”, “xe đời ga cuối đã chờ”, cơ thể rệu rã như cái lồng ọp ẹp, không nhốt nổi nỗi buồn, nỗi đau của mình, cứ trào chạt hết cả ra ngoài thì còn gì để dưỡng ? Chẳng qua đến độ tuổi “kháu lão” rồi thì phải vào đó để có người “giữ” cho mình khỏi làm phiền gia đình, xã hội, chuẩn bị nhập nhà trẻ của Diêm Vương thôi
Hỏi chị: Cảm nhận về nước Mỹ thế nào? Chị cười bày tỏ: - Tuyệt vời chị ạ. Mình đi học một năm được 6.400 USD, lại đi xe bus không mất tiền. Cuối tuần nghỉ liền ba ngày làm nail , không lo thuế má gì, nên mỗi tháng trừ tiền phòng, tiền ăn cũng bỏ ra được cả nghìn đô- Hơn 20 triệu ở Việt Nam rồi. Nếu tính chi li, chỉ sau 3 năm là hoàn lại phí mua chồng ...Chính vì thế, 6 tháng vừa rồi mình tìm được vài đám cho mấy bà bạn tuổi sồn sồn như mình rồi đấy.
- Chết! Chết! Mình kêu: - Nếu ai cũng làm như chị, bán cả nhà cửa vườn tược để đủ tiền ra đi như thế này thì lấy ai là người xây dựng xã hội chủ nghĩa đàng hoàng, to đẹp?
Chị cười, mắt tít như hai sợi chỉ: - Mình phải theo gương các vị lãnh đạo cộng sản chứ chị. Vài chục năm trước, chúng nó nêu khẩu hiệu: “ Còn cái lai quần cũng đánh”. “ Bám lấy thắt lưng địch mà đánh”. Rồi “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh Mỹ Ngụy”. Bây giờ lại theo Mỹ đến cùng, đuổi hết cả con cái cùng của cải vàng bạc sang Mỹ. Mua nhà sịn, sắm xe đắt tiền ở Mỹ ...
- Ô là là! Mình kêu lên khi phát hiện ra một chân lý vô cùng sống động: “Hóa ra con cái lãnh đạo cộng sản thì bị cha mẹ thẳng thừng đuổi sang Mỹ ở, còn “ bọn ngụy quân ngụy quyền” và con cái họ lại được phép ở lại để tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội à?” . Hay thật.
Vừa hết giờ nghỉ, hai chị em “phi nhân” nhà mình cùng vui vẻ chia tay vào lớp học.  (TKTT - Sacramento January 30. 2017)
* Ca dao Việt Nam //  **Phi nhân: Nói vui theo kiểu “Thuyền nhân” là vượt biển bằng thuyền, còn Phi nhân là vượt qua biên giới bằng phi cơ (Máy bay).

(ii) Quan Dương: Đón năm Dậu nói xấu con gà
Con gà cục tát lá chanh
Còn em không tát nhưng anh sưng hồn
Vết sưng từ thuở biết khôn
Rêm mình theo đến hoàng hôn bây giờ 
Nhờ sưng anh biết làm thơ
Biết nịnh nọt dẫn dại khờ đi hoang
Con gà nó đẻ trứng vàng
Đâu bằng em rất rõ ràng kim cương
      Gập ghềnh qua những khúc đường
      Cùng anh chia ngọt xẻ thương xế chiều
      Con gà nó yêu yếu sìu
      Không dám thí cái mạng liều giống anh
      Con gà đôi lúc lưu manh
      Sáng em còn ngủ đoạn đành gáy chơi
      Phá em sẫy giấc mơ rơi
      Có anh đang đứng đợi nơi hẹn hò
Dù anh giờ tuổi cũng già
Nhưng khi anh gáy rất là đôi khi
Con gà chẳng tốt lành gì
Yêu xong còn ngạo đời thì thế thôi
Quay lưng phụ rẫy tức thời
Khác anh ở chỗ suốt đời còn mê
Con gà không biết làm thơ
Thất tình chỉ biết dầm mưa một mình
      Co đầu rút cổ xấu ình
      Hai cánh cù rủ má nhìn không ra
      Anh tuy đôi lúc sa đà
      Bồ đá bất quá muối chà vết thương
      Một điều có lẽ khác thường
      Khi con gà nuốt dây thun trợn tròng
      Giống anh kiếp sống lưu vong
      Quay nhìn lực bất tùng tâm quê nhà.  (QD - Xuân Đinh Dậu 2017)
.............................. .............................. .............................. .........................
Kính,
NNS

Không có nhận xét nào: